Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

32. Quan hệ Nga - NATO

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ hai, ngày 21/5/2012
TTXVN (Angiê 16/5)
Vấn đề phòng thủ tên lửa
Mạng tin “Nghiên cứu chiến lược quốc tế” mới đây đăng bài phân tích về mối quan hệ giữa Nga và NATO trong vấn đề phòng thủ tên lửa của Giáo sư Hall GARDNER, Trưởng khoa chính trị quốc tế-Đại học Mỹ tại Pari (Pháp), nội dung như sau:
Năm 2007 xuất hiện một lựa chọn có khả năng giữa Mỹ, NATO và Nga trong hợp tác quốc phòng xích lại gần nhau hơn khi Nga đề xuất triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa (MD) phối hợp giữa Mỹ và Nga tại Armavir, bên bờ biển Đen của Nga. Những kêu gọi của Nga nhằm ký kết một hiệp ước châu Âu-Đại Tây Dương có thể làm hài lòng bởi sẽ thiết lập 3 trung tâm, gồm Trung tâm hợp tác an ninh tại Kaliningrad, Trung tâm quốc phòng tại Sebastopol và Trung tâm hòa giải xung đột/duy trì hòa bình tại Cộng hòa Síp.
Những cảnh báo tháng 11/2011 của tướng Nikolai Makarov, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, cho thấy sự bành trướng của NATO đã bất ngờ làm gia tăng nguy cơ Nga tham gia giải quyết các cuộc xung đột khu vực. Điều này cần phải được tính toán nghiêm túc. Tướng Makarov cũng cảnh báo rằng các cuộc xung đột khu vực có thể biến thành các cuộc chiến tranh quy mô lớn với vũ khí hạt nhân trong một số điều kiện, Tổng thống Nga Medvedev cũng một lần nữa đe dọa sẽ triển khai vũ khí hạt nhân tại Kaliningrad nếu Nga và NATO không đạt được một thỏa thuận liên quan đến các kế hoạch lá chắn phòng thủ tên lửa mà Mỹ mong muốn. Nga sẽ có thể hủy bỏ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) Mới và ngừng các cuộc đàm phán khác về vấn đề kiểm soát vũ khí. Những đe dọa của Nga được đưa ra sau khi Oasinhtơn thông báo sẽ ngừng chia sẻ dữ liệu với Nga trong khung cảnh xem xét lại Hiệp định Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) được ký kết năm 1990 mà Nga đã ngừng tham gia vào năm 2007.
Theo quan điểm của Nga, giai đoạn 4 của “Cách tiếp cận thích hợp theo giai đoạn” của NATO vượt xa hơn tham vọng ngăn chặn các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Iran khi sẽ “triển khai một hệ thống tên lửa đánh chặn có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gây cản trở sức mạnh răn đe hạt nhân của Nga”. Về phần mình, NATO đã nhấn mạnh sẽ cần triển khai hai hệ thống lá chắn tên lửa độc lập nhằm trao đổi thông tin. Còn Nga lại đề nghị một hệ thống tương tác chung. Mátxcơva cũng đã nhấn mạnh “những đảm bảo ràng buộc hợp lệ” để Mỹ không sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này cũng như các rađa hiện đại chống Nga. Tuy nhiên, chưa chắc Mỹ sẽ chấp nhận ký một hiệp định ràng buộc pháp lý. Khuynh hướng “gây sức ép” của Nga đang kích động một tình huống luôn thất thường và có nguy cơ dẫn đến một hành động tự quyết nguy hiểm. Chủ đề nhắc đến ở đây cũng như một văn bản hợp lệ sẽ không ngăn cản được một cuộc xung đột tiềm tàng. Cách thức duy nhất loại bỏ xung đột là tiếp tục lựa chọn hợp tác xích lại gần nhau giữa NATO, châu Âu và Nga nhằm chứng minh những dự định tốt đẹp. Yêu cầu của Nga về những bảo đảm hợp lệ cần được cân bằng với một sự hợp tác NATO-Nga thực sự hướng đến những ưu tiên an ninh và quốc phòng để cuối cùng dẫn đến việc thiết lập một sự hiểu biết Nga-Mỹ.
Những kêu gọi của Nga về một hiệp ước châu Âu-Đại Tây Dương có thể làm hài lòng các bên bằng cách thiết lập 3 trung tâm hợp tác an ninh, quốc phòng và trung gian hòa giải xung đột như đã đề cập ở trên. 3 cơ quan này sẽ phải đối mặt với những vấn đề khác nhau, trong đó có những tranh chấp và xung đột đang gia tăng tại các khu vực trên, tiếp tục làm tổn hại quan hệ chính trị-quân sự giữa NATO với Nga và trong không gian châu Âu-Đại Tây Dương.
Mỗi trung tâm phối hợp sẽ phải làm việc dưới sự chỉ huy cua Hội đồng Nga-NATO và phối hợp với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Mỗi trung tâm sẽ hỗ trợ thiết lập các giải pháp tạo dựng lòng tin và điều phối các hoạt động an ninh và quốc phòng tại mỗi khu vực. Các trung tâm này sẽ cung cấp một sự bảo vệ chung cho Nga và NATO, thiết lập các tuyến đường vận chuyển nhiên liệu và trang thiết bị cho các đối tác để duy trì hòa bình và áp dụng các giải pháp chống lại các hoạt động khủng bố. Các trung tâm cũng có thể giúp đưa ra các giải pháp an ninh để giải quyết các cuộc xung đột và duy trì hòa bình, hỗ trợ các dự án phát triển và tái thiết hậu xung đột ở những nơi thích hợp. Mỗi trung tâm sẽ làm việc với OSCE, Liên hợp quốc (LHQ), Hội đồng đối tác châu Âu-Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu (EU) và Ủy ban châu Âu (EC), tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB), Cộng đồng kinh tế Biển Đen (CEMN), Ngân hàng thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế thích hợp khác. Các trung tâm cũng cần phối hợp hiệu quả các hoạt động chung với một số tổ chức phi chính phủ (NGO) để có thể cung cấp sự hỗ trợ bổ sung. Nói cách khác, các trung tâm trên ban đầu có thể chỉ liên quan đến hoạt động phối hợp riêng về an ninh và quốc phòng, song cũng cần liên quan đến các mặt xã hội, chính sách phát triển và tái thiết để ngăn ngừa khả năng xung đột trong tương lai.
Trung tâm quốc phòng tại Sebastopol
Trung tâm đặt tại Sebastopol, có quan hệ đối tác với Ủy ban NATO Ucraina, sẽ tìm cách phối hợp quan hệ giữa NATO, EU và Nga tại khu vực Biển Đen/Cápcadơ mở rộng nhằm nỗ lực thiết lập một “cộng đồng an ninh và phát triển khu vực mới”. Ngoài trách nhiệm chung của NATO và Nga là bảo vệ các tuyến đường quá cảnh vận chuyển năng lượng, các đường ống và cơ sở hạ tầng, trung tâm quan trọng này cũng sẽ cải thiện các giải pháp phối hợp chống buôn lậu vũ khí, ma túy, buôn người, chủ nghĩa khủng bố. Trung tâm chịu trách nhiệm đối với hệ thống phòng thủ tên lửa chung Nga- NATO, duy trì hòa bình thông qua Hiệp ước đối tác vì hòa bình (PFP) liên quan đến các cuộc xung đột tại khu vực Biển Đen/Cápcadơ, tương tự như các thỏa thuận duy trì hòa bình Mỹ-NATO-Nga được ký năm 1995 tại Dayton, bang Ohio (Mỹ) liên quan đến Liên bang Nam Tư cũ.
Mối đe dọa tiềm tàng từ các tên lửa và vũ khí hạt nhân của Iran đã bắt đầu mang lại một “phép biện chứng bất an-an toàn”. Điều này bắt nguồn từ một sự cạnh tranh lớn về chạy đua vũ trang kéo theo việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (MDS) và nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến khác trong toàn bộ vùng Trung Đông – một sự cạnh tranh vũ trang đã bắt đầu làm Mỹ, Pháp và Anh cũng như Nga lo ngại. Tổng thống Mỹ Obama đã bắt đầu triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa cũng như các hệ thống rađa tiên tiến trong khung cảnh “Cách tiếp cận thích nghi từng giai đoạn” tại Ba Lan, Rumani, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ – nước láng giềng của Iran và là thành viên NATO, điều này đã gây ra những phản kháng từ người Iran. Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức khác vì đã cho phép triển khai các hệ thống phòng thủ trên bởi cùng lúc hệ thống này giúp Ixraen chống lại một cuộc tấn công đáp trả từ phía Iran. Nhưng điều này chỉ thực sự đúng nếu Ixraen tiếp tục từ chối cam kết tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với người Palextin, như đã cam kết với Liên đoàn Arập năm 2007 và với Tổ chức Hội nghị Hồi giáo năm 2008.
Nếu không có một giải pháp ngoại giao cho cuộc tranh chấp với Iran, nguy cơ từ các chương trình tên lửa và năng lượng hạt nhân của Iran sẽ có thể dẫn đến hành động phổ biến tên lửa và vũ khí hạt nhân trong toàn khu vực cộng với khả năng hạt nhân của Ixraen đã hiện hữu. Mặt tích cực là Nga đã từ chối cung cấp cho Iran hệ thống phòng không S-300, song Iran đã thông báo xây dựng một hệ thống phòng không cho riêng mình, có khả năng được Bắc Triều Tiên hỗ trợ. Tuy nhiên, trong khi Nga thừa nhận mối đe dọa từ các tên lửa của Iran như một mối đe dọa tiền tàng chống lại các lợi ích riêng của mình thì Mátxcơva cũng lo ngại hệ thống lá chăn tên lửa và các rađa của Mỹ sau cùng lại nhắm vào Nga chứ không phải Iran.
Dường như đề xuất của Mátxcơva nhằm triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa phối hợp Mỹ-Nga tại Armavir bên bờ biển Đen của Nga có thể được hâm nóng trở lại trong bối cảnh mới, dưới hệ thống của Trung tâm tại Sebastopol. Một lựa chọn khác có thể là việc triển khai các hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại các căn cứ hải quân ở Sebastopol dưới sự chỉ huy chung của Nga, NATO và hợp tác với Ucraina. về điểm này, điều quan trọng là NATO và Nga cần phải xác định có cần phân tích kỹ các chương trình quân sự của mình liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa và các khả năng phòng thủ khác xem chúng có hài hòa với tiến trình và thành công trong các cuộc đàm phán quốc tế với Iran để không gây ra một cuộc xung đột trong phạm vi khu vực.
Trung tâm hợp tác an ninh tại Kaliningrad
Trung tâm tại Kaliningrad sẽ tìm cách tăng cường quan hệ giữa Nga, Đức và các nước khu vực Biển Bantích và Biển Đen. Cùng với cam kết Nga-NATO bảo vệ các tuyến đường ống quá cảnh năng lượng và các cơ sở hạ tầng, trung tâm này cũng có trách nhiệm đưa ra các giải pháp tạo sự tin tưởng và an ninh giữa các thành viên NATO và ODKB, giúp đỡ cả về mặt chính trị nếu có thể việc lãnh thổ Kaliningrad và Nga xích lại gần EU. Trung tâm này cùng lục cũng sẽ có thể điều hành các hệ thống lá chắn tên lửa của Nga-NATO nếu được đánh giá là thích hợp cho khu vực. Điều quan trọng nhất là cùng với OSCE, trung tâm có thể giám sát việc cắt giảm/tiêu hủy các vũ khí hạt nhân quy ước và chiến thuật một khi các thỏa thuận được ký kết. Trung tâm cũng sẽ cam kết nỗ lực duy trì hòa bình tại các khu vực. NATO, Nga và ODKB có trách nhiệm kiểm soát để xây dựng niềm tin và an ninh. Vì vậy, các lực lượng phối hợp duy trì hòa bình của nhiều quốc gia khác nhau có thể được triển khai dưới sự chỉ huy của Hội đồng Nga- NATO trong giải quyết các cuộc xung đột hiện hữu tại Biển Đen/Cápcadơ cũng như tại các nước Bantích hay Đông Âu, trong các khu vực cua NATO hay ODKB.
Trung tâm hòa giải xung đột/duy trì hỏa bình tại Cộng hòa Síp
Trung tâm phối hợp tại Síp sẽ nhiều khả năng được thành lập theo nghị quyết của LHQ, dược đặt tại các khu vực người Síp gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ; sẽ cố gắng làm trọng tài phân xử giữa những người Síp, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp; sẽ giúp giám sát an ninh tại khu vực châu Âu-Địa Trung Hải cũng như khu vực Trung Đông mở rộng (liên quan đến an ninh khu vực Bắc Phi và vùng Vịnh). Theo thuật ngữ chính trị, trung tâm này sẽ cố gắng xích lại gần Thổ Nhĩ Kỳ – nước thành viên NATO của EU để cải thiện quan hệ quốc phòng và an ninh giữa NATO/EU/Thổ Nhĩ Kỳ/Nga. Một trung tâm như vậy sẽ có thể giúp nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ixraen với Palextin cũng như giữa Ixraen với Xyri liên quan đến cao nguyên Gôlan hay giữa Ixraen với Libăng. Trung tâm trên sẽ cố gắng làm giảm căng thẳng đang gia tăng về vấn đề năng lượng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và châu Âu đã dẫn đến căng thẳng giữa Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ hay Ixraen liên quan đến việc tham gia khai thác năng lượng của tập đoàn Mỹ Noble Energy tại vùng lãnh hải gần Síp và Ixraen. Hoạt động khai thác năng lượng này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Mỹ với Nga – nước ủng hộ Cộng hòa Síp. Trong khi LHQ cam kết thảo luận về tranh chấp này vào cuối tháng 10/2011, vụ việc cũng được EC thảo luận ngày 9/12/2011. Trung tâm phối hợp tại Síp sẽ giúp giải quyết các tranh chấp và mang lại an ninh cho các bên.
Việc thiết lập ít nhất 3 trung tâm trên sẽ có thể giúp thể hiện một chính sách tương tác giải quyết tranh chấp và giảm thiểu xung đột trong không gian châu Âu-Đại Tây Dương. Các giải pháp này sẽ phải được đưa ra để Mỹ, Nga và châu Âu có thể tập trung hơn vào việc củng cố quốc phòng chống lại các mối đe dọa và thách thức hiện hữu đến từ bên ngoài khung cảnh châu Âu-Đại Tây Dương. Cách tiếp cận này sẽ là tiền đề để NATO và Nga cam kết hợp tác trong vấn đề phòng không cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể hơn trên thực địa để khẳng định quan hệ hợp tác NATO-châu Âu-Nga. Đề xuất triển khai các lực lượng Đối tác vì Hòa bình (PFP) gồm các quốc gia khác nhau có thể được các Nhà nước liên quan chấp thuận theo mô hình Hội đồng Nga-NATO trong giải quyết các cuộc xung đột khu vực. Tuy nhiên, đề xuất trên vẫn sẽ có thể gây nhiều tranh cãi đối với những nước từng sống dưới thời Xô Viết hay những nước phản đối một sự hiện diện quân sự của Mỹ-NATO. Cuộc chiến giữa Nga và Grudia tháng 8/2008 đã gây ra lo ngại từ những nước láng giềng của Nga. Nhưng ý tưởng xây dựng niềm tin và an ninh bằng cách Nga và NATO xích lại gần nhau trong mối quan hệ hợp tác rộng hơn diễn ra thông qua một quá trình từng bước. Trong kỷ nguyên hậu Xô Viết, NATO và Nga có nhiều lợi ích và giá trị chung hơn là những khác biệt. Ngõ cụt hiện nay liên quan đến “các cuộc xung đột bị đóng băng” đối với Grudia và Mônđôva, chỉ có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao thống nhất và một cách tiếp cận đàm phán giải quyết các tranh chấp tại Nam Ôxêtia, Ápkhadia và Transnistria (Pridnestrovie). Một thỏa thuận chính trị tại các khu vực này sẽ có thể đi kèm với việc triển khai các nhóm binh sỹ đa quốc gia thuộc PFP nếu được các nước ủng hộ. Giải quyết các cuộc xung đột trên bằng biện pháp chính trị sẽ giúp kích thích tiềm năng kinh tế rất lớn của khu vực Biển Đen/Cápcadơ, Do các cuộc xung đột trên và vấn đề liên quan đến hiệp ước CFE, các Nhà nước thành viên NATO, Nga và ODKB đều có lợi ích chung trong việc giúp đỡ giải quyết chúng để loại bỏ những lãng phí liên quan đến các nguồn lực và phương tiện dành cho các loại vũ khí quy ước và cho chi phí quốc phòng trong khung cảnh châu Âu-Đại Tây Dương. Những cắt giảm đáng kể nhằm chuẩn bị cho các lực lượng quy ước cũng như việc loại bỏ hoàn toàn các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tại chậu Âu sẽ giúp không chỉ giảm căng thẳng chính trị-quân sự mà còn giúp phục hồi kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay. Cùng lúc, việc cắt giảm cũng sẽ cho phép NATO, Nga và các đối tác khác của NATO tập trung vào các mối đe dọa thực sự và những thách thức tiềm tàng bên ngoài không gian châu Âu-Đại Tây Dương. Hiện tại là thời điểm thuận lợi cho đàm phán với Mátxcơva về hệ thống lá chắn tên lửa và các lực lượng quy ước để làm sống lại Hiệp ước CFE và cố gắng tìm cách thiết lập một khung cảnh an ninh phối hợp NATO/châu Âu/Nga cho Đông Âu và khu vực Biển Đen. Điều này gần như là không thể diễn ra trước năm 2012 bởi cả hai nước Mỹ và Nga đều bước vào các giai đoạn bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, chắc chắn là các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sau bầu cử sẽ cần “tái khởi động” “sáng kiến” của Tổng thống Obama.
Khái niệm chiến lược mới của NATO năm 2010 đã chuẩn bị cơ sở cho một thỏa thuận, nếu không nói là một liên minh NATO-châu Âu-Nga. Nếu khái niệm trên đã quản lý và duy trì một bước hợp tác tăng dần giữa NATO và Nga thì cũng sẽ có thể tiến tới thiết lập một liên minh châu Âu- Đại Tây Dương mới, một mặt xử lý các mối đe dọa về quốc phòng và an ninh hiệu quả hơn và mặt khác là những thách thức chính trị-kinh tế đầy hoài nghi của thế kỷ 21.
Cần luồng sinh khí
Sự xích lại gần nhau giữa NATO và Nga quả thực đáp ứng một nhu cầu chiến lược thực sự đối với cả hai bên, nhưng không phải vì thế mà bỏ qua một nền tảng lịch sử, tâm lý và triết học, đòi hỏi phải có một nhãn quan tổng thể nhưng khó thích hợp với việc giải quyết vấn đề theo từng trường hợp. Không nên để mấu chốt trong mối quan hệ NATO-Nga chỉ còn là một loạt các “vấn đề lớn” nhất thiết phải gắn với một thời điểm lịch sử. Cái được mất đó đúng hơn là cùng nhau hướng tới một khái niệm thống nhất về mối quan hệ giữa các dân tộc, với hy vọng học thuyết “win-win” (các bên cùng thắng) sẽ thắng học thuyết người chơi cờ (có bên được có bên thua).
Trên đây là ý kiến của ông Michel Yakovleff, đại diện Bộ chỉ huy tối cao lực lượng đồng minh ở châu Âu (SACEUR) bên cạnh Ủy ban quân sự NATO. Ông phân tích trên tạp chí “Địa chính trị” quan điểm của cả hai bên liên quan đến các vấn đề chiến lược lớn, đặc biệt là vũ khí hạt nhân và phòng thủ tên lửa, cũng như những cái được và những cái chưa được trong hợp tác Nga-NATO. Bài này thể hiện quan điểm riêng của tác giả chứ hoàn toàn không phản ánh quan điểm chính thức của NATO cũng như của SACEUR.
Mối quan hệ Nga-NATO chắc chắn là yếu tố chính quyết định đối thoại chiến lược về châu Âu do sức nặng của các tác nhân cũng như tính chất nghiêm trọng của cái được mất. Đối với Nga, phải làm sao củng cố được vị thế của mình, toàn bộ vị thế đó, trong cộng đồng các dân tộc. Đối với NATO, vấn đề là phải tìm được luồng sinh khí thứ ba (sau Chiến tranh Lạnh và kiểm soát thời kỳ hậu-Xôviết) để bảo đảm tồn tại lâu dài.
Sau một thời kỳ khó khăn trong những năm 2008-2010, đối thoại ngày nay có thêm bước phát triển mới và được hoan nghênh. Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn rất tế nhị, thậm chí dễ dẫn đến xung đột. Đặc biệt, chính triết lý của mối quan hệ đó phải được xem xét với một tinh thần mới.
Về phương diện chính thức, NATO và Nga có mối quan hệ rất tốt. Hợp tác được khởi động lại, Hội đồng NATO-Nga đóng vai trò diễn đàn tham khảo ý kiến, nơi các vấn đề cơ bản được xử lý, nhờ đó nhiều bất đồng hay vấn đề truyền thống gây bực bội được giải tỏa.
Trong chính sách công khai rất tích cực của mình, NATO đưa ra toàn bộ thuật ngữ được chờ đợi, dù đó là tuyên bố được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Lixbon (tháng 11/2010) hay Khái niệm chiến lược mới được thông qua tại đây, trong đó Nga luôn được mô tả như một đối tác hết sức quan trọng và đáng được tôn trọng và mục tiêu được nêu lên là không ngừng cải thiện mối quan hệ với nước này.
Hợp tác cụ thể giữa hai bên bao gồm 6 lĩnh vực: đấu tranh chống khủng bố, cứu nạn trên biển, chống cướp biển, trao đổi giữa các Viện hàn lâm quân sự, hợp tác hậu cần và phòng thủ tên lửa đạn đạo chiến trường. Khoảng 160 hoạt động đã được tiến hành trong năm 2010, từ trao đổi chuyên gia đến tham gia tập trận hay thực tập. Một bộ thuật ngữ thống nhất cho đối thoại Nga-NATO được thông qua. Đây là yếu tố quan trọng đối với tiến trình tác động đến các khái niệm khác nhau và phức tạp (răn đe, phong thủ tên lửa, khả năng sử dụng thay nhau… ).
Về vấn đề Ápganixtan, Nga chính thức không tỏ ra vui mừng trước khó khăn của liên quân do NATO đứng đầu. Matxcơva công khai chúc NATO thành công trong việc giữ ổn định vùng này, từ đó tránh nguy cơ lây lan sang các nước cộng hòa Xôviêt trước đây ở Trung Á và làm cạn kiệt nguồn cung ứng ma túy tràn ngập thị trường Nga. Cũng như vậy, trên một mặt trận khác, sau khi Hội đồng Bảo an LHQ ngày 17/3/2011 bỏ phiếu nghị quyết 1973, thái độ của Nga trước hành động của NATO ở Libi đúng hơn vẫn mang tính hòa giải. Tổng thống Nga lúc đó, Dmitry Medvedev, thậm chí còn sửa một tuyên bố không thích hợp của Thủ tướng lúc đó VLadimir Putin phê phán một cuộc “thập tự chinh” mới. Việc Nga phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START III vào tháng 2/2011 cũng được xem như bằng chứng cho thấy tính nghiêm túc của Nga trong mối quan hệ với Mỹ. Một “thứ kích động” trong mối quan hệ Nga- NATO đã không còn khi NATO ngừng xem xét đề nghị gia nhập của Ucraina, nước tuy vần gần gũi với NATO, nhưng cũng bằng lòng chấp nhận mối quan hệ láng giềng thân thiện không viễn cảnh hội nhập sau này. Thậm chí khi bất đồng vẫn còn, cả hai bên vẫn không tranh cãi về thời điểm tốt đẹp đó, chấp nhận sống cùng bất đồng. Dĩ nhiên, đó là trường hợp liên quan đến Grudia và Mônđôvia như sẽ nói ở phần sau.
Như vậy, có thể cho rằng trong thời gian gần đây, mối quan hệ Nga- NATO được thúc đẩy thực sự. Tuy nhiên, Nga không hài lòng với tình hình mới ở châu Âu mà vẫn luôn cảm thấy mình bị gạt ra ngoài lề về phương diện chính trị và an ninh, mặc dù Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmusen, liên tiếp mời Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev tham dự hội nghị thượng đỉnh Lixbon, được tổ chức với sự có mặt của tất cả các nguyên thủ và là hội nghị đầu tiên kiểu này của tổ chức này kể từ sau cuộc chiến giữa Nga và Grudia năm 2008.
Nhưng các yêu sách liên tiếp của Nga vẫn không được thỏa mãn. Còn nhiều vấn đề lùng bùng, từ cơ cấu an ninh mới ở châu Âu đến hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu lục hay thương lượng lại Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE). Về mặt này, lập trường của Matxcơva là bắt đầu từ những nguyên tắc chung chính, để từ đó các vấn đề kỹ thuật tự chúng được giải quyết. Lập trường đó vấp phải cách tiếp cận tối thiểu cho đến nay tỏ ra ít có tác dụng, Sự khác biệt về cách tiếp cận đó được minh chứng bằng các vấn đề được mô tả dưới đây.
Với ý tưởng thiết lập một cơ cấu an ninh mới ở châu Âu, tháng 12/2008 Tổng thống Medvedev đề xuất một hiệp ước an ninh châu Âu, NATO hoan nghênh sáng kiến này và quyết định sáng kiến đó phải được thảo luận trong Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), nghĩa là trong khuôn khổ một cuộc đối thoại với 56 bên tham gia, vào giữa năm 2011, nhưng cho đến nay cuộc đối thoại đó vẫn chưa diễn ra. Như vậy, đối với một đề nghị quan trọng, được mô tả như một sự cần thiết có tính chất lịch sử – chấm dứt Chiến tranh Lạnh về phương diện pháp lý, Nga không được đáp ứng cả về mục tiêu lẫn hình thái tranh luận và tiến trình. Dĩ nhiên, điều đó khiến Matxcơva phần nào cảm thấy không thỏa mãn.
Chủ đề thứ hai gây tranh cãi liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và đối thoại Nga-NATO. Tuy đạt được thỏa thuận và có hợp tác giữa các đối tác trong phòng thủ được gọi là “chiến trường’’ (nghĩa là bảo vệ các đơn vị quân đội được triển khai), được cho là để bảo vệ các lực lượng được tung vào một chiến dịch, ngoài lãnh thổ của NATO song sự việc lại đổ vỡ khi tại hội nghị thượng đỉnh Lixbon (tháng 11/2010) NATO quyết định trang bị năng lực bảo vệ châu Âu hay, nói đúng hơn là không gian châu Âu thuộc NATO.
Đối với Mátxcơva, ý tưởng về một hệ thống phòng thủ khác tùy theo một nước có phải là thành viên NATO hay không, phản bác trực tiếp khái niệm “an ninh không thể chia nhỏ” của châu Âu một khái niệm cũng là của NATO Đối với tổ chức quân sự này, mỗi bên đều có quyền được bảo đảm an ninh, nhưng cũng có quyền lựa chọn cách thực hiện cho riêng mình (chẳng hạn bằng cách trở thành thành viên tổ chức này), đồng thời không được sử dụng tính chất không thể chia nhỏ an ninh và lấy đó làm cái cớ hay lập luận để lấn át các lựa chọn mang tính chủ quyền của các dân tộc (cụ thể như để phản đối quyền được gia nhập NATO của họ). Như vậy đó là hai nhãn quan hoàn toàn đối nghịch nhau trong một khái niệm nhưng xem ra có vẻ vô hại và hiển nhiên. Những triết lý khác nhau đó dẫn đến những đề nghị mang tính kỹ thuật không thể ăn khớp với nhau được: chẳng hạn Nga chủ trương một hệ thống hoàn toàn khép kín trong đó phân tích mối đe dọa và quyết định bắn khai hỏa đưa vào một trung tâm duy nhất. Đối với NATO, kết hợp như vậy hoàn toàn không thể chấp nhận được. Việc tổ chức này hợp tác với một hệ thống gần giống như vậy – cũng là của Nga – có thể được tính tới và thậm chí có thể được chấp nhận, nhưng mối quan hệ được giới hạn ở mức phối hợp. Tuy nhiên, chừng nào các yếu tố cấu thành hệ thống lá chắn chống tên lửa chưa được triển khai và đi vào hoạt động và thậm chí cho dù đạt được đến mức độ đó cũng cần phải có thời gian bên có thể sống cùng mâu thuẫn ảo đó. Tóm lại, Nga có thể tỏ ra mềm đối với các giai đoạn ban đầu trong tiến trình triển khai (quả thực là cơ cấu của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo được cho là có thể triển khai bốn giai đoạn, và dần dần bổ sung hệ thống về không gian được bảo vệ về năng lực). Như vậy, phải sau này mới làm sáng tỏ được tranh chấp. Tuy nhiên, tranh chấp đó sẽ không tự nó mất đi và sẽ chỉ gia tăng chừng nào vẫn còn hiện hữu và được nói đến nhiều.
Chủ đề thứ ba trong cuộc đối thoại liên quan đến việc ngừng thực hiện hiệp ước CFE, được ký tháng 11/1990 tại Pari và không phê ở hiệp ước thay thế, được gọi là hiệp ước CFE “có điều chỉnh”, được 30 nước tham gia thông qua tại hội nghị thượng đỉnh Ixtanbun vào tháng 11/1999 Việc hiệp ước không đáp ứng được đòi hỏi của tình hình là điều rõ ràng đó mới nảy sinh ý muốn “điều chỉnh” cho phù hợp. Một số điều khoản chốt trong hiệp định mới gây ra một vấn đề thực sự đối với Nga. Vấn đề này, mang tính rất kỹ thuật về bản chất nhưng có tác động chính trị rộng, cho thấy có sự khác biệt về cách tiếp cận giữa các đối tác: NATO vốn dựa vào Mỹ trong vấn đề này, chủ trương xử lý vấn đề theo từng mảng trong khi Mátxcơva muốn có thỏa thuận về nguyên tắc trên cơ sở cơ cấu an ninh châu Âu mới. Vào giữa năm 2011, có thể thấy rằng không cách tiếp cận nào trong hai cách tiếp cận đó thắng thế và đó cũng là một lý do khiến Nga bực bội.
Đúng là với điều kiện phải có thiện chí và lòng tin thì mỗi chủ đề trong số các chủ đề quan trọng mới có thể được xử lý riêng rẽ. Tuy nhiên vẫn còn có tình trạng không hiểu nhau, ít nhiều thể hiện một cách công khai, mà một ngày nào đó cần phải tính tới.
Lối nói kiểu hữu nghị và tin tưởng có những hạn chế vì đối thoại nằm trong khuôn khổ lôgích hành động-phản ứng, mà không có triển vọng dài hạn.
Cần phải thừa nhận rằng Nga góp phần làm gia tăng mối lo ngại. Cuộc chiến tranh Grudia (thảng 8/2008) cho thấy Mátxcơva không ngần ngại sử dụng vũ lực để giải quyết bất đồng về biên giới. Đáp lại, NATO ngừng trong một năm hoạt động của Hội đồng Nga-NATO khiến Nga hết sức tức giận vì không có diễn đàn để trao đổi vấn đề hợp tác cũng như tranh chấp. Năm tiếp theo, Nga và Bêlarút tổ chức ngay cạnh Lítva và Ba Lan một loạt các cuộc tập trận quy mô lớn, như Zapad-Ladoga-2009, với kịch bản mập mờ về một cuộc nổi dậy của một thiểu số người có ý đồ ly khai. Trong cùng lôgích đó, có thể nói đến vụ Artie Sea, một chiếc tàu chở hàng mang cờ Manta, được một công ty Phần Lan thuê và do một thủy thủ đoàn Nga điều khiển, bị bắt cóc vào mùa Hè năm 2009, rồi được lực lượng cảnh sát Nga tìm thấy một cách bí hiểm. Vụ này cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ và chứa đựng một số điểm không rõ ràng, cụ thể như vai trò của Nga.
Người ta biết rằng một số đồng minh luôn nhắc lại rằng họ cần được “bảo đảm”. Nhưng bảo đảm về cái gì và chống lại ai, nếu không phải là chống lại Nga? Trong những tuyên bố về chính sách đối ngoại, cho dù thuật ngữ “mối đe dọa” vẫn bị loại bỏ, song vẫn có lối nói nước đôi và đòi hỏi không giấu giếm về kế hoạch phòng thủ (vào mục đích được gọi là tái bảo đảm). Nga tỏ ra phật ý về điều đó và đòi NATO phải từ bỏ kế hoạch này. Nhưng việc Nga không nói điều kiện đối ứng là gì cho thấy đây là điều nghịch lý hay là quên có chủ ý.
Với mục đích nhắm đến dư luận trong nước, Nga cũng bày tỏ một nhãn quan không rõ ràng đối với NATO. Lối nói nước đôi trong học thuyết quân sự được thông qua ngày 5/2/2010 cho thấy rõ điều đó: mở rộng NATO (tổ chức được mệnh danh là “khối”, như trước đây), xây dựng “hạ tầng quân sự” (thuật ngữ hết sức chung chung) tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, tiến hành tập trận được cho là “có tính chất đe dọa”, ý đồ về lãnh thổ (không được nói rõ) về Liên bang Nga và đồng minh, cũng như can dự vào công việc nội bộ, là những thuật ngữ được sử dụng để trên thực tế mô tả một NATO được cho là thù địch.
Về điểm này, tấm lá chắn tên lửa được nói đến ở trên bị phê phán rõ ràng như một yếu tố gây mất ổn định nghiêm trọng. Matxcơva nghe với thái độ ngờ vực lập luận theo đó tấm lá chắn sẽ được xác định rõ quy mô để chống lại mối đe dọa mà một số nước mới đây hay sắp tới đưa ra (cho đến lúc này, dĩ nhiên nước gần giống cách mô tả này nhất là Iran), và sẽ không hề được dùng để chống đỡ một cuộc tấn công xuất phát từ một “hệ thống trung tâm lớn” (cần hiểu là Nga). Việc triển khai hệ thống chiến lược này được xem như yếu tố gây mất ổn định sâu rộng, từ đó hợp thức hóa một cuộc chạy đua vũ trang mới. Lối nói đó khiến phương Tây không hiểu ở một mức độ nào đó vì không hề cảm thấy bị đe dọa bởi lực lượng răn đe của Nga, chắc chắn không phải vì khả năng của hệ thống đó mà vì ý định đó không tồn tại: chúng ta đang ở trong thế giới nào mà vẫn còn tin vào khả năng đánh nhau bằng hạt nhân giữa Nga và thế giới Phương Tây? Đối với NATO, mặc dù bầu không khí đang không thuận, việc Nga định sử dụng tên lửa để đánh lại phương Tây là điều hoàn toàn không thể có.
Nhưng không phải vì thế mà cường quốc Nga không có cảm giác bị thua kém khi kho vũ khí chiến lược của họ có nguy cơ bị lỗi thời. Dù đúng hay sai, điều đó cũng không quan trọng. Đó là một cách nhìn nhận cần được tính tới, chắc chắn phải được tính tới nhiều hơn hiện nay.
Trong bối cảnh tương đối hòa dịu đó, cần tận dụng thời điểm thuận lợi hay tình hình trở lại bình thường được thúc đẩy bởi hội nghị thượng đỉnh Lixbon cho phép tái khởi động đối thoại về mọi vấn đề. Tuy nhiên, đối thoại là không thích hợp với một lối nói mang tính tập hợp và một lối nói kiểu sức mạnh. Bản thân hình thái đối thoại cũng quan trọng: Hội đồng Nga-NATO bao gồm 29 nước bình đẳng với nhau về luật pháp mặc dù có sự khác biệt. Ý kiến được tương đối nhiều nước ủng hộ là dường như ngành ngoại giao Nga thích song phương hơn đa phương, như họ đã cho thấy tại nhiều cuộc họp khác nhau. Với Mỹ, Nga hiểu rõ tình thế vì họ đã ở trong đó gần 7 thập kỷ. Cư xử bình đẳng với nhau, trong trường hợp cần thiết có thể bỏ qua các thành viên khác của NATO, có lợi thế là củng cố hình ảnh của Nga như họ tự tạo ra về mình. Hơn nữa, không loại trừ khả năng đó là hình thái thích hợp nhất để giải quyết vấn đề phòng thủ tên lửa ở châu Âu, một chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất và, về phía NATO, mọi con bài về vấn đề này đều nằm trong tay Mỹ.
Nhưng cách biệt rõ rệt nhất liên quan đến quan niệm ngoại giao. Đối với Nga, mối quan hệ quốc tế, như được truyền lại cho các giới tinh hoa tương lai, vẫn được nhìn nhận như một ván cờ tướng. Đó là một cuộc chơi với kết quả bằng không, từ đó bắt buộc dẫn đến một nhãn quan đối đầu về mối quan hệ giữa các dân tộc, khi cái được nhất thiết phải được bù đắp bằng cái mất. Trái lại, văn hóa ngoại giao phương Tây dựa vào học thuyết “win-win” theo đỏ, tất cả đều được. Mối quan hệ giữa các dân tộc theo nghĩa được hiểu như từ thời xa xưa, cũng là một hình thức quan hệ, Ngoại giao dàn xếp, không giống như ngoại giao xung đột, là nền tảng của khái niệm hiện hành trong NATO. Nhưng, hai nền văn hóa ngoại giao này khó có thể ăn ý với nhau vì tuy có thể hiểu nhau về từ ngữ, nhưng điều đó chưa cho thấy sự thống nhất về tư tưởng./.