Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

66. Ngoại giao Trung Quốc năm 2011

 
    Năm 2011 là năm bắt đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Đứng trước những biến đổi sâu sắc và phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, ngoại giao Trung Quốc đã bám sát nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy phát triển trong nước, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời ngoại giao Trung Quốc trong năm 2011 cũng đã cố gắng khắc phục những "bước lùi" về ngoại giao trong năm 2010, nỗ lực để lấy lại lòng tin về sự "trỗi dậy hoà bình" của Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng vẫn có lúc trong tình trạng căng thẳng, quan hệ Trung - Mỹ, Trung Quốc - EU cũng không có tiến triển gì lớn ….
1. Quan hệ Trung Quốc với các quốc gia láng giềng
Hiện nay, dư luận quốc tế hết sức quan tâm đến vấn đề quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh. Năm 2011, tổng thể quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á thể hiện xu thế phát triển ổn định. Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á đã khắc phục được ảnh hưởng bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, tích cực thúc đẩy hợp tác khu vực, hợp tác giao lưu trên các lĩnh vực mậu dịch, đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính, khoa học kỹ thuật, nhân văn … đạt được nhiều tiến triển. Giao lưu cấp cao giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Á diễn ra đều đặn.
Năm 2011 là năm kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc - ASEAN, hai bên đã cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tham dự Triển lãm quốc tế Trung Quốc - ASEAN lần thứ 8 tại Nam Ninh (Trung Quốc), đề xuất một loạt kiến nghị và biện pháp nhằm đi sâu hợp tác song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, xã hội, nhân văn..., đồng thời ra tuyên bố chung, hoạch định phát triển quan hệ trong tương lai.
Khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN từ năm 2010 đến nay được vận hành thuận lợi. Từ tháng 1 đến tháng 11- 2011, tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN là 328,96 tỷ USD, tăng 25,1% so với năm 2010. ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông trong năm 2011 lại "nổi sóng", điển hình là các hành động sách nhiễu đối với Việt Nam và Philippin thể hiện sự leo thang từ phía Trung Quốc. Đó là hai sự cố tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh và phá cáp tàu Vikinh 2 của Việt Nam. Tàu Trung Quốc đã cố tình và có chủ mưu trước khi sử dụng vũ lực làm gián đoạn các hoạt động thăm dò hợp pháp của tàu Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5 và tháng 6 - 2011; việc tàu Trung Quốc bắn vào các tàu đánh cá Philippin vào tháng 2-2011 cũng được xem như là một hành động hung hăng khác thường của Trung Quốc… Ngoài các sự cố trên biển, phản ứng của Trung Quốc khi bị Việt Nam và Philíppin phản đối cũng tỏ ra hiếu chiến. Thái độ hung hăng của Trung Quốc đã được đưa ra bàn bạc tại cuộc đối thoại Shangri-La ở Xinhgapo vào đầu tháng 6, và tại cuộc Hội thảo về an ninh Hàng hải ở Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tổ chức ngày 21 và ngày 22-6 ở Washingtơn, Mỹ. Nhân hội nghị này, hành động của Trung Quốc như việc đòi hỏi chủ quyền của họ tại phần lớn Biển Đông đều đã bị giới phân tích và nghiên cứu quốc tế chỉ trích. Ngoại trừ đại diện của Trung Quốc, hầu như tất cả các chuyên gia tham gia hội nghị đều cho rằng những lập luận dùng làm cơ sở cho việc đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên phần lớn diện tích Biển Đông được Trung Quốc thể hiện trên tấm bản đồ hình chữ U của họ là không có tính thuyết phục.
Nhân Hội nghị thường niên cấp Ngoại trưởng của ASEAN kết thúc ngày 22-7-2011 tại Inđônêxia, vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có liên quan tiếp tục nổi cộm. Tuy nhiên, đáng chú ý là việc Trung Quốc và ASEAN đã thông qua được bản Hướng dẫn thực thi Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông sau nhiều năm đàm phán. Nhận định chung về quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đường lối của Bắc Kinh vẫn là chèn ép các nước Đông Nam Á.
Mặt khác, Trung Quốc kiên quyết bác  bỏ các đề nghị đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề  Biển Đông do chính họ gây nên, tránh không cho Mỹ  cũng như các nước khác can thiệp vào khu vực. Trung Quốc chủ trương giải quyết song phương, một biện pháp được giới phân tích cho là thể hiện dụng tâm dùng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây áp lực đối với các nước láng giềng yếu hơn, buộc các nước này chấp nhận các điều kiện do phía Trung Quốc đưa ra.
Trên thực tế, trong các cuộc họp ở Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 vừa qua, Trung Quốc đã bị đẩy vào thế thủ do quan điểm đòi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông của họ dựa trên yếu tố lịch sử một cách vô lý. Nhiều cuộc họp song phương hay đa phương về vấn đề này đều cùng đi đến một kết luận: tranh chấp phải được giải quyết trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế.
Ngày 19-11-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức nêu vấn đề Biển Đông ra trước Diễn đàn của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), điều đó đã nhấn mạnh thêm tính quốc tế của vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc cũng đồng ý sẽ hợp tác để tăng cường việc bảo đảm quyền lợi tự do hàng hải theo tinh thần Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Nhưng vấn đề được nhiều nhà bình luận quan tâm là liệu Trung Quốc có tôn trọng cam kết trên hay không, hay Trung Quốc lại tìm cách dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền vô lý của họ?
Trong quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á thì quan hệ Trung Quốc - Mianma năm 2011 cũng bắt đầu có những biểu hiện của sự rạn nứt.
Từ sau cuộc bầu cử cuối năm 2010 dẫn đến việc chuyển đổi từ chế độ độc tài quân sự sang một chính phủ dân sự, Mianma đã và đang bước ra khỏi sự lệ thuộc về chính trị và kinh tế với Trung Quốc. Cuối tháng 9 - 2011, Mianma đã quyết định ngừng dự án xây dựng một con đập trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc làm chủ đầu tư. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy chính quyền mới ở Mianma đã nhượng bộ trước sự bất bình của người dân đối với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại nước này. Có thể thấy rằng những chuyển biến tích cực về chính trị của Mianma trong năm 2011 vừa qua đã bắt đầu có được nhiều sự ủng hộ, cổ vũ từ bên ngoài, nhưng có lẽ duy nhất chỉ có Trung Quốc - đồng minh kinh tế và chính trị của Mianma từ nhiều năm qua - lại tỏ ra không mặn mà lắm với những biến  đổi ở đất nước này.
Năm 2011 là một năm quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản có thể nói vẫn được cải thiện và phát triển ổn định. Sau khi Nhật Bản xảy  ra thảm hoạ thiên tai "11- 3", Chính phủ, lãnh đạo và nhân sĩ các giới trong xã hội Trung Quốc đều thăm hỏi và giúp đỡ nhân dân Nhật Bản với nhiều hình thức khác nhau. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đích thân đến Đại sứ quán Nhật tại Trung Quốc để chia buồn, đây là động thái lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Trung - Nhật… Sau khi Nhật Bản thành lập nội các mới, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ trưởng Ôn Gia Bảo đã lần lượt gặp gỡ và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Noda tại Hội nghị thượng định G20 tại Cannes (Pháp), Hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo APEC tại Hawaii và một loạt Hội nghị các nhà lãnh đạo Đông Á tổ chức tại Bali (Inđônêxia). Cũng trong năm 2011, tân Thủ tưởng Nhật Bản đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Hai nước Trung Quốc, Nhật Bản đều rất coi trọng chuyến thăm này. Chuyến thăm này đã có được những tiến triển quan trọng trong việc đẩy mạnh quan hệ tương hỗ chiến lược Trung - Nhật.
Về quan hệ Trung – Hàn, vụ ngư dân Trung Quốc tấn công và đâm 2 cảnh sát biển của Hàn Quốc khiến 1 người thiệt mạng hôm 11-12-2011 là một sự kiện nóng nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc trong năm 2011. Sự kiện này đã làm bùng lên một làn sóng phẫn nộ phản đối Trung Quốc tại thủ đô Xơun của Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc ngày 13- 2 đã ra lệnh các cơ quan thuộc Chính phủ nước này phải áp dụng các "biện pháp mạnh mẽ và cứng rắn" để ngăn chặn việc tái diễn tình trạng tương tự  có thể lại xảy ra. Theo nhận định của giới quan sát, động thái này có thể dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa Xơun và Bắc Kinh ngay trước thềm năm 2012, năm kỷ niệm 20 năm ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Năm 2011 là "năm giao lưu Trung - Ấn", hai bên đã triển khai các hoạt động giao lưu phong phú, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo lần lượt tổ chức hội kiến song phương với Thủ tướng Ấn Độ  M. Singh tại các diễn đàn quốc tế. Một loạt hoạt động giao lưu và hợp tác quan hệ giữa hai nước như Hội nghị đối thoại chiến lược, kinh tế Trung - Ấn lần thứ nhất; đối thoại tài chính; đối thoại quốc phòng và an ninh; đoàn đại biểu với 500 đại biểu thanh niên Ấn Độ thăm Trung Quốc, v.v… đã phát huy vai trò quan trọng trong việc kéo quan hệ hai nước ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ trong năm 2011 vẫn xuất hiện những nổi cộm về vấn đề biên giới và đặc biệt là việc Trung Quốc phản đối sự có mặt của Ấn Độ tại Biển Đông.
Hai bên Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành rất nhiều vòng đàm phán về vấn đề biên giới: 8 vòng từ 1981 đến 1987, 14 vòng từ 1988 đến 2011, 13 vòng từ 2003 và cho tới vòng thứ 14 diễn ra cuối tháng 11-2011, nhưng các vòng đàm phán đều không đem lại kết quả thực chất nào. Tranh cãi giữa Ấn Độ và Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ đã kéo dài quá lâu và không thấy có triển vọng được giải quyết.
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tháng 11-2011, Thủ tướng Ấn Độ Mamohan Singh đã thẳng thừng bác bỏ việc Trung Quốc phản đối sự có mặt của Ấn Độ tại Biển Đông khi ông nói với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo rằng lợi ích của Niu Đêli tại vùng biển này là "mang tính chất thương mại thuần tuý". Trong khi đó, ông Ôn Gia Bảo cũng rất cứng rắn cảnh báo rằng các nước ngoài "chớ can thiệp" vào các tranh chấp tại Biển Đông (ám chỉ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…).
Thủ tướng Singh nhiều lần nhắc lại rằng "thế giới có đủ không gian cho cả Ấn Độ và Trung Quốc" cùng phát triển một cách hoà bình. Song Trung Quốc cho rằng không gian đó chỉ là sự hợp tác trong một số lĩnh vực nào đó mà thôi. Điều này cho thấy quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ là rất phức tạp, khó có thể thiết lập được một mối quan hệ ổn định, hữu nghị.
Trong năm 2011 quan hệ giữa Trung Quốc với Nga vẫn giữ được ổn định và có những bước phát triển mới.
Trong thập niên vừa qua, hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Nga đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hoà bình và thịnh vượng cho hai nước nói riêng và thế giới nói chung. Về kinh tế, quan hệ hợp tác song phương mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Kim ngạch buôn bán hai chiều đã tăng gấp 7 lần từ 8 tỷ USD năm 2000 lên đến 60 tỷ USD vào năm 2010. Hai bên đã triển khai các dự án hợp tác trên quy mô lớn trên các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ. Trong đó đáng chú ý nhất là dự án đường ống dẫn dầu Nga - Trung nối vùng Viễn Đông của Nga với miền Đông Bắc Trung Quốc đã đi vào hoạt động từ ngày 1-1- 2011. Đường ống dẫn dầu dài 1000 km này mỗi năm sẽ vận chuyển khoảng 15 triệu tấn dầu thô từ Nga sang Trung Quốc trong giai đoạn 2011 - 2030. Không chỉ chú trọng hợp tác về kinh tế, hai nước còn tăng cường hợp tác trong khuôn khổ khu vực và quốc tế như trong SOC, BRICS, nhóm G20, v.v… Đặc biệt chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Nga của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từ ngày 15 đến 18-6-2011 là động thái mới nhất trong nỗ lực nhằm thiết lập kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tin tưởng rằng thập niên tới sẽ là thời điểm quan trọng để hai nước thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, và tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng phát triển quan hệ đối tác chiến lược tổng thể với Nga trong thập kỷ tới.
2. Quan hệ Trung Quốc – Mỹ và Trung Quốc - EU
Quan hệ Trung - Mỹ:
Phải thấy rằng quan hệ Trung - Mỹ luôn rất phức tạp. Sự phức tạp này chủ yếu thể hiện ở lĩnh vực kinh tế và an ninh. Được coi là hai cường quốc kinh tế thế giới, mối quan hệ này có đặc điểm là càng xích gần thì va chạm và phiền phức ngày càng tăng lên.
Trong năm 2011, ngay từ đầu năm, vào tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc hội kiến chính thức lần thứ 8 nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Có thể thấy rằng cuộc gặp này đã làm cho quan hệ hai nước giảm đi phần nào những căng thẳng trong năm  2010. "Tuyên bố chung Trung - Mỹ" lần thứ hai trong vòng 2 năm qua đã nêu rõ, Trung Quốc và Mỹ thiết lập "mối quan hệ đối tác hợp tác cùng tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi". So với Tuyên bố chung năm 2009 có thể nói Tuyên bố chung lần này đã có những điểm khácc.
Sau các cuộc hội đàm cấp cao, đầu tháng 5-2011 Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành cuộc Đối thoại kinh tế và chiến lược vòng 3. Đặc điểm của vòng đối thoại này là lần đầu tiên hai bên đã tiến hành đối thoại về an ninh và chiến lược với sự tham gia chung của đại diện ngoại giao và đại diện quân sự của hai nước.
Cũng vào cuối tháng 5, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Trần Đức Bình đã dẫn đoàn quân sự cấp cao Trung Quốc tới thăm Mỹ. Đầu tháng 7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mullen cũng dẫn đoàn tới thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, tuy bày tỏ thừa nhận thái độ công khai quân sự của Trung Quốc, nhưng tại Nhật Bản, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm châu Á của Mullen, ông đã bày tỏ sự hoài nghi đối với việc Trung Quốc phát triển sức mạnh quân sự không phải đơn thuần chỉ vì mục đích phòng ngự như Trung Quốc tuyên bố.
Có thể nhận thấy rằng cạnh tranh địa- chiến lược Trung - Mỹ tại Đông Á trong năm qua là khá gay gắt. Chính quyền Obama tỏ thái độ tích cực "trở lại châu Á" và Trung Quốc thì đẩy mạnh hoạt động khuyếch trương lực lượng của mình tại biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông … Hơn thế nữa, cạnh tranh địa - chiến lược Trung - Mỹ hiện đã và đang mở rộng phạm vi ra toàn cầu, từ châu Á sang châu Âu, từ châu Phi sang châu Mỹ - La tinh….
Quan hệ Trung Quốc - EU:
Hiện EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ. Ngoài việc nắm giữ lượng dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ USD, Trung Quốc cũng đầu tư rất nhiều vào việc nắm giữ đồng tiền chung châu Âu (EURO). Tới 40% số vốn đầu tư của Trung Quốc hiện tập trung vào các nước EU đang gặp khó khăn như Hy Lạp,  Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc có được mối quan hệ tốt đẹp với các thành viên của EU. Hiện EU vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đối với Trung Quốc, đồng thời áp đặt các tiêu chuẩn của EU đối với Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư. Chuyến công du kéo dài 5 ngày của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từ ngày 24-6-2011 tới Hunggary, Anh và Đức là nhằm thúc đẩy các mối quan hệ của Trung Quốc với EU trong bối cảnh Trung Quốc đang có những căng thẳng với Mỹ và một số nước ASEAN do tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Nhiều bình luận cho rằng quan hệ Trung Quốc với một số nước Đông Á và Mỹ sẽ còn xảy ra nhiều căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, khi đó châu Âu (EU) sẽ trở thành khu vực "dễ thở hơn" để Trung Quốc triển khai đường lối ngoại giao của mình…
Như vậy, nổi cộm nhất về ngoại giao Trung Quốc trong năm 2011 có thể nói là xoay quanh vấn đề Biển Đông. Về vấn đề này có thể thấy rằng chính sách và thực tiễn ngoại giao của Trung Quốc không rõ rằng, vấn đề Biển Đông chưa thấy có xu hướng được giải quyết mà ngày càng căng thẳng. Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông đã và đang làm xấu đi hình ảnh của nước này trong dư luận khu vực và thế giới.
3. Dự báo ngoại giao Trung Quốc năm 2012
Trong bài Tổng kết công tác ngoại giao năm 2011 và phương hướng công tác ngoại giao năm 2012 được phát trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2-1-2012, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nêu rõ: Về triển vọng năm 2012, trào lưu thời đại của hoà bình, phát triển và hợp tác sẽ mạnh mẽ hơn. Đồng thời với đó, tình hình quốc tế vẫn tồn tại nhiều nhân tố bất ổn định, không xác định. Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hoà bình. "Phải cùng các nước thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau, mở rộng hợp tác, xử lý thoả đáng bất đồng, thúc đẩy quan hệ song phương ổn định phát triển. Phải kiên trì phương châm ngoại giao xung quanh, xây dựng quan hệ hữu nghị và quan hệ đối tác với các nước láng giềng, thông qua các biện pháp như xây dựng cơ chế hợp tác thiết thực, hiệu quả, cùng có lợi, cùng thắng, nâng cao mức độ hợp tác, tăng cường lòng tin, loại bỏ hoài nghi một cách hữu hiệu, củng cố chỗ dựa chiến lược xung quanh…, phải tăng cường hơn nữa ý thức về thời cơ, ý thức về hoạn nạn và ý thức về rủi ro, nắm chắc cơ hội, ứng phó ổn thoả với thách thức, đóng góp lớn hơn về mặt ngoại giao để thực hiện mục tiêu lớn lao là xây dựng toàn diện xã hội khá giả".
Dư luận khu vực và thế giới luôn hy vọng Trung Quốc sẽ có những hành động thực tế để chứng tỏ nền ngoại giao nước lớn có trách nhiệm, từ đó lấy lại lòng tin của nhân dân khu vực và thế giới với Trung Quốc.
TS Lê Văn Mỹ

                                       Viện Nghiên cứu Trung Quốc