Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

25. Cạnh tranh và xung đột địa - chính trị trong kỷ nguyên mới sau chiến tranh lạnh

TCCS - Cách đây vừa tròn 20 năm, vào đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10-11-1989, bức tường Béc-lin sụp đổ, biểu tượng chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh lạnh với nội dung chủ yếu là cuộc đối đầu giữa hai hệ thống chính trị quốc tế và mở ra một kỷ nguyên mới. Nhưng kỷ nguyên mới này sẽ ra sao là chủ đề được giới nghiên cứu chính trị quốc tế đặc biệt quan tâm. Những sự kiện "kinh thiên động địa" trong hơn một thập niên qua chứng tỏ loài người đang trải qua kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột mới, tuy bề ngoài không quyết liệt như kỷ nguyên đối đầu thời Chiến tranh lạnh, nhưng không vì thế mà ít nguy cơ và bớt cam go hơn trước. Bài viết này đề cập đến một trong hai cuộc cạnh tranh và xung đột(1) lớn nhất trong kỷ nguyên mới: đó là cạnh tranh và xung đột địa - chính trị.
Kết thúc Chiến tranh lạnh, mở đầu kỷ nguyên "hòa bình nóng"
Theo lối tư duy thông thường, đã nói tới "chiến tranh", thì kết cục dĩ nhiên phải có bên thắng, bên thua và vì thế Chiến tranh lạnh cũng không là ngoại lệ. Theo lối tư duy này, Mỹ và phương Tây đã giành "chiến thắng"còn Liên Xô trước đây là bên "chiến bại" trong cuộc chiến đó và nước Nga ngày nay "được" kế thừa di sản đó. Đồng thời, Mỹ và phương Tây cho rằng "chiến thắng" của họ trong Chiến tranh lạnh chứng tỏ "các giá trị" và "mô hình phát triển" của Mỹ và phương Tây tỏ ra "có ưu thế tuyệt đối", từ đó họ bắt đầu cuộc "thập tự chinh" nhằm phát triển "các giá trị" và "mô hình phát triển" ấy ra khắp thế giới bằng tất cả các biện pháp, kể cả sử dụng sức mạnh quân sự. Tình hình đó đã châm ngòi bùng phát hàng loạt cuộc chiến tranh và xung đột mới sau Chiến tranh lạnh, hình thành nên kỷ nguyên "hòa bình nóng".
Thắng lợi quá dễ dàng trong hai cuộc chiến tranh Vùng Vịnh Péc-xích (1990 - 1991) và Cô-xô-vô (1999) càng củng cố niềm tin của một số giới lãnh đạo chính trị - quân sự ở Mỹ vào sức mạnh quân sự "không có đối thủ" của họ. Niềm tin đó được phản ánh trong Học thuyết Clin-tơn đưa ra sau khi Liên Xô sụp đổ và được dùng làm "cơ sở luận chứng" để Mỹ thiết lập trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh, trong đó có hai nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Một là, không một quốc gia nào trên thế giới có quyền sử dụng sức mạnh trong các cuộc xung đột nội bộ hoặc các cuộc xung đột khu vực nếu không được sự chấp nhận của Mỹ. Hai là, nếu quốc gia nào không được phép của Oa-sinh-tơn mà vẫn "ngoan cố" sử dụng sức mạnh quân sự để dàn xếp các cuộc xung đột nội bộ hoặc khu vực thì Mỹ có quyền can thiệp để ngăn chặn hoặc dập tắt "thảm họa nhân đạo". Từ đó, Mỹ chủ trương "can thiệp nhân đạo" dựa trên quan niệm "nhân quyền cao hơn chủ quyền". Điều này có nghĩa là, Mỹ có khả năng và có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác trong trường hợp các nước đó sử dụng sức mạnh quân sự đe dọa đến lợi ích của Mỹ. Sau Tổng thống B.Clin-tơn, Tổng thống G.W.Bu-sơ còn đi xa hơn nữa với chủ trương sẵn sàng đơn phương sử dụng sức mạnh quân sự khi thấy cần thiết mà không cần được phép của Liên hợp quốc. Để thực hiện học thuyết này, Bộ trưởng Quốc phòng Đô-nan Răm-xphen đã "phát minh" ra một công thức chiến tranh nổi tiếng mang tên "Công thức 10-30-30", theo đó, sau khi Oa-sinh-tơn đưa ra quyết định chính trị sử dụng sức mạnh quân sự, các lực lượng vũ trang Mỹ trong vòng 10 ngày có thể chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và được điều động tới bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Trong vòng 30 ngày sau đó, các lực lượng vũ trang Mỹ cần phải đánh bại đối phương, phá hủy tiềm lực của họ đến mức không thể phục hồi khả năng chống trả lại Mỹ. Trong vòng 30 ngày tiếp theo, quân đội Mỹ được tổ chức lại, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến lược mới và triển khai tới một khu vực khác trên thế giới. Theo "Công thức 10-30-30", chỉ cần 2 tháng và 10 ngày để tiến hành một cuộc chiến tranh, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ có khả năng tiến hành ít nhất 5 cuộc chiến tranh trong 1 năm (!). Chính Bộ trưởng Quốc phòng Đ. Răm-xphen đã gạt phăng ý kiến của các mưu sĩ trước khi khởi chiến ở Áp-ga-ni-xtan rằng, Mỹ nên tăng thêm quân để giải quyết dứt điểm "câu chuyện Ta-li-ban", bởi ngần ấy quân là đủ để hóa giải nguy cơ!
Cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan và chiến tranh I-rắc với khẩu hiệu "xúc tiến dân chủ" bùng phát đưa thế giới tới một kỷ nguyên mới không phải là hòa bình như nhiều người mong đợi sau Chiến tranh lạnh, mà là kỷ nguyên đơn phương dùng sức mạnh quân sự để áp đặt "các giá trị" và "mô hình phát triển" trên khắp thế giới. Thực chất, đằng sau khẩu hiệu đó là những động thái cảnh báo về kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột mới về địa - chính trị và mô hình phát triển, nhìn bề ngoài không quyết liệt như kỷ nguyên đối đầu thời Chiến tranh lạnh, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn có thể dẫn đến chiến tranh. Cuộc chiến tranh năm ngày ở Nam Ô-xê-ti-a (tháng 8-2008) đã bộc lộ tất cả những gì lâu nay ẩn giấu dưới những khẩu hiệu "đối tác", "định ước", "cùng hợp tác trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố", "chiến tranh lạnh đã chấm dứt", "NATO và Nga không còn là kẻ thù của nhau" v.v.. Cuộc chiến năm ngày còn chứng tỏ, đối với Mỹ và NATO, Chiến tranh lạnh chưa bao giờ kết thúc mà chỉ thay hình đổi dạng sang hình thức khác khó nhận biết hơn trong một thế giới không còn đối đầu ý thức hệ giữa hai hệ thống chính trị quốc tế.
Kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột về địa - chính trị
Trên bản đồ thế giới, có thể dễ dàng nhận thấy các khu vực, nơi đang diễn ra cạnh tranh và xung đột địa - chính trị giữa các nước lớn, ngày một nhiều thêm và không ngừng mở rộng về phạm vi và gia tăng mức độ căng thẳng. Đó là các khu vực Trung Đông (tâm điểm là I-rắc và I-ran), Trung Á (tâm điểm là Áp-ga-ni-xtan và các nước cộng hòa Xô-viết trước đây), Ban-căng (tâm điểm là Cô-xô-vô), biển Ca-xpi (tâm điểm là Gru-di-a), Bắc Cực, châu Phi, Đông Bắc Á, Đông Nam Á v.v.. Trong đó, "nóng" nhất vẫn là các khu vực Trung Đông, Ban-căng, Trung Á, biển Ca-xpi, châu Phi và Bắc Cực.
Cạnh tranh và xung đột địa - chính trị thể hiện trong hai cuộc chiến tranh ở Vùng Vịnh. Chiến tranh Vùng Vịnh (1991) và chiến tranh I-rắc (2003) thực chất là hai cuộc chiến tranh xuất phát từ những toan tính về địa - chính trị. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, mượn cớ chống Liên Xô - đối thủ mạnh nhất có ảnh hưởng toàn cầu, Oa-sinh-tơn đã tập hợp được các lực lượng ở phương Tây và Nhật Bản dưới ô bảo trợ của Mỹ, hình thành một cực làm đối trọng với Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa. Sau khi Liên Xô sụp đổ, xuất hiện các mầm mống ly khai khỏi quỹ đạo của Mỹ ngay trong các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Nhật Bản. Trước tình hình đó, Mỹ cần tạo dựng đối thủ mới, dùng ô sức mạnh quân sự để tập hợp lực lượng xung quanh mình và Oa-sinh-tơn đã chọn I-rắc làm đối tượng. Bằng cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, Mỹ đã tập hợp được một liên minh rộng rãi để thể hiện vai trò siêu cường duy nhất trong trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh. Năm 2003, mượn cớ "chống khủng bố", "ngăn chặn vũ khí sát thương hàng loạt" và "đem dân chủ đến cho I-rắc", Oa-sinh-tơn phát động cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ hai để hiện diện và phát huy ảnh hưởng tại một khu vực có vị trí địa - chính trị quan trọng sống còn ở Trung Đông trong chiến lược toàn cầu của Mỹ thế kỷ XXI. Phát huy ảnh hưởng ở Vùng Vịnh, Mỹ có thể dùng dầu mỏ làm công cụ để duy trì quyền kiểm soát đối với các nền kinh tế cạnh tranh với Mỹ như Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Nga và các nước khác. Như vậy, xét về bản chất sâu xa, cả hai cuộc chiến tranh Vùng Vịnh là sự cạnh tranh và xung đột địa - chính trị giữa Mỹ với các quốc gia đã từng là đối thủ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và với cả các đồng minh của Mỹ.
Cạnh tranh và xung đột địa - chính trị ở Ban-căng. Cộng hòa Xéc-bi-a nằm trong vành đai "động đất địa - chính trị" những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, kéo dài từ Ban-căng, qua vùng Cáp-ca-dơ thuộc Nga, đến Trung Á, Pa-ki-xtan, Ấn Độ và Trung Quốc. Mỹ từ lâu đã có tham vọng thiết lập "hành lang an toàn" trong vành đai này. Xéc-bi-a là điểm khởi đầu vành đai quan trọng đó. Ngoài ra, sau khi Liên Xô sụp đổ, khối quân sự Vác-sa-va tan rã, NATO - công cụ chiến lược toàn cầu của Mỹ - không còn lý do để tồn tại, nên Mỹ đã chọn Xéc-bi-a để tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước trong khối NATO gây chiến tranh, để ngay sau đó tuyên bố Định hướng chiến lược mới của Khối liên minh Bắc Đại Tây Dương trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập khối này ở Oa-sinh-tơn vào tháng 5-1999. Phát động chiến tranh Cô-xô-vô, tạo lập ảnh hưởng ở Xéc-bi-a, Mỹ tạo dựng bàn đạp để tiến sang Bắc Cáp-ca-dơ và Trung Á, nơi có nguồn dầu mỏ lớn thứ hai thế giới ở vùng biển Ca-xpi. Chính vì thế, Mỹ đã tìm mọi cách gạt bỏ ảnh hưởng của Nga ra khỏi cuộc chiến tranh ở Cô-xô-vô cũng như trong quá trình dàn xếp tình hình chính trị ở Xéc-bi-a sau khi chiến tranh kết thúc.
Cạnh tranh và xung đột địa - chính trị ở Áp-ga-ni-xtan. Năm 2001, phát động "cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố" khởi đầu ở Áp-ga-ni-xtan và xây dựng một chính phủ thân Mỹ tại đây, Oa-sinh-tơn theo đuổi tham vọng đánh chiếm bàn đạp để chi phối vùng Trung Á, một khu vực địa - chính trị có ý nghĩa chiến lược quan trọng, nơi có nguồn dầu mỏ lớn của thế giới và được coi là "bàn cờ lớn" trong thế kỷ XXI. Ngoài ra, đứng chân ở Áp-ga-ni-xtan để chi phối Trung Á, "lót chỗ" trong "sân sau" của Trung Quốc, Mỹ còn theo đuổi tham vọng làm chủ Ấn Độ Dương, khống chế I-ran, mở đường tiến tới biên giới Nga, gạt bỏ ảnh hưởng của hai cường quốc hạt nhân là Pa-ki-xtan và Ấn Độ ở khu vực này.
Cạnh tranh và xung đột địa - chính trị ở I-ran. Trong quan hệ với Tê-hê-ran, đang diễn ra cuộc cạnh tranh địa - chính trị giữa các nước lớn gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác. Đối với Mỹ, ngăn chặn nguy cơ hạt nhân của I-ran nằm trong chiến lược dài hạn của họ nhằm ba mục đích chủ yếu. Một là, khống chế nguồn dầu mỏ và khí đốt khổng lồ của I-ran. Hai là, thông qua I-ran để kiểm soát tuyến đường biển quan trọng ở Tây Á đi qua eo biển Héc-mút, "huyết mạch" của hoạt động vận chuyển dầu mỏ của thế giới. Ba là, "dân chủ hóa" I-ran theo mô hình của phương Tây vừa nhằm loại bỏ mối đe dọa hạt nhân, vừa làm suy yếu thế giới Hồi giáo để thực hiện chiến lược "dân chủ hóa" ở toàn bộ khu vực "Trung Đông mở rộng". Đối với Mỹ, mối đe dọa từ phía Tê-hê-ran không chỉ là chương trình hạt nhân mà là quốc gia I-ran Hồi giáo mạnh "đe dọa" ảnh hưởng và vai trò của Mỹ ở "Trung Đông mở rộng". Vì thế, ngay khi vấn đề hạt nhân I-ran được giải quyết, vẫn chưa thể hóa giải được những mâu thuẫn sâu xa giữa Mỹ và I-ran. Đối với Nga, I-ran được Mát-xcơ-va coi là quốc gia then chốt để phát triển ảnh hưởng ở Trung Đông và hạn chế ảnh hưởng của các nước khác ở khu vực này. Nga có quan hệ hợp tác kinh tế và kỹ thuật quân sự đặc biệt với I-ran. Hai bên đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng, góp phần gia tăng đáng kể tiềm lực quân sự của I-ran, trong đó Nga đã cung cấp cho I-ran các loại vũ khí hiện đại. I-ran đã soạn thảo chương trình hiện đại hóa quân đội trong vòng 25 năm chủ yếu dựa vào vũ khí của Nga. Đã từ lâu, Nga tìm cách dàn xếp cuộc tranh chấp hạt nhân với những đề nghị thỏa hiệp như đề nghị nhận lại những thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng về Nga và cùng với I-ran làm giàu urani trên đất Nga. Công trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử trị giá gần 1 tỉ USD ở Bu-se-ra (Busherh) của I-ran là dự án nước ngoài đầu tiên sau khi Liên Xô sụp đổ đã góp phần giúp cho ngành hạt nhân của Nga sống sót. Đối với Trung Quốc, họ đang nỗ lực thắt chặt quan hệ với I-ran để phát huy ảnh hưởng chính trị tại khu vực có ý nghĩa chiến lược này. I-ran là nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt chủ chốt phục vụ mục tiêu phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc vốn đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu. Ngoài lĩnh vực năng lượng, hiện có hơn 100 công ty của Trung Quốc đang làm ăn tại I-ran trong các lĩnh vực đóng tàu, sản xuất thép, xây dựng cảng biển và sân bay. Trung Quốc là nước có thể giúp I-ran hiện đại hóa ngành công nghiệp dầu mỏ và phát triển nền kinh tế với kỹ thuật công nghiệp, vốn, dịch vụ kỹ thuật và công nghệ hạt nhân. Trung Quốc coi I-ran là đối tác địa - chính trị để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông. Cùng với Nga, Trung Quốc phát triển Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) nhằm hạn chế sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Trung Á. I-ran đã được mời tham gia SCO với tư cách quan sát viên.
Cạnh tranh và xung đột địa - chính trị ở khu vực Nam Cáp-ca-dơ. Trong cuộc cạnh tranh và xung đột địa - chính trị hiện nay giữa Mỹ, NATO và Nga ở Nam Cáp-ca-dơ, Gru-di-a được đánh giá là có vai trò then chốt. Không phải ngẫu nhiên cuộc chiến tranh năm ngày lại bùng phát ở Nam Ô-xê-ti-a, vùng đất tranh giành ảnh hưởng lâu nay giữa Nga với Gru-di-a, mà thực chất là giữa Nga với Mỹ và NATO. Cuộc chiến tranh này là dấu mốc quan trọng trong chiến lược của Mỹ và NATO nhằm kiềm chế và thu hẹp "không gian ảnh hưởng" của Nga. Gru-di-a, cùng với U-crai-na là hai trong số những "điểm nóng" trên ván cờ địa - chính trị trong thế kỷ XXI giữa Nga với Mỹ và NATO. Nếu U-crai-na là khâu then chốt trong chiến lược của Mỹ và NATO nhằm loại trừ ảnh hưởng của Nga ra khỏi châu Âu, thì Gru-di-a đóng vai trò quyết định cuối cùng trong vấn đề ai sẽ giành được quyền kiểm soát vùng biển Ca-xpi, khu vực có trữ lượng tài nguyên chiến lược lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Đông.
Cạnh tranh và xung đột địa - chính trị ở châu Phi. Nguyên nhân sâu xa khiến Mỹ và các quốc gia phát triển nhất thế giới ngày càng đặc biệt quan tâm đến châu Phi là do sức hút tài nguyên thiên nhiên của châu lục nghèo nhất thế giới này. Theo dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ, vào năm 2010, thị phần xuất khẩu dầu mỏ của châu Phi trên thế giới có thể tăng đến mức 28% - 30%. Vì thế, trong thời gian gần đây, châu Phi rơi vào tâm điểm cạnh tranh địa - chính trị giữa các nước Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và một số quốc gia khác, trong đó, Mỹ thể hiện rất rõ vai trò và ý định trong việc đứng ra "phân vai" cho các quốc gia khác trong cuộc chinh phục và kiểm soát "lục địa Đen".
Bề ngoài, Mỹ tuyên bố chính sách của họ nhằm góp phần "giảm căng thẳng xung đột chính trị - quân sự" và giải quyết "các vấn đề mang tính nhân đạo" đang đặt ra trước châu Phi, như "chống tham nhũng và bệnh tật" và "ngăn chặn sự bùng nổ tệ phân biệt chủng tộc" v.v.. nhưng mục đích của họ là nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ của châu lục này. Trong tương lai, 30% tổng số dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ là từ châu Phi. Hiện tại, Mỹ chiếm từ 67% đến 75% tổng khối lượng đầu tư ngày càng lớn của các nước vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu mỏ ở châu lục này. Nhận thức được các mối đe dọa tiềm tàng ở châu Phi, từ năm 2002, Mỹ triển khai xây dựng một căn cứ hải quân ở Xao Tô-mê và Prin-xi-pê. Năm 2008, Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh châu Phi nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước châu Phi. Năm 2009, tiếp theo chuyến thăm của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tới Ga-na, Ngoại trưởng Hi-la-ry Clin-tơn đã có chuyến thăm châu Phi nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược gây ảnh hưởng ở châu lục này.
Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới châu Phi từ những năm 50 thế kỷ XX, chủ yếu xuất phát từ các mục đích chính trị. Khi bắt đầu chính sách mở cửa, Trung Quốc đã từng đưa ra khái niệm "mở rộng không gian sinh tồn" hoặc "cuộc tranh giành biên giới mềm" trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa như một cơn lốc ào ạt thổi tràn qua các châu lục. Với tinh thần đó, Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi diễn ra hồi tháng 11-2006 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) trở thành một sự kiện quan trọng chứng tỏ Trung Quốc không chỉ đang "mở rộng không gian sinh tồn" mà còn "mở rộng không gian phát triển" sang "lục địa Đen". Đến năm 2010, Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng kinh tế thương mại chiếm ưu thế ở châu Phi và sẽ là đối tác thương mại chủ yếu của các nền kinh tế lớn nhất ở khu vực này như Ai Cập, Xu-đăng, Ni-giê-ri-a và Ăng-gô-la, sẽ đẩy lùi các đối tác truyền thống như Mỹ, Anh và Pháp ra khỏi "lục địa Đen".
Nga tuy là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới, ẩn chứa trong đó gần như tất cả các loại tài nguyên thiên nhiên trên trái đất, nhưng, gần đây Nga nhận ra rằng, tài nguyên thiên nhiên trong nước không chỉ có hạn mà còn là thứ "vũ khí" trong cuộc tranh giành ảnh hưởng địa - chính trị trên thế giới. Nếu nước Nga muốn có một vị thế chính trị và kinh tế tương xứng với tầm vóc ảnh hưởng của họ trên toàn cầu, thì không thể yên vị say sưa với "câu chuyện cổ tích" xuất khẩu tài nguyên mà lãng quên chuyện "cạnh tranh lành mạnh" với các nước trong việc khai thác tài nguyên ở các khu vực khác trên thế giới. Vì thế, trong Chiến lược an ninh quốc gia mới đến năm 2020 và trong chính sách đối ngoại, Nga bắt đầu chú ý đến chuyện bảo vệ lợi ích quốc gia bên ngoài lãnh thổ của mình, trong đó có châu Phi. Chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép vừa qua được giới phân tích ở Nga đánh giá là "tuy chậm nhưng tốt".
Ấn Độ hiện nhập khẩu 20% dầu mỏ từ châu Phi, 70% từ Trung Đông. Thực hiện "đường lối ngoại giao dầu mỏ", Ấn Độ đặc biệt tích cực hoạt động ở Đông Phi, nơi sự hiện diện của Mỹ và Trung Quốc vẫn còn thưa vắng. Cách làm của Ấn Độ ở châu Phi là khuyến khích quan hệ đối tác cân bằng với các nhà cung ứng châu Phi, không để các nước ở châu lục này như là các đối tác chỉ có sức quyến rũ từ tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, các công ty của Ấn Độ tăng cường vốn đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế ở Đông Phi như Tan-da-ni-a, Dăm-bi-a, Cốt Đi-voa, Mô-ri-xơ, Ni-giê-ri-a và Ma-đa-ga-xca. Ấn Độ không chỉ là nước nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi, mà còn là nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu. Sự gần gũi về ngôn ngữ và văn hóa với các nước Đông Phi nói tiếng Anh đã tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác song phương đó. Dự án hợp tác kỹ thuật năm 2004 liên kết Ấn Độ với 8 nước Tây Phi là Ga-na, Buốc-ki-na Pha-xô, Sát, Cốt Đi-voa, Ghi-nê Xích đạo, Ghi-nê Bít-xao, Ma-li và Xê-nê-gan. Trong khuôn khổ dự án này, Ấn Độ cam kết ủng hộ các đối tác nửa tỉ USD dưới hình thức tín dụng, viện trợ và chuyển giao công nghệ.
Cạnh tranh và xung đột địa - chính trị ở Bắc Cực. Đây là một khu vực đặc biệt của trái đất, bao gồm các vùng phía bắc lục địa Á - Âu, Bắc Mỹ và gần như toàn bộ khu vực Bắc Băng Dương với tổng diện tích vào khoảng 27 triệu km2, gần gấp 3 lần diện tích châu Âu. Theo kết quả nghiên cứu thăm dò của Cục Địa lý và Khí tượng của Mỹ, Bắc Cực chứa tới 1/4 tiềm năng dầu mỏ và khí đốt của thế giới. Ngoài ra, Bắc Cực còn có nguồn dự trữ cá lớn hàng đầu thế giới, có các tuyến giao thông đường biển đóng vai trò cực kỳ quan trọng với khả năng vận tải xuyên quốc gia.
Với tài nguyên và vị trí địa - chiến lược quan trọng của Bắc Cực, khu vực chưa được khai phá này của trái đất đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trong bối cảnh quá trình ấm lên toàn cầu diễn ra nhanh chóng trong những thập niên gần đây đang thu hẹp dần lớp băng đã từng được coi là "vĩnh hằng" tại đây, tạo điều kiện thuận lợi hơn để có thể khai thác Bắc Cực vào mục đích thương mại. Hiện nay, Nga đang nỗ lực chứng minh chủ quyền của họ đối với phần lãnh thổ mà trước đây Mát-xcơ-va đã từng tuyên bố chính thức là thuộc quyền sở hữu của họ. Trong những năm 20 thế kỷ XX, Liên Xô, Na Uy, Đan Mạch, Mỹ và Ca-na-đa đã từng coi một số vùng mặt nước và đảo trong khu vực Bắc Cực là một phần lãnh thổ của họ. Nga đã từng tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực lớn nhất được tạo bởi Chu-khốt-ca, Bắc Cực và bán đảo Côn-xki. Trên các bản đồ tự nhiên của Liên Xô, khu vực này đã từng được coi là một phần lãnh thổ của Liên Xô.
Hiện tại, Nga là quốc gia đầu tiên chủ động tham gia quá trình cạnh tranh địa - chính trị ở Bắc Cực trước sự chống đối mạnh mẽ từ phía các quốc gia khác cũng đang rất quan tâm đến khu vực này. Nhiều nước có tham vọng tranh giành Bắc Cực đã bắt đầu hành động. Mỹ đã có ý định đầu tư 8,7 tỉ USD để sửa chữa và hiện đại hóa các tàu phá băng ven bờ. Oa-sinh-tơn đang chuẩn bị phê chuẩn Công ước biển của Liên hợp quốc để có được quyền phát ngôn trong việc giải quyết các vấn đề về thềm lục địa. Ca-na-đa đang đầu tư những khoản tiền lớn để chế tạo tàu tuần tra ở Bắc Cực và bắt đầu bàn đến việc lắp vũ khí pháo binh lên các tàu phá băng hiện có. Tuy nhiên, các tàu của Mỹ và Ca-na-đa chưa thể cạnh tranh được với hạm đội của Nga ở Biển Bắc. Na Uy tuy chưa có hạm đội tàu phá băng, nhưng lại có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác các mỏ dầu và khí đốt ở thềm lục địa ở Biển Bắc. Họ cũng không có vị thế mạnh về địa - chính trị trên thế giới mà chỉ hạn chế ở khả năng tranh giành lợi ích của họ ở khu vực này. Đan Mạch cũng không dễ dàng gì trong việc tuyên bố chủ quyền của họ dựa trên các luận chứng về kinh tế và sự hiện diện về quân sự. Rõ ràng, cuộc cạnh tranh và xung đột địa - chính trị ở Bắc Cực sẽ ngày càng quyết liệt. Thắng lợi cuối cùng sẽ được quyết định không chỉ bởi ý chí chính trị mà còn bởi sự hiện diện về kinh tế - quân sự, bởi khả năng đầu tư và công nghệ để có thể khai thác một cách đầy đủ tài nguyên tại khu vực này. Nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế đã từng dự báo, Bắc Cực có thể sẽ là chiến trường của một cuộc chiến tranh lớn trong thế kỷ XXI.
Như vậy, Chiến tranh lạnh kết thúc chấm dứt kỷ nguyên xung đột ý thức hệ nhưng lại mở đầu một kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột mới về địa - chính trị âm thầm nhưng quyết liệt. Nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế đã nói đến khả năng thế giới đương đại quay trở lại tình hình xung đột địa - chính trị từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đã từng dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918). Tuy nhiên, trong kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột địa - chính trị trong thế kỷ XXI có thêm yếu tố hoàn toàn mới là quá trình toàn cầu hóa đang gắn kết tất cả các quốc gia. Vì thế, kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột địa - chính trị ẩn chứa nhiều yếu tố bất định, khó lường./.   
----------------------------------------------
(1) Đó là cạnh tranh và xung đột địa - chính trị; cạnh tranh và xung đột về mô hình phát triển (TG)