Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

1. Biển Đông: Dầu hỏa, Yêu sách biển và cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung

Tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông đang kích thích sự can dự của Mỹ. Những yêu sách chủ quyền, nhu cầu tài nguyên đang khiến cho căng thẳng tại Biển Đông gia tăng và cánh cửa giải quyết triệt để vấn đề trở nên hẹp hơn.

 

Rủi ro do xung đột leo thang từ những sự kiện nhỏ nhặt có liên quan đang tăng lên tại Biển Đông từ 2 năm qua với những tranh chấp mà giờ đây có ít cơ hội cho việc đàm phán hay giải quyết. Ban đầu, những tranh chấp xảy ra sau Chiến tranh lạnh khi các quốc gia duyên hải – Trung Quốc và 3 quốc gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm Indonesia, Malaysia, Philipin cũng như Việt Nam, quốc gia gia nhập ASEAN sau này – đã cạnh tranh để chiếm đóng những hòn đảo tại đây. Thực sự lúc đó khi vấn đề chỉ hoàn toàn ở mức tranh chấp lãnh thổ, thì nó đã có thể được giải quyết thông qua những nỗ lực của Trung Quốc bắt tay với ASEAN và tiến đến thắt chặt mối quan hệ với khu vực này.
Vào những năm 90, việc tiếp cận những nguồn trữ lượng dầu khí cũng như nguồn tài nguyên biển, đánh bắt cá đã bắt đầu làm phức tạp những yêu sách. Khi nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng, các bên yêu sách đã đặt ra kế hoạch để khai thác những trữ lượng hydrocarbon của biển với những tranh chấp liên tiếp sau đó không còn gây sửng sốt, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, những tranh chấp năng lượng không cần thiết gây ra xung đột, vì tranh chấp đã, đang và có thể tiếp tục được kiểm soát thông qua những cơ chế phát triển đa phương hay phát triển chung, đối với những cơ chế này có nhiều tiền lệ cho dù chúng không phức tạp như Biển Đông.
Tuy nhiên, giờ đây vấn đề đã vượt ra khỏi những yêu sách lãnh thổ và việc tiếp cận tài nguyên năng lượng, khi Biển Đông trở thành tâm điểm cho cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung tại Tây Thái Bình Dương. Từ khoảng năm 2010, Biển Đông bắt đầu được liên kết với những chiến lược rộng lớn hơn liên quan đến chiến lược hải quân của Trung Quốc và sự hiện diện tới đây của Mỹ tại khu vực này. Điều này khiến cho tranh chấp trở nên nguy hiểm và có lý do để quan ngại, đặc biệt là kh Mỹ tái khẳng định lợi ích của mình tại Châu Á – Thái Bình Dương và thắt chặt những mối quan hệ an ninh với các quốc gia yêu sách trong ASEAN có tranh chấp.
NHỮNG CĂN NGUYÊN THUỘC TRANH CHẤP LÃNH THỔ
Trung Quốc và Việt Nam yêu sách toàn bộ khu vực Biển Đông và những hòn đảo trong đó, trong khi Malaysia, Philipin, Indonesia và Brunei yêu sách đối với những khu vực tiếp giáp. Có hai nguyên tắc chi phối những yêu sách, và cả hai đều chống lại yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực này. Thứ nhất là nguyên tắc “chiếm hữu hiệu quả”, một tiền lệ được hình thành bởi Tòa trọng tài Thường trực trong án lệ đảo Palmas vào tháng 4 năm 1928.[1] Chiếm hữu hiệu quả thừa hưởng thẩm quyền và mục đích để thực hiện quyền quyền tài phán liên tục và kế tiếp, điều này khác hẳn với xâm chiếm. Mặc dù Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa – quần đảo với khoảng 30 hòn đảo cách đều từ bờ biển Trung Quốc và Việt Nam – thuyết về chiếm hữu hiệu quả cũng chống lại sự chiếm đóng của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa - quần đảo nằm ngoài bờ biển của Philipin và Malaysia – ngoài 9 hòn đảo Trung Quốc chiếm giữ từ 1988 – 1992, còn lại do các quốc gia yêu sách trong ASEAN chiếm giữ.
Nguyên tắc thứ hai là Công ước Luật biển Liên hợp Quốc (UNCLOS), Công ước đưa ra những nguyên tắc quyết định đến yêu sách đối với nguồn tài nguyên dựa trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa tiếp giáp (vùng đặc quyền kinh tế là khu vực biển kéo dài 320 km từ bờ biển, khu vực cho phép quốc gia ven biển yêu sách đối với những nguồn tài nguyên tại đây). UNCLOS không ủng hộ bất kỳ một bên nào được yêu sách vượt quá khu vực EEZ hay khu vực thềm lục địa tiếp giáp được tuyên bố. Nhưng yêu sách của Trung Quốc lại vượt quá vùng EEZ và chống lấn lên những yêu sách chủ quyền hợp pháp (theo quy định của UNCLOS cho phép – ND) của các quốc gia ASEAN có yêu sách.
Yêu sách của Trung Quốc dựa trên lịch sử, nhưng những yêu sách kiểu như vậy không hề thuyết phục trong luật quốc tế, theo quan điểm của Trung Quốc thì luật quốc tế hạ thấp di sản tổ tiên và là nguồn cơn oán giận của Trung Quốc. Quan điểm của Trung Quốc là yêu sách của nước này có trước UNCLOS (Công ước được công nhận vào năm 1982 và có hiệu lực 1994 sau khi quốc gia thứ 60 phê chuẩn) và rằng Công ước nên được điều chính lại cho phù hợp với những quyền lịch sử. Để khẳng định cho những yêu sách trong tình huống tồn tại sự phức tạp của luật quốc tế có thể không ủng hộ những yêu sách, Trung Quốc đã liên tiếp dùng đến những áp lực ngoại giao đối với việc xem xét lại luật quốc tế và đạt được một ngoại lệ đặt biệt đối với Biển Đông, nơi mà những yêu sách tổ tiên của Trung Quốc được tất cả công nhận.
DẦU, NĂNG LƯỢNG VÀ NGƯ NGHIỆP
Do tranh chấp lãnh thổ, vấn đề Biển Đông có thể sẽ còn tiếp tục bế tắc mà không có bất kỳ nhu cầu cấp bách nào để giải quyết vấn đề.Tuy nhiên sự tồn tại của nguồn dự trữ năng lượng tại Biển Đông lại ngăn cản một giải pháp như vậy. Với việc nhu cầu năng lượng toàn cầu đang tăng, những quốc gia tiêu thụ năng lượng chủ yếu như Trung Quốc đang tìm kiếm những nguồn năng lượng mới nhằm đáp ứng cho nền kinh tế đang phát triển của mình. Vào năm 2009, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ dầu đứng thứ hai sau Mỹ, và nhu cầu tiêu thụ của nước này dường như sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, điều khiến cho nước này trở thành quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Năm 2010, Trung Quốc nhập khẩu 52% lượng dầu từ Trung Đông, Ả Rập Xê Út và nhập 66% từ Angola. Trung Quốc đang đa dạng hóa nguồn cung nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu theo đuổi việc gia tăng nguồn sản xuất ngoài khơi lưu vực Sông Ngọc (Pearl River) và Biển Đông.[2]
Những yêu sách chủ quyền cạnh tranh về năng lượng
Việt Nam là quốc gia sản xuất dầu lớn trong khu vực, với việc công ty dầu quốc doanh PetroVietnam sản xuất 24,4 triệu tấn, chiếm 26% tổng lượng sản xuất dầu của Việt Nam từ 3 mỏ dầu tại Biển Đông[3]. Với sản xuất tại những mỏ đã được khai thác giảm, PetroVietnam đã ký kết 60 hợp đồng khai thác và sản xuất dầu khí với nhiều công ty nước ngoài khác nhau trong nỗ lực khai thác những mỏ dầu mới. Tuy nhiên những mỏ dầu mới này không mang lại kỳ vọng bù đắp nguồn dầu bị giảm.[4] Khi Việt Nam nỗ lực khai thác những mỏ dầu mới, có khả năng sẽ làm tái bùng lên những xung đột với Trung Quốc, quốc gia kiên quyết phản đối nỗ lực của Việt Nam ký kết hợp đồng khai thác dầu với các công ty dầu quốc tế tại Biển Đông.
Trung Quốc phàn nàn rằng các quốc gia yêu sách chủ quyền trong ASEAN đang xâm phạm vùng biển của Trung Quốc và nó nằm trong khu vực mà Trung Quốc có quyền thực thi yêu sách của mình đối với các bên. Ví dụ, vào 26 tháng 5, 2011, 2 chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp khai thác của một tàu khảo sát Việt Nam đang tìm kiếm những mỏ dầu, khí trong vùng EEZ của Việt Nam, cách khoảng 120 km từ bờ biển phía nam Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố những đoạn video về việc tàu Trung Quốc đã thực sự phá cáp tàu Bình Minh của Việt Nam.[5] Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, Khương Du (Jiang Yu) đã tuyên bố rằng tàu Trung Quốc đã thưc hiện “những hoạt động giám sát và thực thi luật hàng hải hoàn toàn bình thường trong khu vực thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”[6] Vào ngày 9 tháng 6, một tàu cá Trung Quốc thực hiện hành động tương tự khi cắt cáp khảo sát của một tàu khảo sát khác của Việt Nam.
Philipin cũng gặp vấn đề tương tự với Trung Quốc. Manila đang nỗ lực nâng cao khả năng tự sản xuất dầu của mình, và đặt ra mục tiêu đạt 60% năm 2011, là điều có vẻ không thể thực hiện. Nước này dự tính ký kết 15 hợp đồng khai thác trong một vài năm tới tại khu vực khai thác ngoài khơi đảo Palawan, trong khu vực Trung Quốc có yêu sách. [7] Vào năm 2011, Philipin đã công bố 7 vụ việc liên quan đến sự quấy rối của Trung Quốc. Trong trường hợp vào ngày 2 tháng 3, hai chiếc tàu tuần tra Trung Quốc đã quấy rối một chiếc tàu khai thác dầu trong khu vực yêu sách của Philipin, cách 250 km phía tây Palawan. Hai chiếc tàu này đã rời đi ngày sau khi Không quân Philipin có mặt. Vào ngày 5 tháng 4, Manila trao công hàm phản đối chính thức lên Liên Hiệp Quốc và tìm kiếm sự ủng hộ của ASEAN trong việc tiến tới một quan điểm chung đối với vấn đề.[8] Trung Quốc đã đáp lại vài ngày sau đó bằng việc chính thức cáo buộc Philipin đã “xâm lược” các vùng nước của Trung Quốc.[9] Sau khi hạ thủy tàu Hải Giám 31 (Haixun-31) 3000 tấn, cùng với máy bay lên thẳng tại Biển Đông, vào tháng 6 Philipin cũng đưa loại tàu chiến cũ từ thế chiến thứ hai, tàu Rajah Humabon, ra khu vực yêu sách của mình.[10] Con tàu này đã phá bỏ những cột mốc của Trung Quốc đặt trên nhiều bãi đá trong khu vực yêu sách của Philipin.[11] Cũng vào tháng 6, tuyên bố chính thức của tổng thống Philipin nước này đang đổi tên biển từ Biển Đông thành “biển Tây Philipin” và tuyên bố chương trình mở rộng hải quân, chương trình nhằm cải thiện những giới hạn về sự hiện diện của Philipin tại Biển Đông.[12]
Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, cả Việt Nam và Philipin đều có kế hoạch tiếp tục những dự án khai thác khí ga cùng với các công ty nước ngoài. PetroVietnam sẽ hợp tác với Công ty Talisman Energy và sẽ bắt đầu khoan tại khu vực mà Trung Quốc đã trao quyền cho Crestone Corporation vào năm 1992, dự án giờ đây đang do Harvest Natural Resources tiến hành. ExxonMobil cũng có kế hoạch khoan thăm dò ngoài khơi Việt Nam, trong khi Philipin dự định khoan tại mỏ dầu tại nơi tàu Trung Quốc đã quấy rối tàu khảo sát của nước này vào tháng 3 năm 2011.[13] 
Trong khi đó, Ấn Độ cũng bắt đầu dính líu với tư cách là người ngoài cuộc, điều này làm phức tạp vấn đề. Trung Quốc có thể có những ảnh hưởng đối với các quóc gia yêu sách ASEAN do sự gần gũi về không gian và kích thước của Trung Quốc, nhưng Ấn Độ lại có vị thế và sức mạnh để chống lại Trung Quốc. Hơn nữa, Ấn Độ nuôi dưỡng sự oán giận đối với Trung Quốc vì sự hỗ trợ của nước này đối với Pakistan và những yêu sách dọc theo biên giới chung hai nước điều sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho Trung Quốc trong việc kiểm soát. Mối quan hệ của Ấn Độ đối với Việt Nam có từ thời Tổng thống Indira Gandhi, chính phủ Ấn Độ lúc đó đã công nhận chính phủ bảo trợ Việt Nam tại Cambuchia năm 1984.  Nhiều người tại Ấn Độ xem Việt Nam là đồng minh của Ấn Độ trong việc chống lại Trung Quốc.
Tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat, trên đường đi vào Nha Trang, phía nam Việt Nam vào ngày 22 tháng 7 năm 2011, đã bị phía Trung Quốc gửi tin nhắn rada cảnh báo rời khỏi khu vực “vùng biển Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã đáp trả lại rằng “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, bao gồm cả khu vực Biển Đông, và quyền qua lại phù hợp với những nguyên tắc được phép của luật pháp quốc tế”.[14] Trong khi đó, Trung Quốc phản đối những hoạt động thăm dò của công ty dầu khí Ấn Độ Oil and Natural Gas Corp (ONGC) xung quanh quần đảo Hoàng Sa, khu vực mà Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm. ONGC đưa ra quan điểm rằng yêu sách của Việt Nam là phù hợp với luật pháp quốc tế, và công ty này sẽ tiếp tục những dự án khai thác tại hai lô gần quần đảo Hoàng Sa. [15]
Tiếp tục sau đó, trong khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm New Delhi, một hợp đồng có thời hạn 3 năm về hợp tác khai thác, sản xuất dầu, khí đã được ký kết giữa ONGC và PetroVietnam vào ngày 12 tháng 10 năm 2011 bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.[16] Đáng chú ý, hợp đồng này được ký trong khi Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đang trong chuyến thăm Bắc Kinh và bày tỏ tình hữu nghị với Trung Quốc.[17] Việt Nam lúc này đã sử dụng lại cách thức truyền thống trong vấn đề giải quyết với Trung Quốc – nhấn mạnh sự tương đồng và tình hữu nghị, đây là nhiệm vụ của Tổng bí thư, trong khi tìm kiếm một đối trọng hiệu quả tại Ấn Độ. Có thể sẽ có thêm nhiều sự việc xảy ra khi Trung Quốc vạch ra đường lối chống lại đối thủ cường quốc Châu Á này.
Tranh chấp đánh bắt cá
Dường như những tranh chấp năng lượng vẫn chưa đủ, những cuộc cạnh tranh đối với nguồn tài nguyên biển và cá tại Biển Đông cũng góp phần làm gia tăng căng thẳng. Trước đây, những thuyền đánh bắt cá thường xuyên di chuyển ra vào khu vực chồng lấn yêu sách, nhưng tần suất gia tăng của những hoạt động như vậy đã gây nên những mối quan ngại. Việt Nam tuyên bố rằng có 63 tàu đánh bắt cá cùng với 725 thủy thủ đoàn đã bị Trung Quốc bắt giữ tại Biển Đông từ năm 2005;[18] và sau đó họ bị buộc yêu cầu phải trả những khoản tiền cao ngất ngưởng để được thả. Trong một vụ việc đã được công khai rộng rãi tại Việt Nam, một tàu tuần tra Trung Quốc đã bắt giữ một tàu đánh cá cùng 12 thủy thủ đoàn xung quanh quần đảo Hoàng Sa vào tháng 3 năm 2010.[19] Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc làm điều này, và Bộ ngoại giao Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ - đây là trường hợp không nên tái diễn thêm.
Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm tại Biển Đông, được xem là việc Trung Quốc bảo tồn nguồn cá cho nước này. Lần đầu tiên Bắc Kinh tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá là vào năm 1999, thời gian từ tháng 6 đến tháng 7 hàng năm, và đến năm 2009 lệnh được kéo dài bắt đầu từ ngày 16 tháng 5 đến 1 tháng 8 hàng năm. Quy mô của lệnh cấm rất mơ hồ, mặc dù lệnh cấm bao phủ khu vực xung quanh Hoàng Sa nhưng lại không quá xa về phía nam quần đảo Trường Sa[20]. Việt Nam kiên quyết phản đối vì những tác động của lệnh cấm đối với kế sinh nhai của ngư dân Việt Nam. Để lệnh cấm có hiệu lực và bảo vệ tàu cá của Trung Quốc, nước này đã cử những tàu “ngư chính” mà thực chất được chuyển đổi từ những tàu hải quân. Trung Quốc thông báo kế hoạch tăng cường sức mạnh của lực lượng hải giám của nước này lên tới 16 máy bay và 350 tàu vào năm 2015, lực lượng này sẽ được sử dụng để giám sát hàng hải, thực hiện những nhiệm vụ khảo sát, “bảo vệ an ninh biển,” và kiểm tra tàu nước ngoài hoạt động trong “vùng biển của Trung Quốc”[21]
Một vấn đề khác đó là tàu Việt Nam cũng xâm nhập vào khu vực các quốc gia ASEAN khác có yêu sách chủ quyền. Vào tháng 2 năm 2011 hai tàu cá Việt Nam dưới tên của Indonesia đã bị tàu tuần tra Indonesia bắt giữ gần đảo Natuna.[22]  Indonesia đã thông báo rằng vào năm 2009, có khoảng 180 tàu cá (không hoàn toàn là của Việt Nam – một số từ Malaysia) đã bị Indonesia bắt giữ khi đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước này.[23] Do nhu cầu tăng cao và nguồn dự trữ có hạn, những tranh chấp về đánh bắt cá có vẻ sẽ gia tăng tại Biển Đông, đặc biệt là khi các bên tranh chấp nâng cấp lực lượng bờ biển và hải quân của mình.
CẠNH TRANH GIỮA CÁC CƯỜNG QUỐC
Năng lượng và đánh bắt cá không phải là những nhân tố duy nhất trong tranh chấp này. Biển Đông đang trở thành điểm hội tụ cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ khi Trung Quốc phát triển chiến lược hải quân hiện đại và triển khai những năng lực hải quân mới. ASEAN đã thừa nhận rằng yêu sách rộng lớn của Trung Quốc lên toàn bộ Biển Đông có thể được thương lượng, rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận một thỏa thuận khu vực có lợi, trong đó những yêu sách lãnh thổ sẽ được điều chỉnh và những nguồn dữ trữ dầu, khí cũng như cá sẽ được chia sẻ. Trên cơ sở này, ASEAN đã đưa Trung Quốc vào đối thoại chính thức với hy vọng rằng những lãnh đạo của Trung Quốc có thể tin tưởng về giá trị của cơ chế của những quy tắc sẽ quản lý hành vi tại Biển Đông. ASEAN thường cẩn trọng nhằm tránh gây ra bất kỳ hành động khiêu khích Trung Quốc với mong muốn rằng Trung Quốc sẽ đáp lại và phương cách ASEAN trong việc khuyến khích một thỏa thuận thông qua sự đồng thuận sẽ được Bắc Kinh chấp nhận trong tương lai.
Đọc toàn bộ bản dịch tại đây
Leszek Buszynski
Văn Cường (dịch)
Thái Giang (hiệu đính)
Bản gốc tiếng Anh The South China Sea: Oil, Maritime Claims and U.S. – China Strategic Rivalry, The Washington Quarterly 35(2), 2012


[1] Về tính pháp lý của những yêu sác, xem Mark J. Valencia, Jon M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the Resources of the South China Sea (University of Hawaii Press, 1999), tr. 39-59; và R. Haller-Trost, The Spratly Islands: A Study on the Limitations of International Law, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kent, Canterbury, Occasional Paper No. 14, tháng 10, 1990.
[2] U.S. Energy Information Administration, ‘‘China,’’ tháng 5, 2011, http://205.254.135.7/countries/cab.cfm?fips[2]CH; and ‘‘BP Energy Outlook 2030,’’ tháng 1, 2011,
http://www.bp.com/liveassets/bp_internet/globalbp/globalbp_uk_english/reports_and_publications/statistical_energy_review_2011/STAGING/local_assets/pdf/2030_energy_outlook_booklet.pdf.
[3] ‘‘Vietnam: Vietsovpetro finds more oil at Bach Ho field offshore Vietnam,’’Energy-Pedia News, 29,  tháng 6, 2011, http://www.energy-pedia.com/news/vietnam/vietsovpetro-finds-more-oil-at-bach-ho-field-offshore-vietnam
[4] ‘‘Vietnam Market for Oil and Gas Machinery and Services,’’ U.S. CommercialService-Vietnam, tháng 3, 2011, http://export.gov/vietnam/static/BP-Oil%20and%20Gas%20Machinery%20and%20Services_Latest_eg_vn_030123.pdf.
[5] Alex Watts, ‘‘Tensions rise as Vietnam accuses China of sabotage,’’ The Sydney Morning Herald, ngày 2, tháng 6, 2011, http://www.smh.com.au/world/tensions-rise-as-vietnam-accuses-china-of-sabotage-20110601-1fgno.html.
[6] ‘‘China reprimands Vietnam over offshore oil exploration,’’ Reuters, 28, tháng 5, 2011,
http://af.reuters.com/article/energyOilNews/idAFL3E7GS07E20110528.
[7] ‘Philippines to seek more oil in West Philippine Sea,’’ Agence France-Presse,29, tháng 6,  2011, http://globalnation.inquirer.net/5034/philippines-to-seek-more-oil-in-west-philippine-sea
[8] ‘‘Philippines protests China’s Spratly claim at UN,’’ Agence France-Presse, 14, tháng 4, 2011,
http://globalnation.inquirer.net/news/breakingnews/view/20110414-331090/Philippines-protests-Chinas-Spratly-claim-at-UN.
[9] Teresa Cerojano, ‘‘Beijing counters Manila’s UN protest, says Philippines ‘started toinvade’ Spratlys in 1970s,’’ Associated Press,  19, tháng 4,  2011, http://arabnews.com/world/article366262.ece.
[10] TJ Burgonio, ‘‘Navy flagship to patrol PH waters only, says Palace,’’ Philippine Daily Inquirer,  21, tháng 6,  2011, http://newsinfo.inquirer.net/16678/navy-flagship-to-patrol-ph-waters-only-says-palace.
[11] ‘‘Philippines pulls markers from disputed waters,’’ channelnewsasia.com, 15, tháng 6, 2011,
http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_asiapacific/view/1135238/1/.html
[12] ‘‘Philippines to boost Spratly patrols,’’ channelnewsasia.com, 15, tháng 4, 2011, http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_asiapacific/view/1122961/1/.html.
[13] Daniel Ten Kate, ‘‘South China Sea Oil Rush Risks Clashes as U.S. Emboldens
Vietnam on Claims,’’ Bloomberg, 27, tháng 5, 2011, http://www.bloomberg.com/news/2011-05-26/s-china-sea-oil-rush-risks-clashes-as-u-s-emboldens-vietnam.html.
[14] Indrani Bagchi, ‘‘China harasses Indian naval ship on South China Sea,’’ Times of India,2, tháng 9, 2011, http://articles.timesofindia.indiatimes.com/2011-09-02/india/30105514_1_south-china-sea-spratly-ins-airavat.
[15] Ananth Krishnan, ‘‘South China Sea projects an infringement on sovereignty, says China,’’ The Hindu,  19, tháng 9,  2011, http://www.thehindu.com/news/international/article2468317.ece?css[15]print.
[16] ‘‘India, Vietnam sign oil exploration agreement, ignoring China’s objections,’’Associated Press, 12, tháng 10,  2011, http://maritimesecurity.asia/free-2/south-china-sea-2/india-vietnam-sign-oil-exploration-agreement-ignoring-china%E2%80%99s-objections/.
[17] Sachin Parashar, ‘‘New Delhi tries to snap Beijing’s string of pearls,’’ The Times ofIndia, 20, tháng 10,  2011, http://articles.timesofindia.indiatimes.com/2011-10-20/india/30302032_1_nguyen-phu-trong-thein-sein-naypyidaw.
[18] Seth Mydans, ‘‘U.S. and Vietnam Build Ties With an Eye on China,’’ The New YorkTimes, 12, tháng 10,  2010, http://www.nytimes.com/2010/10/13/world/asia/13vietnam.html.
[19] Will Clem, ‘‘Patrol boats to escort fishing vessels in disputed Spratlys,’’ South China Morning Post,  3, tháng 4,  2010, http://www.viet-studies.info/kinhte/patrol_boats_to_escort_fishing.htm.
[20] ‘‘Unilateral fishing ban likely to fuel tension,’’ South China Morning Post, 17, tháng 5, 2010.
[21] Wang Qian, ‘‘Maritime Forces to be Beefed up Amid Disputes,’’ China Daily, 17, tháng 6, 2011, http://www.chinadaily.com.cn/china/2011-06/17/content_12718632.htm.
[22] ‘‘Navy arrests illegal Vietnamese fishing boats,’’ Antaranews.com, 12, tháng 2,  2011,
http://www.antaranews.com/en/news/67994/navy-arrests-illegal-vietnamese-fishing-boats.
[23] ‘‘Ten Vietnamese fishing boats caught poaching in RI waters,’’ Antaranews.com, 23,  tháng 4, 2010, http://www.antaranews.com/en/news/1272030822/ten-vietnamese-fishing-boats-caught-poaching-in-ri-waters.