Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

52. Vấn đề quan hệ Nhật - Trung trong vấn đề năng lượng

Quan hệ Nhật Bản- Trung Quốc có từ lâu đời, trong lịch sử gặp nhiều thăng trầm. Nhiều nhà nghiên cứu và các nhà quan sát chính trị cho rằng năm 2005 và những tháng đầu năm 2006, quan hệ Nhật Bản -Trung Quốc là xấu nhất trong vòng 30 năm qua([1]). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng quan hệ xấu đi đối với hai nước cũng như tình hình chính trị chung toàn vùng Đông Bắc Á. Một trong những nguyên nhân quan trọng là vấn đề năng lượng. Bài này sẽ đề cập đến 3 điểm trọng yếu của quan hệ năng lượng Nhật Bản-Trung Quốc trong thời gian gần đây: 1) Phát triển kinh tế làm thay đổi vai trò “cường quốc nhập khẩu năng lượng” của hai nước trên trường quốc tế; 2) Cuộc chiến giành nguồn dầu khí giữa hai nước 3) Triển vọng quan hệ Nhật Bản- Trung Quốc trong vấn đề năng lượng. Bài viết sử dụng tài liệu và tư liệu từ các tạp chí và nguồn thông tin chính thức đăng tải trên các mạng.
1. Phát triển kinh tế làm thay đổi vai trò “cường quốc nhập khẩu năng lượng” của Nhật Bản, Trung Quốc trên trường quốc tế.
Những năm gần đây, vấn đề năng lượng nổi lên là một trong những vấn đề quốc tế nóng bỏng liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của nhiều nước. Những nước công nghiệp phát triển, trong đó có Nhật Bản, và những nước kinh tế phát triển vào hàng nhanh nhất thế giới như Trung Quốc càng liên quan chặt chẽ tới vấn đề này. Vấn đề năng lượng không chỉ liên quan trực tiếp tới sự phát triển kinh tế mà còn lan sang các lĩnh vực khác như chính trị, ngoại giao làm thay đổi quan hệ song phương hay đa phương giữa hai nước với nhau hay giữa nhiều nước với nhau trên thế giới.
Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển. Để đáp ứng sự phát triển kinh tế nói chung và nền công nghiệp kỹ thuật cao nói riêng, Nhật Bản cần một nguồn năng lượng dồi dào. Tuy nhiên, do đặc thù địa lý, Nhật Bản không có nhiều tài nguyên thiên nhiên và các nguồn năng lượng. Đa phần nguồn năng lượng dùng cho sản xuất và công nghiệp trong nước Nhật Bản buộc phải nhập khẩu từ bên ngoài.
Đất nước Mặt trời mọc phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu hơn bất kỳ quốc gia công nghiệp nào khác. Như chúng ta đã biết, nguồn thuỷ điện hiện nay của Nhật Bản chỉ chiếm dưới 5% nguồn năng lượng ban đầu của nước này và đã được khai thác triệt để vào những năm 1950. Nguồn than đá của Nhật Bản cũng có hạn không đủ cung cấp cho nền kinh tế Nhật Bản những năm 1960. Nhật Bản hầu như không có dầu lửa. Nước này buộc phải nhập khẩu hầu như toàn bộ số dầu lửa cần thiết, lên tới 99,7%. Nhật Bản không có mỏ uranium và các nguồn năng lượng thay thế như địa nhiệt… Trên thực tế Nhật Bản chỉ cung cấp được gần 18% nguồn năng lượng, trong đó năng lượng mặt trời chiếm 2%([2]).
Những năm tới đây, Nhật Bản tiếp tục là nước nhập khẩu năng lượng lớn trên thế giới. Nhưng do tình hình năng lượng thế giới chung biến động, Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng và buộc phải có chính sách năng lượng đúng đắn nhằm duy trì nền kinh tế khổng lồ của mình.
Với Trung Quốc, mặc dù bức tranh năng lượng có hơi khác([3]), nhưng trong tương lai Trung Quốc cũng vấp phải vấn đề tương tự như Nhật Bản. Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc có mức tiêu thụ năng lượng bằng 1/10 tổng tiêu thụ năng lượng thế giới. Năm 1995, tỷ trọng tiêu thụ than đá và dầu mỏ của Trung Quốc chiếm lần lượt là 28% và 5% của thế giới. Dự báo đến năm 2020, tỷ trọng này sẽ là 36% và 10%. Nhu cầu về điện của Trung Quốc cũng tăng mạnh. Dự báo nguồn năng lượng sử dụng cho các loại phương tiện giao thông của Trung Quốc sẽ tăng từ 6 MTeo năm 1971 lên 59  MTeo năm 1995 và đạt 190 MTeo năm 2020([4]). Do tác động của tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ xấp xỉ bằng 23% của thế giới([5]).
Như vậy, nếu như cách đây khoảng 10-15 năm, Trung Quốc chưa cảm nhận thấy sự thiếu hụt năng lượng thì những năm gần đây, với tốc độc tăng trưởng kinh tế “thần kỳ”, cảm nhận này của Trung Quốc rõ rệt hơn bao giờ hết.
Tổng cục Thống kê nhà nước Trung Quốc cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2005 đạt mức dự kiến là 9,5%, năm 2006 là 10,5%, tăng 1% so với năm 2005. Tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” cho rằng, với đà tăng trưởng này, Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng năng lượng. Chỉ riêng về dầu lửa, nguồn nhiên liệu quan trọng để phát triển kinh tế, đặc biệt là dùng cho những ngành mũi nhọn, mảng đặc biệt này trong bức  tranh năng lượng Trung Quốc rất đậm màu.
Theo Giáo sư Từ Kiến Trung, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật thuộc Viện khoa học Trung Quốc, sản lượng dầu lửa của Trung Quốc chỉ có thể đạt 170-200 triệu tấn vào năm 2020, trong khi để duy trì tốc độc tăng trưởng lượng tiêu thụ lên tới 520 triệu tấn([6]).
Trước đây, Trung Quốc từng là nước xuất khẩu dầu lửa, nhưng từ năm 2002, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu lửa đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm 2002, Trung Quốc  nhập 71,8 triệu tấn, chiếm 30% tổng lượng tiêu dùng và xu thế ngày càng tăng([7]). Dự đoán đến năm 2010, lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc có thể lên đến 40%, thậm chí có thể tăng lên 60% vào năm 2020. Những năm gần đây, số lượng nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc tăng, năm 2003 nhập 80 triệu tấn([8]). Đến năm 2020 theo dự báo, nhu cầu dầu lửa của Trung Quốc tăng từ 2 đến 2,6 lần so với năm 2000 nhưng sản lượng khai thác do nguồn tài nguyên hạn chế nên không tăng. Đến thời gian này, khai thác dầu khoảng 180-200 triệu tấn sau đó bắt đầu giảm dần. Tối thiểu nhu cầu dầu lửa là 450 triệu tấn (theo phương án tối đa lên tới 610 triệu tấn) làm cho Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu lửa tới 55% (theo dự báo tối đa lên tới 76,9%). Điều này tương đương với mức độ phụ thuộc nguồn nhập khẩu nước ngoài hiện nay của Mỹ (58%). Với việc duy trì xuất khẩu dầu thô nhu cầu chung năm 2005 là 252 triệu tấn, năm 2010 là 302 triệu tấn. Nhưng năm 2003 nhập khẩu dầu và sản phẩm dầu đã vượt quá 100 triệu tấn tăng hơn so với năm trước hơn 30 triệu tấn([9]) . Năm 2004, Trung Quốc nhập khẩu 122 triệu tấn dầu, tăng 34,8%. và theo dự đoán dầu tiêu dùng của Trung Quốc lên đến 354 triệu tấn năm 2005([10]). Trên thực tế năm 2005 và 2006 Trung Quốc đã nhập khẩu dầu vượt con số kể trên. Cuối thập kỷ này Trung Quốc có nguy cơ phải nhập trên 50% lượng dầu tiêu thu trong nước.
Mới đây Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố danh sách 10 nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới năm 2005, theo đó Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách với 20.770.000 thùng/ngày (bpd). Tiếp theo là Trung Quốc năm thứ 3 liên tiếp ở vị trí thứ 2 với 6.600.000 bpd. Nhật Bản đứng thứ 3 với 5.410.000 bpd. Tiếp sau là Nga và các nước Liên Xô cũ, Ấn Độ v.v…([11])
Rõ ràng, sự phát triển kinh tế, với đà tăng trưởng và sức mạnh khác nhau, đã làm thay đổi vị trí là những “cường quốc nhập khẩu năng lượng” giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Với cùng một tương lai không sáng sủa đối với cả hai nước là sự thiếu hụt nguồn năng lượng trầm trọng, Nhật Bản và Trung Quốc  buộc phải đối mặt với cuộc cạnh tranh nguồn năng lượng cần thiết cho sự sống còn nền kinh tế của mình, đặc biệt là dầu lửa,.
2. Cuộc chiến giành nguồn dầu khí giữa Nhật Bản và Trung Quốc
Do khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ tập trung phân tích những nỗ lực cạnh tranh nhằm giành giật nguồn năng lượng quan trọng trong tổng nguồn năng lượng nhập khẩu của Nhật Bản và Trung Quốc là dầu mỏ và khí tự nhiên.
Có thể thấy cuộc chiến này diễn ra trên hai mặt trận: a) tranh giành nguồn dầu khí tại những vùng mà hai bên cho là thuộc chủ quyền của mình và b) giành dật nguồn dầu có thể nhập khẩu có lợi nhất cho mình trên các thị trường ngoài nước.
a) Nhật Bản và Trung Quốc tranh giành nguồn dầu khí tại những vùng mà hai bên cho là thuộc chủ quyền của mình
Đến thời điểm hiện tại, nguồn dầu khí của chính Nhật Bản hầu như có rất ít. Nguồn này của Trung Quốc cũng không dồi dào và đã được khai thác gần hết. Do vậy, một nguồn dầu khí “của mình” được cả hai nước đặc biệt chú trọng và tìm mọi cách để khai thác.
Những thập niên gần đây, biển Hoa Đông nằm kẹp giữa Nhật Bản và Trung Quốc được coi là nơi có nguồn dầu, khí với trữ lượng lớn. Tài liệu Trung Quốc cho biết, trữ lượng dầu khí tại biển Hoa Đông rất lớn. Tờ “Phương Đông” đánh giá tài nguyên của Đông Hải, tức biển Hoa Đông, khoảng 25 tỷ tấn, khí đốt của biển Hoa Đông khoảng gần 6.000 tỷ m3([12]).
Từ lâu, giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã có sự tranh chấp tại đây về lãnh thổ([13]). Tuy nhiên việc tranh chấp được đẩy lên cao trong những năm gần đây chính vì hai nước đều biết rõ tiềm năng dầu khí to lớn nằm sâu trong lòng vùng biển này. Các nhà nghiên cứu, nhất là các chính trị gia hai nước đều biết rằng dầu khí chính là nguyên nhân sâu xa của những cuộc “tuần tra” vũ trang của cả hai phía. Dầu khí ở đây trực tiếp là nguyên nhân căng thẳng giữa hai nước. Thậm chí, có người còn cho rằng vì dầu khí ở đây Nhật Bản và Trung Quốc có thể xung đột lẫn nhau([14]). Bài báo dẫn ra những số liệu và thông tin về những hành động quân sự mà cả hai phía tiến hành tại vùng biển Hoa Đông xung quanh vấn đề dầu khí. Trung Quốc trong tháng 9/2005 đã đưa chiến hạm tới (vùng tranh) nói là để bảo vệ các công trình khai thác dầu khí trên vùng biển chủ quyền của mình, nhưng thực ra là để thị oai một công ty Nhật Bản được Chính phủ cho phép tìm mỏ dầu khí trên vùng tranh chấp. Trung Quốc nói vùng biển chủ quyền của họ kéo dài tới tận đảo Okinawa của Nhật, điều mà Tokyo đã mạnh mẽ phản đối. Ngày 10-08-2005, Nhật Bản chính thức phản đối  Trung Quốc sau khi một tập đoàn dầu khí của Trung Quốc khoan khí đốt tại địa điểm Chunxiao trên biển Hoa Đông. Nhật lo ngại từ điểm này Trung Quốc dùng ống dẫn hút túi khí đốt lớn trữ lượng 200 tỷ m3 kéo dài sâu vào phần lãnh hải của Nhật. Vì không muốn tranh chấp kéo dài, Nhật Bản đã đề nghị Trung Quốc hai bên hợp tác trao đổi tin tức thăm dò và cùng khai thác, nhưng đã bị Bắc Kinh từ chối. Trung Quốc đã cho tàu ngầm tiến sâu vào vùng biển gần Okinawa. Một mặt, Trung Quốc muốn thăm dò túi khí đốt lớn nằm vắt qua vùng biển hai nước, mặt khác muốn thăm dò khả năng tuần tra của các chiến hạm và thăm dò phản ứng của Nhật Bản. Trước tình thế này, Nhật Bản buộc phải tăng cường tuần tra bảo vệ giếng dầu và khí đốt trong vùng lãnh hải.
Ngày 2-12, AP loan tin, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản loan báo kế hoạch tăng cường kiểm soát khu vực giếng dầu trên biển Hoa Đông dọc ranh giới biển chung đang tranh chấp với Trung Quốc. Họ yêu cầu Quốc hội cung cấp 240 triệu Đô la cho tài khóa năm 2006 để trang bị lại cho các tàu tuần tiễu đã có, mua thêm 6 chiến hạm và 4 trực thăng cho công tác tuần tra([15]).
Tuy nhiên, sự căng thẳng Nhật Bản-Trung Quốc do nguồn dầu tại biển Hoa Đông chỉ là một trong những dấu hiệu bất bình thường trong quan hệ hai nước và vì lợi ích kinh tế, chính trị vĩ mô của hai cường quốc này chắc sẽ được giải quyết ổn thoả.
b) Nhật Bản và Trung Quốc tranh giành quyền mua dầu, khí tại những khu vực có lợi nhất cho mình.
Sự thiếu hụt nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước buộc Nhật Bản và Trung Quốc phải tìm kiếm nguồn dầu khí ở nước ngoài. Bài toán kinh tế đưa hai nước tới những xung đột về lợi ích trong việc tìm kiếm nguồn nhập khẩu dầu khí mới. Trước hết, điều này liên quan tới nước Nga, một trong những cường quốc dầu khí trên thế giới, là nước láng giềng của cả Nhật Bản và Trung Quốc. Về cuộc cạnh tranh nguồn dầu từ Nga giữa hai nước được tác giả bài viết đề cập trong bài: “Hợp tác năng lượng Nga-Trung những năm đầu thế kỷ”, đăng trên số 4/2005, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu([16]).
Năm 1999, Trung Quốc đã tiến hành đàm phán với phía đối tác Nga khai thác nguồn “vàng đen” từ Xibêri. Trung Quốc đề xuất và đã ký với Tập đoàn Yukos của Nga xây dựng đường ống dẫn dầu dài 2.400km để chuyển dầu mỏ từ Angask (Nga) đến Đại Khánh (Trung Quốc)([17]) Năm 2002, công tác nghiên cứu kỹ thuật đã sắp hoàn thành chỉ chờ chính phủ hai nước phê chuẩn là khởi công.  Nhưng dự án đã không được thực hiện bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết là do có sự can thiệp từ phía Nhật Bản- một đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc. Năm 2003, Nhật Bản đề ra "sáng kiến" mới, theo đó trước hết Nga  nên xây dựng đường ống dẫn dầu theo phương án do phía Nhật Bản gợi ý là đặt đường ống cũng từ Xibêri nhưng vòng qua biên giới Trung Quốc đến thẳng Nakhodka, ưu tiên xuất dầu cho Nhật. Nhật Bản đưa ra những điều kiện viện trợ và tài trợ kinh phí kỹ thuật hấp dẫn để thực hiện dự án này. Nhật Bản còn lợi dụng “Thuyết về mối đe doạ của Trung Quốc” nhằm tranh thủ phía Nga ủng hộ dự án do Nhật Bản đề xuất.
Tháng 12/2004, Chính phủ Nga có ý định lắp đặt ống dẫn dầu Taishet-Nakhodka với chiều dài 3.800km vòng qua lãnh thổ Trung Quốc dẫn tới Nakhodka([18])
Nhưng, cuối cùng, thực tế đã chứng minh Trung Quốc đạt được mục đích của mình trong cuộc chiến giành nguồn năng lượng mới, dồi dào này. Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào các ngày 30/6-3/7/2005 được coi là bước đột phá trong hợp tác năng lượng Nga - Trung Quốc. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Pu-tin ngày 21 và 22/3/2006 khẳng định chắc chắn mối quan hệ năng lượng giữa hai nước có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc và Nga đã ký kết ba văn bản về hợp tác năng lượng giữa hai nước. Các văn kiện trên bao gồm một thỏa thuận mang tính nguyên tắc giữa Tổng công ty Dầu lửa quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Công ty dầu lửa Rosneft của Nga và việc thành lập các liên doanh hợp tác dầu khí, một bản ghi nhớ giữa CNPC với Công ty khí đốt Gazprom của Nga và việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc, và một biên bản đàm phán giữa CNPC với Công ty vận tải đường ống Transneft của Nga.
Để tìm nguồn dầu khí tại nước ngoài Trung Quốc thực hiện chiến lược “đi ra ngoài”, thâm nhập vào cả những vùng ảnh hưởng mang tính truyền thống của các nước nhập dầu lớn như Mỹ và Nhật Bản. Điều này dẫn tới xung đột quyền lợi của các nước này. Ngoài xung đột quyền lợi dầu khí từ nước Nga, quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng với nguồn dầu khí từ Inđônêxia và một số nước Trung Đông và Châu Phi.
Rõ ràng, vì vấn đề năng lượng, quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc hiện nay đã vượt khuôn khổ quan hệ kinh tế lan sang cả những lĩnh vực khác trong quan hệ song phương và đa phương.
3. Triển vọng quan hệ Nhật Bản- Trung Quốc trong vấn đề năng lượng.
Việc thay đổi vai trò là cường quốc nhập khẩu dầu khí lớn trên thế giới và sự thiếu hụt nguồn năng lượng trầm trọng của Nhật Bản và Trung Quốc dẫn đến cuộc tranh giành nguồn vàng đen này diễn ra rất gay gắt. Cuộc chiến giành nguồn năng lượng đặc biệt căng thẳng tại vùng biển Hoa Đông cận kề hai nước lên cao buộc hai nước có những phản ứng vượt khỏi quan hệ kinh tế. Điều này làm giảm sút hình ảnh của hai nước trong lòng nhân dân mỗi nước. Một cuộc thăm dò dư luận năm trước cho thấy hình ảnh của Trung Quốc trong lòng người dân Nhật Bản ở mức thấp nhất từ 25 năm trở lại đây: chỉ 32,4% số người Nhật có cảm tình với Trung Quốc, so với tỷ lệ 37,6% của năm trước và 75% của năm 1985. Tại Trung Quốc, các cuộc thăm dò cũng cho kết quả. Tương tự năm 2003 chỉ 6% người dân Trung Quốc có cảm tình với Nhật Bản, 43% có thái độ chống Nhật Bản ([19])
Việc thiếu hụt nguồn năng lượng của hai nước là hiển nhiên. Nhưng làm thế nào để có được nguồn nhập khẩu dầu khí ổn định và có lợi nhất cho hai nước, không đẩy quan hệ hai nước tới xung đột là bài toán khó đặt ra hiện nay đối với các chính trị gia Nhật Bản và Trung Quốc.
Hiện tại, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang tuân thủ nguyên tắc trỗi dậy hoà bình, quan hệ tốt với các nước láng giềng, các nước lớn, trong đó có Nhật Bản, tạo bầu không khí chính trị ổn định để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế thần kỳ của mình. Đối với Nhật Bản, mục tiêu phát triển kinh tế vẫn là hàng đầu. Chính phủ đất nước mặt trời mọc cũng chủ trương tập trung nỗ lực cao nhất cho phát triển kinh tế.
Rõ ràng, mặc dù nguồn năng lượng là sống còn với nền kinh tế hai nước nhưng không phải là tất cả. Trên thực tế, những căng thẳng hiện nay giữa hai nước quanh vấn đề năng lượng, đặc biệt là dầu khí là liều thuốc thử nhãn quan chính trị của cả hai phía và là chất xúc tác thúc đẩy lãnh đạo hai nước tìm ra lời giải thoả đáng cho vấn đề hóc búa này.
Mấu chốt là nguồn dầu khí ở lòng biển Hoa Đông. Đã có những cố gắng của cả hai phía vào các thời điểm khác nhau, đề nghị ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề năng lượng giữa hai bên, thậm chí có cả những đề nghị hai bên cùng nhau khai thác.
Những động tác đem tầu chiến thăm dò nhau, thậm chí như Trung Quốc đã cắt giảm nguồn xuất khẩu dầu thô từ Dasin đến Nhật Bản và tăng giá dầu baren đôi khi chỉ mang tính biểu tượng.
Phương thức để giải bài toán nguồn dầu từ Nga cũng không phải là đối đầu. Tốt nhất cả hai nước cùng tập trung nỗ lực đầu tư để thoả mãn nhu cầu thiếu hụt kinh phí của Nga để có được đường ống dẫn dầu từ đây toả về cả hai nhánh Nhật Bản và Trung Quốc.
Nhật Bản và Trung Quốc đều hiểu rất rõ là sự hợp tác mới mang lại lợi ích chứ không phải là đối đầu. Có nhiều nguyên nhân cho sự giữ vững sự cân bằng trong quan hệ hai nước. Tờ Tạp chí Quốc tế  đưa ra hai nguyên nhân quân sự và chính trị: Trung Quốc có nền kinh tế phát triển mạnh nhưng tổng sản phẩm quốc dân mới chỉ bằng 1/3 của Nhật Bản. Trung Quốc đang trong giai đoạn xây dựng tiềm lực quốc gia và hiện đại hoá quân đội. Nước này không muốn đi quá xa tránh sự nghi ngờ của một loạt nước láng giềng khác về mối đe doạ, chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Nhật Bản, tuy phát triển lực lượng quân sự mạnh nhưng lực lượng yêu chuộng hoà bình trong nước cũng khá lớn. Hiến pháp và các đạo luật liên quan hậu thuẫn là cơ sở khó có thể thay đổi.
Ngoài ra, quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác liên quan như xử lý vấn đề Đài Loan, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, việc hợp tác giữa hai nước trong ý tưởng về Cộng đồng Đông Á([20]). Đặc biệt, mối quan hệ này phụ thuộc nhiều vào nhân tố Mỹ. Trước tình hình căng thẳng hiện nay trong quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Thomas Schieffer khuyên hai nước“Trung Quốc và Nhật Bản cần lấy sự ổn định khu vực làm trọng để giải quyết những bất đồng của hai bên“([21]). Phát biểu này của ông Đại sứ Mỹ cho thấy Mỹ muốn gây sức ép cả với Trung Quốc và Nhật Bản.
Những nguyên nhân nêu trên cho thấy quan hệ Nhật Bản- Trung Quốc không thể không chịu ảnh hưởng to lớn của bối cảnh quốc tế và khu vực, đặc biệt là của Mỹ và các nước láng giềng. Việc đẩy quan hệ căng thẳng tới mức xung đột, đặc biệt chỉ vì nguyên nhân nguồn dầu khí, giữa Nhật Bản và Trung Quốc rất khó có thể xảy ra trong một tương lai gần.
Những phương thức tương đối hợp lý trong điều kiện hai nước có thể chấp nhận được về tranh chấp nguồn dầu khí chắc chắn sẽ được các nhà chiến lược hai nước tìm ra. Đó cũng là hy vọng của các nước láng giềng của hai cường quốc này.
Năm 2006 đánh dấu bước chuyển mới trong quan hệ Trung Quốc với Nhật Bản. Với việc Nhật Bản bổ nhiệm ông Shinzo Abe làm thủ tướng mới của nước này quan hệ Trung- Nhật đã đỡ căng thẳng hơn so với thời kỳ ông Koizumi còn đương nhiệm. Ngày 8/10/2006, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành cuộc viếng thăm Trung Quốc. Chuyến thăm này nhằm mục đích cải thiện quan hệ căng thẳng Trung- Nhật vào thời gian cuối nhiệm kỳ của người tiền nhiệm nguyên Thủ tướng Nhật Bản Koizumi. Đánh giá kết quả chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói: "Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản trong vòng 5 năm qua, đánh dấu một bước ngoặt tích cực trong quan hệ giữa hai nước. Tôi hy vọng chuyến thăm này có thể tạo nền tảng cho việc cải thiện và phát triển các quan hệ song phương"([22]). Đáp lại, Thủ tướng Shinzo Abe cũng hy vọng “sẽ xây dựng được mối quan hệ tin cậy với các nhà lãnh đạo Trung Quốc”([23]). Đây là nền tảng chính trị vững chắc mới giúp quan hệ năng lượng hai nước được cải thiện theo hướng tích cực trong thời gian tới.

Kết luận

Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc quanh vấn đề năng lượng là bài toán khó giải đối với các nhà hoạch định chính sách và chiến lược của cả hai nước. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho quan hệ ngoại giao Tokyo - Bắc Kinh quãng thời gian cuối năm 2005 đầu năm 2006 xấu đi trầm trọng, được coi là xấu nhất trong vòng hơn 30 năm qua.
Giải quyết tốt quan hệ năng lượng chỉ có lợi cho phát triển kinh tế và quan hệ hai nước. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, vấn đề năng lượng không thể đẩy quan hệ hai nước tới xung đột trong tương lai gần, giống như một số ý kiến từng phát biểu trên báo chí quốc tế([24]). Lực lượng yêu chuộng hoà bình, các nhà chính trị và những người hoạch định chính sách nhãn quan rộng của hai nước chắc chắn sẽ tìm ra những giải pháp phù hợp nhất được cả hai bên chấp thuận để giải quyết mối quan hệ phức tạp này. Đây cũng là nguyện vọng của nhiều nước láng giềng trong một Cộng đồng Đông Bắc Á hoà bình và ổn định trong tương lai. Việc Thủ tướng mới Shinzo Abe tiếp nhận Nội các Nhật Bản không chỉ góp phần cải thiện quan hệ Nhật –Trung nói chung mà còn cải thiện quan hệ năng lượng giữa hai nước theo chiều tích cực nói riêng.

ĐỖ MINH CAO
(TS, Viện Nghiên cứu Trung Quốc)
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ia.Berger, Về chiến lược năng lượng của Trung Quốc, Tạp chí Những vấn đề Viễn Đông, số3/2004, Tiếng Nga.
2. Lí Cốc Thành, Tranh giành tài nguyên ở Biển Đông, Tài liệu Tham khảo đặc biệt“ Phương Đông, ngày 23,24/4/2005, TTXVN.
3. Kinh tế Quốc tế, số 28/2005, ngày 10/7/2005.
4. Quan hệ Nhật – Trung: Đối đầu và thực dụng, Tin tham khảo Thế giới, TTXVN, ngày 16/12/2006.


([1]) Theo nguồn www.vnn.vn, ngày 18/4/2005, quan hệ Nhật – Trung lại được cải thiện từ cuối năm 2006 đầu năm 2007, khi Ngài Shinzo Abe lên nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản.
([2]) Bản tin Hội sinh viên Nhật Bản tại Việt Nam, ngày 11/8/2004.
([3]) Đỗ Minh Cao, Chiến lược năng lượng của Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI, Nghiên cứu Trung Quốc, số 5/2005, tr.25-32.
([4]) Anh Tuấn, Thị trường năng lượng Châu Á-Thái Bình Dương, Tạp chí Công nghiệp, số 23/2003, tr 36.
([5]) Tài liệu đã dẫn trên.
([6]) Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng năng lượng. TTXVN,  Kinh tế quốc tế, ngày 26/5/2005.
(7)Ia. Berger, Về chiến lược năng lượng của Trung Quốc, Tạp chí Những vấn đề Viễn Đông, số 3/ 2004, tr. 120-137, (tiếng Nga).
(8) Tài liệu đã dẫn trên.
(9)  Chiến lược năng lượng của Trung Quốc, Tạp chí Cầu thị, số 10/2005.
(10) Quốc Chiểu, Chiến lược dầu lửa của Trung Quốcwww.vnn.vn
(11) Mười nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới năm 2005. www.vnn.vn , ngày 10-3-2006
([12]) Lí Cốc Thành, Tranh giành tài nguyên ở Biển Đông, “Phương Đông” 23 và 24/4/2005, TLTKĐB. 2/5/2005.
([13]) Xem thêm: Đỗ Minh Cao, Quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc trước thềm hội nghị thượng đỉnh Á-Phi II, Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 4/2005
([14]) Huỳnh Cao, Nhật-Trung chọn đối đầu hay hợp tác?, www.vnn.vn, ngày 5/12/2005.
([15]) Tài liệu đã dẫn trên.
([16]) Đỗ Minh Cao, Hợp tác năng lượng Nga- Trung những năm đầu thế kỷ, Nghiên cứu Châu Âu, số 4/2005.
(17) Tờ Tuần san Châu Á số đầu tháng 7/2005, "Le Monde Diplomatique" số tháng 5/2005 TTXVN, TLTKĐB, ngày 14/7/2005.
(18) Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 6/7/2005; Kinh tế quốc tế số 28/2005, ngày 10/7/2005.
([19]) Quan hệ Trung-Nhật: đối đầu và thực dụng. Tin Tham khảo Thế giới. TTXVN, Hà Nội, ngày 16/2/2006.
([20]) Tạp chí Quốc tế, số ngày 15/4/2004.
(21) Chuyển động mới ở Đông  Bắc Á, www.vnn.vn, ngày 21/1/2006.
([22]) Thủ tướng Nhật Bản thăm Trung Quốc và Hàn Quốc: Chuyến đi lịch sử trong nỗ lực làm quan hệ “tan băng”  www. Quandoinhandan.com, ngày 8/10/2006
([23]) Tài liệu đã dẫn trên.
([24]) Huỳnh Cao, Nhật-Trung chọn đối đầu hay hợp tác? Bài ttrên mạng www.vnn.vn, ngày 5/12/2005.

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4, 2007