Vào cuối thập niên
1990, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa khu vực ở Đông Á,
khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 đã ra đời đánh dấu một mốc quan trọng trong
lịch sử hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực. Có thể nói, đây là
khuôn khổ thuần Đông Á duy nhất từ trước đến nay với thành viên gồm mười
nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ba nước Đông Bắc
Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Kể từ khi hình thành và đặc biệt
là sau khi được thể chế hóa với việc ra Tuyên bố chung đầu tiên tại Hội
nghị thượng đỉnh lần thứ ba năm 1999, ASEAN+3 ngày càng trở thành một
khuôn khổ hợp tác toàn diện và thiết yếu đối với các quốc gia Đông Á
trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, an ninh đến văn hoá-xã
hội. Trong sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN+3, ngoài những nhân tố
khách quan thuận lợi, không thể phủ nhận những nỗ lực đóng góp nhiệt
tình của tất cả các quốc gia thành viên mà đặc biệt là Nhật Bản.
Từng là một nước thờ ơ đối với ý tưởng thành lập EAEC trước đó, nhưng
Nhật Bản lại hết mình ủng hộ và đã có nhiều đóng góp đáng kể cho
ASEAN+3. Nguyên do nào đã làm Nhật Bản thay đổi thái độ như vậy? Và cụ
thể Nhật đã có những đóng góp gì cũng như đóng một vai trò quan trọng
như thế nào đối với tiến trình này, đó là nội dung của bài viết dưới
đây.
1. Nhật Bản trước những ý tưởng thành lập cộng đồng Đông Á: Từ EAEC đến ASEAN+3
Vào năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh vừa kết thúc, Thủ tướng Malaysia
Mahathir Mohamad đã đưa ra ý tưởng thành lập một Diễn đàn kinh tế Đông Á
(EAEC) (trước đó gọi là Nhóm kinh tế Đông Á (EAEG)) bao gồm các nước
thành viên ASEAN khi đó và ba nước Đông Bắc Á là Nhật Bản, Trung Quốc và
Hàn Quốc. Đây tuy không phải là sáng kiến mới về hợp tác khu vực nhưng
là sáng kiến đầu tiên của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Về sự cần thiết
của Diễn đàn này, Thủ tướng Mahathir đã đưa ra lý giải rằng nếu như một
mình Malaysia đi đến Brussels để phản đối chủ nghĩa bảo hộ Châu Âu thì
chắc chắn sẽ không đạt kết quả gì vì tiếng nói của một nước Malaysia quá
nhỏ, nhưng nếu đây là tiếng nói của cả Đông Á thì Châu Âu sẽ phải có sự
cân nhắc hơn. Theo ông, sự tham gia của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ
hai thế giới và là một thành viên của nhóm các nước phát triển G8 sẽ có ý
nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hiện thực hoá EAEC. Chính vì vậy,
ngay từ đầu, ông đã tích cực kêu gọi Nhật Bản làm thành viên chủ chốt
của EAEC với sự tin tưởng rằng Nhật Bản là “nước Châu Á duy nhất có khả
năng giúp các nước Châu Á láng giềng”(1).
Tuy nhiên, trái với lòng mong mỏi của Malaysia, Nhật Bản đã tỏ thái độ
rất thờ ơ trước sáng kiến này. Lý do nào đã khiến Nhật Bản có phản ứng
như vậy? Trước hết, có thể thấy đó là sự không công nhận của Nhật Bản
đối với việc sử dụng khái niệm “Đông Á” cho hợp tác kinh tế khu vực, bởi
vì theo Nhật Bản, để nói về điều này chỉ có khái niệm “Châu Á-Thái Bình
Dương”. Nhìn lại lịch sử, chưa bao giờ trong cách tiếp cận của Nhật Bản
đối với hợp tác kinh tế khu vực có khái niệm nào coi “Đông Á” như một
thực thể. Trong khi đó, khái niệm “Châu Á-Thái Bình Dương” đã được Nhật
Bản sử dụng từ năm 1967, khi Ngoại trưởng Takeo Miki phát động chính
sách Châu Á-Thái Bình Dương với mong muốn thông qua sự hợp tác với các
quốc gia Thái Bình Dương tiên tiến như Mỹ, Canada, Úc và New Zealand góp
phần vào sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển Châu Á.
Thậm chí cho đến những năm gần đây, ngay cả khi đã thừa nhận khái niệm
“Đông Á”, nhưng trong diễn đàn đa phương giữa các quốc gia Châu Á - Thái
Bình Dương, khái niệm này vẫn còn được các lãnh đạo Nhật Bản sử dụng.
Ngoài ra, sự thiếu nhiệt tình của Nhật Bản đối với EAEC còn xuất phát
từ những e ngại không muốn gợi nhắc các nước Châu Á về “Khối thịnh
vượng chung Đại Đông Á” mà phát xít Nhật đã từng phát động. Ông Takayuki
Sumita, Giám đốc Cơ quan Kinh tế quốc tế, Bộ Kinh tế, Thương mại và
Công nghiệp (METI) cho rằng với vai trò kinh tế nổi bật của mình, nếu
Nhật Bản tham gia vào EAEC, chắc chắn sẽ bị nghĩ là có ý định tạo ra một
“Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á” khác; điều này không chỉ nhen nhóm
lại những ký ức của các nước Châu Á về cuộc chiến tranh Thái Bình Dương
mà còn bị các nước phương Tây chỉ trích vì đã tạo ra khối mậu dịch hướng
nội(2).
Chính vì vậy mà Nhật Bản muốn ủng hộ APEC nơi có thể kết hợp cả các
nước Thái Bình Dương phát triển với các nước Châu Á đang phát triển hơn
là ủng hộ một EAEC đơn thuần chỉ có những nước Đông Á. Về điều này, Vụ
trưởng Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Nhật cũng đã nói rằng: “Chính sách Châu Á
của Nhật Bản không nên tách rời khỏi chính sách đối với phương Tây mà
nên được coi như một phần của chính sách Châu Á-Thái Bình Dương trong
bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau trên toàn thế giới”(3).
Sự chi phối của nhân tố Mỹ là một lý do nữa giải thích cho sự thờ ơ
của Nhật Bản trước lời đề nghị của Malaysia. Cho đến đầu thập niên 1990,
nhìn chung, Nhật Bản vẫn chịu sự chi phối lớn của Mỹ trong chính sách
đối ngoại. Chính vì vậy, Nhật Bản khó lòng tham gia vào một EAEC với tư
cách lãnh đạo mà không có Mỹ trong đó. Hơn nữa, Mỹ lúc này lại bày tỏ
thái độ phản đối do lo ngại EAEC sẽ làm chia rẽ khu vực Châu Á-Thái Bình
Dương, ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ nên Nhật Bản lại càng không có lý
do gì để ủng hộ diễn đàn này. Một điều đáng nói nữa là ý tưởng EAEC được
đưa ra đúng vào lúc mà Nhật đang bị Mỹ lên án về việc thiếu hợp tác
trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, cho nên như một quan chức của Vụ Bắc
Mỹ, Bộ Ngoại giao Nhật nói “không khí vào lúc đó không cho phép Nhật Bản
tuyên bố điều gì có thể làm Mỹ tức giận hơn nữa”(4).
Không được sự ủng hộ của Nhật, ý tưởng EAEC coi như thất bại. Tuy
nhiên, không chấp nhận dừng ở đó, chỉ vài năm sau ý tưởng về hợp tác
Đông Á tiếp tục lại được các nước ASEAN nêu ra. Điều mà không ai ngờ đến
đó là Nhật Bản lại có thái độ khác hẳn, ủng hộ rất nhiệt tình. Ngoại
trưởng Nhật khi đó là Yukihiko Ikeda đã nói rằng: “Nhật Bản muốn để các
quốc gia ASEAN quyết định xem có muốn mời Thủ tướng Nhật vào Hội nghị
thượng đỉnh không chính thức hay không... và nếu có một lời đề nghị cụ
thể từ ASEAN chúng tôi sẽ đáp lại tích cực”(5).
Đây là tuyên bố đầu tiên ở cấp Bộ trưởng của Nhật Bản rằng sẽ ủng hộ
một sự hợp tác Đông Á và điều này đã không khỏi làm nhiều lãnh đạo ASEAN
ngạc nhiên. Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas đã phải thốt lên rằng:
“Ai có thể nghĩ Nhật Bản sẽ hưởng ứng tích cực ngay sau khi đã phản đối ý
tưởng này suốt 4 năm qua”. Còn Ngoại trưởng Philipinnes Siazon nói:
“ASEAN đã không hy vọng rằng Nhật Bản có thể thay đổi quan điểm” đồng
thời mô tả quan điểm của Nhật Bản “như là một sự phát triển tích cực mà
ASEAN theo đuổi”(6).
Xuất phát từ đâu mà Nhật Bản lại có thái độ trái ngược hẳn với trước đây như vậy? Có thể giải thích bằng một số lý do sau:
Thứ nhất là Nhật Bản đã bắt đầu thừa nhận
sự cần thiết phải có một thể chế riêng của Đông Á để giải quyết các vấn
đề trong khu vực. Theo Ngoại trưởng Siazon: “Thủ tướng Obuchi đã coi
ASEAN+3 vô cùng hữu ích cho việc tăng cường quan hệ hợp tác ở Đông Á
cũng như coi hội nghị là một cơ hội quý báu để gửi cho cộng đồng thế
giới thông điệp rằng Đông Á đã bắt đầu vững chắc tiến tới hoà bình và
thịnh vượng bằng việc đứng lên chống lại khủng hoảng”(7).
Thứ hai là Mỹ đã không tỏ thái độ phản đối
như trong trường hợp của EAEC trước đây. Để giải thích về thái độ này
của Mỹ, Giám đốc Ban hợp tác khu vực, Bộ ngoại giao Nhật Bản Makio
Miyakawa cho rằng đó là do Mỹ ngày càng ý thức hơn về việc Nhật cần có
những sáng kiến đóng góp cho sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Á. Bên
cạnh đó, sự tồn tại của APEC mà Mỹ là một thành viên cũng đã giúp Nhật
thể hiện mối quan tâm hơn nữa của mình đối với ASEAN+3, kể từ khi các
quốc gia Đông Á có thể duy trì đối thoại mậu dịch và đầu tư với Mỹ thông
qua APEC. Hidehiro Yokoo, quan chức cao cấp của METI đã nói về điều này
như sau: “Chúng tôi cảm thấy ít gượng gạo hơn trong việc tham gia vào
các hội nghị ASEAN+3 nhờ APEC” (8).
Thứ ba là có thể
nói yếu tố lợi ích là một lý do quan trọng nữa đằng sau sự thay đổi thái
độ bất ngờ của Nhật. Lợi ích ở đây cụ thể là lợi ích chính trị mà Nhật
thấy có thể đạt được ở ASEAN+3. Nhật Bản nhận thức rõ rằng việc tham gia
vào tiến trình này là cơ hội để Nhật có thể phát triển quan hệ với các
nước ASEAN, những đối tác quan trọng trong chiến lược “tái Á hoá” của
mình. Và ngoài ra quan trọng hơn, thông qua ASEAN+3 Nhật còn có thể cải
thiện được quan hệ với hai nước láng giềng gần gũi nhưng bấy lâu nay
không mấy thân thiện với Nhật là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Như vậy là sau hơn nửa thập kỷ phản đối, Nhật Bản đã thừa nhận ý
tưởng hợp tác Đông Á với việc tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3
không chính thức đầu tiên năm 1997 tại Malaysia. Và đúng như mong đợi
của Thủ tướng Malaysia từ những ngày đầu đề ra ý tưởng EAEC, Nhật Bản đã
thể hiện một vai trò tích cực cùng với nhiều đóng góp quan trọng cho
tiến trình này.
2. Vai trò quan trọng của Nhật Bản trong việc hình thành và phát triển ASEAN+3
Mặc dù không phải là nước đề ra ý tưởng thành lập ASEAN+3 nhưng không
thể phủ nhận rằng, để khuôn khổ này trở thành hiện thực Nhật Bản có một
vai trò mang tính quyết định. Không ai có thể quên được sự bất ngờ khi
tại cuộc họp báo của Hội nghị sau bộ trưởng ASEAN (PMC) năm 1996, Ngoại
trưởng Nhật đã tuyên bố sẽ “đáp lại tích cực” đề nghị hợp tác khu vực
của các nước ASEAN. Có thể nói, tuyên bố này như một tín hiệu mở đường
cho việc xúc tiến ý tưởng hợp tác khu vực mà ASEAN đã theo đuổi suốt từ
đầu thập niên 1990. Chỉ một năm sau đó, vào tháng 12/1997, xuất phát từ
đề nghị của Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto về việc tổ chức cuộc gặp thượng
đỉnh Nhật Bản-ASEAN và yêu cầu của các nước ASEAN muốn mở rộng thêm
thành phần tham dự gồm hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc, Hội nghị thượng
đỉnh đầu tiên giữa nguyên thủ các nước ASEAN và ba nước Đông Bắc Á đã
được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia). Mặc dù mới chỉ là hội nghị
không chính thức nhưng có thể coi đây là cột mốc đánh dấu bước đi đầu
tiên cũng như là cơ sở cho những sự phát triển tiếp theo của tiến trình
ASEAN+3. Như vậy, rõ ràng là nhờ có sự ủng hộ của Nhật Bản mà ý tưởng
ASEAN+3 đã được hiện thực hoá, không giống như EAEC đã phải chết yểu
trước đây vì thiếu yếu tố quan trọng này.
Không chỉ có vai trò trong việc đưa ASEAN+3 từ ý tưởng đi vào thực
tiễn, đáng chú ý hơn, Nhật Bản còn góp một phần lớn vào việc thể chế hoá
cũng như phát triển tiến trình này. Như đã biết, Hội nghị thượng đỉnh
không chính thức đầu tiên của tiến trình ASEAN+3 diễn ra trong bối cảnh
cả khu vực đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng. Việc IMF
áp đặt những điều kiện cấp tín dụng không phù hợp khi tình hình đang rất
cấp bách cộng với sự thiếu tích cực trợ giúp của Mỹ và các nước phương
Tây đã khiến các nước trong khu vực hết sức thất vọng. Trong bối cảnh
đó, những cam kết trợ giúp của Nhật Bản cùng với sáng kiến của nước này
về việc thành lập Quỹ tiền tệ Châu Á (AMF), đã làm dấy lên tình cảm và ý
thức về một khu vực chung giữa các quốc gia Đông Á. Kết quả là, tại Hội
nghị thượng đỉnh không chính thức lần thứ hai tại Hà Nội năm 1998, các
quốc gia trong khu vực đã thống nhất duy trì hoạt động của hội nghị này
theo định kỳ hàng năm, bước khởi đầu cho việc thể chế hóa ASEAN+3. Từ
năm 1999, Bộ Ngoại giao Nhật Bản bắt đầu sử dụng thường xuyên thuật ngữ
Đông Á cũng như mô tả hội nghị ASEAN+3 là “một hội nghị thượng đỉnh Đông
Á theo cảm nhận thực”. Điều này đã xóa đi hoàn toàn sự e ngại của các
nước ASEAN về việc Nhật có thể không thực sự ủng hộ ASEAN+3 khi chỉ thấy
nước này tập trung vào quan hệ song phương Nhật Bản-ASEAN. Ngay sau đó,
theo đề nghị của Nhật, tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba tổ chức ở
Philipinnes, nguyên thủ của 13 quốc gia Đông Á đã đi đến ký kết “Tuyên
bố chung về hợp tác Đông Á”, chính thức thể chế hóa ASEAN+3. Tommy Koh,
cựu Đại sứ Singapore ở Mỹ nhận xét: “Ở Manila, Nhật Bản đã làm rõ quan
điểm và hoàn toàn ủng hộ ASEAN+3”(9).
Kể từ đó đến nay, trải qua hơn 7 năm, trong từng bước phát triển của
ASEAN+3, chưa bao giờ thấy thiếu bóng dáng của Nhật Bản. Nhật Bản luôn
là nước đi đầu trong việc đưa ra các sáng kiến cũng như có những đóng
góp tài chính đáng kể giúp tiến trình này ngày càng phát triển và trở
thành một trong những khuôn khổ hợp tác quan trọng trong khu vực.
3. Những đóng góp chủ yếu của Nhật Bản đối với tiến trình ASEAN+3
Kể từ khi thay đổi thái độ chuyển sang ủng hộ ý tưởng hợp tác Đông Á,
Nhật Bản đã có nhiều đóng góp giá trị và thiết thực đối với tiến trình
ASEAN+3. Cụ thể là:
a) Nhật Bản đã đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng góp phần vào sự phát triển của ASEAN+3
Đầu tiên có thể kể đến là hai sáng kiến của Thủ tướng Keizo Obuchi
đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 lần thứ ba tổ chức tại
Philipinnes (12/1999): Một là sáng kiến tổ chức đối thoại cấp lãnh đạo ba bên giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trước hội nghị ASEAN+3. Hai là
sáng kiến tổ chức hội nghị các ngoại trưởng ASEAN+3 để hỗ trợ việc đảm
bảo thực hiện Tuyên bố chung. Có thể nói, những sáng kiến này đã được
các nước tham dự hội nghị hết sức hoan nghênh. Kết quả là cuộc đối thoại
ba bên lần đầu tiên giữa ba nước Đông Bắc Á đã diễn ra ngay sau đó dưới
hình thức một buổi làm việc trong bữa sáng và tại đây ba nước đã thống
nhất nâng cuộc họp này thành Hội nghị thượng đỉnh hàng năm. Một năm sau,
nhân dịp Hội nghị sau Bộ trưởng ASEAN (PMC) ở Bangkok vào tháng 7/2000
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN+3 đầu tiên cũng bắt đầu khai mạc. Có thể
thấy, những sáng kiến mà Nhật đưa ra phục vụ trước hết cho lợi ích của
nước này nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã đóng góp đáng kể cho sự
phát triển của ASEAN+3. Ví dụ như việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba
bên giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là nhằm tạo điều kiện cho Nhật
Bản cải thiện quan hệ với hai nước láng giềng nhưng thông qua đó đã góp
phần củng cố cho sự đoàn kết Đông Á, nền tảng quan trọng của ASEAN+3.
Sau Thủ tướng Obuchi, người kế nhiệm là Thủ tướng Yoshiro Mori cũng
có những sáng kiến hết sức ý nghĩa. Thứ nhất là, sáng kiến về “Ba nguyên tắc cho việc tăng cường hợp tác khu vực mở ở Đông Á”
mà ông đề ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 lần thứ ba ở Singapore
vào tháng 12/2000. Nội dung chính của ba nguyên tắc này gồm: Một là, xây dựng quan hệ đối tác trong bối cảnh ASEAN+3; Hai là, phát triển ASEAN+3 thành một khuôn khổ hợp tác khu vực mở, bổ sung và tăng cường cho hệ thống toàn cầu; Ba là
phát triển hợp tác ASEAN+3 một cách cân bằng trong mọi lĩnh vực đã được
đề ra trong “Tuyên bố chung về hợp tác Đông Á” bao gồm cả lĩnh vực
chính trị-an ninh. Với sáng kiến này, Nhật Bản mong muốn cùng lãnh đạo
của các nước trong khu vực tích cực thảo luận về tương lai của Đông Á
cũng như hình thức phù hợp của ASEAN+3 trong tương lai. Sáng kiến thứ
hai mà Thủ tướng Mori đưa ra là sáng kiến phát triển một “ASEAN điện tử”
và tổ chức “Hội thảo chung giữa các quan chức chính phủ, học giả xuất
chúng và các lãnh đạo kinh doanh về hợp tác công nghệ thông tin (IT) ở
Đông Á”. Đây là một trong những sáng kiến đã được các nước tham gia Hội
nghị đặc biệt khen ngợi. “Hành động điện tử Mori” là tên gọi mà Thủ
tướng Singapore Goh Chok Tong đã đặt cho sáng kiến này để thể hiện sự
đánh giá cao của mình.
Giống như những người tiền nhiệm, Thủ tướng Koizumi tại các Hội nghị
thượng đỉnh ASEAN+3 cũng đã đề xuất nhiều ý tưởng đóng góp quan trọng
cho tiến trình. Đầu tiên là ý tưởng xây dựng “một cộng đồng Đông Á cùng
nhau hành động và cùng nhau phát triển”. Đây là ý tưởng xây dựng trên
nền tảng ý tưởng phát triển quan hệ Nhật Bản-ASEAN “cùng hành động-cùng
phát triển” mà Thủ tướng Koizumi đề xuất trong bài phát biểu tại
Singapore nhân chuyến đi thăm các nước ASEAN năm 2002. Theo ông “quá khứ
của chúng ta có thể khác nhau nhưng tương lai của chúng ta có thể thống
nhất và hỗ trợ cho nhau”(10)
vì vậy để có thể “cùng nhau hành động và cùng nhau phát triển” cần mở
rộng hợp tác Đông Á dựa trên quan hệ Nhật Bản-ASEAN và “bước đầu tiên là
phải tranh thủ tối đa khuôn khổ ASEAN+3”(11).
Cũng trong bài phát biểu này, Thủ tướng Koizumi còn đưa ra một sáng
kiến nữa đó là nhóm họp Hội nghị sáng kiến phát triển ở Đông Á với mong
muốn tạo cơ hội cho các nước Đông Á xem xét lại vị trí của mình và cùng
nhau nghiên cứu mô hình phát triển tương lai, để từ đó nâng cao mức sống
cho nhân dân trong khu vực. Ngoài ra, tiếp nối ý tưởng của những người
tiền nhiệm về phát triển và trao đổi nguồn nhân lực trong khu vực, Thủ
tướng Koizumi còn có sáng kiến thiết lập một nhóm các nhà trí thức kiệt
xuất của các nước ASEAN+3 để nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy giao lưu
nhân dân và phát triển nguồn nhân lực giữa các nước Đông Á. Sáng kiến
này ngay lập tức đã được các nước trong khu vực nhiệt tình hưởng ứng và
hội nghị đầu tiên của Nhóm nghiên cứu về thúc đẩy giao lưu nhân dân và
phát triển nguồn nhân lực đã được tổ chức tại Nhật Bản một năm sau đó.
Một đóng góp quan trọng nữa của Thủ tướng Koizumi phải kể đến đó là sáng
kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Đây là sáng kiến được đưa ra
tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 năm 2004. Khi đề xuất ý
tưởng này, Thủ tướng Koizumi nhấn mạnh rằng cần phải làm rõ mối quan hệ
giữa hội nghị Thượng đỉnh Đông Á với Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3, mục
đích của từng hội nghị cũng như việc xác định các nước tham gia và “nếu
những vấn đề này được làm rõ thì Nhật Bản sẽ tích cực đóng góp cho Hội
nghị Thượng đỉnh Đông Á”(12).
Có thể nói sáng kiến trên của Thủ tướng Nhật Bản có một ý nghĩa đặc
biệt quan trọng, nó không chỉ góp phần vào sự phát triển ASEAN+3 mà còn
đánh dấu một bước tiến đáng kể trong tiến trình hợp tác đa phương của
toàn khu vực.
Không chỉ các nguyên thủ mà các Ngoại trưởng Nhật Bản cũng rất tích
cực đóng góp sáng kiến cho tiến trình ASEAN+3. Tiêu biểu là sáng kiến
khắc phục “sự ngăn cách kỹ thuật số” trong lĩnh vực công nghệ thông tin
(IT) giữa các nước Đông Á bằng các biện pháp hợp tác toàn diện cả gói
của Ngoại trưởng Yohei Kono tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3 năm 2000
và sáng kiến “Tăng cường hội nhập ASEAN” của Ngoại trưởng Yoriko
Kawaguchi năm 2003 với ba trụ cột chính: (1) Lấp khoảng cách kinh tế và
đạt tới sự thịnh vượng; (2) Bảo đảm nhân phẩm; (3) Thúc đẩy sự lãnh đạo
dân chủ và ổn định.
Có thể nói rằng, tất cả các sáng kiến mà Nhật Bản đề xuất đều được
các nước trong khu vực hoan nghênh cũng như đều nhanh chóng được đưa vào
thực hiện. Điều này đã chứng tỏ mong muốn thực sự cũng như nỗ lực hết
mình của Nhật Bản đóng góp vào sự phát triển của ASEAN+3, khác hẳn với
những gì mà Nhật đã tỏ ra trước đây đối với EAEC.
b) Nhật Bản đã có những đóng góp tài chính đáng kể trong tiến trình hợp tác ASEAN+3
Có một điều phải thừa nhận rằng trong mọi tổ chức, diễn đàn mà Nhật
Bản tham gia, Nhật luôn đứng đầu về các khoản đóng góp tài chính. Đối
với tiến trình ASEAN+3 cũng vậy. Kể từ khi ủng hộ và tham gia ASEAN+3,
Nhật Bản đã đóng góp nhiều khoản tài chính đáng kể và được các nước
trong khu vực đặc biệt đánh giá cao. Mở đầu là khoản viện trợ 80 tỷ USD
cho Châu Á mà trước hết là hỗ trợ tài chính khẩn cấp để làm giảm bớt khó
khăn của các nước Đông Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khủng hoảng tài
chính tiền tệ, do Thủ tướng Obuchi tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh
ASEAN+3 chính thức đầu tiên tại Philipinnes năm 1999. Tiếp đó là khoản
viện trợ cả gói về hợp tác toàn diện trong lĩnh vực công nghệ thông tin
(IT) bao gồm 15 tỷ USD mà Thủ tướng Mori đã đề xuất trong Hội nghị
thượng đỉnh năm 2000. Năm 2002, Thủ tướng Koizumi đã tuyên bố thực hiện
viện trợ phát triển chính thức hơn 250 tỷ Yên cho các nước trong khu vực
trong lĩnh vực giáo dục. Trong Hội nghị thượng đỉnh năm 2005 vừa qua
tại Malaysia, Thủ tướng Koizumi lại tiếp tục đưa ra khoản viện trợ cả
gói trị giá 135 triệu USD để giúp các nước Đông Á đối phó với dịch cúm
gia cầm. Cũng tại hội nghị lần này, Nhật Bản còn tuyên bố sẽ cung cấp
một khoản hỗ trợ tài chính khoảng 7,5 tỷ Yên (khoảng 70 triệu USD) để hỗ
trợ sự hội nhập ASEAN, bao gồm việc cung cấp 500.000 viên thuốc chống
vi rút dự phòng như là một phần của biện pháp đối phó với dịch cúm gà và
hỗ trợ trong các lĩnh vực như các biện pháp chống khủng bố và trợ giúp
đối với những nước phải chịu thiệt thòi do hội nhập kinh tế.
Phải nói rằng, những đóng góp tài chính của Nhật Bản vô cùng có ý
nghĩa. Nó đã giúp củng cố thêm tình cảm và ý thức về một khu vực chung
giữa các quốc gia Đông Á, nhân tố hết sức quan trọng trong sự phát triển
của ASEAN+3.
*
* *
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, với mong muốn cải thiện vị thế
chính trị để trở thành “quốc gia bình thường”, Nhật Bản đã thể hiện vai
trò tích cực cũng như có nhiều đóng góp trong các khuôn khổ hợp tác đa
phương của khu vực mà ASEAN+3 là một ví dụ tiêu biểu. Không ai có thể
nghĩ rằng một Nhật Bản vốn đã từng phản đối khái niệm “Đông Á” cũng như
thờ ơ trước ý tưởng thành lập một Tổ chức kinh tế Đông Á (EAEC) đã lại
ủng hộ và đóng góp nhiệt tình cho ASEAN+3 đến như vậy. Chính nhờ những
sáng kiến của Nhật mà ASEAN+3 đã từ ý tưởng trở thành hiện thực và xa
hơn nữa là phát triển thành một khuôn khổ hợp tác toàn diện của các quốc
gia Đông Á. Năm 2005 vừa qua, cũng theo đề xuất của Thủ tướng Nhật Bản,
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần đầu tiên đã được tổ chức với sự tham dự
của 13 nước ASEAN+3 và ba nước Ấn Độ, Úc và New Zealand, đánh dấu một
bước tiến mới trong tiến trình hợp tác của toàn khu vực. Liệu trong
tương lai, Nhật còn tiếp tục ủng hộ ASEAN+3 nữa hay không? Câu trả lời
chắc chắn là có bởi lẽ những lợi ích to lớn mà tiến trình này đem lại
cho Nhật là không thể phủ nhận và nhân tố Mỹ không còn quá chi phối
trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản như trước kia. Tuyên bố sẽ là
“lãnh đạo tinh thần” hay “người tiên phong” của Châu Á của Ngoại trưởng
Nhật Taro Aso trước Câu lạc bộ phóng viên báo chí nước ngoài tháng
12/2005 có thể coi là bằng chứng xác thực nhất cho điều này./.
HOÀNG MINH HẰNG
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO1. Australian Financial Reviews, 24 October 1994.
2. Cesar de Prado Yepes, Is the World Ready for a Coherent ASEAN+3? Working Paper No.1, September 2003
3. Star, 1 September 1996.
4. Takashi Terada, Constructing an ‘East Asian’ concept and growing regional identity: from EAEC to ASEAN+3, The Pacific Review, Vol. 16 No. 2 2003.
5. Takashi Terada, Forming an East Asian Community: A Site for Japan–China Power Struggles, Japanese Studies, Vol. 26, No. 1, May 2006.
6. Trích bài phát biểu của Thủ tướng Koizumi tại Singapore ngày 14/1/2002.
7. Trích bài phát biểu khai mạc buổi họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 năm 2004 tại Vienttian, Lào của Thủ tướng Koizumi.
8. Website: http://www.mofa.go.jp
9. Website: http://www.us-asean.org
(1) Australian Financial Reviews, 24 October 1994
(2) Takashi Terada, Constructing an ‘East Asian’ concept and growing regional identity: from EAEC to ASEAN+3, The Pacific Review, Vol. 16 No. 2 2003, tr..258.
(3) Takashi Terada, Sđd, tr. 258-259.
(4) Takashi Terada, Sđd, tr. 259.
(5) Star, 1 September 1996.
(6) Star, 1 September 1996.
(7) Takashi Terada, Sđd, tr. 268.
(8) Takashi Terada, Sđd, tr. 268.
(9) Takashi Terada, Sđd, tr. 267-268.
(10) Trích bài phát biểu của Thủ tướng Koizumi tại Singapore ngày 14/1/2002.
(11) Trích bài phát biểu của Thủ tướng Koizumi tại Singapore ngày 14/1/2002.
(12) Trích bài phát biểu khai mạc buổi họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 năm 2004 tại Vienttian, Lào của Thủ tướng Koizumi.
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 7, 2007
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 7, 2007