Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

56. Vai trò của Mỹ và Trung Quốc với việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Từ đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX đến nay, chương trình hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên luôn là vấn đề gây ra những rắc rối trong quan hệ quốc tế. Xét từ tình hình thực tế hiện nay, cho dù CHDCND Triều Tiên là chủ thể của vấn đề, nhưng giải quyết vấn đề này như thế nào không chỉ phụ thuộc vào CHDCND Triều Tiên mà ở một mức độ rất lớn lại chịu sự chi phối của 2 nước lớn là Trung Quốc và Mỹ. Mỹ cho rằng CHDCND Triều Tiên có vũ khí hạt nhân sẽ đe doạ ngay chính nước Mỹ. Từ khi Tổng thống Mỹ G. Bush lên nắm quyền đến nay, chính quyền của Tổng thống G. Bush đối với vấn đề vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng, thậm chí đã có lúc đi tới chỗ cận kề một cuộc chiến tranh. Đối với Trung Quốc, phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên cũng là lợi ích chiến lược của Trung Quốc, bởi vì nếu CHDCND Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, cũng có nghĩa là Trung Quốc bị bao vây bởi các quốc gia có vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy, Trung Quốc đã cố gắng hợp tác với Mỹ, nỗ lực theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên.
Bán đảo Triều Tiên nằm trong khu vực Đông Bắc Á và ở đầu cực Đông của lục địa Á - Âu. Đông Bắc Á nói chung và Bán đảo Triều Tiên nói riêng không phải là trung tâm tài nguyên của thế giới, địa - kinh tế cũng không nổi bật. Nhưng Đông Bắc Á lại ở vào trung tâm của những nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Tại đây, đang diễn ra cuộc đọ sức của các nước lớn trên nhằm tranh giành ảnh hưởng và vai trò của mình trong khu vực.
Sau cuộc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên 1950 - 1953, vĩ tuyến 380 là giới tuyến phân chia Bán đảo thành hai miền với hai quốc gia riêng biệt. Ở miền Bắc, CHDCND Triều Tiên  tiến lên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Trong một thời gian dài của công cuộc xây dựng đất nước, CHDCND Triều Tiên tuy có đạt được một số thành tựu đáng kể nhưng trước những thay đổi của tình hình trong nước và thế giới, CHDCND Triều Tiên lại không có được những cải cách kịp thời nhằm đưa đất nước tiến lên theo kịp thời đại mà vẫn duy trì nền kinh tế kế hoạch hoá, kiên trì đơn lẻ ý thức hệ cũ và có hy vọng thống trị toàn Bán đảo. Kết quả là một CHDCND Triều Tiên yếu kém về nhiều mặt, thiếu thốn trầm trọng về lương thực và năng lượng, duy chỉ có sức mạnh về quân sự là đáng kể.
Ở miền nam, Hàn Quốc đi theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, tập trung vào việc phát triển kinh tế xã hội. Cho đến nay, trình độ khoa học kỹ thuật của Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là khoa học công nghệ phát triển rất cao, kinh tế phát triển nhanh. Hàn Quốc đang được ví như một con rồng ở Đông Á.
Do sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển so với Hàn Quốc, lại bị mất dần những đồng minh truyền thống và đặc biệt là trước những sự răn đe của Mỹ, CHDCND Triều Tiên buộc phải phát triển hạt nhân để phần nào bù đắp lại sự thiếu hụt về sức mạnh của mình.
Đối với Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên là quốc gia mà nước này có quan hệ từ  hàng ngàn năm lịch sử.  Nhiều sự kiện trong quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên đã diễn ra từ thời Hán, Đường, Nguyên, Minh, Thanh. Đến giai đoạn lịch sử hiện đại, việc Trung Quốc giúp CHDCND Triều Tiên chống Mỹ đã đánh dấu mối quan hệ cùng tồn tại giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên lên đến đỉnh cao. Trên thực tế,  Bán đảo Triều Tiên có ý nghĩa sống còn đối với Trung Quốc. Trung Quốc luôn mong muốn một Bán đảo Triều Tiên ổn định và phát triển. Vì vậy về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc hy vọng Mỹ và CHDCND Triều Tiên tiến hành đối thoại và đàm phán, đi tới nhất trí trong vấn đề đảm bảo hoà bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc không ủng hộ việc CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân nhưng cũng phản đối Mỹ và Nhật Bản lấy đó làm cái cớ để phát triển hệ thống chống tên lửa.
Đối với Mỹ, Đông Bắc Á là khu vực không có dầu mỏ, không có tài nguyên khoáng sản hấp dẫn  và cũng không có tuyến giao thông biển quan trọng mà Mỹ cần bảo vệ. Nhưng do lợi ích chiến lược toàn cầu, Mỹ đã đặt căn cứ quân sự tại Hàn Quốc, kết đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc. Mục đích của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên là ngăn chặn Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và nhằm tạo nên một vành đai Đông Á. Mỹ cho rằng nếu CHDCND Triều Tiên có vũ khí hạt nhân sẽ đe doạ đồng minh của Mỹ trong khu vực và đe doạ đến chính nước Mỹ và nếu Mỹ mất vai trò quyết định với Bán đảo Triều Tiên thì vành đai chiến lược của Mỹ sẽ bị vỡ một mảng quan trọng. Ý đồ của Mỹ là muốn Bán đảo Triều Tiên ở trạng thái không ổn định với mức độ nhất định nằm trong phạm vi kiểm soát của Mỹ. Một Bán đảo Triều Tiên quá hoà dịu hoặc quá căng thẳng đều không phù hợp với lợi ích của Mỹ. Do vậy kiềm chế CHDCND Triều Tiên và kiềm chế các nước lớn xung quanh đã trở thành đặc trưng chủ yếu trong chính sách đối với Bán đảo Triều Tiên từ sau Chiến tranh Lạnh của Mỹ.
Như chúng ta đã biết, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành nghiên cứu vũ khí hạt nhân từ rất sớm. Ngay từ thập kỷ 60 thế kỷ XX, Liên Xô đã giúp CHDCND Triều Tiên đào tạo một số lượng đáng kể các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp nguyên tử. Năm 1965, Liên Xô đã cho xây dựng ở CHDCND Triều Tiên một lò phản ứng Uran nhỏ với công xuất 2 mêgaoat. Năm 1966, sau khi được đưa vào sử dụng và theo yêu cầu của Liên Xô thì lò phản ứng này phải được đặt dưới sự bảo đảm của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và cũng theo yêu cầu của Liên Xô, CHDCND Triều Tiên buộc phải tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (Hiệp ước này được ký kết tháng 12 năm 1985).
Nhưng từ đầu những năm 70 thế kỉ XX,  lãnh tụ Kim Nhật Thành của CHDCND Triều Tiên đã cho thông qua quyết định khởi động lại việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Quyết định này chủ yếu xuất phát từ những thông tin cho rằng Hàn Quốc do Mỹ giúp đỡ đang có chương trình hạt nhân, đe doạ trực tiếp đến an ninh của CHDCND Triều Tiên. Đặc biệt từ cuối những năm 80, CHDCND Triều Tiên ngày càng lâm vào tình trạng bế tắc nghiêm trọng, mặt khác lại luôn bị sức ép từ phía Mỹ, nên CHDCND Triều Tiên đã không ngừng phát triển chương trình hạt nhân của mình. Cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên đã xảy ra vào đầu năm 1993 khi đó Mỹ và CHDCND Triều Tiên có những mâu thuẫn gay gắt, tình hình Bán đảo Triều Tiên vô cùng căng thẳng.
Sau nhiều lần đàm phán, tháng 10 năm 1994 tại Giơnevơ (Thuỵ Sĩ), Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã ký Hiệp định khung, theo đó Triều Tiên ngừng sản xuất nguyên liệu hạt nhân (Plutonium), đổi lại Mỹ cam kết cung cấp hai lò phản ứng nước nhẹ để chế tạo năng lượng hạt nhân và 0,5 triệu tấn dầu/năm cho CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên Oasinhtơn không thực hiện Hiệp định trên và Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Năm 1996, Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đàm phán bốn bên (Mỹ, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên) nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Từ năm 1997, Trung Quốc đã tham gia các cuộc đàm phán bốn bên. Trung Quốc là nước ký hiệp định đình chiến trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời lại có quan hệ ngoại giao bình thường với ba bên còn lại. Trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc đã sử dụng tư cách đặc biệt này, nhằm phát huy vai trò mang tính xây dựng tích cực trong việc thúc đẩy xây dựng cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên(1)
Trước những tuyên bố về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế ngày 6 tháng 1 năm 2003 đã nhất trí đưa ra nghị quyết yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ kế hoạch phát triển hạt nhân của mình và phải tiếp nhận lại các điều tra viên, đặt lại các máy giám sát thiết bị hạt nhân. Nhưng đối kháng lại nghị quyết trên, ngày 10-1-2003, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Việc làm trên  của CHDCND Triều  Tiên đã phá hoại thể chế không phổ biến vũ khí hạt nhân, đi ngược lại những nỗ lực của cộng đồng quốc tế vì hoà bình và ổn định trên thế giới.  Một CHDCND Triều Tiên nếu được vũ trang hạt nhân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự cân bằng quân sự trên Bản đảo Triều Tiên, gây ra sự bất ổn định nghiêm trọng đến an ninh khu vực Đông Bắc Á và có thể làm suy yếu về cơ bản chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Ngay trong ngày 6/1/2003, khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ G.Bush,  Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã nêu rõ Trung Quốc không tán thành việc CHDCND Triều Tiên rút khỏi NPT và Trung Quốc luôn chủ trương một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Cũng trong cùng ngày, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc đã nhấn mạnh NPT có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân lan tràn và có tác dụng củng cố hoà bình và an ninh thế giới.(2)
Trung Quốc lo ngại rằng chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ có thể gây ra một cuộc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và việc CHDCND Triều Tiên có vũ khí hạt nhân có thể sẽ dẫn tới tình trạng các nước trong khu vực theo đó cũng tìm kiếm sự răn đe hạt nhân của mình. Hơn nữa, hành động của Mỹ ở Irắc đã tác động vào thái độ của Trung Quốc là sẵn sàng nỗ lực đưa CHDCND Triều Tiên đến bàn thương lượng.
Đứng trước cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, cùng với Mỹ, Trung Quốc đã đề xuất thiết lập một cơ chế đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân gồm 6 nước: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Tác dụng của cơ chế đàm phán 6 bên này trước hết là giải quyết vấn đề hạt nhân, thực hiện phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên; bước thứ hai là nỗ lực chuyển cơ chế đình chiến Bán đảo Triều Tiên sang cơ chế hoà bình lâu dài, ngăn chặn một cách triệt để sản phẩm cuối cùng của Chiến tranh Lạnh trên toàn cầu; bước thứ ba là tìm ra một cơ chế hợp tác Đông Bắc Á, cơ chế này có thể bao gồm các mặt về chính trị, kinh tế và an ninh(3).
Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bán đảo Triều Tiên là trọng tâm của những nỗ lực ngoại giao của các bên tham gia nhằm giải quyết vấn đề này bằng con đường hoà bình, thương lượng. Từ tháng 8/2003 đến tháng 6/2004 đã tiến hành được 3 vòng đàm phán nhưng thực chất đều đem lại rất ít kết quả.
Trong hai vòng đàm phán lần đầu, cả Oasinhtơn và Bình Nhưỡng đều tỏ ra rất cứng rắn trong lập trường của họ. Mỹ đơn thuần đưa ra đề nghị đòi CHDCND Triều Tiên phải “dỡ bỏ hoàn toàn” chương trình trình hạt nhân của mình. CHDCND Triều Tiên lại cho rằng họ phải nhận được sự đảm bảo về an ninh và những lợi ích kinh tế trước khi có thể diễn ra bất cứ hành động phi hạt nhân hoá nào.
Đến vòng đàm phán  thứ 3 (tháng 6-2004) tức là sau hơn một năm khi khủng hoảng hạt nhân nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên, Mỹ cuối cùng cũng đã đưa ra một đề nghị chi tiết để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Mỹ đề nghị CHDCND Triều Tiên nên có một tuyên bố đơn phương cam kết dỡ bỏ tất cả các chương trình hạt nhân của mình. Dựa trên tuyên bố của CHDCND Triều Tiên, các bên khác sẽ đưa ra sự bảo đảm an ninh đa phương tạm thời và bắt đầu xem xét những nhu cầu về năng lượng của CHDCND Triều Tiên, bắt đầu thảo luận những bước cần thiết để bãi bỏ những hình phạt về kinh tế và đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước “bảo trợ” khủng bố. Sau khi việc tháo dỡ được hoàn thành, những lợi ích lâu dài dành cho CHDCND Triều Tiên sẽ xuất phát từ việc điều tra năng lượng và các cuộc thảo luận về chấm dứt các hình phạt và đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi “danh sách khủng bố”.(4)
Để đáp lại những đề nghị trên của Mỹ, CHDCND Triều Tiên không cung cấp bất cứ một thông tin phản hồi chính thức nào. Không những thế, CHDCND Triều Tiên còn tuyên bố không trở lại bàn thương lượng để tiến hành vòng đàm phán thứ 4 dự định vào tháng 9 năm 2004.
Trước việc các vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bán đảo Triều Tiên bị bế tắc. Trung Quốc đã quyết định bổ nhiệm ông Vũ Đại Vĩ, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản (trước đây ông Vĩ đã giữ chức Đại sứ  Trung Quốc tại Hàn Quốc) thay thế Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị làm trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Trung Quốc. Việc điều chỉnh nhân sự này của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được công bố hai ngày sau khi CHDCND Triều Tiên cho biết họ sẽ không cử đoàn công tác tham gia chuẩn bị cho vòng đàm phán lần thứ tư. Dư luận cho rằng việc thay thế một nhân vật quan trọng - Trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc - trong hội đàm 6 bên, bằng một nhà ngoại giao gắn bó chặt chẽ với khu vực Đông Bắc Á là một giải pháp tình thế nhằm tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bán đảo Triều Tiên.
Tháng 11 năm 2004, nhân dịp tham dự Hội nghị APEC tại Xantiagô (Thủ đô Chi Lê), Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ G.Bush đã có cuộc hội đàm về quan hệ song phương và một số vấn đề quốc tế khác mà hai bên cùng quan tâm, trong đó vấn đề Đài Loan và vấn đề CHDCND Triều Tiên là những vấn đề được đặc biệt quan tâm của 2 nhà lãnh đạo. Về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, hai bên đồng ý giải quyết bằng con đường hoà bình thông qua đàm phán ngoại giao. Phát biểu với các nhà báo sau hội đàm, Tổng thống Mỹ G.Bush cho biết Trung Quốc cam kết tiếp tục hợp tác với Mỹ trong vệc giải quyết vấn đề này.(5)
Kể từ khi từ chối tham gia vòng đàm phán lần thứ 4, CHDCND Triều Tiên không ngừng phát triển chương trình hạt nhân.
Ngày 31/3/2005, CHDCND Triều Tiên cho rằng các cuộc đàm phán 6 bên không còn phù hợp nữa vì trong khi các cuộc thương lượng đang diễn ra thì CHDCND Triều Tiên đã phát triển từ một nước tìm kiếm vũ khí hạt nhân thành một cường quốc hạt nhân đầy đủ. Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên được Hãng thông tấn Trung ương CHDCND Triều Tiên (KCNA) đưa tin: “CHDCND Triều Tiên hiện đã trở thành một nước vũ khí hạt nhân đầy đủ. Các cuộc đàm phán 6 bên nên chuyển  thành các cuộc đàm phán về giải giáp vũ khí mà tại đó các nước tham dự sẽ thương lượng vấn đề này trên cơ sở bình đẳng”. CHDCND Triều Tiên cho rằng nguyên nhân căn bản dẫn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân Bán đảo Triều Tiên là do kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, chính vì mối đe doạ của Oasinhtơn về một cuộc tấn công hạt nhân đã đẩy CHDCND Triều Tiên tiến tới tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Vì vậy các cuộc đàm phán nên trú trọng vào “loại bỏ hoàn toàn mối đe doạ hạt nhân của Mỹ”.
Khi vấn đề vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên ngày càng trở nên gay gắt, với nguyên tắc kiên trì phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc không những đã triệu tập được 3 vòng đàm phán mà còn liên tục triển khai các hoạt động “ngoại giao con thoi” tới CHDCND Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc để tìm kiếm những giải pháp thích hợp  giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Ngoại Trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã đánh gía cao nỗ lực của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đã phát huy tác dụng, “rất tích cực” trong việc thúc đẩy khởi động đàm phán 6 bên . Hàn Quốc thì cho rằng “kênh liên hệ thông suốt” giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là nhân tố quan trọng đảm bảo  đàm phán 6 bên được khởi động lại và sẽ có được những bước tiến mới.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã không ngừng gây sức ép cả về kinh tế, chính trị lẫn ngoại giao với CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc đã 3 lần cử đặc phái viên sang Bình Nhưỡng. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã huỷ bỏ chuyến thăm Bình Nhưỡng dự định vào tháng 5/2005 do việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân. Nhưng mặt khác Trung Quốc cũng cố gắng tạo điều kiện cho  Mỹ và CHDCND Triều Tiên gặp nhau trực  tiếp ở NewYork và Bắc Kinh. Đặc biệt chuyến thăm Bình Nhưỡng đầu tháng 7/2005 của Uỷ viên Quốc vụ viện, phụ trách công tác đối ngoại Trung Quốc Đường Gia Triền, với tư cách làm Đặc sứ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào được dư luận đánh giá đây là chuyến thăm “rất kịp thời và có ý nghĩa to lớn” nhằm thuyết phục CHDCND Triều Tiên trở lại vòng đàm phán.
Mỹ cũng ý thức được rằng không nên chỉ dựa vào gây sức ép nên đã đồng ý tiến hành đối thoại và đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên trong khuôn khổ đàm phán 6 bên(6).
Cuối cùng sau một tháng trì hoãn, vòng đàm phán lần thứ 4 về vấn đề hạt nhân Bán đảo Triều Tiên đã được nối lại từ ngày 26/7/2005 tại Bắc Kinh.
Trong cuộc đàm phán lần này thái độ của Mỹ và CHDCND Triều Tiên có mềm dẻo hơn lần trước. Trước đây Mỹ liệt CHDCND Triều Tiên vào “trục ác quỷ” thì nay Mỹ đã công nhận CHDCND Triều Tiên là một quốc gia  độc lập có chủ quyền. Vòng đàm phán lần này đặc biệt tập trung vào thảo luận đề xuất nguyên tắc chung do Trung Quốc đưa ra về vấn đề hạt nhân Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên nội dung đề xuất này chưa được công bố.
Ngày 7/8 vòng đàm phán bị gián đoạn 3 tuần do CHDCND Triều Tiên không ký dự thảo về nguyên tắc thực hiện tiến trình phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên.
Cuối cùng sau mấy tuần tạm nghỉ, ngày 3/9/2005 đàm phán lại được tiếp tục. Sáng 19/9, vòng đàm phán lần 4 đã kết thúc với kết quả Mỹ và CHDCND Triều Tiên ký một bản thoả thuận đầu tiên sau 3 năm và 4 vòng đàm phán đầy trắc trở. Theo thoả thuận, CHDCND Triều Tiên cam kết từ bỏ vũ khí và các chương  trình hạt nhân của mình, quay trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Phía Mỹ sẽ giúp CHDCND Triều Tiên xây dựng các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ dùng để phát điện và hứa đảm bảo an ninh cho CHDCND Triều Tiên.
Hàn Quốc, Nga, Nhật và Trung Quốc đều tỏ ý sẵn sàng cung cấp viện trợ về dầu, năng lượng cũng như đảm bảo về an ninh cho CHDCND Triều Tiên. Đặc biệt Mỹ và Nhật Bản đồng ý sẽ bình thường hoá quan hệ với CHDCND Triều Tiên.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc dẫn lời phát ngôn viên Trung Quốc tham gia đàm phán - ông Vũ Đại Vĩ nói rằng, vòng thứ 5 đàm phán sẽ được tổ chức vào 10 ngày đầu của tháng 11/2005. Theo ông Vĩ, đây là kết quả quan trọng nhất kể từ khi cuộc đàm phán 6 bên bắt đầu từ 2 năm trước đây. Tất cả 6 bên đầu nhấn mạnh việc tôn trọng không phổ biến vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là mục tiêu của cuộc đàm phán 6 bên.
Vòng đàm phán lần thứ 5 đã được tổ chức từ ngày 9 đến 11-11-2005 tại Bắc Kinh. Trước vòng đàm phán này, vào cuối tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đi thăm Bình Nhưỡng trong 3 ngày. Chuyến thăm này theo như Hội đồng  quan hệ đối ngoại Mỹ, được coi như là phần thưởng cho CHDCND Triều Tiên trong tháng 9 vừa qua đã ký hiệp định từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lại những đảm bảo về an ninh và trợ cấp, đồng thời cũng là sức ép đối với Bình Nhưỡng phải tiếp tục hợp tác trong  các vòng đàm phán tiếp theo.(7)
Tuy nhiên, trong vòng đàm phán lần này không có tiến triển gì, thậm chí còn có dấu hiệu thụt lùi.
Đặc biệt nghiêm trọng là ngày 3-10-2006, CHDCND Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân đầu tiên. Tuyên bố do Hãng thông tấn chính thức KCNA của CHDCND Triều Tiên phát đi. Tuyên bố  nêu rõ: “Sự đe doạ tột độ của Mỹ về chiến tranh hạt nhân cùng với các biện pháp trừng phạt và áp lực, buộc CHDCND Triều Tiên phải tiến hành một vụ thử hạt nhân, bước quan trọng trong việc tăng cường khả năng răn đe hạt nhân”.
Ngoại trưởng Mỹ C.Rice tuyên bố: một vụ thử hạt nhân sẽ là “hành động rất khiêu khích” và ngoại trưởng Mỹ hối thúc các quốc gia Châu Á xem xét lại quan hệ của họ với CHDCND Triều Tiên.
Trung Quốc kêu gọi Bình Nhưỡng hãy “bình tĩnh và kiên trì” trong kế hoạch tiến hành thử hạt nhân.(8)
Ngày 9-10-2006 CHDCND Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân đầu tiên và còn tuyên bố sẽ tiến hành những vụ thử tiếp theo nếu Mỹ vẫn thi hành chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên.
Dư luận thế giới đã lên án hành động thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Bush cho đây là mối đe doạ hoà bình, an ninh thế giới và là một hành động khiêu khích “không thể chấp nhận được”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc kiên quyết phản đối vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, xem đó là hành động coi thường sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc yêu cầu CHDCND Triều Tiên lập tức phải trở lại vòng đàm phán 6 bên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi các quốc gia liên quan hãy bình tĩnh và theo đuổi giải pháp ngoại giao.
Trước sức ép của dư luận quốc tế, đặc biệt là của Trung Quốc và của Mỹ, ngày 31-10-2006, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ quay trở lại vòng đàm phán 6 bên.(9)
Việc CHDCND Triều Tiên đồng ý  quay trở lại vòng đàm phán 6 bên được dư luận thế giới hoan nghênh.
Từ ngày 18 đến 22 tháng 12 năm 2006, cuộc đàm phán 6 bên giai đoạn hai của vòng 5 về vấn đề hạt nhân Bán đảo Triều Tiên đã được diễn ra tại Bắc Kinh, sau 13 tháng bị gián đoạn sau khi CHDCND Triều Tiên phản đối các biện pháp trừng phạt tài chính do Mỹ đưa ra.
Tuy nhiên vòng đàm phán lần này cũng không đạt kết quả gì. Bất đồng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã một lần nữa làm cho đàm phán rơi vào bế tắc.
Từ ngày  8 đến 13 tháng 2 năm 2007 giai đoạn 3 vòng 5 cuộc đàm phán 6 bên lại được tổ chức tại Bắc Kinh. Ngày 13 - 2 - 2007, các nước tham gia đàm phán đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó nêu rõ CHDCND Triều Tiên sẽ đóng cửa các cơ sở hạt nhân trong 60 ngày nhằm đổi lấy 50.000 tấn dầu nặng viện trợ. Thoả thuận cũng nói rõ Bình Nhưỡng sẽ nhận được thêm 950.000 tấn dầu hoặc viện trợ kinh tế sau khi hoàn thành việc “làm tê liệt” các thiết bị hạt nhân trong một khoảng thời gian không xác định.
Các bên tham gia đàm phán đồng ý sẽ tiến hành vòng 6 đàm phán 6 bên vào ngày 19 - 3 - 2007.(10)
Như vậy, đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã có được kết quả thực chất. Đây có thể được coi là thành quả ngoại giao và an ninh quốc tế quan trọng đầu tiên của năm 2007.
Vấn đề phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên đến nay vẫn còn là vấn đề hết sức phức tạp. Theo những đánh giá ban đầu, việc CHDCND Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân là điều khó có thể xảy ra. Một nhân tố được cho là mang tính quyết định khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là quan hệ Mỹ - Triều và quan hệ Trung - Triều. Nếu Mỹ và CHDCND Triều Tiên giải quyết được cơ bản những căng thẳng giữa 2 bên sẽ tác động tới quan hệ Trung Quốc - CHDCND Triều Tiên. Là nước chủ nhà của vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân, hy vọng Trung Quốc sẽ là chất “xúc tác” quan trọng thúc đẩy quá trình đàm phán đi tới những giải pháp thoả đáng.

LÊ VĂN MỸ
(TS, Viện Nghiên cứu Trung Quốc)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Chính sách đối ngoại của Liên Bang Nga 1992 - 1999, Matxcơva, Đại học Ngoại Giao Matxcơva (MGIMO), 2000.
(2) 10 năm quan hệ Trung - Hàn. Tạp chí Quan hệ quốc tế hiện đại (Trung Quốc) số tháng 3/2003, TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 8 - 6 - 2003.
(3) An ninh Đông Bắc Á, TTXVN, Tài liệu tham khảo số 7 -2005.
(4) Trung Quốc và Mỹ dùng vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên và vấn đề Đài Loan để kiềm chế nhau. Tờ “Tín báo” (Trung Quốc) ngày 22 - 11 - 2004. TTXVN, TLTKĐB ngày 27 - 11 - 2004.
(5) Báo điện tử “Tin Trung Quốc” và mạng Tân Hoa xã ngày 30-7-2005.
(6) Thông tấn xã Việt Nam, Tài Liệu Tham khảo đặc biệt ngày 23-11-2005.
(7) Thông tấn xã Việt Nam, Tài Liệu Tham khảo đặc biệt ngày 5-10-2006.
(8) Thông tấn xã Việt Nam, Tài Liệu Tham khảo đặc biệt ngày 2-11-2006.
(9) Thông tấn xã Việt Nam, Tài Liệu Tham khảo đặc biệt ngày 6-3-2007.



(1) Chính sách đối ngoi ca Liên Bang Nga 1992 - 1999, Matxcơva, Đại học Ngoại Giao Matxcơva (MGIMO), 2000, tr 263.

(2) 10 năm quan h Trung - Hàn. Tp chí Quan h quc tế hin đại (Trung Quốc) số tháng 3/2003.  TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 8 - 6 - 2003.

(3) An ninh Đông Bắc Á, TTXVN, Tài liệu tham khảo số 7 -2005, tr 4,5,36.
(4) An ninh Đông Bắc Á, TTXVN, Tài liệu tham khảo số 7 -2005, tr 4,5,36.
(5) Trung Quc và M dùng vn đề ht nhân CHDCND Triu Tiên và vn đề Đài Loan để kim chế nhau. Tờ “Tín báo” (Trung Quốc) ngày 22 - 11 - 2004. TTXVN, TLTKĐB ngày 27 - 11 - 2004.

(6) Báo điện tử “Tin Trung Quốc” và mạng Tân Hoa xã ngày 30-7-2005.

(7) Thông tấn xã Việt Nam, Tài Liu Tham kho đặc bit ngày 23-11-2005.

(8) Thông tấn xã Việt Nam, Tài Liu Tham kho đặc bit ngày 5-10-2006.

(9) Thông tấn xã Việt Nam, Tài Liu Tham kho đặc bit ngày 2-11-2006.

(10) Thông tấn xã Việt Nam, Tài Liu Tham kho đặc bit ngày 6-3-2007.
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3, 2007