Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

21. Tả, hữu tương lai toàn cầu

+ Cặp phạm trù hiện tượng - bản chất trong quản lý và điều hành
+ Cặp phạm trù chung - riêng trong quản lý và điều hành

+ Cặp phạm trù ý thức - vật chất trong quản lý và điều hành

+ Duy vật luận về xã hội Việt đương đại

+ Loạt bài nói chuyện triết học của người ngoại đạo

+ Thưa các quan phụ mẫu

Có một quan niệm nhầm lẫn của phần đông dân chúng cánh tả là xấu. Đó là sự đồng nhất về hiểu biết giữa cánh tả là cộng sản, mà sau cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789, nhóm cánh tả cực đoan hình thành đảng cộng sản dưới "ánh sáng" của chủ thuyết Marx - Engels. Từ đó tới nay, phát minh của phương Tây đã làm nên một chuỗi những mâu thuẩn quyền lợi của các giai cấp. Xoay quanh những mâu thuẩn đó là những cuộc chiến về ý thức hệ. Bom đạn đã nổ khắp toàn cầu, và dĩ nhiên máu đã chảy thành suối ở mọi nơi từ cuộc chiến tả hữu.

Nhưng nếu hiểu sâu hơn nữa thì, cánh tả là đại diện cho sự đổi mới. Khi có những bế tắc về kinh tế chính trị ở đâu là cánh tả là đội tiên phong đứng ra giải quyết vấn đề. Song trong cánh tả cũng phải hiểu là có tả cực đoan đại diện cho bảo thủ, duy ý chí, cuồng tín và khát máu. Tả trung dung đại diện cho cách mạng thực sự. Và tả cấp tiến dành cho những phái nông nỗi và hiếu chiến. Đảng cộng sản là loại tả siêu cực đoan, loại cực đoan như những bóng ma ám ảnh toàn cầu. Nên cả thế giới bị ám ảnh của những người cộng sản làm nên một quan niệm nhầm lẫn, hễ cứ cánh tả là xấu.

Nhìn một chút về khái niệm và đóng góp của cánh tả trong quá trình phát triển lịch sử nhân loại trong hơn 200 năm qua, để chúng ta nhìn tình hình kinh tế chính trị toàn cầu trong những năm tới. Nhưng ở bài viết này, những vấn đề được đưa ra, không có khái niệm đảng cộng sản, vì chế độ cộng sản không nằm trong khái niệm cánh tả của nhân loại tiên tiến, mà cộng sản là phi cánh tả và dĩ nhiên là phi cánh hữu, mà là một tập đoàn phong kiến kiểu mới, nó đi lùi lại lịch sử phát triển của nhân loại.

Nước Pháp nhìn từ Hoa Kỳ

Từ 2008, nước Mỹ đã phải chuyển quyền cai trị từ một chính quyền cực hữu sang tả trung dung, vì kinh tế nước Mỹ bị sa lầy vào những cuộc chiến do cánh hữu gây ra. Một chính sách kinh tế tàn sát các tổ chức tài chính đang nằm trên bờ phá sản, kích cầu bằng nhũng gói kích cầu khổng lồ từ vay mượn. Ủng hộ đầu tư nội địa bằng chính sách thuế đang bị ngáng đường bỡi cánh hữu. Một cuộc chiến tranh về ý thức hệ xảy ra ngay trong lòng nước Mỹ. Câu chuyện vì sao có sự ngáng đường của cánh hữu vì, quan điểm của cánh hữu là bảo vệ người giàu, vì họ nghĩ rằng chỉ có người giàu mới là những người xứng để lãnh đạo xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội bằng các cơ sở kinh doanh sản xuất. Nếu đánh thuế cao người giàu thì họ sẽ đóng cửa hoặc di chuyển cơ sở làm ăn đến nước ngoài, nạn thất nghiệp sẽ gia tăng. Trong khi đó, cánh tả thì muốn san bằng cách biệt giàu nghèo trong xã hội.

Đồng minh Bắc Đại Tây Dương của Mỹ cũng không khá gì hơn, khi một hình thái chính trị mới, một Liên minh châu Âu ra đời, nhưng không san bằng được biên giới văn hóa và kinh tế của các thành viên. Hậu quả là, một số quốc gia trong khối dùng đồng tiền chung châu Âu bị khủng hoảng nợ công. Nguy cơ tan rã liên minh là có thật. Nước Pháp - nơi đã từng là cái nôi cho cuộc cách mạng xã hội để đáp ứng với những đòi hỏi kinh tế và cách mạng khoa học kỹ thuật hồi thế kỷ XVIII - lại đi theo sau nước Mỹ. Một thủ lĩnh chính trị đảng cánh tả vừa đắc cử tổng thống cách đây 3 hôm - Francois Hollande - ông ta cũng giống Obama, chưa từng là một lãnh đạo bất kỳ một tổ chức nào trước đó.

Nếu cuộc cách mạng Trà dẫn đến hình thành một nước Mỹ năm 1776, thì sau đó 13 năm, cuộc cách mạng tư sản Pháp ra đời. Nó dẫn dắt cựu lục địa đi vào một thời kỳ mới mà ở đó chủ nghĩa tư bản hình thành, để bỏ lại sau lưng chế độ phong kiến đã lỗi thời. Nếu đảng Cộng Hòa thuộc cánh hữu của Mỹ ra đời năm 1854, từ nhiều đảng phái khác nhau gộp lại để làm nên một nước Mỹ năm 1776, thì đảng Dân Chủ Mỹ ra đời năm 1790 sau khi thành lập nước Mỹ để làm nhiệm vụ lịch sử của nó ở phía tầng lớp trung lưu và bậc thấp dân chúng Mỹ. Ở Pháp, những đảng phái cánh tả ra đời lần lượt ở Pháp là Đảng Xã Hội năm 1905, đảng Cộng Sản Pháp 1920, v.v... sau những đảng cánh hữu đứng về phía nhà giàu. Chúng đã là những đối trọng quan trọng tham gia vào những quy luật xã hội, để thúc đẩy Hoa Kỳ và phương Tây phát triển đến hùng cường và dìu dắt thế giới chậm tiến đi lên như hôm nay, và sẽ còn tiếp tục diễn ra khi mâu thuẩn xã hội còn tồn tại.

Điểm lại chút lịch sử để thấy rằng, tình hình chính trị kinh tế hiện nay của nước Pháp là "sao y bản chính" của nước Mỹ, mà không phải trả tiền bản quyền. Điều đó không chỉ hôm nay, mà đã từ khi một nước Mỹ non trẻ hình thành và hứa hẹn lãnh đạo toàn cầu vì quyền lực mềm của nó. Nên sự có mặt của ông Hollande ở điện Elysee' không những không làm khó khăn cho Hoa Kỳ, mà còn có thể ngược lại là, sẽ có những chính sách đồng thuận của Pháp ở Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với Hoa Kỳ hơn thời ông Sarkozy nắm nước Pháp.

Nhưng liệu nước Pháp có thể làm được như Hoa Kỳ, nhanh nhạy trong đổi mới, để vực dậy nó, một thành viên chủ chốt trong liên minh châu Âu, đang giảm sút về sức mạnh mềm? Câu trả lời là rất khó.

Có người cho rằng khi cánh tả lên cầm quyền ở Pháp thì liên minh Đức Pháp sẽ mâu thuẩn quan điểm về chính sách kinh tài trong một liên minh châu Âu đang rã rịu nhanh đi đến sụp đổ. Điều này là không thể, vì ông Hollander không thể phá bỏ ràng buộc với liên minh châu Âu thông qua hiệp ước khu vực đồng tiền chung châu Âu là, thắt lưng buộc bụng để qua cơn khủng hoảng này. Ngoài ra, gói kích cầu sẽ làm nặng thêm nợ công đã lên đến 90% GDP, tương đương với hơn 1.700 tỷ Euro mà, người dân Pháp đang phải còng lưng trả nợ lại càng khó hơn. Cái còn lại mà ông Hollande có thể làm cho nước Pháp là, thực hiện một chính sách thuế của Obama đang bị vướng phải kỳ đà cản mũi của cánh hữu ở quốc hội Mỹ. Liệu ông Hollande có khả năng thuyết phục một quốc hội đang có tỷ lệ lớn hơn cánh hữu đang nắm giữ để vượt vũ môn cho việc này? Nhưng một nước Pháp tuy có tả hữu khuynh trong chính trường, mà lại ôn hòa hơn nước Mỹ, đây là một lợi thế trong khó khăn duy nhất cho bài toán của ông Hollande. Có thể một liên minh tả hữu trong chính phủ sẽ giúp ông Hollande đạt được điều này.

Hay nói cách khác, một khó khăn chồng chất cho chính sách tả khuynh thiên vễ xã hội của ông Hollander trong việc kích thích tăng trưởng nước Pháp như ông đã hứa. Mọi tuyên bố trong tranh cử chỉ là để đạt được mục tiêu nắm quyền điều hành xã hội. Nó là lý thuyết, còn cây đời vẫn xanh tươi, vì từ lý thuyết đi đến thực tế là một khoảng cách rất xa. Một tiên lượng sẽ không cần lâu hơn một năm, để nhân dân Pháp thất vọng với những gì ông Hollande làm sau khi ngồi vào điện Elysee'.

Nước Đức và toàn cầu

Là một trong hai nước chủ chốt điều khiển liên Minh châu Âu - một loại United States of European kiểu Mỹ, nhưng dị biệt về văn hóa và thủ cựu về tư tưởng - Đức còn hơn thế nữa khi được xem là đầu tàu mẫu mực về cả tư duy, cần mẫn và chi li trong từng sự việc. Một nước Đức bình yên sau chiến tranh thế giới II dưới sự hỗ trợ an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ để phát triển. Bây giờ họ đã đủ lông cánh để lèo lái con tàu châu Âu trên biển cả đầy bảo táp.

Sau sự kiện thắng cử của cánh tả ở Pháp, mọi tuyên bố ở Đức hầu như yên ắng, ngoài điện thoại chúc mừng tân tổng thống. Nhưng những chuyển động của cánh trung hữu đang cầm quyền ở Đức là 2 đảng phái - Dân chủ Tụ do của ông bác sĩ phó thủ tướng phụ trách kinh tế, người Đức gốc Việt Phillip Roesler, và Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo của Bà Angela Merkel - đang lo lắng cánh tả, mà đại diện là đảng Xanh của ông Joschka Fischer sẽ có thể thành công trong kỳ bầu cử quốc hội vào năm tới 2013. Đã có thông tin ông Phillip Roesler sẽ bị mất chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do trong vài tháng tới vì thiếu khả năng lãnh đạo đảng này trong kỳ bầu cử liên bang tới.

Với tổng sản lượng chiếm 25% toàn cầu - khoảng 17.000 ngàn tỷ đô la trên cả Hoa Kỳ khoảng 15000 tỷ - và tiêu dùng chiếm 30% toàn cầu - khoảng 21 ngàn tỷ đô la hằng năm - một liên minh châu Âu đang mắc kẹt trên cạn, vì chi tiêu nhiều hơn sản xuất ở các nước yếu. Liệu nước Đức có còn là nơi mà cánh trung hữu hiện nay có thể nắm quyền, khi yêu cầu một đổi mới trong điều hành?

Khối BRICS và toàn cầu

Khối những nước mới nổi - BRICS: Brasil, Rusia, India, China và South Africa - chiếm cũng bằng liên minh châu Âu về tổng sản lượng toàn cầu - 25%, trong khi dân số chiếm 41% toàn cầu. Nhưng tỷ lệ tiêu dùng và an sinh xã hội chỉ chiếm khoảng 14,5%. Cho nên họ đã và đang là một đối trọng làm nghiêng cán cân kinh tài toàn cầu. Đó là động lực đòi hỏi Hoa Kỳ và phương Tây buộc phải đổi mới.

Đảng cầm quyền nước Nga suốt từ hơn 10 năm nay là đảng nước Nga thống nhất của ông Putin. Tuy tuyên bố trung lập, nhưng với những gì diễn ra trong thời kỳ nước Nga chuyển hướng từ đơn nguyên sang đa nguyên dưới sự lãnh đạo của cặp đôi Putin - Medvedev cho thấy, đảng này có chiều hướng hữu khuynh cực đoan hơn là tả khuynh hay trung dung. Hoàn cảnh chính trị nước Nga hiện nay không khác mấy ở Trung Hoa, ngoại trừ một cấu trúc đa nguyên đang làm cho cặp đôi Putin - Mevedev đang có chiều hướng trở thành những tài phiệt kinh tài của Hoa Kỳ thời 1920s, đang muốn một xã hội hài hòa hơn. Còn xa lắm để một nước Nga có thể chi phối kinh tế toàn cầu, ngoại trừ tiềm năng vũ khí mà Liên Xô cũ để lại có thể ngồi vào cán cân quyền lực cơ bắp.

Tuy không đề cập vào khái niệm cộng sản trong tả hữu ở bài viết này, nhưng với sức mạnh của một nước mới nổi cũng nên điểm qua. Với hơn 1,3 tỷ dân đang lão hóa, chế độ hộ khẩu, bất ổn sắc tộc, phân hóa giàu nghèo, tham nhũng từ sai lầm về kiến trúc thượng tầng kiểu phong kiến, Trung Hoa chỉ có thể có tác động toàn cầu trong tương lai bằng cơ bắp kiểu Mao, và lũng đoạn kinh tế toàn cầu thông qua nền kinh tế có chỉ huy một thời gian ngắn, nếu không thể thay đổi về chính trị như ông thủ tướng Ôn Gia Bảo hô hào gần đây. Vì với tình hình thắt lưng buộc bụng trong suy thoái hiện nay, liệu Trung Hoa có còn đủ khả năng chi phối kinh tế toàn cầu được bao lâu?

Ấn Độ, Brasil và Nam Phi luôn trung lập để phát triển, đó là những thành tố góp phần không nhỏ cho toàn cầu về sức mạnh cơ bắp và kinh tài. Nhưng họ còn phải một bước phát triển dài về an sinh xã hội để đạt đến những mong muốn của toàn dân.

Tuy vậy, khối BRICS còn những bất đồng về văn hóa và quyền lợi kinh tế cũng như hình thái chính trị, nên còn lâu khối này mới được bằng liên minh châu Âu hiện nay để có tác động lớn đến toàn cầu, ngoài những tác động đơn lẻ của từng quốc gia.

Tương lai một thế giới như thế nào?

Trong một bài viết của tôi cách đây 9 tháng, Một thế giới bế tắc vì tham vọng, tôi đã điểm lại lịch sử phát triển về khoa học kỹ thuật thúc đẩy phát triển kinh tế, buộc chính trị phải cho ra đời tư bản chủ nghĩa để đáp ứng với yêu cầu của kinh tế. Sau nền kinh tế nông nghiệp với chính trị phong kiến, loài người đã đi đến nền kinh tế công nghiệp đòi hỏi tư bản chủ nghĩa ra đời. Còn hiện nay, khi nên kinh tế tri thức ra đời và toàn cầu hóa, chưa có một hình thái chính trị phù hợp để giải quyết cho một nền kinh tế mới hình thành.

Nhưng rõ ràng, với suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ Hoa Kỳ, buộc thế giới phải cải cách, nên cánh tả phải thực hiện nhiệm vụ của mình - đổi mới và làm cách mạng xã hội. Chủ nghĩa cộng sản khoa học của Marx là một ảo tưởng cho thế giới loài người, theo cách suy diễn của ông về lịch sử và duy vật luận mà, ông bỏ qua yếu tố nhân bản trong lý luận của mình. Cho nên chủ nghĩa tư bản vẫn là đỉnh điểm của hình thái xã hội loài người cho đến hiện nay.

Song một hình thái xã hội đa nguyên làm khoảng cách giàu nghèo nhỏ lại kiểu Bắc Âu là, một mô hình lý tưởng cho toàn cầu, như tôi đã viết trước và trong kỳ đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 11 vừa qua. Có thể xem nó là xã hội chủ nghĩa cũng đúng, hay chủ nghĩa tư bản cũng không sai. Nhưng mà xã hội chủ nghĩa của phương Tây, chứ không là xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô, và càng không là xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa! Lúc đó, động lực của sự phát triển xã hội vẫn còn theo quy luật xã hội bỡi sự cạnh tranh tả hữu, nhưng cùng một mục tiêu văn minh cho nhân loại.

Asia Clinic, 16h52' ngày thứ Ba, 08/5/2012