Trước khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9 ở Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh
Irăc và các diễn biến tại Apganixtan, các sách báo nói về chính sách
Châu Á của Nhật Bản hầu như chỉ đề cập đến quan hệ giữa Nhật Bản với
Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên và Đông Nam Á. Nhưng các sự kiện nói trên
cho thấy, tình hình thế giới đã thay đổi nhanh chóng, chính sách Châu Á
của nước Nhật phải chú ý tới nhiều khu vực hơn nữa, như Tây Á và Nam Á.
Dưới con mắt người Nhật, tầm quan trọng của Ấn Độ ở Nam Á ngày càng
tăng khi họ thấy quốc gia này có thể trở thành đối trọng với tầm cỡ to
lớn của Trung Quốc. Còn ở Tây Á thì nước Nhật không có nhiều lợi ích,
nhưng phải phụ thuộc khu vực này về năng lượng.
Hơn 85% nhu cầu về dầu lửa của Nhật Bản là do các nước Tây Á cung
cấp, nền kinh tế Nhật Bản phải trông chờ ở tàu chở dầu qua lại an toàn
trên các đường biển Nam và Đông Nam Á. Từ những năm giữa thập kỷ 1990,
những con đường đó trở thành thiếu an toàn do nạn cướp biển. Số trường
hợp tàu chở hàng bị cướp ở khu vực này ngày càng tăng một cách đáng sợ.
Theo Cục Hàng hải Quốc tế thì trong sáu tháng đầu năm 2003, số vụ cướp
trong lãnh hải Inđônêxia rất lớn so với tổng số các trường hợp trên toàn
thế giới.
Ở vùng biển Châu Á, bọn cướp không những tấn công tàu qua lại trên
một eo biển, mà nhằm cả tàu neo đậu trong hải cảng. Trong mấy năm qua,
nhiều tàu chở hàng của Nhật Bản đã bị tấn công, thí dụ như năm 1999, một
tàu hàng Nhật Bản bị cướp nhưng sau nhờ hải quân Ấn Độ lấy lại được.
Năm 2001, một tàu nữa được hải quân Inđônêxia và Malaixia cứu thoát.
Những trường hợp đó càng làm tăng tầm quan trọng chiến lược của các nước
Nam Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên, thái độ thay đổi của Nhật Bản đối với
những nước này cũng chịu ảnh hưởng quan hệ mật thiết giữa nước Nhật với
Hoa Kỳ, vì quan hệ với nước Mỹ vẫn là nền tảng chính sách đối ngoại Nhật
Bản. Ngoài ra, chính sách Châu Á của Nhật Bản còn chịu tác động của
nước Trung Hoa ngày càng lớn mạnh.
Từ xa xưa, Nhật Bản đã có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Bán đảo
Triều Tiên, nhưng mối liên hệ gắn bó trong nhiều thế kỷ đã bị hồi ức đau
buồn của thời kỳ từ năm 1895 đến 1945 làm lu mờ, khi Trung Quốc và
Triều Tiên là trọng tâm chính sách bành trướng của Nhật Bản. Sau khi
chiến thắng trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1894 -1895, nước Nhật
dần dần mở rộng ảnh hưởng ở Trung Quốc, ký ức về sự tàn bạo của quân
phiệt Nhật ngày nay còn đậm nét, thí dụ vụ “tàn sát Nam Kinh” năm 1937
vẫn còn được nhớ là hành động dã man nhất của binh lính Nhật tại Trung
Quốc.
Đối với Triều Tiên, nước này bị Nhật Bản sát nhập năm 1910 và nằm
dưới sự thống trị của Nhật cho đến năm 1945, trong thời gian đó Nhật Bản
âm mưu xóa bỏ nền văn hóa Triều Tiên và thay thế bằng văn hóa Nhật Bản.
Thanh niên Triều Tiên bị bắt vào lính trong quân đội Thiên hoàng, một
số đông bị đưa sang Nhật Bản làm việc ở các nhà máy. Dân Triều Tiên bị
bắt buộc nói tiếng Nhật, lấy tên Nhật, và phải đến viếng đền thờ Thần
đạo.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai lan rộng, nhiều nước Đông Nam Á cũng
bị quân đội Nhật xâm chiếm thời kỳ 1942-1945 và phải chịu đựng ách
thống trị hà khắc, trừ Thái Lan không bị trực tiếp chiếm đóng. Điều trải
nghiệm cay đắng về ách thống trị thuộc địa trở thành nhân tố quan trọng
ngăn cản sự phát triển quan hệ thân thiện giữa Nhật Bản và các nước
Đông Nam Á.
Sau khi thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản bị Mỹ
chiếm đóng từ năm 1945 đến 1952 để giải giáp vũ khí quân đội Nhật và
biến nước này thành một nước dân chủ. Tuy nhiên, các diễn biến to lớn ở
khu vực Đông Á đã tác động đến chính sách của Mỹ đối với Nhật Bản, trong
đó có sự thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, và cuộc
Chiến tranh Triều Tiên thời gian 1950-1953 khiến bán đảo này bị chia cắt
thành hai miền Nam và Bắc. Hai diễn biến này đã đẩy nước Nhật vào phạm
vi ảnh hưởng của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh Nhật Bản trở thành đồng
minh thân thiết của Hoa Kỳ tại Châu Á, đáng chú ý là Hiệp ước An ninh ký
giữa hai nước năm 1952.
Trung Quốc, Liên Xô và Ấn Độ không tham gia Hiệp ước San Francisco
năm đó, thế là Nhật Bản thuộc “thế giới tự do” phải ký hòa ước với Trung
Hoa Dân quốc (tức Đài Loan) chứ không phải với Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa. Như vậy, không gian vận động của chính sách đối ngoại Nhật Bản rất
hạn chế trong thời gian Chiến tranh Lạnh, do gắn bó chặt chẽ với Hoa Kỳ.
Tuy vậy, Nhật Bản chủ trương nhấn mạnh ba khía cạnh: duy trì quan hệ
mật thiết với Hoa Kỳ, cộng tác chặt chẽ với Liên hợp quốc, và phát triển
quan hệ với các nước Châu Á.
Chẳng bao lâu sau khi giành lại được chủ quyền năm 1952, Nhật Bản cố
gắng lập lại quan hệ bình thường với các láng giềng Châu Á. Những nước
mà Nhật Bản quan tâm là Trung Quốc, hai miền Triều Tiên, và một số quốc
gia từng bị Nhật Bản chiếm làm thuộc địa. Nhật Bản bồi thường chiến
tranh cho những nước bị thiệt hại để bình thường hóa quan hệ, nhưng
không đạt nhiều kết quả trong một thời gian do cơ cấu Chiến tranh Lạnh
ép buộc.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn phải xem xét lại chính sách đối ngoại của
mình trong những năm 1970, do chủ trương mà Tổng thống Nixon của Mỹ thi
hành năm 1971-1972 và cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973. Nhật Bản hoàn
toàn bị bất ngờ khi ông Nixon quyết định sang thăm Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa mà không tham khảo ý kiến mình. Thế là đã tới lúc thay đổi
đường lối đối ngoại từ chỗ “lấy nước Mỹ làm trung tâm” chuyển sang xu
thế “theo mọi hướng”. Nhật Bản thấy rõ không phải lúc nào cũng dựa vào
Hoa Kỳ trước khi thi hành những quyết định lớn đối với các nước Châu Á.
Nhật Bản bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm
1972, và ký hòa ước với nước đó năm 1978. Một ưu tiên nữa của chính sách
đối ngoại Nhật Bản là cải thiện quan hệ với các nước khác ở Châu Á.
Nước Nhật bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc năm 1965, và Thủ tướng
Nhật là Takeo Fukuda đã đi một vòng Châu Á năm 1977. Trong bài nói
chuyện tại thủ đô Manila của Philippines, Thủ tướng Nhật đã trình bày
“học thuyết Fukuda”, nêu rõ mục tiêu của nước ông là tích cực tham gia
việc ổn định hóa khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mục tiêu này cũng được
các chính phủ kế tiếp theo đuổi, thí dụ năm 1979-1980, Thủ tướng
Masayoshi Ohira đã lập một nhóm nghiên cứu nhằm tìm những cách hợp tác
của các nước trong khu vực để đạt tới hòa bình và hợp tác kinh tế.
Nỗ lực chủ yếu của chính sách đối ngoại Nhật Bản là phát triển quan
hệ kinh tế nhiều quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc trở thành những nước
chủ yếu nhận được viện trợ phát triển chính thức (ODA). Hai phần ba ODA
của Nhật Bản dành cho các nước Châu Á, và về kinh tế, tầm quan trọng của
các nước Đông Nam Á đã tăng thêm sau khi Hiệp ước Plaza được ký năm
1985. Với sự tăng giá đồng yên so với đồng đôla, Nhật Bản thấy cần phải
di chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác, và sự lựa chọn đầu tiên dĩ
nhiên là các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Vì thế, các khoản đầu tư
trực tiếp quy mô lớn của Nhật Bản được đổ vào các nước này trong những
năm cuối 1980.
Cho tới nay, các nước Đông Á và Đông Nam Á là nơi chủ yếu thu hút vốn
đầu tư của Nhật Bản, nhưng điều đó không bảo đảm nước Nhật có một vai
trò chính trị quan trọng ở khu vực. Động thái của Nhật Bản vẫn bị các
quốc gia Đông Á và Đông Nam Á ngờ vực, thí dụ như một số cuộc phản đối
rầm rộ nổ ra ở Trung Quốc trong những năm 1980 chống lại sự hiện diện
kinh tế ngày càng tăng của Nhật Bản mà nhiều người coi là cuộc xâm lược
thứ hai. Nhật Bản phải cố gắng thuyết phục các láng giềng rằng mình có ý
định đóng một vai trò tích cực trong khu vực, có lợi cho tất cả.
Nhật Bản hăng hái giữ vai trò tích cực đó còn do nhiều nhân tố thúc
đẩy. Theo dự báo thì đến năm 2025, hơn một nửa dân số Nhật Bản sẽ quá 65
tuổi, bộ phận lớn dân chúng già đi đó sẽ gây sức ép cho nền kinh tế và
cấu trúc xã hội của đất nước. Hiện nay, nước Nhật đã thiếu tiền trả hưu
bổng và chăm sóc y tế cho công dân nhiều tuổi. Dân chúng đang già đi và
tỉ lệ sinh đẻ thấp có nghĩa là nước Nhật cần ngày càng nhiều nhân công
nước ngoài, và đến một mức độ nào đó, tình trạng thiếu nhân công là một
trong những lý do khiến Nhật Bản mở rộng cơ sở công nghiệp ở nước ngoài.
Một lý do không kém quan trọng là Nhật Bản nhận thức được những hạn
chế của mình khi muốn có một vị thế cường quốc lớn ở Châu Á và trên thế
giới. Nước Nhật hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, cần nhập khẩu
nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm. Trong những năm đầu 1990, Nhật Bản
phải đối phó với những vấn đề kinh tế lớn, nhiều cuộc cải cách hành
chính, xã hội và chính trị được thi hành để phục hồi nền kinh tế. Đây
cũng là thời gian thế giới chứng kiến những thay đổi đáng kể lúc Liên Xô
tan rã. Chiến tranh Lạnh kết thúc tác động sâu sắc đến chính sách đối
ngoại của Nhật Bản.
Theo các điều khoản của “Hiến pháp Hòa bình”, được thảo ra trong thời
gian Mỹ chiếm đóng, nước Nhật từ bỏ việc coi chiến tranh là phương tiện
giải quyết tranh chấp quốc tế, và đổi lại, Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho
Nhật Bản. Nhưng khi nước Nhật nổi lên thành một siêu cường kinh tế, thì
Hoa Kỳ ngày càng gây sức ép đòi Nhật “chia sẻ gánh nặng” quốc phòng.
Chiến tranh vùng Vịnh (1990-1991) là chất xúc tác lớn để nước Nhật thay
đổi mục tiêu đối ngoại cũng như nền chính trị trong nước. Mặc dầu Nhật
Bản đóng góp cho cuộc chiến tranh này 13 tỉ đôla, nhưng điều đó chẳng
được Hoa Kỳ đánh giá cao. Nhật Bản bị các nước đồng minh của Mỹ chỉ
trích gay gắt là chỉ đóng góp tiền bạc chứ không đóng góp người.
Điều đó gây ra tranh luận sôi nổi ở Nhật Bản về vai trò nước này nên
giữ trong “Trật tự thế giới mới” với tư cách một cường quốc kinh tế lớn.
Ngày 15/6/1992, Quốc hội Nhật Bản thông qua đạo luật về “Hợp tác trong
các hoạt động gìn giữ hòa bình và các hoạt động khác của Liên hợp quốc”,
đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại Nhật Bản. Nước này
nhận thấy ngoài cải cách ra, cần phải gắn bó với Châu Á hơn nữa, và muốn
đóng một vai trò hữu hiệu ở Châu Á, nước Nhật phải vứt bỏ hình ảnh mình
chỉ là “cái đuôi” trong các chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực.
Bước khởi đầu quan trọng theo chiều hướng này ở những năm đầu 1990 là
vai trò nước Nhật trong việc giảm nhẹ sự căng thẳng giữa Trung Quốc với
các nước khác sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Nhật Bản lập luận rằng
sự kiện đó là công việc nội bộ của Trung Quốc. Đối với Nhật Bản thì
Trung Quốc chẳng những là một láng giềng gần gũi, mà còn là một nước có
khả năng gây ra cho Nhật Bản những vấn đề lớn về an ninh và kinh tế
trong khu vực. Sự kiện Thiên An Môn là một cơ hội để Tokyo chứng tỏ với
Bắc Kinh rằng mình là một người bạn đáng tin cậy.
Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và giới kinh doanh Nhật Bản đã sang thăm
Trung Quốc, trong đó Thủ tướng Toshiki Kaifu là nhà lãnh đạo đầu tiên
của một nước công nghiệp lớn đến Bắc Kinh tháng 8/1991. Ở nhiều diễn đàn
như cuộc họp của nhóm G-7, Nhật Bản cố gắng thuyết phục các nước phương
Tây nên chấm dứt việc cô lập Trung Quốc. Một phần nhờ cố gắng của Nhật
Bản mà hầu hết các nước, kể cả Mỹ, đều nhận thấy trừng phạt Trung Quốc
là vô ích, và chẳng bao lâu, các nước đó khôi phục lại quan hệ ngoại
giao với Trung Quốc.
Chính sách Châu Á của Nhật Bản một phần đáng kể bị tầm cỡ ngày càng
lớn của Trung Quốc trong khu vực tác động, duy trì quan hệ với Trung
Quốc hệ trọng không kém quan hệ với Hoa Kỳ. Trong một bài diễn văn tháng
5/2005, nguyên Thủ tướng Kiichi Miyazawa đã nói: “Quan hệ với Hoa Kỳ dĩ
nhiên quan trọng. Nhưng không kém quan trọng là nhìn Trung Quốc như thế
nào”. Ở thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với các nước Đông
Á và Đông Nam Á, tạo ra cơ chế để hợp tác kinh tế khu vực và ký hiệp
định mậu dịch tự do với một số nước.
Năm 1997, lập trường Nhật Bản cũng khác lập trường của Hoa Kỳ đối với
Myanmar. Nước Nhật không ủng hộ chính sách của Mỹ định cô lập Myanmar,
mà tán thành chủ trương của ASEAN muốn đối thoại với nước này. Cũng phải
nói rằng, quyết định của Nhật Bản, ở một mức độ nào đó, chịu ảnh hưởng
lợi ích ngày càng to lớn của Trung Quốc trong khu vực. Tháng 3/1977,
Trung Quốc thông báo cho Myanmar vay một khoản lớn, và ký với nước này
một hiệp ước hợp tác kinh tế. Nhật Bản gắn mối quan tâm của Trung Quốc
đến Myanmar với tham vọng của Bắc Kinh muốn vươn tới Ấn Độ Dương.
Trong trường hợp Việt Nam, Chính phủ Tokyo cũng đi đầu thiết lập quan
hệ với Hà Nội, mặc dầu Mỹ cấm vận Việt Nam về kinh tế. Tại Campuchia,
nước Nhật giữ một vai trò chủ chốt trong tiến trình hòa bình, nêu bật sự
cam kết của Tokyo muốn đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực.
Như vậy, tầm quan trọng ngày càng tăng của Đông Nam Á là một nhân tố ảnh
hưởng đến quyết định của Nhật Bản.
Mặc dầu nước Nhật ủng hộ cuộc chiến tranh do Mỹ cầm đầu ở Irăc năm
2003, nhưng cũng nhận thức được vai trò hạn chế của mình trong toàn bộ
hoạt động, không giống như Anh và Úc, những nước chẳng những lớn tiếng
ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ, mà còn chia sẻ phí tổn và tham gia những
cuộc hành quân thật sự. Trong một số trường hợp tương tự, Hoa Kỳ và Nhật
Bản cũng có cách giải quyết khác nhau, thí dụ không có cách nhìn giống
nhau về vấn đề Iran.
Trong khi Mỹ ép Iran từ bỏ chương trình hạt nhân, và gọi Iran là một
nước trong “trục ma quỷ”, thì Nhật Bản giúp Iran phát triển trữ lượng
dầu lửa Azadegan. Nguyên bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp
Nhật Bản là Takeo Hiranuma dứt khoát tuyên bố rằng, dự án phát triển
Adazegan là “một hiệp ước chính thức giữa thủ tướng lúc đó là Yoshiro
Mori và Tổng thống Hatami, người dành cho Nhật Bản ưu tiên hàng đầu”.
Tháng 2/2004, một thỏa thuận trị giá 2 triệu đôla ký kết với Iran được
thông qua để Nhật Bản tiếp cận một trong những trữ lượng dầu lửa lớn
nhất thế giới. Như vậy Nhật Bản có khả năng thắng sức ép ngoại giao của
Mỹ trong trường hợp Iran.
Tuy nhiên, cố gắng của nước Nhật nhằm mở cho mình một đường lối ngoại
giao độc lập không có nghĩa là nước đó có ý định phá hoại quan hệ với
Hoa Kỳ. Năm 1977, hai nước đã nâng cấp các thỏa thuận về an ninh, mặc
dầu Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác phản đối. Mục đích của
người Nhật là làm cho nước Mỹ nhận thấy họ muốn đóng một vai trò lãnh
đạo ở Châu Á, và Hoa Kỳ phải thừa nhận lợi ích và tầm quan trọng của họ
trong khu vực này.
Đối thoại với Trung Quốc
Ở thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với các nước Đông Á
và Đông Nam Á, đồng thời tìm cách vươn tới vịnh Bengal bằng cách tham
gia kế hoạch xây dựng các phương tiện dò tìm hàng hải bằng điện tử của
Myanmar ở vùng tiếp giáp quần đảo Andaman của Ấn Độ.
Giống như trường hợp Nhật Bản, 80% dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc
đi qua eo biển Malacca nên Trung Quốc muốn hợp tác với các nước khác để
giữ gìn an ninh trong khu vực này, nhưng vai trò tích cực của Trung Quốc
là mối lo âu lớn cho nước Nhật. Nguyên Tổng giám đốc Cục Phòng vệ Nhật
Bản là Shigeru Ishiba đã nói rằng “Sự có mặt hải quân Trung Quốc tại Ấn
Độ Dương là điều Nhật Bản rất không mong muốn, vì thế điều quan trọng
đối với Nhật Bản là tăng cường quan hệ với Ấn Độ”. Trong chuyến thăm Ấn
Độ, ông Shigeru Ishiba tuyên bố “Nhật Bản và Ấn Độ, hai láng giềng của
Trung Quốc ở phía đông và phía tây, nên chú ý hơn đến các động thái của
nước đó”.
Vì thế có nhiều điểm gai góc trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung
Quốc có thể cản trở sự phát triển mối bang giao thân thiện. Một trở ngại
là Nhật Bản chưa xin lỗi thích đáng về những hành động tàn ác mà quân
đội nước đó đã phạm trong thời gian trước Đại chiến thứ hai. Thậm chí
gần đây, giữa hai nước vẫn chưa có quan hệ hữu nghị, thí dụ như các cuộc
biểu tình chống Nhật rầm rộ nổ ra khắp Trung Quốc trong gần hai tuần lễ
tháng 4/2005 một lần nữa cho thấy mối ác cảm của người Trung Quốc đối
với Nhật Bản. Những cuộc biểu tình đó được tổ chức chẳng những để lên án
sự tàn bạo của Nhật Bản thời chiến, mà còn để phản kháng nỗ lực của
nước này nhằm có một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trước đấy, tháng 8/2004, sự thù ghét của nhiều người Trung Quốc đối
với Nhật Bản đã bộc lộ khi đội bóng đá Trung Quốc thua đội Nhật Bản ở
trận chung kết cúp Châu Á tại Bắc Kinh. Trong khi đó, một điểm gây tranh
cãi giữa hai nước là vấn đề sách giáo khoa lịch sử dạy ở các trường học
Nhật Bản. Phía Trung Quốc luôn luôn chỉ trích Nhật Bản không nhìn nhận
đúng các sự kiện lịch sử trong sách này. Ngoài ra, Trung Quốc còn phản
kháng Nhật Bản và Hoa Kỳ duy trì quan hệ mật thiết với Đài Loan mặc dầu
đã công nhận Bắc Kinh là chính phủ duy nhất hợp pháp. Trung Quốc tin
chắc rằng cả Nhật Bản và Hoa Kỳ đều muốn ngăn cản sự thống nhất của đất
nước mình. Cộng thêm với những điểm xung đột đó là việc tranh chấp lãnh
thổ giữa hai nước, vì cả Nhật Bản và Trung Quốc đều khẳng định quần đảo
Senkaku là của mình.
Trong không khí nghi kỵ đó, cuộc viếng thăm đền Yakasuni hàng năm các
nhà lãnh đạo Nhật Bản trong những năm trước đây là một vấn đề nhạy cảm
có xu hướng gây căng thẳng giữa hai nước, vì trong số binh sĩ chết trận
được thờ ở đây có cả 14 tội phạm chiến tranh loại A đã bị hành quyết.
Ông Junichiro Koizumi tới thăm đền này đều đặn từ lúc ông được bầu làm
thủ tướng năm 2001. Trong khi đó, nhiều sự kiện được tổ chức để kỷ niệm
30 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nhưng Thủ tướng Koizumi
không đến Trung Quốc dự một cuộc họp thượng đỉnh, hình như ông không hề
thay đổi quan điểm ngay cả sau khi nổ ra các cuộc biểu tình lớn ở nhiều
nơi tại Trung Quốc.
Tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện ngày 16/4/2005, ông đề nghị
các láng giềng Châu Á “chớ can thiệp” vào công việc nội bộ Nhật Bản
bằng cách chỉ trích ông đến thăm đền Yasukuni. Ông khẳng định rằng “mọi
nước đều thương xót những người tử nạn trong chiến tranh, các nước khác
không nên can thiệp vào cách thương xót”. Thế là ngày 23/5/2005, Phó thủ
tướng Trung Quốc là bà Ngô Nghi hủy bỏ cuộc hẹn gặp Thủ tướng Koizumi
và trở về Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc xác nhận rằng sở dĩ bà Ngô Nghi
làm như vậy là do những lời tuyên bố của Thủ tướng Koizumi về các cuộc
viếng thăm Yasukuni.
Một lần nữa, cuộc tranh cãi lại diễn ra về các chuyến thăm đền của
ông Koizumi. Lần ấy, ông lập luận rằng trách nhiệm của tội phạm chiến
tranh là một vấn đề đã được các tòa án chiến tranh giải quyết, và phụ
họa với Koizumi, một quan chức cao cấp là Masahiro Morioka tuyên bố rằng
14 người lãnh đạo chiến tranh sẽ không bị đối xử là tội phạm ở nước
Nhật. Bằng cách giữ một lập trường cứng rắn về vấn đề này, cựu Thủ tướng
Koizumi muốn truyền đạt một thông điệp rằng, Nhật Bản sẽ không khuất
phục ý muốn của nước khác. Như vậy, giống như ở trường hợp quan hệ với
Hoa Kỳ, nước Nhật muốn củng cố quan hệ với Trung Quốc nhưng đồng thời
lại muốn tự khẳng định mình khi nào cần. Hình như những điểm gai góc đó
ngày càng làm cho Nhật Bản thấy cần phải thiết lập quan hệ với những
quốc gia Châu Á khác như Ấn Độ.
Mâu thuẫn giữa Tokyo và Bắc Kinh có thể tăng thêm trong tương lai,
trong đó có cuộc cạnh tranh tìm kiếm nguồn cung cấp dầu lửa. Một số kết
quả ước tính cho thấy dầu lửa nhập khẩu có thể chiếm hơn một nửa số dầu
thô Trung Quốc tiêu thụ năm 2007, và vượt con số của Nhật Bản năm 2008.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế năm 2003, thì Trung Quốc đã
tiêu thụ số dầu lửa gần bằng Nhật Bản. Nhiều thỏa thuận quan trọng đã
được ký kết giữa Trung Quốc với Nga và một số nước Trung Á như
Kazakhstan, và Trung Quốc thấy cần phải bảo đảm nguồn cung cấp dầu lửa
đều đặn cho nền kinh tế ngày càng lớn của mình.
Do chính mình cũng có nhu cầu ngày càng tăng về dầu lửa, nên Trung
Quốc gần đây đã ngừng xuất khẩu dầu sang Nhật Bản từ các giếng dầu ở
tỉnh Hắc Long Giang sau khi Nhật Bản không đồng ý tăng giá. Cuộc cạnh
tranh về nguồn cung cấp năng lượng có thể mạnh thêm trong tương lai, và
như vậy, một điểm lớn trong chiến lược đối ngoại của Nhật Bản là tăng
cường quan hệ với các láng giềng khác, kể cả Nga và các nước cộng hòa
Trung Á.
Trái với sự “thiếu tin cậy và hữu nghị” trong quan hệ chính trị, quan
hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng sâu sắc. Nhật Bản là
một trong những quốc gia đầu tiên viện trợ cho Trung Quốc sau khi nước
này thông qua chương trình hiện đại hóa kinh tế năm 1978. Các khoản cho
vay mà Trung Quốc nhận được của Nhật Bản trong thời kỳ 1976-1996 tổng
cộng lên tới 1.851.384 tỉ yên. Nhật Bản còn giúp Trung Quốc xây dựng một
nhà máy luyện thép, hai dự án hóa dầu, và hoàn thành nhiều dự án cơ sở
hạ tầng khác. Ngoài ra, Trung Quốc nhận được sự hợp tác kỹ thuật trị giá
2.028.397 tỉ yên từ năm 1972 tới 1995. Sự giúp đỡ tài chính cũng được
thực hiện dưới dạng cho vay dài hạn và ngắn hạn thông qua các ngân hàng
thương mại.
Tuy sự giúp đỡ kinh tế của Nhật Bản cho Trung Quốc còn bé nhỏ so với
toàn bộ nhu cầu của Trung Quốc, nhưng đó vẫn là một đóng góp mà Trung
Quốc thừa nhận. Sự giúp đỡ tài chính của Nhật Bản chẳng những góp phần
vào công cuộc phát triển kinh tế của Trung Quốc, mà còn giúp tiếp tục
một cuộc đối thoại đều đặn và thiết lập “quan hệ xây dựng”. Nhưng từ mấy
năm gần đây, Nhật Bản đã xem xét lại ODA cho Trung Quốc, vì có một cảm
giác ở Nhật Bản là nước Trung Hoa, với đà tăng trưởng kinh tế nhanh
chóng và sức mạnh quân sự, không cần đến viện trợ của Nhật Bản nữa. Kết
quả là, Nhật Bản trù tính giảm viện trợ cho Trung Quốc từng giai đoạn và
kết thúc hoàn toàn năm 2008. Ấn Độ nhanh chóng thế chân Trung Quốc là
nước được Nhật Bản viện trợ nhiều nhất. Năm 2004, Ấn Độ trở thành nước
nhận ODA lớn nhất của Nhật Bản. So với Trung Quốc, quan hệ kinh tế của
Nhật Bản với Ấn Độ không đáng kể, nhưng rõ ràng Ấn Độ được coi trọng hơn
vì lý do chiến lược và chính trị.
Cuối những năm 1980, đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc tăng lên
nhiều. Trước đấy, đã có sự chống đối mạnh mẽ việc Nhật Bản đầu tư vào
nước này, nhưng dần dần Trung Quốc nhận thức được những cái lợi của việc
thu hút đầu tư, và thay đổi luật lệ. Các nhà đầu tư Nhật Bản được đối
xử đặc biệt, nhưng cũng phải thấy rằng, so với các nước khác, thì phần
của Nhật Bản trong tổng số vốn đầu tư vào Trung Quốc chưa nhiều. Trung
Quốc chỉ chiếm 6 hoặc 7% tổng số vốn đầu tư của Nhật Bản trên toàn thế
giới. Từ năm 1985 đến 2002, đầu tư của Nhật Bản ở các nước ASEAN lớn hơn
tại Trung Quốc 3,5 lần.
Thương mại có lẽ là khía cạnh quan trọng nhất của quan hệ kinh tế
giữa hai nước. Năm 2001, thương mại giữa hai nước lên đến khoảng 89 tỉ
đôla, và năm 2005, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của
Nhật Bản, thay thế Hoa Kỳ. Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, thì
hàng hóa của Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung
Quốc trị giá 22,48 nghìn tỉ yên năm 2004. Đối với Trung Quốc, thì Nhật
Bản cũng là đối tác buôn bán hàng đầu. Cả hai nước đều lập những cơ chế
để mở rộng buôn bán cũng như để giải quyết những tranh chấp liên quan
đến thương mại một cách thân thiện.
Cả hai bên đều cố gắng duy trì quan hệ tốt và thăm dò những lĩnh vực
hợp tác mới. Các mối ràng buộc kinh tế góp phần thắt chặt quan hệ đến
một mức độ mà cả hai đều phụ thuộc nhau. Nhưng một số thay đổi trong
nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đã biểu hiện sau các cuộc
biểu tình chống Nhật tháng 4/2005, họ bắt đầu tìm những đối tác khác để
thay thế Trung Quốc, trong đó một quốc gia họ nhắm tới là Ấn Độ. Nước
này nhanh chóng trở thành trọng tâm chú ý của cộng đồng doanh nghiệp
Nhật Bản từ lúc diễn đàn doanh nghiệp Nhật Bản-Ấn Độ được tổ chức ở
Tokyo cuối tháng 4/2005. Một đại biểu Nhật Bản tại diễn đàn nói rằng,
các cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc đã cung cấp một cơ hội để
thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và Ấn Độ. Mối quan tâm
này được đẩy mạnh thêm khi có những tiên đoán rằng Ấn Độ sẽ nổi lên
thành một cường quốc kinh tế lớn trong một hai thập kỷ.
Quan hệ giữa Nhật Bản với Đông Nam Á và Bán đảo Triều Tiên
Trong thập kỷ qua, Nhật Bản không phải chỉ quan tâm đến Đông Nam Á
trong lĩnh vực kinh tế. Ở khu vực này, ký ức về sự tàn bạo của quân
phiệt Nhật vẫn chưa phai mờ, nhưng nó không ngăn cản quan hệ phát triển.
Đầu những năm 1970, thái độ chống Nhật đã lên đến đỉnh điểm, năm 1974
lúc phong trào chống Nhật sôi nổi bao trùm khu vực, nhưng sau đấy, ý
thức chống Nhật trong khu vực không mạnh như ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Sau khi học thuyết Fukuda được công bố năm 1977, quan hệ tích cực
giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, cụ thể là với khối ASEAN, đã có
đà phát triển. Nhật Bản vừa muốn đóng một vai trò chính trị, vừa quan
tâm đến khu vực này về kinh tế, đồng thời chú ý tới tham vọng ngày càng
lớn của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với các
nước Đông Nam Á phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Năm 2002,
khối lượng buôn bán của Nhật Bản với ASEAN đạt mức 13,4 nghìn tỉ yên,
ASEAN cũng là khu vực nhận được viện trợ và đầu tư nhiều nhất. Tổng vốn
đầu tư của Nhật Bản ở Đông Á và Đông Nam Á là 6,8 nghìn tỉ yên, trong đó
3,9 nghìn tỉ hay 57,1% ở các nước ASEAN và khoảng 21,5% ở Trung Quốc.
Về ODA, trong tổng số 7,5 tỉ đôla ở năm tài chính 2001, các nước
ASEAN nhận được 2,1 tỉ đôla, trở thành khu vực được ưu tiên hàng đầu.
Như vậy, ASEAN có tầm quan trọng lớn đối với Nhật Bản, cũng như Nhật Bản
quan trọng đối với ASEAN. Nhưng đồng thời, quan hệ kinh tế giữa ASEAN
với Trung Quốc cũng tăng đáng kể trong thập kỷ qua. ASEAN hiểu rõ là
Trung Quốc, với đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và là thành viên WTO,
thế nào cũng nổi lên thành một siêu cường kinh tế trong tương lai gần,
do đấy ASEAN chú trọng duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc. Và trong khi
giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, ASEAN cũng muốn phát triển mối liên hệ
mật thiết với những nước khác như Nhật Bản để đối trọng với ảnh hưởng
ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á.
Năm 1997-1998, cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở Đông Nam Á, nước
Nhật có cơ hội để đóng một vai trò chính trị tích cực. Để giải quyết
những hậu quả của khủng hoảng một sự kiện đã khiến tầm cỡ của Nhật Bản
được nâng cao, là sự thành lập nhóm ASEAN+3. Ngày 14/12/1997, Chủ tịch
Giang Trạch Dân của Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản là Keizo Obuchi và
Tổng thống Kim Young Sam của Hàn Quốc được mời dự cuộc họp thượng đỉnh
với các nhà lãnh đạo ASEAN. Tuy lý do cuộc họp là để kỷ niệm 30 năm ngày
thành lập ASEAN, nhưng thực ra để bàn những vấn đề mà khu vực phải
đương đầu sau cuộc khủng hoảng tài chính, yêu cầu khu vực phải hợp tác
mạnh hơn.
ASEAN+3 chứng tỏ rằng các nước Đông Á và Đông Nam Á chẳng những sẵn
sàng chấp nhận Nhật Bản làm đối tác, mà còn công nhận nước này đã có một
vai trò trong việc ổn định hóa môi trường kinh tế, chính trị và chiến
lược ở khu vực. Nhật Bản đồng ý thương lượng về mậu dịch tự do với tất
cả các nước ASEAN vào năm 2005 và thực hiện thỏa thuận vào năm 2012.
Nhật Bản còn góp khoảng 80 tỉ đôla để giải quyết khủng hoảng tài chính,
và đề nghị lập Quỹ Tiền Tệ Châu Á để chống lại những dao động quá mạnh
của tiền tệ. Nhật Bản cũng sẵn sàng cung cấp một nửa quỹ dự trữ 100 tỉ
đôla trong tương lai, còn một nửa do các nước Châu Á khác đóng góp. Tuy
đề nghị đó không thể thực hiện vì không được Hoa Kỳ và Quỹ Tiền tệ Quốc
tế ủng hộ, nhưng nó chứng tỏ Nhật Bản nhiệt tình đóng một vai trò tích
cực ở khu vực.
Điều quan trọng hơn là, ASEAN giúp các nước trong khu vực phát triển
một cơ chế đối thoại và hợp tác đa phương ở một số lớn lĩnh vực. Như
vậy, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, các nước nhận thấy
rằng, họ có thể dựa vào nhau trong cơn khủng hoảng tài chính nhiều hơn
trông cậy ở các thiết chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới hoặc Quỹ Tiền
tệ Quốc tế. Nhật Bản hiện giờ cố gắng duy trì và nâng cao vai trò xuất
sắc mà mình giành được ở Đông Nam Á.
Ý định của Nhật Bản là sử dụng ASEAN+3 để thực hiện mục tiêu đóng một
vai trò lãnh đạo trong tương lai. Ý định đó đã bộc lộ rõ trong chuyến
công du của Thủ tướng Koizumi ở năm nước ASEAN là Philippines, Malaysia,
Thái Lan, Indonesia, và Singapore tháng 1/2002. Trong một bài diễn văn
quan trọng về chính sách đọc tại Singapore, ông nói rõ các lĩnh vực hợp
tác không phải chỉ giới hạn ở tự do hóa thương mại và đầu tư. Đề nghị
của ông bao gồm giáo dục, hợp tác phát triển nguồn nhân lực, sáng kiến
về quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN nhằm tăng cường hợp
tác trong nhiều lĩnh vực.
Kết luận
Tuy trọng tâm chính sách Châu Á của Nhật Bản là tăng cường quan hệ
với các nước Đông Á và Đông Nam Á, nhưng tình hình quốc tế thay đổi sau
khi Chiến tranh Lạnh kết thúc buộc Nhật Bản phải xác định lại chính sách
đối với Nam Á và Trung Á. Ngoài Ấn Độ là nước mà Nhật Bản nhiệt tình
phát triển quan hệ, người Nhật còn từng bước khôi phục quan hệ với Trung
Á và các quốc gia Châu Á khác phong phú dầu lửa và tài nguyên thiên
nhiên. Người Nhật Bản nhận thấy rằng, chính sách Châu Á của họ phải bao
gồm nhiều nước hơn để họ có thể cân bằng quan hệ dễ thay đổi của mình
với các láng giềng Châu Á và Hoa Kỳ, như thế họ có thể gây ảnh hưởng lớn
trong những năm tới ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
ĐỖ TRỌNG QUANG
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Asahi Shimbun, 8/1/2004.
2. Asahi Shimbu, 18/4/2005.
3. The Journal Pacific Asia, vol.1.
4.International Herald Shimbun, 6/4/2005.
5.Far Eastern Economic Review, 4/4/2005.
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8, 2007