Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

4. Uy lực địa chính trị của châu Á

Một châu Á theo chiều ngang phản ánh không chỉ các mối liên kết tự nhiên trong lục địa giữa các nước châu Á, mà còn cho thấy các mối liên kết kinh tế và chính trị.
Trên lục địa
Các mạng lưới kết nối thương mại, năng lượng và cơ sở hạ tầng vừa kể trên đã cho thấy rõ các thị trường châu Á, và đặc biệt là các nguồn năng lượng quan trọng của các thị trường này, đang ngày càng được tìm thấy ở bên trong lục địa, hơn là ở ngoài khơi. Các thị trường này phản ánh các lợi ích sống còn của các siêu cường châu Á - các nước ở trung tâm chuỗi kết nối này - sẽ tiếp tục gắn bó nhiều đến mức nào với đất liền dù họ phát triển trên biển.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta phải bỏ qua sức mạnh và các lợi ích ngày càng lớn của Trung Quốc và Ấn Độ ở ngoài khơi, hay quên cường quốc hải quân Nga. Các chiến lược gia Ấn Độ đã không nhầm khi lo lắng về kịch bản đối đầu hải quân Trung - Ấn và chiến lược "chuỗi ngọc" giả định của Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích chiến lược của Mỹ cũng không nhầm khi ghi nhận rằng các tuyến giao thông dài trên biển của Trung Quốc, đặc biệt để phục vụ nhập khẩu năng lượng, đang ngày càng dễ bị tổn thương, và trở thành một cái cớ để nước này tăng cường sức mạnh hải quân. Nhưng như đã nói ở trên, đây chỉ là một nửa câu chuyện, và dường như nửa sau còn quan trọng hơn.
Hải quân Trung Quốc trong một thời gian nào đó sẽ chưa được trang bị hoặc huấn luyện tốt cho các chiến dịch ngoài khơi. Các hàng không mẫu hạm được lên kế hoạch từ lâu của Trung Quốc có thể sẽ ra đời, nhưng việc hiện đại hóa hải quân của họ vẫn thiên về mục đích giữ cho các hàng không mẫu hạm của Mỹ tránh xa Đài Loan và bờ biển phía Đông của họ. Và trong khi vai trò của Trung Quốc trong việc giúp đỡ Pakistan phát triển cảng biển Gwadar được gọi là "viên ngọc" lớn nhất trong các kế hoạch Ấn Độ Dương của nước này, thì nó cũng được xem dưới một góc độ khác. Ý nghĩa hơn một cảng biển và các ứng dụng hàng hải chiến lược là hệ thống đường sắt, đường bộ và ống dẫn mà Trung Quốc đang lên kế hoạch sử dụng để nối Gwadar với miền Đông nước này.
Trung Quốc cũng tài trợ một đường sắt từ Gwadar tới Dalbadin ở trung tâm Pakistan, đường này sẽ nối với các tuyến đường đã có dẫn tới Iran. Sự kết nối trong lục địa này sẽ có thể giúp Trung Quốc ít phải dựa vào các cảng biển và các điểm kiểm soát trên Thái Bình Dương, thậm chí mạng lưới này mở ra nhiều lợi ích mới, cũng như kéo theo các quan hệ đồng minh và cả đối thủ mới trong đất liền.
Điều này đang diễn ra trên thực tế: các hạm đội của Trung Quốc và Ấn Độ có thể một ngày nào đó chĩa súng vào nhau ở Ấn Độ Dương, nhưng New Delhi và Bắc Kinh đã lao vào một cuộc cạnh tranh còn gay gắt hơn trên đất liền, đặc biệt là tranh giành ảnh hưởng tại các nước yếu hơn ở châu Á. Tại Myanmar chẳng hạn, Trung Quốc và Ấn Độ đang chi cả núi tiền để phát triển các tuyến đường thương mại và khai thác nguyên liệu đầu vào. Tại Afghanistan, Ấn Độ đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng trong khi Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài đơn lẻ lớn nhất (trong việc khai thác mỏ, tất nhiên). Trong khi đó, điều mà một số người gọi là sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga có thể chỉ là để thêm vào chút chân thành cho cuộc cạnh tranh tất yếu của họ ở Siberia và Trung Á, nhất là khi người Nga lo sợ trước các xu hướng dân số ngày càng bất cân bằng Nga và Trung Quốc ở Siberia.
Thực vậy, chính trên đất liền là nơi sự ổn định, toàn vẹn lãnh thổ và các tham vọng của Trung Quốc, Ấn Độ và Nga trong vai trò là các cường quốc khu vực, được thể hiện rõ nhất. Từ Đại chiến thế giới II, cả ba nước đã chứng kiến các cuộc xung đột biên giới quy mô lớn với một trong hai nước còn lại ở các khu vực hiểm yếu của các quốc gia rộng lớn này (ví dụ, Trung Quốc và Ấn Độ tại dãy Himalayas, và Trung Quốc với Nga ở Amur). Đối với Bắc Kinh, phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng ở miền Tây Trung Quốc, khu vực chiếm hơn một nửa diện tích đất liền của nước này, có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo rằng các vùng nội địa sâu hơn không bị bỏ rơi đằng sau vùng duyên hải năng động về kinh tế của mình.
Ấn Độ cũng đối mặt với một thách thức mang tính quốc gia tương tự, trong khi phải đối phó với phong trào ly khai ở vùng Đông Bắc, họ còn phải đương đầu với Pakistan ở Tây Bắc. Đối với Nga, việc tiếp cận với các nguồn tài nguyên ở Siberia và Trung Á là rất quan trọng để duy trì vị thế siêu cường năng lượng của mình, nhất là khi họ không còn là siêu cường quân sự nữa. Vì tất cả các lý do này, trọng tâm chiến lược của châu Á đang chuyển vào lục địa, điều có ý nghĩa lớn với các quốc gia biển ở Đông Nam Á và nhiều nước khác nữa.
Tại các quốc gia biển Đông Nam Á, người ta lo ngại sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ (và cả Việt Nam) đang gạt họ ra ngoài lề về mặt kinh tế và chiến lược. Đáp lại, các quốc gia biển Đông Nam Á đang cùng lúc củng cố các quan hệ chiến lược và kinh tế với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và cả với các quốc gia vùng Vịnh. Vốn ban đầu khác nhau, song các chiến lược ngoại giao cơ bản của Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines giờ đã tương đối giống nhau.
Khác với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, trong vai trò là một cường quốc quân sự và kinh tế số một của châu Á - biển, dường như đang bị gạt ra ngoài lề, buộc họ phải có biện pháp đáp lại những thay đổi nền tảng chiến lược của châu Á. Hơn bất cứ quốc gia nào, Nhật Bản vừa tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ với Trung Quốc và với cả các nước khác nhằm chống lại sự nổi lên của Trung Quốc. Đặc biệt, sự tăng trưởng nhanh chóng của các quan hệ chiến lược Nhật Bản - Ấn Độ là bằng chứng rõ nét cho thấy mối lo Trung Quốc đang khiến Nhật Bản tìm các đối tác chiến lược mới xuyên Á, chứ không phải là xuyên Thái Bình Dương. Cùng với thời gian, điều này có thể đẩy cuộc tranh cãi suốt một thế kỷ qua ở Nhật Bản về các bản sắc phương Tây và Á châu của họ theo hướng gắn bó với châu Á hơn.
Một thách thức đối với phương Tây
Nếu các hàm ý của khái niệm một châu Á theo chiều ngang có ý nghĩa với Đông Á, thì các hàm ý này còn có ý nghĩa lớn hơn đối với phương Tây. Nếu chúng ta hiểu rằng kỷ nguyên châu Á nhiều khả năng là một châu lục theo chiều ngang hơn là một châu lục theo chiều dọc gắn với yếu tố biển, thì sức mạnh hải quân phương Tây, vốn vẫn rất mạnh, có thể trở thành một "phế phẩm". Ưu thế về hải quân sẽ chỉ khiến phương Tây có ít lực đẩy hơn tại châu lục này so với họ nghĩ, ngay cả khi nó đáp ứng được các thách thức mới trên biển.
Điều này là dễ thấy khi ta nhìn vào vai trò của năng lượng trong quá trình định hình một châu Á theo chiều ngang. Không có một sự sắp xếp lớn nào đằng sau các liên kết hữu cơ ngày càng gia tăng giữa các nước cung cấp và tiêu thụ năng lượng ở châu Á, nhưng nó lại đang diễn ra để ngăn chặn cả nhu cầu năng lượng cũng như tầm ảnh hưởng chiến lược của phương Tây.
Khả năng của Ấn Độ và Trung Quốc trong việc đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu năng lượng của mình thông qua các đường ống trong đất liền, đặc biệt từ Nga và Trung Á, và có thể từ vùng Vịnh Persic, có thể tạo làm ảnh hưởng tới khả năng các nhà tiêu dùng phương Tây tiếp cận với các nguồn tài nguyên này và tầm quan trọng của lực lượng hải quân phương Tây trong việc bảo vệ họ. Và ngay cả ở nơi mà sức mạnh hải quân phương Tây vẫn còn rất quan trọng (như trong việc bảo vệ các tuyến đường biển từ Vịnh Persic tới châu Á), tính hiệu quả của lực lượng này cũng đang bị giảm bớt.
Một châu Á theo chiều ngang phản ánh không chỉ các mối liên kết tự nhiên trong lục địa giữa các nước châu Á, mà còn cho thấy các mối liên kết kinh tế và chính trị. Trong quá khứ, các nhà cung cấp năng lượng đã rất hài lòng trước khả năng phương Tây bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu vũ khí chủ lực của mình, nhưng các nhà cung cấp này cũng mong muốn các thị trường ổn định và giá cao. Lần đầu tiên, các thị trường tăng trưởng nhanh nhất của họ giờ lại là ở trên chính lục địa của mình, tạo điều kiện cho việc cung cấp dễ dàng hơn khi các đường ống được xây dựng theo kế hoạch.
Chính trị có ảnh hưởng đặc biệt. Đối với các nhà sản xuất ở vùng Vịnh, các nhà tiêu thụ năng lượng của châu Á ít đòi hỏi về chính trị hơn là các đối tác của họ ở phương Tây. Đối với Iran, việc chuyển từ các thị trường châu Âu sang châu Á tức là thay thế sự cao ngạo của phương Tây bằng quan điểm thiết thực của châu Á. Ngay cả với một nước thân phương Tây như Arập Xêút, việc mở rộng các mối quan hệ về kinh tế, chính trị và quân sự với Ấn Độ, Trung Quốc (những nước mà họ có thể một lần nữa mua các tên lửa đạn đạo tầm trung), và Nga nữa, là những hàng rào rõ rệt chống lại sự phụ thuộc vào Mỹ, đặc biệt khi Hoàng gia Arập Xêút bắt đầu cho rằng Mỹ vừa quá khinh suất vừa quá e dè trong cách sử dụng quyền lực để bảo vệ họ.
Đây chính là nơi mà yếu tố địa chính trị và vấn đề tế nhị về danh tiếng địa chính trị gặp nhau. Vị trí gần kề và tính bền vững của các cường quốc châu Á tạo ra đối trọng, những cam kết và lợi ích lâu dài hơn đến nỗi mà, ở Trung Á và vùng Caucasus chẳng hạn, cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc hầu như loại trừ phương Tây. Nga đòi cái mà họ xem là quyền tự nhiên và mang tính lịch sử của mình, ý nói mọi thứ từ sự đảm bảo an toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu tới tương lai của các căn cứ Mỹ tại khu vực. Trong một nỗ lực nhằm chống lại gọng kìm ngạt thở này, các quốc gia châu Á đang không hướng về phương Tây mà quay ra phía Trung Quốc, bằng chứng là việc thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Thực vậy, việc Mỹ không sẵn lòng cung cấp cho Gruzia vũ khí và việc NATO "đứng ngoài" cuộc chiến Nga - Gruzia mùa Hè năm 2008 được khu vực này coi là bằng chứng cho thấy sự không đáng tin cậy của phương Tây.
Sự bất lực của Washington trong việc ngăn cản Iran làm giàu urani cũng vậy. Các nước trong khu vực thấy đây là một kết quả trực tiếp của các lợi ích ngày càng lớn dần về thương mại và năng lượng của Nga và Trung Quốc tại Iran - những lợi ích đã được tạo điều kiện bởi sự ghẻ lạnh về kinh tế và chính trị của Washington đối với Tehran suốt ba thập kỷ qua. Thực vậy, hầu hết các quan sát viên trong khu vực hiểu rằng tuyên bố của Moscow và Bắc Kinh phản đối cái mà Mỹ gọi là nguy cơ một nước Iran có vũ khí hạt nhân chỉ là một cách nói xã giao.
Tại Afghanistan và Pakistan, người dân nghi vấn cam kết lâu dài của Mỹ và các đồng minh vì nhiều lý do, nhất là khi nhìn vào kinh nghiệm và bối cảnh của chính họ. Trong khi mọi hành động của phương Tây chỉ để rút đi, thì Ấn Độ và Trung Quốc đang âm thầm tiếp tục tạo dựng ảnh hưởng của mình tại Afghanistan, và trong trường hợp Trung Quốc là tại cả Pakistan nữa. Họ sẽ được hưởng các lợi ích an ninh nếu các nỗ lực của phương Tây ở đây thành công, trong khi tránh bị dân địa phương phỉ báng nếu các nỗ lực này thất bại.
Afghanistan và Pakistan là những quốc gia mà tầm ảnh hưởng của phương Tây tương đối mạnh; vậy ảnh hưởng của họ có thể yếu ở đâu? Tại Myanmar, các hoạt động hạt nhân có thể có của chính quyền quân sự này đã thêm vào chuỗi lo ngại vốn rất dài của phương Tây về nhân quyền và buôn lậu ma túy. Mỹ đã cố gắng cô lập Myanmar nhưng không thành. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh giành ảnh hưởng tại đây. Giữa một bên là các nghị quyết suông của Liên hợp quốc và đôi khi là một vài đột phá về ngoại giao, với bên kia là đầu tư, các phái đoàn thương mại và các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, không còn gì phải lăn tăn về việc cái nào sẽ có ảnh hưởng hơn.
Chủ nghĩa khu vực
Một điều đã cảnh báo chúng ta về tầm ảnh hưởng mang tính miễn cưỡng của phương Tây tại châu Á là các thể chế khu vực đang lên của châu lục này. Trong nhiều năm, các thể chế khu vực của "châu Á", được thúc đẩy bởi Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Singapore và Australia, như ASEAN và APEC, đã ra đời trên cơ sở các trách nhiệm chiến lược trên biển. Khoảng 20 năm sau khi bùng nổ các thể chế khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương, châu Á theo chiều ngang đang chứng kiến một sự đột phá tương tự. Dễ thấy nhất là SCO, thành lập năm 2001 với các thành viên sáng lập gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan, các quan sát viên gồm Ấn Độ, Pakistan, Iran và Mông Cổ, và các đối tác đối thoại như Sri Lanka và Belarus. Củng cố thêm cho tổ chức này là Đối thoại ba bên thường niên của các Ngoại trưởng Nga, Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu từ năm 2002.
Ngoài ra, có các nhóm ít phát triển hơn, trong đó có Sáng kiến Hợp tác kỹ thuật và công nghệ liên khu vực Vịnh Bengal do Ấn Độ đứng đầu (gồm Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Nepal, Sri Lanka, Myanmar và Thái Lan), Đối thoại châu Á - Trung Đông hai năm một lần do Singapore đứng đầu, mở ra với 49 quốc gia và chính quyền Palestine.
Một vài trong số những tổ chức này đang tỏ ra hiệu quả hơn các thể chế của châu Á hiện hành, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh. Điều thực sự giúp phân biệt chúng là, không giống như kinh nghiệm châu Á - Thái Bình Dương, hầu hết các tổ chức này đều được tổ chức bởi các cường quốc đang nổi của châu Á và đều không có sự tham gia của Mỹ. Ngay cả khi các tổ chức này hiện cùng chung sống vui vẻ với các thể chế có tổ chức vững chãi như APEC, vì chúng cũng phản ánh sự tái định hướng dần dần về địa chiến lược và kinh tế của châu Á, chúng có khả năng làm lu mờ các thể chế đang tồn tại, trừ phi các thể chế này thích nghi với thực tế mới.
Kết luận cuối cùng là chúng nên vẽ cho mình một bản đồ mới trong đầu về châu Á tránh đi lại 'vết xe đổ' của quan niệm về châu Á gắn với biển và mở rộng hơn tới một đại dương thứ hai. Chúng ta cần một khái niệm châu Á tổng thể từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, và cả khía cạnh kinh tế và địa chính trị của châu lục này.
Quốc Thái dịch từ tạp chí American Interest của Mỹ số ra tháng 5/2010.
http://www.baomoi.com/Uy-luc-dia-chinh-tri-cua-chau-A/119/4176829.epi