Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

62. Kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Nhật Bản

1. Tình hình tăng trưởng và những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế ở Nhật Bản
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nền kinh tế Nhật
Bản lâm vào tình trạng kiệt quệ và khủng hoảng trầm trọng: năng lượng thiếu, lạm phát phi mã, thất nghiệp gia tăng. Tuy nhiên với đường lối: "Kinh tế là trên hết", tất cả "hướng về sản xuất", nền kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng vượt qua giai đoạn tái thiết (hàn gắn vết thương chiến tranh) để bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao: 6,9%/năm (1952-1960) và đặc biệt cao 10%/năm (thập kỷ 60 của thế kỷ XX). Đầu thập kỷ 70, Nhật Bản trở thành một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và EU. Song, tăng trưởng đối với nền kinh tế Nhật Bản không phải là không có điểm dừng. Từ giữa thập kỷ 70, thế kỷ XX nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu suy thoái. Do vấp phải ba cuộc đại khủng hoảng kinh tế: 1973-1975, 1981-1982, 1985-1986 làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản giảm sút nhanh và liên tục: năm 1983 đạt 3,2%; 1993 - tức sau 10 năm đạt 0,3%; 1998 tăng trưởng kinh tế âm (- 0,7%). Từ năm 2000, bức tranh tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trở nên ít sáng sủa. Hàng loạt công ty uy tín, nổi tiếng thế giới như: Misubishi, Hitachi… cũng bị lao đao, có khi lâm vào tình trạng phá sản như: Nissan; một số tổ chức tài chính, ngân hàng bị phá sản hoặc bị thôn tính… Trải qua những bước thăng trầm trong phát triển kinh tế, mặc dù Nhật Bản vẫn là một cường quốc kinh tế nhưng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức:
- Phát triển kinh tế: Kinh tế tăng trưởng không ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đáp ứng mục tiêu: chuyển từ cơ cấu tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào nhu cầu (thị trường) bên ngoài sang cơ cấu tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào nhu cầu (thị trường) trong nước. Đặc biệt, do theo đuổi chiến lược "kinh tế là trên hết", cố gắng phát triển kinh tế để đuổi kịp và vượt các nước công nghiệp phát triển dẫn đến tình trạng sử dụng phổ biến công nghệ có hàm lượng thấp, tiêu hao và lãng phí nguyên liệu trong những năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
- Phát triển xã hội: Mặc dù đời sống của nhân dân Nhật Bản đã được cải thiện và nâng cao rõ rệt nhưng do quá chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhấn mạnh mục tiêu lợi nhuận của các nhà tư bản độc quyền dẫn đến tình trạng phát triển vùng không cân đối. Có những vùng tập trung cao độ về vốn, nhân lực (Tokyo, Yokohama, Osaka…) để công nghiệp hoá nên phát triển không cân đối và hài hòa, phân hoá rõ rệt các vùng đô thị hoá nhanh với những vùng nông thôn ít được đầu tư, gây quá tải về nhà ở, kết cấu đô thị, làm tăng giá cả ở vùng công nghiệp hoá quá mức.
- Về môi trường sống: Do sử dụng máy móc thiết bị có hàm lượng công nghệ không cao, chạy theo lợi nhuận gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Đặc biệt, vào cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ XX, tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức không thể chịu được hơn nữa: Mưa axit, hiệu ứng nhà kính, nước nhiễm bẩn, chất thải rắn ở đô thị… trầm trọng. Trên đất nước Nhật Bản đã xuất hiện các cuộc biểu tình, trước hết là của sinh viên Nhật Bản đấu tranh đòi phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sống.
Những thách thức trên đây buộc chính phủ Nhật Bản phải điều chỉnh chiến lược phát triển của đất nước theo hướng phát triển bền vững.
2. Quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược hướng về phát triển bền vững ở Nhật Bản
Để thực hiện thành công công cuộc tái thiết nền kinh tế sau chiến tranh, tiến tới phát triển đuổi kịp và vượt các nước công nghiệp về kinh tế, Nhật Bản đã tổ chức lấy ý kiến, thảo luận rộng rãi về chiến lược phát triển kinh tế từ các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, các quan chức Chính phủ và địa phương. Thực chất là tập trung trí tuệ để xác định mục tiêu (đã được cụ thể hóa trong các chính sách vĩ mô) phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
2.1. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Nhật Bản bền vững bao gồm 6 lĩnh vực sau:
- Chính sách quản lý cầu vĩ mô: Đó là các chính sách kinh tế theo những tiêu chuẩn cơ bản của Mỹ, trọng tâm là chính sách tài khoá và tiền tệ trong nền kinh tế thị trường Nhật Bản cũng như của thế giới. Hàng năm Cục Quy hoạch kinh tế Nhật Bản cho xuất bản hai cuốn sách: "Sách trắng về kinh tế""Sách trắng về kinh tế thế giới". Đó chính là những quan điểm chính thống, hướng dẫn cộng đồng kinh doanh theo đường lối của Chính phủ.
- Chính sách công nghiệp: Bản chất của chính sách công nghiệp là trọng cung, giúp khu vực tư nhân phát triển các ngành công nghiệp mới khi nền kinh tế Nhật Bản gia nhập vào thị trường thế giới. Chính sách công nghiệp nhằm hai mục tiêu: Phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu đặc biệt quan trọng ở mỗi giai đoạn phát triển; hỗ trợ các ngành công nghiệp yếu kém tái cấu trúc cơ cấu, giúp đỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ (có chọn lọc một số ngành) cải tiến công nghệ và quản lý để tồn tại và phát triển.
- Chính sách phân phối: Đây là chính sách mang tính điều tiết phát triển kinh tế gắn với phát triển bền vững xã hội rất rõ: Chính phủ Nhật Bản chú ý tới chủ nghĩa bình đẳng trong phúc lợi của nhân dân. Chính sách phân phối hướng đến ngăn ngừa những lệch lạc trong phân phối thu nhập và phúc lợi, đảm bảo không ngừng cải thiện phúc lợi cho nhân dân. Trong đó, chính sách thuế thể hiện rõ chủ trương của Chính phủ. Hệ thống thuế của Nhật Bản đánh thuế thừa kế rất nặng, thu thuế thu nhập luỹ tiến cao tạo nên sự phân phối phúc lợi bình đẳng, giảm dần khoảng cách giàu - nghèo. Ngoài ra, một số chính sách đưa ra còn chú trọng những khoản trợ cấp cho những gia đình không may mắn; cùng với hệ thống chăm sóc y tế rộng rãi đặc biệt là những người già trên 70 tuổi chăm sóc y tế được miến phí, chú ý tới những người nghèo ở vùng nghèo (Hokkaido và Okinawa) thông qua các chính sách kinh tế khác.
- Chính sách phát triển vùng: Chính sách phát triển vùng của Nhật Bản hướng tới phát triển đồng đều tương đối; phát huy thế mạnh của từng vùng; tránh phát triển tập trung quá mức khu công nghiệp ở các thành phố lớn, đặc biệt là Thủ đô Tokyo và các thành phố lớn khác, như: Sapporo, Yokkaichi, Aichi…; ngăn ngừa tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng và đô thị hóa quá mức. Trọng tâm của chính sách phát triển vùng là xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể đất quốc gia, thiết kế và hướng dẫn phân bổ các hoạt động công nghiệp và dân số theo vùng hướng mạnh về phát triển bền vững.
- Chính sách nhân lực và giáo dục: Chính phủ Nhật Bản nhận thức rất rõ được sự cần thiết, tầm quan trọng của chính sách tác động đến cung-cầu lao động cho nền kinh tế. Mọi chủ trương, đường lối phát triển nguồn nhân lực và phát triển giáo dục đều thể hiện tập trung trong cuốn "Sách trắng về giáo dục""Sách trắng về lao động", "Khảo sát cơ bản về giáo dục".
- Chính sách nghiên cứu và triển khai (R&D): Sau chiến tranh, Nhật Bản đã từng được mệnh danh là đất nước "vay mượn" công nghệ phương Tây rồi cải tiến những công nghệ đó. Vì vậy, chính phủ quyết tâm xây dựng chính sách R&D, hướng tới khuyến khích các nhà khoa học sáng chế thông qua nhiều biện pháp, trong đó, nổi bật là tăng chi ngân sách cho R & D; trọng dụng nhân tài; khuyến khích nghiên cứu công nghệ mới sử dụng tiết kiệm nguyên liệu và bảo vệ môi trường…
Để thực hiện các chính sách trên đây, Nhật Bản đã tiến hành:
Một là, phân công trách nhiệm đối với các chính sách phát triển
+ Quản lý cầu vĩ mô: Bộ Tài chính (chịu trách nhiệm chính); Cục quy hoạch kinh tế, Ngân hàng Nhật Bản (chịu trách nhiệm phụ).
+ Chính sách công nghiệp: Bộ kinh tế Thương mại và công nghiệp (METI) (chịu trách nhiệm chính); Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp (chịu trách nhiệm phụ).
+ Chính sách phân phối: Bộ sức khỏe và Phúc lợi.
+ Chính sách nhân lực và giáo dục: Bộ Giáo dục.
+ Chính sách phát triển vùng: Bộ Xây dựng (chịu trách nhiệm chính); Bộ Giao thông và Liên lạc, Cục quản lý đánh giá, Cơ quan phát triển Hokkaido và cơ quan phát triển Okinawa (chịu trách nhiệm phụ).
+ Chính sách R&D: Cục Khoa học và kỹ thuật chịu trách nhiệm.
Việc phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, cơ quan, cục … đối với từng chính sách phát triển tạo nên một sự thống nhất chung, có thể kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường ở từng vùng, địa phương và giữa các ngành; các tổ chức xã hội; tạo ra sự đồng thuận, nhất trí giữa các tổ chức cơ quan thực hiện chiến lược phát triển hướng tới bền vững.
Hai là, Xây dựng kế hoạch phát triển hướng tới phát triển bền vững
- Giai đoạn 1952-1960:
+ Kế hoạch kinh tế: Xây dựng chiến lược tự lực kinh tế, bao gồm cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
+ Kế hoạch phát triển: Quy hoạch tổng thể sử dụng đất quốc gia; soạn thảo kế hoạch phát triển tổng thể quốc gia: Kế hoạch phát triển Hokkaido, xây dựng tàu điện ngầm Tokyo; phát triển Tohoku, Kyusu.
+ Kế hoạch phát triển vùng: Xây dựng kết cấu hạ tầng cho phát triển công nghiệp; tái tạo cải tạo đất đai; ngăn chặn thiên tai; giảm bớt khoảng cách thu nhập; phân bố các khu công nghiệp, giảm bớt sự tập trung ở từng khu gây chênh lệch phát triển vùng.
- Giai đoạn 1961-1970:
+ Kế hoạch phát triển kinh tế: Tăng gấp đôi thu nhập quốc gia; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn; kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội.
+ Kế hoạch phát triển: Phát triển Shilkoku; phát triển Hokuriku; phát triển Chugoku; phát triển Kinki (tàu điện ngầm); kế hoạch tổng thể quốc gia mới.
- Giai đoạn 1971-1980:
Từ những năm 1970 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã nhận thức rõ những thách thức trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là về việc sử dụng lãng phí nguồn lực và ô nhiễm môi trường. Chính phủ Nhật Bản tiến hành xây dựng chính sách phát triển kinh tế hướng mạnh vào phát triển bền vững, thể hiện rõ trong chính sách phát triển vùng, cụ thể như sau:
+ Kế hoạch kinh tế: Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội mới
+ Kế hoạch phát triển: Phát triển hồ Biwa: Phát triển Okinawa; kế hoạch sử dụng đất quốc gia; kế hoạch phát triển tổng thể quốc gia
+ Chính sách vùng: Tái định hướng việc sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc; giảm bớt khoảng cách vùng về mặt môi trường; phát triển mạnh hệ thống giao thông liên lạc giữa các vùng; phát triển vùng gắn với sự tồn tại hài hoà giữa thiên nhiên và con người
- Giai đoạn 1981 đến 1990:
+ Kế hoạch kinh tế: Xây dựng viễn cảnh và hướng cho những năm 80 và 90: Cải cách, phục hồi, phát triển kinh tế.
+ Kế hoạch phát triển: Kế hoạch phát triển các ngành viễn thông, dịch vụ.
+ Chính sách vùng: Phân quyền (tản quyền) nhờ hệ thống tàu điện ngầm Tokyo; phát triển và chuyên môn hóa Tokyo, hình thành trung tâm địa phương; sử dụng đất đa mục đích.
- Giai đoạn 1990 đến nay: Nhật Bản đưa ra 6 chương trình cải cách lớn hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững: Cải cách hành chính; cải cách cơ cấu kinh tế; cải cách hệ thống tài chính; cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội; cải cách tài chính chính phủ; cải cách giáo dục.
Chương trình cải cách lớn trên đã được chính phủ Nhật Bản tập trung nguồn lực vật chất, trí tuệ để thực hiện từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Đặc biệt, kể từ khi lên nắm chính quyền vào mùa xuân năm 2001, thủ tướng Koizumi Junichiro quyết tâm đẩy mạnh tiến trình cải cách toàn diện, sâu, rộng nền kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chương trình cải cách của thủ tướng Koizumi tập trung vào hai vấn đề: xử lý nợ đáo hạn và khai thác các yếu tố phát triển bền vững. Cụ thể là:
- Tập trung giải quyết hiệu quả nợ khó đòi để ổn định và phát triển hệ thống tín dụng theo 3 cách: bán lại nợ, thanh lý nợ theo luật pháp hiện hành, huỷ bỏ một phần nợ. Phấn đấu đến 2005 hệ thống ngân hàng trở lại bình thường.
- Giảm chi tiêu công cộng, nhất là đường sá nhằm hướng tới cân bằng ngân sách trong tương lai, thông qua việc giảm công nợ. Nhưng chú ý phân bổ nguồn lực cho phát triển bền vững, như: Chống ô nhiễm môi trường; giải quyết vấn đề dân số (lão hóa và sinh đẻ ít con); xây dựng thành phố  xanh, sạch, đẹp và có sức cạnh tranh cao; chấn hưng giáo dục đào tạo; phát triển khoa học công nghệ cao… đưa đất nước Nhật tiến lên.
- Cải tổ hệ thống thuế để kích thích phát triển bền vững: Một  mặt khuyến khích công ty sử dụng công nghệ cao những ngành nghề kinh doanh mới. Những ngành này tạo nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định xã hội. Mặt khác, hỗ trợ các ngành công nghiệp đang bị suy giảm: giảm thuế mua bán chứng khoán để nhiều người tham gia vào thị trường chứng khoán…
Ba là, sử dụng các công cụ thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bao gồm: Công cụ pháp luật để định hướng và bắt buộc các chủ thể kinh tế, cộng đồng dân cư tuân thủ pháp luật hướng tới phát triển bền vững; công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, nhất là các chính sách về tài chính, tiền tệ, giá cả để điều tiết hành vi của từng người dân, của toàn xã hội hướng tới phát triển bền vững; các phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn, tuyên truyền giáo dục, thuyết phục hướng về phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Bốn là, huy động tổng lực các lực lượng tham gia vào thực hiện chiến lược phát triển bền vững, như phụ nữ, thanh thiếu niên, nông dân, công nhân, công đoàn, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, tôn giáo…
Năm là, hợp tác quốc tế về phát triển bền vững để huy động; cung cấp tài chính và kỹ thuật công nghệ phục vụ phát triển bền vững. Đồng thời cam kết thực hiện tốt Chương trình Nghị sự 21 về phát triển bền vững.
2.2. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển môi trường bền vững
Ngay từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, nhất là từ sau Hội nghị thượng đỉnh về trái đất (RIO – 92), tất cả các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội ở Nhật Bản hiểu sâu sắc hơn về PTBV. Đặc biệt, nhận thức về sự bền vững của môi trường ngày càng được nâng cao. Nếu như trước đây, mối quan tâm về an toàn từ phía môi trường chỉ bó hẹp trong việc nhận thức về mức độ ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn… thì thời gian gần đây Nhật Bản quan tâm vấn đề này ở phạm vi rộng:  Vấn đề  khoảng không tối thiểu, thực phẩm sạch, cảnh quan thiên nhiên…; vấn đề hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường…
Từ nhận thức trên, chính phủ Nhật Bản tham gia tích cực vào thực hiện chiến lược phát triển bền vững tiếp tục xây dựng, đổi mới hoàn thiện chính sách môi trường, thể hiện trên các mặt:
- Khuyến khích toàn dân có ý thức giữ gìn bảo vệ thiên nhiên, coi môi trường thiên nhiên tươi đẹp là tài sản vô giá của đất nước. Thực hiện chiến lược phát triển bền vững đảm bảo sự thịnh vượng về kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội và gia đình về môi trường thiên nhiên; đặt tiến trình phát triển ngành nông, lâm, thuỷ sản, phát triển đô thị trong mối tương quan với việc gần gũi và bảo vệ  môi trường bền vững.
- Quy hoạch hệ sinh thái theo tiềm năng, thế mạnh gắn với bảo vệ môi trường thiên nhiên thống nhất, hữu cơ giữa vùng, khu vực, quốc gia và thế giới.
- Tiếp tục xây dựng, đổi mới và hoàn thiện các chính sách đảm bảo việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững môi trường trên thực tế chính sách tài chính, tín dụng; chính sách khoa học công nghệ … đều hướng mạnh về phát triển bền vững.
- Tiến hành khảo sát, điều tra, thu thập và cung cấp thông tin về phát triển bền vững ở qui  mô quốc gia, quốc tế. Thông qua việc xử lý thông tin, chính sách về phát triển bền vững môi trường.
Trên thực tế, ngay từ đầu thập kỷ 90, nhất là từ 1994, trên tinh thần Hội nghị Thượng đỉnh về trái đất RIO – 092 Nhật Bản đã thông qua kế hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, bao gồm các mục tiêu trung hạn và mục tiêu dài hạn, trong đó tập trung vào các hướng ưu tiên:
+ Bảo vệ môi trường không khí, giảm hiệu ứng nhà kính và bảo vệ tầng Ozôn.
Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng 3 chương trình cụ thể để kiểm soát ô nhiễm môi trường, trước hết ở 3 khu vực bị ô nhiễm môi trường nặng là: Sapporo, Yokkaichi và Aichi (1998).
Tình hình trên được đảm bảo triển khai có hiệu quả dưới sự trợ giúp của các đạo luật và chính sách:  Đạo luật sử dụng hợp lý nguồn năng lượng; Đạo luật những biện pháp đặc biệt thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng mới; Đạo luật bảo vệ tầng Ôzôn; Chính sách tài chính (thuế) đánh vào những chủ thể kinh doanh gây ô nhiễm môi trường do sử dụng công nghệ lạc hậu, sinh ra phế thải công nghiệp: CFCs Halon, Methyl bromide; Chính sách tín dụng hỗ trợ các công ty sử dụng công nghệ mới, hiện đại…
+ Bảo vệ nguồn nước:  Ban hành và thực hiện đạo luật kiểm soát ô nhiễm nguồn nước (1989). Đạo luật này cho phép chính quyền trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch thường niên bảo vệ nguồn nước; Bộ môi trường Nhật Bản công bố bản "Hướng dẫn bảo vệ nguồn nước ngầm bị ô nhiễm".
+ Bảo vệ  môi trường đất: Kiểm soát và ngăn chặn việc thải hóa chất vào môi trường thông qua quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh phải có phương án thu gom và xử lý chất thải trước khi đổ ra môi trường sống (đất, nước, không khí…); thực hiện các biện pháp kết hợp giữa công nghệ sinh học với các công nghệ khác để cải tạo đất.
+ Giảm thiểu rác thải và tái chế rác thải: Kiểm soát lượng gia tăng rác thải từ dân cư, từ công ty, những nơi công cộng…; khuyến khích các công ty tái chế để sử dụng rác thải thông qua các biện pháp kinh tế.
+ Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục, thuyết phục, xử lý bằng biện pháp hành chính và kinh tế để huy động lực lượng xã hội tham gia bảo vệ môi trường.
+ Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển bền vững về môi trường, đặc biệt hỗ trợ vốn cho các nước đang phát triển chung sức bảo vệ môi trường trái đất. Trên thực tế Nhật Bản đã và đang thực hiện tốt những cam kết từ sau Hiệp ước Kyoto.
Đánh giá một cách tổng quát, xây dựng chiến lược phát triển bền vững ở Nhật Bản, đó là một quá trình lịch sử - cụ thể. Không phải ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã nhận thức và thực hiện chiến lược phát triển bền vững toàn diện cả về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường. Ở thập kỷ 50, 60 và 70 của thế kỷ XX, nhất là sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Nhật Bản chỉ chú trọng phát triển kinh tế bằng mọi giá, chưa thực sự tính đến vấn đề xã hội, đặc biệt là về môi trường.
Khi Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới, nhiều vấn đề đặt ra gay gắt: làm gì và làm thế nào để nền kinh tế không suy thoái - khủng hoảng; thuyết phục người dân cần mẫn, sáng tạo trong sản xuất ? Làm gì và làm thế nào để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên… Muốn phát triển bền vững một cách toàn diện, Nhật Bản phải điều chỉnh các chiến lược phát triển, trong đó, rõ nhất là từ thập kỷ 90 trở lại đây, hướng vào 4 mục tiêu cơ bản và dài hạn sau:
+ Khuyến khích lối sống thân thiện với môi trường.
+ Hình thành và phát triển các đô thị phát triển hiện đại, bền vững.
+ Phát triển hệ thống kinh tế - xã hội gắn kết hài hòa với môi trường.
+ Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển bền vững quốc gia và bảo vệ môi trường toàn cầu, thông qua hỗ trợ vốn, khoa học - công nghệ cho các nước đang phát triển và các nước nghèo cùng chung sức thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, thúc đẩy toàn cầu phát triển bền vững.
VÕ VĂN ĐỨC - PHẠM THỊ KHANH
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chính sách công nghiệp của Nhật Bản, Nxb CTQG, Hà Nội, 1999.
  2. Shinichi Ichimura: Kinh tế chính trị của sự phát triển Nhật Bản và Châu Á, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương, Nxb Thống kê, Hà Nội, 1999.
  3. Kinh tế thế giới ngày nay – Tình hình và triển vọng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.
  4. Dự báo Thế kỷ XXI, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2002.
  5. Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 5, tháng 10/2002.
  6. Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 2, tháng 4/2004
    Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1, 2007