Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

59. Sự nổi lên của Trung Quốc và quan hệ kinh tế Việt Nam - Đài Loan

Trong hơn 15 năm qua, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đài Loan cũng như quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đều phát triển rất nhanh. Liên quan chặt chẽ đến hiện tượng này là quá trình toàn cầu hóa và tiến triển nhanh chóng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của cả 3 nền kinh tế Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc. Hội nhập quốc tế là một quá trình các nỗ lực hội nhập của các nền kinh tế đề cập được thực hiện từ nhiều năm. Kết quả của những nỗ lực lớn lao này, như đã biết, Đài Loan và Trung Quốc đã gia nhập WTO từ năm 2001 và Việt Nam cũng gia nhập WTO từ năm 2006.
Trung Quốc hiện được xem là một trong hai đầu tầu kinh tế ở khu vực Đông Á. Những bước phát triển nhanh hay trì trệ của nền kinh tế lớn này đều ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và hợp tác giữa các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam và Đài Loan. Nội dung của bài viết này là đánh giá tác động của sự nổi lên của Trung Quốc đến xu hướng biến đổi trong quan hệ kinh tế phi chính phủ giữa Việt Nam và Đài Loan.
1. Sự nổi lên của Trung Quốc
Sự nổi lên của Trung Quốc đã thúc đẩy gia tăng các mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với các nước lân cận cũng như quan hệ giữa các nước, các nền kinh tế gần Trung Quốc với nhau trong đó có quan hệ Việt Nam - Đài Loan.
Sự nổi lên của Trung Quốc được thể hiện ở những điểm chính sau đây:
a. Trung Quốc có mức tăng trưởng kinh tế đứng hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn 1993 -1997, mức tăng bình quân đạt tới 11%/năm, cao gấp 3 lần so với mức tăng bình quân của thế giới trong cùng thời kỳ. Trong những năm 1998 - 2005, mặc dù kinh tế khu vực và thế giới có nhiều biến động, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới. Nhờ tăng trưởng cao, liên tục trong nhiều năm, tiềm lực kinh tế của Trung Quốc cũng không ngừng lớn mạnh. Năm 2005, với tổng GDP đạt 2250,862 tỷ USD, Trung Quốc vượt Anh trở thành nước có tiềm lực kinh tế lớn thứ 4 thế giới chỉ sau Mỹ, Nhật và Đức(1). Mặc dù GDP của Trung Quốc chỉ chiếm 4% GDP thế giới, nhưng đóng góp tới 10% tăng trưởng của kinh tế thế giới. Năm 2006 theo ước tính mức tăng trưởng của Trung Quốc là 10,5%.
b. Trung Quốc là một trung tâm sản xuất lớn của thế giới. Từ một nước nghèo, hàng hoá khan hiếm và thường xuyên phải nhập một khối lượng lớn lương thực, gần đây Trung Quốc đã vượt lên đứng đầu thế giới về nhiều loại sản phẩm như: về sản lượng ngũ cốc: 484 triệu tấn (2005), bông: 6,32 triệu tấn (2004), hạt có dầu: 30,57 triệu tấn (2004), thịt: 41,2 triệu tấn, thép xây dựng: 396,9 triệu tấn (2005), than: 2,19 tỷ tấn (2005), vải: 47 tỷ m2 (2005), xi măng: 970 triệu tấn (2004); đồng thời Trung Quốc cũng đứng thứ hai thế giới về sản lượng điện: 2474,7 tỷ Kw (2005); phân hoá học: 52,2 triệu tấn (2005), về số thuê bao Internet… Trung Quốc cũng đứng thứ 3 thế giới về sản xuất ôtô với 5,7 triệu chiếc (2005). Từ năm 1995 đến năm 2004, tỷ trọng của Trung Quốc trong sản xuất công nghiệp thế giới tăng từ 5% lên 12%. Hiện nay, Trung Quốc là nước thứ 4 sau Mỹ, Nhật và Đức về sản xuất hàng công nghiệp hiện đại. Trung Quốc đứng đầu thế giới về 35 loại sản phẩm công nghiệp như: máy thu hình mầu (82,83 triệu/2005), máy giặt, tủ lạnh (29,86 triệu/2005), điều hoà nhiệt độ (67,65 triệu/ 2005), máy tính (80,84 triệu /2005), máy điện thoại kỹ thuật số, lò vi sóng, VCD, điện thoại di động, máy fax, xe máy, xe đạp, linh kiện máy tính, tơ lụa, trang phục… với hơn 40 loại sản phẩm có sản lượng chiếm trên 50% tổng sản lượng thế giới. Các loại hàng hoá này đều chiếm ưu thế trên thế giới về số lượng tuyệt đối hay về giá cả.
c. Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn của thế giới. Trong 6 năm, từ năm 1998 đến năm 2003, tỷ trọng của Trung Quốc so với cả thế giới về mức sử dụng nhiều loại nguyên vật liệu, năng lượng cho sản xuất công nghiệp tăng rất nhanh. Tiêu thụ đồng tăng từ 10,4% lên 19,7%. Tiêu dùng nhôm tăng từ 10,3% (1996) lên 18,6%. Tiêu dùng than tăng từ 27,2% lên 31%. Tiêu dùng bông tăng từ 22,2% lên 32,7%. Tiêu dùng điện tăng từ 8% lên 10,2%. Tiêu dùng xăng dầu tăng từ 5,5% lên 7,7%. Tiêu dùng các sản phẩm thép tăng từ 16,2% lên 26,9%(2). Nhu cầu lớn khiến Trung Quốc phải tăng nhập khẩu. Năm 2004, tổng tiêu dùng năng lượng của Trung Quốc đạt 1,79 tỷ tấn than tiêu chuẩn, tăng 15,2%. Trong đó, tiêu dùng dầu thô đạt 290 triệu tấn, tăng 16,8%, tiêu dùng khí thiên nhiên đạt 41,5 tỷ m3, tăng 18,5%.
d.  Trung Quốc hiện là một cường quốc về thương mại. Khi bắt đầu cải cách - năm 1978, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc chỉ đạt 20,6 tỷ USD, đứng thứ 32 thế giới, nhưng đến cuối năm 2004, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc đạt 1154,7 tỷ USD (chiếm 6% thương mại thế giới nhưng đóng góp 12% tăng trưởng thương mại toàn cầu). Năm 2005, con số đạt 1422,1 tỷ USD (trong đó xuất khẩu là: 762 tỷ USD; Nhập khẩu là 660,1 tỷ USD, thặng dư thương mại là 101,9 tỷ USD) Với mức này, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản vươn đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Đức. Do luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc lớn, hơn nữa cán cân thương mại lại thường xuyên duy trì thặng dư ở mức cao, mức dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng lên rất nhanh. Tính đến tháng 11 năm 2006, con số đạt 1000 tỷ USD (so với mức 145 tỷ USD năm 1998) - Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, vươn lên đứng đầu thế giới.
Sự nổi lên của Trung Quốc về thương mại đã đưa Trung Quốc vượt lên, bỏ lại đằng sau một số nước và khu vực trước kia vốn là đối thủ cạnh tranh của mình. Năm 1994, ASEAN chiếm 4,4% tổng xuất khẩu hàng chế tạo thế giới, gấp đôi so với mức 2,2% của Trung Quốc. Tuy nhiên, 9 năm sau (2003), trong khi mức của ASEAN vẫn không thay đổi (4,4%) thì con số của Trung Quốc tăng lên 5,3%(3). Sau 23 năm (1980-2003), phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu thế giới tăng từ 1% lên 5,8%. Trong khi đó, con số tương tự của Đức giảm từ 10,5% xuống còn 9,2%; của Nhật giảm từ 7,1% xuống còn 6,4% và của Mỹ giảm từ 12% xuống còn 10,4%(4). Trong 15 năm (1990-2005), phần của Trung Quốc trong nhập khẩu của Mỹ tăng từ 3% lên 14,6%, trong khi phần của EU 15 giảm từ 20% xuống 17,8%; phần của Nhật giảm từ 18% xuống còn 8,3%... Rõ ràng những con số này cho thấy các nước lớn cần đến Trung Quốc nhiều hơn, vai trò của Trung Quốc trong kinh tế và thương mại thế giới lớn hơn.
2. Tác động từ sự nổi lên của Trung Quốc đến xu hướng biến đổi trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Đài Loan
Có một số lý do để bàn đến nhân tố Trung Quốc trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Đài Loan, các lý do đó là như sau:
Thứ nhất, trong số trên dưới 20 nền kinh tế Đông Á, thì Trung Quốc (cùng với Nhật Bản) là 1 trong 2 nền kinh tế lớn nhất, là đầu tầu của khu vực. Năm 2004, GDP của Trung Quốc gấp gần 6 lần mức của Đài Loan, gấp hơn 30 lần mức của Việt Nam. Trong khi đó, tổng khối lượng thương mại của Trung Quốc gấp hơn 3 lần mức của Đài Loan và gấp gần 20 lần mức của Việt Nam. Sau Khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, Trung Quốc đã kiên quyết không phá giá đồng NDT, góp phần vào sự ổn định kinh tế - tiền tệ, tránh cho các nền kinh tế trong khu vực lún sâu hơn vào khủng hoảng.
Thứ hai, trong quan hệ kinh tế với Đài Loan, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng: đều cần nhiều vốn đầu tư từ các nền kinh tế phát triển hơn trong đó có Đài Loan. Trong khi Đài Loan đang thiếu lao động, có ưu thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm tổ chức quản lý kinh doanh thì Việt Nam và Trung Quốc có ưu thế về lao động, về tài nguyên. Trong quá trình tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), công nghệ cũng như các sản phẩm của các doanh nghiệp đến từ Đài Loan được người Việt Nam và Trung Quốc tiếp nhận nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn. Hơn nữa, Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều có nhiều nét tương đồng về văn hoá như ngôn ngữ, tôn giáo… Ở Việt Nam rất nhiều người dùng chữ Hán để đọc sách, để nghiên cứu lịch sử. Tư tưởng Đạo giáo, Khổng giáo đều khá phổ biến ở Trung Quốc cũng như ở Đài Loan và ở Việt Nam. Sự tương đồng về văn hóa còn được thấy qua việc tôn trọng các giá trị Châu Á điển hình như: cần cù, tiết kiệm, kín đáo trong ăn mặc, tế nhị trong ứng xử, kết hợp pháp trị và đức trị…
Thứ ba, cả Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều rất gần gũi về địa lý. Và chính sự gần gũi này đã khiến - cùng với sự đẩy nhanh của quá trình tự do hóa - các quan hệ kinh tế giữa các thực thể này gia tăng rất nhanh.
Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc phát triển rất mạnh kể từ năm 1991 khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ đến nay. Khối lượng buôn bán hai chiều Việt - Trung tăng từ mức 37,7 triệu USD năm 1991 lên đến 8,73 tỷ USD năm 2005 (tăng hơn 230 lần trong 14 năm). Năm 2005, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt Nam - Đài Loan cũng tăng từ mức 41,3 triệu USD năm 1989 (5) lên 5,26 tỷ USD năm 2005(6) - tăng gần 130 lần trong 16 năm. Trong khi đó, quan hệ buôn bán giữa Trung Quốc với Đài Loan cũng tăng từ chỗ gần như không có lên 71,7 tỷ USD năm 2005(7). Còn theo số liệu Trung Quốc công bố thì tổng buôn bán Trung Quốc - Đài Loan năm 2005 đạt 91,3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một điều không thể không nhắc đến là trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện chính sách một nước Trung Hoa, Đài Loan là nhân tố rất nhạy cảm về chính trị trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Vấn đề là sự nổi nên nhanh chóng của Trung Quốc trong những năm gần đây có tác động đến quan hệ kinh tế Việt Nam - Đài Loan không? Nếu có thì theo chiều hướng nào? Trước hết hãy xem xét tổng quan tình hình quan hệ kinh tế Việt Nam - Đài Loan.
Phần trên đã nói quan hệ thương mại Việt Nam - Đài Loan phát triển rất nhanh trong khoảng 15-16 năm qua. Cần lưu ý là trong nhiều năm và cho đến nay Đài Loan vẫn là một trong những bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2004, khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với 2,75 tỷ USD - sau Mỹ (5,00 tỷ USD), và Nhật (3,51 tỷ USD), thì Đài Loan xếp thứ 8 (0,88 tỷ USD). Về nhập khẩu của Việt Nam, cũng trong năm 2004, trong khi Trung Quốc xếp vị trí số 1 (với 3,92 tỷ USD) thì Đài Loan đứng số 4 (3,34 tỷ USD)(8). Năm 2005, khi khối lượng buôn bán với Trung Quốc, bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 12,64% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam thì tỷ lệ tương ứng với Đài Loan là 7,61%.
Về đầu tư, trong nhiều năm Đài Loan luôn đứng đầu trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo thống kê, cứ 3 doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Đông Nam Á thì có 1 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Là một “con rồng” Đông Á, những tiến triển của toàn cầu hóa trong những năm gần đây đã khiến quá trình tái cơ cấu kinh tế ở Đài Loan diễn ra mạnh mẽ hơn. Là một nền kinh tế hướng ngoại, quy mô thị trường nội địa hạn chế khiến các nhà đầu tư Đài Loan luôn có khuynh hướng đầu tư ra nước ngoài, đáp ứng các nhu cầu tái cơ cấu kinh tế nội địa, chiếm lĩnh thị trường thế giới và tìm kiếm lợi nhuận cao. Mặc dù thị trường Trung Quốc đầy hấp dẫn, tuy nhiên giữa Trung Quốc và Đài Loan không phải không còn những rào cản về kinh tế, những rủi ro khi đầu tư quá nhiều vào Trung Quốc là không nhỏ. Với chủ trương “Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, từ lâu Đài Loan đã thực hiện chiến lược “Hướng Nam” và thị trường Việt Nam đông dân, với nguồn lao động và tài nguyên khá dồi dào và giá tương đối thấp. Đây là những nhân tố khiến đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ.
Tính các dự án còn hiệu lực, trong thời kỳ 1988-2005, Đài Loan đứng đầu danh sách 10 nhà đầu tư nước ngoài có tổng mức vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 1408 dự án, tổng số vốn đầu tư đạt 7,932 tỷ USD(9). Các nhà đầu tư Đài Loan luôn giành sự quan tâm lớn đối với Việt Nam. Ít người Việt Nam không biết đến các sản phẩm khá nổi tiếng của công ty Đài Loan lớn ở Việt Nam như: Xi măng của Chinfon - Hải Phòng, bột ngọt của Vedan Việt Nam, thức ăn gia súc và mì ăn liền của UniPresident Việt Nam… Gắn liền và hỗ trợ hoạt động của các dự án này là hoạt động của các ngân hàng Đài Loan. Đài Loan cũng là một trong những nền kinh tế có nhiều ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam. Theo ước tính, từ nay đến năm 2010, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam có thể lên tới 11 tỷ USD(10).
Với sự nổi lên của Trung Quốc, hợp tác Việt Nam - Đài Loan trong khoảng 5 năm qua có biến động hay không? Biến động đó là gì ? Về tình hình, như ở trên đã chỉ ra, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, Đài Loan thường được thấy ở những dòng đầu trong thứ hạng các nhà đầu tư nước ngoài có mức đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Trong buôn bán, Đài Loan cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với tổng kim ngạch mậu dịch hai chiều tăng đều đặn. Tuy nhiên, xét về xu hướng biến đổi, dường như nhân tố Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ ràng hơn, đậm nét hơn so với Đài Loan trong quan hệ kinh tế của Trung Quốc, Đài Loan với Việt Nam.
Trước hết, hãy so sánh thương mại Trung Quốc - Việt Nam và thương mại Đài Loan - Việt Nam trong 5 năm qua.
Về khối lượng buôn bán 2 chiều, trong 3 năm 2000-2002, chênh lệch giữa tổng buôn bán Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Đài Loan không lớn, buôn bán Việt Nam - Trung Quốc chỉ cao hơn buôn bán Việt Nam - Đài Loan từ 200 đến 340 triệu USD/ năm. Tuy nhiên, từ năm 2003, mức chênh lệch ngày càng lớn. Năm 2005, tổng buôn bán Việt Nam - Trung Quốc cao hơn buôn bán Việt Nam - Đài Loan gần 3,5 tỷ USD. Điều này cho thấy quan hệ thương mại Trung  Quốc - Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn, nổi trội hơn so với buôn bán Việt Nam - Đài Loan (xem Bảng 1).


Bảng 1: Thương mại giữa Trung Quốc và Đài Loan với Việt Nam (2000-2005)
Đơn vị: Tỷ USD
Năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005
Trung Quốc-Việt Nam 2,937 3,023 3,677 5,002 7,191 8,739
Đài Loan-Việt Nam 2,636 2,814 3,342 3,665 4,603 5,265
Chênh lệch 0,301 0,209 0,335 1,339 2,588 3,474
Nguồn: http://www1.mot.gov.vn/tktm/Default.aspx?itemid=4

Sự gia tăng nhanh hơn của buôn bán 2 chiều Việt Nam )- Trung Quốc so với buôn bán Việt Nam - Đài Loan cũng dẫn đến gia tăng tỷ trọng của Trung Quốc và giảm tương đối tỷ trọng của Đài Loan trong tổng ngoại thương của Việt Nam. Năm 2000, buôn bán với Đài Loan chiếm 8,75% tổng ngoại thương của Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2005, con số giảm chỉ còn 7,61%. Trong khi đó, tỷ trọng của buôn bán Việt Nam - Trung Quốc trong tổng buôn bán đối ngoại của Việt Nam tăng từ 8,57% lên 12,64%. Phải chăng thương mại Việt Nam - Đài Loan tăng chậm do Đài Loan tăng mạnh buôn bán với Trung Quốc? Theo số liệu của Mỹ, thương mại Trung Quốc - Đài Loan tăng từ 61,6 tỷ USD năm 2004 lên 71,7 tỷ USD năm 2005. Còn theo số liệu của Trung Quốc, con số còn lớn hơn nhiều với 78,2 tỷ USD năm 2004 và 91,3 tỷ USD năm 2005. Dù nhìn từ góc độ nào thì chúng ta cũng thấy dường như Trung Quốc đang lấn át Đài Loan trong buôn bán với Việt Nam.
Số liệu bảng 2 cho thấy tỷ trọng của thương mại Việt Nam - Đài Loan có xu hướng tăng chậm từ năm 2000 đến năm 2002 và giảm dần từ năm 2002 đến 2005 (mức giảm 1,56 điểm %), trong khi tỷ trọng của thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn tăng đều đặn với mức chênh lệch gần 3 điểm % trong khoảng thời gian 2000-2005.
Về thứ hạng, tính theo tổng kim ngạch thương mại hai chiều, năm 2000 Đài Loan là bạn hàng lớn thứ 4 của Việt Nam (với 2,635 tỷ USD) sau Nhật (4,875 tỷ USD), Singapore (3,579 tỷ USD) và Trung Quốc (2,937 tỷ USD), trong khi Trung Quốc đứng thứ 3. Tuy nhiên đến năm 2005, Trung Quốc vượt lên trở thành bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam với 8,739 tỷ USD. Trong khi thứ hạng Đài Loan giảm xuống đứng thứ 5 với 5,264 tỷ USD, sau Trung Quốc, Nhật (8,530 tỷ USD), Mỹ (6,794 tỷ USD), Singapore (6,405 tỷ USD). Xu hướng trên còn được thấy qua tình hình xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc và Đài Loan với Việt Nam khi mà 2 biểu đồ về tổng mức xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam và tổng mức nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam luôn cao hơn các biểu đồ tương ứng về mức xuất của Đài Loan sang Việt Nam và tổng mức nhập khẩu của Đài Loan từ Việt Nam. Sự gia tăng khoảng cách giữa hai đường đồ thị này cho thấy Trung Quốc ngày càng bỏ xa Đài Loan về sự phát triển quan hệ thương mại với Việt Nam.


Bảng 2: Tỷ trọng của thương mại với Trung Quốc và Đài Loan trong tổng thương mại
của Việt Nam (2000-2005)
Đơn vị: %
Năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005
Đài Loan-Việt Nam 8,75 9,00 9,17 8,07 7,87 7,61
Trung Quốc-Việt Nam 9,75 9,67 10,08 11,01 12,30 12,64
Nguồn: http://www1.mot.gov.vn/tktm/Default.aspx?itemid=4


Bảng 3: Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và Đài Loan ( 2000-2005)
Đơn vị: Triệu USD
Năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005
Đài Loan 756 806 817 749 905 936
Trung Quốc 1536 1417 1518 1883 2735 2961
Nguồn: http://www1.mot.gov.vn/tktm/Default.aspx?itemid=4.

Về đầu tư, Mặc dù có nhiều sự khác nhau căn cứ theo các nguồn tài liệu khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam có khối lượng lớn hơn, nhưng có xu hướng tăng chậm, trong khi đầu tư  từ Trung Quốc mặc dù nhỏ hơn nhưng có xu hướng tăng nhanh hơn. Phải chăng xu hướng này cũng chịu sự tác động của nhân tố Trung Quốc.
Trong nhiều năm, Đài Loan luôn đứng đầu trong danh sách các nhà đầu tư vào Việt Nam về số vốn cam kết. Tuy nhiên, xét về số vốn đầu tư thực tế, có thể thấy mức đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam giảm liên tục từ năm 2000 đến năm 2002 (361; 235 và 221 triệu USD). Năm 2003 có tăng, sau đó lại giảm trong năm 2004 và phục hồi trong năm 2005. Sau 5 năm (2000 - 2005, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam chỉ tăng nhẹ với mức 7,4% (27 triệu USD). Trong khi đó mức đầu tư thực tế của Trung Quốc vào Việt Nam dù có biến động nhưng xu hướng gia tăng vẫn được thể hiện rõ nét với mức đầu tư trong năm 2005 gần gấp 3 lần (286%) mức năm 2000 (xem Bảng 4).
Liệu có phải đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam tăng chậm do Đài Loan tăng mạnh đầu tư vào Trung Quốc Đại lục hay không ? Theo số liệu từ báo cáo của 1 cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ cho thấy đầu tư thực tế của Đài Loan vào Đại lục tăng từ 2,9 tỷ USD năm 2001 lên 3,9 tỷ USD năm 2002, sau đó giảm dần còn 2,1 tỷ USD năm 2005.


Bảng 4: Đầu tư (thực hiện) của Trung Quốc và Đài Loan vào Việt Nam
(không tính đầu tư qua nước thứ 3) 2000-2004,
Đơn vị: Triệu USD.
Năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005
Đài Loan 361 269 208 298 235 388
Trung Quốc 26 27 49 31 51 74,5
Nguồn: Lại Lâm Anh, Đề tài cấp Viện, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới 2006.

Bên cạnh đó, cũng có thể dễ dàng nhận thấy, thứ hạng về đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc giảm. Năm 2001, Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ 5 vào Trung Quốc, năm 2003, thứ hạng này giảm 1 bậc xuống thứ 6, năm 2005 giảm tiếp xuống thứ 7.
Như vậy, thực tế cho thấy, không phải vì tăng đầu tư vào Trung Quốc làm chậm mức tăng đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam. Vậy do nhân tố nào? Đây là câu hỏi vẫn còn để ngỏ.
Phải thừa nhận rằng, với nhiều yếu tố như: địa lý, lịch sử…. Việt Nam vẫn gần gũi với Trung Quốc hơn so với Việt Nam - Đài Loan. Hơn nữa việc Trung Quốc phát triển quá nhanh trong hơn hai thập kỷ qua dẫn đến nhu cầu trong nước gia tăng về tài nguyên, về thị trường tiêu thụ… Quy mô thị trường (dân số) của Việt Nam lớn hơn Đài Loan. Khu vực công nghiệp của Việt Nam chưa phát triển, do vậy khả năng đáp ứng nhu cầu về tài nguyên, năng lượng cho nhu cầu phát triển công nghiệp Trung Quốc từ phía Việt Nam cao hơn so với Đài Loan. Có lẽ chính điều này khiến các quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc có xu hướng tăng nhanh hơn các quan hệ Việt Nam - Đài Loan.    Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng hiện nay Trung Quốc đang phát triển thực lực mềm tại Việt Nam. Thực lực này được biểu hiện qua ảnh hưởng ngày càng mạnh của văn hoá Trung Quốc như phim ảnh, sách truyện viết về đời sống và lịch sử Trung Quốc… Ở Việt Nam các phim truyện Trung Quốc thuộc đủ thể loại hầu như hàng ngày đều được chiếu trên nhiều kênh truyền hình. Sách in bằng tiếng Việt dịch hoặc viết về Trung Quốc, hoặc liên quan đến Trung Quốc chiếm chỗ lớn trong các hiệu sách. Nhiều thanh niên, trẻ em và các cụ già Việt Nam hiểu lịch sử hay các giai thoại, điển tích Trung Quốc hơn chính người Trung Quốc. Hàng hoá Trung Quốc - nhất là hàng tiêu dùng thuộc đủ mọi loại bày bán rất nhiều từ trong các siêu thị hiện đại đến các mẹt hàng nhỏ hè phố dù ở thủ đô hay ở tỉnh lẻ hoặc ở những khu vực nông thôn hay miền núi của Việt Nam. Đồng hành với luồng hàng hóa Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ lưu hành ở thị trường Việt Nam (đặc biệt ở các đô thị, các trung tâm thương mại, các chợ gần biên giới) nhiều hơn, cũng như đồng tiền Việt Nam dễ dàng được chấp nhận trong mua bán ở các khu vực biên giới trên đất Trung Quốc.
Mặt khác, do hợp tác kinh tế mở rộng làm tăng nhanh nhu cầu dùng tiếng Hoa ở Việt Nam khiến số thanh niên, sinh viên Việt Nam sang học tập ở các trường Đại học ở Trung Quốc ngày càng nhiều. Riêng số học sinh Việt Nam sang học tại các cơ sở, các trường đại học ở tỉnh Vân Nam đã lên đến con số 3000-4000 người. Tính chung, số lưu học sinh học tiếng Hán ở Trung Quốc hiện lên đến khoảng hơn 5000 người, (chưa kể số học sinh sang Trung Quốc theo học các khóa học ngắn hạn) đứng thứ 3 trong số lưu học sinh nước ngoài học tại Trung Quốc(11).
Mặt khác khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam hàng năm cũng đứng đầu trong số các khách nước ngoài đến Việt Nam. Theo con số chính thức con số là khoảng 600.000 đến 700.000 người Trung Quốc đến du lịch Việt Nam mỗi năm. Tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn nhiều(12). Điều này càng làm tăng thêm nhu cầu lưu hành đồng Nhân dân tệ cũng như sử dụng tiếng Trung Quốc ở Việt Nam.
Chúng tôi không cho rằng Trung Quốc đang phát triển thực lực mềm tại Việt Nam. Trên thực tế, tất cả những hiện tượng trên là sự đan xen, là sự giao thoa tất yếu giữa các quốc gia, các nền văn hoá ở gần nhau trong điều kiện toàn cầu hoá tiến triển mạnh mẽ.
3. Kết luận
Những nghiên cứu trên đây cho thấy, rõ ràng quan hệ kinh tế Việt Nam - Đài Loan trong những năm qua vẫn có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, những tiến triển này dường như chưa theo kịp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trên thế giới và trong khu vực. Sự nổi lên của Trung Quốc đi kèm với những tiến triển của quá trình tự do hoá và hội nhập quốc tế trên phạm vi toàn cầu chắc chắn sẽ thúc đẩy gia tăng hợp tác Trung Quốc - nước ngoài trong đó có hợp tác Trung Quốc - Đài Loan và Trung Quốc - Việt Nam.
Theo chúng tôi, hiện tại nhân tố Trung Quốc chưa có ảnh hưởng quá nhiều đến  quan hệ kinh tế Việt Nam - Đài Loan, một phần do quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mang tính Nam - Nam nhiều hơn, trong khi quan hệ Việt Nam - Đài Loan mang đậm tính Bắc - Nam hơn. Tuy nhiên, trong tương lai, khi hợp tác ASEAN - Trung Quốc mở rộng, cùng chương trình xây dựng 2 hành lang, một vành đai kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam hoàn thành và tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Miền Trung Việt Nam với nhiều nước ASEAN lục địa đi vào hoạt động, rất có thể hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển nhanh hơn nữa so với các quan hệ Việt Nam - Đài Loan. Khi đó, rất có thể nhân tố Trung Quốc sẽ thể hiện rõ hơn, sẽ vượt trội, lấn át Đài Loan trong quan hệ kinh tế với Việt Nam.
Vì nhiều lý do, cần thúc đẩy tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Đài Loan. Điều này là cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam và của Đài Loan. Dù giữa Việt Nam và Đài Loan hiện là quan hệ phi chính phủ, tuy nhiên để đẩy mạnh quan hệ kinh tế hai bên, cần có cơ chế thúc đẩy hợp tác 2 bên sâu hơn, dài hạn hơn với những phương hướng cụ thể hơn, đồng thời kịp thời chấn chỉnh những vấn đề nảy sinh (như về quan hệ lao động, về tình trạng nhập siêu lớn của Việt Nam…)
Sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc đã và đang tạo ra cả những cơ hội lẫn thách thức cho quan hệ kinh tế Việt Nam - Đài Loan. Chúng ta cần đánh giá xác thực, đúng đắn những cơ hội cũng như những thách thức để chủ động tìm giải pháp thúc đẩy mối quan hệ này./.

PHẠM THÁI QUỐC
(TS, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Fortune 4/10/2004.
2. Business Week Feb.28, 2005.
3. IMF Working Paper, China: International Trade and WTO Accession, WP04/36.
5. Số liệu của Mỹ: CRS Report for Congress, updated 18/1/2006.
6. Xem Kinh tế Việt Nam năm 2005, Tài liệu của Viện Quản lí Kinh tế Trung ương.



(1) Theo báo Kinh tế Việt Nam, ngày 5/7/2006.
(2) Fortune 4/10/2004.

(3) Business Week Feb.28, 2005.

(4) www.mot.gov.vn.

(5) www.mot.gov.vn.

(6)Số liệu của Mỹ: CRS Report for Congress, updated 18/1/2006.

(7) Xem Kinh tế Việt Nam năm 2005, Tài liệu của Viện Quản lí Kinh tế Trung ương.

(8) Đỗ Đức Bình, Những vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh trong ĐTNN: Kinh nghiệm Trung Quốc và thực tế Việt Nam, Nxb Lý luận Chính trị, 2006.

(9) Nghiên cứu Đông Bắc Á số 8/2006.

(10) Thông tấn xã Việt Nam ở Hồng Kông 3/1/2007, Tin Tham khảo Đặc biệt 6.1.2007.
(11) Thông tấn xã Việt Nam ở Hồng Kông 3/1/2007, Tin Tham khảo đặc biệt 6.1.2007.
(12) Thông tấn xã Việt Nam ở Hồng Kông 3/1/2007, Tin Tham khảo đặc biệt 6.1.2007.

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2, 2007