Năm 2011, trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới, diễn
biến phức tạp của tình hình chính trị và quan hệ quốc tế, Trung Quốc đã có
những nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế “bình ổn và tương đối nhanh”, kiềm chế lạm phát, ổn định tình hình chính
trị trong nước, tạo bước mở đầu thuận lợi cho Quy hoạch phát triển kinh tế – xã
hội 5 năm lần thứ XII (2011-2015), đóng góp vào cố gắng chung của cộng đồng
quốc tế vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay do hậu quả của khủng hoảng tài
chính toàn cầu.
Mặt khác, năm 2011 cũng bộc
lộ những khó khăn và vấn đề cố hữu trong tầng sâu của nền kinh tế Trung Quốc
trên quá trình điều chỉnh kết cấu và chuyển đổi phương thức phát triển, cùng
những vấn đề chính trị – xã hội bức xúc nẩy sinh trong quá trình cải cách mở
cửa, hiện đại hóa.
Dư luận quốc tế hiện có nhiều
đánh giá về tình hình Trung Quốc năm 2011 và nhiều dự báo khác nhau về triển
vọng trong những năm tới. Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vừa qua cũng đã thông qua
“Báo cáo Công tác của Chính phủ” đánh giá tình hình năm qua và đề xuất kế hoạch
phát triển kinh tế – xã hội trong năm nay.
I.
TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC
Trong phát biểu chào mừng năm
mới 2012, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đánh giá khái quát thành tựu Trung
Quốc đã thu được trong năm 2011 như sau:
“Năm 2011 là năm mở đầu thời
kỳ Quy hoạch 5 năm lần thứ XII, trong tình hình thế giới phức tạp, đầy biền
động, và nhiệm vụ khó khăn nặng nề về cải cách, phát triển, ổn định trong nước,
nhân dân Trung Quốc đã đồng tâm hiệp lực, tích cực phấn đấu, tiếp tục đẩy mạnh
cải cách mở cửa và công cuộc hiện đại hóa XHCN; kinh tế duy trì được sự phát
triển ổn định và tương đối nhanh; công cuộc xây dựng toàn diện xã hội khá giả
đạt được thành tựu mới. Trung Quốc đã tăng cường giao lưu hợp tác với các nước,
tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh
tế, ổn định tài chính thế giới; hoàn thiện cơ chế xử lý kinh tế toàn cầu giải
quyết các vấn đề điểm nóng trên thế giới và trong khu vực, có những đóng góp
mới vào sự nghiệp hòa bình và phát triển của nhân loại”(1).
“Báo cáo Công tác của Chính
phủ” do Thủ tướng Ôn Gia Bảo trình bày trước kỳ họp Quốc hội năm nay (5/3/2012)
đã trình bày cụ thể tình hình kinh tế – xã hội
Trung Quốc năm 2011 và kế hoạch năm 2012. Năm 2011 tổng sản phẩm quốc
nội (GDP) đạt 47.200 tỷ NDT, tăng 9,2% so với năm 2010; thu ngân sách 10.370 tỷ
NDT, tăng 24,8%; sản lượng lượng thực đạt 570 triệu tấn (mức cao kỷ lục); 12,21
triệu người có việc làm mới; thu nhập của cư dân thành phố tăng 8,4%, của cư
sân nông thôn tăng 11,4%. Cục Thống kế
nhà nước Trung Quốc cũng đã công bố giá tiêu dùng năm 2011 tăng 5,4%; tổng kim
ngạch xuất nhập khẩu đạt 3642,1 tỷ USD (tăng 22,5%), trong đó xuất khẩu 1898, 6
tỷ USD (tăng 20,3%) nhập khẩu 1743,3 tỷ (tăng 24,9%), nhập siêu 1551,1 tỷ USD.
“Báo cáo Công tác của Chính
phủ” đi sâu phân tích ba hướng nỗ lực, cũng là ba thành tựu chủ yếu của Trung
Quốc trong lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội là “tăng cường và cải thiện
quản lý vĩ mô, ngăn chặn vật giá leo thang quá nhanh, thực hiện kinh tế tăng
trưởng bình ổn và tương đối nhanh”; “đẩy mạnh chuyển đổi phương thức phát triển
kinh tế, nâng cao tính hài hoà trong phát triển và sức cạnh tranh của các ngành
sản xuất”; “tập trung nỗ lực phát triển sự nghiệp xã hội, thúc đẩy sự phát
triển hài hoà kinh tế – xã hội”.
Trên cơ sở phân tích hiện
trạng và dự báo tình hình trong nước và quốc tế trong thời gian tới, đồng thời
căn cứ vào Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ XII (2011-2015),
Chính phủ Trung Quốc đề xuất chỉ tiêu dự kiến cho năm 2012 là “tổng sản phẩm
quốc nội (GDP) tăng 7,5%, tạo trên 9 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp (ở
thành phố) không quá 4,6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch
xuất nhập khẩu tăng khoảng 10%, thanh toán quốc tế tiếp tục được cải thiện.
Đồng thời, tạo bước tiến bộ mới về điều chỉnh kết cấu ngành nghề, tự chủ sáng
tạo, giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng và chất thải, thu nhập thực tế của cư dân
thành phố, và nông thôn phải đồng bộ với tăng trưởng kinh tế”. Trung Quốc cũng
xác định 9 “nhiệm vụ chủ yếu” nhằm phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 là:
“Thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định và tương đối nhanh”; “duy trì mặt bằng giá
cả cơ bản ổn định”, “thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định và nông dân tăng thu
nhập một cách bền vững, “đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế”,
thực hiện chiến lược “khoa giáo hưng quốc” và chiến lược “nhân tài cường quốc”
theo chiều sâu, “bảo đảm và cải thiện dân sinh một cách thiết thực”, thúc đẩy văn hóa “đại phát triển, đại phồn
vinh”, thúc đẩy cải cách các lĩnh vực trọng điểm theo chiều sâu”, “ra sức nâng
cao chất lượng và trình độ mở cửa đối ngoại”(2).
Có thể nói rằng trong ba
nhiệm vụ chủ yếu: “Tăng trưởng bình ổn, tương đối nhanh”, kiềm chế lạm phát và
chuyển đổi kết cấu kinh tế, thì hai nhiệm vụ trước thực hiện tương đối tốt, còn
nhiệm vụ thứ ba là chuyển đổi kết cấu kinh tế thì chưa có giải pháp thực sự hữu
hiệu để tạo ra bước chuyển biến rõ rệt.
Nhìn vào toàn cảnh kinh tế
thế giới năm 2011 thì kinh tế Trung Quốc vẫn là một vùng sáng. Một đặc điểm của
kinh tế Trung Quốc năm 2011 là tốc độ tăng trưởng giảm dần: Quý I đạt 9,7%, quý
II đạt 9,5%, quý III đạt 9,1%, quý IV đạt 8,9%. Nhưng tốc độ tăng trưởng 9,2% cho
cả năm 2011 vẫn là rất cao so với tốc độ tăng trưởng 3,1% của kinh tế thế giới,
đồng thời cũng cao hơn chỉ tiêu đề ra cho năm 2011 là 8%. Chắc chắn tốc độ tăng
trưởng của kinh tế Trung Quốc năm 2012 và những năm tiếp theo sẽ chậm
lại, nhưng có nhiều khả năng Trung Quốc vẫn thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng
kinh tế đề ra trong Quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội lần thứ XII là
tăng trưởng bình quân hàng năm 7%.
Thành tựu khác cần ghi nhận
là trong năm 2011 Trung Quốc đã kiềm chế được lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng
(CPI) tháng 1-2011 là 4,9%, tăng dần lên đến đỉnh cao 6,5% vào tháng 7, nhưng
rồi hạ dần xuống còn 4,1% vào tháng 12. Chỉ số tăng cả năm là 5,4% cao hơn chỉ
tiêu kế hoạch đề ra là 4%, lạm phát ở Trung Quốc chưa thể nói là đã được chặn
đứng, nhưng vẫn ở trong tầm kiểm soát.
Trong những năm tới, kinh tế
Trung Quốc sẽ phải tiếp tục đối phó với những khó khăn do tác động bất lợi của
môi trường kinh tế thế giới. Sức mua của thị trường thế giới sẽ suy giảm; va
chạm thương mại sẽ gia tăng (theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc); từ
tháng 1-2011 đã có 16 nước trên thế giới khởi kiện yêu cầu điều tra đối với 60
sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc; dòng vốn đầu tư của nước ngoài có nguy cơ giảm sút do nhiều nguyên nhân.
Trong khi đó, cải cách thể chế kinh tế của Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn
“công kiên”, có nghĩa là phải giải quyết những vấn đề khó giải quyết nhất trong
tầng sâu của nền kinh tế.
Trong điều kiện thuận lợi và
khó khăn, đồng thời những khó khăn về nguồn cung cấp năng lượng, nguyên liệu sẽ
gia tăng nhất là giá dầu mỏ thế giới leo thang một cách khó lường do tình hình
bất ổn ở Trung Đông, thời cơ và thách thức đan xen nói trên, quan điểm của các
nhà lãnh đạo Trung Quốc là “thời cơ lớn hơn thử thàch”, và Trung Quốc vẫn ở
trong “thời kỳ cơ hội chiến lược” của quá trình phát triển.
Năm 2011 nói chung Trung Quốc
tiếp tục duy trì được sự ổn định tương đối
về chính trị và trật tự xã hội, mặc dầu những sự kiện gây bất ổn cục bộ vẫn
diễn ra tại nhiều nơi, ở nông thôn và cả ở thành phố, đặc biệt là ở các
vùng dân tộc thiểu số Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương…
Cải cách thể chế chính trị ở
Trung Quốc đang chuyển sang giai đoạn khó khăn, vì phải trực diện với những vấn
đề quan trọng nhất trong đời sống chính trị. Trả lời phỏng vấn trong cuộc họp
báo nhân bế mạc kỳ họp Quốc hội vừa qua (14-3-2012) Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho
biết: “Mấy năm qua tôi đã nhiều lần nói đến cải cách thể chế chính trị, có thể
nói là tương đối toàn diện, cụ thể. Nếu hỏi tôi vì sao quan tâm nhiều đến việc
đó, thì đó là xuất phát từ tinh thần
trách nhiệm của tôi. Sau khi đập tan “bè lũ bốn tên”, mặc dầu Đảng Cộng sản
Trung Quốc đã có “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử” và thực hiện cải cách mở
cửa, nhưng sai lầm trong “cách mạng Văn hóa” và những ảnh hưởng phong kiến vẫn
chưa được xóa bỏ hoàn toàn. Cùng với sự phát triển kinh tế, lại xuất hiện tình
trạng phân phối bất công, thiếu trung thực, tham ô hủ bại. Tôi hiểu rõ muốn
giải quyết những vấn đề đó không những phải cải cách thể chế kinh tế, mà còn
phải cải cách thể chế chính trị, nhất là cải cách chế độ lãnh đạo của Đảng và Nhà
nước. Hiện nay cải cách đã đi vào giai đoạn cốt lõi, nếu không có thành công
của cải cách thể chế chính trị, thì cải cách thể chế kinh tế không thể tiến
hành đến cùng, những thành tựu đã giành được vẫn có khả năng bị đỗ vỡ, những
vấn đề mới nẩy sinh trong xã hội cũng không thể được giải quyết một cách căn
bản, bi kịch lịch sử như “Đại cách mạng văn hóa” vẫn có thể tái diễn. Mỗi đảng
viên và cán bộ lãnh đạo cần cảm nhận được sự bức xúc đó. Tất nhiên, tôi hiểu rõ
khó khăn của cải cách. Bất cứ một cuộc cải cách nào cũng phải có sự giác ngộ
của nhân dân, sự ủng hộ của nhân dân tinh thần tích cực và tính sáng tạo của
nhân dân. Trung Quốc là một nước lớn với 1,3 tỷ dân, cùng phải xuất phát từ
tình hình của đất nước, xây dựng nền chính trị dân chủ XHCN một cách tuần tự
từng bước. Đó không phải là một việc dễ dàng, nhưng cải cách chỉ có thể tiến
lên, không được dừng lại, càng không được thụt lùi, ngưng trệ và thụt lùi sẽ
không có lối thoát. Nội dung cải cách và biện pháp cải cách cũng còn là vấn đề.
Có người cho rằng “cải cách thể chế hành chính là nội dung chủ yếu. Một số
người khác lại cho rằng nội dung cốt lõi phải là cải cách cơ chế hình thành
quyền lực. Nhưng dù nội dung và biện pháp cải cách như thế nào thì mục tiêu của
cải cách phải là xây dựng và phát triển nền chính trị dân chủ XHCN, khâu then
chốt là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 2011, Đảng Cộng sản Trung
Quốc tròn 90 tuổi (1921 – 2011). Nhân dịp này, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã có bài
phát biểu quan trọng, trong đó có đoạn: “Muốn làm tốt mọi công việc của Trung
Quốc, then chốt vẫn là ở Đảng”(4). Trong bài phát biểu này Tổng Bí
thư Hồ Cẩm Đào đã đề cập vấn đề nâng cao trình độ lãnh đạo và năng lực cầm
quyền của Đảng, chủ trương phải công khai “tình trạng tinh thần buông thả, năng
lực yếu kém, xa rời quần chúng, tham nhũng tiêu cực” trước toàn Đảng. Tổng Bí
Hồ Cẩm Đào cũng nói rõ nhiệm vụ quản lý Đảng, xây dựng Đảng hiện nay là nặng nề
và cấp bách hơn bất cứ lúc nào từ trước tới nay. Đặc biệt là tình trạng tham
nhũng vẫn rất nghiêm trọng và nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng vẫn rất khó
khăn, “nếu không trừng trị có hiệu quả hiện tượng tham nhũng thì Đảng sẽ đánh
mất niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân. Toàn Đảng phải gióng hồi chuông cảnh
tỉnh, nhận thức đầy đủ tính chất lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu
tranh chống tham nhũng, đặt công tác xây dựng tác phong liêm khiết, chống tham
nhũng lên vị trí nổi bật hơn…”
Hội nghị Trung ương 6 khoá
XVII (10-18/10/2011) đã thông qua “Nghị quyết của Trung ương ĐCS Trung Quốc về
một số vấn đề quan trọng đi sâu cải cách thể chế văn hóa, thúc đẩy văn hoá XHCN
đại phát triển, đại phồn vinh”. Nhìn từ góc độ chính trị, việc làm này cũng là nhằm nâng cao phẩm chất
đạo đức, quan niệm giá trị, triết lý nhân sinh của các thành viên trong xã hội,
mà một bộ phận đã có phần suy giảm, lệch lạc. (5)
Trong năm 2011, Đảng Cộng sản
Trung Quốc cũng đã tiến hành những hoạt động nhằm tiến tới Đại hội lần thứ
XVIII sẽ tiến hành vào cuối năm 2012 trong
bối cảnh công cuộc cải cách và phát triển của Trung Quốc chuyển sang giai đoạn
mới, trong tình hình thế giới mới, và diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực từ thế
hệ lãnh đạo thứ tư sang thế hệ lãnh đạo thứ năm. Công tác chuẩn bị về
đường lối và về nhân sự đang được tiếp tục.
II.
QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI
Tình hình quốc tế năm 2011 có
những biến động phức tạp tác động đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc: Quá
trình phục hồi kinh tế thế giới do khủng hoảng tài chính toàn cầu vấp phải
nhiều trở ngại, nhất là tình trạng nợ công ở châu Âu; biến động chính trị tại
Bắc Phi và Trung Đông; Mỹ tuyên bố “trở lại châu Á” và chuyển trọng tâm chiến
lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương; xảy ra những sự kiện ảnh hưởng tới
quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh…
Nhân tố quan trọng hàng đầu,
có tính chất bao trùm trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc là quan hệ Trung –
Mỹ. Có thể nói rằng mâu thuẫn và cạnh tranh Trung – Mỹ đã trở nên sâu sắc và
lan rộng hơn bao giờ hết, nhưng do nhiều nguyên nhân, hai bên cố kiềm chế để
không xảy ra đối đầu, chuyển quan hệ sang hướng hòa dịu, cùng chia sẻ lợi lích
trước mắt, và tính kế lâu dài thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình.
Xu thế hòa dịu đó trong quan
hệ Trung – Mỹ đã thể hiện trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm
Đào đầu năm 2011 và bản “Tuyên bố chung Trung – Mỹ” nhân chuyến thăm đó. “Tuyên
bố chung Trung – Mỹ” lần này tái khẳng định phương châm “tích cực, hợp tác,
toàn diện” của quan hệ Trung – Mỹ trong “Tuyên bố chung” nhân chuyến thăm Trung
Quốc của Tổng thống B.Obama cuối năm 2009(6) đồng thời cam kết “cùng
nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, cùng
thắng, vì lợi ích chung của mỗi nước trước những cơ hội và thách thức trong thế
kỷ XXI(7).
Với tinh thần hợp tác “cùng
có lợi” thể hiện trong Tuyên bố chung nói trên, trong năm 2011 Trung Quốc đã
cùng Mỹ tổ chức thành công “Đối ngoại về chiến lược và kinh tế” (vòng ba), đón
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Trung Quốc (9-2011) và đầu năm 2012 Phó Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ.
Vòng ba “Đối thoại Trung – Mỹ
về chiến lược và kinh tế” tiến hành tại Washingtơn (9-10/5/2011). Về “chiến
lược”, hai bên đã đạt được 48 điều thoả thuận cụ thể, nhằm cùng nhau xây dựng
“Quan hệ đối tác hợp tác Trung – Mỹ tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi,
cùng thắng”. Đặc biệt là đã hình thành cơ chế “Đối thoại Trung – Mỹ về an ninh
chiến lược” trong khuôn khổ “đối thoại chiến lược” nói chung. Tham gia “đối
thoại về an ninh chiến lược” gồm Bộ trưởng Ngoại giao, Thứ trưởng Quốc phòng,
Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội hai nước. Đặc điểm của đối thoại Trung – Mỹ
lần này là có sự tham dự của đại diện quân đội hai nước, thể hiện vai trò của
quân đội đã gia tăng trong hoạt động ngoại giao của Trung Quốc. Về kinh tế,
vòng đàm phán này đã đạt được “Thoả thuận khung Trung – Mỹ về thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững, cân đối, và về hợp tác kinh tế”. Hai bên cam
kết hợp tác để thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế thế giới và giải quyết những
vấn đề trong quan hệ song phương về kinh tế thương mại. Vấn đề tỷ giá hối đoái
giữa đồng NDT và đồng USD vẫn chưa đạt được giải pháp mang tính đột phá, mà chỉ
dừng lại ở cam kết của phía Trung Quốc “tiếp tục tăng cường sự linh hoạt về tỷ
giá hối đoái của đồng NDT”(8).
Phát biểu tại cuộc họp báo
bên lề “Đối thoại Trung – Mỹ về chiến lược và kinh tế” lần này, Uỷ viên Quốc vụ
Đới Bỉnh Quốc cho rằng “hai bên đã mong muốn tập trung chú ý vào khu vực châu Á
- Thái Bình Dương, cố gắng tạo ra một cục diện cạnh tranh bao dung, lành mạnh,
và hợp tác hai bên cùng có lợi….” “Thái Bình Dương đủ rộng” cho hợp tác Trung –
Mỹ(9).
Có thể nói rằng năm 2011 đã
đánh dấu bước chuyển quan trọng của quan hệ hợp tác và cạnh tranh Trung – Mỹ
tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc Mỹ tăng cường hoạt động
nhằm mở rộng phạm vi lợi ích và ảnh hưởng tại Đông Á và châu Đại Dương trong
khi Trung Quốc cũng đang tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng tại khu vực này tất
yếu sẽ làm cho mâu thuẫn Trung – Mỹ sâu sắc hơn, nhưng phản ứng trước mắt của
Trung Quốc chỉ ở mức thận trọng, để không dẫn tới đối đầu Trung – Mỹ. Mặc dầu
tình hình đã thay đổi nhiều, song phương châm chỉ đạo mà Đặng Tiểu Bình đã đề
ra từ 30 năm trước là Trung Quốc phải “giấu mình chỗ thừa” (thao quang dưỡng
hối), “không đối đầu” với Mỹ và phương Tây nói chung vẫn còn ý nghĩa. Trung
Quốc vẫn chủ trương xây dựng “quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, hai
bên cùng có lợi, cùng thắng” với Mỹ. Mặc dầu kinh tế Trung Quốc đã vươn lên vị
trí thứ 2 thế giới, sức mạnh quân sự Trung Quốc đã được tăng cường, ảnh hưởng
quốc tế của Trung Quốc đã được nâng cao, nhưng còn lâu Trung Quốc mới có thể
sánh vai “siêu cường” với Mỹ. Trong quá trình tiếp theo của công cuộc hiện đại
hóa và thống nhất đất nước, Trung Quốc rất cần hợp tác với Mỹ, đưa quan hệ
Trung – Mỹ vào thế ổn định. Năm 2011 kim ngạch thương mại Trung – Mỹ đạt 400 tỷ
USD, Trung Quốc xuất siêu 295 tỷ USD (theo số liệu của phía Mỹ). Chuyến thăm Mỹ
của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu năm 2012 đã thể hiện xu thế đó
trong chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ.
Từ trước tới nay Trung Quốc
rất coi trọng quan hệ với “các nước xung quanh” để có một môi trường khu vực
hòa bình, ổn định và hợp tác. Trong năm 2011 quan hệ giữa Trung Quốc với các
nước xung quanh mặc dầu đã có những thành tựu nhất định trong hợp tác kinh tế –
thương mại, nhưng cũng đã xẩy ra những sự cố không đáng có. Quan hệ Trung –
Nhật đã “ấm lên” sau bình thường hóa năm 2006, nhất là tại thời điểm Chủ tịch Hồ
Cẩm Đào thăm Nhật Bản vào mùa hoa Anh đào nở năm 2008. Nhưng từ đó tình hình đã
không diễn ra như mong muốn. Quan hệ Trung – Nhật đã không thể trở lại thời
“kinh tế nóng, chính trị lạnh”, nhưng cũng không “ngày càng ấm lên”.
Quan hệ Trung Quốc – ASEAN
năm 2011 đã có những bước phát triển mới
về kinh tế – thương mại, kim ngạch thương mại lên tới 400 tỷ USD, Thủ tướng Ôn
Gia Bảo còn đề xuất tăng lên 500 tỷ USD vào năm 2015. Trung Quốc cũng sẽ tăng
cường đầu tư vào ASEAN trong thời gian tới, “Quỹ đầu tư Trung Quốc – ASEAN” lên
tới 10 tỷ USD. Thế nhưng về quan hệ chính trị – an ninh thì năm 2011 đã để lại
những sự kiện căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước có tranh
chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhất là Philippin và Việt Nam. Diễn biến tình hình chính
trị ở Mianma cũng không có lợi cho Trung Quốc trong cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ
và phương Tây. Trước tình hình đó, Trung Quốc đã có những điều chỉnh nhất định
về hành vi đối ngoại để cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực. Quan hệ
Trung – Việt đã có một độ căng thẳng sau vụ tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu
thăm dò dầu khí Việt Nam cuối tháng 5-2011. Nhưng sau đó Trung Quốc đã cùng
phía Việt Nam ổn định tình hình, cải thiện quan hệ Trung – Việt. Nhân chuyến
thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo hai nước đã ra
“Tuyên bố chung”, khẳng định “Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục kiên trì phương
châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương
lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, từ
tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, sẽ tăng cường giao lưu hữu nghị giữa
hai nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trân trọng, giữ gìn,
phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt – Trung, thúc đẩy quan hệ đối
tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển một cách ổn
định, lành mạnh, lâu dài”(10). Hai bên cũng đã ký kết “Thoả thuận
các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”. Đối với Triều
Tiên, Trung Quốc thắt chặt quan hệ với CHDCND Triều Tiên, ủng hộ nhà lãnh đạo
mới Kim Jong Un lên cầm quyền sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong In qua đời, đồng
thời chủ trương nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tại khu
vực Nam Á, quan hệ Trung Quốc – Pakistan được cải thiện nhiều, nhất là từ khi
quan hệ Mỹ – Pakistan rạn nứt sau vụ lực lượng đặc nhiệm Mỹ đột nhập tiêu diệt
Bin Laden. Trong khi đó quan hệ Trung – Ấn vẫn không có tiến triển đáng kể, các
vòng đàm phán về tranh chấp biên giới vẫn dậm chân tại chỗ. Năm 2011 Trung Quốc
và Nga đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên “quan hệ đối tác hợp tác
chiến lược, toàn diện, bình đẳng, tin tưởng và ủng hộ lẫn nhau, cùng phồn vinh,
đời đời hữu nghị”. Hội nghị cấp cao của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải năm 2011 tại
Saint Peterburg đã thành công. Trung Quốc và Nga đã có nhiều tiếng nói chung
đối với các vấn đề quốc tế, nhất là về các sự kiện Bắc Phi và Trung Đông trong
năm 2011.
Sự can thiệp của phương Tây
vào Libi và khu vực Bắc Phi nói chung gây bất lợi cho hoạt động của Trung Quốc
tại châu lục này. Nhưng Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ, đã cùng Nga ủng
hộ Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép NATO lập “vùng
cấm bay”, trên thực tế là mở đường cho sự can thiệp quân sự vào Libi. Đối với
các vấn đề Iran và Syrie tại khu vực Trung - Đông có vị trí chiến lược và kinh
tế quan trọng, Trung Quốc đã cùng Nga có lập trường cứng rắn hơn. Trung Quốc
không chủ trương ủng hộ bên nào giữa Chính phủ Syrie và phe đối lập, cho rằng
vấn đề nội bộ Syrie phải để người Syrie giải quyết thông qua đối thoại, phản
đối các thế lực bên ngoài lợi dụng cứu trợ nhân đạo để can thiệp quân sự vào
Syrie. Về vấn đề hạt nhân Iran, Trung Quốc tham gia cơ chế đàm phán 5 + 1 (5
nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) với Iran. Lập trường của Trung Quốc
là phản đối Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng tôn trọng quyền của Iran phát
triển năng lượng hạt nhân vào mục đích hoà bình.
Đối với khủng hoảng nợ công ở
một số nước châu Âu, Trung Quốc cam kết đóng góp vào quỹ cứu trợ, và trên thực
tế đã tiến hành những hoạt động cứu trợ đối với một số nước (Hy Lạp, Tây Ban
Nha, Hung-ga-ri…). Trung Quốc tham gia vào hoạt động cứu trợ khủng hoảng nợ
công của châu Âu là nhằm duy trì xuất khẩu sang thị trường vốn là đối tác
thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đa dạng hóa đầu tư, đa dạng hóa ngoại tệ dự
trữ, thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu.
Tổng kết công tác ngoại giao
năm 2011, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nêu bật bốn thành tích chủ
yếu;
“ – Tích cực hoạch định quan
hệ với các bên, ra sức bảo vệ và kéo dài thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng
đối với sự phát triển của Trung Quốc….
- Bám sát
công tác trung tâm của Đảng và Nhà nước, phục vụ cho việc thúc đẩy phát triển
duy trì ổn định….
- Kiên định
bảo vệ lợi ích quốc gia, nỗ lực thúc đẩy lợi ich chung với các bên.
- Kiên trì
bảo vệ hòa bình thế giới, thúc đẩy cùng phát triển, tiến thêm một bước trong
việc xây dựng hình tượng tốt đẹp của Trung Quốc trên trường quốc tế…”(11).
Tại cuộc họp báo bên lề Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XI Trung Quốc vừa qua, Ngoại
trưởng Dương Triết Trì khái quát “trọng điểm công tác ngoại giao” của Trung
Quốc năm 2012 là “Một, phục vụ cho
phát triển. Có nghĩa là phục vụ tốt cho việc chuyển đổi phương thức phát triển
kinh tế của Trung Quốc, ứng phó một cách thoả đáng đối với những rủi ro và thử
thách từ bên ngoài, tạo môi trường bên ngoài thuận lợi hơn cho phát triển kinh
tế – xã hội của Trung Quốc. Hai, duy
trì hòa bình. Kiên định bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Tích cực hơn nữa
trong việc thông qua đối thoại hiệp
thương, đàm phán để xử lý và giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, nhất là
các vấn đề điểm nóng, phát huy vai trò
trách nhiệm của Trung Quốc với tư cách là một nước lớn. Ba, đẩy mạnh hợp tác. Trung Quốc sẽ tăng
cường hơn nữa hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế
và khu vực, khai thác lợi ích chung, cùng nhau ứng phó với thách thức toàn cầu,
bảo vệ vững chắc hơn nữa hòa bình thế giới, thúc đẩy cùng nhau phát triển”(12).
III.
KẾT LUẬN
Trong bức tranh ảm đạm của
kinh tế thế giới năm 2011, kinh tế Trung Quốc vẫn là một góc sáng. Mặc dầu kinh
tế Trung Quốc không tránh khỏi hệ luỵ của khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng
chưa khắc phục được những vấn đề khó khăn cố hữu ở tầng sâu, và tốc độ tăng
trưởng đang có chiều hướng giảm dần, nhưng thành tựu đạt được trong năm 2011 là
đáng ghi nhận và triển vọng năm 2012 rất có thể sẽ thực hiện được những chỉ
tiêu chủ yếu đã đề ra trong kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Năm 2011 Trung Quốc ở trong
thời điểm chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, và cải cách thể chế chính
trị vừa cấp bách, vừa khó khăn, lại thêm bối cảnh quốc tế không thuận lợi. Đại
hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào cuối năm nay, chắc chắn sẽ đề
xuất những giải pháp chiến lược mới nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến trình
cải cách và phát triển của Trung Quốc trong những năm tới. Mặc dầu xuất hiện
những nhân tố mới không thuận lợi, nhưng về tổng thể, Trung Quốc vẫn ở trong
“thời kỳ cơ hội chiến lược” của quá trình phát triển.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
trong mấy thập niên vừa qua, và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với những
hệ luỵ của nó, đã làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng giữa các nước lớn theo
hướng có lợi cho Trung Quốc và quá trình “đa cực hóa” trật tự thế giới. Tuy
vậy, xét về sức mạnh tổng hợp, Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất, và Trung
Quốc do Đặng Tiểu Bình đề ra trước đây ở
mức độ nhất định, vẫn chưa thể rời vị trí là một
nước đang phát triển. Vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế đã được nâng
cao nhiều so với thập niên cuối của thế kỷ trước, nhưng phương châm đối ngoại
của Trung Quốc, vẫn còn được thể hiện trong chính sách ngoại giao của Trung
Quốc năm 2011 và những năm tới. Cạnh tranh địa – chiến lược Trung – Mỹ tại khu
vực Châu Á - Thái Bình Dương đang triển khai theo chiều sâu, nhưng hòa bình, ổn
định và hợp tác phát triển tại khu vực này vẫn là điều cần thiết phù hợp với
lợi ích của cả hai bên trong những năm tới. Bối cảnh đó đã đem lại cho
Việt Nam và các nước ASEAN nói chung thời cơ và thách thức mới trong hợp tác
Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương vì
hoà bình và phát triển.
PGS. Nguyễn Huy Quý