Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

9. Tổng thống Putin 2.0

Tổng thống Putin tuyên bố nhậm chức tại Điện Kremlin hôm 7/5.
LTS. Ngày 7/5/2012, Điện Kremlin và người dân Nga đã chào đón chính khách đầy quyền lực Vladimir Putin trở lại cương vị Tổng thống nhiệm kỳ thứ 3. Bề dày uy tín và bản lĩnh chính trị sẽ là những thuận lợi để ông Putin chèo lái nước Nga trong 6 năm nhiều thách thức.

Nối tiếp kỷ nguyên Putin
Không có gì rõ ràng hơn để chứng minh niềm tin và kỳ vọng của cử tri Nga vào nhà lãnh đạo Putin bằng việc ông tiếp tục được chọn trở thành Tổng thống sau hai nhiệm kỳ Tổng thống và 1 nhiệm kỳ Thủ tướng liên tiếp (Tổng thống giai đoạn 2000-2008 và Thủ tướng giai đoạn 2008-2012), tạo nên một “kỷ nguyên Putin” với nhiều thành công của tiến trình lấy lại vị thế quốc tế trong đời sống kinh tế chính trị toàn cầu.
Sẽ là không quá khi nói rằng, quyết định đề cử Putin làm người kế nhiệm cách nay hơn một thập kỷ là một lựa chọn sáng suốt nhất của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Trong 12 năm qua, dù ở cương vị Tổng thống hay Thủ tướng, nhà lãnh đạo Putin đã mang lại cho nước Nga niềm tự hào và một bộ mặt hoàn toàn mới so với thập kỷ trước. Tới mức, người ta đã gọi cụm từ “nước Nga của thời Putin” cho giai đoạn này. Có thể nói Putin là hiện thân cho sự trỗi dậy của nước Nga ngay từ khi ông đặt bước chân đầu tiên lên vũ đài chính trị quốc tế bởi chính ông đã khiến thế giới phải thay đổi cách nhìn về sức mạnh của nước Nga sau 8 năm cầm quyền.
Trong hơn một thập kỷ qua, ổn định chính trị và cuộc sống người dân được cải thiện là những thành công đáng kể mà ông Putin gây dựng được từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Kinh tế Nga trong năm 2011 tăng trưởng 4,3%, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất còn 6,3%, trong khi lạm phát chỉ ở mức 4,2% - mức thấp nhất trong lịch sử nước Nga. Với việc lựa chọn ông Putin tiếp tục lãnh đạo đất nước với nhiệm kỳ 6 năm tới, người dân Nga đã chọn đi tiếp con đường bấy lâu nay ông Putin khởi xướng và thực thi.
Các vấn đề nóng
Đặt niềm tin vào nhà lãnh đạo Putin, người dân Nga cũng đặt lên vai ông những trọng trách vô cùng to lớn. Tuy nhiên trong bối cảnh căng thẳng trong xã hội Nga có chiều hướng gia tăng và tình hình quốc tế diễn biến khó đoán định, thêm vào đó là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính quyền, có thể thấy bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba của ông Putin cũng sẽ là nhiệm kỳ của khó khăn và thách thức.
Cải cách chính trị và đổi mới đội ngũ lãnh đạo sẽ là công việc khó khăn đầu tiên của ông Putin. Trong chương trình tranh cử, ông Putin cam kết sẽ thực hiện các biện pháp cải cách chính trị theo hướng tạo ra những yếu tố kiềm chế và đối trọng trong các hệ thống chính quyền ngành dọc, tạo điều kiện cho công dân tự do bày tỏ chính kiến và xây dựng một xã hội dân chủ hơn. Giới quan sát dù đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về mức độ và quy mô của các cuộc cải cách chính trị mà ông Putin sẽ tiến hành trong thời gian tới song đều có chung nhận định rằng những cải cách đó nếu không được thực hiện nghiêm túc sẽ khó tránh khỏi nguy cơ thổi bùng mâu thuẫn trong xã hội Nga.
Bên cạnh cải cách chính trị, ông Putin còn đề ra chính sách phát triển kinh tế theo hướng giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu nhiên-nguyên liệu thô với mục tiêu đến năm 2020, Nga có thể lọt vào nhóm năm cường quốc kinh tế thế giới. Thực hiện được mục tiêu trên không phải là nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn rất mong manh. Trong khi đó, bản thân nền kinh tế và xã hội Nga chưa hội đủ những yếu tố cần thiết để có thể tạo ra bước “đại nhạy vọt” về kinh tế. Nền kinh tế Nga chủ yếu dựa vào sự biến động giá dầu mỏ và nguyên liệu thô trên thị trường thế giới, nạn tham nhũng hoành hành cản trở các nhà đầu tư nước ngoài, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị đánh giá thấp trong sân chơi toàn cầu.
Thực tế đã diễn ra ở nhiều nước Châu Âu trong thời gian qua cho thấy, nguy cơ bất ổn tại Nga có thể bắt nguồn từ tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đã lên tới mức 7-9%, số lượng người nghèo vẫn tiếp tục tăng và phân hóa giàu - nghèo ngày càng lớn. Trong khi đó, lượng vốn nước ngoài đang ồ ạt rút khỏi thị trường và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nga chỉ đạt con số khiêm tốn. Hiện tượng chảy máu chất xám tại Nga cũng đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại. Bài toán nan giải với Tổng thống V.Putin ngay khi trở lại Điện Kremlin là làm thế nào để cải thiện và hiện đại hóa một nền kinh tế đang lệ thuộc nặng nề vào xuất khẩu năng lượng. Trong khi đó, nạn tham nhũng đã làm giảm sút lòng tin của người dân với chính quyền và có nguy cơ đẩy lùi các thành tựu của nền kinh tế Nga.
Mâu thuẫn xã hội, sự phân hóa giàu nghèo hay chia rẽ sắc tộc cũng là những thách thức không nhỏ đối với Tổng thống Putin. Cũng cần phải nói rằng, mâu thuẫn xã hội là điều khó tránh trong bối cảnh hiện nay, nhất là với một đất nước có diện tích rộng nhất thế giới và có nhiều dân tộc, nhiều thành phần như Nga. Song nguy hiểm hơn là có không ít thế lực đang tìm cách khoét sâu những mâu thuẫn trong lòng xã hội Nga, âm mưu kích động để biến những bất đồng còn tồn đọng thành ngòi nổ cho những sự kiện thường được phương Tây gọi là “cách mạng sắc màu." Do đó, giải quyết những mâu thuẫn xã hội cũng sẽ là nhiệm vụ cấp bách đối với ông Putin.
Ngoài ra, vấn đề bảo đảm an ninh cũng là một trong các vấn đề được ưu tiên bởi cho tới nay, nước Nga vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh của chủ nghĩa khủng bố hay chủ nghĩa cực đoan. Vụ đánh bom kép mới nhất xảy ra hôm 4/5 vừa qua tại thủ phủ Cộng hòa Daghestan thuộc Nga là minh chứng cho thấy bất ổn an ninh vẫn sẽ là thách thức cần giải quyết đối với người đứng đầu đất nước.
Những ưu tiên đối nội
Bất kỳ một Tổng thống nào cũng cần một đội ngũ mạnh, đoàn kết và tập trung để hóa giải các thách thức. Do đó, việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo đủ mạnh và tinh nhuệ sẽ là ưu tiên lớn nhất của Tổng thống Putin. Trong lễ nhậm chức ngày 7/5, Tổng thống Putin cam kết ông và chính quyền mới sẽ nỗ lực đưa đất nước tiến lên, tăng cường dân chủ và khuyến khích người dân Nga tích cực tham gia quản lý đất nước cũng như giải quyết những thách thức, khó khăn đang đặt ra.
Kế hoạch phát triển đất nước mà Tổng thống V.Putin dự định thực thi trong nhiệm kỳ thứ ba có các trọng tâm: tăng cường khối đoàn kết các dân tộc; tăng trưởng kinh tế; bảo đảm các khoản chi xã hội; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao đời sống nhân dân. Việc bảo đảm sự ổn định trong đối nội được người đứng đầu Điện Kremlin nhìn nhận như một đòn bẩy vững chắc để Nga giữ vững an ninh quốc gia cũng như duy trì vị thế trên bàn cờ chiến lược, nhất là trong thời điểm những mưu toan lập lại trật tự thế giới mới đang nổi lên mạnh mẽ.
Hướng tới năm 2020, nước Nga sẽ phải ưu tiên hàng đầu cho việc hình thành một khu vực năng lượng hiện đại, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống của nhân dân - những yếu tố cơ bản bảo đảm an ninh, quốc phòng cho một đất nước luôn phải đối diện với những nguy cơ cản trở sự thống nhất như nước Nga.
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Putin tuyên bố ông coi mục tiêu chủ yếu sắp tới là hiện đại hoá đất nước và đưa Liên bang Nga phát triển ổn định lên một trình độ mới về chất. Đồng thời, ông Putin cũng nêu ra tám hướng ưu tiên trong hoạt động sắp tới của mình là hiện đại hóa nền kinh tế, cuộc chiến chống đói nghèo, diệt trừ tham nhũng, củng cố hệ thống tòa án và hệ thống chính trị, duy trì hòa hợp dân tộc, an ninh trong nước và chính sách đối ngoại độc lập. Ưu tiên đối nội hàng đầu của tân Tổng thống Nga là thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo tiền đề để theo đuổi các cải cách xã hội và bộ máy chính quyền. Ông đề ra nhiệm vụ trong thời gian trước mắt tăng tốc độ phát triển kinh tế lên 6 – 7% một năm. Ông Putin nói: “Trong 5 năm tới nước Nga phải nằm trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới”.
Không chỉ chú trọng tới nhiệm vụ cải cách chính trị và hiện đại hóa nền kinh tế, ông Putin còn cam kết chi “mạnh tay” cho kế hoạch củng cố và hiện đại hóa quân đội nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và sự ổn định chiến lược trên thế giới. Dự kiến, trong thập kỷ tới, chính phủ Nga sẽ chi 772 tỷ USD để chế tạo các loại vũ khí thế hệ mới trang bị cho lực lượng vũ trang nhằm đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân chiến lược hiệu quả của Nga cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội nước này.
Những trọng tâm đối ngoại
Qua các phát biểu về chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, có thể thấy Mátxcơva sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương, độc lập, thực dụng trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, ủng hộ trật tự thế giới đa cực với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, đồng thời thể hiện là một trong những trung tâm của thế giới đa cực.
Trong bài viết “nước Nga và thế giới đang thay đổi”, đăng trước ngày bầu cử 6/3 vừa qua, ông Putin đã hé lộ đường lối và quan điểm đối ngoại của “một Putin phiên bản 2” không khác gì nhiều so với “Putin phiên bản 1”. Theo đó, chính sách đối ngoại của nước Nga sẽ xuất phát từ “những mục tiêu chung của toàn cầu và lợi ích riêng của Nga chứ không phải là những quyết sách được đưa ra bởi lời kêu gọi của bất cứ ai”. Chính sách đối ngoại tương lai của Nga cũng sẽ phản ánh “vị thế độc nhất của Nga trên bản đồ chính trị thế giới”, lập trường của Nga về Syria, hệ thống tên lửa Mỹ ở Đông Âu và chương trình hạt nhân Iran – vẫn cứng rắn và không có gì thay đổi. Ông Putin đồng thời thẳng thắn bộc lộ quan điểm rằng “Sự can thiệp của Mỹ và NATO vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền là căn nguyên, gốc rễ của mọi tội ác”.
Đưa ra sự so sánh với thời Chiến tranh Thế giới thứ Hai và trích dẫn lời Nguyên soái Georgy Zhukov thời đó, một bài viết của ông Putin có đoạn: "Chúng ta không được gợi sự thèm muốn của ai bằng sự yếu ớt của mình. Do đó chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng không được để mất tiềm năng răn đe chiến lược của mình và sẽ tăng cường nó". Ông cho rằng Nga phải thực hiện các biện pháp đáp trả mạnh mẽ đối với kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của NATO ở châu Âu - vấn đề đang gây tranh cãi suốt gần thập kỷ qua.
Xử lý mối quan hệ với phương Tây vẫn là “trọng điểm của trọng điểm” trong nền ngoại giao của chính phủ mới của Nga. Mặc dù Nga luôn có lập trường cứng rắn với phương Tây, đặc biệt là kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại châu Âu song, giới phân tích cho rằng Tổng thống Putin sẽ có một chính sách thực dụng và mềm dẻo hơn trong quan hệ với các nước phương Tây để tận dụng công nghệ và vốn nhằm phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế.
Chính quyền mới của Nga cũng sẽ tiếp tục chính sách tăng cường can dự vào các khu vực Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh. Quan hệ giữa Nga với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước BRICS tiếp tục được thúc đẩy và thuộc ưu tiên đối ngoại của Nga. Đặc biệt là sự phối hợp Nga-Trung trên các diễn đàn quốc tế sẽ ngày càng chặt chẽ trong bối cảnh quan điểm giữa Nga và phương Tây trong một số vấn đề quốc tế vẫn còn nhiều khác biệt.
Đối với các đối tác khác, Tổng thống Putin đề cập đến những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế theo hướng ưu tiên tăng cường quan hệ với các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) , tập trung hơn vào sự liên kết trong không gian Âu-Á, hoàn thiện cơ chế của Liên minh thuế quan và Không gian kinh tế thống nhất, tiến tới thành lập Liên minh Âu-Á. Việc thúc đẩy quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng được dự đoán sẽ là một trong những hướng điều chỉnh trong tổng thể chính sách châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Putin.
Nước Nga với sự phát triển kinh tế đi vào quỹ đạo khá ổn định và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề quốc tế, cùng sự ủng hộ của người dân đối với bản thân ông Putin và Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền chính là tiền đề tạo thuận lợi cho Tổng thống Putin nhiệm kỳ tới. Đối với chính khách lão luyện như ông Putin – người đã khẳng định được năng lực và hiệu quả lãnh đạo trong cả thập kỷ tại nhiệm ở điện Kremlin, những thách thức đặt ra sẽ chỉ là khó khăn cần giải quyết chứ khó có thể là cản trở với Tổng thống Putin trong việc hiện thực hóa các mục tiêu lớn hơn của một nước Nga thịnh vượng.
Quốc Chính

http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/5/DC07A5CC506305F1/
 
Những thành tựu khi làm Thủ tướng của ông Putin
Trong 4 năm qua, chính phủ Nga đứng đầu là Thủ tướng Vladimir Putin đã không chỉ có những biện pháp chống khủng hoảng quyết liệt và hiệu quả, thực hiện một trong những cải cách xã hội quan trọng nhất là cải cách chế độ hưu trí mà còn ưu tiên việc liên kết trong không gian hậu Xô viết đồng thời hoàn tất tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), các thành tích của Thủ tướng Putin có thể tóm gọn như sau:
1. Phát triển ngành năng lượng quy mô toàn cầu: Sự phụ thuộc vào nguyên nhiên liệu vẫn là một trong những thách thức chủ yếu đối với nền kinh tế Nga. Do đó việc đa dạng hóa với quy mô lớn ngành xuất khẩu năng lượng là một nhiệm vụ ưu tiên của ông Putin. Những năm gần đây, trong lĩnh vực xuất khẩu khí đốt, Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể, trong đó có dự án quan trọng xây dựng “Dòng chảy phương Nam” dọc theo đáy Biển Baltic sang Đức. Theo các chuyên gia, Nga đã "khai thông cửa sổ năng lượng sang châu Âu" bất chấp những lo ngại và sự phản đối của một số nước trong khu vực. Tháng 11/2011, việc cung cấp các chuyến hàng thương mại đầu tiên của đường ống dẫn khí đốt này đã được bắt đầu, và tới năm 2015, “Dòng chảy phương Nam” sẽ hoạt động hiệu quả.
2. Các biện pháp chống khủng hoảng: Các biện pháp chống khủng hoảng trở thành vấn đề căn bản trong chương trình hỗ trợ với quy mô lớn cho các ngành khác nhau của nền kinh tế Nga. Việc bơm hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ rúp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các ngân hàng đã giúp ngăn chặn sự sụp đổ của ngành công nghiệp, kiềm chế lạm phát và thực hiện các cam kết xã hội của Nhà nước đối với người dân.
3. Liên kết trong không gian hậu Xô viết: Đây là một trong những ưu tiên của ông Putin ngay từ nhiệm kỳ tổng thống 2000-2008. Năm 2011, Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan với các nguyên tắc hải quan chung đã bắt đầu đi vào hoạt động. Từ năm 2012, Không gian kinh tế thống nhất (EEP) giữa 3 nước cũng bắt đầu hoạt động, theo đó hàng hóa, dịch vụ và vốn được bảo đảm tự do lưu chuyển. Ông Putin đã nhiều lần gọi đây là “sự kiện địa chính trị lớn nhất trong không gian hậu Xô viết sau khi Liên Xô sụp đổ”. Và trong tương lai, Liên minh Hải quan và EEP sẽ là cơ sở để thành lập Liên minh Kinh tế Âu-Á vào năm 2015.
4. Nga gia nhập WTO: Sự kiện chính thức gia nhập WTO năm 2011 đánh dấu bước ngoặt trong việc Nga liên kết với nền kinh tế thế giới. Mùa hè năm nay, Nga có thể trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này sau khi Quốc hội Nga phê chuẩn những thỏa thuận cuối cùng.
5. APEC: Một trong những dự án cơ sở hạ tầng quy mô nhất trong những năm ông Putin làm Thủ tướng là phát triển khu vực Viễn Đông, và đặc biệt là khu vực Primorye và Vladivostok - nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tháng 9 năm nay. Tổng mức đầu tư để chuẩn bị cho diễn đàn là khoảng 600 tỷ rúp. Phần lớn số tiền là để xây dựng những cây cầu đặc biệt dẫn tới "hòn đảo Nga", nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh và qua vịnh “Sừng Vàng”. Ngoài ra, trên đảo còn xây dựng các tòa nhà thuộc Trường Đại học Liên bang Viễn Đông. Trường này sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học của toàn bộ khu vực này.
6. Đạo luật về thương mại: Việc thông qua dự luật về việc Nhà nước điều chỉnh thương mại ở Nga đã diễn ra vào tháng 12/2009 sau nhiều năm tranh cãi giữa các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh và nhiều bộ ngành khác nhau. Theo văn kiện này, sự quản lý của nhà nước sẽ được tăng cường và các biện pháp chống độc quyền sẽ được quy định rõ, chẳng hạn như việc cấm các mạng lưới thương mại có 25% thị trường mở các cửa hàng mới trong khu vực. Ngoài ra, trong một số trường hợp, chính quyền có thể hạn chế giá sản phẩm trong thời gian lên đến 90 ngày.
7. Trở lại chính sách tư hữu hóa các doanh nghiệp lớn: Bốn năm qua được đánh dấu bằng sự khởi đầu giai đoạn tư hữu hóa sở hữu nhà nước quy mô lớn lần thứ hai (sau những năm 1990). Theo Chương trình tư hữu hóa giai đoạn 2011-2013 đã được Chính phủ phê duyệt, trong thời kỳ này Nhà nước có kế hoạch bán được khoảng 1.000 tỷ rúp, song phần lớn là từ việc bán hàng chục gói cổ phần lớn của các ngân hàng và các công ty. Tại các doanh nghiệp khác, tốc độ tư hữu hóa đang được đẩy nhanh.
8. Cải cách chế độ hưu trí: Đây là cuộc cải cách được thực hiện lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, theo đó, đánh giá lại các quyền lợi khi về hưu của những người đã cống hiến trong thời kỳ Xô viết, trả ngay 10% và 1% cho mỗi năm làm việc tính đến năm 1991. Năm 2010, khoản tiền bổ sung thêm là khoảng 1.100 rúp/tháng.
9. Kỳ thi quốc gia thống nhất: Trong số những sáng kiến được đưa ra từ nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin được phát triển và thực hiện trên thực tế trong nhiệm kỳ ông làm Thủ tướng, việc thí điểm kỳ thi quốc gia thống nhất (CSE) được ghi nhận là mang lại hiệu quả. Từ ngày 1/1/2009, CSE đã trở thành hình thức chủ yếu để Nhà nước xác nhận kết quả học tập đối với tất cả học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông của Nga.
10. Giành quyền đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới 2018: Nga đã vượt qua không chỉ nước Anh, mà còn vượt qua cả những nước nộp đơn xin được đồng đăng cai giải này như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Bỉ và Hà Lan. Ông Putin cam kết Chính phủ Nga sẽ chuẩn bị tốt nhất cho giải này và tuyên bố những người tham dự và khách mời có thể tới thăm nước Nga mà không cần thị thực.
Tâm Huyền (gt)



Ý kiến
Những thách thức quan trọng nhất đối với tân Tổng thống Putin chính là những vấn đề đối nội bởi nước Nga đang bị chia rẽ. Đấu tranh chống tham nhũng cũng là vấn đề quan trọng mà ông Putin phải giải quyết. Chỉ người có chí khí, mạnh mẽ, một cựu quân nhân, một con người sống còn với nước Nga như ông Putin mới có thể giải quyết được. Aleksandr Tsivko, Nhà nghiên cứu chính trị thuộc Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga
Chính sách đối ngoại của Nga sẽ thay đổi về chất, nhưng không phải là một sự đảo lộn. Ông Putin trở lại là dấu hiệu cho thấy nước Nga sẽ cứng rắn hơn. Chính sách hiện nay của Mỹ và Nga, dù muốn hay không, cũng sẽ chịu tác động của việc ông Putin trở lại nắm quyền. Giả sử phái Cộng hòa vào được Nhà Trắng, bầu không khí của những năm 2007-2008 sẽ trở lại và đó sẽ là điều không hay cho tất cả vì sẽ không ai được gì cả. Arnaud Dubien, Nhà nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS)
Tổng thống Putin nhậm chức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đè nặng lên vai người dân Nga và nổ ra nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính quyền. Tất cả những yếu tố đó chứng tỏ ông Putin sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn và phức tạp khi quay lại Điện Kremlin. Nhiệm vụ chính của ông Putin trên cương vị Tổng thống lúc này là cải cách nền kinh tế đất nước. Pavel Svyachenkov, Nhà nghiên cứu chính trị người Nga
Về đối nội, Tổng thống Putin sẽ điều chỉnh các chính sách mềm dẻo hơn, đa dạng và dân chủ hơn. Các chính sách kinh tế sẽ không có thay đổi lớn. Ông sẽ tiếp tục chính sách hiện đại hóa kinh tế, cải cách thuế để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế thị trường và cổ súy đầu tư tư nhân. Về đối ngoại, Tổng thống Putin sẽ cứng rắn hơn, tập trung hợp tác với các định chế quốc tế, củng cố lòng tin với các nước, đặc biệt với G8 và G20, cải thiện quan hệ với các nước châu Âu khác. Điểm chủ yếu trong chính sách đối ngoại sẽ là châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ tiếp tục là một đối tác quan trọng của Nga. Quan hệ với Mỹ sẽ vẫn là thách thức đối với Nga. Nếu Mỹ giữ chính sách cứng rắn, Tổng thống Putin cũng sẽ thực hiện chính sách cứng rắn tương ứng. Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc)