Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

13. Chủ nghĩa yếu nước Việt Nam - Cội nguồn sức mạnh trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954

NGUYỄN ĐÌNH BẮC
ThS. Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Chiến thắng đó là kết tinh cao nhất sức mạnh tổng hợp của dân tộc và sức mạnh thời đại. Trong đó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được phát huy cao độ trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố cơ bản, là cội nguồn sức mạnh góp phần quyết định chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Lòng yêu nước nồng nàn, sự thống nhất về tinh thần và chính trị của nhân dân và quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách, khó khăn không thể tưởng tượng được và tạo ra những điều kiện về chính trị, kinh tế và quân sự để chiến thắng”1.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trở thành chuẩn mực cao nhất của đạo lý và đứng đầu trong bậc thang giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc ta, là nội lực tiềm ẩn trong nhân dân; nguồn sức mạnh vô cùng to lớn làm điểm tựa cho sự trường tồn của đất nước. Nói về vai trò của chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã có khái quát nổi tiếng: “Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”2.
Thực tiễn lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã minh chứng hùng hồn cho khẳng định trên. Do nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực và thế giới, nên dân tộc Việt Nam thường xuyên phải đối mặt và chống trả các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực ngoại bang có tiềm lực quân sự rất mạnh; đồng thời phải liên tục đương đầu với những thử thách hết sức khắc nghiệt của thiên tai, hạn hán, bão lụt, v.v.. Để tồn tại và phát triển, các thế hệ người Việt Nam tất yếu phải đoàn kết, chung lưng đấu cật để tranh đấu, lao động và sáng tạo. Quá trình đó đã hình thành một cách rất tự nhiên ở con người Việt Nam một giá trị tốt đẹp - lòng yêu nước nồng nàn. Giá trị tốt đẹp đó được đời này truyền lại cho đời sau, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, liên tục bồi đắp, phát triển và hoàn thiện để trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Từ thế kỷ thứ III (TCN) cho đến nay, nhân dân ta đã phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh giữ nước và bảo vệ độc lập dân tộc. Đây là những thời kỳ vô cùng gian lao, vất vả của cả dân tộc với đầy máu, mồ hôi và nước mắt nhưng cũng là thời kỳ mà chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được thử thách, tôi luyện và biểu hiện sinh động nhất. Với lòng yêu nước nồng nàn, đã hun đúc nên ở mỗi người dân Việt Nam tinh thần khắc phục mọi khó khăn, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh; cùng ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; từ đó làm xoay chuyển tình thế, giành lại thể chủ động, gia tăng dần sức mạnh và cuối cùng giành chiến thắng để viết nên những trang sử anh liệt, oai hùng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 là một trong số đó, nhưng khác với những kỳ tích trước đó, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ thể hiện sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước; mà hơn thế, còn là biểu tượng mẫu mực của việc phát huy sức mạnh đó lên một tầm cao mới, trong thời đại mới.


Trong một chiến dịch quyết chiến chiến lược như Chiến dịch Điện Biên Phủ, chủ nghĩa yêu nước không phải được “giấu kín trong rương, trong hòm”. Trái lại, chủ nghĩa yêu nước ở thời điểm này được giác ngộ giai cấp và tinh thần quốc tế của giai cấp công nhân đã càng được nhân lên gấp bội, trở thành cội nguồn sức mạnh góp phần quyết định làm nên chiến thắng vĩ đại này. Những khẩu hiệu: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”… từ những ngày đầu kháng chiến vẫn luôn luôn nóng hổi và thường trực đối với quân và dân ta trên tiền tuyến cũng như ở hậu phương. Với sự thôi thúc của chủ nghĩa yêu nước như thế, mỗi cán bộ chiến sĩ và mỗi người dân luôn tự giác chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để phấn đấu cho thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Theo nghĩa đó, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được “Điện Biên Phủ hóa”, đã được phát triển lên một trình độ mới, làm cơ sở vững chắc và “bệ đỡ” quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của mọi yếu tố khác trong sức mạnh Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước ở thời điểm này không chỉ giữ vai trò định hướng, quy định phương thức xây dựng, phát huy các nguồn sức mạnh khác và làm gia tăng sức mạnh của từng nhân tố riêng biệt; đồng thời nó còn là “chất keo” kết dính các nhân tố đó với nhau, làm tăng lên gấp bội sức mạnh của toàn dân tộc trong chiến dịch quyết chiến chiến lược này. Hơn thế nữa, cũng từ chủ nghĩa yêu nước đó đã nảy sinh một chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam kiểu mới, chủ nghĩa anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh, đã sản sinh ra tầng tầng, lớp lớp các anh hùng trong đấu tranh vũ trang giương cao ngọn cờ quyết chiến quyết thắng, tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, quật khởi của dân tộc.
Chủ nghĩa yêu nước trong chiến dịch Điện Biên phủ được phát huy cao độ trở thành động lực tinh thần to lớn thúc đẩy toàn dân, toàn quân ta vượt lên mọi khó khăn và thử thách, với một khí thế sục sôi và sẵn sàng đem toàn lực ra để giành thắng lợi. Với chủ nghĩa yêu nước như thế làm động lực, một phong trào thi đua giết giặc lập công đã diễn ra sôi nổi rộng khắp các mặt trận. Tất cả đã chiến đấu ròng rã liên tục suốt 55 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Gian khổ, ác liệt là vậy nhưng bộ đội ta vẫn quyết giữ vững thế tiến công, không ai nao núng; tất cả đều một lòng một dạ trung thành với Đảng, với nhân dân, kiên cường chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, của dân tộc, với chí khí “Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”. Với ý chí quyết tâm và tinh thần sắt đá đó, đã có biết bao tấm gương dũng cảm chiến đấu, hy sinh quên mình rất đáng khâm phục, mãi là biểu tượng sáng ngời cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời đại mới, như: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Nguyễn Hoàng Phương bị thương hỏng cả hai tay và Bùi Minh Đức bị thương hỏng cả hai mắt vẫn phối hợp người quan sát, người bắn địch để chốt giữ trận địa, hay là Chu Văn Mùi 3 ngày chịu đói vẫn chiến đấu giữa vòng vây địch, rồi gọi pháo bắn ngay vào vị trí của mình để tiêu diệt địch, v.v.. Những hành động anh hùng đó không chỉ có sức cổ vũ to lớn đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn lan tỏa trong toàn dân, toàn quân, trên khắp các mặt trận, trở thành nguồn sức mạnh to lớn.
Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn được thể hiện trong hành động anh hùng, xông pha lửa đạn, bất chấp mọi hiểm nguy của hàng chục vạn dân công, thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch. Đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành phong trào rộng khắp, cả ở vùng tự do cũng như ở các vùng địch tạm chiếm. Các đoàn dân công, thanh niên xung phong được tổ chức chặt chẽ từ các vùng tự do khu IV như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa đến các vùng tạm chiếm như Thái Bình, Ninh Bình… đã nô nức lên đường với tinh thần hăng hái như trẩy hội. Bom đạn của máy bay địch, gian khổ của đường dài, đèo cao, suối sâu cũng không ngăn cản được bước tiến của các đội dân công, các đoàn vận tải từ mọi ngả đường, ngày đêm vượt nắng, thắng mưa đưa lương thực, đạn dược, thuốc men đến mặt trận Điện Biên Phủ. Có những người bị bom địch vùi lấp, khi được moi lên lại tiếp tục công việc của mình. Dù có phải ăn đói, mặc rét và luôn luôn bị phi pháo địch uy hiếp nhưng họ vẫn quyết không để một cân gạo, một viên đạn nào không đến tay bộ đội; không để một thương binh nào chậm đến nơi cứu chữa, v.v…


Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, không ai có thể ngờ được rằng, để đưa pháo lên đồi cao, bộ đội và dân công ta đã chỉ dùng sức người thay thế cho máy móc kéo pháo, lập nên kỳ tích chưa hề có trong lịch sử các cuộc chiến tranh; cũng không ai có thể ngờ được rằng, chỉ với chiếc xe đạp thồ thô sơ, anh dân công hỏa tuyến Ma Văn Thắng (Phú Thọ) đã chở được 350 kg gạo một chuyến lên chiến trường trong điều kiện gian khổ, ác liệt. Hay như, chị Tô Thị Ngải (dân tộc Mường - Hòa Bình) vận chuyển gánh hàng suốt mười ngày đêm không ngủ… Điều đó chỉ có thể có được bằng động lực và sự thôi thúc mạnh mẽ của tinh thần yêu nước nồng nàn, với ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Thật kỳ diệu và phi thường, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, không chỉ có bộ đội, du kích, dân công, mà còn có cả phụ nữ, trẻ em, người già, người trẻ và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Ví như, cụ Trần Văn Thiện mặc dù đã 64 tuổi nhưng vẫn cùng con gái, con dâu đi phục vụ chiến dịch; hay như “Hội mẹ chiến sĩ” với hơn 500.000 bà mẹ đã hăng hái tiếp tế, nuôi dưỡng bộ đội. Ngoài ra, trong chiến dịch, phụ nữ đã đóng góp 2.381.000 công (bằng 50% ngày công của dân công); đồng bào các dân tộc ít người cũng có những đóng góp không nhỏ: Đồng bào 4 huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Quỳnh Nhai và Thuận Chân đã đóng góp cho chiến dịch 7500 tấn gạo (vượt mức huy động 1500 tấn), gần 390 tấn thịt, ... Nói cách khác, mọi người Việt Nam yêu nước đều tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; đều dám đánh, quyết đánh và quyết thắng kẻ thù xâm lược. Điều đó cho thấy, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ được thể hiện trong bộ đội, dân công, thanh niên xung phong,... mà còn được biểu hiện một cách chân thực và sinh động trong tất cả các tầng lớp nhân dân ta. Từ đồng bào ở miền xuôi đến miền ngược, từ dân tộc Kinh đến các dân tộc thiểu số như người Mường, người Thái, người H’mông, người Tày ở các tỉnh Tây Bắc và Việt Bắc, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc vào Nam… ai nấy đều nô nức tham gia chiến dịch. Cả nước một lòng, cả nước dồn sức cho chiến trường, cả nước hướng về chiến dịch Điện Biên Phủ.
 Thực hiện Lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chính phủ: “Tất cả cho mặt trận, tất cả để đánh thắng”, các tầng lớp nhân dân ta đã hết lòng, hết sức phục vụ tiền tuyến, đoàn kết chiến đấu bên cạnh bộ đội. Chưa có một thời điểm nào của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sức người, sức của lại được huy động cao độ như chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, chúng ta đã huy động: “55.000 cán bộ, chiến sĩ của các Đại đoàn chủ lực, 261.453 dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, với 18.301.570 ngày công phục vụ chiến dịch, trải dài trên tuyến đường 400 - 500 km, 23.056 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 907 tấn thịt, 917 tấn lương thực khác… và hơn 20.911 xe đạp thồ; 736 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ; 3.130 chiếc thuyền”3 cùng các phương tiện vận tải khác để phục vụ chiến dịch. Những con số trên có ý nghĩa thật to lớn đối với một đất nước còn hết sức nghèo nàn, lạc hậu lại đang phải tiến hành một cuộc kháng chiến cứu nước quyết liệt và trường kỳ như Việt Nam.
Có thể nói, với động lực mạnh mẽ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam làm nền tảng, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả nước, sức mạnh của cả một dân tộc ra trận. Từ đó, không những tạo lập được một thế trận hết sức lợi hại về mặt chiến lược, phát huy hiệu lực tác chiến đến trình độ ngày càng cao, chặt chẽ và chủ động giữa các chiến trường và các lực lượng, mà còn tạo điều kiện có ý nghĩa quyết định để giải quyết những khó khăn rất lớn về mặt hậu phương và bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Quy luật của chiến tranh là mạnh được, yếu thua. Thắng lợi của chúng ta trong cuộc đọ sức quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ chứng tỏ sức mạnh vượt trội của chúng ta so với thực dân Pháp xâm lược. Tuy nhiên, sức mạnh đó không chỉ từ các loại vũ khí tối tân, của một nền kinh tế công nghiệp hiện đại hay một đội quân nhà nghề. Trái lại, đó là từ sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta, mà cội nguồn của nó chính là ở động lực to lớn từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước của quân và dân ta được khơi dậy và phát huy thực sự đã trở thành sức mạnh vật chất to lớn, góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi… Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn, thiếu thốn, đói khổ, tang tóc; quyết một lòng đánh tan quân cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với gậy tầm vông và súng hỏa mai lúc đầu, chúng ta đã liên tiếp thắng địch”4.
Thật hiếm khi nào sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lại được thể hiện đầy đủ và toàn diện như trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nói cách khác, Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là thời điểm và địa điểm hội tụ đầy đủ các tiền đề và điều kiện cần thiết nhất để chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được phát huy cao độ sức mạnh của mình. Biết khơi dậy và phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam để tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật trong Chiến dịch lịch sử này; đồng thời, cũng là bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước nhà.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mặc dù diễn ra cách đây gần sáu thập kỷ nhưng ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị. Kỷ niệm 58 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp tốt để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cùng nhau làm sống lại giá trị lịch sử hào hùng của sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, qua đó làm sáng tỏ hơn vai trò nền tảng và động lực quan trọng của chủ nghĩa yêu nước trong thắng lợi lịch sử này. Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để chúng ta tiếp tục khơi dậy và phát huy hơn nữa vai trò to lớn của động lực tinh thần ấy trong giai đoạn cách mạng mới - thời kỳ đổi mới toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, tạo tiền đề vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với truyền thống và hiện đại, trí tuệ và khả năng, điều kiện và thời cơ; đặc biệt là với sức mạnh to lớn của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam khi được khơi dậy và phát huy, chúng ta tin tưởng rằng, đất nước ta, dân tộc ta sẽ tiếp tục làm nên một “Điện Biên Phủ mới” trong thế kỷ XXI, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đưa dân tộc Việt Nam vững bước sánh vai cùng cường quốc năm châu.
_________________
Chú thích
1. Hồ Chí Minh toàn tập, 2000. tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 55.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, 2000. tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội , tr. 171.
3. Tổng cục Hậu cần (1993), Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 305.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2000), tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội , tr. 281.
Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh toàn tập, 2000. tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 171, 281.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, 2000. tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 55.
3. Tổng cục Hậu cần, 1993. Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 305.
4. Viện khoa học xã hội và nhân văn quân sự, 2004. Chiến thắng Điện Biên phủ - nhìn từ sức mạnh chính trị tinh thần, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.
Tạp chí KHXH, số 3.2012