Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

48. Ấn Độ với hợp tác Đông Á


1. Tiến trình hợp tác Đông Á
a. Sự ra đời và phát triển của tiến trình hợp tác Đông Á
Việc Ấn Độ trở thành thành viên chính thức của Hội nghị cấp cao Đông Á lần đầu tiên diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) tháng 12 năm 2005 đã đánh dấu một bước tiến mới trong chính sách hướng Đông([1]) của đất nước có diện tích và dân số lớn nhất Nam Á này. Tuy nhiên, tiến trình hợp tác Đông Á là hình thức hợp tác khu vực ra đời chưa lâu và có những thăng trầm trong quá trình phát triển.
Đầu những năm 1990, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad đã đề xuất ý tưởng thành lập Nhóm kinh tế Đông Á (EAEC) bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, so sự phản đối kịch liệt của Mỹ, nhiều nước đã thận trọng với đề xuất này và kết quả là EAEC đã không được hình thành.
Cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu Á 1997 – 1998 càng làm cho nhu cầu hợp tác khu vực trở nên cấp thiết. Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á mong muốn gia tăng hợp tác để tìm ra những giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Ngày 15 tháng 12 năm 1997, Hội nghị chính thức giữa các nhà lãnh đạo ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được triệu tập tại Kuala Lumpur. Cơ chế hợp tác ASEAN+3 ra đời từ đó.
Tháng 11 năm 2000, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+ 3 lần thứ tư họp tại Singapore, lãnh đạo 13 nước Đông Á (10 nước ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á) đã chính thức tuyên bố với thế giới mong mỏi của họ là: tạo ra một Cộng đồng Đông Á hoà bình, thịnh vượng và tiến bộ, đặt trên cơ sở sự phát triển của mọi dân tộc trong khu vực và đóng góp tích cực đối với phần còn lại của thế giới. Vấn đề thành lập Cộng đồng Đông Á đạt được một bước tiến mới tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 lần thứ 8 diễn ra tại Lào khi các nguyên thủ của các nước thành viên ASEAN đã thống nhất ý kiến về mục tiêu lâu dài của Hợp tác Đông Á là thiết lập “Cộng đồng Đông Á”. Tháng 12/2005, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần đầu tiên đã được tổ chức tại Malaysia với sự tham gia chính thức của 10 nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
b. Những vấn đề đặt ra đối với tiến trình hợp tác Đông Á
Tiến trình hợp tác Đông Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước:
Thứ nhất, khuôn khổ của Hợp tác Đông Á gồm 3 cơ chế chính là ASEAN+1, ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). “Khi hợp tác ASEAN+3 chỉ được xem là khuôn khổ hợp tác, còn hợp tác thực chất lại được triển khai thông qua các cơ chế ASEAN+1, sẽ khó tránh khỏi khả năng các đối tác Đông Bắc Á chỉ quan tâm tới việc thúc đẩy hợp tác giữa họ với các nước ASEAN và không quan tâm nhiều tới việc thúc đẩy các tiến trình ASEAN+3 và EAS”.([2]) Minh chứng rõ nhất là khi ASEAN và Trung Quốc đạt được Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện vào tháng 11/2002, Nhật Bản đã vội vàng tuyên bố cùng ASEAN xây dựng quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn (CEPT).
Thứ hai, sự lựa chọn thành viên của Cộng đồng Đông Á hiện đang là một vấn đề. Đông Á sẽ là một cơ chế hợp tác bao gồm 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) hay có thêm sự tham gia của Ấn Độ, Australia và New Zealand như Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ nhất, đặc biệt là trong bối cảnh Liên bang Nga đã là quan sát viên của EAS?
Thứ ba, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay, vai trò lãnh đạo của ASEAN([3]) đang phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, với tiềm lực kinh tế nhỏ, lại là cơ chế hợp tác của 10 quốc gia trong bối cảnh còn tồn tại khá nhiều khác biệt, ASEAN sẽ khó đảm nhận được vai trò này khi nhu cầu hợp tác Đông Á được đẩy mạnh, đặc biệt là khi sự “ủng hộ miễn cưỡng” của Nhật Bản và Trung Quốc đối với vai trò lãnh đạo của ASEAN không còn…
2. Ấn Độ với hợp tác ở Đông Á
a. Lợi ích của Ấn Độ ở Đông Á
Về an ninh - chính trị, Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung có vai trò quan trọng đối với chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Năm 1935, nhà tư tưởng vĩ đại đồng thời là người sáng lập nên nước Cộng hoà Ấn Độ J. Nehru đã nói rằng: “Thái Bình Dương có khả năng sẽ thay thế Đại Tây Dương với tư cách là một trung tâm đầu não của thế giới trong tương lai. Tuy không phải là một quốc gia ở Thái Bình Dương nhưng Ấn Độ phải có được ảnh hưởng quan trọng ở đó”.([4]) Những yếu tố mà Ấn Độ đưa ra để chứng minh cho quan điểm của họ là rất rõ ràng. Theo họ, khu vực này có sự hiện diện của các cường quốc và các cơ chế hợp tác lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN và cả Ấn Độ. Đây cũng là khu vực có đông dân số với sự góp mặt của bảy trong số 10 quốc gia đông dân nhất thế giới. Khu vực này cũng tập trung đông đảo nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, sự hiện diện của các hạm đội Mỹ được trang bị vũ khí hạt nhân và một số nước sản xuất và xuất khẩu tên lửa. Ngoài ra Châu Á - Thái Bình Dương cũng là khu vực có tiềm lực kinh tế mạnh, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào…Đó là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành cơ cấu thế giới trong tương lai.([5])
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, quan điểm về không gian an ninh của Ấn Độ được mở rộng. “Những giới hạn quan tâm về an ninh của Ấn Độ rõ ràng vượt ra khỏi sự gò bó của những định nghĩa về địa lý của khu vực Nam Á. Nam Á luôn là một khuôn khổ mơ hồ đối với việc hình thành mô hình an ninh của Ấn Độ. Với diện tích rộng lớn, vị trí địa lý quan trọng, khu vực đặc quyền kinh tế rộng lớn trên Ấn Độ Dương, môi trường an ninh của Ấn Độ trải dài từ vùng Vịnh tới Eo biển Malacca ở phía tây, đông và nam, Trung Á ở phía tây bắc, Trung Quốc ở phía đông bắc và Đông Nam Á”.([6])
Cộng đồng gốc Ấn ở các nước Đông Á được Ấn Độ coi là nhân tố loại bỏ sự hiểu nhầm và làm tăng hình ảnh tốt đẹp của đất nước Nam Á này ở khu vực([7]). Đông Á là nơi có số lượng người gốc Ấn tương đối lớn trong số khoảng 20 triệu người gốc Ấn sinh sống trên toàn thế giới. Các con số đưa ra những năm đầu thế kỷ XXI là: Myanmar 2.902.000 người, Malaysia 1.665.000 người, Singapore 307.000 người, Thái Lan 85.000 người, Indonesia 55.000 người, Hồng Kông (Trung Quốc) 50.500 người, Philippines 38.000 người, Nhật Bản 10.000 người, Brunei 7.600 người…([8])
Về kinh tế, trong thập niên 90 của thế kỷ XX, hầu hết các nền kinh tế của Đông Á có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm gấp đôi tốc độ trung bình 3,1% của thế giới. Bước sang nửa đầu những năm 1990, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế trong khu vực còn tăng nhanh hơn nhiều. Nếu không tính Nhật Bản và Hàn Quốc, tốc độ tăng trưởng hàng năm của các nền kinh tế Đông Á lớn hơn gấp 3 lần so với tốc độ trung bình 2% của thế giới([9]).
Tới năm 1980, tổng mức GDP của khu vực này chiếm 13,8% GDP toàn cầu, trong khi con số này của EU là 14,2%, của Mỹ là 24%. Tới năm 1998, mặc dù Đông Á chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng tổng mức GDP của khu vực này đã lên đến 20% GDP toàn cầu([10]).
Thương mại hai chiều giữa Ấn Độ với khu vực này chiếm một tỉ lệ quan trọng trong ngoại thương của nước Nam Á này. Xuất khẩu của Ấn Độ sang các nước Châu Á và Châu Đại Dương niên khoá 2004-2005 là 39.994,39 triệu USD và tăng lên 48.222,08 triệu USD niên khoá 2005-2006, tăng 20,57%, chiếm tới 46,94% tổng xuất khẩu của Ấn Độ ra toàn thế giới. Trong số đó, các nền kinh tế chính ở Đông Á như Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã chiếm tới 23,95% tổng xuất khẩu của Ấn Độ, cao hơn cả Tây Âu là 23,91([11]).
Nhập khẩu của Ấn Độ từ khu vực Châu Á và Châu Đại Dương cũng chiếm tới 34,62% (49.297,49 triệu USD) tổng nhập khẩu của nước này niên khoá 2005-2006. Trong số đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ vừa kể trên đã chiếm tới 21,45% tổng nhập khẩu của nước này, trong khi đó, các con số này từ Tây Âu là 20,95%([12]).
b. Cách tiếp cận của Ấn Độ với hợp tác Đông Á
Với công cuộc cải cách toàn diện đất nước đầu những năm 1990, chính sách hướng Đông của Ấn Độ đã ra đời. Phạm vi của chính sách này là toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương([13]). Trong bài phát biểu tại Singapore năm 1994, Thủ tướng Ấn Độ Narasimha Rao đã khẳng định rằng, Châu Á - Thái Bình Dương là tấm ván trượt để Ấn Độ tiến sâu vào thị trường toàn cầu([14]).
Trong tiến trình Đông Á, với sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo cơ chế hợp tác đầy tiềm năng này giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ASEAN đang được coi là nhân tố hạt nhân cố kết các bên tham gia. Trên khía cạnh kinh tế, ASEAN còn là tâm điểm của các hiệp định thương mại tự do. Các điều kiện để một nước có thể tham gia vào Hội nghị cấp cao Đông Á cũng gắn liền với vai trò của ASEAN. Các điều kiện đó  bao gồm: (1) Đối tác đối thoại của ASEAN; (2) Ký hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác của ASEAN (TAC); và (3) Có quan hệ thực chất với ASEAN.
Quan hệ an ninh chính trị giữa Ấn Độ và ASEAN trở nên sôi động với việc Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại từng phần của ASEAN (1992), thành viên đối thoại đầy đủ (1995), thành viên của diễn đàn khu vực ASEAN - ARF (1996). Năm 1997, Ấn Độ lần đầu tiên được tham dự cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) lần thứ tư của diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF). Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức ở Phnôm Pênh (Campuchia). Tại hội nghị thượng đỉnh của các nước ASEAN diễn ra tại Lào tháng 11/2004, Ấn Độ và các nước ASEAN đã ký bản kế hoạch “Đối tác vì hoà bình, tiến bộ và cùng thịnh vượng,” mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ ASEAN – Ấn Độ trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, và kinh tế.
Trên khía cạnh kinh tế, ngay khi Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại từng phần của ASEAN năm 1994, một Uỷ ban hợp tác từng phần hỗn hợp ASEAN - Ấn Độ (AIJSCC) đã được thành lập. Uỷ ban này có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch và khoa học & công nghệ. Bên cạnh AIJSCC, Uỷ ban ASEAN New Delhi (ANDC) và Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Ấn Độ (AIBC) cũng đã ra đời.
Thương mại hàng hoá hai chiều giữa Ấn Độ và ASEAN từ đầu những năm 1990 đến những năm đầu thế kỷ XXI có những bước phát triển đáng kể. Nếu năm 1993, thương mại hàng hoá hai bên đạt con số 2,9136 tỉ USD thì đến năm 1997, con số đó lên tới 8,8787 tỉ USD, bình quân mỗi năm tăng khoảng 70%. Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á 1997-98, thương mại hàng hoá hai chiều năm 1998 chỉ còn 6,9683 tỉ USD. Tuy nhiên đến năm 2004, thương mại hàng hoá Ấn Độ - ASEAN đạt 17,6716 tỉ USD, tăng hơn 2,5 lần trong vòng 6 năm([15]).
Đầu tư trực tiếp chủ yếu là từ các nước ASEAN. Từ 1994 đến 2004, đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào ASEAN mới chỉ đạt con số 736,8 triệu USD([16]), chủ yếu tập trung ở các ngành khoa học công nghệ cao và tập trung vốn. Giai đoạn 1991-2002, các nước ASEAN đã đầu tư trực tiếp tổng cộng 4 tỉ USD vào Ấn Độ, chiếm 6,1% tổng số đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Ấn Độ, chủ yếu tập trung ở các ngành điện tín, dầu mỏ và công nghiệp nặng([17]).
Năm 2003 tại Bali, Ấn Độ và ASEAN đã đạt được Hiệp định khung về khu vực mậu dịch từ do (FTA) ASEAN – Ấn Độ. Theo hiệp định khung này, thời hạn cho các cuộc đàm phán về một FTA ASEAN - Ấn Độ về thương mại sẽ diễn ra từ tháng 1 năm 2004 đến tháng 6/2005, và về dịch vụ và đầu tư từ 2005 đến 2007. Một Uỷ ban đàm phán thương mại (TNC) được thiết lập, bắt đầu soạn thảo các quy định cơ bản (ROOs), các phương thức giảm thuế và FTA vào đầu năm 2004. Hai bên đã nhất trí các mức giảm thuế ban đầu thuộc FTA bắt đầu từ ngày 1/1/2006. Theo đó, các mức thuế chính thức về hàng hoá phi nông nghiệp sẽ được áp dụng cho các nước ASEAN phát triển hơn là Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore  vào năm 2011 và năm nước ASEAN còn lại vào năm 2016. Ấn Độ cũng nhất trí mở rộng các bước giảm thuế cho từng nước thuộc nhóm CLMV đối với 111 mặt hàng dựa trên trình độ phát triển của mỗi nước.
Hiệp định khung cũng hướng vào việc mở rộng và tăng cường những nỗ lực chung về hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN ở lưu vực sông Mêkông bằng việc tăng cường chương trình Hợp tác Mêkông – Sông Hằng (MGC). Chương này giúp tăng cường và xây dựng các tuyến giao thông nối Ấn Độ với Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Đông Á ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xu thế hội nhập quốc tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, Ấn Độ đã đẩy mạng hợp tác chính trị cũng như tham gia mạnh mẽ hơn vào đời sống kinh tế của khu vực.
Trên khía cạnh chính trị, bên cạnh cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ không ngừng tăng cường quan hệ với các nước Đông Bắc. Năm 1988, Thủ tướng Rajiv Gandhi thăm chính thức Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước đạt được những bước quan trọng với sự kiện hai bên ký Thoả thuận về duy trì hoà bình và an ninh dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC) năm 1993. Hàn Quốc cũng được Ấn Độ chú trọng phát triển quan hệ với chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao năm 1992 và Thủ tướng Narasimha Rao năm 1993. Quan hệ với Nhật Bản được Ấn Độ chú trọng với các chuyến thăm của Thủ tướng R. Gandhi (1985, 1988), Tổng thống Venkataraman (1989, 1990), các Bộ trưởng Ngoại giao (1992, 1995)…Đặc biệt, Ấn Độ và Nhật Bản đã có các vòng đối thoại an ninh (2001, 2004, 2005) và đối thoại quân sự (2001, 2005).
Trên khía cạnh kinh tế, tham vọng của Ấn Độ cũng được thể hiện khá rõ. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ hai năm 2003, Thủ tướng Ấn Độ A.B. Vajpayee đã đưa ra sáng kiến Cộng đồng kinh tế Châu Á (Asian Economic Community) nhằm liên kết với ASEAN 10, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 3, Thủ tướng A.B. Vajpayee đã đề nghị tổ chức một cuộc hội thảo ở Ấn Độ vào đầu năm 2005 để bàn về chủ đề này. Theo ông, các nhà hoạch định chính sách, các quan chức cấp cao và các đại diện công nghiệp cần được mời tham dự hội thảo([18]). Hai ngày 15 và 16/9/2005, tại Đài Loan, Trường Đại học Tài chính và Kinh tế Sơn Tây của Trung Quốc và Cơ quan nghiên cứu và hệ thống thông tin cho các nước phát triển của Ấn Độ (RIS) đã đồng tổ chức Hội thảo: “Xây dựng một Châu Á mới: Hướng tới một cộng đồng kinh tế Châu Á”.
Ngoài Kế hoạch hành động hỗn hợp đối tác chiến lược Ấn Độ - EU, Hiệp định đối thoại thương mại Ấn Độ - Mỹ và các hiệp định thương mại với các nước Nam Á, Ấn Độ quan tâm nhiều đến khu vực Đông Á với hàng loạt các hiệp định song phương: Hiệp định thương mại Ấn Độ - Mông cổ, Hiệp định thương mại Ấn Độ - Bắc Triều Tiên, Hiệp định thương mại Ấn Độ - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại Ấn Độ - Nhật Bản, Hiệp định thương mại Ấn Độ - Trung Quốc, Hiệp định khung Ấn Độ - ASEAN, Hiệp định khung Ấn Độ - Thái Lan, Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện Ấn Độ - Singapore…([19])
Nhờ những nỗ lực đó, thương mại giữa Ấn Độ với các nước Đông Á trong những năm qua liên tục tăng ở mức cao. Theo ước tính, tổng thương mại của Ấn Độ với Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 6 nước ASEAN phát triển hơn) tăng hơn gấp 2 lần từ khoảng 13 tỉ USD năm 1997-98 lên 27 tỉ USD năm 2003-04, bình quân mỗi năm tăng 13%.([20])
c. Thái độ của các nước Đông Á đối với Ấn Độ
Trong bối cảnh hai cực bị phá vỡ, ASEAN đã theo đuổi chính sách cân bằng ảnh hưởng giữa các nước lớn. Cùng với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đã được các nước ASEAN coi là một đối tác quan trọng. Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại từng phần của ASEAN năm 1992, Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức năm 2002 và việc Ấn Độ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ nhất năm 2005 đã thể hiện mối quan tâm của ASEAN tới đất nước Nam Á này.
Về phần mình, Nhật Bản ủng hộ sự tham gia của Ấn Độ vào các hợp tác ở Đông Á. Trong sáng kiến được Thủ tướng hai nước đưa ra năm 2005, Nhật Bản đã có “sự ủng hộ tư cách thành viên của Ấn Độ tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ nhất”([21]). Năm 2006, Nhật Bản đưa ra sáng kiến thành lập khu vực mậu dịch tự do gồm 16 nước bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Sáng kiến này “phản ánh mối quan tâm của Tokyo về khả năng của một khu vực kinh tế Đông Á mới đang được cho là sẽ nằm dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc”([22]) trong bối cảnh, Trung Quốc quan tâm về một khu vực mậu dịch tự do Đông Á dựa trên nền tảng hợp tác ASEAN+3.
Trong khi đó, Trung Quốc lại tỏ ra không mặn mà với sự tham gia ngày càng sâu của Ấn Độ vào khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung. “Ấn Độ nỗ lực để có được một hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ năm 1999. Tuy nhiên, nỗ lực này bị cản trở, đặc biệt là từ phía Trung Quốc”([23]). Do đó, mãi đến năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ lần đầu tiên mới được tổ chức. Giải thích cho quan điểm trên của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Abdul Razak Bagin thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Malaysia cho rằng: “Ấn Độ cùng Australia và New Zealand được thiết kế để làm đối trọng với Trung Quốc trong một diễn đàn (Hội nghị cấp cao Đông Á) không có sự hiện diện của Mỹ”([24]).
3. Triển vọng vai trò của Ấn Độ trong hợp tác Đông Á
Trên khía cạnh an ninh - chính trị, Ấn Độ trở thành một nhân tố mới trong hợp tác Đông Á. Điều này được bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:
Đông Á đang tồn tại những vấn đề có nguồn gốc sâu xa rất khó giải quyết, đặc biệt là mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Mâu thuẫn giữa hai nước lớn này hiện nay có nguồn gốc lịch sử nhưng được giải thích là do sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo hay “chưa thống nhất được vai trò lãnh đạo chung”([25]) trong hợp tác Đông Á. Như đã nói ở trên, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đang có những quan điểm khác nhau thì Nhật Bản lại tích cực ủng hộ sự tham gia của Ấn Độ vào khu vực Đông Á.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều nước ASEAN lo ngại về gia tăng quá nhanh ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. Sự tham gia của Ấn Độ vào nhiều cơ chế hợp tác, đặc biệt là EAS góp phần làm cân bằng mối lo ngại này([26]).
Hợp tác kinh tế có tiềm năng rất lớn đối với cả Ấn Độ lẫn các nước Đông Á. Bên cạnh nhu cầu của Ấn Độ về nguồn vốn và thị trường ở Đông Á nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, sự tham gia của cường quốc Nam Á này vào khu vực đang mở thêm những cơ hội cho toàn Đông Á. Với số dân khoảng 1,038 tỉ người([27]) (năm 2005 tăng lên 1,107 tỉ người), trong đó có tới 62,2% dân số ở trong độ tuổi từ 14 đến 64([28]), Ấn Độ đang trở thành một thị trường tiêu thụ và đầu tư rộng lớn đối với Đông Á, đặc biệt là nếu ý tưởng thành lập khu vực mậu dịch tự do 16 nước của Nhật Bản trở thành hiện thực. Khi đó, Đông Á sẽ trở thành một thị trường rộng lớn với hơn một nửa dân số thế giới.
Ngoài ra, lợi thế khác nhau của mỗi bên sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ với các nước Đông Á. Ví dụ, trong khi Đông Á có lợi thế trong ngành sản xuất phần cứng máy tính thì Ấn Độ lại là nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực phần mềm máy tính với việc thu lợi 8,5 tỉ USD xuất khẩu phần mềm và các dịch vụ liên quan niên khoá 2001-2002.([29]) Chúng ta có thể thấy rõ hơn lợi thế của mỗi bên cũng như thị trường thu hút đầu tư đầy tiềm năng của Ấn Độ qua  bảng 1 và bảng 2 dưới đây:


Bảng 1: Lợi thế so sánh về kinh tế giữa Đông Á và Ấn Độ

Lợi thế của Đông Á Lợi thế của Ấn Độ
Phần cứng IT và thiết bị điện tử Phần mềm máy tính
Công nghiệp nặng
(heavy engineering)
Công nghiệp nhẹ (light engineering)
và dược phẩm
Phát triển sản phẩm và Marketing Phát triển chế biến
Khả năng xây dựng dư thừa Nhu cầu rất lớn

Nguồn: Nagesh Kumar, Towards an Asian Economic Community: The Relevance of India, RIS Discussion Papers, RIS-DP # 34/2002, p.18.

Bảng 2: Tiềm năng thu hút đầu tư của Ấn Độ qua một số ngành

Lĩnh vực Chi tiết Đầu tư ước tính
Điện Công suất trên 83.000 MW 143 tỉ USD
Dầu mỏ và khí đốt Tăng khai thác và vận chuyển 100-150 tỉ USD
Mỏ than Khả năng khai thác trên 400 triệu tấn 18 tỉ USD
Viễn thông Thêm 82 triệu đường dẫn 53 tỉ USD
Xây dựng đường Mở rộng mạng lưới đường sá và nâng cấp 34 tỉ USD
Cảng Năng lực bốc dỡ trên 350 triệu tấn 7,3 tỉ USD
Cơ sở hạ tầng thành phố 1/ Cải thiện vệ sinh và cung cấp nước.
2/ Các hệ thống tàu điện ngầm cao tốc.
6 tỉ USD
20 tỉ USD

Nguồn: Nagesh Kumar, Towards an Asian Economic Community: The Relevance of India, RIS Discussion Papers, RIS-DP # 34/2002, p.18.


Hợp tác Đông Á sẽ là một tiến trình lâu dài, phức tạp vì nó không chỉ liên quan đến các nước thuộc khu vực mà còn gắn liền với lợi ích của các cường quốc, những tổ chức hợp tác lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nga, EU, Australia, Ấn Độ. Về phần mình, tuy không phải là một nước ở Đông Á nhưng Ấn Độ thể hiện rõ tham vọng trở thành một thành viên của tiến trình hợp tác đang trong quá trình được xây dựng này.

VÕ XUÂN VINH
(Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Khánh, Môi trường Địa-chính tr Đông-Nam Á vi hi nhp Vit Nam-ASEAN, Tạp chí Cộng sản số 16, tháng 8/2006.
2. P.V. Narasimha Rao, India and The Asia-Pacific: Forging a New Relationship, Institute of Southeast Asian Studies, 1994.
3. ADB, Key Indicators of Developing Asian and Pacific Countries, 2006.
4. Prakash Nanda, Rediscovering Asia: Revolution of India’s Look-East Policy, 5. New Delhi: Lancer Publishers & Distributors, 2003.



([1]) Chính sách hướng Đông của Ấn Độ ra đời vào đầu những năm 1990. Chính sách này hướng tới một khu vực rộng lớn Châu Á - Thái Bình Dương. Xem thêm Prakash Nanda, Rediscovering Asia: Evolution of India’s Look – East Policy, - New Delhi, Lancers Publishers & Distributors, 2003.
([2]) Nguyễn Thu Mỹ, Xây dựng Cộng đồng Á thành tựu và những vấn đề đặt ra, Hội thảo quốc tế Đông Á học lần thứ tư “Hướng tới Cộng đồng Đông Á thách thức và triển vọng”, 2006, tr. 32.
([3]) Nguyễn Thu Mỹ, tài liệu đã dẫn, tr. 33.
([4]) Dẫn theo Dipankar Banerjee, “India and Southeast Asia in the Twenty-first century” in Maj Gen Dipankar Banerjee (ed), Towards an Era of Cooperation: An Indo-Australian Dialoge, New Delhi: IDSA, 1995, p. 188.
([5]) Xem Võ Xuân Vinh, Chính sách hướng Đông của Ấn Độ: Các nguyên nhân hình thành, Nghiên cứu Đông Nam Á số 3/2005, tr. 67.
([6]) Amitabh Matto, ASEAN in India’s Foreign Policy” in India and ASEAN: The Politics of India’s Look East Policy, Frederic Grare and Amitabh Mattoo (eds), New Delhi: Centre de Sciences Humaines, 2001, pp.104-105.
([7]) Prakash Nanda, Rediscovering Asia: Evolution of India’s Look East Policy, New Delhi: Lancer Publishers & Distributors, 2003, p.634.
([8]) Xem Prakash Nanda, ibid, p.632.
([9]) Phạm Cao Cường, Hoa Kỳ và Hợp tác Đông Á, Châu Mỹ ngày nay, số 06-2006, tr.22.
([10]) Phạm Cao Cường, tài liệu đã dẫn, tr.22.
([11]) Ministry of Commerce & Industry of India, Export by Regions and Countries: April-March 2005-2006, http://www.commerce.nic.in (last accessed August 25, 2006).
([12]) Ministry of Commerce & Industry of India, Import by Regions and Countries: April-March 2005-2006, http://www.commerce.nic.in (last accessed August 25, 2006).
([13]) Prakash Nanda, ibid, p.31.
([14]) P.V. Narasimha Rao, India and The Asia-Pacific: Forging a New Relationship, Institute of Southeast Asian Studies, 1994, p.16.
([15]) ASEAN Secretariat, ASEAN Statistical Yearbook, 2005, p.70-73.
([16]) ASEAN Secretariat, Sđd, p.160-161.
([17]) Triệu Hồng, Quan hệ hợp tác Ấn Độ - ASEAN, trong TTXVN, Các vấn đề quốc tế tháng 7/2006, tr.17.
([18]) Ministry of Foreign Affairs of India, http://www.meaindia.nic.in (last accessed August 30, 2006).
([19]) Department of Commerce, Government of India, http://www.commerce.nic.in (last accessed September 5, 2006).
([20]) Mukul G. Asher and Rahul Sen, India-East Asia Integration: A Win-Win For Asia, RIS Discussion Papers, RIS-DP # 91/2005, p.6.
([21]) Eight-fold Initiative for Strengthening Japan-India Global Partnership, http://www.mofa.gp.jp/region/asia-paci/india/partner0504html.
([22]) China moving ahead of Japan, http://www.bilaterals.org/article.php3?id_article=5909.
([23]) Prakash Nanda, Rediscovering Asia: Revolution of India’s Look-East Policy, - New Delhi: Lancer Publishers & Distributors, 2003.
([24]) M.R. Josse, Counterbalancing China - East Asian Summit Begins, http://newsblaze.com/story/20051214063915nnnn.nb/topstory.html
([25]) Yeo Lay Hwee, Realism and Reactive Regionalism: Where is East Asian Regionalism heading?, UNISCI Discussion Papers, May 2005, p.13.
([26]) Xem thêm Trần Khánh, Môi trường Địa-chính trị Đông-Nam Á với hội nhập Việt Nam-ASEAN, Tạp chí Cộng sản số 16, tháng 8/2006, tr. 66.
([27]) ADB, Key Indicators of Developing Asian and Pacific Countries, 2006, p.203.
([28]) http://www.insidecountryinfo.com/html/india_information.html#geography
([29]) Nagesh Kumar, Towards an Asian Economic Community: The Relevance of India, RIS Discussion Papers, RIS-DP # 34/2002, p.17.

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5, 2007