Mỹ mất dần ảnh hưởng ở Mỹ Latinh
Khu vực Mỹ Latinh từng được coi là
"sân sau" của Mỹ, nơi Washington dễ gây được ảnh hưởng và đã từng có ảnh
hưởng lớn. Ngày nay, tình hình đang đổi khác liên quan tới sự suy giảm
vị thế toàn diện về kinh tế, chính trị và quân sự của Mỹ. Ngay tại sân
sau của Mỹ, làn sóng cải cách xã hội và đổi mới ở Mỹ Latinh đang tạo ra
mô hình có thể thay thế "mô hình Mỹ" mà Washington đang định áp đặt tại
khu vực này. Các nước Mỹ latinh đã vươn lên, khẳng định vai trò độc lập
của mình qua việc thành lập Liên minh Bolivar dành cho châu Mỹ (ALBA),
Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh
và Caribê không bao gồm Hoa Kỳ và Canada (được nhìn nhận là có thể sẽ
thay thế Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) vốn do Mỹ chi phối). Việc các
nước Mỹ Latinh thành lập các tổ chức mới nhằm xây dựng các mối quan hệ
thương mại, kinh tế và chính trị bớt phụ thuộc vào Mỹ chứng tỏ ảnh hưởng
của Washington ở khu vực này đang giảm dần. Sau gần 14 tháng cầm quyền,
chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng chưa đưa ra được chiến
lược mới đối với Mỹ Latinh. Những kỳ vọng ban đầu về cách tiếp cận đa
phương khá mềm dẻo của ông Obama đối với Mỹ Latinh đã tan biến vì lời
nói không đi đôi với việc làm của Washington.
Trong khi ảnh hưởng của Mỹ đang suy
giảm rõ rệt ở Mỹ Latinh, thì ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc đang mạnh
dần lên trông thấy. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định, lúc này
là thời điểm thích hợp để Nga khôi phục "quan hệ đặc biệt" với các nước
Mỹ Latinh mà Nga vốn có mối bang giao mật thiết thời Liên Xô trước đây.
Còn Thủ tướng Nga V.Putin cũng từng khẳng định, xây dựng quan hệ với Mỹ
Latinh là ưu tiên hàng đầu của Nga. Mátxcơva phát triển quan hệ với Mỹ
Latinh trong ba lĩnh vực được xem là then chốt hiện nay là dầu khí, vũ
khí, năng lượng hạt nhân. Nga tăng cường quan hệ với nhiều nước Mỹ La
tinh, trong đó không chỉ gồm những nước cánh tả cấp tiến như Venezuela,
Bolivia, Nicaragua, Uruguay mà cả các nước có tư tưởng ôn hòa như
Brazil, Chile hay nước có quan hệ liên minh thân thiết với Mỹ như
Colombia.
Cùng với Nga, Trung Quốc đang mạnh mẽ
tiến vào "sân sau của Mỹ", tuy không cạnh tranh với Washington về mặt
chính trị và quân sự, nhưng đang có ảnh hưởng kinh tế rất lớn. Sách
Trắng về Mỹ Latinh và Caribe được Trung Quốc công bố gần đây đã nêu rõ
mối quan hệ giữa Bắc Kinh với khu vực này là nhằm mở rộng hơn nữa sự hợp
tác với mỗi quốc gia trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau trong các lĩnh vực
trao đổi thương mại, năng lượng và khoáng sản. Trung Quốc đã ký hiệp
định tự do thương mại với Chile, Peru, đang đàm phán với Costa Rica.
Nhìn chung, các mối quan hệ chính trị,
quân sự, văn hóa và kinh tế của Trung Quốc và Nga với Mỹ Latinh tuy
tăng lên song vẫn chưa thể sánh được với ảnh hưởng của Mỹ, nên trong
tương lai gần, ảnh hưởng của hai cường quốc này chưa thể trở thành đối
trọng chính trị đối với ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này.
Châu Âu với “tam giác chiến lược"
Vẫn như thời Chiến tranh lạnh, châu Âu
đang nằm trong vòng xoáy tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn. Nhưng
lần này ngoài Mỹ và Nga còn có Trung Quốc và một số nước khác. Mỹ vẫn
tìm mọi cách tiếp tục mở rộng NATO và lấy đó làm công cụ hạn chế ảnh
hưởng của Nga ở châu Âu. Hai cuộc "chiến tranh nóng" gắn với châu lục
này trong hơn thập kỷ qua thực chất là xuất phát từ chiến lược tranh
giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga trong không gian địa-chính trị ở châu Âu.
Chiến tranh Kosovo nhằm vào Serbia, một quốc gia nằm trong vành đai
"động đất địa - chính trị" kéo dài từ Balkan, qua vùng Caucasus thuộc
Nga, đến Trung Á, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. Còn chiến tranh ở Nam
Osetia thực chất vẫn là cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga ở Nam
Caucasus. Ở châu Âu còn có Ukraine, khâu then chốt trong chiến lược của
Mỹ và NATO nhằm loại trừ ảnh hưởng của Nga ra khỏi châu Âu. Tuy nhiên,
tham vọng của Mỹ khó có thể đạt được một khi bản thân NATO tuy đã mở
rộng hơn so với thời kỳ Chiến tranh lạnh nhưng đang trải qua giai đoạn
khủng hoảng về mục tiêu chiến lược và phương tiện để đạt mục tiêu đó.
Trong khi đó, Nga đang lấy lại ảnh hưởng cả về kinh tế và quân sự ở châu
Âu. Thất bại của chính quyền V. Yushchenko sau cách mạng Cam ở Ukraine
và sự bế tắc về chính trị của M. Sakashvili sau “Cách mạng hoa hồng" ở
Gruzia chứng tỏ ảnh hưởng của Mỹ không còn "áp đảo" trong không gian hậu
Xô-viết trong bối cảnh thế và lực của Nga đang lớn dần lên ở châu Âu.
Các nước châu Âu ngày càng nhận thấy họ không thể thiếu vai trò của Nga
trong đời sống kinh tế và chính trị ở châu lục này. Còn Trung Quốc cũng
đang mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị ở châu Âu, đặc biệt là về
kinh tế, cạnh tranh với Mỹ và Nga trong quá trình vận động không ngừng
nhằm tranh giành ảnh hưởng trên toàn bộ lục địa Á-Âu.
Trung Đông thêm “người chơi”
Đối với Mỹ, Trung Đông là mục tiêu
chiến lược số 1 trọng cuộc tranh giành ảnh hưởng sau Chiến tranh lạnh.
Cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1991) và cuộc chiến tranh Iraq (2003) thực
chất là những cuộc chiến xuất phát từ sự tranh giành ảnh hưởng về
địa-chính trị. Tuy nhiên, thất bại và sa lầy trong cuộc chiến tranh Iraq
cùng với sự bế tắc của Washington trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân
của Iran đã làm tiêu tan sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ, đưa chiến lược
Trung Đông của Washington lâm vào khủng hoảng. Iran là tâm điểm tranh
giành ảnh hưởng địa-chính trị giữa Mỹ và Nga, Trung Quốc và các nước
khác.
Đối với Nga, việc họ trở lại hiện diện
về kinh tế, chính trị và quân sự ở Trung Đông, một khu vực mà Liên Xô
trước đây đã từng có ảnh hưởng rất lớn, là yếu tố quan trọng góp phần
tái lập sự cân bằng chiến lược về an ninh và ổn định trong khu vực, là
cơ hội để tăng cường thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông đang bế
tắc. Nga không coi Hamas và Hezbollah là các tổ chức khủng bố và đây là
điểm khác biệt lớn giữa Nga với phương Tây trong cách tiếp cận tình hình
Trung Đông. Iran được Nga coi là một quốc gia then chốt để phát triển
ảnh hưởng ở Trung Đông và hạn chế ảnh hưởng của các nước khác ở khu vực
này. Trung Quốc cũng đang chủ động tham gia ngày càng nhiều hơn vào công
việc của khu vực trong bối cảnh uy tín và ảnh hưởng của Mỹ tại đây đang
trên đà suy giảm. Với chiến lược đó, Bắc Kinh đã gặt hái được nhiều
thành công ở khu vực này, cả về kinh tế, quân sự và chính trị. Đối với
Trung Quốc, việc duy trì hòa bình và ổn định ở Trung Đông có ý nghĩa rất
quan trọng đối với chủ trương mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của
họ, đồng thời duy trì nguồn cung cấp năng lượng từ khu vực này.
Châu Phi đang bị “xâu xé"
Các nước lớn đặc biệt quan tâm tới
Châu Phi bởi sức hấp dẫn quá lớn của tài nguyên thiên nhiên ở lục địa
này. Vì thế, Châu Phi đã rơi vào tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng giữa các
nước Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và một số quốc gia khác,
trong đó Mỹ thể hiện rất rõ vai trò và ý định của họ đứng ra "phân vai"
cho các quốc gia khác trong cuộc chinh phục và kiểm soát châu lục này.
Đối với Mỹ, bề ngoài, Washington tuyên bố chính sách của họ nhằm góp
phần "giảm căng thẳng xung đột" và giải quyết "các vấn đề mang tính nhân
đạo" như "chống tham nhũng và bệnh tật" và "ngăn chặn sự bùng nổ tệ
phân biệt chủng tộc" v.v. nhưng mục đích của Mỹ là nhằm kiểm soát nguồn
dầu mỏ của châu lục này. Mỹ là quốc gia duy nhất thành lập Bộ Tư lệnh
đặc trách châu Phi nhằm bảo đảm an toàn và hiệu quả cho sự "hợp tác"
giữa Washington với các nước ở vùng đất giàu tài nguyên nhưng lắm xung
đột này.
Đối với Trung Quốc, khác với Mỹ, họ
đang phát huy ảnh hưởng theo kiểu "mạnh vì gạo bạo vì tiền" ở châu Phi,
bởi châu lục này nằm trong chiến lược "mở rộng không gian phát triển"
trong nhiều thập kỷ của Bắc Kinh. Năm 2010, Trung Quốc trở thành đối tác
kinh tế thương mại chiếm ưu thế ở Châu Phi, được nhìn nhận là sẽ dần
đẩy lùi các đối tác truyền thống như Mỹ, Anh và Pháp ra khỏi "lục địa
đen". Đối với Nga, tuy là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế
giới, ẩn chứa trong đó gần như tất các loại tài nguyên thiên nhiên có
mặt trên Trái Đất, nhưng gần đây họ chợt nhận ra, tài nguyên thiên nhiên
trong nước không chỉ có hạn mà còn là thứ "vũ khí" trong cuộc tranh
giành ảnh hưởng địa-chính trị trên thế giới. Vì thế, trong Chiến lược an
ninh quốc gia mới đến năm 2020 và trong chính sách đối ngoại, Nga bắt
đầu chú ý bảo vệ lợi ích quốc gia bên ngoài lãnh thổ của Nga, trong đó
có Châu Phi. Ấn Độ cũng đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Châu Phi
thông qua khuyến khích quan hệ đối tác công bằng. Vì vậy, Ấn Độ không
chỉ là nước nhập khẩu nguyên liệu từ Châu Phi, mà còn là nhà cung cấp
dịch vụ hàng đầu.
Nhận xét chung về ảnh hưởng của các
nước lớn ở châu Phi, có thể thấy, Mỹ có ảnh hưởng lớn về quân sự, ít hấp
dẫn về kinh tế và văn hóa. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn về kinh tế, còn
mờ nhạt về quân sự. Nga đang khôi phục ảnh hưởng về quân sự và tăng
cường ảnh hưởng về kinh tế.
Bắc Cực “nóng” lên
Bắc Cực bao gồm các vùng phía Bắc lục
địa Á-Âu và Bắc-Mỹ và gần như toàn bộ khu vực Bắc Băng Dương với tổng
diện tích gần gấp 3 lần diện tích Châu Âu, chứa tới 1/4 tiềm năng dầu mỏ
và khí đốt của thế giới. Bắc Cực còn có nguồn dự trữ cá lớn hàng đầu
thế giới, có các tuyến giao thông đường biển đóng vai trò cực kỳ quan
trọng trong vận tải xuyên quốc gia. Vì thế, gần đây Bắc Cực đang chứng
kiến sự tan băng không chỉ do Trái Đất nóng lên, mà còn do sức nóng của
"cạnh tranh lạnh" tuy âm thầm nhưng khá gay gắt giữa Mỹ, Nga, Canada,
Đan Mạch, Na Uy, thậm chí cả Trung Quốc. Trong đó, Nga là quốc gia đầu
tiên chủ động vào cuộc trước sự chống đối mạnh mẽ từ phía các quốc gia
khác. Mỗi nước có một thế mạnh khác nhau về pháp lý, sức mạnh quân sự và
công nghệ. Thắng lợi cuối cùng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Bắc
Cực sẽ được quyết định không chỉ bởi ý chí chính trị mà còn bởi sự hiện
diện về kinh tế-quân sự, bởi khả năng đầu tư và công nghệ để có thể khai
thác một cách đầy đủ tài nguyên tại khu vực này. Vì thế, Bắc Cực có thể
sẽ là chiến trường của các cuộc tranh chấp lớn trong thế kỷ XXI.
Bàn cờ Trung á và Đông Nam Á
Sau Chiến tranh lạnh, ảnh hưởng của
Nga giảm mạnh ở Đông Nam Á, còn Mỹ gần như "sao nhãng" với khu vực này
mà tập trung vào khai thác "thành quả" sau khi Liên Xô sụp đổ và tăng
cường ảnh hưởng ở Trung Đông. Tình hình này tạo cơ hội cho Bắc Kinh tăng
cường ảnh hưởng tại Đông Nam Á vốn là khu vực Trung Quốc có nhiều lợi
thế hơn hẳn các nước khác trong quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá và
quân sự. Vậy nên, Đông Nam Á được ví như "sân sau" của Trung Quốc giống
như khu vực Mỹ Latinh đối với Mỹ. Trong khi ảnh hưởng của Mỹ đang suy
yếu dần ở Mỹ Latinh thì ngược lại, Trung Quốc đang phát huy ảnh hưởng
toàn diện mạnh mẽ chưa từng thấy ở Đông Nam Á. Trung Quốc đã từng đề
xuất các cơ chế và diễn đàn an ninh không có sự hiện diện của Mỹ, tạo
điều kiện cho Bắc Kinh hạn chế ảnh hưởng của Washington ở Châu Á nói
chung và Đông Nam Á nói riêng. So với tất cả các thế lực khác từ bên
ngoài khu vực, Trung Quốc hiện là quốc gia năng động nhất và có ảnh
hưởng nhiều mặt nhất đối với khu vực Đông Nam Á. Ngoài Trung Quốc và Mỹ,
Nga, Ấn Độ và Nhật Bản đều đang tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á, chủ
yếu về kinh tế và chính trị. Với chủ trương trở lại Đông Nam Á của Mỹ và
Nga, khu vực này sẽ chứng kiến sự tranh giành ảnh hưởng của các nước
lớn nhưng với thế mạnh riêng của mỗi nước, nên cán cân ảnh hưởng sẽ chưa
thể ổn định trong những năm tới.
Có lẽ, không có một khu vực nào trên
Trái Đất chứng kiến sự va chạm và cọ xát ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ
giữa các cường quốc thế giới như Trung Á, trước hết là "tứ hổ" tranh
hùng, gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Với cuộc chiến tranh
Afghanistan, Mỹ muốn tạo ra "đột phá khẩu" vào Trung Á, nhưng sau những
thất bại và bị sa lầy tại đây, tham vọng của Mỹ gần như đã tiêu tan.
Trong khi đó, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đang từng bước tăng cường ảnh
hưởng và vị thế của họ. Tổ chức hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc đưa ra
sáng kiến thành lập, là bước đi đầu tiên của Bắc Kinh trong chiến lược
mở "con đường tơ lụa mới" vào khu vực Trung Á. Vì thế, sự thành bại của
Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan sẽ là câu trả lời khá rõ ràng cho cục
diện bàn cờ lớn ở Trung Á trong thế kỷ 21.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến"
Cục diện ảnh hưởng giữa các lớn trên
thế giới hiện nay có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới Việt Nam bởi
chúng ta chủ trương Việt Nam là bạn với tất cả các nước. Vì thế, cách
ứng xử của Việt Nam trong một thế giới đang "vạn biến" như hiện nay là
kế thừa sách lược ngoại giao "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Hồ Chí Minh,
lấy cái “bất biến” là dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, trong đó đặc
biệt coi trọng lợi ích quốc gia - dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời
đại, để ứng phó với “vạn biến trong một thế giới đa cực đang vận động
và biến đổi không ngừng.
Lê Minh Quang (http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2010/6/76484982491FEADD)
|