Trong thế giới sau Chiến tranh lạnh, đồng thời với sự phát triển của
xu thế toàn cầu hoá là xu thế khu vực hoá. Chủ nghĩa khu vực là sự thoả
hiệp giữa chủ nghĩa quốc gia dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu cả về địa
chính trị và địa kinh tế.
Nói đến chủ nghĩa khu vực là nói đến nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế
và an ninh từ ba nước trở lên trong một khu vực có giới hạn nhất định về
địa lý và tuân theo những nguyên tắc chung. Xuất phát từ những đặc thù
của khu vực Đông Á các nguyên tắc này có thể được gọi là “chủ nghĩa khu
vực mở” đối với hợp tác kinh tế và “chủ nghĩa khu vực mềm” đối với hợp
tác an ninh chính trị.
Khu vực Đông Á đang nổi lên là Trung tâm kinh tế và an ninh của thế
giới. Đây là khu vực năng động nhất thế giới khi Trung Quốc, Nhật Bản,
Mỹ, Nga, Ấn Độ và nhiều nước khác đang cạnh tranh về kinh tế và chiến
lược. Thành công của khu vực này sẽ có tác động quyết định đến sự thịnh
vượng và an ninh toàn cầu.*
Cũng cần lưu ý rằng, với tư cách là khu vực an ninh và kinh tế, Đông Á
rất khác về nhiều khía cạnh với Châu Âu, Đại Tây Dương, nơi chủ nghĩa
khu vực được cho là thành công nhất. Trước hết Đông Á đa dạng và nhiều
cung bậc về lịch sử văn hoá, kinh tế, chính trị và nhận thức về mối đe
doạ. Do những khác biệt này nhất là vẫn tồn tại kết cấu quân sự chính
trị thời chiến tranh lạnh ở Đông Bắc Á, ý thức về chủ nghĩa khu vực
tương đối chậm so với Châu Âu và Châu Mỹ, nhưng lại phát triển nhanh
chóng mấy năm gần đây.
1) Hiện trạng hợp tác an ninh khu vực Đông Á
Thời gian gần đây tình hình an ninh khu vực Đông Á thể hiện ở mấy đặc điểm chủ yếu sau:
1.1. Bất chấp những nỗ lực kiềm chế của Mỹ, cục diện hình thành nhiều trung tâm quyền lực mới ở khu vực ngày càng bộc lộ rõ.
Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, quan hệ giữa các quốc gia chủ
yếu ở khu vực Đông Á đã có sự điều chỉnh, hình thành cục diện hợp tác và
kiềm chế lẫn nhau ở thế không cân bằng và biến động, xu thế đa cực hoá
ngày càng phát triển. Về các mặt kinh tế, quân sự, Mỹ tuy bị suy giảm rõ
rệt uy thế sau chiến tranh I-rắc, vẫn là một siêu cường duy nhất còn
lại, tìm cách kiềm chế đối thủ tiềm tàng và kéo dài mãi địa vị siêu
cường độc tôn của mình. Thực lực của Nga đã giảm sút, đang từng bước hồi
phục, nhưng tiềm lực chính trị, quân sự, tài nguyên vẫn còn rất mạnh và
là cường quốc duy nhất có thể đối kháng hạt nhân với Mỹ. Nhật Bản là
cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, đang mưu cầu địa vị chính trị nước
lớn, ra sức phát huy vai trò chính trị, an ninh của nhà nước “bình
thường” trong khu vực và thế giới. Trung Quốc và gần đây cả Ấn Độ đang
trỗi dậy mạnh mẽ trong hoà bình, địa vị quốc tế được nâng cao rõ rệt, có
ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của Đông Á và thế giới. ASEAN là
một lực lượng chính trị khu vực mới nổi dậy và phát triển nhanh chóng
thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của
ASEAN không ngừng mở rộng. Xuất phát từ lợi ích của bản thân, đồng thời
với việc tìm kiếm vai trò chủ đạo hợp tác kinh tế và an ninh khu vực,
duy trì sự cân bằng lực lượng và mối quan hệ giữa các nước lớn, ASEAN
cũng đòi hỏi sự bình đẳng giữa các nước lớn và nhỏ. Từ đó hành động của
ASEAN có tác dụng kiềm chế nhất định chủ nghĩa bá quyền của các nước lớn
trong khu vực.
Hiện nay, lực lượng của các nước lớn đang hội tụ ở Châu Á - Thái Bình
Dương trong đó ảnh hưởng lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Ba
nước này hợp thành tam giác thực tế, cạnh Mỹ - Nhật là trục chính, cạnh
Mỹ - Trung và Nhật - Trung không cân bằng, không ổn định. Xử lý tốt quan
hệ tam giác Mỹ – Trung Quốc – Nhật Bản sao cho 3 cạnh được tương đối
cân bằng, điều đó có liên quan đến hoà bình, ổn định và phát triển của
khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và thế giới.Trong quan hệ giữa các nước
lớn và ASEAN, tam giác Trung – Nhật – ASEAN là động lực của sự hợp tác,
liên kết, nhất thể hoá kinh tế, an ninh ... khu vực Đông Á. Mấy năm gần
đây, quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ – Nhật được tăng cường mạnh mẽ lên
cấp độ khu vực và toàn cầu, quan hệ Nhật – Trung về chính trị xấu đi rõ
rệt, ảnh hưởng nhất định tới tiến độ thực hiện các kế hoạch hội nhập
kinh tế chính trị khu vực Đông Bắc Á và cả Đông Á. Ngược lại quan hệ
hợp tác chiến lược Trung Nga cùng với Tổ chức Thượng Hải SCO (4 nước
Trung Á và Trung Quốc, Nga) tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ Quan hệ Mỹ –
Ấn Độ, Trung Quốc – Ấn Độ, Trung Quốc – Hàn Quốc được cải thiện, đi vào
hợp tác và cạnh tranh chiến lược.
Trong bối cảnh các nước lớn trong khu vực gia tăng cạnh tranh giành
vai trò dẫn đầu, chủ đạo công việc của khu vực, ASEAN từ 5 nước lúc khởi
đầu mở rộng thành 10 nước nhỏ và trung bình, có vai trò đặc thù trong
việc tác động đến thế cân bằng giữa các nước lớn và với chính sách linh
hoạt, mềm dẻo đã được các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
chấp nhận là “động lực” chính (primary driving force) điều hoà các hoạt
động liên kết hợp tác kinh tế, an ninh, chính trị toàn khu vực Châu Á -
Thái Bình Dương.
1. 2. Các cuộc tranh chấp, các điểm nóng trong khu vực từng lúc diễn biến rất phức tạp, căng thẳng, có xu thế đi vào hoà hoãn.
Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nhìn chung khu vực Đông Á chưa
xảy ra chiến tranh cục bộ lớn giữa các nước, nhưng còn nhiều vấn đề lớn
tồn tại trong khu vực như các điểm tranh chấp về lãnh thổ, biển đảo, dân
tộc tôn giáo, mối hoài nghi, thiếu tin tưởng lẫn nhau do lịch sử để
lại. Bên cạnh các vấn đề an ninh truyền thống trên còn tồn tại xen kẽ
những vấn đề an ninh phi truyền thống hiện thực phức tạp. Hiện nay còn
có 4 vấn đề lớn, “họa tiềm ẩn” về an ninh có thể phá vỡ sự ổn định của
khu vực.
Một là kết cấu quân sự chính trị thời chiến tranh lạnh vẫn tồn tại ở
Đông Bắc Á như sự chia cắt ở bán đảo Triều Tiên kéo theo sự triển khai
quân sự đối kháng trong khu vực, vấn đề hạt nhân nổi bật của CHDCND
Triều Tiên, vấn đề 4 hòn đảo phía Bắc Nhật Bản, vấn đề Đài Loan thuộc
Trung Quốc, nếu xử lý không tốt sẽ dẫn tới tình trạng quan hệ quốc tế
trong khu vực trở nên căng thẳng hơn, thậm chí bị cuốn hút vào xung đột
quốc tế qui mô lớn.
Vấn đề thứ hai là tranh chấp lãnh thổ khu vực như quần đảo Hoàng Sa,
Tây Sa, Paracels, Trường Sa, Nam Sa, Spratlys ở biển Đông, đảo Điếu
Ngư/Sencaku biển Hoa Đông, đảo Dokdo,Takeshima biển Nhật Bản. Gần đây
việc phát hiện nhiều tiềm năng dầu mỏ và khí đốt, ngư trường, hội tụ
nhiều đường giao thông chiến lược trên biển và nhiều vùng biển chưa được
phân định rõ ràng đã làm cho cuộc tranh chấp các đảo vùng biển trở nên
phức tạp, căng thẳng quyết liệt hơn. Do những tranh chấp trên và các mâu
thuẫn khác, quan hệ giữa Nhật Bản – Hàn Quốc trở nên lạnh giá, và quan
hệ Nhật Bản – Trung Quốc tụt xuống mức thấp nhất kể từ sau khi hai nước
bình thường hoá quan hệ từ năm 1972,hiện các nước này đang nỗ lực tháo
gỡ.
Vấn đề thứ ba là các mối đe doạ an ninh phi truyền thống như khủng bố
quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh trên biển, ô nhiễm môi
trường, thảm họa do thiên tai, bệnh dịch truyền nhiễm, nạn buôn người…
đòi hỏi sự hợp tác toàn khu vực và quốc tế mới từng bước giải quyết
được.
Vấn đề thứ tư là sự phát triển kinh tế, chính trị, quân sự không đồng
đều, không cân đối trong từng nước và giữa các nước trong khu vực có
thể dẫn tới khủng hoảng tài chính kinh tế, rối loạn chính trị, xã hội
hay quan trọng hơn làm phá vỡ thế cân bằng chiến lược hoặc nguyên hiện
trạng (status quo) của khu vực.
1.3. Đối thoại và hợp tác an ninh, chính trị tiếp tục phát triển rộng lớn và bước đầu đi vào thực chất.
Sau chiến tranh lạnh, nhất là từ cuối những năm 90 thế kỷ XX đến nay,
khu vực Đông Á đã có hoà bình tương đối ổn định hiếm thấy trong lịch sử
cận đại. Hoà bình, hợp tác và phát triển đã trở thành xu thế chủ yếu
của khu vực. Bắt đầu từ hội nghị thượng đỉnh không chính thức APEC họp
tại Xi-tơn tháng 11/1993, “tuyên bố Bô-go” của APEC tháng 11/1994 đã
khởi động tiến trình tự do hoá mậu dịch và đầu tư khu vực. Thông qua
nhiều diễn đàn và hội nghị như Hội nghị ngoại trưởng ASEAN hàng năm, Hội
nghị sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN với các nước ngoài khu vực và
Diễn đàn khu vực ASEAN ARF và các Hội nghị ASEAN +1, ASEAN +3, Hội nghị
thượng đỉnh Đông Á, Tổ chức SCO... các nước trong khu vực đã từng bước
triển khai hợp tác về chính trị, an ninh và kinh tế. Những sự hợp tác
này đã phát huy tác dụng quan trọng trong việc tăng cường lòng tin và
giảm mâu thuẫn chính trị giữa các nước trong khu vực. Trong xu thế chung
đó, một số vấn đề an ninh về cơ bản được hoà hoãn và khống chế.
Việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải đã và đang trở thành
vấn đề cấp bách sau khi Công ước LHQ về luật biển quốc tế có hiệu lực từ
năm 1994. Các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại các vùng biển Đông Bắc Á
hiện đang nổi cộm lên giữa Trung Quốc - Nhật Bản và Hàn Quốc – Nhật Bản
tiếp tục gây rắc rối, căng thẳng. Hầu hết lãnh thổ tranh chấp là các đảo
nhỏ, phần lớn không có dân cư, đảo san hô và bãi đá ngầm. Nhưng số đảo
này ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước tranh chấp, vì đây là
chìa khoá kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá như các ngư
trường, dầu mỏ, khí đốt, vùng biển và đáy biển bao quanh hoặc khống chế
đường giao thông chiến lược. Nếu không được giải quyết một cách thoả
đáng, các cuộc xung đột này có thể làm chậm lại sự hợp tác về nhiều vấn
đề còn quan trọng hơn đối với nhân dân các nước trong khu vực. Các nước
liên quan nên nghiêm túc khẳng định cam kết giải quyết tất cả các cuộc
tranh chấp một cách hoà bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực
và đảm bảo tự do hàng hải. Mặt khác họ cần bày tỏ thiện chí mở thương
lượng để tìm giải pháp, ủng hộ các cuộc đối thoại bổ ích giống như một
diễn đàn Inđônêxia đỡ đầu trước đây, thu hút 6 nước tranh chấp quần đảo
Trường Sa đối thoại xây dựng với nhau hoặc theo gương tự nguyện của
Inđônêxia, Malaixia và Xingapo đưa một số tranh chấp hải đảo ra Toà án
quốc tế (10/1996).
2. Tiến tới Cộng Đồng Đông Á: lựa chọn mô thức hợp tác chính trị, an ninh – thách thức và triển vọng.
Đông Á là hệ thống quốc tế có nét đặc thù khu vực riêng. Thời kỳ
chiến tranh lạnh, mô thức cơ bản của cấu trúc an ninh Đông Á là liên
minh quân sự song phương mang tính đối kháng quyết liệt do Mỹ và Liên Xô
dẫn đầu. Sau chiến tranh lạnh, hướng Đông Bắc Á kết cấu chiến tranh
lạnh về cơ bản vẫn tồn tại, tạo ra môi trường an ninh khu vực khó khăn
phức tạp, từng lúc đối đầu căng thẳng.
Ở hướng Đông Nam Á, kết cấu chiến tranh lạnh bị tan vỡ, không còn hệ
thống căn cứ, lực lượng lớn của 2 siêu cường (khối SEATO bị giải thể,
liên minh theo Hiệp ước cũ Mỹ với Philíppin và Thái Lan vẫn còn nhưng đã
phai nhạt), ASEAN phát triển bao trùm toàn bộ Đông Nam Á, môi trường an
ninh khu vực từ “chiến trường chuyển sang thị trường”.
Trước bối cảnh quốc tế và khu vực mới, phần lớn các nước trong khu
vực trước hết là ASEAN nảy sinh thay đổi ý thức, tư duy an ninh và trên
cơ sở đó đưa ra chiến lược an ninh mới. Trong lý luận an ninh mới, ASEAN
nhấn mạnh quan niệm an ninh tổng hợp (comprehensive security), an ninh
hợp tác (cooperative security) và an ninh chung (common security). Khái
niệm an ninh tổng hợp không phải do ASEAN nêu ra đầu tiên, mà nó bắt
nguồn từ phương Tây, nhưng cho tới tận những năm 60 thế kỷ trước vẫn
chưa được chú trọng đầy đủ. Sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ những
năm 70 thế kỷ XX, một số nước phát triển nhất là Nhật Bản đã đưa ra vận
dụng vào chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại. Quan niệm
an ninh tổng hợp của ASEAN bao quát ba điểm chính: mục tiêu là sự ổn
định chính trị trong nước và phát triển kinh tế – xã hội; thúc đẩy đoàn
kết các dân tộc và liên kết xã hội; và xây dựng lực lượng quân sự cân
bằng giữa ba quân chủng và mặc dù quân sự cũng đóng một vai trò quan
trọng trong quá trình này, nhưng chính sách chính trị kinh tế xã hội
còn quan trọng hơn. Phương án an ninh tổng hợp hay an ninh toàn diện của
ASEAN có 3 mức: quốc gia, giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN và các nước
còn lại của khu vực. Về quan niệm an ninh hợp tác nhấn mạnh việc cùng
tham dự và giải quyết tranh chấp có lợi cho tất cả các quốc gia, cùng
phồn vinh, phản đối một phía nào đó liên kết với nước khác gây áp lực,
duy trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hiệp thương hoà bình, nhất
trí bình đẳng cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ nước
khác, cùng tiến lên tuần tự phù hợp với trình độ và nguyện vọng của các
nước tham dự.
2.1. Mô thức an ninh Đông Á: hợp tác, mâu thuẫn và hạn chế.
Sau chiến tranh lạnh, Đông Á đã xuất hiện cục diện cùng tồn tại nhiều
mô thức của cơ cấu an ninh. Trong việc bảo đảm an ninh Đông Á hiện nay
mô thức an ninh truyền thống lấy liên minh chính trị quân sự mang tính
đối kháng làm hình thức chủ yếu vẫn chiếm địa vị chủ đạo. Trong khi đó
mô thức an ninh hợp tác lấy Diễn đàn Khu vực ASEAN ARF làm chủ đạo đã
thể hiện rõ triển vọng phát triển và sức sống dồi dào. Về lâu dài vấn đề
đặt ra là hai loại mô thức an ninh cũ và mới của an ninh Đông Á tương
tác lẫn nhau, có mặt bổ trợ, có mặt mâu thuẫn, bài xích lẫn nhau, hiện
có cùng tồn tại lâu dài hay là có thể chuyển hoá, biến đổi toàn diện
trong khoảng thời gian không lâu?
a. An ninh hợp tác
Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN ARF được thành lập trên cơ sở Hội nghị
các nước đối thoại sau Hội nghị ngoại trưởng ASEAN được chọn làm hình
thức ban đầu của hợp tác an ninh nhiều bên của khu vực Đông Á - Thái
Bình Dương. Đây là cơ chế an ninh “mềm” và “mở” có nhiều mặt phù hợp với
trào lưu thời đại và đặc điểm khu vực. Trước hết tổ chức này mang tính
bao dung. Nó làm cho các nước trong khu vực dù là nước lớn hay nhỏ, mạnh
hay yếu, quan hệ tốt hay xấu, bình thường hay xung đột ngồi lại với
nhau bàn bạc một cách bình đẳng. Hai là về biện pháp, nhấn mạnh tính
chính trị, tính hợp tác,tính phù hợp và tính đồng thuận, tức là các nước
tham dự tự nguyện thông qua đối thoại, tìm ra giải pháp hợp tác theo
nguyên tắc nhất trí và phù hợp với thực tế của tình hình khu vực và từng
nước. Ba là về mục đích của ARF, nhấn mạnh tính an ninh chung tức là
đặt ra mục tiêu tìm kiếm an ninh chung cho các nước tham dự. Việc tìm
kiếm này là kết quả tốt nhất của lợi ích an ninh nước mình và lợi ích an
ninh khu vực.
ARF đã có bước phát triển cụ thể kể từ sau Hội nghị đầu tiên tổ chức ở
Băng Cốc tháng 7/1994, Hội nghị lần thứ hai tổ chức ở Brunei tháng
8/1995 đã xác định phương thức xử lý khủng hoảng, tranh chấp theo 3 giai
đoạn để từng bước đạt tới nhận thức chung và tiến tới giải quyết một số
vấn đề an ninh. Đó là xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải
quyết xung đột. Tại Hội nghị lần thứ ba hợp tác tại Giacácta tháng
7/1996. Diễn đàn đã thông qua được cơ sở và tiêu chuẩn mở rộng thêm
thành viên mới (các nước muốn tham dự phải ký kết chấp nhận Hiệp ước Hữu
nghị và hợp tác TAC và thừa nhận lấy ASEAN đóng vai trò động lực). Tại
Hội nghị lần này Myanma và Ấn Độ được tham dự. Đến nay ARF từ 16 nước
tham dự lúc khởi đầu đã lên 26 nước. Từ đó làm rõ ý nghĩa của ARF không
chỉ hạn chế ở an ninh khu vực Đông Nam Á mà cả Châu Á - Thái Bình Dương.
Từ ngày thành lập đến nay, Diễn đàn khu vực ASEAN ARF đã thu được
nhiều thành tựu lớn như qua diễn đàn giúp cho các nước tăng thêm hiểu
biết và tin cậy lẫn nhau, đóng góp tích cực vào hoà bình và ổn định của
khu vực và bản thân từng thành viên. Tuy nhiên do Diễn đàn ARF là một cơ
chế “mềm” chủ yếu thông qua hiệp thương bình đẳng giữa các nước thành
viên nhằm đạt tới nhận thức chung và thông qua biện pháp bảo đảm an ninh
theo nguyên tắc nhất trí, tự nguyện, không có qui phạm ràng buộc, cưỡng
chế và đến nay vẫn dừng lại ở giai đoạn xây dựng lòng tin và ngoại giao
mang tính dự phòng. Trên cơ sở những thành tựu ban đầu , các nước trong
khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN và ASEAN+3 sẽ từng bước tiến
lên tìm ra cơ chế bảo đảm an ninh khu vực hiệu quả hơn.
b. Liên minh quân sự
Liên minh quân sự là một hệ thống cơ cấu, có nghĩa vụ ràng buộc lẫn
nhau, có lực chi phối, còn cơ chế “an ninh hợp tác” ARF thì không có các
chức năng trên. Liên minh quân sự nhấn mạnh tính răn đe, tính đối
kháng, tính cân bằng lực lượng hay giành ưu thế để đạt được mục tiêu an
ninh của các thành viên và từ đó đe doạ an ninh của các nước không phải
là thành viên.
Một số liên minh quân sự song phương và đơn phương trong khu vực từ
thời chiến tranh lạnh vẫn còn bảo lưu, liên minh quân sự Mỹ – Nhật được
tăng cường.
Năm 1996, Mỹ lần lượt ký với Nhật Bản “Tuyên bố chung an ninh Nhật –
Mỹ” và với Ôxtrâylia “Tuyên bố Xítnây” và sau đó một loạt văn kiện liên
quan nhằm tăng cường liên minh quân sự song phương. Đánh giá liên minh
quân sự Nhật – Mỹ là vấn đề phức tạp. Trước đây Hiệp ước an ninh Nhật –
Mỹ, một mặt nhằm vào Liên Xô cũ, mặt khác trên mức độ nào đó nhằm hạn
chế sự phát triển vũ trang của Nhật Bản, thì ngày nay nó cổ vũ, hỗ trợ
Nhật phát triển quân sự và nâng cao, mở rộng vai trò quân sự, an ninh
trong khu vực và trên thế giới. Tất nhiên, tất cả những điều đó phải nằm
trong quỹ đạo chiến lược của Mỹ. Trước mắt nhằm chống chủ nghĩa khủng
bố quốc tế và tích cực chuẩn bị lực lượng dự phòng, ngăn chặn đối thủ
chiến lược toàn cầu mới từ hướng Đông Á, Mỹ đang triển khai lại lực
lượng quân sự ở Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam và hướng Đông Nam Á.
Trong chiến lược hợp tác an ninh nhiều bên và quan hệ đồng minh quân
sự song phương, Mỹ lấy hợp tác nhiều bên bổ sung cho liên minh song
phương của mình và hợp tác an ninh nhiều bên ở khu vực Đông Á - Thái
Bình Dương không được gây nguy hại cho liên minh song phương của Mỹ.
Như vậy, liên minh quân sự là mô thức truyền thống lấy cân bằng đối
kháng để mưu cầu an ninh, đến nay chỉ có một số nhỏ nước Đông Á tham gia
đang gặp sự phản đối ngày càng gia tăng của nhân dân các nước sở tại có
căn cứ và lực lượng Mỹ đóng quân. Tuy đã nhiều lần bị thất bại, Mỹ vần
chưa từ bỏ ý đồ biến liên minh quân sự của họ ở Đông Á - Thái Bình Dương
thành một kiểu NATO nhỏ phương Đông – nhất là trong bối cảnh Mỹ đang
chuyển trọng điểm bố trí chiến lược sang Châu Á - Thái Bình Dương và
tăng cường liên minh Mỹ – Nhật - Ôtrâylia.
Từ sự phân tích trên cho thấy sự kết thúc chiến tranh lạnh không đưa
tới những thay đổi căn bản trong quan hệ an ninh và sự phân chia lại
quyền lực giữa các nước lớn nhất là ở khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên,
cũng có một số biến đổi trong kết cấu khu vực Đông Á. Nổi bật nhất là
vai trò chính trị, kinh tế, an ninh của các nước nhỏ và trung bình ASEAN
được nâng cao rõ rệt, vượt ra ngoài phạm vi khu vực Đông Nam Á. Đây là
điều khác biệt với Châu Âu, nơi các nước lớn nắm quyền lãnh đạo.
Hiện trạng vừa mâu thuẫn, xung đột vừa đối thoại, hợp tác giữa các
thể chế an ninh khu vực Đông á có thể còn kéo dài. Điều này không những
không cản trở được mà còn nói lên yêu cầu cấp thiết phải tìm ra lối
thoát, từng bước tiến lên xây dựng thể chế an ninh Đông Á ở cấp độ cao
hơn. Gần đây các nước Đông Á đã đạt được nhận thức chung trong việc tiến
tới xây dựng Cộng Đồng Đông á. Hướng tới mục tiêu đó, ASEAN đã đi trước
một bước. Việc xây dựng Cộng Đồng Asean với 3 trụ cột: an ninh, kinh
tế, văn hoá xã hội đang thúc đẩy, cổ vũ nỗ lực tiến tới xây dựng Cộng
Đồng Đông Á.
2.2. Bước đầu tiên hướng tới xây dựng Cộng Đồng Đông Á bao gồm cả hợp tác chính trị, an ninh.
Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) đầu tiên ngày 14-12-2005 ở
Cuala Lămpơ, 16 nhà lãnh đạo tham dự đã cam kết về lâu dài hướng tới
xây dựng Cộng Đồng Đông Á. Phát biểu trong hội nghị này, thủ tướng
Malaixia Ahmad Badavi nhấn mạnh rằng Cộng Đồng Đông Á sẽ trở thành hiện
thực do sự hợp tác trong khu vực được củng cố và phát triển. “Những lợi
ích chung về chiến lược và kinh tế” là những lý do chủ yếu giải thích
tại sao Ôxtrâylia, NiuDiLân và Ấn Độ, về địa lý không thuộc Đông Á lại
tham gia hội nghị này. Nước Nga là nhà nước liên bang Âu - Á được mời
tham dự với tư cách là khách mời, Nga xin tham dự với tư cách thành viên
nhưng ASEAN đã quyết định tạm ngừng tiếp nhận thêm thành viên mới trong
2 năm .
Ý tưởng xây dựng Cộng Đồng Đông Á (EAC) lần đầu tiên được nêu ra năm
1990, khi Thủ tướng Malaixia lúc đó là Mahatir Mohamad đã nêu ra dự kiến
thiết lập Tập đoàn kinh tế Đông Á . Nhưng ý tưởng này gặp sự phản đối
của Mỹ và của Tổng thống Inđônêxia Suhartô. Lúc đó ông Suhartô nói rằng
thời điểm chưa thích hợp để thành lập tổ chức này (theo báo Bưu điện
Giacácta ngày 9/5/2006).Vào thời điểm này,ý tưởng xây dựng Tập đoàn kinh
tế Đông Á là nhằm đối trọng với các khối Tây Âu Bắc Mỹ.Ngày nay Cộng
Đồng Đông Á là khái niệm “mở” nhưng mở tới đâu? Nhật Bản đề nghị bao gồm
cả Mỹ còn cựu tổng thông Philippin F.Ramos mới đây trên tờ Nguyệt San
Kinh tê Viễn Đông tháng Năm 2005 nêu ra ý tưởng thay thế nền “Hoà Bình
Mỹ” bằng nền “Hoà Bình Châu Á –Thái Bình Dương” thu nạp cả Mỹ và Canađa.
Đáng chú ý cũng như một số chính khách Châu Á khác, ngài F.Ramos vẫn
cho rằng quân Mỹ triển khai trong khu vực là “rường cột” của sự cân bằng
lực lượng bảo đảm hoà bình và an ninh khu vực, tiếp tục ở lại trong khu
vực.
Tuyên bố CuaLămpơ ngày 14/12/2005 của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á đã
nêu ra nguyên tắc, mục tiêu, lĩnh vực hợp tác và các thể thức chủ yếu
(primary modalities).
Đặc tính của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á họp hàng năm là “Diễn đàn
mở, bao dung (inclusive), minh bạch và hướng ngoại… Mong muốn xây dựng
môi trường hoà bình, trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, đối tác, hiệp
thương và đồng thuận” nhằm đạt mục tiêu đem lại “hoà bình, an ninh và
phồn vinh cho Đông Á và thế giới”.
Hội nghị hoan nghênh ASEAN xây dựng “Cộng Đồng ASEAN, xem đây là một
bộ phận hợp thành của cơ cấu khu vực Đông Á đang tiến triển”. Lĩnh vực
quan tâm của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tập trung vào “thúc đẩy đối
thoại chiến lược và xúc tiến hợp tác chính trị và an ninh”; “Đẩy mạnh
phát triển, ổn định tài chính, an ninh năng lượng...”; “Làm sâu sắc sự
am hiểu văn hoá, tiếp xúc giữa người dân...”.
Động lực thúc đẩy việc xây dựng Cộng Đồng Đông Á là ASEAN phối hợp
chặt chẽ với ASEAN +3 tiếp tục họp hàng năm đồng thời với Hội nghị ASEAN
hàng năm và Hội nghị thượng đỉnh Đồng Á hàng năm.
Từ tầm nhìn Asean 2020 (Hà Nội) “hướng tới sự gắn kết và nhất thể
hoá kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên”,
đi tới hành động. Năm 2003 tại Ba-Li, các nhà lãnh đạo ASEAN đã phác
thảo khuôn khổ của Cộng Đồng ASEAN. Đến tháng 11/2004, tại Hội nghị
thượng đỉnh ASEAN ở Viên.chăn quyết định cơ cấu va Kế hoạch hành động
của Cộng Đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: an ninh, kinh tế và văn hoá xã
hội.
Về Kế hoạch hành động an ninh, xây dựng hợp tác an ninh khu vực cấp độ cao hơn – an ninh cộng đồng với năm thành tố sau:
+ Phát triển chính trị (nhân quyền, tự do thông tin, tăng cường hạ tầng luật pháp, chống tham nhũng...)
+ Xây dựng các chuẩn mực (shaping and sharing of norms) để kiến tạo
môi trường công lý, dân chủ và hoà hợp bao gồm thảo ra Hiến chương
ASEAN.
+ Dự phòng xung đột (họp Bộ trưởng quốc phòng hàng năm...)
+ Giải quyết xung đột (conflict resolution)
+ Kiến tạo hoà bình sau xung đột...
Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ hai ở Xebu, Philippin (15-1-2007)
ra Tuyên bố về an ninh năng lượng, nhất trí tiếp tục ủng hộ ASEAN đóng
vai trò chủ đạo trong các tiến trình khu vực và thúc đẩy hợp tác trên 5
lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, tài chánh, giáo dục, phòng chống cúm gia
cầm và giảm nhẹ thiên tai.
Hợp tác chính trị, an ninh trong Cộng đồng ASEAN đi trước một bước,
có thể là hình mẫu của hợp tác chính trị an ninh Công Đồng Đông Á sau
này.
Một vấn đề đặt ra liệu Cộng Đồng An ninh Đông Á sau này có khả năng
phát triển thành Liên hiệp Đông Á với chính sách đối ngoại chung và quốc
phòng chung trên cơ sở các thành viên vẫn giữ độc lập chủ quyền nhất
định.
Tóm lại
Hiện nay và trong một khoảng thời gian khá dài sau này, đặc trưng
chung của vấn đề an ninh Đông Á là những vấn đề an ninh do thời chiến
tranh lạnh để lại cùng tồn tại với một số vấn đề an ninh mới nẩy sinh
sau chiến tranh lạnh; các mô thức và thể chế an ninh cũ và mới tiếp tục
cùng tồn tại, mâu thuẫn xen kẽ với hợp tác theo nhiều cấp độ, nhiều kênh
(chính thức và không chính thức). Đồng thời ASEAN, ASEAN+3 và Hội nghị
thượng đỉnh Đông Á hàng năm sẽ tiếp tục tìm tòi, kiến tạo hợp tác an
ninh cộng đồng thông qua Cộng Đồng ASEAN (đi trước) và tiếp đó Cộng Đồng
an ninh Đông Á “mở và “mềm”.
Do Cộng đồng an ninh Đông Á đại diện cho ý chí và nguyện vọng của
nhân dân và Chính phủ các nước Đông Á, đại diện cho con đường phát triển
đúng đắn của việc bảo đảm an ninh Đông Á, cùng với sự hình thành quan
niệm giá trị Châu Á, tôn trọng sự khác biệt và hoà hợp và tăng cường sức
mạnh qui tụ, mô thức an ninh khu vực Đông Á trong tương lai – vừa rút
bài học kinh nghiệm của Châu Âu, vừa xuất phát từ đặc trưng phương Đông,
sẽ hình thành một hệ thống hợp tác chính trị an ninh riêng, mang đậm
màu sắc khu vực.
TRẦN BÁ KHOA
(Viện Nghiên cứu Chiến lược)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Fidel V.Ramos, Frameworks for Asian Cooperation, Toward a Pax Asia – Pacifica, Far Eastern Economic Review, May 2005.
- 2. Daljit Singh, The evolution of Southeast Asian security cooperation since 1945, Defence attache Jakarta 15/12/1997.
- Kuala Lumpur Declaration on East Asea Summit, 14/12/2005.
- Chairman`s statement of the thirtheenth Asean Regional Forum, Kula Lumpur, 28 July 2006Chairmanstatement of the 2nd East Asea summit 15-1-2007.
- Chairman’statement of the First East Asia Summit, Kuala Lumpur - 14/12/2005.
- Annex for ASEAN security Community Plan of action, Vientiane, 11/2004.
- Co-chair’s summary report of the ARF workshop on “Evolving changes in the security perception of the ARF countries”, Ulanbataar, 21-22/6/2005;
- H.E. OngKeng Young secretary General of Asean, “Leadership and Strategic Vision for the Development of East Asia”, 25/4/2006.
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1, 2007