Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

49. Quan hệ kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: 15 năm hợp tác và phát triển

1. Viện trợ phát triển của Hàn Quốc dành cho Việt Nam
Sau những thập kỷ tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới, kể từ những năm 1970 Hàn Quốc đã thành lập các Quỹ hỗ trợ phát triển với mục đích hỗ trợ và giúp đỡ các nền kinh tế kém phát triển và đang phát triển. Kể từ khi quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Hàn Quốc được thiết lập, Việt Nam đã trở thành một trong những nước nhận viện trợ phát triển của Hàn Quốc. Điều đáng nói là mặc dù quy mô vốn ODA của Hàn Quốc không lớn so với các nước và các tổ chức tài trợ khác như Nhật Bản, ADB... song số vốn này đều tăng lên hàng năm và Việt Nam luôn là một trong số những nước nhận được nhiều tài trợ nhất từ Hàn Quốc. Ví dụ trong số xấp xỉ 140 nước nhận viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc, năm 1995, 1996, 1997 Việt Nam xếp thứ 2 với số tiền tương ứng mỗi năm hơn 3 triệu USD; các năm 1998, 1999, 2001 Việt Nam xếp thứ nhất với số tiền mỗi năm hơn 4 triệu USD. Đặc biệt năm 1999 đạt con số cao nhất từ trước tới nay là 6,193 triệu USD.
Tính đến hết ngày 31/12/2006, tổng số tiền viện trợ không hoàn lại mà Hàn Quốc đã dành cho Việt Nam kể từ năm 1992 đã lên tới hơn 60 triệu USD. Cùng với viện trợ không hoàn lại là các khoản cho vay ưu đãi. Tính đến hết ngày 31/12/2006, Hàn Quốc đã cho Việt Nam vay ưu đãi với tổng số tiền là 169 triệu USD.
Những lĩnh vực ưu tiên viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam bao gồm: (1)  Phát triển nguồn nhân lực và những nhu cầu cơ bản của con người như: giáo dục, đào tạo và y tế; (2) Hỗ trợ nhân đạo cho các vùng sâu vùng xa và vùng nghèo đói; (3) Xây dựng thể chế cho các khu vực đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; và (4) Phát triển nông nghiệp và nông thôn. Một số dự án lớn sử dụng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc như: Trường cao đẳng công nghệ thông tin Đà Nẵng (10 triệu USD) và Bệnh viện đa khoa miền Trung (30 triệu USD).
2. Quan hệ thương mại
Kể từ những năm 1980, Việt Nam đã có sự trao đổi mậu dịch với Hàn Quốc. Song
quan hệ thương  mại giữa hai nước chỉ thực sự phát triển kể từ đầu những năm 1990 sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Kể từ đó đến nay, quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát  triển. Tổng giá trị mậu dịch hai chiều của Việt Nam với Hàn Quốc hàng năm luôn tăng so với năm trước với tốc độ tăng trung bình hàng năm đạt 18,43% trong giai đoạn 1995-2005. Trong khoảng thời gian này, chỉ có 2 năm 1997 và 1998, kim ngạch mậu dịch hai chiều giữa hai nước giảm chút ít một phần do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực. Tính đến cuối năm 2006, tổng kim ngạch mậu dịch hai chiều của Việt Nam với Hàn Quốc đạt hơn 5 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt hơn 700 triệu USD và Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt hơn 4 tỉ USD, với thâm hụt mậu dịch là hơn 3 tỉ USD.
Một đặc trưng nổi bật trong quan hệ thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc (cũng như với nhiều nước khác) là Việt Nam luôn ở trong tình trạng nhập siêu và mức độ nhập siêu ngày càng lớn (xem Đồ thị 1). Qua các số liệu thống kê và đồ thị ta có thể thấy rất rõ là sự tăng trưởng của quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc chủ yếu do tăng nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tuy có tăng nhưng mức độ tăng không đáng kể. Chính vì vậy mà thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với  Hàn Quốc ngày càng lớn.
Nguyên nhân sự thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Hàn Quốc nói riêng và với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nói chung, có thể do: (1) Cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có sự khác biệt rất lớn. Việt Nam chủ yếu xuất sang Hàn Quốc các nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế với hàm lượng giá trị gia tăng thấp, trong khi đó lại nhập khẩu từ Hàn Quốc những sản phẩm máy móc thiết bị công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao; (2) Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam gia tăng đã làm gia tăng việc nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên liệu trung gian phục vụ cho việc sản xuất của các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam, trong khi đó các sản phẩm được tạo ra chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa hoặc xuất khẩu sang các nước thứ ba làm cho nhập khẩu tăng mà xuất khẩu không tăng; (3) Theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế, đồng tiền Việt Nam được định giá cao so với các đồng tiền khác. Điều này làm hạn chế khả năng cạnh tranh và xuất khẩu của các mặt hàng của Việt Nam, và tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường trong nước.
Trong tương quan so sánh với các quốc gia và vùng lãnh thổ chủ yếu có quan hệ thương mại với Việt Nam, xét về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, Hàn Quốc luôn nằm trong danh sách 6 bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Singapore và Đài Loan (Đồ thị 2). Trong những năm 1990, Hàn Quốc thường đứng thứ 3 hoặc thứ 4 trong danh sách các bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ phát triển mạnh, khi mà hai nước này đã    vượt lên trở thành những bạn hàng thương mại số 1 hoặc số 2 của Việt Nam thì vị trí của Hàn Quốc đã tụt xuống thứ 5 hoặc thứ 6.
3.  Đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam
Hàn Quốc luôn nằm trong số 5 nước và vùng lãnh thổ có tổng vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam. Tính đến tháng 12/2006, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam đã đạt con số hơn 6 tỉ USD chiếm khoảng 10% tổng luỹ kế vốn FDI vào Việt Nam kể từ năm 1988, đứng thứ tư sau Đài Loan, Singapore và Nhật Bản (Đồ thị 3 & 4).
- Xét về lượng vốn FDI đăng ký hàng năm, trong những năm gần đây Hàn Quốc thường đứng thứ 2 hoặc thứ 3, đặc biệt là năm 2006 Hàn Quốc đã vượt lên dẫn đầu về lượng vốn đăng ký mới và tăng vốn với 2,42 tỉ USD chiếm 31% tổng vốn FDI vào Việt Nam (Đồ thị 5).
- Xét về số lượng các dự án, tính đến tháng 12/2006 Hàn Quốc có hơn 1.183 dự án hiện đang còn hiệu lực, đứng thứ 2 sau Đài Loan.
- Xét về quy mô của các dự án, các dự án đầu tư của Hàn Quốc thường là các dự án có quy mô vừa và nhỏ với số vốn trung bình khoảng 5 triệu USD. Tuy nhiên, cũng có những dự án lớn với số vốn đầu tư lên tới vài trăm triệu USD, thậm chí xấp xỉ 1 triệu USD.
- Xét về cơ cấu ngành đầu tư, vốn đầu tư của Hàn Quốc tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp và xây dựng với hơn 70% tổng số vốn; tiếp theo là vào các ngành dịch vụ với hơn 20% tổng số vốn, và phần còn lại dưới 10% vào các ngành nông, lâm, ngư nghiệp.



Bảng 1: Các thị trường khách du lịch chính của Việt Nam (1.000 lượt người)



2001
2002
2003
2004
2005
2006

Trung Quốc
673
724
693
633
752
456
  1. 2.
Hàn Quốc
75
105
130
323
317
339

Mỹ
230
260
219
253
334
322

Nhật Bản
153
280
210
238
321
312

Đài Loan
200
211
208
240
286
230

Australia
68
96
-
161
145
138

Căm-pu-chia
76
70
84
122
187
135

Pháp
86
112
87
86
124
107

Thái Lan
32
41
40
71
84
97
10.
Singapore
32
35
37
82
78
81

Tổng cộng
2330
2628
2429
2928
2863
2953


4. Hợp tác lao động
Quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được thực hiện khá thành công. Trước hết phải kể đến là việc đào tạo và tuyển chọn các cán bộ quản lý, kỹ thuật viên và công nhân người Việt Nam làm việc tại các công ty của Hàn Quốc có vốn đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc là một trong số các nước có vốn đầu tư lớn ở Việt Nam. Hơn nữa, các dự án đầu tư của Hàn Quốc phần lớn là các dự án với quy mô vừa và nhỏ đòi hỏi sử dụng nhiều lao động. Vì vậy, các nhà đầu tư của Hàn Quốc ở Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào việc đào tạo lao động và giải quyết việc làm ở Việt Nam.
Tiếp theo là vấn đề xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng là một thị trường lớn và hấp dẫn đối với lao động Việt Nam. Hiện nay có khoảng 40 nghìn người Việt Nam đang lao động ở Hàn Quốc chiếm 30% tổng số lao động xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Nếu tính cả số người đã hết hạn hợp đồng về nước hoặc phá bỏ hợp đồng sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc thì số lao động Việt Nam đã đến Hàn Quốc khoảng 100 nghìn lượt người.
5. Du lịch:
Số lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2001 có khoảng 75.000 lượt khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam. Tuy nhiên, con số này đã tăng nhanh qua các năm: 2002: 100.000 lượt người; 2003: 130.000; 2004: 323.000; 2005: 317.000; và 2006: 339.000 lượt người (tính đến tháng 10/2006).
Kể từ ngày 1/7/2004, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực cho các khách Hàn Quốc đến Việt Nam dưới 15 ngày. Điều này đã góp phần khuyến khích khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam với số lượng ngày càng tăng.

Tóm lại, các quan hệ kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển rất khả quan trên nhiều phương diện. Mặc dù không phải không còn những bất cập hạn chế (chưa được đề cập đến trong bài viết này), nhưng những thành tựu của quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đã đạt được là rất đáng kể. Trong bối cảnh mới, đặc biệt là trong các khung khổ hợp tác của ASEAN + 1, ASEAN + 3, các diễn đàn hội nhập kinh tế Đông Á, và đặc biệt là sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng quan hệ hợp tác về mọi mặt giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, với những kinh nghiệm tích luỹ được trong 15 năm qua, sẽ ngày càng phát triển hơn nữa cả trước mắt lẫn lâu dài, đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định và sự phát triển năng động và bền vững của khu vực./.

TRẦN QUANG MINH
(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Korea's ODA Policy Direction, Rae-Kwon Chung, Ministry of Foreign Affairs and Trade, November 5, 2003
2. Bản tin Kinh tế, TTXVN (nhiều số).
3. Tài liệu tham khảo, TTXVN (nhiều số)
4. Thời báo Kinh tế Việt Nam (nhiều số).
5. Báo Đầu tư (nhiều số).
6. Website của Bộ Ngoại giao Việt Nam http://www.un.int/vietnam/
7. Website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam:  http://www.mpi.gov.vn/
8. Website của Bộ Thương mại Việt Nam: http://www1.mot.gov.vn/tktm/
9. Website của Tổng cục Thống kê Việt Nam: http://www.gso.gov.vn/

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4, 2007