Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

34. NATO và vị thế nhiều nghịch lý thời khủng hoảng


DT-23/05/2012 – 16:50
NATO suy giảm sức mạnh do khủng hoảng tài chính.
Có thể nói trong lịch sử 63 năm tồn tại và phát triển của mình, chưa bao giờ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại phải đối mặt với tình trạng bấp bênh như hiện nay khi mà hầu hết các thành viên chủ chốt đều đã tuyên bố kế hoạch cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự trong một thập kỷ tới, sau khi đã cắt giảm 15% trong 10 năm đầu tiên kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.
Khủng hoảng tài chính gây khó quân sự châu Âu
Trong tuyên bố đầu năm nay, Mỹ – nước luôn đóng góp tài chính nhiều nhất cho NATO và cũng là thành viên có ảnh hưởng lớn nhất trong tổ chức này – cho biết sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng 487 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Cụ thể, Lầu Năm Góc sẽ giảm 30.000 thủy quân lục chiến (từ 202.000 xuống còn 182.000 người), giảm 80.000 lục quân Mỹ (từ 570.000 xuống còn 490.000 người); xóa sổ 7 phi đội không quân; cắt giảm ngân sách mua tàu sân bay, tàu ngầm thế hệ mới và các loại máy bay F-35, UH-60 Blackhawk, F/A-18 Super Hornet, máy bay không người lái Predator, Reaper; đồng thời giảm chi cho hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ và trên biển.
Mỹ và nhiều thành viên khác trong NATO đang lên kế hoạch cắt giảm phiên chế chiến đấu cơ F-35 trong bối cảnh eo hẹp tài chính.
Không riêng Mỹ, một loạt thành viên chủ chốt khác của NATO cũng công bố kế hoạch cắt giảm mạnh đầu tư cho quốc phòng, tạo ra một kỷ nguyên cắt giảm chi tiêu quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh tới nay.
Canada tuyên bố giảm số lượng máy bay chiến đấu F-35 đặt mua do phải cắt giảm 7,4% ngân sách quốc phòng trong những năm tới. Anh cắt giảm 10% quân số, cho “về vườn” 40% số lượng xe tăng chiến đấu, giảm đội tàu khu trục từ 23 chiếc hiện nay xuống chỉ còn 10 chiếc và xóa sổ hoàn toàn các phi đội máy bay chiến đấu.
Pháp cắt giảm 4% ngân sách quốc phòng, trong khi con số cắt giảm ở Italia là 28% do phải thu hẹp quân số từ 183.000 xuống còn 150.000 người, số lượng máy bay F-35 đặt mua cũng bị cắt giảm từ 131 xuống còn 90 chiếc.
Trong khi đó, Đức cắt giảm tổng cộng 90.000 binh sĩ và nhân viên dân sự, giảm số lượng máy bay ném bom Tornado từ 185 chiếc xuống 85 chiếc và cho “về hưu” 8 tàu khu trục. Hà Lan cũng đang có kế hoạch giảm 12.000 binh sĩ và nhân viên dân sự.
Tất nhiên, những cắt giảm này sẽ là bình thường nếu như thế giới an bình. Điều đáng nói là thực tế hiện nay hoàn toàn không phải như vậy.
Khi các nhà lãnh đạo NATO tề tựu tại thành phố Chicago của Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 của khối, họ vẫn ý thức hơn ai hết những trọng trách nặng nề đang phải đối mặt. Đó là cuộc chiến chưa thể kết thúc tại Afghanistan (có chăng chỉ là sự chuyển đổi hình thức can dự từ tham chiến trực tiếp sang cố vấn, hỗ trợ an ninh).
Đó là việc Iran vẫn tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình, Triều Tiên ngày càng trở nên khó đoán định trong khi mạng lưới khủng bố Al-Qaeda vẫn có khả năng tấn công các mục tiêu ở Bắc Mỹ, châu Âu và ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở vùng sừng châu Phi, Yemen. Chưa kể tình trạng cướp biển vẫn đang đe dọa thương mại thế giới, một cuộc tranh giành ảnh hưởng đang manh nha hình thành ở khu vực Bắc Cực giàu tài nguyên và “những chân rết” của làn sóng Mùa Xuân Arập đang tiếp tục hoành hành tại Syria sau khi đã lật đổ nhiều chế độ ở Trung Đông-Bắc Phi như Tuyidi, Ai Cập, Yemen, Lybia.
Các nhà lãnh đạo NATO dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 ở Chicago hôm 21/5/2012.
Trong bối cảnh đó, việc nhiều nước châu Âu và NATO buộc phải “tự chặt móng vuốt” của mình (dù với lý do bất khả kháng là khó khăn về tài chính) đã vô hình chung tự đẩy liên minh vào thế khó trong việc duy trì ảnh hưởng quân sự trước Nga và Trung Quốc.
Trong thông báo quân sự đưa ra đầu năm nay, nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc đã quyết định tăng chi tiêu quân sự năm nay ở mức 11%, tiếp tục duy trì mức tăng 2 con số trong suốt một thập kỷ qua. Quyết định “vung tay” này cho phép Bắc Kinh “tậu” được một lượng lớn tên lửa, tàu ngầm hiện đại, tàu sân bay và các loại máy bay chiến đấu tối tân để phô trương sức mạnh không chỉ ở khu vực mà còn vươn ra thế giới với việc hạn chế đáng kể tầm với của Mỹ.
Tương tự như vậy, Nga cũng đang đẩy mạnh kế hoạch củng cố và hiện đại hóa quân đội với việc tăng chi tiêu quân sự thêm 65%. Mátxcơva tuyên bố trong một thập kỷ tới sẽ chi 772 tỷ USD cho việc chế tạo 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, sản xuất 2.300 xe tăng thế hệ mới nhất,mua sắm 600 máy bay chiến đấu hiện đại, 100 vệ tinh phục vụ mục đích quân sự, 8 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân, 50 tàu chiến, 17.000 xe thiết giáp mới và tăng cường hệ thống phòng không.
Tương lai bất định chờ đợi NATO
Có thể nói hai diễn biến lớn nhất đang gây áp lực mạnh lên tương lai của NATO là chiến lược chuyển dịch trọng tâm quân sự trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ và cuộc khủng hoảng tài chính đang đè nặng lên châu Âu.
Rõ ràng, việc các chính phủ châu Âu phải thực hiện chính sách thắt chặt tài chính, cộng với quan điểm cho rằng châu Âu hiện không phải đối mặt với bất kỳ nguy cơ an ninh hiện hữu nào là nguyên nhân chính dẫn đến việc cắt giảm ngân sách quốc phòng vốn đã ở mức rất tiết kiệm ở châu Âu.
Nhớ lại vào thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc, các thành viên châu Âu chịu trách nhiệm đóng góp 34% chi tiêu quốc phòng của NATO. Hiện nay, con số này đã tụt xuống chỉ còn 21%. Ngoài Mỹ, chỉ còn 4 thành viên khác trong tổng số 28 thành viên của khối đạt tỷ lệ chi tiêu quốc phòng 2% GDP là Anh, Pháp, Hy Lạp và Anbani.
Không chỉ gặp khó khăn về tài chính và bế tắc trong chiến lược hoạt động, NATO còn phải chịu áp lực rất lớn từ làn sóng biểu tình các chiến dịch “hao người, tốn của” ở Afghanistan và một số chiến trường khác.
Theo báo cáo thường niên “Cán cân quân sự toàn cầu 2011” của Học viện nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở London, lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, tổng chi tiêu quân sự của châu Á đã vượt châu Âu và khoảng cách này sẽ còn tiếp tục được nới rộng do Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Á khác vẫn đang giữ xu thế đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng.
Cũng theo báo cáo trên, sự thiếu hụt chi tiêu quân sự ở châu Âu là rất đáng lo ngại vì NATO vẫn phải giữ một vai trò quan trọng. Mặc dù châu Âu tạm thời được cho là yên bình, nhưng sẽ là tự ru ngủ nếu nghĩ rằng lục địa này không bị đe dọa.
Theo bản báo cáo, châu lục già vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề ở Balkan, tình trạng phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, nguy cơ khủng bố và các cuộc chiến tranh mạng. Ngoài ra, châu Âu cũng không thể tảng lờ những bất ổn chính trị và an ninh đang thường trực ở khu vực Bắc Phi ngay sát sườn, trong khi quan hệ với Nga vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện do những bất đồng liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và châu Âu, mà Mátxcơva cho rằng có thể làm suy yếu sức mạnh răn đe hạt nhân của nước này.
Vấn đề cần giải quyết là làm thế nào để đối phó với nguồn lực khan hiếm. Câu trả lời tốt nhất hiện nay là NATO phải đẩy mạnh chiến lược “phòng thủ thông minh”, điều cũng đã được các nhà lãnh đạo NATO nhất trí trong Hội nghị Chicago đầu tuần này.
Về mặt lý thuyết, chiến lược “phòng thủ thông minh” có thể giúp NATO xóa bỏ những chồng chéo và lấp đầy những thiếu hụt về nguồn lực bằng cách yêu cầu các nước thành viên cùng đóng góp và sử dụng chung các trang thiết bị quân sự cũng như các nguồn lực khác. Tuy nhiên, thực tiễn chiến dịch tại Lybia vừa qua cho thấy mọi việc không diễn ra đơn giản như vậy. Trong chiến dịch này, NATO đã không thể tìm được tiếng nói đồng thuận của tất cả các nước thành viên khi Đức và Ba Lan chọn cách đứng ngoài, còn một số quốc gia khác chỉ thể hiện sự ủng hộ một cách hững hờ, thậm chí từ chối xuất kích, ném bom.
Vì vậy, xét trong bối cảnh thực tế hiện nay, NATO không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận giới hạn bớt các nhiệm vụ do sự eo hẹp của túi tiền.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh Chicago, bên cạnh việc tái cam kết sức mạnh quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, các nhà lãnh đạo NATO cũng khẳng định: “Chiến lược phòng thủ thông minh là giải pháp tốt nhất để đối phó với những thách thức an ninh phức tạp trong tình hình khó khăn tài chính hiện nay”.
Nói cách khác, giấc mơ về một liên minh “NATO toàn cầu” có thể kết nạp thành viên trên toàn thế giới và can thiệp vào bất cứ nơi nào từ nay sẽ đành phải tạm thời nhường chỗ cho mục tiêu mang tính khu vực của mình.
Đức Vũ
——
http://dantri.com.vn/c36/s36-599012/nato-va-vi-the-nhieu-nghich-ly-thoi-khung-hoang.htm