Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

65. Các xu hướng phát triển chủ yếu ở Đông Bắc Á

Từ việc phân tích thực trạng kinh tế ở khu vực Đông Bắc Á trong những năm gần đây chúng ta có thể nhận diện bức tranh kinh tế của khu vực này trong thập niên tới với 5 xu hướng lớn. Và như đã biết, nhiều nền kinh tế Đông Bắc Á đã, đang và sẽ là đối tác hàng đầu của Việt Nam, bởi vậy các xu hướng phát triển này sẽ tác động tới Việt Nam. Chúng ta cần phải làm gì trong bối cảnh đó cũng là một nội dung của bài viết này.
I. Nhận diện năm xu hướng phát triển chủ yếu
1. Tương lai của kinh tế Đông Bắc Á chịu sự tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa, khu vực hóa và các đối tác lớn.
Đó là một thực tế bëi như chúng ta biết, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và khu vực hóa th× vốn, hàng hóa, dịch vụ, nguồn nhân lực... đòi hỏi phải được di chuyển tự do. Cho dù đến nay, xu hướng tự do hoá  đầu tư và mậu dịch trở nên nổi trội song yêu cầu của tăng trưởng ổn định và bền vững đòi hỏi các nguồn lực phải được di chuyển tự do. Điều này được thể hiện rõ nét ở các nền kinh tế Đông Bắc Á.*
Đã nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là hơn một thập kỷ gần đây, sự thịnh vượng cũng như sự “chao đảo” của các nền kinh tế Đông Bắc Á gắn chặt với những biến động của toàn cầu hóa, khu vực hóa và của các đối tác lớn. Sự thành công kinh tế của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan... là một minh chứng cụ thể về những tác động tích cực của các yếu tố trên. Người ta nói, liệu Trung Quốc có đạt được tốc độ tăng trưởng cao suốt hai thập niên qua nếu không có thị trường Hoa Kỳ, thị trường EU hay thiếu đi làn sóng FDI? Hoặc nếu thiếu vắng những thứ đó, liệu có các con rồng Hàn Quốc, Đài Loan? Đương nhiên, b¶n thân các nền kinh tế này cũng là những lực lượng chủ chốt tham gia sân chơi toàn cầu hoá. Bên cạnh đó, những tác động tích cực của tiến trình liên kết kinh tế Đông Á - một nội dung căn bản của khu vực hoá - cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của Đông Bắc Á. Thị trường các nước ASEAN, cho dù còn hạn chế về sức mua song đây chính là “sân sau quan trọng” cho các nền kinh tế Đông Bắc Á. Nhờ đẩy mạnh tiến trình liên kết kinh tế Đông Á, người ta đang hướng tới các FTA song phương giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á với ASEAN. Bởi vậy, trong tương lai, ASEAN vẫn là một nhân tố lớn, một đối tác lớn, có ảnh hưởng mạnh tới các nền kinh tế Đông Bắc Á. Không cần phải nhấn mạnh và phân tích thêm, ai cũng có thể thấy rõ tầm quan trọng của các đối tác này đối với sự phát triển kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Những vướng mắc hay xung đột lợi ích kinh tế chỉ là tạm thời bởi các đối tác lớn này thừa biết rằng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa họ về kinh tế là động cơ thúc đẩy cho tất cả các đối tác bởi vậy không ai dại gì mà đẩy tới các cuộc “chiến tranh thương mại” như một số nhà phân tích lo ngại khi nhìn thấy xuất siêu mậu dịch của Trung Quốc và Nhật Bản với Mỹ. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, thực chất của các quan hệ kinh tế giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á với Mỹ và EU là vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, ở đó hợp tác trở thành ưu thế nổi trội bởi như đã biết đây là sự phụ thuộc lẫn nhau. Và điều này cũng có nghĩa là, khi các đối tác lớn của Đông Bắc Á “sổ mũi thì các nền kinh tế ở khu vực này sẽ bị hắt hơi”. Thực tế phát triển kinh tế ở khu vực này trong hơn thập kỷ qua là một minh chứng và nó cũng sẽ diễn ra như vậy trong tương lai.
2. Liên kết nội khối Đông Bắc Á (còn gọi là liên kết nội vùng) đang trở thành một xu thế không thể đảo ngược.
Cơ sở của nhận định đó đã được phân tích và chứng minh ở trên song cần nhấn mạnh rằng cho đến nay, người ta vẫn chưa thấy xuất hiện một FTA nào ở khu vực này. Đương nhiên, sự khởi động của ba đầu tàu kinh tế khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) về vấn đề này và thực tiễn của hợp tác kinh tế giữa các quốc gia này với nhau cho phép chúng ta tin rằng, một FTA song phương hay đa phương giữa các quốc gia này sẽ xuất hiện trong thập kỷ tới. Điều mà nhiều nhà dự báo ở ba quốc gia này mong đợi là, họ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cần phải có một quyết tâm chính trị lớn để vượt qua những trở ngại, nhất là trở ngại lịch sử. Có như vậy, tương lại của một FTA Đông Bắc Á mới sáng sủa.
Và một khi có một FTA Đông Bắc Á xuất hiện thì thị trường sẽ mở rộng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, các nguồn lực sẽ có cơ hội phát huy hết công suất và điều này sẽ tạo cơ hội thúc đẩy kinh tế Đông Bắc Á phát triển mạnh mẽ.
Có người cho rằng, ngay cả trường hợp thiếu một quyết tâm chính trị từ cả ba nước này và hệ quả là sự trì hoãn FTA, các nền kinh tế Đông Bắc Á vẫn gia tăng liên kết kinh tế theo các phương thức truyền thống kết hợp khai thác các lợi thế với tư cách cùng là thành viên WTO và thành viên APEC. Dự báo này là có lý bởi như phân tích ở phần II; một mặt thì họ cố gắng tìm kiếm giải pháp để đạt tới một FTA trong khi đó thì sự tranh cãi về các vấn đề quá khứ lịch sử góp phần làm lạnh đi những cố gắng đó.
Điều lưu ý là cho đến nay, Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký một số FTA với các đối tác ngoài Đông Bắc Á, và kết quả của các FTA này chứng tỏ rằng, không có ai bị thua thiệt, dường như tất cả các đối tác trong cuộc cùng thắng. Và như vậy, không lẽ gì mà các nền kinh tế như họ đã khởi động. Vấn đề là các nhà lãnh đạo ở đây cần có một quan điểm chiến lược thấu đáo, tức là cần có một quyết tâm chính trị - như đã nói ở trên bởi điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho họ mà còn tác động tích cực đến các chiều hướng phát triển kinh tế của cả Đông Bắc Á và Đông Á trong tương lai.
3. Hình thành và mở rộng mạng sản xuất Đông Bắc Á đã và đang là một xu hướng phát triển tất yếu ở khu vực này.
Như đã đề cập ở trên, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á diễn ra dưới các hình thức như trao đổi mậu dịch, FDI, đầu tư chứng khoán và các hình thức khác mà ở đó các công ty Đa quốc gia (MNCs) là những người lính xung kích đã tạo dựng mạng sản xuất Đông Bắc Á. Nói cách khác, có 3 tham số chính của mạng sản xuất Đông Bắc Á, đó là mậu dịch, FDI và MNCs. Nhờ đó hệ thống kinh doanh được tổ chức trên cơ sở hợp lý hoá quy trình sản xuất, phân phối và tối ưu hoá quá trình phân công lao động mang tính quốc tế. Nhà kinh doanh có thể đạt tới mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận nhờ việc phát triển hệ thống mạng này và hệ quả lớn hơn là các quốc gia trong khu vực có thể duy trì và đạt tới các mục tiêu cải tổ cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững. Thực tế phát triển kinh tế ở khu vực này trong hơn thập kỷ qua cho thấy, chính mạng sản xuất Đông Bắc Á đã tác động tích cực tới việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ở các nền kinh tế hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…v.v.
Cần phải nhấn mạnh rằng, để tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển mạng sản xuất Đông Bắc Á, nỗ lực của các nền kinh tế ở khu vực này phải tập trung theo đuổi các chính sách hỗ trợ và tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, ở đó các rào cản đối với thương mại, dịch vụ và FDI phải được loại bỏ ở mức cao nhất; Đồng thời các bên hữu quan phải có quyết tâm chính trị cao nhằm xây dựng một FTA đa phương ở Đông Bắc Á, bắt đầu với ba trụ cột Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản; Bên cạnh đó, các nền kinh tế ở khu vực này cần nỗ lực hơn nữa trong việc đào tạo một nguồn nhân lực có trình độ cao.
4. Phát triển kinh tế tri thức ở khu vực Đông Bắc Á đã và đang là một xu thế nổi trội.
Nhận diện nền kinh tế tri thức ở khu vực này thông qua việc phân tích, đánh giá những đặc trưng chủ yếu như sự gia tăng mạnh mẽ của tỷ trọng các ngành kinh tế tri thức trong cơ cấu giá trị của các nền kinh tế trong khu vực; sự gia tăng nhanh chóng về lượng nhưng chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng thông tin giữa các nền kinh tế và vùng lãnh thổ trong khu vực; giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; năng lực đổi mới và sáng tạo; chuyển giao công nghệ và tri thức quản lý thông qua đầu tư trực tiếp… Điều lưu ý là kinh tế tri thức ở khu vực này được phát triển từ những năm 1970 mặc dù khi đó người ta không dùng thuật ngữ này. Cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, thậm chí cả Hồng Kông, ở thời kỳ đó, các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin đã được thực thi. Đây chính là nền tảng để các nền kinh tế này phát triển kinh tế tri thức. Cho đến nay, cho dù chưa một nền kinh tế nào ở Đông Bắc Á tự nhận họ đã xây dựng xong nền kinh tế tri thức song nếu xét tỷ trọng các sản phẩm hay ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao thì đây là khu vực xếp loại Top 5 trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới về kinh tế tri thức.
Thực tế cho thấy những yếu kém trong cơ sở hạ tầng thông tin, thiếu hụt một đội ngũ lao động có kỹ năng cao và sức ì trong bộ máy nhà nước… được coi là những trở ngại cho việc xây dựng một nền kinh tế tri thức theo đúng nghĩa của nó ở khu vực này. Vẫn biết rằng mỗi nước có những thách thức đặc thù song những trở ngại trên lại khá phổ biến trong các nền kinh tế Đông Bắc Á. Hiện nay, phần lớn các nền kinh tế Đông Bắc Á đã hoạch định và đang thực thi chiến lược quốc gia về phát triển  cơ sở hạ tầng thông tin - một yếu tố căn bản để phát triển kinh tế tri thức. Ở đó vai trò điều tiết của nhà nước ở phương diện xác định quan điểm mục tiêu, định hướng được đề cao và khu vực tư nhân được coi là đầu tàu kéo cỗ xe kinh tế tri thức phát triển.
Điều cần nhấn mạnh là kinh tế tri thức một khi đã được xây dựng sẽ tạo ra một xung lực mới làm thay đổi chất lượng phát triển ở các nền kinh tế Đông Bắc Á và tiếp tục tác động sâu rộng tới các chiều hướng phát triển kinh tế khu vực này trong tương lai.
5. Trung Quốc, một thế lực kinh tế đang nổi lên và vai trò của nó đang gia tăng mạnh mẽ ở cả cấp độ khu vực và thế giới.
Năm 2004, nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ tư sau Mỹ, Nhật Bản và Đức. Họ đang hướng tới mục tiêu năm 2020 chiếm lĩnh vị trí siêu cường kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ. Rất có thể Trung Quốc làm được điều này và khi đó trật tự kinh tế thế giới sẽ bị đảo lộn.
Vai trò của nền kinh tế Trung Quốc đối với khu vực và toàn cầu thật sự to lớn và không cần bình luận thêm. Điều mà nhiều nhà phân tích quan tâm là với một thế lực kinh tế đang nổi lên, Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh lên các đối tác, đặc biệt là với những đối tác có các yếu tố tương tự như Trung Quốc. Đây chính là tác động ngược của thế lực kinh tế Trung Quốc. Và  giải pháp để các đối tác này có thể cạnh tranh với Trung Quốc là đẩy nhanh cải tổ cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính, và thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức. Tất nhiên đây không là điều dễ dàng bởi Trung Quốc cũng đang thực thi như vậy. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc cho rằng sự gia tăng vai trò kinh tế của Trung Quốc sẽ tác động tích cực đến chiều hướng phát triển kinh tế Đông Bắc Á. Đây là yếu tố trội bởi cơ hội cho đầu tư và buôn bán kể cả dịch vụ từ các đối tác có nền kinh tế phát triển hơn sẽ lớn hơn; khách hàng từ bất kể quốc gia nào cũng đều có thể hưởng lợi khi quan hệ với Trung Quốc vì hàng hoá chế tạo tại Trung Quốc có giá rẻ và chất lượng đảm bảo.
Điều người ta quan tâm là liệu một nền kinh tế đang tăng tốc độ như Trung Quốc với một hệ thống công nghiệp đồ sộ tiêu tốn nhiều năng lượng (tiêu thụ năng lượng lớn thứ 2 sau Mỹ) sẽ ảnh hưởng như thế nào đến an ninh năng lượng ở khu vực và cả trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh giá dầu mỏ biến động theo chiều hướng xấu. Nếu công cuộc cải tổ cơ cấu kinh tế ở nước này diễn ra không như mong muốn và sự điều chỉnh chính sách của chính phủ thiếu hiệu quả thì những tác động tiêu cực từ Trung Quốc tới nền kinh tế khu vực là rất có thể.
6. Các nền kinh tế Đông Bắc Á là những đối tác lớn của Việt Nam hôm qua, hôm nay và cả trong tương lai. Điều này cũng có nghĩa là sự tác động của kinh tế Đông Bắc Á tới Việt Nam thực sự to lớn và lâu dài.
Người ta có thể định lượng được sự tác động này thông qua các quan hệ kinh tế và điều này đã được phân tích ở phần tác động tới Việt Nam. Đã hơn một thập kỷ qua, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc luôn chiếm vị trí là 4 trong 5 đối tác lớn nhất của Việt Nam trong thương mại, FDI và ODA. Với những động thái quan hệ như hiện nay, người ta hoàn toàn lạc quan tin rằng, các đối tác này vẫn là những trụ cột chính trong quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam. Điều lưu ý là chiều hướng phát triển kinh tế Đông Bắc Á trong tương lai suy cho cùng phụ thuộc vào các nền kinh tế chủ chốt này. Nói như vậy cũng có nghĩa là tác động của kinh tế Đông Bắc Á đến Việt Nam phần lớn thông qua các quan hệ kinh tế của họ với Việt Nam.
II. Gợi ý cho Việt Nam
1. Nhận thức đúng tầm quan trọng của kinh tế Đông Bắc Á như một thực thể kinh tế mang tính khu vực
Thực tế ở nước ta trong nhiều năm gần đây cho thấy, ít có ai hiểu và thảo luận về kinh tế Đông Bắc Á như một thực thể kinh tế khu vực mà người ta thường đề cập kinh tế Đông Bắc Á như là kinh tế của từng quốc gia. Cần phải hiểu rằng, khi nói tới kinh tế Đông Bắc Á là nói tới hai khía cạnh, đó là kinh tế của từng quốc gia và kinh tế Đông Bắc Á như một khái niệm mang tính khu vực. Với các xu hướng phát triển như hiện nay, kinh tế Đông Bắc Á được định hình như một nền kinh tế khu vực trong tương lai theo đúng với cách hiểu thông thường. Khi một FTA hình thành, các mối liên kết và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong khu vực này sẽ gia tăng. Và khi đó một kiểu ứng xử mới với các nền kinh tế ngoài khu vực sẽ xuất hiện, cùng với nó là những tác động đến các đối tác sẽ gia tăng. Điều lưu ý là mạng sản xuất Đông Bắc Á đã hình thành và đang lan toả ảnh hưởng. Chúng ta đã trực tiếp có các quan hệ với hệ thống mạng này; bằng chứng là sự có mặt ngày càng tăng của các MNCs đến từ các nền kinh tế Đông Bắc Á thông qua luồng vốn FDI. Phương thức kinh doanh và cơ chế hoạt động của các MNCs ở Việt Nam tương tự như hệ thống mạng sản xuất Đông Bắc Á, cho dù trình độ phát triển chưa cao bằng, song trong những năm tới, khi liên kết khu vực được đẩy mạnh, sự kết nối mạng sản xuất ở Việt Nam với các nền kinh tế Đông Bắc Á sẽ chặt chẽ hơn. Và khi đó cái gọi là “chuỗi giá trị” - như một số nhà nghiên cứu Việt Nam thích dùng - do các MNCs tạo dựng trên quy mô khu vực và toàn cầu sẽ phát huy tác dụng.
2. Cần hoạch định một chiến lược hợp tác kinh tế với khu vực Đông Bắc Á.
Như đã nói ở trên, chúng ta có quan hệ kinh tế khá chặt chẽ với các nền kinh tế chủ chốt ở khu vực này và những đóng góp của họ đối với Việt Nam trên nhiều phương diện là rất lớn; Ở đó phải nhấn mạnh tới đóng góp về thu nhập, việc làm, chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý …v.v, song chúng ta thiếu một chiến lược hợp tác kinh tế với họ, và cần phải hoạch định chiến lược này.
Mục tiêu chính của chiến lược hợp tác kinh tế Việt Nam - Đông Bắc Á là nhằm tạo dựng các đối tác chiến lược với các nền kinh tế hàng đầu ở khu vực này; Tận dụng và khai thác tốt nhất các lợi thế của hợp tác kinh tế khu vực Đông Bắc Á và của từng đối tác.
Nội dung của chiến lược bao gồm hai cụm vấn đề đó là chiến lược đối với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan; và dự báo chiến lược hợp tác kinh tế với toàn khu vực. Chiến lược này cần được hoạch định trong sự tương tác giữa khả năng hội nhập khu vực của Việt Nam với xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hoá kinh tế đang gia tăng.
3. Xây dựng một cơ chế đặc biệt có thể gọi là chiến lược dành cho các MNCs Đông Bắc Á.
Cơ sở để tạo dựng cơ chế này là chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam và khả năng cũng như chiến lược của các MNCs Đông Bắc Á tại Việt Nam. Cơ chế này nhằm tới xây dựng và kết nối với mạng sản xuất Đông Bắc Á và quy đó khai thác có hiệu quả hơn những lợi thế hệ thống mạng này. Như đã biết, lực lượng chủ công của FDI là từ các MNCs, bởi vậy việc thu hút nguồn vốn này phải được thực thi thông qua một hệ thống các chính sách có chủ đích, có ưu tiên và thông qua một cơ chế riêng.
Điều cần nhấn mạnh là xây dựng cơ  chế này, về thực chất là tạo ra “một sân chơi” dành cho các nhà đầu tư lớn đến từ Đông Bắc Á.
4. Xây dựng mét chính sách ưu tiên thu hút ODA từ các nền kinh tế chủ yếu ở Đông Bắc Á.
Trong 4 nền kinh tế hàng đầu ở khu vực này, Nhật Bản chiếm giữ vị trí số một về tài trợ ODA cho Việt Nam trong nhiều năm. Ba nền kinh tế còn lại, khả năng tài trợ rất lớn song khối lượng tài trợ ODA cho Việt Nam chưa nhiều. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao thu hút được nhiều ODA hơn nữa, bởi xét trên nhiều phương diện nguồn vốn này rất quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá Việt Nam.
Cần phải có một chính sách ưu tiên mà mục tiêu chính là duy trì mức tài trợ ODA từ Nhật Bản cho Việt Nam như những năm gần đây và thu hút nhiều hơn ODA từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Chính sách này phải thiết kế làm sao cho các đối tác này trừ Nhật Bản coi Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách ODA của họ. Lợi thế của chúng ta là Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua đã có quan hệ tốt với Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Đây là cơ sở để Việt Nam xây dựng một chính sách thu hút ODA từ các đối tác chủ yếu ở Đông Bắc Á.
5. Coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ trực tiếp các chương trình hợp tác với khu vực Đông Bắc Á.
Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao là một đòi hỏi rất bức xúc hiện nay bởi chính quá trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới đặt ra yêu cầu đó. Chúng ta sẽ tận dụng được những lợi thế và hạn chế được những bất lợi từ quá trình hội nhập này nếu chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết, ở đây việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao là một trong số đó. Như vậy việc coi trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao là đòi hỏi chung khi Việt Nam gia tăng hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Riêng với các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với khu vực Đông Bắc Á, chúng ta cần chú trọng hơn về các phương diện; đặc trưng của hội nhập Đông Á, văn hoá, lịch sử Đông Bắc Á; và đặc biệt là đào tạo tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản và tiếng Hàn Quốc.
Như đã nói ở trên, kinh tế Đông Bắc Á với những xu hướng phát triển như dự báo sẽ tiếp tục gây hiệu ứng tích cực cho các đối tác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu dự báo trên không trở thành hiện thực thậm chí một cuộc khủng hoảng tương tự như khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998 nổ ra thì hệ luỵ xấu là điều đương nhiên. Và điều này đòi hỏi cần có sự nỗ lực phối hợp chính sách nhiều hơn, sâu hơn và thiết thực hơn giữa các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam với các đối tác này.
NGÔ XUÂN BÌNH

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Ngô Xuân Bình, (2006), “Liên kết kinh tế Đông Bắc Á- Liệu có một FTA Trung Quốc-Nhật Bản- Hàn Quốc”, Tạp chí, Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á. Số 1(61) Tr. 2.
  2. Các bản tin tài liệu tham khảo đặc biệt, Tin Kinh tế năm 2005 và 2006 của Thông tấn xã Việt Nam.
  3. Dr.Yu Yongding, (2005), The Interations between China and the World Economy, Institute of World Economics and Politics, Chinese Academy of Social Sciences.
  4. Douglas Zhihua Zeng, (2005), China and the Knowledge Economy: Challenges and Opportunities, Knowledge for Development Program, The World Bank.
  5. Daan Boom, (2005), Capacity Building for Knowledge Economies, Asian Development Bank, Knowledge Management Center Seoul.
  6. Derek H. C. Chen and Carl J. Dahlman (2005), The Knowledge Economy, the KAM Methodology and World Bank Operations, The World Bank Washington DC 20433.
  7. Asia Roundtable, (2005), The World Economic Forum’s Center for Strategic Insight (CSI), Singapore.
  8. Wayne M. (2005), China’s Economic Conditio,Morrison Foreign Affairs, Defense, and Trade Division, Congressional Research Service & The Library of Congress.
  9. Bert Hofman, (2005), Issues for China’s Eleventh Five-Year Plan, Stanford Center for International Development Conference on: China’s Policy Reforms: Progress and Challenges, , Lead Economist, World Bank Office Beijing.
  10. Staff Report for the 2005 Article IV Consultation, prepared by the Staff Representatives for the 2005 Consultation with the People’s Republic of China, International Monetary Fund, People’s Republic of China, approved by David Burton and Carlos Muñiz, July 8, 2005.

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1, 2007