Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

6. ASEAN-EU nâng quan hệ lên tầm cao mới

TCCSĐT - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 19 vừa diễn ra trong hai ngày 26 và 27-4-2012 tại Bamdar Seri Begawan (Brunei Darussalam) đã đạt được thành công tốt đẹp. Các bộ trưởng của 27 nước thành viên EU và 10 nước ASEAN đã thông qua Kế hoạch Hành động ASEAN - EU giai đoạn 2013-2017, nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, thương mại, đầu tư và hợp tác chuyên ngành.


Hợp tác tích cực và những hạn chế cần vượt qua
Đã 35 năm kể từ khi quan hệ ASEAN - EU chính thức được thiết lập (1977-2012), cho tới nay, hợp tác hai bên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Từ năm 2007, hai bên đã thông qua Tuyên bố Nuremberg về quan hệ đối tác tăng cường và Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Nuremberg. EU đã luôn tích cực hỗ trợ ASEAN trong quá trình phát triển, liên kết khu vực và xây dựng cộng đồng; giúp các nước ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai khu vực.
Quan hệ kinh tế ASEAN - EU đã có một bước tiến dài làm thay đổi cục diện chung trong quan hệ hai khối, giúp ASEAN từ vị trí của người nhận tài trợ trong những năm 90 của thế kỷ XX, trở thành đối tác bình đẳng với EU. Hiện nay, ASEAN là đối tác thương mại đứng thứ năm của EU với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ trong năm 2011 đạt 206 tỉ euro (tương đương 350 tỉ USD). Còn EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, đứng đầu về đầu tư ở khu vực ASEAN với tổng vốn lên đến 230 tỉ USD. Ngoài ra, ASEAN và EU cũng hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn và cơ chế hợp tác khu vực.
Tuy nhiên, những kết quả mà ASEAN và EU đạt được trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của hai khối. Một trong những nguyên nhân là do hai bên chưa có chính sách đúng mức trong phát triển quan hệ song phương. Nhiều ý kiến cho rằng, từ trước tới nay, ASEAN và EU chưa trở thành ưu tiên của nhau. Thực tế cho thấy, hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Mỹ), còn EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc đã có những chính sách gắn kết mạnh với các nền kinh tế EU, chẳng hạn, Trung Quốc đã quyết định mở một khoản tín dụng đặc biệt trị giá 10 tỉ USD để hỗ trợ cho các dự án hợp tác trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghệ mới và kinh tế xanh. Tiếp đến là việc thành lập một quỹ Trung Quốc - Trung, Đông Âu trị giá 500 triệu USD để khuyến khích lĩnh vực đầu tư. Đồng thời, với ASEAN, Trung Quốc cũng vượt qua Nhật Bản và EU, vươn lên trở thành đối tác thương mại số một của ASEAN, khiến EU phải xem xét lại chính sách hợp tác với ASEAN.
Trong khi đó, kể từ khi ký Hiệp định Tự do thương mại (FTA) với ASEAN từ năm 2007, buôn bán giữa hai khối vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, EU đã chuyển hướng ký kết FTA với từng quốc gia trong khối ASEAN nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác. Một thực tế nữa là, hầu hết các thành viên của ASEAN vẫn là các quốc gia đang phát triển, vì vậy còn gặp nhiều trở ngại lớn khi thâm nhập vào thị trường châu Âu, nhất là khi các chính sách của EU như chính sách nông nghiệp, chính sách chống bán phá giá… chưa được giải quyết thông qua đối thoại giữa EU - ASEAN.
Động lực hợp tác
Đánh giá về thực trạng hiện nay của EU có thể thấy, EU đang phải đối mặt với hệ quả của cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài đối với tốc độ tăng trưởng của một loạt các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó là những tác động tiêu cực tới tình hình chính trị, xã hội và chính sách đối ngoại của toàn khu vực. Niềm tin vào các khuôn khổ và cơ chế của EU trong bản thân nội khối cũng như vị thế chính trị và tiếng nói của EU trong các vấn đề quốc tế có những dấu hiệu thể hiện sự suy giảm. Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso đã thừa nhận, EU đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong lịch sử của Liên minh. Và, theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, mối đe dọa đối với đồng euro là “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai”.
Trong bối cảnh đó, thương mại được EU coi là một phần giải pháp thoát khỏi khủng hoảng. Trong chính sách thương mại, EU hướng tới việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng do hậu quả suy thoái kinh tế toàn cầu và đưa ra chính sách yêu cầu cam kết “có đi, có lại” đối với các đối tác thương mại. Theo đó, EU tập trung vào hàng rào phi thuế quan đối với một số lĩnh vực chủ chốt, như mua sắm chính phủ, thực thi sở hữu trí tuệ, tiếp cận nguyên liệu thô, dịch vụ, đầu tư và hàng rào kỹ thuật trong thương mại…Các doanh nghiệp châu Âu tăng cường tìm kiếm thị trường ở các nước đang phát triển do thị trường trong nước đang trở nên bão hòa.
Một số nhà phân tích cho rằng, các nền kinh tế ASEAN cơ bản là tăng trưởng ổn định, vì thế, đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi ASEAN đang tích cực triển khai tiến trình thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, sẽ là động lực giúp đưa vị thế của EU tăng lên nhằm cạnh tranh với các nước lớn khác như Mỹ, Trung Quốc.
Mặc dù giữa ASEAN và EU có những đặc điểm xã hội và kinh tế rất khác nhau, như sức mạnh kinh tế của EU (tính theo GDP), gấp hơn 9 lần so với ASEAN; EU bắt đầu tiến trình hội nhập từ năm 1958, một khoảng thời gian dài trước khi có Tuyên bố Băng Cốc về thành lập ASEAN vào năm 1967, tuy nhiên, liên kết giữa ASEAN và EU là sự kết hợp giữa hai cấu trúc kinh tế mang tính bổ sung mạnh mẽ. ASEAN hội tụ sức mạnh của các nền kinh tế đang phát triển, năng động bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á, trong khi EU có ưu thế về công nghệ, vốn, kinh nghiệm của những nền kinh tế phát triển có chiều sâu. Đây là động cơ quan trọng nhất để ASEAN và EU trở thành hai đối tác kinh tế lớn, quan trọng của nhau. Không những thế, cả ASEAN và EU, dù trên cấp độ hội nhập khác nhau, nhưng đều hướng đến việc xây dựng các không gian kinh tế khu vực thống nhất với quy mô to lớn, làm động lực cho phát triển thương mại và đầu tư.
Tăng cường hỗ trợ hội nhập
Thông qua những nỗ lực song phương cũng như giữa hai khu vực, ASEAN và EU đang từng bước kết nối một không gian kinh tế của 1,1 tỉ người tiêu dùng, chiếm 1/6 dân số thế giới và khoảng 19 nghìn tỉ USD giữa hai khu vực. Yếu tố này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi ASEAN đang hoàn tất những bước cuối cùng để thành lập Cộng đồng kinh tế vào năm 2015, trở thành một không gian sản xuất thống nhất, một thị trường chung của khu vực Đông Nam Á(1).
Trong bối cảnh ASEAN đang đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả các Kế hoạch về liên kết và kết nối ASEAN, nhất là các dự án trọng điểm về kết nối kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải, gắn kết với các chương trình hợp tác tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng Mekong, thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực, qua đó đóng góp vào thành công chung của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thì sự ủng hộ và hỗ trợ của EU là rất quan trọng. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 19, hai bên xác định, hợp tác kinh tế được thúc đẩy trên cơ sở tăng cường quan hệ đối tác chính trị và hợp tác thực chất hơn. Phía EU đưa ra các đề xuất về hợp tác quản lý khủng hoảng, trao đổi kinh nghiệm, điều phối chặt chẽ giảm thiểu rủi ro của thảm họa, thành lập hệ thống cảnh báo sớm ở khu vực để ứng phó với thảm họa và xây dựng năng lực cho Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa. EU cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và không phổ biến vũ khí phá hủy hàng loạt. Những hợp tác này là cơ sở để điều phối chặt chẽ hơn giữa EU và ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, như khủng bố, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chống bệnh truyền nhiễm...
Chính mối liên hệ kết nối 1,1 tỉ công dân của các nước EU và ASEAN sẽ thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, giúp EU và ASEAN tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của nhau trong việc xây dựng mô hình hội nhập khu vực. Hội nhập, tự thân nó, không phải là mục đích cuối cùng mà là một phương tiện để thực hiện tốt hơn hòa bình, thịnh vượng và những cải thiện hữu ích cho cuộc sống của người dân. EU, với gần 60 năm kinh nghiệm hội nhập, sẽ hỗ trợ hiệu quả cho ASEAN thông qua chương trình trị giá 70 triệu euro hỗ trợ cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN; 2 tỉ euro trong giai đoạn 2007 - 2013 cho các nước thành viên ASEAN riêng lẻ nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.
Với những thế mạnh của mình, EU có vai trò quan trọng trong sự thành công của ASEAN, một khu vực năng động với 600 triệu dân, nằm trên khu vực đường hàng hải chủ yếu trên thế giới. EU hoan nghênh những tiến bộ đáng kể của ASEAN hướng tới các mục tiêu hội nhập, thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và tạo những cơ hội thương mại lớn cho cả hai bên. Cao ủy EU về các vấn đề Đối ngoại và Chính sách an ninh Catherine Ashton cho rằng, “EU và ASEAN là các đối tác tự nhiên. EU muốn đóng vai trò tích cực và xây dựng trong cấu trúc khu vực châu Á. Đã đến thời điểm hai khu vực đưa hợp tác chính trị lên một bước mới”(2). Sáng kiến của ASEAN về việc thiết lập các diễn đàn khu vực mới, như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và gần đây nhất là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng đã khẳng định vai trò trung tâm của Khối trong cấu trúc khu vực Đông Á mới. EU cũng tỏ ý muốn tham gia Cấp cao Đông Á với hình thức thích hợp.
EU - đối tác quan trọng của Việt Nam
Việt Nam luôn coi EU là một đối tác hàng đầu, chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU thành “đối tác bình đẳng, hợp tác lâu dài, toàn diện vì hòa bình và phát triển”.
Kể từ khi lập quan hệ ngoại giao (năm 1990), quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển tích cực, ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển. Cơ cấu kinh tế Việt Nam và cơ cấu kinh tế EU, xét về mặt tổng thể, có tính bổ sung lẫn nhau nhiều hơn tính cạnh tranh đối đầu. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2011, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 24,3 tỉ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 16,5 tỉ USD và nhập khẩu từ EU đạt 7,3 tỉ USD. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, tính đến hết năm 2011 với 1.687 dự án còn hiệu lực cùng tổng số vốn đăng ký là 32,85 tỉ USD, vốn thực hiện là 13,07 tỉ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ(3).
Tiềm năng về hợp tác song phương Việt Nam và EU còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và các nước ASEAN đang hướng đến sự hội nhập đầy đủ trong Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như vai trò đang ngày càng được khẳng định của EU tại khu vực Đông Nam Á. Hai bên đã có các cuộc thảo luận về ý tưởng một hiệp định thương mại tự do song phương. Đây sẽ là một hiệp định thương mại tự do toàn diện, bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác mà hai bên quan tâm. Việt Nam và EU tin tưởng rằng, việc đàm phán và thực hiện Hiệp định thương mại tự do song phương giữa EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ giúp thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - EU cũng như tăng cường quan hệ ASEAN - EU.
*
*      *
Kỷ niệm 35 năm quan hệ đối tác, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 19 đã nâng quan hệ hai bên lên một tầm cao mới, hứa hẹn những cơ hội thị trường mới cho sự phục hồi của khu vực đồng euro và sự ủng hộ, hỗ trợ của EU đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, góp phần vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định để hợp tác cùng phát triển và thịnh vượng./.

----------------------------------------------

(1) Catherine Ashton, “Partnership with global reach”, http://www.nst.com.my/opinion/columnist/partnership-with-global-reach-1.78123

(2) Goh De No, “EU-ASEAN aim to enhance political, security cooperation”, 27-4- 2012, http://www.bt.com.bn/business-national/2012/04/27/eu-asean-aim-enhance-political-security-cooperation
(3) Thu Hiền, Việt Nam và EU hoàn tất các công việc kỹ thuật để khởi động đàm phán khu vực thương mại tự do song phương,  02-04-2012; http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30093&cn_id=515778
Lê Viết DuyênPhó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2012/15937/ASEANEU-nang-quan-he-len-tam-cao-moi.aspx