Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

31. "Hướng về Phía Đông" - Mối quan hệ Anh - ASEAN trong thế kỷ 21

Bài viết của Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague về mối quan hệ Anh-ASEAN trong thế kỷ 21. Bài được đăng trên Oxford Business Group tháng 12 năm 2011.
William Hague
Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague.
Ngày nay, khái niệm về một phương Tây phát triển và phần còn lại của thế giới vẫn đang phát triển không còn phù hợp nữa. Nói một cách đơn giản, thế giới đã thay đổi và nước Anh cũng phải thay đổi để vai trò và ảnh hưởng của chúng ta trên trường quốc tế không tụt hậu. Điều then chốt là chúng ta phải tận dụng được các cơ hội mà mô hình quốc tế mới đang mang lại theo đó sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế đang tiến về các phía đông và nam. Chúng ta đang thực hiện việc này bằng việc chuyển hướng các hoạt động ngoại giao một cách tương ứng và bằng việc nỗ lực để thắt chặt hơn nữa quan hệ của chúng ta với các cường quốc mới nổi này. Chúng ta biết rằng những mối quan hệ này sẽ ngày càng có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy ký kết các thỏa thuận quan trọng trên trường quốc tế và thúc đẩy thương mại và đầu tư có lợi cho sự thịnh vượng của nước Anh.
Khu vực Đông Nam Á là lý do điển hình cho cách tiếp cận này. Mười quốc gia thành viên của ASEAN, tổ chức chính trị khu vực của Đông Nam Á, có dân số lớn hơn EU hay Thế giới Ả rập, có nền kinh tế lớn hơn Ấn Độ và nhập khẩu hàng từ Anh nhiều hơn khối lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Khu vực này có tầm quan trọng đặc biệt về địa chính trị với ảnh hưởng lớn lên các cường quốc láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Điều này có nghĩa là họ nên, và thực tế là đang là các đối tác quan trọng của Anh trong nhiều mặt, từ biến đổi khí hậu tới không phổ biến vũ khí. Sức mạnh kinh tế đáng kể cũng như tiềm năng to lớn trong tương lai của họ cũng rất quan trọng cho lợi ích của chúng ta. Mức tăng trưởng trung bình trong bốn năm tới của các thành viên ASEAN là khoảng 6% và các kế hoạch thành lập một cộng đồng kinh tế vào trước năm 2015 càng hứa hẹn thêm nhiều triển vọng. Chúng ta đã biết quá rõ từ trải nghiệm của chính mình từ Thị trường chung Châu Âu về các lợi ích mà một thị trường thống nhất có thể mang lại.
Do đó, khu vực này xứng đáng được các đối tác trên toàn cầu thực sự quan tâm. Nước Anh may mắn khi có thể khai thác từ nền tảng các quan hệ vốn có và chúng ta đang có các hoạt động thương mại và đầu tư trị giá hàng tỷ bảng với các quốc gia ASEAN; các doanh nghiệp lớn nhất của chúng ta trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng, khoa học đời sống, thực phẩm và đồ uống đang dần tạo vị thế tại khu vực này và ngày càng có nhiều các hãng bán lẻ của chúng ta như Debenhams, Boots và Tesco đang trở thành quen thuộc với thị trường tiêu dùng, đặc biệt là ở Thái Lan. Hơn nữa, hàng năm có hơn 30.000 sinh viên từ các quốc gia này theo học tại Anh. Các sinh viên này thường trở về nước mình nắm giữ các vị trí quan trọng và có vai trò to lớn trong việc kết nối quan hệ với chúng ta.
Chúng ta luôn vun đắp trên nền tảng các quan hệ này. Năm ngoái chúng ta đã ký một Quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam với phạm vi bao gồm các lĩnh vực thương mại, quan hệ chính trị, an ninh và phát triển. Trong chuyến thăm Indonesia vào tháng trước, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh và Sáng tạo Vince Cable đã thành lập mới Hội đồng Kinh doanh Anh - ASEAN  để tăng cường hơn nữa hiện diện thương mại của Anh tại khu vực này, tập trung vào các cường quốc mới nổi. Cơ quan chuyên trách Đối tác Công Tư của Chính phủ Anh là Hạ tầng Anh quốc hiện đang làm việc với Philippines trong việc chia sẻ kiến thức và chúng ta sẽ nhân rộng hoạt động này ra khắp khu vực, một việc sẽ vô cùng hữu ích trong nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu thường trực cho phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời, chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ các vấn đề phát triển, quyền tự do dân chủ và tính minh bạch ở các quốc gia này, thông qua các sáng kiến như dự án của chúng ta ở Philippines thúc đẩy tính minh bạch tại cấp chính quyền địa phương.
Và chúng ta có thể làm hơn thế. Chúng ta cần đa dạng hóa các hoạt động của mình. Mối quan hệ thương mại của chúng ta trong khu vực phát triển mạnh nhất với các đối tác trong Khối thịnh vượng chung, trong đó Singapore và Malaysia chiếm phần lớn giá trị thương mại song phương của chúng ta về hàng hóa. Trong khi tiếp tục tăng cường các mối quan hệ quan trọng này, chúng ta cũng nên tìm kiếm cơ hội ở Indonesia, Việt Nam và các nơi khác. Chúng ta cũng cần tiếp tục làm việc với các đối tác EU để đảm bảo Hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN sẽ mở cửa các thị trường và thúc đẩy thương mại. Và cuối cùng, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy đầu tư hai chiều. Anh giới thiệu cơ hội đầu tư rất tốt cho các quốc gia mới nổi. Các tổ chức quốc tế thường xuyên đánh giá Vương quốc Anh là nơi dễ nhất để làm kinh doanh ở châu Âu, với môi trường kinh doanh sôi động nhất lục địa và ít rào cản  nhất trên thế giới đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quan hệ của chúng ta không chỉ dừng ở thương mại và đầu tư. Chúng ta có những lợi ích chung trong việc duy trì an ninh trong một khu vực nằm giữa các tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất trên thế giới và giải quyết mối đe dọa chung như khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân, tội phạm mạng và biến đổi khí hậu.
Do đó Vương quốc Anh duy trì vai trò an ninh khu vực và hợp tác quốc phòng thông qua cam kết 40 năm của chúng ta tại "Thỏa thuận Quốc phòng giữa năm cường quốc". Thỏa thuận này giữa năm quốc gia của Khối thịnh vượng chung gồm Vương quốc Anh, Singapore, Malaysia, Australia và New Zealand này là duy nhất cho khu vực Đông Á và cho phép các nước ký kết thực hiện các cuộc tập trận chung và chia sẻ thông tin về các vấn đề từ hải tặc đến đánh bắt cá bất hợp pháp.
Có một số vấn đề ly khai hoặc xung đột nội bộ giữa các nước trong khu vực ASEAN và căng thẳng vẫn tồn tại ở vùng biển Nam Trung Hoa. Vương quốc Anh có những kinh nghiệm sẵn sàng chia sẻ để giúp thúc đẩy sự ổn định, và chúng ta đã là thành viên của nhóm nhỏ các quốc gia chính thức hỗ trợ Chính phủ Philippines và các nhóm nổi dậy trong nỗ lực chung nhằm chấm dứt xung đột ở miền nam nước này.
Về đối ngoại, tiếng nói của các nhà lãnh đạo khối ASEAN sẽ ngày càng có trọng lượng đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu. Quá trình dân chủ hóa đầy ấn tượng của Indonesia và việc Malaysia mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực là những ví dụ về việc những kinh nghiệm của các nước trong khu vực này có thể mang lại giá trị tuyệt vời cho cộng đồng quốc tế. Chúng ta hoan nghênh lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo ASEAN về những nỗ lực để tăng cường đóng góp tập thể trong các vấn đề toàn cầu, tại các diễn đàn Liên Hợp Quốc và các diễn đàn khác; Indonesia, với tư cách là một thành viên đầy đủ của G20, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi lên được lắng nghe.
Chúng ta cũng muốn làm việc với các nước thành viên ASEAN về biến đổi khí hậu, một vấn đề mà sự lãnh đạo của họ có thể tạo sự khác biệt thực sự. Đây là nhiều trong số các quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất, nhưng cũng có thể nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ hậu quả của thay đổi nhiệt độ, với rủi ro về hạn hán, bão tăng mạnh và, như chúng ta đã thấy vào tháng Mười, lũ lụt tàn phá nghiêm trọng. Bất kỳ giải pháp lâu dài nào cũng cần phải có sự tham gia và hợp tác chặt chẽ với ASEAN.
Vì vậy, cách tiếp cận của chúng ta sẽ như sau; xây dựng mối quan hệ của chúng ta với các nước ASEAN, tìm sự chia sẻ về chuyên môn và kiến thức, thúc đẩy thương mại tự do và phát triển hơn và làm việc cùng nhau trong một loạt các lĩnh vực từ an ninh tới biến đổi khí hậu. Chúng ta sẽ tiếp tục hướng Đông để tìm kiếm các cơ hội vô cùng tiềm tàng mà sẽ thấy được ở khu vực Đông Nam Á.
 
http://ukinvietnam.fco.gov.uk/vi/news/?view=News&id=716209982