Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

30. Vai trò của Đông Dương trong chính sách bành trướng của phát xít Nhật (1939 - 1945)


Với cuộc cải cách Minh Trị Duy tân  1868, Nhật Bản thoát khỏi số phận một nước thuộc địa hay phụ thuộc, tiến mạnh theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản Nhật ra đời và lớn mạnh vào thời kỳ nhiều nước tư bản đang chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản Nhật tất yếu dẫn tới sự đòi hỏi ngày càng gay gắt hơn về nguyên liệu và thị trường tiêu thụ (bởi Nhật Bản là một nước nghèo về nguyên liệu và nhỏ hẹp về diện tích). Trong thời kỳ này, trừ Trung Quốc đang bị các cường quốc xâu xé, hầu hết các nước Châu Á, ở những mức độ khác nhau, đều rơi vào “nanh vuốt” của chủ nghĩa thực dân phương Tây.
Là tên đế quốc “sinh sau đẻ muộn”, đế quốc Nhật Bản lớn lên trong viễn cảnh thị trường thuộc địa, đặc biệt ở phương Đông, hầu như đã phân chia xong. Vì vậy, để giải quyết vấn đề thị trường và tranh giành khu vực ảnh hưởng, giới tư bản Nhật, một mặt ra sức tăng cường bóc lột nhân dân trong nước, mặt khác tiến hành các cuộc chiến tranh thôn tính. Nhật Bản đã gây chiến tranh với Trung Quốc 1874 và 20 năm sau Nhật Bản cũng đã thắng trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật (1894-1895)(1). Tháng 3 năm 1905, hải quân Nhật Bản đủ sức nhấn chìm hạm đội Nga tại vùng biển Tsushima trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905) và biến Đài Loan thành thuộc địa. Với thắng lợi này, vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế được nâng lên, vì đây là lần đầu tiên một dân tộc Châu Á đánh bại một tên thực dân phương Tây. Và cũng chính từ chiến thắng oanh liệt này, người Nhật đủ tự tin bắt đầu toan tính đến việc bành trướng, tham gia vào cuộc giành giật thị trường, cạnh tranh lợi ích với các cường quốc phương Tây ở Châu Á.
Có một thực tế lịch sử là: vào đầu thế kỷ XX, nhất là sau chiến thắng của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật, người Nhật được nhiều chí sĩ yêu nước ở các nước thuộc địa và phụ thuộc ở Châu Á tôn vinh là “anh cả da vàng”. Nước Nhật với cuộc cải cách Minh Trị Duy tân đã trở thành tấm gương cho nhiều nước lân bang noi theo, hướng tới con đường cải cách, tự cường dân tộc... Hơn thế nữa, nhiều sĩ phu yêu nước từ Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia... đã đến Nhật với kỳ vọng tìm kiếm sự hậu thuẫn của người “anh cả” này cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của họ. Đây chính là bối cảnh lịch sử đã dẫn Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh và nhiều chí sĩ Việt Nam đến Nhật vào những năm 1905-1908. Trên một mức độ nào đó, có thể nói rằng chính sự hiện diện của Phan Bội Châu và các chí sĩ yêu nước Việt Nam tại Nhật vào đầu thế kỷ XX đã góp phần đánh thức mối quan tâm của chính giới Nhật với xứ sở này. Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên, chính giới Nhật Bản “để mắt” tới Việt Nam, lúc đó đang là thuộc địa của Pháp nằm trong Liên bang Đông Dương(2). Bằng chứng là, ngày 10-7-1907, tại Tôkyô, nhà cầm quyền Nhật ký với Pháp một bản Hiệp ước liên quan đến vấn đề lưu học sinh Việt Nam trên đất Nhật. Với bản hiệp ước này, chính giới Nhật vì lợi ích vị kỷ của họ đã cộng tác với chính phủ thực dân Pháp ở Đông Dương trục xuất lưu học sinh Việt Nam trên đất Nhật. Phong trào Đông Du của người Việt Nam đến đây thất bại.
Tuy vậy, sự lưu tâm của chính giới Nhật Bản đối với xứ Đông Dương cho đến giữa những năm 1930 vẫn chưa đậm nét. Chỉ từ khi chính phủ quân phiệt Nhật bắt tay vào việc chuẩn bị kế hoạch bành trướng, phát động chiến tranh xâm lược ở Châu Á thì xứ Đông Dương thuộc Pháp mới được họ thực sự quan tâm đặc biệt. Khoảng nửa sau những năm 30, số người Nhật xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Năm 1936, đã có tổng cộng 231 người Nhật đăng ký cư trú ở Đông Dương(3). Trong số họ, không ít người cộng tác với tình báo Nhật thu thập thông tin mọi mặt về xứ sở này. Tháng 7 năm 1937, Nhật Bản phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn Trung Quốc. Chỉ sau một thời gian ngắn, quân Nhật nhanh chóng tiến xuống phía Nam. Tháng 10 năm 1938, quân Nhật chiếm được Quảng Châu, áp sát biên giới Việt – Trung. Cũng chính từ thời điểm này quân Nhật chính thức đặt vấn đề xâm lược  Đông Dương. Đến đây vấn đề đặt ra, tại sao phát xít Nhật đặt vấn đề xâm lược Đông Dương và Đông Dương giữ vai trò như thế nào trong chính sách bành trướng xuống phương Nam của giới quân phiệt Nhật ?
1. Theo dõi diễn trình lịch sử Châu Á giai đoạn cuối những năm 1930, có một thực tế lịch sử cần bàn tới. Đó là, để hợp lý hoá và hỗ trợ cho việc bành trướng xuống phương Nam nói chung và xứ Đông Dương nói riêng, chính giới Nhật Bản công bố cái gọi là “Khu vực Đại Đông Á thịnh vượng chung” hay còn gọi là “Thuyết Đại Đông Á” (Dai Toa Kyoei Ken) vào tháng 8 năm 1940. Nội dung cốt lõi của thuyết “Dai Toa Kyoei Ken” núp dưới chiêu bài: “thành lập khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á, tức là sẽ xây dựng khu vực này thành khu vực thịnh vượng và phát triển các quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia dựa theo 5 nguyên tắc: ngoại giao liên hợp – quân sự đồng minh – kinh tế hợp tác – văn hoá cần thông – chính trị độc lập. Thứ hai là bảo vệ nhân dân Châu Á, giúp nhân dân Châu Á chống lại chính sách bất công về kinh tế, chính trị của các đế quốc Anh, Pháp, Mỹ và quyết tâm thực hiện thắng lợi thuyết Đại Đông Á”(4) . Tuy nhiên, thực tế lịch sử chứng minh, giới cầm quyền Nhật đi ngược lại lời hoa mỹ đó. Song song với việc công bố “thuyết Đại Đông Á”, chính giới Nhật vạch kế hoạch xâm chiếm Đông Dương làm cơ sở cho việc xây dựng “khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á”.
Như trên đã trình bày, thông qua mạng lưới tình báo của Nhật ở Đông Dương, cũng trong tháng 8 năm 1940, chính giới Nhật công bố bản tài liệu “Nghiên cứu những chính sách đối với Đông Dương”. Trong bản tài liệu này chỉ rõ những thuận lợi khi Nhật chiếm vùng này. Đó là:
- Dùng làm cơ sở để tiến hành đánh chiếm Miến Điện, Mã Lai.
- Sử dụng cảng Cam Ranh, một cảng quân sự loại tốt nhất thế giới, lại nằm giữa đường từ Xingapo đi Hồng Công và cũng có khoảng cách gần như vậy từ Biển Đông đến Băng Cốc đến Manila, các cảng ở Xaroát (Sarawak) và Bắc Boócnêô.
- Tập trung quân nhanh chóng đưa đến các mặt trận Thái Bình Dương(5).
Tuy nhiên việc thực hiện âm mưu xâm lược Đông Dương của giới quân phiệt Nhật vấp phải nhiều cuộc tranh luận gay gắt dẫn tới mối bất hoà sâu sắc trong nội bộ giới lãnh đạo Tôkyô về phương thức xâm chiếm Đông Dương. Trong khi giới quan chức ngoại giao chủ trương xâm chiếm Đông Dương một cách hoà bình, tức là tìm cách đạt được các mục đích nói trên bằng các biện pháp ngoại giao, thì giới lãnh đạo quân sự muốn tấn công Đông Dương, thủ tiêu nền thống trị của thực dân Pháp và đặt Đông Dương dưới sự thống trị trực tiếp của Nhật, nghĩa là bằng biện pháp quân sự. Mặc dù hai phương án nói trên khác nhau căn bản về thủ đoạn, nhưng lại đồng nhất với nhau trong mục đích tối hậu. Sử gia Nhật, Minami Yoshima có lý khi nhận định rằng: “Trong con mắt của nhóm người hoạch định và tiến hành chiến tranh, cả hai cách tiếp cận đó cùng được vận dụng một cách thích hợp. Đó là hai mặt hợp thành của một chính sách nhà nước duy nhất: bành trướng chiến tranh ở Châu Á(6).
Tháng 9-1940, quân Nhật kéo vào Bắc Đông Dương, tiếp đó giúp đội quân Thái Lan đánh Campuchia, rồi ép Pháp phải nhường đất cho Thái Lan. Chính phủ thuộc địa Pháp ở Đông Dương ký hiệp định 23-9-1940 và các hiệp định tiếp theo chấp nhận yêu cầu của Nhật chiếm đóng Đông Dương. Từ đó, nhân dân Đông Dương sống “quằn quại” dưới ách thống trị “một cổ đôi tròng” của Pháp - Nhật và thực dân Pháp trở thành “con chó giữ nhà” cho Nhật. “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật”(7). Năm 1941, quân đội Nhật tiếp tục đóng ở nhiều cứ điểm khác nhau của miền Nam Đông Dương.
Đối với phát xít Nhật, việc chiếm Đông Dương vào thời điểm lúc bấy giờ đóng vai trò then chốt, “chìa khoá” thành công cho mọi nỗ lực tiến hành chiến tranh ở Châu Á. Cụ thể là, Bắc Việt Nam với tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Vân Nam là một trong hai huyết mạch giao thông chính cung cấp viện trợ quân sự từ bên ngoài (ám chỉ các nước Đồng Minh – Lê Thành Nam chú thích) cho chính phủ Trùng Khánh của Tưởng Giới Thạch. Bởi theo nhãn quan của giới cầm quyền Tôkyô thì “dây rốn của chính quyền Trùng Khánh chạy dài tới Anh và Hoa Kỳ”(8). Chính giới Nhật Bản cho rằng để đánh gục sự kháng cự của Trùng Khánh thì phải bằng mọi giá cắt đứt tuyến đường viện trợ này. Bên cạnh đó – không kém phần quan trọng - của quân đội Nhật khi chiếm Đông Dương chính là tạo ra một bàn đạp chiến lược cho các bước tiến công xâm lược tiếp theo. Một “điểm tựa” tối ưu để “phía Bắc đánh Hoa Nam, Đông đánh Phi Luật Tân, Nam đánh Mã Lai, Inđônêxia, Ôxtralia và Tây đánh Mianma, Ấn Độ”(9) . Chính đây là một trong những nhân tố bổ trợ giúp quân Nhật chiếm lĩnh vị trí “thượng phong” trên chiến trường Châu Á – Thái Bình Dương, tính đến năm 1943.
Ngày 7-12-1941, Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbour), chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ. Tiếp theo quân Nhật chiếm Inđônêxia, Mã Lai, Miến Điện, Hồng Công và các quần đảo thuộc Nam Thái Bình Dương (Guam, Wake, Tân Britanya, Salômông), từ Miến Điện tiến lên tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) v.v(10)...  Hình thái chiến trường Thái Bình Dương thuận lợi cho Nhật kéo dài cho đến giữa năm 1943.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào diễn biến cuộc chiến tranh Thái Bình Dương mà trong mỗi thời đoạn cụ thể Đông Dương giữ vai trò khác nhau trong chiến lược chiến tranh của Nhật Bản và do đó chính sách của Nhật đối với Đông Dương cũng thay đổi theo. Trước trận Trân Châu Cảng, đối với Nhật, Đông Dương có ý nghĩa như một căn cứ hậu cần và một căn cứ quân sự, từ đó có thể tấn công tập hậu vào quân Trung Quốc (Quốc Dân Đảng). Sau trận Pearl Harbour, Đông Dương vừa tiếp tục giữ vai trò là căn cứ hậu cần chiến lược, vừa là bàn đạp tấn công Đông Nam Á. Tuy vậy, từ giữa năm 1943, hình thái chiến tranh thay đổi, khi quân đội Đồng Minh bắt đầu chuyển sang phản công, đẩy phe Trục nói chung và quân đội Nhật nói riêng vào thế bị động đối phó, từng bước bị đẩy lùi trên khắp các chiến trường thì vị trí của Đông Dương trong chiến lược chiến tranh của Nhật bắt đầu thay đổi. Đặc biệt là sau khi quân Nhật bị thất bại nặng nề cả trên chiến trường Philipin (4-1945), Miến Điện (5-1945) và trước nguy cơ bọn thực dân Pháp ở Đông Dương tiến hành “kháng chiến” chống Nhật khi quân Đồng Minh đổ bộ vào, thì Đông Dương trở thành “cầu nối chiến lược” có tầm quan trọng sống còn, nối liền quân Nhật trên lục địa Châu Á với lực lượng hải quân ở Đông Nam Á. Nếu mất “cây cầu này” thì không những toàn bộ quân Nhật ở Đông Nam Á sẽ bị đánh tan mà các cánh quân Nhật ở Hoa Nam cũng rơi vào tình thế bị bủa vây. Chính vì thế mà quân Nhật buộc phải giữ Đông Dương bằng mọi giá. Theo chuỗi logic của vấn đề lịch sử, nhìn dưới góc độ địa – chính trị,  sự kiện Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương vào đêm 9-3-1945, nhằm độc chiếm xứ thuộc địa này, cũng nằm trong vấn đề phân tích trên.
2. Khi đặt vấn đề xâm lược Đông Dương, ắt hẳn trong nhãn quan giới cầm quyền Tôkyô không chỉ xem Đông Dương là vị trí “chiến lược quan trọng”, mà còn xem xứ sở này là nơi cung cấp tài nguyên phục vụ chiến tranh, trong đó chủ yếu là thóc gạo. Bằng chứng là: năm 1920, khi Nhật bị mất mùa, tổng số gạo xuất khẩu của Đông Dương đạt trên 1,5 triệu tấn thì số gạo nhập vào Nhật chiếm gần 400.000 tấn. Từ 1930 trở đi, khi Nhật tự túc được lương thực thì số gạo nhập từ Đông Dương không còn đáng kể. Nhưng đến 1940, khi Nhật tiến vào Đông Dương thuộc Pháp, số gạo nhập từ Đông Dương sang Nhật tăng lên một cách đột biến: năm 1940 là 439.000 tấn chiếm tỷ lệ 27,6 % tổng số gạo xuất khẩu; năm 1941, 563.000 tấn (59%); năm 1942, 973.000 tấn (98,3%); năm 1943, 662.000 tấn (64,7%); năm 1944, 38.000 tấn (7,6%)(11). Nhìn vào chuỗi số liệu trên, ta thấy số gạo Đông Dương xuất khẩu sang Nhật đỉnh cao vào năm 1942 với tỷ lệ xấp xỉ 100%.
Chúng ta thực hiện phép so sánh đối chiếu về số gạo nhập từ các nước Châu Á sang Nhật những năm 1940 -1945 để thấy rõ hơn, vai trò của Đông Dương trong “chiến lược lương thực” của Nhật.
Bảng thống kê dưới đây chỉ rõ Đông Dương là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất sang Nhật trong nhiều năm:

(Đơn vị: tấn, %)
1
1940
1941
1942
1943
1944
1945
Đài Loan
385.000
(22,7%)
272.000
(12,2%)
262.000
(10%)
207.000
(18,2%)
150.000
(19,2%)
9.000
(6%)
Triều Tiên
60.000
(3,5%)
520.000
(23,3%)
840.000
(32%)
72.000
(6,3%)
560.000
(71,5%)
142.000
(94,%)
Đông Dương
439.000
(25,9%)
563.000
(25,2%)
973.000
(37%)
662.000
(58,3%)
38.000
(4,9%)
-
Miến Điện
421.000
(24,9%)
438.000
(19,6%)
47.000
(1,8%)
18.000
(1,6%)
-
-
Thái Lan
284.000
(16,8%)
435.000
(19,5%)
508.000
(19,3%)
177.000
(15,6%)
36.000
(4,6%)
-
Các nước khác
105.000
(6,2%)
5.000
(0,2%)
-
-
-
-

Nguồn: Phan Ngọc Liên (2003), Lịch sử và giáo dục lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 276.

Cùng với lúa gạo là mặt hàng chiến lược quan trọng, quân Nhật còn buộc chính phủ thực dân Pháp tăng cường bóc lột dân bản xứ để cung cấp cho họ một khối lượng tiền mặt khổng lồ cũng như các nhu yếu phẩm khác. Theo thống kê của David G. Marr thì cho đến tháng 3 năm 1945 số tiền Nhật buộc Pháp phải cung cấp lên tới khoảng 300 triệu Piastre, trong cuộc đảo chính ngày 9-3-1945, Nhật cũng đã vơ vét của Ngân hàng Đông Dương 780 triệu Piastre(12). Bên cạnh đó, Nhật tiến hành khai thác tài nguyên khác như; than, apatít, mangan, cao su, thiếc v.v... Tất cả nhằm “nuôi dưỡng” bộ máy chiến tranh của Nhật. Hoạt động bóc lột và khai thác tàn bạo này của quân phiệt Nhật chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy đại đa số dân Việt Nam vào cảnh cơ cực, gần 2 triệu người đã chết đói vào cuối năm 1944, đầu năm 1945.
Qua một vài số liệu nêu trên, chúng ta khẳng định rằng, xứ Đông Dương thuộc Pháp trong thế chiến thứ hai đã cung cấp cho phát xít Nhật hàng loạt tài nguyên vô giá, giúp Nhật tạo ra một bệ đỡ vật chất quan trọng cho các nỗ lực chiến tranh của nước Nhật tại Châu Á. Trong số những nguồn tài nguyên chiến lược mà quân đội Nhật muốn chiếm đoạt thì lúa gạo giữ một vai trò quan trọng đặc biệt.
Quân phiệt Nhật Bản trong kế hoạch bành trướng, làm chủ Châu Á đã chọn Đông  Dương làm căn cứ chiến lược. Dưới nhãn quan của người Nhật, Đông Dương là vị trí đặc biệt quan trọng trong nỗ lực tiến hành chiến tranh ở Châu Á. Vì vậy, ngay từ đầu chính giới Nhật tìm mọi cách nắm giữ cho được vị trí này. Ngoài ra, Đông Dương còn là nơi cung cấp tiềm lực cho chiến tranh của Nhật ở Châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, khi Nhật chiếm được Đông Dương, phát xít Nhật đã thực hiện ở đây một chính sách thuộc địa thực sự, cuốn xứ sở này vào guồng máy chiến tranh của Nhật.


LÊ THÀNH NAM
(Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế)
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Minh Hoa, Cải cách ở Nhật Bản trong những năm 1945-1951, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1999.
2. R. Mason & J. Caiger Nguyễn Văn Sỹ dịch, Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Lao Động, Hà Nội 2003.
3. Phan Ngọc Liên, Lịch sử và giáo dục lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002
5. Nguyễn Khắc Ngữ, Nhật Bản Duy tân thời Minh Trị Thiên hoàng. Nxb. Trình bày, Sài Gòn 1967.
6. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2(333)2004.
7. Nguyễn Anh Thái, Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2002.




(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, Tr 165.

(2) Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2(333)2004, Tr 8.
(3) Nh­ trÝch dÉn (2), Tr 9.
(4) Hoàng Minh Hoa, Cải cách ở Nhật Bản trong những năm 1945-1951, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1999, Tr 37 – 38.

(5) Phan Ngọc Liên, Lịch sử và giáo dục lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, Tr 269.
(6) Nh­ trÝch dÉn (2), Tr 10.
(7) Như trích dẫn (5), Tr 272.
(8) R. Mason & J. Caiger Nguyễn Văn Sỹ dịch, Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Lao Động, Hà Nội 2003, Tr 414.
(9) Như trích dẫn (4), Tr 38.
(10) Nguyễn Anh Thái, Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2002, Tr 201.
(11) Như trích dẫn (5), tr 274, 275.
(12) Như trích dẫn (10), Tr 13.