Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

14. Hồ Chí Minh, người đại diện kiệt xuất cho cuộc đối thoại giữa hồn cốt văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại trong quá trình đi tìm đường cứu nước


Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 122 ngày sinh của Bác Hồ
PHẠM XUÂN NAM
GS.TS. Viện Khoa học xã hội Việt Nam

1. Hành trang văn hóa của Nguyễn Tất Thành khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước
Hồ Chí Minh (1890-1969) – thuở nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, rồi Nguyễn Tất Thành – sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho thanh bạch, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Với trí thông minh và tâm hồn nhạy cảm, từ thời niên thiếu đến tuổi thanh niên, Nguyễn Tất Thành đã hấp thu được một vốn kiến thức cơ bản về văn hóa dân tộc và văn hóa phương Đông qua giáo dục gia đình, truyền thống quê hương - đất nước, trường học và trường đời đầu tiên.
Theo Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nguyễn Sinh Cung được khai tâm bằng chữ Hán khi lên tám tuổi (1898). Kể từ đấy cho đến khi thôi học (1910), Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành có khoảng 13 năm đèn sách. Gần 10 năm đầu, anh theo Hán học, chủ yếu do cha và một số vị danh sư khác dạy. Đây là thời gian, ngoài giờ học tập, Nguyễn Tất Thành còn được cha cho đi theo trong những lần ông đến thăm các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân..., hoặc tham quan các di tích lịch sử trong vùng. Khoảng 3 - 4 năm sau, anh Nguyễn lần lượt vào học trường tiểu học Pháp - Việt thành phố Vinh, trường Quốc học Huế, rồi trường tiểu học Pháp - Việt thị xã Quy Nhơn. Chính tại trường tiểu học Vinh, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành được biết tới khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Và từ thuở ấy, anh "rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy"1. Còn trong thời gian đang học ở Huế, đầu năm 1908, Nguyễn Tất Thành đã tham gia cuộc biểu tình của nhân dân miền Trung chống chính sách thuế của chính quyền thuộc địa.
Với quá trình học tập như trên, cái vốn tiếng Pháp và kiến thức về tự nhiên và xã hội theo Tây học của Nguyễn Tất Thành chắc chưa có gì đáng kể. Nhưng cái vốn Hán học và quốc học ở anh hẳn đã khá cơ bản. Nhiều năm được học với các vị túc nho nặng lòng yêu nước, nên ngoài kinh điển Nho gia, Bắc sử…, Nguyễn Tất Thành còn được các thày truyền giảng cho nhiều kiến thức về quốc sử, quốc văn. Theo sách Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, cậu Thành đã giỏi làm câu đối, làm thơ từ khi học với thày Vương Thúc Quý. Khi được nghe Phan Bội Châu và các bậc cha chú bàn luận nhiều về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, Nguyễn Tất Thành đã rủ các bạn học xuống thành phố Vinh tìm mua sách “Nam sử”. Không đủ tiền mua sách, cậu đã đứng đọc tại chỗ, nhập tâm những nội dung chính để về kể lại cho các bạn nghe2.
Điều này giải thích tại sao, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, khi trở về Cao Bằng lập căn cứ địa cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn toàn dựa vào trí nhớ của mình để viết Lịch sử nước ta bằng thơ lục bát nhằm giáo dục cán bộ và nhân dân về lòng tự hào dân tộc và ý thức đoàn kết. Tiếp đó, trong hơn một năm bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ, giải tới giải lui qua mấy chục nhà tù ở Quảng Tây, Nguyễn Ái Quốc – lúc này lấy tên mới là Hồ Chí Minh – đã viết 133 bài thơ chữ Hán, làm nên kiệt tác Ngục trung nhật ký. Trong đó, theo lời học giả Đặng Thai Mai, “hình như mọi truyền thống tốt đẹp của thơ ca chữ Hán đều có dịp hội tụ lại ở đây”3.
Tóm lại, cùng với giáo dục của gia đình, trường học và trường đời đầu tiên đã hình thành nên ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành một nhân cách văn hóa vững vàng. Đó là lòng yêu nước, thương nòi, lòng tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc; một vốn kiến thức cơ bản về văn hóa dân tộc và văn hóa phương Đông. Anh cũng bước đầu trải nghiệm cuộc sống lao động và đấu tranh, mang nỗi đau của người dân mất nước. Vì thế, lúc bấy giờ anh đã sớm “có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”4.
Tháng 6-1911, khi vừa tròn 21 tuổi, Nguyễn Tất Thành quyết định rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Hoài bão đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào và vốn hiểu biết về văn hóa nước nhà, văn hóa phương Đông chính là những món hành trang văn hóa hết sức quý báu sẽ giúp cho Nguyễn Tất Thành "tha hương mà không tha hóa"5, lại còn sáng tạo thêm nhiều giá trị mới đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
2. Tiếp thu những giá trị ưu tú của văn hóa phương Tây, kết hợp tinh hoa văn hóa Đông - Tây, từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra ánh sáng của một nền văn hóa tương lai
Rời Tổ quốc ra đi với chí hướng “xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào, rồi sẽ trở về giúp đồng bào”6, Nguyễn Tất Thành đã thực hiện một cuộc hành trình vạn dặm. Anh đã đi từ châu Á sang châu Âu, vòng quanh châu Phi, đến nước Mỹ một thời gian, rồi trở lại châu Âu, sống nhiều năm ở Anh và ở Pháp.
Trong những năm bôn ba ấy, anh Nguyễn đã quan sát nhiều và học được nhiều điều mới lạ. Tình cảm, trí tuệ của anh ngày càng có sự chuyển biến sâu sắc.
Thứ nhất, tình cảm yêu nước được bổ sung bằng tinh thần quốc tế
Lần đầu tiên đặt chân đến bến cảng Marseille, anh Nguyễn nhận thấy những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân ở các nước thuộc địa rất hung ác, vô nhân đạo. Anh đã khóc ròng khi chứng kiến cảnh những người công nhân da đen bị sóng biển cuốn đi ở cảng Dakar, vì bọn chủ Pháp bắt họ phải nhảy xuống biển đang nổi sóng dữ để ra liên lạc với chiếc tàu không thể cập bến. Thời gian ở New York, anh đã đến thăm khu Harlem của người da đen và dốc cả tiền túi ra ủng hộ vào quỹ giúp cho những người nghèo khổ muốn trở về quê hương. Anh rất xúc động khi đọc báo biết tin nhà yêu nước Ireland đã tuyệt thực đến chết để phản đối chính sách thống trị của thực dân Anh tại xứ sở mình…
Trong trái tim nhân ái của anh Nguyễn, nỗi đau trước cảnh đồng bào bị đọa đầy ở trong nước hòa quyện với nỗi đau của nhân loại cần lao. Hoài bão cứu nước cứu dân ở anh càng được nhân lên bởi khát vọng giải phóng của nhân dân các dân tộc bị áp bức.
Thứ hai, vừa lao động kiếm sống vừa miệt mài học tập, không ngừng làm giàu thêm trí tuệ của mình bằng những giá trị văn hóa mới
Ra đi tìm đường cứu nước chỉ với hai bàn tay trắng, anh Nguyễn đã phải làm nhiều nghề để sống và để đi: làm phụ bếp và làm thuê cho Hãng Vận tải hợp nhất (Chargeurs Réunis) của Pháp; đi ở cho người ta tại New York; cào tuyết cho một trường học, rồi đốt lò, dọn dẹp bát đĩa cho một khách sạn ở London; rửa ảnh, vẽ đồ sứ và làm một số nghề lao động chân tay khác ở Paris.
Dù lao động có vất vả đến mấy, song bất cứ ở đâu anh Nguyễn đều tranh thủ thời gian để học tập. Khi ở London, anh tự học và học tiếng Anh với một giáo sư người Ý. Đến Paris, anh không ngừng trau dồi thêm tiếng Pháp. Anh học đến mức thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và sử dụng những ngôn ngữ quan trọng đó làm chìa khóa mở cửa đi vào kho tàng văn hóa phương Tây rộng lớn và sâu sắc. Ngoài chữ Hán vốn đã thông thạo từ trước, giờ đây anh Nguyễn còn có thể đọc thẳng Shakespeare, Dickens bằng tiếng Anh, đọc thẳng Victor Hugo, Emile Zola, Anatole France… bằng tiếng Pháp. Anh xem Anatole France và Léon Tolstoi là những người đỡ đầu văn học cho mình.
Anh Nguyễn dành nhiều thời gian tới thư viện, thăm bảo tàng, tìm hiểu lịch sử các nước phương Tây, đặc biệt là lịch sử cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp. Anh tích cực tham gia Câu lạc bộ Faubourg do một trí thức tiến bộ Pháp là Léo Poldès sáng lập, gia nhập Hội nghệ thuật và khoa học, Hội những người bạn của nghệ thuật và cả Hội du lịch nữa. Tham dự những hoạt động của các tổ chức đó, anh Nguyễn ngày càng mở rộng được tầm nhìn, nâng cao kiến thức nhiều mặt.
Thứ ba, dấn thân vào những hoạt động cách mạng đầu tiên
Nguyễn Tất Thành từ Anh qua Pháp cuối năm 1917. Đó là lúc Chiến tranh thế giới thứ nhất giữa các nước đế quốc đang diễn ra ác liệt, cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vừa mới thành công, tình hình ở Việt Nam cũng có một số chuyển biến mới.
Đến Paris, anh Nguyễn đã gặp nhà yêu nước lão thành Phan Châu Trinh, luật sư Phan Văn Trường và những người Việt Nam khác lúc đó đang sống tại đây. Anh nói với họ: “Trong khi vua Duy Tân nổi dậy ở Huế, nhân dân Thái Nguyên và nhiều nơi khác khởi nghĩa, thì chúng ta phải làm gì chứ?”7.
Được Ban tiếp đón những người lao động nhập cư của Đảng Xã hội Pháp giúp đỡ kiếm cho thẻ lao động hợp pháp, anh Nguyễn đã chú ý tìm hiểu và có cảm tình với chính đảng này. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Với tư cách là đảng viên của đảng này, anh Nguyễn có điều kiện tiếp xúc, làm quen với nhiều nhà hoạt động chính trị-xã hội, nhiều nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng như Marcel Cachin, Vaillant Coutourier, Léon Blum, Gaston Monmousseau, Henry Barbusse, Jaurès, Colette… Những cuộc tiếp xúc, giao lưu, đối thoại với những trí tuệ lớn ấy đã đưa anh Nguyễn vào một môi trường hoạt động chính trị sôi nổi và hoạt động văn hóa rất bổ ích.
Giữa năm 1919, các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất là Anh, Pháp, Mỹ… họp hội nghị tại Versailles. Nhiều đoàn đại biểu của các dân tộc thuộc địa đã kéo đến hội nghị để đưa kiến nghị của mình. Thay mặt "Nhóm những người yêu nước An Nam", Nguyễn Tất Thành, lúc này chính thức ký tên là NGUYỄN ÁI QUỐC, cũng đã mang đến gửi cho tất cả các đoàn đại biểu tham dự hội nghị Bản yêu sách của nhân dân An Nam đòi một số quyền tự do, dân chủ và bình đẳng khiêm tốn8. Song, cũng như yêu cầu của các đại biểu Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Ireland…, Bản yêu sách của nhân dân An Nam đã không được hội nghị Versailles xem xét, giải quyết.
Qua kinh nghiệm thực tế này, Nguyễn Ái Quốc thấy rõ: Những lời tuyên bố của các nước Đồng minh về tự do, dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc, mà điển hình là Chương trình 14 điểm của Tổng thống Mỹ Wilson, được truyên truyền rùm beng trước hội nghị Versailles, rốt cuộc “chỉ là một trò bịp lớn”9. Do đó, muốn giành lại được độc lập, tự chủ, các dân tộc bị áp bức phải trông cậy trước hết vào lực lượng của bản thân mình.
Với nhận thức mới đó, Nguyễn Ái Quốc dồn hết tâm sức vào các hoạt động trong phong trào công nhân và lao động Pháp. Tuy lúc này mới “biết rất ít về Cách mạng tháng Mười và về Lênin”, nhưng “về cảm tính”, Người đã sớm “có mối tình đoàn kết với cuộc cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy”10. Người chăm chú theo dõi cuộc bàn cãi sôi nổi trong Đảng Xã hội những năm 1919-1920 về việc có nên tiếp tục theo Quốc tế thứ hai hay là nên tổ chức ra Quốc tế hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba (tức Quốc tế Cộng sản) do Lênin sáng lập. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: “Tôi dự rất đều các cuộc họp… Lúc đầu, tôi không hiểu được hết. Tại sao người ta bàn cãi hăng như vậy?... Điều mà tôi muốn biết hơn cả – và cũng chính là điều người ta không thảo luận trong cuộc họp là: vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa? Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí trả lời: Đó là Quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo11.
Luận cương của Lênin nêu lên những luận điểm chủ yếu: i) Chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm thủ tiêu ách áp bức giai cấp và dân tộc; ii) Tất cả các đảng cộng sản phải trực tiếp ủng hộ các phong trào cách mạng của nhân dân các nước phụ thuộc hoặc không được hưởng đầy đủ quyền bình đẳng; iii) Công nhân một nước đang thống trị một dân tộc chậm tiến về mặt thuộc địa hay về mặt tài chính phải có nhiệm vụ trước tiên ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng của dân tộc ấy12.
Dễ hiểu vì sao, sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã cảm thấy “phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao”. Ngồi một mình trong buồng mà Người nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta!”13.
Tất cả những điều nói trên cho thấy, khi người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Ái Quốc, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc, sau nhiều năm bôn ba hầu khắp năm châu để tìm đường cứu nước và giải phóng đồng bào, vừa lao động gian khổ để kiếm sống, vừa miệt mài học tập để làm giàu thêm vốn kiến thức cơ bản về văn hóa phương Đông của mình bằng những hiểu biết mới về văn hóa phương Tây, rồi đi tới giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, thì phẩm chất chính trị và bản lĩnh văn hóa của Người có một bước phát triển mới về chất.
Bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba; tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp; cùng với các chiến sĩ yêu nước Angiêri, Tuynidi, Marốc, Mađagaxca, Máctiních… thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa; viết một loạt bài cho các báo cánh tả, đồng thời đứng ra làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và tổ chức xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ) nhằm lên án chủ nghĩa thực dân, cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin – đó chính là những hoạt động cách mạng sôi nổi đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc theo đúng phương hướng của thời đại.
Có thể nói, từ đấy phẩm chất chính trị và bản lĩnh văn hóa của Nguyễn Ái Quốc ngày càng tỏa sáng, đến mức có nhiều người đương thời thuộc nhiều nước, nhiều quan điểm tư tưởng và từ nhiều góc độ quan sát khác nhau đã bắt đầu thấy được điều đó. Sau đây là mấy ví dụ:
- Trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18-2-1922, nhà yêu nước lão thành Phan Châu Trinh lúc này đã tự ví mình như "hoa sắp tàn”, trong khi cụ coi anh Nguyễn như "cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông”. Vì thế, cụ tỏ ý tin rằng, một khi anh Nguyễn trở về nước hoạt động, thì “không bao lâu cái chủ nghĩa anh tôn thờ sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sĩ” nước ta, để mưu đại sự cứu nước và cầu chúc cho anh thành công14.
- Giữa năm 1923, Manuinxki, đại diện Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, được chứng kiến hoạt động xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ hai Đảng Cộng sản Pháp hơn nửa năm trước đó, đã đề nghị Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản mời đích danh Nguyễn Ái Quốc đi dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản với danh nghĩa là “đại biểu dân tộc thuộc địa”15. Đề nghị này của Manuinxki tạo điều kiện cho Nguyễn Ái Quốc sớm có dịp đến quê hương của Cách mạng tháng Mười để đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
 - Cuối năm 1923, có dịp tiếp xúc và phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc, khi đồng chí mới từ Pháp đến Mátxcơva được ít lâu, nhà thơ Xôviết Ôxíp Manđenxtam đã linh cảm thấy rằng: Từ người chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam trẻ tuổi ấy “tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai16. Nhận xét tinh tế và sắc sảo này đã nói lên sức truyền cảm mạnh mẽ của thiên tài trí tuệ Nguyễn Ái Quốc.
3. Kết hợp tinh hoa văn hóa dân tộc với linh hồn sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, xác định đúng đường lối cách mạng Việt Nam
Trước kia, nhiều ý kiến thường cho rằng, Nguyễn Ái Quốc được đọc Luận cương của Lênin trước khi đọc các tác phẩm của Mác. Thật ra, từ sau khi gia nhập Đảng Xã hội Pháp - một đảng theo Quốc tế thứ hai từng tuyên bố lấy chủ nghĩa Mác làm ngọn cờ tư tưởng, Nguyễn Ái Quốc đã dày công nghiền ngẫm tác phẩm quan trọng nhất của Mác là bộ Tư bản.
Trong bài Bác Hồ, như chúng tôi đã biết, nữ văn sĩ Đức John Stern kể lại rằng: Khi đến thăm Hà Nội năm 1967, bà đã có vinh dự được Hồ Chủ tịch tiếp. Bà hỏi Bác Hồ: “Chúng tôi đến đây từ đất nước của Mác và Ăngghen, chúng tôi xin Chủ tịch cho biết đồng chí đã đến với chủ nghĩa Mác từ bao giờ, bằng cách nào, hoặc bằng sự giúp đỡ của ai?”
Trả lời, Bác Hồ nói đại ý: Trong thời gian ở Paris, một hôm, Người đã đến gặp và đề nghị Charles Longuet - cháu ngoại Các Mác - giải thích về học thuyết Mác. C. Longuet nói câu hỏi quá phức tạp và khuyên Người nên đọc Tư bản luận của Mác. Bác nói tiếp: “Thế là tôi chạy đến thư viện thành phố ở gần Place d’Italie và mượn cuốn Tư bản luận để đọc. Tôi tự nhủ: "phải đọc đi đọc lại hai ba lần”. Nhưng về sự khác nhau giữa Quốc tế thứ hai và Quốc tế thứ ba thì cho đến khi đọc tác phẩm của Lênin về vấn đề thuộc địa, tôi mới hiểu một cách đúng đắn"17.
Hiểu Lênin, Nguyễn Ái Quốc càng hiểu rõ hơn về Mác. Bởi ngay từ khi đọc Tư bản luận của Mác, Nguyễn Ái Quốc đã không vùi đầu vào sách để học thuộc lòng một cách giáo điều những luận điểm được nêu lên trong đó. Trái lại, Người đã tập trung nắm bắt và thực tế đã nắm bắt được cái ưu điểm nổi bật, cái linh hồn sống hiện lên trong tác phẩm chủ yếu ấy của nhà sáng lập chủ nghĩa Mác là “phương pháp làm việc biện chứng”.
Đến khi được giác ngộ chủ nghĩa Lênin về vấn đề giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc càng có điều kiện vận dụng phương pháp biện chứng của Mác để đi sâu phân tích cụ thể các điều kiện cụ thể về kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như của nhiều nước thuộc địa, phụ thuộc khác ở phương Đông. Nhờ vậy, Người đã có thể góp phần bổ sung chủ nghĩa Mác - Lênin bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động.
Có thể nêu mấy dẫn chứng tiêu biểu:
Thứ nhất, phát triển sáng tạo quan điểm của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, dự báo khả năng cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa châu Á có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc
Như đã biết, trong Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa, V. I. Lênin đã nêu bật mấy quan điểm cơ bản là: Phải kết hợp chặt chẽ phong trào cách mạng vô sản chính quốc với phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa; các nước làm cách mạng vô sản thành công phải giúp đỡ cách mạng ở các nước thuộc địa, nhất là những nước chậm tiến còn nhiều tàn dư của các quan hệ phong kiến và gia trưởng.
V. I. Lênin và những người lãnh đạo Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ đã xem vấn đề dân tộc và thuộc địa chỉ là một bộ phận của vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Tuyên ngôn thành lập Quốc tế Cộng sản (3-1919) viết: “Việc giải phóng các thuộc địa chỉ có thể tiến hành với việc giải phóng giai cấp công nhân ở chính quốc”18.
Nguyễn Ái Quốc không phủ nhận luận điểm đó, vì nó đã được chứng minh một phần bằng thực tiễn của cách mạng Nga. Song là một người vốn mang trong mình truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, lại có nhiều năm nghiên cứu sâu sắc chủ nghĩa thực dân ở nhiều nước trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc nhận rõ tiềm năng cách mạng to lớn của nhân dân các dân tộc bị áp bức ở châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng.
Tháng 5-1921, trong một bài viết nhan đề Phong trào cộng sản quốc tế - Đông Dương, khi đề cập đến triển vọng của phong trào cách mạng ở một loạt nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Việt Nam và cả Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Người châu Á - tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu – vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại”19. Dựa trên nhiều sự kiện lịch sử từ cổ đại đến hiện đại, Người dự báo: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”20.
Dự báo chính trị có tầm chiến lược trên đây của Nguyễn Ái Quốc chứa đựng một hàm lượng trí tuệ, hàm lượng văn hóa lớn. Dự báo ấy có tác dụng định hướng cho việc khơi dậy và nhân lên tinh thần tự lực tự cường của dân tộc ta. Và khi thời cơ đến, thì chính Người đã kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”21, chứ không thụ động trông chờ vào thắng lợi trước của cách mạng vô sản Pháp.
Thứ hai, đối thoại về triết lý lịch sử của học thuyết Mác, thấy rõ sự cần thiết phải bổ sung và củng cố cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng dân tộc phương Đông, khẳng định chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước
Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris đến Mátxcơva để tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Song vì V.I Lênin ốm nặng, đại hội hoãn họp, nên Nguyễn Ái Quốc đã được bố trí vào học một lớp ngắn hạn của Trường Đại học phương Đông. Giữa tháng 3-1924, trả lời phỏng vấn của báo LUnità, Nguyễn Ái Quốc cho biết: “Nhà trường đã dạy chúng tôi nguyên lý đấu tranh giai cấp”22.
Chắc chắn rằng, tại Trường Đại học phương Đông, Nguyễn Ái Quốc cũng như các học viên khác đã được nhà trường giới thiệu một cách có hệ thống những luận điểm chủ yếu của các nhà kinh điển về vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp. Trước hết, đó là luận điểm nổi tiếng mà C. Mác và Ph. Ăngghen viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, xuất bản lần đầu năm 1848:
“Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến nay [về sau, Ph. Ăngghen nói thêm: trừ lịch sử của xã hội cộng sản nguyên thủy - PXN] chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội và thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau...”23. Đến khi xã hội tư bản ra đời từ trong lòng xã hội phong kiến đã diệt vong, thì "xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản"24.
Như vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác coi đấu tranh giai cấp là động lực chính của quá trình vận động, phát triển của tất cả các xã hội đã phân chia thành giai cấp.
Mùa hè 1924, Nguyễn Ái Quốc đã tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, nơi diễn ra những cuộc thảo luận sôi nổi về đường lối chiến lược, sách lược của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa.
Theo dõi những cuộc thảo luận ấy, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy nhiều đảng cộng sản ở châu Âu (như Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ… mà giai cấp tư sản ở đấy chiếm giữ nhiều thuộc địa), nói chung còn hiểu rất ít và càng làm rất ít cho các nước thuộc địa. Hơn nữa, trong hàng ngũ những người cộng sản lúc bấy giờ, sau khi V.I. Lênin mất, “lý luận về đấu tranh giai cấp đang có xu hướng bị cường điệu hóa”25.
Trước tình hình ấy, Nguyễn Ái Quốc thấy cần thiết phải trình bày rõ với Quốc tế Cộng sản quan điểm của mình về lý luận đấu tranh giai cấp của Mác và về phương hướng bổ sung, điều chỉnh lý luận ấy cho sát hợp với đặc điểm tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam, đặt trong bối cảnh của cả phương Đông.
Với một tinh thần sáng tạo và một dũng khí phi thường, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đó trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ gửi Quốc tế Cộng sản cuối năm 1924.
Mở đầu bản Báo cáo, tác giả khẳng định: “Cuộc đấu tranh giai cấp [ở Việt Nam – PXN] không diễn ra giống như ở phương Tây". Bởi khác với các nước Âu châu, ở Việt Nam "nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơrớt. Người thì nhẫn nhục chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó, không thể chối cãi được”26.
Tác giả viết tiếp: “Nhưng người ta sẽ bảo: thế là chúng ta ở thời Trung cổ à? Ồ! Sẽ là quá đáng nếu so sánh người “nhà quê” với người nông nô. An Nam chưa bao giờ có tăng lữ và thuế mười phần trăm...
Xã hội Ấn Độ - China – và tôi có thể nói: Ấn Độ hay Trung Quốc về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời trung cổ, cũng như thời cận đại và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây.
Mai đây, khi chủ nghĩa tư bản phương Tây làm đổi thay phương Đông thì đấu tranh giai cấp có trở nên quyết liệt không? Đại thể là có, nếu xét gương của Nhật Bản.
Thật ra là có, vì sự tây phương hóa ngày càng tăng và tất yếu của phương Đông; – nói cách khác, chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó. Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được.
Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại"27. Vì thế, cần "xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông"28.
Như vậy, Nguyễn Ái Quốc không phủ nhận giá trị chân thực của lý luận đấu tranh giai cấp của Mác đặt trong điều kiện của các xã hội phương Tây. Nhưng nếu đem áp dụng máy móc lý luận đó vào hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam và một số nước phương Đông khác (như Ấn Độ, Trung Quốc), thì Người lại thấy nó không phù hợp.
Vì thế, sau khi phân tích tình hình cụ thể của xã hội Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nơi mà xung đột quyền lợi giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc được giảm thiểu, trong khi mâu thuẫn giữa dân tộc với thực dân đế quốc lại nổi lên hàng đầu, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến một luận điểm cực kỳ sáng suốt: "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước [tôi nhấn mạnh – PXN]"29.
Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước là giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam, được vun đắp nên trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Giờ đây, trong hoàn cảnh mới của lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp giá trị ưu tú đó của văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại để làm cơ sở định ra phương hướng và nhiệm vụ chung cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Trong đó, điểm quan trọng nhất là: "Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản... Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời. Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ"30.
Tóm lại, Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ là một tác phẩm lý luận đặc sắc của Nguyễn Ái Quốc.
Xét từ góc độ nghiên cứu của đề tài đang được bàn tới, ta có thể thấy: Nội dung của tác phẩm ấy phản ảnh rõ của một cuộc đối thoại văn hóa rất điển hình qua văn bản giữa Nguyễn Ái Quốc với người thày vĩ đại của mình là Các Mác về một vấn đề cực kỳ hệ trọng. Đó chính là vấn đề liệu có thể áp dụng một cách rập khuôn lý luận đấu tranh giai cấp mà C. Mác rút ra từ kinh nghiệm lịch sử châu Âu và phương Tây nói chung vào điều kiện của một nước thuộc địa - nửa phong kiến ở phương Đông như Việt Nam được hay không?
Bằng chính phương pháp tư duy biện chứng tiếp nhận được của C. Mác, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành đối chiếu so sánh giữa một bên là lý luận đấu tranh giai cấp của C. Mác dựa trên những dữ kiện lịch sử châu Âu và một bên là thực tiễn sinh động của xã hội Việt Nam và của một số nước khác ở phương Đông.
Cách trình bày, lập luận cũng rất độc đáo thể hiện ở chỗ, tác giả nêu lên cả chính đề, phản đề và hợp đề dường như là tự mình đối thoại với mình, nhưng thực chất là để phản ánh cuộc trao đổi, đối thoại giữa những người hiểu Mác một cách giáo điều với những người muốn vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác. Từ đó tác giả đã đi đến những luận điểm hết sức táo bạo và sáng suốt như đã nêu ở trên.
Sự sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc là sự sáng suốt của một nhà văn hóa lớn. Ở tầng sâu bản chất của nó, luận điểm của Nguyễn Ái Quốc không trái gì với thế giới quan và phương pháp luận của Mác là phép biện chứng duy vật. Luận điểm của Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn trùng hợp với ý kiến của Ph. Ăngghen nêu trong thư gửi Werner Sombart ngày 11-3-1895, mà cho đến những năm 1920 chưa hề được công bố, do đó Nguyễn Ái Quốc không hề được đọc. Bức thư có đoạn viết: “Toàn bộ thế giới quan (Auffassungsweise) của Mác không phải là một học thuyết mà là một phương pháp. Nó không đem lại những giáo điều có sẵn, mà đem lại những điểm xuất phát cho việc tiếp tục nghiên cứu và phương pháp cho sự nghiên cứu đó”31.
Có thể khẳng định rằng: Những luận điểm đầy sức sáng tạo về "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước" và "Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản" mà Nguyễn Ái Quốc nêu lên trong Báo cáo năm 1924, về sau đã trở thành căn cứ lý luận quan trọng để chính Người thảo ra Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt năm 1930 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hai văn kiện đó chỉ rõ: Cùng với việc thu phục đại bộ phận quần chúng công nông, Đảng của giai cấp vô sản còn phải hết sức liên lạc, tập hợp, lôi kéo tất cả các giai tầng xã hội khác trong cộng đồng dân tộc là "tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v...", kể cả "trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng" để tiến hành cuộc cách mạng đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Mặc dù có lúc đã bị phê phán và bác bỏ, song trải qua kiểm nghiệm của thực tiễn, ngày nay hai văn kiện lịch sử đó đã được chính thức thừa nhận là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta.
________________________
Tài liệu tham khảo
1. Ôxíp Manđenxtam: Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc. Báo Ogoniok (Liên Xô), số 39 ngày 23-12-1923. In trong phần Phụ lục Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập I. Sđd, tr. 477
2. Xem Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội 1985, tr. 36
3. Đặng Thai Mai, 1995. Suy nghĩ thêm về ý nghĩa thời đại và độc giả Nhật ký trong tù. In trong Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, do Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 56
4. Trần Dân Tiên, 1989. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 10
5. Trần Văn Giàu, 1995. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. In trong Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 291
6. Trần Dân Tiên. Sđd, tr. 11
7. Trần Dân Tiên. Sđd, tr. 28
8. Theo Trần Dân Tiên, “ý kiến đưa yêu cầu do ông Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ, ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp”. Sđd, tr. 29
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr. 416
[1]0. Hồ Chí Minh, 1996. Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 470
[1]1. Hồ Chí Minh, 1996. Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 126-127
[1]2. Xem V.I. Lênin, 1978. Toàn tập, tập 41. Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 197-206
[1]3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10. Sđd, tr. 127
[1]4. Chương Thâu, Dương Trung Quốc, Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh) tổ chức bản thảo, 2006. Phan Châu Trinh, Toàn tập, tập 3, Nxb. Đà Nẵng, tr. 99-104
[1]5. Hồng Hà, 1996. Thời thanh niên của Bác Hồ. Nxb. Thanh niên, Hà Nội, tr. 198-199
[1]6. Ôxíp Manđenxtam: Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản – Nguyễn Ái Quốc. Sđd, tr. 478
[1]7. John Stern, 1985. Bác Hồ, như chúng tôi đã biết, In trong cuốn sách cùng tên do Trần Đương sưu tập, biên soạn và dịch, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, tr. 93
[1]8. Dẫn theo Võ Nguyên Giáp (chủ biên), 1997. Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 67
[1]9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr. 35
20. Như trên, tr. 36
2[1]. Hồ Chí Minh, 1995. Toàn tập, tập 3. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 554
22. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr. 483
23. C. Mác và Ph. Ăngghen, 1995. Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 596-597
24. Như trên, tr. 597
25. Song Thành (chủ biên), 2006. Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 149
26. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr. 464
27. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr. 464-465
28. Như trên, tr. 465
29. Như trên, tr. 466
30. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr. 467-469
31. C. Mác và Ph. Ăngghen, 1999. Toàn tập, tập 39, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 545
Tạp chí KHXH,