Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

61. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt na: cơ hội và thách thức

1. Tình hình chung
Trên thực tế hơn 1 năm sau khi Luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam được ban hành (29/12/1987), dòng vốn FDI từ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam mới có khoảng gần 1 triệu USD, mở đầu là dự án đầu tư của công ty Kansai Kyodo trong lĩnh vực chế tạo thiết bị cảng ở Hải Phòng năm 1989, tiếp đến là dự án xuất khẩu may mặc của công ty Hikosen Kara vào tháng 3 - 1990. Tính chung cả năm 1990, số vốn đầu tư tăng thêm trên 10 triệu USD và năm 1991 Nhật Bản có 6 dự án ở Việt Nam với tổng số vốn là 8 triệu USD.
Tính đến tháng 8 năm 2006, Nhật Bản có 677 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 6,8 tỷ USD (1), đứng thứ ba trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta, tập trung nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Về cơ cấu đầu tư theo ngành:(1)
Hai lĩnh vực Nhật Bản quan tâm hàng đầu là khai thác nguyên liệu và chế tạo máy. Do vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều vào sản xuất các mặt hàng nhằm xuất khẩu về Nhật hoặc xuất sang nước thứ 3, trong đó sử dụng nhiều nhân công như may mặc, tạp hóa, trang sức,.. Đồng thời, việc sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu tại chỗ của thị trường Việt Nam cũng được chú trọng như sản xuất ô tô, xe máy, đồ điện tử, cơ sở hạ tầng, khách sạn, ….
Nhật Bản là một trong các đối tác đầu tư rất chú trọng vào khu vực sản xuất vật chất, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp. Tính đến năm 2000, công nghiệp nặng chiếm 1/3 số dự án và chiếm 50% tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, sau đó đến các dự án trong các ngành công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải, bưu điện,… Tỷ lệ này ngày càng tăng dần, thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản vào lĩnh vực công nghiệp. (Xem thêm  bảng 1)
Về cơ cấu đầu tư theo lãnh thổ:
Giai đoạn đầu FDI của Nhật Bản đầu tư chủ yếu ở khu vực đồng bằng, nơi tập trung nhiều dân cư và nhu cầu tiêu dùng cao. Tính đến cuối năm 1994, trong tổng số khoảng 60 dự án FDI Nhật Bản vào Việt Nam thì Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn chiếm tỷ lệ cao nhất: 19 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 700 triệu USD; số còn lại rải rác ở một số tỉnh phía Bắc, và vùng ven Biển như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh, …
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chỉ chú trọng đầu tư vào những đô thị lớn như Thành phố  Hồ Chí Minh và Hà Nội, còn các tỉnh khu vực miền núi thì đầu tư không đáng kể. Tỷ lệ này cũng biến đổi theo chiều mở rộng hơn, tính đến hết năm 1999, FDI của Nhật Bản đã có mặt ở 25 tỉnh thành phố trong cả nước. Trong đó, Đồng Nai đứng đầu với 27 dự án, chiếm 22%; Hà Nội đứng thứ hai với 57 dự án, chiếm 21%; thành phố Hồ Chí Minh có nhiều dự án nhất với 106 dự án nhưng chỉ đứng thứ 3 về số vốn đầu tư, chiếm khoảng 19%. Những số liệu này nếu tính đến năm 2005 thì đã có những bước tiến đáng kể.
Tính đến đầu năm 2006, các doanh nghiệp của Nhật Bản đã có mặt trên 34 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thanh Hoá, Bình Dương…
(Xem thêm Bảng 2)


Bảng 1: Đầu tư­ trực tiếp của Nhật Bản tại Việt Nam
theo ngành (1988 - 2005)
(Tính tới ngày 31/12/2005  -  Chỉ tính các dự án còn hiệu lực)
Đơn vị tính:  Đô la Mỹ.
STT
Chuyên ngành
Số dự án
Tổng vốn đầu t­ư
Vốn pháp định
Vốn đã thực hiện
I
Công nghiệp
431
5.174.954.333
2.140.981.799
3.510.402.776
CN dầu khí
2
58.500.000
58.500.000
1.067.420.718
CN nhẹ
99
469.842.558
219.270.529
174.849.913
CN nặng
288
3.411.876.543
1.394.322.013
1.614.502.216
CN thực phẩm
21
209.576.796
126.931.969
112.994.674
Xây dựng
21
1.025.158.436
341.957.288
540.635.255
II
Nông, lâm nghiệp
52
138.333.062
62.906.700
85.458.612
Nông - lâm nghiệp
42
108.269.232
46.798.426
54.976.649
Thuỷ sản
10
30.063.830
16.108.274
30.481.963
II
Dịch vụ
117
1.056.441.038
680.388.546
547.668.814
GTVT - B­ưu điện
10
483.913.242
397.275.907
172.571.192
Khách sạn - Du lịch
8
113.588.361
61.664.627
83.514.783
Tài chính – Ngân hàng
4
66.000.000
64.200.000
49.200.000
Văn hoá - Ytế - Giáo dục
18
69.072.198
37.105.475
37.728.838
XD Văn phòng - Căn hộ
12
179.478.464
69.586.952
157.224.979
XD hạ tầng KCX – KCN
1
90.346.000
24.750.300
23.107.000
Dịch vụ khác
55
54.042.773
25.805.285
24.322.022

Tổng số
600
6.369.728.433
2.884.277.045
4.143.530.202
Nguồn : http://www.mpi.gov.vn/fdi/?Lang=4



Bảng 2: Đầu tư­ trực tiếp Nhật Bản tại Việt Nam
theo địa ph­ương (1988 - 2005)
(Tính tới ngày 31/12/2005 - Chỉ tính các dự án còn hiệu lực)
Đơn vị tính: Đô la Mỹ.

STT
Địa ph­ương
Số dự án
Tổng vốn đầu t­ư
Vốn pháp định
Vốn đã thực hiện
1
Hà Nội
139
1.812.037.234
909.896.595
719.873.637
2
TP. Hồ Chí Minh
196
1.053.314.083
468.506.264
542.134.848
3
Đồng Nai
55
955.842.529
437.077.655
504.036.912
4
Thanh Hoá
2
622.517.000
180.635.000
341.800.000
5
Bình Dư­ơng
54
477.090.031
190.922.293
172.542.318
6
Hải Phòng
51
397.384.974
220.250.550
133.649.050
7
Vĩnh Phúc
12
364.418.213
130.141.970
263.779.594
8
Bắc Ninh
6
143.980.291
54.228.291
126.000.000
9
Bà Rịa – Vũng Tàu
6
136.575.700
44.695.700
97.646.710
10
Đà Nẵng
9
76.581.714
37.221.714
16.352.225
11
Dầu khí
2
58.500.000
58.500.000
1.067.420.718
12
Hải D­ương
5
54.500.000
20.500.000
8.653.396
13
Quảng Ninh
9
31.038.539
16.627.539
24.339.317
14
Lâm Đồng
9
30.253.372
22.753.372
19.158.530
15
Khánh Hoà
4
25.186.760
18.510.760
19.955.751
16
Hà Tây
4
20.477.314
13.417.314
14.427.314
17
Hoà Bình
6
15.880.000
8.380.000
6.104.062
18
Thừa Thiên  Huế
5
15.105.464
4.941.369
8.455.464
19
Bình Định
1
14.115.000
4.150.000
12.030.000
20
H­ưng Yên
4
10.689.759
9.689.759
4.435.000
21
Thái Nguyên
3
10.165.000
9.345.000
5.192.000
22
Bạc Liêu
1
8.963.830
6.963.830
18.477.658
23
Phú Thọ
2
5.600.000
2.350.000
1.500.000
24
Hà Tĩnh
2
5.300.000
1.600.000
100.000
25
Nghệ An
1
4.511.626
3.961.626
4.511.626
26
An Giang
1
4.500.000
716.000
5.530.000
27
Bình Thuận
3
3.900.000
2.344.444
3.127.072
28
Tây Ninh
2
3.900.000
1.550.000

29
Sơn La
1
2.500.000
800.000
800.000
30
Long An
1
2.200.000
1.400.000

31
Phú Yên
1
1.000.000
1.000.000

32
Thái Bình
1
900.000
700.000
1.000.000
33
Cao Bằng
1
500.000
200.000
200.000
34
Ninh Thuận
1
300.000
300.000


Tổng số
600
6.369.728.433
2.884.277.045
4.143.530.202







Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/fdi/?Lang=4


Qua đó có thể thấy, cơ cấu đầu tư theo lãnh thổ của Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng đi từ hai đầu đất nước tiến về Miền Trung, từ ven biển dần vào sâu trong nội địa. Đó cũng là một tất yếu vì ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh ven biển có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc cũng như các điều kiện thuận lợi khác. Vài năm gần đây, tuy đã có sự phân bố đều hơn so với trước, nhưng do thay đổi về cơ cấu ngành, từ khai thác nguyên liệu và kinh doanh dịch vụ sang tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo cần nhiều lao động có tay nghề nên các vùng miền núi xa xôi khó đáp ứng được yêu cầu nên vẫn chưa thu hút được sự chú trọng đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Về quy mô và hình thức đầu tư:
Về quy mô: Mặc dù các dự án đầu tư FDI của Nhật Bản ở Việt Nam là cao hơn mức trung bình của FDI nói chung ở Việt Nam, nhưng nếu xét cụ thể thì các nhà đầu tư Nhật Bản ưa thích các dự án đầu tư quy mô nhỏ là chủ yếu. Họ cho rằng, Việt Nam vẫn là thị trường có độ rủi ro cao, nguồn vốn ODA của Nhật Bản chưa mang lại những kết quả nhằm thúc đẩy các hoạt động của các công ty. Mặt khác, các dự án kiểu này lại cần nhiều lao động với tiền lương thấp, điều mà các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm.
Về hình thức đầu tư, trong tổng số 600 dự án còn hiệu lực, hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm 438 dự án, hình thức liên doanh chiếm 145 dự án, hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm 17 dự án (2). (Xem thêm Bảng số 3).


Bảng 3: Đầu tư­ trực tiếp Nhật Bản tại việt nam theo hình thức đầu tư (1988 - 2005)
(Tính tới ngày 31/12/2005 -  Chỉ tính các dự án còn hiệu lực)
Đơn vị tính: Đô la Mỹ.
Hình thức
đầu t­ư
Số dự án
Tổng vốn đầu t­ư
Vốn pháp định
Vốn đã thực hiện
Hợp đồng hợp tác kinh doanh
17
411.391.050
411.391.050
1.159.320.352
Liên doanh
145
2.544.876.491
952.494.261
1.685.835.116
100% vốn nước ngoài
438
3.413.460.892
1.520.391.734
1.298.374.734
Tổng số
600
6.369.728.433
2.884.277.045
4.143.630.202
Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/fdi/?Lang=4


Như vậy, xét tổng thể, đến cuối năm 2005, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam có 684 dự án với tổng vốn 6907,2 triệu USD được cấp phép. Trong đó riêng năm 2005 có 114 dự án với số vốn được cấp phép là 945,3 triệu USD (trong đó cấp mới là 458 triệu USD, vốn tăng thêm là 487,3 triệu USD)(3).(2)
Về hiệu quả đầu tư, nhìn chung hoạt động của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam là tương đối khả quan, nhiều doanh nghiệp đã có những sản phẩm thay thế nhập khẩu và tham gia tích cực vào làm tăng lượng hàng hoá xuất khẩu. Điều này được thể hiện qua những con số thống kê như sau: Thứ nhất, vốn thực hiện so với tổng vốn đăng ký có tỷ lệ cao, chiếm đến 73%, trong khi con số chung khoảng 60%. Thứ hai, tỷ lệ dự án giải thể trước thời hạn so với dự án cấp giấy phép thấp. Thứ ba, doanh thu của các dự án đầu tư trên vốn thực hiện đạt con số rất cao: 2,2 lần, trong khi con số chung là 1,7 lần(4).
Có thể khẳng định rằng sự thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp của Nhật Bản được coi là một trong những yếu tố nổi bật của quá trình tăng trưởng kinh tế và mở rộng quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua. Trước hết, do những yếu tố bên trong tạo ra sự gia tăng nguồn vốn đầu tư mới từ năm 2005. Việt Nam với tiềm năng của nền kinh tế thị trường của 84 triệu dân, các nhà đầu tư Nhật Bản đã nhận thấy có nhiều yếu tố tích cực ở Việt Nam như: tài nguyên phong phú, nguồn lao động dồi dào, trình độ văn hoá cao, giá nhân công thấp…, kết quả là một làn sóng đầu tư từ Nhật Bản chảy vào Việt Nam để tìm kiếm và khai thác cơ hội kinh doanh. Điểm khác biệt trong đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ở các nước ASEAN trong đó có Việt Nam so với FDI của Nhật Bản ở các khu vực khác trên thế giới, là sự kết hợp đồng thời sản xuất phục vụ thị trường nội địa với sản xuất phục vụ xuất khẩu.
2. Cơ hội thu hút FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam
Ngày 7/11/2006, Việt Nam chính thức được kết nạp và trở thành thành viên thứ 150 của WTO, cũng trong tháng 11/2006 Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC. Những sự kiện quan trọng đó là những điều kiện thực tế tác động trực tiếp vào tâm lý và lợi ích của các nhà đầu tư Nhật Bản. Kết hợp với những động thái chung của dòng FDI  từ Nhật Bản trong khu vực thời gian qua, có thể khẳng định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để thu hút FDI nói chung và FDI Nhật Bản nói riêng vào phục vụ phát triển kinh tế đất nước, đó là:
Thứ nhất; nhìn vào thực tế hiện nay so với các nước trong khu vực, Việt Nam là một trong số ít các nước trong khu vực có nền chính trị ổn định, đây là điều kiện tiên quyết nhằm giảm thiểu những rủi ro kinh tế chính trị của FDI nói chung và FDI của Nhật Bản nói riêng.
Mặt khác, với số dân gần 84 triệu và sức mua ngày càng tăng, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ lớn hàng hóa của Nhật như thiết bị máy móc, hoá chất, phân bón, thuốc trừ sâu, hàng tiêu dùng các loại (đồ điện và điện tử, vải vóc, thực phẩm chế biến, xe máy, ôtô…) Nhiều dự báo cho rằng, Việt Nam trong tương lai không xa sẽ trở thành một thị trường giàu tiềm năng, thu hút mạnh mẽ FDI của Nhật Bản cũng như FDI của các nền kinh tế phát triển.
Một điểm khác biệt của thị trường Việt Nam so với nhiều nước khác còn ở chỗ, thương hiệu Nhật Bản, (made in Japan) đã ăn sâu vào tiềm thức tiêu dùng, tâm lý tiêu dùng của phần lớn dân cư Việt Nam. Chính vì vậy trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng hóa Nhật Bản được ưa chuộng ở hầu hết các bộ phận dân cư, đây cũng được coi là một chiến lược thành công của TNCs Nhật Bản trong tiến trình đầu tư và cạnh tranh tại Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung: thương hiệu đi trước, lợi nhuận đến sau.
Trong con mắt của người Nhật, Việt Nam có khả năng hội tụ những điều kiện cần thiết để lôi cuốn các nhà đầu tư Nhật Bản đưa vốn vào Việt Nam mà không lo ngại về những rủi ro thường gặp trong quá trình đầu tư. Với những tiềm năng và lợi thế như vậy, cùng với một môi trường chính trị - xã hội cơ bản là ổn định, lại được chính phủ Việt Nam luôn tạo những điều kiện thuận lợi và cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong tương lai, Việt Nam rất có thể sẽ trở thành một địa bàn lý tưởng để Nhật Bản có thể thâm nhập, mở rộng buôn bán, đầu tư, tiêu thụ hàng hoá và khai thác nguồn cung cấp nguyên liệu, do đó FDI của Nhật Bản sẽ tăng mạnh mẽ.
Thứ hai; chiến lược đầu tư của TNCs trong những năm đầu thế kỷ XXI đã và đang tạo cơ hội cho dòng FDI trong đó có FDI của Nhật Bản chảy mạnh vào Việt Nam.
Nếu như ODA chịu sự chi phối của các quốc gia, vay tín dụng chịu sự chi phối của các tập đoàn tài chính quốc tế, thì FDI lại chịu sự chi phối của TNCs. Hiện nay với mạng lưới dày đặc các chi nhánh phủ kín toàn cầu, chúng trở thành những chủ thể đầu tư trực tiếp với khối lượng kiểm soát trên 90% tổng FDI toàn thế giới, nắm giữ 40% sản lượng công nghiệp, 60% ngoại thương, 80% kỹ thuật mới của thế giới(5) . Chiến lược hoạt động của TNCs tạo nên những luồng FDI lớn trên thế giới, Với việc triển khai chiến lược kinh doanh toàn cầu và chiến lược đầu tư trọng điểm, bên cạnh các khu vực đầu tư truyền thống, như EU và Bắc Mỹ, TNCs, đặc biệt là TNCs Nhật Bản đang tích cực đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy các quốc gia đang phát triển trong khu vực có cơ hội rất lớn để thu hút có hiệu quả FDI vào phát triển kinh tế đất nước.
Nằm trong vùng chiến lược đầu tư trọng điểm của TNCs, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút vốn FDI từ các nguồn này và đó là cơ hội rất tốt để Việt Nam thu hút công nghệ tiên tiến trên thế giới. Trong cuộc thăm dò gần đây của UNCTAD, các nhà đầu tư quốc tế đánh giá khá cao môi trường đầu tư của Việt Nam và Việt Nam đã được TNCs lựa chọn là một trong những điểm ưu tiên chiến lược đầu tư của họ ra nước ngoài với 5% tổng số phiếu thăm dò, cao hơn Thái Lan (1% số phiếu), Hồng Kông (4% số phiếu)… Hơn nữa, hiện nay quan hệ chính trị Trung - Nhật đang trong thời kỳ không thuận lợi, các TNCS của Nhật có xu hướng muốn rút bớt khỏi Trung Quốc để quay sang đầu tư tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là Việt Nam hiện đang nằm trong chiến lược đầu tư của TNCs Nhật Bản. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam, song muốn thu hút được đầu tư của Nhật Bản và của TNCs thế giới, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng và thiết lập đầy đủ các điều kiện để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn đón FDI từ TNCS của Nhật Bản và của các nước phát triển trên thế giới.
Như vậy, xét về điều kiện bên ngoài thì chiến lược hoạt động của TNCs nói chung và TNCs Nhật Bản nói riêng đã và đang tạo ra những cơ hội vô cùng thuận lợi cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh thu hút FDI từ Nhật Bản.
Thứ ba; sự tăng trưởng khá cao của nền kinh tế thế giới làm cho FDI toàn cầu gia tăng, thúc đẩy khả năng thu hút FDI của Việt Nam.
Nhìn vào sự luân chuyển của FDI trên thế giới, có thể nhận xét rằng, dòng FDI vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của sự tăng giảm của dòng FDI toàn cầu. Như đã phân tích ở trên, trong những năm đầu thập kỉ 1990, dòng FDI vào Việt Nam phát triển nhanh bởi thời kỳ này kinh tế thế giới và kinh tế khu vực có nhiều thuận lợi. Nhưng từ năm 1997, dòng vốn FDI vào Việt Nam đột nhiên chững lại và giảm sút nhanh chóng mà nguyên nhân trực tiếp là do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính-tiền tệ khu vực, trong mấy năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai như: bệnh SARS, bão lũ, … đã làm cho dòng FDI vào Việt Nam phục hồi chậm chạp.
Hiện nay, nền kinh tế thế giới lấy lại đà tăng tốc và đạt tốc độ tăng trưởng rất khả quan, dựa trên đổi mới công nghệ mà các nền kinh tế của các nước phát triển - nơi xuất phát của những nguồn vốn đầu tư quốc tế đang có đà tăng trưởng cao. Mới đây, dự đoán của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho biết kinh tế Châu Á sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng vững trong năm 2007 nhờ nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng mạnh và nguồn vốn FDI vào các nước đang phát triển ngày càng nhiều. ADB nhận định: “Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới dịu xuống trong 3 năm tới, Châu Á đang phát triển vẫn sẽ là một điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, với những lợi thế về nhân công rẻ và lợi thế cạnh tranh”. Dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 5%, kinh tế EU tăng 3%, Nhật Bản tăng 2,7% trong năm 2006. Theo UNCTAD, nguồn vốn đầu tư chảy vào các nước Châu Á từ nay đến năm 2020 tiếp tục gia tăng mức 6%, trong khi mức bình quân thế giới là 3,6%(6). Đó là những tín hiệu tốt để thúc đẩy việc thu hút vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới.
3. Những thách thức
Mặc dù đang đứng trước cơ hội rất lớn để thu hút mạnh mẽ FDI từ Nhật Bản phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên bên cạnh những cơ hội đó, Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ, đó là:
Thứ nhất, trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, những động thái tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh của TNCs sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của nhiều mặt hàng ra đời từ các dự án FDI. Nhiều mặt hàng công nghiệp hiện nay do các doanh nghiệp có FDI sản xuất và được bảo hộ bằng thuế nhập khẩu. Khi hàng rào thuế quan bị cắt giảm, các nhà đầu tư sẽ quan tâm và tập trung sản xuất ở những nước có chi phí thấp nhất, do vậy vấn đề đặt ra là Việt Nam phải làm gì để có thể giữ chân các doanh nghiệp Nhật Bản? Đồng thời cần tạo ra những điều kiện thuận lợi như thế nào để các TNCs Nhật Bản di chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các nước khác trong khu vực sang Việt Nam? Đây là vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm, đặt ra yêu cầu cấp thiết nhanh chóng tìm ra phương thức giải quyết và xử lý ngay, nếu không, chúng ta sẽ mất đi những cơ hội lớn để có thể thu hút nhiều hơn nữa FDI phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.
Thứ hai, mặc dù có tín hiệu là nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN, nhưng không có nghĩa là các TNC Nhật Bản có thể bỏ ngay thị trường Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc cũng không dễ gì “ngồi yên” nhìn dòng vốn FDI của Nhật Bản tại nước họ giảm sút hoặc di chuyển sang các nước khác. Với nhiều lợi thế hơn hẳn Việt Nam, trong đó điển hình là chi phí nhân công thấp, chắc chắn Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh rất lớn của Việt Nam trên con đường thu hút FDI từ Nhật Bản.
Thứ ba, trước áp lực hội nhập vào xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, hầu hết các nước ASEAN đều ráo riết tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như các điều kiện ưu đãi để thu hút ngày càng nhiều FDI từ Nhật Bản, đặc biệt là Thái Lan và Malaixia.
Tháng 5/2002 Thái Lan lập ra Uỷ ban tăng cường cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng đứng đầu. Họ mời các chuyên gia từ nhiều nước tham gia bàn bạc, thảo luận, tháng 10/2003 họ đưa ra 1 bản báo cáo 600 trang phân tích các mặt mạnh, mặt yếu đồng thời đưa ra các chiến lược và biện pháp cụ thể(7). Các lĩnh vực được xác định là trọng tâm gồm: ô tô, thực phẩm, thời trang, phần mềm máy tính và du lịch. Tất cả các chính sách đối ngoại và hoạt động của các nhà lãnh đạo cấp cao Thái Lan đều đặc biệt tập trung vào việc tìm cách lôi kéo FDI vào nước họ, các TNCS, trong đó có TNCs Nhật Bản vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư hấp dẫn của Thái Lan. Đây thực sự là một trong những thách thức rất lớn trên con đường thu hút FDI Nhật Bản vào Việt Nam.
4. Triển vọng thu hút FDI của Nhật Bản
1. Các TNCS Nhật đang chú ý lại thị trường Việt Nam.
Sau một thời gian đầu tư ồ ạt sang Trung Quốc, nhiều TNCS thấy rằng không nên quá tập trung vào một thị trường mà cần phân tán một phần các cơ sở sản xuất sang các nước khác để tránh rủi ro. Khuynh hướng này bắt đầu biểu hiện từ năm 2003 nhưng gần đây mạnh hơn khi quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc bước vào giai đoạn căng thẳng làm cho các TNCS Nhật phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc mạng lưới sản xuất ở Châu Á, mà trọng tâm là phân tán đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác.
Năm 2004 FDI của Nhật ở Trung Quốc đạt hơn 9 tỷ USD, đỉnh cao nhất trong quá trình đầu tư của Nhật tại nước này. Khoảng 80% kim ngạch FDI của Nhật tại đây thuộc các ngành công nghiệp, nhất là những ngành liên quan đến các loại máy móc như đồ điện, điện tử gia dụng, máy in, máy tính cá nhân, ôtô, xe máy, máy ảnh, máy điện thoại di động, .v.v…
Tuy nhiên, từ nửa sau năm 2004, nhất là từ năm 2005, quan hệ ngoại giao giữa hai nước Nhật-Trung ngày càng căng thẳng, gây nên phong trào chống Nhật trong giới trẻ Trung Quốc mà cao trào là các cuộc bạo động vào tháng 4-2005 nhằm vào cơ quan ngoại giao, nhiều nhà hàng và trụ sở công ty của Nhật Bản. Thêm vào đó, việc tăng giá đồng Nhân dân tệ vào ngày 21-7-2005 cũng báo hiệu những biến động sắp tới của kinh tế Trung Quốc. Tỷ lệ tăng giá đồng nhân dân tệ quá thấp (chỉ 2,1%) lại ngầm chứa khả năng sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Do bối cảnh trên, nhiều công ty Nhật Bản nhận thấy môi trường đầu tư tại Trung Quốc nhiều rủi ro hơn trước. Đặc biệt những công ty đầu tư với mục đích xuất khẩu sang Châu Âu, Bắc Mỹ và các nước thứ ba khác thì có khuynh hướng phân tán sang những cứ điểm sản xuất ngoài Trung Quốc. Trong 72 công ty lớn trả lời phỏng vấn của báo Nikkei ngày 22-7-2005, có tới 24 công ty đang có kế hoạch phân tán đầu tư sang các nơi khác. Điều đáng chú ý là nhiều công ty đã chọn các nước ASEAN và Ấn Độ làm cứ điểm đầu tư thay vì tăng thêm sản xuất tại Trung Quốc, và Việt Nam đứng đầu trong những nước được chọn. Chẳng hạn, trong 24 công ty có kế hoạch phân tán đầu tư vừa kể, có 9 công ty chọn Việt Nam, 7 công ty chọn Ấn Độ và 6 công ty chọn Thái Lan(8). Theo đánh giá mấy năm gần đây của giới doanh nghiệp Nhật Bản, bốn quốc gia mà họ cho là sẽ trở thành các cứ điểm sản xuất hàng công nghiệp quan trọng của thế giới trong tương lai là Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam. Vào thời điểm hiện nay, có thể nói Việt Nam được chú ý nhiều nhất.
2. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư và chủ động hội nhập quốc tế đã và đang đạt nhiều kết quả khả quan.
Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Châu Á, hiện nay Việt Nam đang hội đủ các yếu tố thuận lợi nhất: lao động khéo tay, chăm chỉ, tiếp thu nhanh các kỹ thuật mà tiền lương chỉ bằng 1/2 Thái Lan và thấp hơn Trung Quốc nhiều. Mianma thì lao động cũng dồi dào và tiền lương còn rẻ hơn ở Việt Nam nhưng cơ sở hạ tầng, cơ sở pháp lý còn quá kém. Philippin và Inđônêxia thì còn bất ổn về chính trị, xã hội. Thêm vào đó, từ năm 2004, những nỗ lực giữa hai chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam đã cho thấy một số kết quả khả quan.
Việt Nam đã và đang triệt để thực thi Sáng kiến chung Việt - Nhật, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt - Nhật, Hiệp định thương mại song phương Việt - Nhật. Các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư thông qua củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp lý, đặc biệt là Luật Đầu tư mới thống nhất bắt đầu được thực hiện từ đầu năm 2006. Nó đã tạo ra một sân chơi chung cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhằm khuyến khích các dự án đầu tư nước  ngoài vào Việt Nam, nước ta cũng có những ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư như 2 năm miễn thuế, 2 năm giảm thuế 50% đối với các dự án đầu tư hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới thành lập hoặc miễn thuế nhập khẩu cho máy móc, nguyên liệu của các dự án đã được phê duyệt. Nhiều biện pháp khuyến khích khác cũng được đẩy mạnh như: miễn thuế công ty tối thiểu là 3 năm, cho phép nước ngoài nắm 100% cổ phần, miễn thuế nhập khẩu tư liệu sản xuất, thanh toán hải quan nhanh chóng và thời gian thuê đất công nghiệp tối thiểu là 30 năm vv… là những nguyên nhân tích cực để FDI của Nhật Bản vào Việt Nam tăng lên trong thời gian tới.
Trong năm 2005, các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam dẫn đầu về số lần tăng vốn với tổng số vốn đăng ký trên 379 triệu USD, chiếm trên 1/3 tổng số vốn tăng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài(9). Riêng 3 doanh nghiệp lớn là Nidec, Honda và Canon đã chiếm tới trên một nửa tổng vốn tăng của các nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam.
Sau 10 năm đầu tư vào Việt Nam, với 3 nhà máy được xây dựng, tổng vốn đầu tư tại Nidec tại Việt Nam đạt 100 triệu USD. Đáng lưu ý là trong buổi lễ động thổ nhà máy thứ 3 ở khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7 - 2005, Tổng Giám đốc Nidec tại Việt Nam - Kinihiko Nishihara đã khẳng định sẽ tiếp tục nâng vốn đầu tư của Nidec vào Việt Nam lên 500 triệu USD sau 4 năm hoạt động của nhà máy thứ ba và lâu dài sẽ còn đầu tư hơn nữa.
Công ty Honda Việt Nam sau những thành công trong ngành công nghiệp xe gắn máy hai bánh tại Việt Nam, đã đầu tư thêm 58 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô có công suất 10.000 xe/năm và hiện nay xe ôtô Honda CIVIC đang tỏ ra chiếm được lòng tin của giới tiêu dùng Việt Nam.
Cuối năm 2005, tại khu công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh, công ty Canon đã khánh thành một nhà máy sản xuất máy in laser với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, công suất gần 8,5 triệu sản phẩm/ năm. Trong năm 2006, dự kiến sản phẩm xuất khẩu của nhà máy chiếm tới 30% thị phần thế giới, trở thành doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn nhất năm 2006 tại Việt Nam. Nhờ có việc Canon xây dựng nhà máy này, hàng loạt các công ty vệ tinh của Canon từ các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đã đến khu công nghiệp này để tìm hiểu môi trường đầu tư, trong đó đã có một số công ty đăng ký thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cho Canon. Tổng giám đốc Canon Việt Nam ông Sacho Kageyama khẳng định: “Canon Việt Nam nói riêng cũng như nhiều nhà đầu tư Nhật Bản nói chung hiện đang xem Việt Nam là một trong những địa chỉ hấp dẫn đầu tư trong khu vực ASEAN, nên lượng vốn đầu tư của chúng tôi sẽ còn tiếp tục tăng”. Môi trường đầu tư ở Việt Nam liên tục được cải thiện khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh. Đây là dấu hiệu cho thấy đang có một dòng vốn đầu tư lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản chảy vào Việt Nam.
Hiện còn một số các dự án của các nhà đầu tư  Nhật Bản đang trong quá trình tìm hiểu hoặc chờ được cấp phép, trong đó có những dự án lớn với số vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, chẳng hạn như dự án khu nghỉ mát Đan Kim - Suối Vàng do 4 tập đoàn lớn là Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, và Limtec đầu tư 100% vốn.
Riêng đối với các nhà máy đầu tư Nhật Bản, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai chương trình sáng kiến chung Việt - Nhật. Theo đánh giá mới nhất của Ủy ban Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, trong số 125 hạng mục nhỏ, có 33 hạng mục được đánh giá Việt Nam hoàn thành, 75 hạng mục khác đang được triển khai đúng kế hoạch. Đặc biệt có nhiều hạng mục quan trọng được hoàn thành đầu năm 2006 như hạng mục xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chuyến thăm Nhật Bản cuối năm 2005 của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nằm ngoài nỗ lực tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tại cuộc gặp gỡ, nhiều dự án quy mô lớn được hai bên bàn bạc, thảo luận và có khả năng biến thành hiện thực trong thời gian tới. Tập đoàn Sumitomo có kế hoạch phát triển thêm một số các dự án khác trong ngành công nghiệp, ngoài lĩnh vực đầu tư hiện tại trong ngành cơ khí chế tạo. Dự án trọng điểm quốc gia xây dựng khu liên hợp lọc dầu Nghi Sơn có tổng số vốn đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD cũng được đưa ra thảo luận với các đối tác tiềm năng của Nhật Bản trong chuyến thăm này.
Gần đây nhất, ngày 18 - 10 - 2006, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm chính thức Nhật Bản, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê. Đây là vị khách nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Sin-dô A-bê kể từ khi ông trở thành Thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản từ cuối tháng 9 - 2006. Qua chuyến thăm này, hai bên đã ký kết nhiều văn bản quan trọng về đầu tư và thương mại. Trực tiếp ngay trong những ngày ở thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp chứng kiến lễ ký kết các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam với tổng số vốn khoảng 500 triệu USD. Qua đó chứng minh rằng: Môi trường đầu tư của Việt Nam đã và đang có sức hấp dẫn khá mạnh đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Điều này cũng một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế với Nhật Bản ngày càng phát triển, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.
Tất cả những chuyển biến trên cho thấy rằng trong tương lai, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đưa nền kinh tế của mình phát triển hơn nữa. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã thiết lập các mối quan hệ kinh tế với nhiều nước trên thế giới, bình thường hoá quan hệ với Mỹ, quan hệ thân thiện với các nước Tây Bắc Âu, duy trì mối quan hệ truyền thống với các nước Đông Âu… Ngày nay, Việt Nam là một quốc gia thuộc khối ASEAN đang trở thành khu vực buôn bán tự do mà cộng đồng kinh doanh của Nhật Bản phải tận dụng cơ hội để tăng cường đầu tư  vào khu vực này.
Với những tiến triển khả quan như hiện nay, cùng với nhiều sự kiện như: Việt Nam đã trở thành thành viên của tổ chức WTO trong tháng 11 năm 2006; Việt Nam thực hiện lộ trình giảm mức thuế nhập khẩu xuống dưới 5% để bằng các nước ASEAN; vv….  Đây là một tác động quan trọng thúc đẩy các công ty Nhật Bản đã đến Việt Nam đều mở rộng kinh doanh đồng thời nó đã phát tín hiệu an toàn cho các công ty Nhật Bản khác nhanh chóng triển khai đầu tư vào Việt Nam.
Như vậy, nhìn trực diện ta thấy triển vọng thu hút FDI Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm tới là khá lạc quan bởi:
Thứ nhất, mặt cơ chế và những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư đã được hai bên Việt Nam và Nhật Bản xúc tiến và cho thấy một số kết quả. Chẳng hạn, Hiệp định bảo hộ đầu tư đã được ký kết giữa hai nước và đã có hiệu lực từ ngày 19 - 12 - 2004. Sáng kiến chung Việt - Nhật nhằm giải quyết các vấn đề rất cụ thể về các chính sách liên quan đến môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được thủ tướng hai nước quyết định xây dựng vào tháng 4 - 2003 và nội dung được soạn thảo vào tháng 12 - 2003. Vào tháng 11 - 2004 hai bên đã đánh giá sơ bộ về những cải cách mà Việt Nam đã tiến hành. Theo lãnh đạo giới kinh doanh Nhật Bản tại Việt Nam, tuy chưa thoả mãn 100% song họ đã ghi nhận những tiến triển nhất định của Việt Nam trong việc tạo môi trường thuận lợi cho FDI. Ví dụ, giảm thuế thu nhập của nước ngoài (từ 50% xuống 40%). Bãi bỏ hầu hết các chính sách hai giá (áp dụng giá cao cho người nước ngoài)… Ngoài ra, Việt Nam đã lấy ngày 13/10 hàng năm là ngày doanh nhân Việt Nam, tạo sự an tâm cho doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung vì sự kiện này chứng tỏ Việt Nam đã có những bước tiến trong việc đánh giá vai trò của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng đất nước. Phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư 2006 được tổ chức tại Hà Nội khai mạc ngày 16/11/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam là một thị trường, một không gian kinh tế rất tiềm năng, rất thuận lợi để đầu tư phát triển cùng có lợi. Chúng tôi kêu gọi và tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tư và thương mại thành công của các bạn, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong cộng đồng APEC và trên toàn thế giới”(10).
Thứ hai, TNCs Nhật Bản đánh giá rất cao tiềm năng của nước ta, nên khi môi trường được cải thiện thì họ là những công ty nước ngoài đầu tiên hưởng ứng tích cực trong việc tăng FDI tại Việt Nam. Từ năm 1989, Ngân hàng xuất nhập khẩu Nhật Bản hằng năm tổ chức cuộc điều tra về động thái FDI của các công ty lớn tại nước này (từ năm 1989, Exim Bank sáp nhập với Quỹ Hợp tác kinh tế hải ngoại, OECF, lập ra JBIC tức Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản). Từ năm 1992, cuộc điều tra có thêm mục hỏi các doanh nghiệp sẽ chú trọng thị trường nào trong tương lai. Các số liệu cho thấy Việt Nam luôn luôn nằm trong 8 nước mà doanh nghiệp Nhật đánh giá cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong hai năm gần đây nhất, Việt Nam xếp thứ tư và thứ ba, Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng về chính trị, xã hội ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, dân số đông và lực lượng lao động trẻ, có quy mô lớn, trình độ tay nghề cũng khá cao…
Thu hút có hiệu quả FDI là một trong những con đường ngắn nhất để gia tăng năng lực cạnh tranh quốc tế. Thực tế cho thấy một số nước có những thành công vượt bậc về kinh tế như Trung Quốc, Malaixia, Thái Lan,… phần lớn dựa vào chiến lược thu hút hiệu quả FDI. Việt Nam đã và đang từng bước triển khai các chiến lược, giải pháp tối ưu nhằm tăng cường thu hút FDI trong đó có FDI của Nhật Bản.
Trong lời kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam vừa được tổ chức tại trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Osaka (Nhật Bản), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka khẳng định: “Chính phủ Việt Nam luôn coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận không tách rời của nền kinh tế và chú trọng tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác…. Để cải thiện môi trường đầu tư, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và cải tạo cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản”.
Với thế và lực mới, thời cơ và vận hội mới đang mở ra những triển vọng to lớn để Việt Nam gia tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư và TNCs Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Nếu khắc phục triệt để những khó khăn, tận dụng tốt những cơ hội, chúng ta sẽ gặt hái nhiều thành quả trên con đường tận dụng ngoại lực, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.


Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số2, 2007