Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

4. Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông

Biển Đông là khu vực trọng yếu với một nguồn tài nguyên rất phong phú. Nhưng tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông hầu như lại đến từ chính vị trí địa lý của khu vực này.



Biển Đông là khu vực trọng yếu với một nguồn tài nguyên rất phong phú, từ nguồn cá dồi dào đủ để đảm bảo đời sống và cung cấp bữa ăn cho rất nhiều cư dân trong khu vực, cho đến một nguồn tài nguyên hydrocarbon rất lớn chưa thể xác định được và các loại khoáng sản đáy biển khác. Nhưng tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông hầu như lại đến từ chính vị trí địa lý của khu vực này.
Nhìn từ cả góc độ khách quan và chủ quan, Trung Quốc cho thấy nước này đang đòi hỏi quyền kiểm soát nhiều hơn ở Biển Đông nhằm đảm bảo cho an ninh của mình. Đó cũng chính là lý do tại sao một Trung Quốc trỗi dậy đang tăng cường sức mạnh hải quân và các lực lượng chấp pháp dân sự để khẳng định các yêu sách lãnh thổ trong những vùng biển lân cận và đẩy mạnh ảnh hưởng của mình trên các vùng biển ở Châu Á. Cảm thấy đây là thời điểm để Trung Quốc xoá bỏ những bất công trong lịch sử, những người theo chủ nghĩa dân tộc của nước này đang đẩy mạnh việc mở rộng “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc bao gồm cả những thực thể đất ngoài khơi và các vùng biển xa bờ (chẳng hạn như việc thúc đẩy để biến đường chín đoạn thành dạng biên giới chủ quyền quốc gia hay việc đưa ra những yêu sách về quyền lịch sử ở Quần đảo Ryukyu). Tuy nhiên, kể cả những quan chức chính thức của nước này cũng cho rằng một Trung Quốc giàu có và mạnh mẽ hơn sẽ giúp làm giảm đi những điểm yếu của họ. Trung Quốc coi sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ sau chiến tranh như một mối đe doạ tiềm tàng đối với một trong những tuyến đường huyết mạch quan trọng nhất của Trung Quốc, eo biển Malacca, nơi được xem như là “cổ họng” nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Những ống dẫn dầu trên đất liền ở Châu Á có thể làm giảm phần nào tầm quan trọng của eo biển Malacca (hoặc bao gồm cả eo biển Lombok và Sunda) với tư cách là điểm yếu duy nhất của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng dường như, trong dài hạn, những tuyến giao thông trên biển đi qua vùng biển nửa kín – Biển Đông – sẽ tiếp tục duy trì tầm trọng yếu đối với Trung Quốc nói riêng và cả khu vực nói chung.
Tầm quan trọng mang tính địa - chính trị của vùng biển này vì thế còn mang những ý nghĩa quan trọng trong các hoạt động quân sự. Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch hiện đại hoá quân sự toàn diện, phát triển khả năng chống can thiệp nhằm chống lại sự tiếp cận của quân đội nước ngoài, bao gồm cả những lực lượng triển khai sức mạnh của Mỹ. Trong khi Quân đội Giải phóng Nhân dân tập trung phát triển sức mạnh để đẩy các lực lượng vũ trang của Mỹ ra ngoài chuỗi những đảo đầu tiên, Mỹ đang tìm cách để chống lại khả năng chống tiếp cận và phong toả khu vực của Trung Quốc. Những nước thuộc chuỗi những đảo đầu tiên, bao gồm các quốc gia quần đảo Châu Á từ Nhật Bản xuống đến khu vực biển Đông Nam Á, đang gặp khó khăn trong vấn đề làm thế nào để bảo vệ chủ quyền của mình trước một Trung Quốc với sức mạnh quân sự vượt trội và được lãnh đạo bởi một chế độ mong muốn luật chơi của thế giới phải được hình thành ở Bắc Kinh. Nhận định về một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Mỹ đang suy thoái được viện dẫn bằng rất nhiều lý do, trong đó bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và thành công được biết đến rộng rãi của Trung Quốc trong hoạt động gián điệp mạng; những cuộc chiến tranh kéo dài ở Iraq và Afghanistan, nước Mỹ trông giống như một cường quốc đang suy thoái chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong một cuộc đua thường được miêu tả như một cuộc dịch chuyển quyền lực cổ điển giữa các siêu cường. Những đề xuất mang tính học thuật về một thoả thuận chia sẻ quyền lực G2 giữa Trung Quốc và Mỹ cũng không thể thoả mãn được phần lớn các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, những nước muốn phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc nhưng vẫn muốn Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự với vai trò là một lực lượng cân bằng và đảm bảo an ninh trong khu vực. Tranh chấp chủ quyền đảo và các thực thể đất liền khác cũng như cạnh tranh tài nguyên trong khu vực đã làm lẩn khuất và che giấu một cuộc cạnh tranh chiến lược thực sự ở phía sau.
Vì thế, những căng thẳng ở Biển Đông đã không ngừng tăng lên trong những năm qua chính là do sự kết hợp giữa cạnh tranh địa chính trị và cạnh tranh tài nguyên, cùng với cuộc tranh luận trong nội bộ Trung Quốc về vấn đề chủ quyền cũng như việc nước này đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn.[1] Và kể từ khi bắt đầu nổi lên từ khoảng năm 2009, xung đột đã trở nên vô cùng phức tạp, nguy hiểm và không thể giải quyết được trong ngắn hạn. Tuy những căng thẳng này dường như vẫn trong tầm quản lý và ít có khả năng châm ngòi chiến tranh (trừ trường hợp có những tính toán sai lầm hoặc tai nạn), chúng đang phát triển theo một chiều hướng không mấy thuận lợi. Tình hình an ninh ở khu vực Biển Đông và Biển Đông Trung Hoa đang liên tục xấu đi trong những năm qua, bởi tranh chấp nhân lên và sự mất lòng tin ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn hơn, căng thẳng ở vùng biển này đã có tác động lan tỏa và gây ra sự nghi ngờ ở vùng biển kia, các thể chức khu vực không thúc đẩy được hợp tác, luật pháp quốc tế bị bỏ qua, quan hệ Trung – Mỹ ngày càng trở nên lỏng lẻo với những yếu tố cạnh tranh lấn át việc chia sẻ lợi ích giữa hai cường quốc.
Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn. Liệu Tập Cận Bình có khuynh hướng muốn trở lại với chính sách lâu đời dưới thời Đặng Tiểu Bình là “gác tranh chấp, cùng khai thác” không? Hầu như không hề có một tín hiệu nào cho thấy như vậy ngay từ khi ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Tổng bí thư và Tổng chỉ huy quân đội của Trung Quốc.[2]  Phát biểu trước Quốc hội vào giữa tháng 3, ông Tập đã hiệu triệu đại biểu dưới ngọn cờ “phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc và giấc mộng Trung Hoa.”[3] Ông ta cũng kêu gọi Quân đội Giải phóng Nhân dân tăng cường khả năng “chiến thắng trong các cuộc chiến tranh”, nhiều khả năng nhằm ám chỉ tới những xung đột có thể xảy ra trong các vùng biển gần Trung Quốc.[4] Hơn nữa, ông Tập cũng tiếp tục áp dụng chính sách của Trung Quốc trước đây về việc sử dụng toàn diện ba lực lượng trên biển bao gồm các tàu cá dân sự, tàu chấp pháp dân sự và tàu chiến để thể hiện những yêu sách ngày càng lớn của Trung Quốc về quyền và lãnh thổ trên biển.
Đằng sau thái độ bình tĩnh của ông Tập là một người đàn ông cứng rắn và không thể đánh giá thấp. Bố của Tập đã chiến đấu cùng với Mao Trạch Đông chống lại Đế quốc Nhật. Chắc chắn rằng, một Trung Quốc dưới thời ông Tập sẽ sinh ra rất nhiều các nhà ngoại giao kỳ cựu và vẫn tập trung vào việc phát triển kinh tế và thương mại, đặc biệt ở khu vực Đông Á.[5] Tuy nhiên, một vài quốc gia láng giềng của Trung Quốc đang tỏ ra rất lo ngại với chính sách láng giềng sắc bén của ông Tập. Một quan chức chính phủ Singapore đã nói với tác giả Robert Kaplan rằng “Người Trung Quốc quyến rũ bạn khi họ muốn quyến rũ bạn, đè nén bạn khi họ muốn đè nén bạn, và họ làm điều đó một cách hệ thống.”[6]
Tranh chấp trên biển đang lan rộng và trở nên sâu sắc hơn. Mặc dù những tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông là hoàn toàn khác biệt, việc gia tăng căng thẳng ở khu vực này lại có tác động không nhỏ tới khu vực còn lại. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông xảy ra từ năm 2009 là một sự việc đã được cả khu vực Đông Á nhắc tới khi Hà Nội tổ chức Diễn đàn ASEAN khu vực gồm 27 thành viên vào tháng 07 năm 2010.[7] Cũng chính tại Diễn đàn này, bà Hillary Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó, đã tuyên bố nước Mỹ coi việc giải quyết xung đột ở Biển Đông là “ưu tiên ngoại giao hàng đầu”.[8] Tương tự như vậy, khi một tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào tàu của Cảnh sát biển Nhật Bản vào tháng 09/2010, các nước Đông Á đã ghi nhận, tạo nên những căng thẳng tại Diễn đàn ASEAN khu vực năm 2011.[9] Gần đây, việc đối đầu giữa tàu của Trung Quốc và Philippin gần Bãi cạn Scarborough trên Biển Đông đã dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát trên thực tế những thực thể đất liền này cũng như vùng nước bao quanh nó. Sự việc này đã nhanh chóng được nối tiếp bởi một cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông.[10] Vào tháng 05/2013, sau một loạt căng thẳng gia tăng ở Biển Hoa Đông, Philippin và Đài Loan đã bị lôi vào căng thẳng sau vụ một ngư dân Đài Loan không may bị Cảnh sát biển Philippin bắn chết;[11] và kể cả khi hai bên đang tiếp tục có những tranh cãi về vụ việc này, Philippin đã đưa ra một phản đối mới về việc Trung Quốc xâm nhập Bãi Ayungin trong khu vực tranh chấp thuộc Quần đảo Trường Sa.[12] Có vẻ như Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang thâu tóm Biển Đông bằng cách chiếm giữ bãi cạn một.
 Những tranh chấp khu vực không chỉ tô vẽ nhận thức của các bên liên quan, mà còn cho thấy những dấu hiệu của tính bảo thủ ngày càng gia tăng. Điều này chắc chắn đang diễn ra ở Biển Hoa Đông khi mà Thủ tướng bảo thủ mới của Nhật Bản, ông Shinzo Abe, tuyên bố rằng đất nước ông sẽ không rút lại những yêu sách của mình cả về chủ quyền và việc quản lý đối với Quần đảo Senkaku.[13] Trong lúc đó, Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không tranh cãi” đối với Quần đảo Điếu Ngư và vùng nước bao quanh (cũng giống như việc nước này đang làm với hầu hết toàn bộ Biển Đông).[14] Tranh chấp đang dần leo thang, đặc biệt là kể từ khi chính quyền trước của Nhật Bản mua các hợp đồng cho thuê tư nhân đối với ba trong năm đảo vào năm 2012.[15] Việc Trung Quốc xâm phạm bằng cả đường biển và đường không vào khu vực lãnh hải và không phận hiện nay đang diễn ra hàng ngày, cùng với đó là việc Bắc Kinh khuyến khích đánh bắt cá trong vùng biển tranh chấp và sau đó cử các tàu hải giám và tàu chấp pháp dân sự đến vùng biển này để thực quy quyền kiểm soát quản lý trên danh nghĩa (và vì thế đã thách thức không chỉ tuyên bố chủ quyền mà còn cả tuyên bố về quyền quản lý duy nhất của Nhật Bản). Lực lượng quân đội liên tục được điều đến khu vực xâm phạm, và Nhật Bản đã bị buộc phải gửi máy bay chiến đấu đến khu vực này.[16] Trong một sự kiện xảy ra vào tháng 01/2013, một tàu khu trục Trung Quốc đã nhắm bắn một khu trục hạm của Nhật Bản thông qua radar kiểm soát mục tiêu ở vùng biển quốc tế quanh Quần đảo Senkaku.[17] Trong khi một số người cho rằng cách làm của Trung Quốc ở đây có thể chủ yếu nhằm làm kiệt sức lực lượng bảo vệ bờ biển có hạn của Nhật Bản, những mối căng thẳng ngày càng tăng cao này đi kèm với một mối đe doạ về hiểm hoạ leo thang quân sự luôn trực chờ và có khả năng tăng nhanh.[18]
Các tổ chức khu vực tỏ ra kém hiệu quả. Vào thời điểm khi mà sự chia rẽ toàn cầu đã có thể được dự báo trước, những thể chế khu vực làm việc hiệu quả trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.[19] Khu vực Đông Á được biết đến với hàng loạt các thể chế chồng chéo, và hầu hết trong số đó có liên quan tới ASEAN. Nhưng kể cả khi tổ chức này đang tiến gần tới hạn chót cho việc thiết lập một cộng đồng kinh tế thống nhất vào năm 2015, nguyên tắc cốt lõi về tính trung lập, không sử dụng vũ lực và cơ chế ra quyết định dựa trên đồng thuận đang vấp phải khó khăn trong giải quyết các tranh chấp biển ở Biển Đông. Mất mười năm để đưa ra một bộ Tuyên bố Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông, mất thêm một thập kỷ nữa để đạt được hướng dẫn thực hiện rộng rãi, ASEAN vẫn chưa thể tiến gần hơn đến việc thực hiện một bộ Quy tắc Ứng xử có tính ràng buộc ở Biển Đông. Thậm chí ASEAN còn đang bị chia rẽ giữa việc liệu một bộ Quy tắc ứng xử như thế nên được đồng thuận trước bởi tất cả các nước thành viên ASEAN hay nên được soạn thảo cùng với Trung Quốc ngay từ đầu.[20] Trong khi đó, Trung Quốc đang cho thấy xu hướng duy trì lợi thế chiến lược ngoại giao và tính linh hoạt trong việc thúc đẩy yêu sách và tranh chấp thông qua cơ sở song phương thay vì trong một khuôn khổ đa phương cứng nhắc.
Thật vậy, tiến trình đưa ra một bộ Quy tắc Ứng xử có vẻ như đã đi theo chiều hướng ngược lại khi Campuchia giữ chức chủ tịch ASEAN vào năm 2012, điều này được thể hiện qua việc lần đầu tiên trong lịch sử, các nước ASEAN đã không thể đưa ra một tuyên bố chung. Những tranh chấp ở Biển Đông đã chia rẽ ASEAN thành hai bên, một bên bao gồm bốn quốc gia yêu sách là Việt Nam, Philippin, Malaysia va Brunei, và bên kia là sáu nước thành viên không có yêu sách còn lại. Thêm vào đó, các quốc gia không yêu sách này lại có những mức độ phản đối khác nhau đối với những nước yêu sách, thường thì điều đó dựa trên những ràng buộc với Trung Quốc và Mỹ. Trong những quốc gia yêu sách, Việt Nam và Philippin là hai nước đi đầu trong tranh chấp với Trung Quốc, nước đã công bố bản đồ vẽ đường chín đoạn một cách mơ hồ bao phủ gần hết toàn bộ Biển Đông để thể hiện những yêu sách mang tính lịch sử của mình.[21] Rất nhiều người mong đợi về việc Brunei sẽ xử lý những tranh chấp này tốt hơn khi nước này trở thành chủ tịch ASEAN trong năm nay, nhưng đó thực sự lại là một yêu cầu quá lớn đối với một đất nước nhỏ hầu như không có sức mạnh quốc phòng và có nhiều lợi ích kinh tế quan trọng gắn liền với Trung Quốc.[22] Tiếp theo đó là Myanmar, nước sẽ thành chủ tịch ASEAN vào năm 2014, chỉ có thể được mong đợi để vượt qua nhiệm kỳ với hy vọng là không tạo ra thêm một sự cố nào cho khu vực.
Luật pháp quốc tế bị gạt sang một bên. Luật pháp quốc tế hiếm khi nào thắng được sức mạnh chính trị và các đặc quyền quốc gia. Tuy nhiên, luật biển quốc tế đã có nhiều phát triển quan trọng kể từ khi luật sư người Thuỵ Sỹ, Hugo Grotius, phát biểu về học thuyết tự do trên biển của mình.[23] Đặc biệt, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã cung cấp cho thế giới một bộ luật tích cực, có thể nói là văn bản điều ước quốc tế, được đại đa số các quốc gia trên thế giới thông qua (tuy không có Mỹ, như phân tích dưới đây). Nhưng văn bản này lại đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau (chẳng hạn như, chính xác cái gì được quy định là “đảo” hay là “đá”, sự khác nhau then chốt nằm ở chỗ khả năng tự nhiên để duy trì sự sống của con người không được định nghĩa rõ ràng, hay những ngoại lệ đối với hình thức xét xử trọng tài bắt buộc trong tranh chấp). Vì thế vào tháng 01/2013, khi Philippin quyết định làm rõ những tranh chấp trên biển với Trung Quốc thông qua toà án trọng tài bên thứ ba bắt buộc, Trung Quốc đã từ chối và quyết định không tham gia.[24] Việc phân xử sẽ vẫn diễn ra, và Trung Quốc thậm chí còn không cố gắng để giải thích tại sao họ cho rằng quy định của UNCLOS về toà trọng tài bắt buộc lại không được áp dụng.[25] Mặc dù Trung Quốc không thể dễ dàng để bỏ ngoài tai phán quyết cuối cùng (đặc biệt khi đoạn đường 9 đoạn của nước này tạo ra nhiều nghi vấn pháp lý), việc những nước lớn bác bỏ luật pháp quốc tế là rất đáng lo ngại.
Những dấu hỏi quanh chính sách của Mỹ. Chính sách tái cân bằng tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ diễn ra trong bối cảnh tình hình tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang tăng cao. Một trụ cột quan trọng trong chính sách của Mỹ là trấn an các đồng minh và bạn bè về việc Mỹ sẽ không chỉ duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực mà còn tăng cường can dự toàn diện hơn vào các vấn đề ở đây. Mặc dù chính sách của Mỹ là tránh chọn đứng về một bên trong các tranh chấp chủ quyền, Mỹ đã trấn an Nhật Bản bằng cách công nhận quyền quản lý của nước này đối với Quần đảo Senkaku như được nêu trong Điều 5 của hiệp ước an ninh chung giữa hai nước.[26] Kể cả thế, Washington vẫn tìm cách để duy trì một vài sự mập mờ mang tính chiến lược, nhấn mạnh tầm quan trọng về việc giải quyết hoà bình các tranh chấp. Cũng giống như Nhật Bản, Philippin là một đồng minh hiệp ước của nước Mỹ, và hiệp ước an ninh chung cam kết sự hỗ trợ của Mỹ sẽ đáp trả trong trường hợp tàu Philippin bị tấn công. Tuy nhiên, những quan chức ở Manila đang tìm cách để xoá bỏ sự mập mờ chiến lược này và dành lấy một cam kết hỗ trợ giống như Điều 5 trong trường hợp có những căng thẳng leo thang với Trung Quốc. Mong muốn của nước Mỹ khi không đưa cho các đồng minh một tờ “séc khống” mà thay vào đó là duy trì sự mập mờ chiến lược trong việc hỗ trợ đồng minh sẽ càng được củng cố thêm bởi những tai nạn không may kiểu như việc Cảnh sát biển Philippin làm chết ngư dân Đài Loan vào tháng 05/2013.
Đây là thời điểm đặc biệt khó khăn cho Mỹ để có thể hoàn toàn trấn an các đồng minh của mình khi nước này đang trong thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” về tài chính, trong lúc ngân sách quốc phòng dài hạn của Mỹ dường như cũng không hề rõ ràng. Dù sao đi nữa, xét về khía cạnh lịch sử, những đợt cắt giảm sau xung đột trong quá khứ đều dẫn tới việc cắt giảm ngân sách đối với tất cả các đơn vị, phát triển chậm lại và mua vào ít tài sản lớn hơn, và cắt giảm ngân sách hoạt động và bảo trì.[27] Tuy vậy, quan chức Mỹ vẫn nhấn mạnh chính sách tái cân bằng của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện cho dù bị cắt giảm ngân sách. Ví dụ, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter đã nhắc lại cam kết của Chính quyền Obama về việc sẽ triển khai “60% năng lực hải quân… đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trước năm 2020 – một dịch chuyển lớn và mang tính lịch sử.”[28] Chính sách tái cân bằng của Mỹ, tập trung chủ yếu vào việc tham gia thay vì thiết lập căn cứ mới, điều này đồng nghĩa với việc can thiệp về ngoại giao và thương mại cũng sẽ tương ứng với sự hiện diện về quân sự. Mặc dù vậy, các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ theo dõi ngân sách quốc phòng của nước này một cách rất sát sao. Điều đó còn phụ thuộc vào thời kỳ cắt giảm ngân sách và tương lai của nền kinh tế Mỹ, cũng như mức độ tham gia của quân đội nước này vào những cuộc khủng hoảng trong các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông.
Đối với Trung Quốc, chính sách tái cân bằng của Mỹ mang đến quá nhiều sự bảo đảm cho đồng minh, bằng cách thể hiện nước Mỹ có dự định duy trì sự vượt trội về quân sự trong thời điểm một nước Trung Quốc với sức mạnh đang tăng dần cũng muốn khẳng định một tầm ảnh hưởng lớn hơn với những quốc gia lân cận.[29] Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh với một tốc độ trên 10%/năm, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn là hiện đại hoá hải quân và thống trị thông tin.[30] Vấn đề là ở chỗ quan hệ Trung – Mỹ không đạt được một mức độ cân bằng phù hợp. Những yếu tố đối đầu trong mối quan hệ này có thể sẽ làm lu mờ những yếu tố hợp tác khác, ví dụ như thương mại.
Câu trả lời cho những vấn đề này đã khá rõ ràng đối với một số chuyên gia, đặc biệt là những chuyên gia từ Mỹ và Đông Nam Á và bao gồm cả tác giả này: Trung Quốc nên áp dụng một chính sách khu vực thân thiện hơn (giống như đã làm trong một vài trường hợp trước đây); các nước cần cố gắng kiềm chế và thúc đẩy hợp tác; ASEAN cần có một chiến lược thực tế để thúc đẩy tiến trình thực hiện bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc; các nước phải lập những biện pháp xây dựng lòng tin quân sự để xây dựng một thói quen hợp tác và giảm thiểu sự mất lòng tin; Mỹ và Trung Quốc cần phải nắm lấy lợi ích của mình và theo đuổi một khuôn khổ hợp tác cơ bản cho quan hệ song phương nhằm ngăn chặn những căng thẳng có thể tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn của chuỗi hành động và phản ứng trong quan hệ giữa các cường quốc.[31]
Hoàn toàn không có một câu trả lời nào cho những vấn đề ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những lý do để có thể lạc quan, đặc biệt là khi hầu hết các bên liên quan đều tin rằng khả năng xảy ra chiến tranh là khá xa và việc quản lý tranh chấp là cần thiết. Về mặt kinh tế, những vùng biển này là khu vực trọng yếu đối với thương mại toàn cầu và là một nguồn tài nguyên thuỷ hải sản và năng lượng ngày càng trở nên quan trọng. Về mặt chính trị, hợp tác trong những vùng biển này là một phép thử cho sự hoà bình và thịnh vượng của một Châu Á đang trỗi dậy, bên cạnh đó, nó cũng là phép thử cho câu chuyện về một sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc. Về mặt chiến lược, như đã đề cập ngay từ đầu, Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ là khu vực mà Trung Quốc sẽ sử dụng quân đội được hiện đại hoá của mình để thách thức trực tiếp với sự thống trị lâu đời kể từ sau chiến tranh của Mỹ. Nói cách khác, Biển Đông và Biển Hoa Đông là trung tâm cho tình hình an của Châu Á – Thái Bình Dương. Nguy cơ rất cao và đang ngày càng tăng lên ở những vùng biển này, và tất cả chính phủ phải ưu tiên cho việc chống chiến tranh, quản lý tranh chấp, dần dần xây dựng các thể chế và tăng cường hợp tác chung.
Trong công cuộc theo đuổi hoà bình, tất cả các quốc gia – không phải chỉ có nước Mỹ – sẽ cần có cả sự khôn ngoan và nghệ thuật quản lý nhà nước một cách khéo léo để giải quyết những thách thức phức tạp và chồng chéo này. Hình thành những chuẩn mực mới và các tổ chức hiệu quả sẽ cần rất nhiều thời gian. Trong khi ý định tương lai của Trung Quốc là rất khó đoán, việc nước này đi theo quá trình toàn cầu hoá sẽ tiếp tục phát triển. Chẳng hạn như ngày nay, họ vẫn chấp nhận toà trọng tài bên thứ ba trong các tranh chấp ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và do đó có tia hy vọng rằng trong tương lai nước này cũng sẽ làm như thế đối với những tranh chấp trên biển. Những giải pháp thông minh và dựa trên các luật lệ sẽ mang đến một thế giới công bằng và mang lại một sự bảo vệ như nhau cho cả các nước yếu cũng như các nước mạnh.
Tiến sĩ Patrick M. Cronin là Cố vấn và Giám đốc Cấp cao của Chương trình An ninh Châu Á Thái Bình Dương, Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS). Bài tham luận được trình bày tại hội thảo “Quản lý Căng thăng ở Biển Đông” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 5-6 tháng 06 năm 2013 tại Washington D.C, Mỹ. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang CSIS.
Đón đọc tham luận tiếp theo của Donald K. Emmerson được trình bày tại Hội thảo: “Mối liên hệ giữa Biển Đông, Biển Hoa Đông và vấn đề chủ quyền trên Biển Đông”.
Tuấn Việt (dịch)
Minh Ngọc (hiệu đính)



[1] Xem Patrick M. Cronin, ed., “Cooperation from Strength: The United States, China and the South China Sea” (Center for a New American Security, Tháng 01/2012). CNAS Flashpoints website tại: www.cnas.org/flashpoints.
[2] “Set Aside Dispute and Pursue Joint Development,” Bộ Quốc phòng Trung Quốc, 17/11/2000. http://www.fmprc.gov.cn/eng/ziliao/3602/3604/t18023.htm.
[3] “Xi tells China's military to improve ability to 'win battles',” The Australian, 17/03/2013, http://www.theaustralian.com.au/news/world/xi-tells-chinas-military-to-improve-ability-to-winbattles/story-e6frg6so-1226599130688.
[4] Như trên.
[5] William Wan, “China’s new foreign team will reflect rising tensions with U.S., Japan,” The Washington Post, 16/03/2013, http://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/chinas-newforeign-team-will-reflect-rising-tensions-with-us-japan/2013/03/14/a0fbd546-8bd2-11e2-9f54- f3fdd70acad2_story.html.
[6] Robert D. Kaplan, The Revenge of Geography (New York: Random House, 2012), 189
[7] Vaudine England, “Why Are South China Sea Tensions Rising?,” BBC News, 02/09/2010, http://www.bbc.co.uk/news/world-asia-pacific-11152948.
[8] Daniel Ten Kate và Nicole Gaouette, “Clinton Signals U.S. Role in China Territorial Disputes After ASEAN Talks,” Bloomberg, July 23, 2010, http://www.bloomberg.com/news/2010-07-23/u-s-sayssettling-south-china-sea-disputes-leading-diplomatic-priority-.html.
[9] Xem Michael Auslin, “Don’t Forget About the East China Sea,” CNAS East and South China Seas Bulletin #2 (3/5/2012).
[10] Xem James R. Holmes, “A Competitive Turn: How Increased Chiense Maritime Actions Complicate U.S. Partnerships,” CNAS East and South China Seas Bulletin #7 (14/12/2012) và Patrick M. Cronin, “Contested Waters: Managing Disputes in the East and South China Seas,” CNAS East and South China Seas Bulletin #6 (14/12/2012).
[11] Xem Floyd Whaley, “Taiwan Demands Apology from Philippines for Fisherman’s Killing,” The New York Times, 20/05/2013, http://www.nytimes.com/2013/05/11/world/asia/taiwan-demandsapology-from-philippines-for-fishermans-killing.html?_r=1&.
[12] Jim Gomez, “Philippines Protests Chinese Warship’s Presence,” San Jose Mercury News, May 21, 2013, http://www.mercurynews.com/breaking-news/ci_23288522/philippines-protests-chinawarships-presence.
[13] Xem Toko Sekiguchi and George Nishiyama, “Abe Vows to Protect Japan's Territorial Claims,” The Wall Street Journal, February 28, 2013, http://online.wsj.com/article/SB10001424127887324662404578331380644366320.html.
[14] Cheng Guangjin và Wu Jiao, “Sovereign waters are not in question,” China Daily, July 31, 2010, http://www.chinadaily.com.cn/china/2010-07/31/content_11075972.htm.
[15] Jane Perlez, “China Accuses Japan of Stealing After Purchase of Group of Disputed Islands,” The New York Times, September 11, 2012, http://www.nytimes.com/2012/09/12/world/asia/china-accusesjapan-of-stealing-disputed-islands.html.
[16] Để tìm hiểu thêm về tính cương quyết của Trung Quốc, xem Zachary M. Hosford và Ely Ratner, “The Challenge of Chinese Revisionism,” CNAS East and South China Seas Bulletin #8 (February 1, 2013).
[17] “Chinese Officials Admit to MSDF Radar Lock On Allegations,” Kyodo News, 17/03/2013, http://www.japantimes.co.jp/news/2013/03/18/national/chinese-officials-admit-to-msdf-radarlock-allegations/#.UUcrNqycR7Q.
[18] James R. Holmes, “Can China ‘Win’ Without Fighting?,” The Diplomat, October 25, 2012, http://thediplomat.com/the-naval-diplomat/2012/10/25/can-china-win-withoutfighting/?print=yes
[19] Further global fragmentation is a major theme in National Intelligence Council, Global Trends 2030: Alternative Worlds (December 2012), http://www.acus.org/files/global-trends-2030-nic-lo.pdf.
[20] Xem Ian Storey, “Slipping Away? A South China Sea Code of Conduct Eludes Diplomacy,” CNAS East and South China Seas Bulletin #11 (March 15, 2013).
[21] Đường đứt 9 đoạn, đường này bao gồm 11 đoạn vào trước khi ký một thoả thuận với Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ vào những năm 1950, được thừa hưởng từ Chính phủ Quốc Dân Đảng của Trung Quốc và tuyên bố này cũng được Đài Loan đang đưa ra tại thời điểm hiện tại. Xem Peter J. Brown, “Calculated Ambiguity in the South China Sea,” Asia Times, December 8, 2009, http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KL08Ae01.html.
[22] Các quốc gia ASEAN tìm lợi thế chống lại Trung Quốc qua hợp tác đa phương và Trung Quốc muốn đàm phán song phương các vấn đề liên quan đến tranh chấp. Xem Ian Storey, “China’s Bilateral and Multilateral Diplomacy in the South China Sea,” in Cooperation from Strength: The United States, China and the South China Sea, Patrick M. Cronin, ed. (Washington, D.C.: Center for a New American Security, January 2012), tr. 53-66.
[23] Xem Bernard H. Oxman, “The Territorial Temptation: A Siren Song At Sea,” The American Journal of International Law, Volume 100, p. 830-851, www.asil.org/pdfs/oxman_territorialtempt.pdf
[24] Để tìm hiểu thêm về tranh chấp pháp lý giữa Trung Quốc và Philippine, xem Peter A. Dutton, “The Sino- Philippin Maritime Row: International Arbitration and the South China Sea,” East and South China Seas Bulletin 10 (Center for a New American Security, March 15, 2013).
[25] Xem Peter Dutton, “The Sino-Philippin Maritime Row: International Arbitration and the South China Sea,” CNAS East and South China Seas Bulletin #10 (March 15, 2013).
[26] Một ngoại lệ điển hình xảy ra nếu một nước bị xâm lược, giống như việc I-rắc xâm lược Kuwait vào năm 1990.
[27] Gordon Adams và Matthew Leatherman, “Five Myths About Defense Spending,” The Washington Post, January 14, 2013, http://www.washingtonpost.com/wpdyn/content/article/2011/01/14/AR2011011406194.html.
[28] Ashton B. Carter, “The Rise of Asia and New Geopolitics in the Asia-Pacific Region,” Remarks, Jarkarta, Indonesia, March 20, 2013,  “http://www.defense.gov/speeches/speech.aspx?speechid=1761.
[29] Để xem thêm về những tranh luận về hành động và mục tiêu gần đây của Trung Quốc, xem Oriana Skylar Mastro, “The Sansha Garrison: China’s Deliberate Escalation in the South China Sea,” CNAS East and South China Seas Bulletin #5 (September 5, 2012).
[30] Annual Report to Congress: Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China, 2013 (Washington, D.C.: Office of the Secretary of Defense, May 2013).
[31] Ví dụ, những quan điểm này là trung tâm cho những cuộc thảo luận tại một hội thảo kéo dài hai ngày gần đây về Biển Đông ở Mỹ, bao gồm cựu Đại sứ Stapleton Roy và Christopher Hill, cùng tác giả. Xem “South China Sea: Central to Asia-Pacific Peace and Security,” đồng tài trợ bởi Asia Society New York và trường Chính sách cộng đồng Lý Quang Diệu ở Singapore, được thực hiện ở New York vào 13-15/03/2013, http://asiasociety.org/new-york/southchina-sea-central-asia-pacific-peace-and-security.