Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

6. Những nhân tố khiến Hoa Kỳ và Việt Nam xích lại gần nhau hơn

Trong ngoại giao, không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có tình bạn sẽ được tạo nên. Trong sự tương đồng mới về các lợi ích chiến lược và kinh tế, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau tại Washington để tiến hành cuộc hội đàm mang tính bước ngoặt, nhằm tìm cách mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai cựu thù.


Tin cậy và hòa giải: Tiến trình hòa giải giữa hai nước đã được triển khai. Chính sách tái cân bằng của Hoa Kỳ đối với châu Á, sự khó chịu ngày càng tăng của Việt Nam trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và yếu tố thương mại đang thúc đẩy Hoa Kỳ và Việt Nam xích lại gần nhau hơn. Bắc Kinh đã theo dõi chặt chẽ những cử chỉ thân thiện của Tổng thống Barack Obama khi đón tiếp Chủ tịch Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng và phát biểu của ông Obama về bức thư mà nhà lãnh đạo huyền thoại của Việt Nam Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ, ông Harry S.Truman. Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi đã thảo luận thực tế rằng Hồ Chí Minh thực sự có nguồn cảm hứng từ Tuyên ngôn độc lập và bản Hiến pháp của Hoa Kỳ…”.
Ông Trương Tấn Sang là Chủ tịch Việt Nam thứ hai tới thăm Hoa Kỳ kể từ khi hai nước nối lại quan hệ ngoại giao năm 1995 và gần 40 năm sau khi hai nước chấm dứt cuộc chiến tranh gây thương vong lớn cho cả hai phía. Những ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn, song chủ nghĩa thực dụng và những toan tính chiến lược đã giúp hai nước đẩy mạnh quan hệ hợp tác. Trong bối cảnh này, cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam ngày 25/7 đã tập trung vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm tạo ra những động lực mới cho thương mại và đầu tư. Trong khi thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, ông Obama đã lưu ý đến sự hòa giải và chủ nghĩa thực tế. Ông nói: “Chúng tôi đều công nhận lịch sử cực kỳ phức tạp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Từng bước, chúng ta có thể thiết lập một mức độ tôn trọng và tin cậy lẫn nhau”. Lãnh đạo Việt Nam cũng khá thực tế khi hối thúc nâng cấp quan hệ giữa Washington và Hà Nội.
Nhân tố Trung Quốc đối với quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam: Chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam tới Hoa Kỳ được dư luận hết sức chú ý theo dõi và được coi là một phần chiến lược của Hà Nội nhằm đối trọng với sự hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, song quan hệ hai bên trong thời gian gần đây trở nên căng thẳng do tuyên bố chủ quyền của cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội về khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Trong bối cảnh này, TPP có thể chứng tỏ là một “đại lộ hữu ích” để Việt Nam đa dạng hóa quan hệ thương mại nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các nhà phân tích Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc là tác nhân chủ chốt đẩy Hoa Kỳ và Việt Nam xích lại gần nhau hơn. Nhằm bảo vệ quyền tự trị chiến lược của mình, Việt Nam không chỉ tranh thủ Hoa Kỳ mà còn cố gắng thuyết phục các nước đang nổi trong khu vực châu Á như Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trên trường Đông Á. Năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam đã khiến dư luận ngạc nhiên khi kêu gọi Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Biển Đông.
Không có những kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có bạn bè: Hoa Kỳ đã phát hiện ra cơ hội từ những mối lo ngại của Việt Nam về Trung Quốc, cũng như sự trỗi dậy của nền kinh tế Đông Nam Á này. Không dễ loại bỏ những gánh nặng lịch sử, song Washington đã sẵn sàng đi xa thêm để xây dựng một mối quan hệ hòa giải bền vững với Hà Nội. Tinh thần mới này của chủ nghĩa thực dụng và chính sách linh hoạt của Hoa Kỳ có thể được nhận thấy trong bài diễn văn chào mừng của Ngoại trưởng John Kerry tại bữa ăn trưa làm việc mà ông dành cho Chủ tịch Việt Nam. Ông nói: “Người Việt Nam đã học được từ lịch sử của họ rằng chúng ta không có những kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có những mối quan hệ bạn bè chưa được thiết lập… Ngày nay, mỗi khi nghe từ 'Việt Nam', người ta có thể nghĩ đến một đất nước, chứ không nghĩ đến chiến tranh. Trong 18 năm qua, tính sáng suốt của quyết định bình thường hóa quan hệ đã được chứng minh đầy đủ. Việt Nam đã nổi lên như một trong những câu chuyện thành công lớn của châu Á”.
Chủ tịch Việt Nam hoan nghênh việc làm sâu sắc thêm các mối liên hệ kinh tế với Hoa Kỳ và khẳng định sẵn sàng đi xa hơn trong việc giải quyết những mối lo ngại về nhân quyền thông qua cuộc đối thoại chân thành nhất. Chủ tịch Trương Tấn Sang nói: “Tôi rất vui mừng lưu ý rằng quan hệ kinh tế thương mại tiếp tục là trung tâm của mối quan hệ toàn diện. Hoa Kỳ hiện là đối tác kinh tế-thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hai nước chúng ta tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có vấn đề nhân quyền. Thông qua các cuộc đối thoại, chúng ta sẽ hiểu biết nhau hơn…”.
Trần Quang (gt)