Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

15. Những vấn đề của kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam

Theo nhandan.com.vn   
Tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2011 có những diễn biến hết sức phức tạp và chịu tác động sâu sắc của các biến động chính trị ở Bắc Phi, Trung Ðông và thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản. Trong bối cảnh chung đó, kinh tế Việt Nam không tránh khỏi chịu ảnh hưởng tiêu cực và gặp phải một số khó khăn. Trong đó, nổi lên là vấn đề lạm phát tăng cao trở thành thách thức đối với công tác điều hành vĩ mô cả năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI; đồng thời ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, nhất là trong thời điểm toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta chuẩn bị tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Kinh tế thế giới đối mặt nhiều khó khăn
Kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2011 đã phục hồi chậm lại do những khó khăn từ các đầu tàu kinh tế, như xu hướng giảm phát của kinh tế Nhật Bản, việc chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, những khó khăn về nợ công ở châu Âu; đặc biệt là trước những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng chính trị ở 11 nước Bắc Phi, Trung Ðông và thảm họa thiên tai tại Nhật Bản (ước tính, lấy đi ít nhất 0,5% tăng trưởng kinh tế toàn cầu). Trong bối cảnh đó, kinh tế thế giới lại phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khác:
Lạm phát đang trở thành mối lo hàng đầu của tất cả các quốc gia, khi mà chỉ số chung của các loại hàng hóa nguyên liệu thô đã tăng 8% chỉ trong vài tháng do ảnh hưởng từ các chương trình nới lỏng tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2010 và tình hình bất ổn chính trị tại Bắc Phi, Trung Ðông. Nhiều nước ở châu Á có mức lạm phát cao nhất trong nhiều năm qua, như Trung Quốc 5%, Ấn Ðộ 8,2%, Hàn Quốc 4,7%... Trong bối cảnh đó, thảm họa động đất, sóng thần và nguy cơ ảnh hưởng phóng xạ từ Nhật Bản đang có nguy cơ đẩy lạm phát tiếp tục tăng cao hơn tại châu Á do nhu cầu nhập khẩu năng lượng, vật tư xây dựng, nông hải sản của Nhật Bản tăng mạnh, trong khi nguồn cung xuất khẩu các chi tiết công nghệ của Nhật Bản cho các ngành sản xuất hàng điện tử của châu Á giảm (giá của các bộ mạch vi xử lý được sử dụng trong các thiết bị điện tử đã tăng 8%, khí tự nhiên hóa lỏng tăng hơn 10% tại thị trường châu Á kể từ sau thảm họa này).
Giá các mặt hàng chiến lược tăng mạnh đang đe dọa đến an ninh năng lượng và an ninh lương thực của các quốc gia. Giá dầu thô lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi (113 USD/thùng ngày 8-4-2011, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước), giá vàng đạt mức cao nhất trong lịch sử (1,473 USD/ao-xơ ngày 8-4-2011), giá bạc cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 31 năm qua. Ðặc biệt, giá lương thực, thực phẩm tăng cao (tăng gần 30% so với giữa năm 2010, trong đó giá ngũ cốc tăng hơn 40%) dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lương thực thế giới.
M.2
Khủng hoảng nợ công vẫn tiếp tục phủ bóng đen lên khu vực châu Âu. Tình hình nợ công tại Hy Lạp vẫn tồi tệ khiến cơ quan xếp hạng tín dụng Moody hạ ba bậc xếp hạng tín dụng của nước này, trong khi đó Bồ Ðào Nha cũng chính thức phải xin EU hỗ trợ. Ngoài khu vực châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cũng đang đứng trước nguy cơ bị giảm mức xếp hạng tín dụng khi nợ công lên tới mức kỷ lục. Nợ công của Mỹ đã vượt 14 nghìn tỷ USD và dự đoán sẽ chạm mức trần 14,3 nghìn tỷ USD sau hơn một tháng nữa. Nợ công của Nhật Bản trước khi xảy ra động đất, sóng thần cũng đã ở mức 200% GDP.
Thị trường tài chính tiền tệ quốc tế vẫn biến động phức tạp: Thị trường chứng khoán thế giới bị tác động mạnh trước những biến cố chính trị và thiên tai. Chỉ sau một tuần xảy ra thảm họa tại Nhật Bản, chứng khoán thế giới chịu thiệt hại khoảng 1.600 tỷ USD, trong khi đó xu hướng rút vốn khỏi thị trường chứng khoán của các nước A-rập vẫn tiếp tục diễn ra. Còn tại các thị trường mới nổi ở châu Á, nhà đầu tư đã rút gần 25 tỷ USD trong quý I-2011 (mức cao nhất kể từ quý III-2008); Thị trường trái phiếu quốc tế cũng bị tác động khi Nhật Bản phải cơ cấu lại việc nắm giữ loại tài sản này để tập trung nguồn lực tài chính tái thiết đất nước, trong khi Trung Quốc cũng không có ý định nắm giữ thêm trái phiếu Chính phủ Mỹ; Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tiếp tục xu hướng giảm giá so các đồng tiền chủ  chốt, ngược lại đồng ơ-rô trong quý I tăng giá mạnh nhất trong lịch sử (tăng 3,5%); Thị trường bất động sản của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu tích cực và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống ngân hàng. Tại Mỹ, thị trường nhà đất chưa phục hồi, giá nhà đất đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp và chỉ cao hơn 1% so với mức đáy trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất năm 2009, khiến cho hơn 800 ngân hàng nước này tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn. Còn tại Trung Quốc, kế hoạch làm dịu cơn sốt giá nhà đất của Chính phủ nước này chưa có kết quả (giá bất động sản tăng bình quân hơn 6%/tháng) trong khi giá trị các khoản vay dành cho bất động sản trong hai năm qua đã lên tới 2,7 nghìn tỷ USD.
Các luồng vốn đầu tư, thương mại toàn cầu bị xáo trộn, khiến ngay cả Trung Quốc cũng phải chịu thâm hụt thương mại cao nhất trong bảy năm qua (lên 7,3 tỷ USD tháng 2-2011). Ðặc biệt, thiên tai tại Nhật Bản đang khiến cho hệ thống sản xuất toàn cầu của một số mặt hàng điện tử, công nghệ cao chịu ảnh hưởng nặng nề, do khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai ở Nhật Bản là nơi sản xuất chính ra thị trường thế giới những sản phẩm, như tấm silic sử dụng trong công nghệ sản xuất chất bán dẫn, bộ vi xử lý cho các loại điện thoại thông minh, tấm dẫn dị hướng cho công nghệ sản xuất màn hình LCD, pin lithium cho các sản phẩm điện tử...
Những khó khăn về kinh tế đang gây ra bức xúc trong xã hội, từ đó phát sinh những tiêu cực khó lường tới tình hình chính trị của một số quốc gia. Những cuộc biểu tình phản đối, lật đổ chính  phủ ở Bắc Phi, Trung Ðông đều có nguồn gốc sâu xa từ những khó khăn về kinh tế (như ở Ai Cập, có tới 30% dân số sống dưới mức nghèo khổ, nợ nước ngoài chiếm gần 50% GDP, lạm phát tăng tới hơn 20% năm 2008, 14% năm 2009 và 10% năm 2010, trong số 80 triệu dân có hai phần ba ở độ tuổi dưới 30 và nhóm tuổi này chiếm tới 90% số người thất nghiệp; khoảng cách giàu nghèo gia tăng, chất lượng cuộc sống suy giảm...). Biểu tình đã bùng phát nhanh chóng và gây ra những bất ổn chính trị nghiêm trọng tại khu  vực Trung Ðông, Bắc Phi và trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay nó đã lan tỏa rất nhanh, ảnh hưởng tới tình hình khu vực và bầu không khí chính trị quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển từ trạng thái tăng trưởng yếu sang lạm phát cao, nhiều nước đã phải thay đổi lại chính sách kinh tế theo hướng chuyển mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng sang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; với những biện pháp chủ yếu như: Thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua nâng  lãi suất cơ bản, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Ngân hàng Trung ương châu Âu, Trung Quốc, Nga, Ấn Ðộ...); Ðưa ra các gói hỗ trợ tài chính để tăng lương cho người lao động bù lạm phát, hỗ trợ cho sinh viên và người thất nghiệp để cải thiện phúc lợi xã hội (A-rập Xê-út, Thái-lan...); Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tổng chi nhưng tăng chi cho khu vực nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực và an sinh xã hội cho khu vực nông thôn (Trung Quốc, Ấn Ðộ); Tiếp tục duy trì các chương trình  trợ giá cho các mặt hàng chiến lược (Ấn Ðộ, An-giê-ri, Ma-rốc đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, In-đô-nê-xi-a, Gioóc-đa-ni đối với xăng, dầu...). Nhiều nước lớn đã phải điều chỉnh lại mục tiêu phát triển theo hướng bền vững và hướng nội, như trong kế hoạch phát triển mới nhất Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng GDP trong 5 năm tới xuống 7%/năm, so với 7,5% trong 5 năm qua. Chính sách của chính quyền Mỹ hiện cũng tập trung chủ yếu vào các vấn đề đối nội, coi trọng phát triển nội lực, cơ cấu lại nền kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, tái cấu trúc lại bộ máy chính quyền liên bang.
Dự báo, những chính sách có tính chất thắt lưng buộc bụng và thắt chặt tiền tệ  của các nước sẽ khiến cho nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn; lạm phát sẽ được kiểm soát nhưng chỉ trong trường hợp không gặp bất  lợi từ giá dầu và giá lương thực, thực phẩm; và tại một vài nước, những khó khăn về kinh tế sẽ là yếu tố để chuyển hóa thành những bất ổn về chính trị - xã hội.
M3
Tác động trực tiếp kinh tế Việt Nam
Kinh tế Việt Nam đạt được hầu hết các chỉ tiêu đề ra của năm 2010 (17/21 chỉ tiêu) đã tạo đà tăng trưởng cho những tháng đầu năm 2011 (xuất khẩu những tháng đầu năm tăng 33%, cao gấp ba lần kế hoạch đề ra, hoạt động sản xuất tiếp tục phục hồi với giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 14%...). Tuy nhiên, những biến động tiêu cực của kinh tế thế giới những tháng đầu năm đã tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam (1) Lạm phát trở thành nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế (chỉ số giá tiêu dùng quý I tăng 6,12%, mức tăng cao nhất so cùng kỳ ba năm trở lại đây) do nguyên nhân 'nhập khẩu lạm phát' từ thế giới, ở trong nước giá lương thực, thực phẩm tăng liên tục vì mất mùa do tình hình thời tiết phức tạp và nhất là quá trình tăng trưởng thời gian qua của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc bơm vốn; (2) Cán cân thương mại thâm hụt ở mức cao (trung bình nhập siêu mỗi tháng một tỷ USD) do giá các nguyên, nhiên liệu nhập khẩu tăng mạnh, trong khi xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, do nhu cầu tiêu dùng thế giới phục hồi chậm. Vấn đề nhập siêu đang gây áp lực lên dự trữ ngoại hối quốc gia, tác động tới tỷ giá USD/VND, đồng thời gián tiếp làm gia tăng nguy cơ lạm phát đối với nền kinh tế; (3) Hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn do chi phí nhập khẩu tăng; một số ngành sản xuất đang có sự liên thông với chuỗi cung ứng toàn cầu, như ngành lắp ráp ô-tô, máy tính, điện tử... sẽ bị tác động do sự đình đốn của các hãng sản xuất Nhật Bản sau thảm họa động đất sóng thần; (4) Khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi, Trung Ðông đã tác động đến quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước khu vực này, nhất là lĩnh vực thương mại, du lịch và xuẩt khẩu lao động. Chỉ riêng việc hơn 10.000 lao động Việt Nam từ Li-bi về nước cùng một thời điểm cũng là một bài toán đặt ra đối với thị trường lao động và việc bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực nông thôn; (5) Thu hút đầu tư FDI, viện trợ nước ngoài ODA mặc dù chưa có tín hiệu chịu tác động rõ nét, nhưng về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nước phải thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu, hạn chế đầu tư, nhất là việc Nhật Bản phải tập trung tài chính để tái thiết đất nước sau thảm họa thiên tai.
Những biến động của tình hình chính trị và kinh tế thế giới kết hợp với những khó khăn nội tại của kinh tế Việt Nam đã tác động trực tiếp tới công tác bảo đảm an ninh trật tự, thể hiện trên một số mặt: (a) Lạm phát tăng cao và tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động xấu đến kinh tế và đời sống của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm an sinh xã hội, nhất là khu vực nông thôn; (b) Các thế lực thù địch sẽ lợi dụng hiệu ứng từ các biến cố chính trị tại Bắc Phi, Trung Ðông, những khó khăn về kinh tế - xã hội ở trong nước để đẩy mạnh thực hiện âm mưu 'diễn biến hòa bình'; (c) Trên thị trường tài chính, lãi suất thị trường duy trì ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã khiến cho dòng tiền thu hẹp và gia tăng rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, đồng thời gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) dẫn đến thất nghiệp và ảnh hưởng đến những vấn đề an sinh xã hội và an ninh khu vực nông thôn; (d) Sự thiếu minh bạch và việc tồn tại hai lãi suất trong hoạt động ngân hàng (lãi suất niêm yết và lãi suất thỏa thuận) đã tạo điều kiện cho những giao dịch 'chui', các hành vi móc ngoặc, là điều kiện để tội phạm tham nhũng thể hiện; (e) Trong lĩnh vực tiền tệ, áp lực tỷ giá gia tăng do tác động của lạm phát, nhập siêu và nhất là sự tồn tại của thị trường tự do mua bán ngoại tệ và vàng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động quản lý Nhà nước về ngoại hối, gây ra tình trạng đầu cơ làm giá trục lợi, làm méo mó thị trường.
Những định hướng giải pháp
Trước tình hình trên, Bộ Chính trị đã ra Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NÐ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 3-4-2011 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng
3-2011 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội ba tháng đầu năm. Ðiều này thể hiện rõ quyết tâm và sự đồng thuận của hệ thống chính trị nhằm mục tiêu cao nhất là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Dư luận các nhà kinh tế và các tầng lớp nhân dân trong nước đồng tình nhận định những chủ trương, chính sách trên là đúng hướng, kịp thời, rõ ràng và có tính định lượng cụ thể, nếu thực hiện hiệu quả sẽ giải quyết được các bất ổn của kinh tế vĩ mô hiện nay chung quanh vấn đề lạm phát, tỷ giá và cán cân thương mại. Một số tổ chức kinh tế quốc tế trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, bước đi chính sách của Việt Nam là đúng hướng, sẽ làm giảm một số rủi ro đối với kinh tế, lạm phát cơ bản (không tính thực phẩm và năng lượng) giảm và nền kinh tế tăng trưởng 6,3% trong năm nay, mặc dù thấp hơn mục tiêu tăng trưởng trong kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015, nhưng Việt Nam sẽ mau chóng giành lại vị thế trước khủng hoảng trong trung hạn.
Ðể bảo đảm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, xin nêu lên một vài suy nghĩ nhằm làm rõ hơn các vấn đề trọng tâm và đề xuất một số giải pháp:
Các cấp ủy Ðảng, chính quyền và các bộ, ngành tổ chức quán triệt sâu sắc, nhất quán tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Chính phủ; xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn hiện nay là kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bọn phản động, cơ hội chính trị, bất mãn chính trị tìm cách lợi dụng   các vấn đề kinh tế để chuyển hóa thành vấn đề chính trị, chống Ðảng, chống Nhà nước.
Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo: Quán triệt quan điểm bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế là cơ sở để giữ vững an ninh chính trị, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và ngược lại ổn định chính trị là cơ sở, điều kiện để phát triển kinh tế đất nước. Trong hoạt động điều hành, cần coi trọng kỷ cương hành chính, sự chỉ đạo tập trung, đồng bộ thống nhất của Chính phủ trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Trong hoạt động chấp hành, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa các giải pháp và thực hiện quyết liệt, đồng bộ theo chức năng nhiệm vụ của mình. Trong quá trình cụ thể hóa, cần định lượng, phân kỳ thời gian, làm rõ địa chỉ và chỉ tiêu hóa các mục tiêu, nhiệm vụ một cách rõ ràng (nhất là liên quan đến lĩnh vực đầu tư, tài chính, tiền tệ).
Ưu tiên trọng tâm chỉ đạo điều hành là lĩnh vực tài chính, tiền tệ: Trong chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ và điều hành linh hoạt thị trường gắn với các biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ để từng bước giảm dần tình trạng 'đô-la hóa', 'vàng hóa' của nền kinh tế. Ðối với chính sách tài chính, bên cạnh việc giảm chi tiêu công, cần thắt chặt tín dụng đối với khu vực phi sản xuất nhưng mở rộng tín dụng cho khu vực nông thôn (để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế) và lĩnh vực nông nghiệp (vì lương thực, thực phẩm chiếm tới 40% trong giỏ tính chỉ số giá tiêu dùng CPI).
Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ để kịp thời phát hiện những thiếu sót hoặc vi phạm pháp luật liên quan công tác điều hành ổn định kinh tế vĩ mô; kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, đi đôi với cải cách hành chính và nâng cao kỷ luật trong hoạt động điều hành, chấp hành. Tăng cường công tác quản lý thị trường chống các hành vi gian lận thương mại, vi phạm các quy định pháp luật về tài chính, tiền tệ, giá cả...
Tăng cường công tác tham mưu, dự báo đánh giá đúng tình hình trong nước, ngoài nước, nhất là tình hình kinh tế thế giới và những tác động đến Việt Nam để kịp thời điều chỉnh chính sách. Quan tâm nắm bắt tình hình đời sống, hiệu quả của chính sách an sinh xã hội đối với các tầng lớp nhân dân bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá cả tăng cao để kịp thời điều chỉnh liều lượng chính sách cho phù hợp với thực tế.
Tích cực thông tin tuyên truyền, vận động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cần xác định tình hình hiện nay không bi quan quá mức, việc ban hành các nhóm giải pháp của Ðảng, Chính phủ là kịp thời, đúng định hướng, phù hợp tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thông tin kinh tế vĩ mô, thông tin có phân tích, cung cấp kịp thời để tránh bị dư luận phân tích theo nhiều hướng khác nhau; phản biện kịp thời và xử lý những đối tượng tung tin đồn thất thiệt hoặc xuyên tạc tình hình để trục lợi; chủ động tiến công vô hiệu hóa, ngăn chặn đấu tranh với nguồn thông tin có tính chất phản động, kích động và gây tâm lý hoang mang, hoài nghi hoạt động điều hành quản lý của Nhà nước, nhất là thời điểm tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Về dài hạn, cần nghiên cứu xây dựng một Ðề án tổng thể điều hành nền kinh tế với những giải pháp đồng bộ, chiến lược để giải quyết tận gốc các nguyên nhân gây bất ổn và nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, bảo đảm cân bằng các cân đối kinh tế vĩ mô: Nhằm mục tiêu xuyên suốt là ổn định vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, trước mắt là thông qua tái cơ cấu đầu tư. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu với động lực là khoa học công nghệ và tiêu dùng trong nước. Có giải pháp dài hạn để giải quyết những vấn đề gây mất cân đối vĩ mô nền kinh tế như bội chi ngân sách, tình trạng nhập siêu, tình trạng hai tỷ giá, tình trạng 'đô-la hóa', 'vàng hóa' của nền kinh tế, thống nhất một phương tiện thanh toán là đồng Việt Nam. Xây dựng chiến lược đầu tư công tập trung, hiệu quả và bền vững đồng thời có cơ chế để kiểm soát đầu tư công, hạn chế dàn trải, kém hiệu quả có thể dẫn đến tiêu cực, lãng phí. Khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư vào một số công trình, lĩnh vực mà Nhà nước hiện phải đầu tư dàn trải, đồng thời có kế hoạch kích thích sản xuất đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tiếp tục chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng an ninh và quốc phòng an ninh với kinh tế, thông qua tăng trưởng kinh tế để góp phần nâng cao tiềm lực và hiện đại hóa nền quốc phòng an ninh. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại thực hiện hiệu quả sẽ góp phần tranh thủ được sức mạnh ngoại lực cho phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là việc góp phần giải quyết những vấn đề nhạy cảm  trong khu vực.
Trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, cần tăng cường các biện pháp nắm chắc tình hình, nhất là các tác động từ bên ngoài của các thế lực thù địch để kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia, không để bị động bất ngờ; tập trung phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp  liên quan đến an ninh kinh tế nhất là chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, giá cả, tài chính tiền tệ và những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; tham mưu phối hợp và giải quyết tốt các vụ việc tranh chấp khiếu kiện thức tạp, ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng khiếu kiện, đình công và bức xúc của một bộ phận nhân dân để kích động gây rối; kiên quyết đấu tranh và xử lý các đối tượng phản động, chống đối chính trị lợi dụng khó khăn kinh tế của đất nước để chống phá..