Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

50. Điểm kết thúc của văn hóa chiến thắng và chủ nghĩa đế quốc

Liên Bang Xô Viết trước đây đã trải dài từ Biển Caspian đến Biển Baltic, từ Trung Âu đến Kurile Islands trong Thái Bình Dương, từ Siberia đến Trung Á, với kho vũ khí nguyên tử 45.000 đầu đạn, và một quân đội lên đến năm triệu quân nhân. Không một đế quốc tương tự trong vùng Eurasia, kể từ khi Mông Cổ chinh phục Trung Quốc, chiếm nhiều vùng Trung Á và cao nguyên Iran, và kéo đến Trung Đông, cướp phá Baghdad.
Tuy vậy, sau khi tan rã trong tháng 12-1991, Liên Bang Xô Viết chỉ còn là một đế quốc nghèo và yếu kém hơn nhiều.
Nhưng rồi một đế quốc mới lại xuất hiện, một quốc gia duy nhất với ảnh hưởng lan rộng trên toàn cầu và không một xứ cạnh tranh. Không có ngay cả một tên gọi dành cho một đế quốc như thế. Từ “superpower,” “siêu cường”, đã được sử dụng khi thế giới có đến hai siêu cường. Từ “hyperpower” đã được thử nghiệm nhưng không trụ được lâu. Từ “Sole superpower” –”Siêu Cường Duy Nhất” cũng đã được dùng để thay thế nhưng cũng không hoàn toàn được chấp nhận. Từ “Great Power”– “Đại Cường”, có thời đã là đỉnh cao, nhưng lúc đó đã mang một ý nghĩa thấp kém hơn, rơi rớt lại từ nhiều thế kỷ khi các quốc gia Âu Châu và Nhật Bản đang bành trướng với chủ nghĩa đế quốc.
Và một số người đã bắt đầu dùng từ “unipolar world” — “thế giới đơn cực” hàm ý mọi đại lộ đều dẫn đến Hoa Thịnh Đốn. Cho đến ngày nay, thế giới vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận, ngay cả sau khi Liên Bang Xô Viết đã tan rã. Hoa Kỳ từ đó nghiểm nhiên là siêu cường đế quốc chiến thắng còn lại sau Chiến Tranh Lạnh. Và nhân loại hầu như luôn hướng về Hoa Thịnh Đốn như điểm đến sau cùng.
ĐẾ QUỐC CUỐI CÙNG?
Hoa Thịnh Đốn đã bắt đầu như thủ đô của đế quốc toàn cầu. Với sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản kiểu Xô Viết, hình như không còn một mô hình nào khác, ít ra trên bình diện kinh tế, ngoài Hoa Thịnh Đốn — mô hình của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới, dưới quyền kiểm soát của Mỹ, như một đường cao tốc dẫn đến lỗi thời và tàn lụi.
Vả chăng, Hoa Kỳ đã vun đắp một guồng máy quân sự vô tiền khoáng hậu. Vào lúc Liên Bang Xô Viết bắt đầu lảo đảo, giới lãnh đạo Hoa Kỳ trong gần một thập kỷ đã cố tình sử dụng cuộc chạy đua vũ trang để làm suy yếu và đẩy đối phương vào cảnh tự diệt.
Và đây là điều đáng ngạc nhiên: sau nhiều thế kỷ thi đua võ trang và khi không còn xứ nào để tranh đua, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chạy đua vũ trang với chính mình.
Trong những năm sau đó, Hoa Kỳ đã vượt qua mọi quốc gia hay tập thể các nước về chi tiêu quân sự với những ngân sách quốc phòng khổng lồ. Hoa Kỳ cũng là xứ có nhiều tập đoàn sản xuất vũ khí hùng mạnh nhất thế giới, và đã tiến rất xa về kỷ thuật so với bất cứ xứ nào, và đã tiếp tục triển khai các vũ khí tương lai cho 2020, 2040, 2060, ngay cả đã thiết lập hầu như độc quyền buôn bán vũ khí toàn cầu, và nhờ đó, quyết định cho phép xứ nào được tự do vũ trang, xứ nào phải hạn chế.
Hoa Kỳ cũng là đế quốc với nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài, hơn 1.000 căn cứ trên toàn cầu, thêm một hiện tượng vô tiền khoáng hậu. Và Hoa Kỳ còn có ảnh hưởng áp đảo về văn hóa.
Cũng như các nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ sản xuất nhiều loại vũ khí lừng danh, các phim hành động và giả tưởng của Hollywood cũng tràn ngập thế giới. Từ các phim ảnh cho đến máy vi tính cá nhân, có thể nói không một nền văn hóa nào khác với ấn tượng đặc sắc có thể tranh đua với Mỹ.
Các nền kinh tế hùng mạnh then chốt ngoài Hoa Kỳ hiện nay — Âu châu và Nhật Bản — chỉ có thể duy trì các đội quân lệ thuộc vào Ngũ Giác Đài, chấp nhận sự hiện diện của nhiều căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ, và luôn ẩn núp dưới “dù nguyên tử của Hoa Thịnh Đốn”.
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Hoa Kỳ, trong kỷ nguyên hậu Xô Viết, đã sớm tuyên bố “chung cuộc của lịch sử” (the end of history); và các lễ kỷ niệm thắng lợi của chủ nghĩa “dân chủ tự do” (liberal democracy) và nhiều thứ “tự do” hiện đại khác du nhập từ Hoa Kỳ… đã được cử hành, bắt chước, và ca tụng khắp nơi trên thế giới.
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên, trong thế kỷ mới, phái Tân Bảo Thủ và các nhà bình luận cùng phe ở Mỹ đã có thể khẳng định các đế quốc Anh và La Mã chỉ là những đế quốc hạng hai.
Và cũng không gì đáng ngạc nhiên khi các gương mặt lãnh đạo dưới thời George W. Bush đã ước mơ xây dựng một Pax Americana ở vùng Trung Đông Nới Rộng, có thể ngay cả trên toàn cầu, cũng như một Pax Republicana trong quốc nội. Họ tưởng tượng đã có thể thực sự ngăn cản bất cứ một đại cường hay một khối các quốc gia cạnh tranh nào khác thách thức uy quyền của Mỹ.
Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi giới lãnh đạo Mỹ đã không mấy do dự giàn trải các lực lượng quân sự hùng hậu ra các nước ngoài và phát động các “cuộc chiến lựa chọn” trong vùng Trung Đông Nới Rộng.
Không gì có thể gây trở ngại! Không gì có thể ngăn cản một đại cường hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại!
ĐẾ QUỐC THẾ KỶ XXI
Gần một phần tư thế kỷ sau ngày Liên Bang Xô Viết tan rã, điều đáng quan tâm là thế giới đã thay đổi bao nhiêu, và thay đổi nhiều hay ít.
Thay Đổi Nhiều và Nhiều Bao Nhiêu
Các giấc mơ quân sự huy hoàng của Hoa Thịnh Đốn đã nhanh chóng tan biến ở Afghanistan và Iraq. Tiếp đó, trong năm 2007, đế quốc siêu việt suýt nữa cũng đã sụp đổ khi “tai họa tài chánh đơn cực” lan khắp hành tinh. Và nhiều người đã tự hỏi liệu siêu cường duy nhất của hành tinh trong thực tế có thể “đã quá lớn để thất bại?” Và bất thần chúng ta đã rơi vào một thế giới đa cực.
Cùng lúc, Vùng Trung Đông Nới Rộng đã rơi vào biến động, với phản đối, biểu tình, hỗn loạn, nội chiến, và không một dấu hiệu Pax Americana, trong khi hệ thống Chiến Tranh Lạnh do Hoa Thịnh Đốn kiểm soát đã bủn rủn tuy chưa sụp đổ. Khả năng áp đặt ước muốn riêng lên hành tinh có vẻ giống một ý định quái dị và man rợ, trong khi mọi dấu hiêu, kể cả khủng hoảng tài chánh với các cuộc chiến thất bại tốn kém hàng nghìn tỉ mỹ kim, đã phản ảnh khuynh hướng “suy sụp” hay “đi xuống” thay vì “phát triển” hay “đi lên”.
Thay Đổi Ít và Ít Bao Nhiêu
Các xứ Âu Châu và Nhật Bản vẫn còn ẩn náu dưới “dù Hoa Kỳ”, lãnh thổ vẫn còn đầy dẫy các căn cứ quân sự của Mỹ. Trong khu vực Euro Zone, chính quyền các xứ thành viên tiếp tục cắt xén số đầu tư vào NATO và vào quân đội riêng.
Liên Bang Nga vẫn là quốc gia giàu vũ khí hạt nhân và ngân sách quân sự sau ít nhiều cắt xén vẫn còn khá lớn lao. Tuy nhiên, đây là quốc gia không phơi bày dấu hiệu của tham vọng siêu cường.
Các cường quốc cấp vùng khác đã tỏ rõ dấu hiệu thách thức kinh tế đối với siêu cường đơn cực. Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil là hai thí dụ, nhưng không về quân sự, và không có mộng ước cạnh tranh với Hoa Kỳ dù đơn phương hay đa phương.
Kẻ thù của Hoa Thịnh Đốn trên thế giới rõ ràng là những quốc gia kích cỡ khiêm tốn, nhưng luôn được giới truyền thông Hoa Kỳ bơm thổi. Đó có thể là một vài cường quốc khập khiễng cấp khu vực, như Iran và Bắc Triều Tiên, một vài nhóm chiến binh thiểu số, vài nhóm “khủng bố” Hồi Giáo… Ngoài ra, còn có một số rất ít các xứ với vài căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ quốc gia.
Trong bối cảnh đó, không có gì đáng ngạc nhiên hơn một thực tế: vào thời kỳ đang đi lên, siêu cường duy nhất của địa cầu có lực lượng quân sự với trình độ kỷ thuật tinh vi và tiềm năng hủy diệt choáng ngợp đã không thể thắng một cuộc chiến chống lại các du kích quân trang bị thô sơ tối thiểu. Còn đáng ngạc nhiên hơn, mặc dù không có đối thủ quan trọng đáng giá nào bất cứ ở đâu, siêu cường hình như không những không phát triển mà còn ngày một suy sụp, hạ tầng cơ sở rã rời, quần chúng thất vọng về kinh tế, tài sản phân phối ngày một chênh lệch, Quốc Hội tê liệt, trong lúc guồng máy an ninh quốc gia thu tóm mọi tài nguyên tài chánh và quyền lực quốc gia. Đã hẳn, không sớm thì muộn, các đế quốc rồi sẽ sụp đổ; nhưng trong hiện tình, siêu cường duy nhất đang phát sóng nhiều tín hiệu thực sự kỳ lạ và khó hiểu.
Và rồi, cũng phải nói đến Trung Quốc — một đại cường được dự phóng sẽ qua mặt Hoa Kỳ như nền kinh tế số 1 của địa cầu vào năm 2030. Trên một hành tinh với nhân loại đã sinh tồn vài thiên niên kỷ, vấn đề là liệu TQ có thể nào sẽ chọn lựa thách thức sự khống chế của siêu cường đang ngự trị?
Hiện nay, chính quyền Obama hình như đang làm việc trên căn bản giả thiết đó. Với “chốt” Á Châu, chính quyền Hoa Kỳ đang có nhiều động thái ngăn cản quốc gia với nhiều tiềm năng sớm trở thành siêu cường kinh tế. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc quả thật đang bành trướng quân lực và thách thức các xứ lân bang trong vùng Thái Bình Dương, hình như vẫn chưa có dấu hiệu cấp lãnh đạo TQ đã sẵn sàng khởi động một điều gì đó giống như một thách thức toàn cầu đối với Hoa Kỳ. Với các vấn đề nội bộ khá cấp bách, từ ô nhiễm đến bất ổn định, trong thực tế, Trung Quốc khó lòng có thể nghĩ đến thách thức nầy trong một tương lai có thể quan niệm.
CHỈ CÓ MỖI MỘT HÀNH TINH
Trên bình diện quân sự, văn hóa, và trong một chừng mức nào đó, cả kinh tế, Hoa Kỳ vẫn là đế quốc duy nhất trên hành tinh, ngay cả khi mọi sự đã xẩy ra không như Hoa Thịnh Đốn hoạch định.
Câu chuyện của những năm kể từ ngày Liên Bang Xô Viết tan rã có thể chứng tỏ: một cách nào đó vai trò áp đảo và suy đồi của Hoa Kỳ đã diễn tiến song hành, với phần suy đồi rõ ràng đã do tự tạo.
Và sau đây là một sự khả dĩ đơn thuần và đáng ngạc nhiên: thời buổi “đơn cực” trong thập kỷ 1990 thực sự có thể đã là điểm cuối của lịch sử như nhân loại đã biết trong nhiều thiên niên kỷ — lịch sử của sự trỗi dậy và suy đồi của các đế quốc.
Có thể nào Hoa Kỳ trong thực tế là đế quốc cuối cùng? Có thể nào sẽ không có một đế quốc tiếp nối vì lẽ có một cái gì đó đã thay đổi sâu xa trong địa hạt xây dựng đế quốc?
Một điều lúc một rõ ràng: dù tình trạng của đế quốc Hoa Kỳ ra sao chăng nữa, một thực thể cốt lõi đối với số phận của nhân loại (và của các đế quốc) cũng đang suy đồi. Chúng ta đang nói đến chính hành tinh.
Mô hình tư bản hiện nay (mô hình khả hữu duy nhất) đối với các cường quốc đang đi lên, dù đó là Trung Quốc, Ấn Độ, hay Brazil, cũng chỉ là mô hình của hành tinh suy đồi một cách hết sức vội vã.
Chính định nghĩa của thành công — nhiều người tiêu thụ thuộc giới trung lưu hơn, nhiều sở hữu chủ xe hơi hơn, nhiều người đi mua sắm hơn, tất cả đều có nghĩa nhiều năng lượng sẽ được sử dụng, nhiều nhiên liệu hóa thạch bị đốt, nhiều khí thải nhà kính trong bầu khí quyển hơn bất cứ lúc nào trong quá khứ — cũng đều là định nghĩa của thất bại.
“Thành công” càng lớn, hạn hán càng nghiêm trọng, bảo tố càng mạnh, thời tiết càng khe khắt, mực nước biển càng dâng cao, nhiều xáo trộn trong đất canh tác vùng nhiệt đới, thì thất bại cũng càng sâu xa hơn.
Vấn đề là: những thực tế đó liệu sẽ chấm dứt các khuôn mẩu lịch sử trước đây, kể cả sự trỗi dậy được tiên liệu của đại cường và đế quốc sắp tới? Trên một hành tinh xoay vần, có thể nào tưởng tượng được giai đoạn sắp tới của “chủ nghĩa khổng lồ đế quốc” — “imperial gigantism?”.
Mọi yếu tố dẫn tới tính vĩ đại giờ đây đang dẫn tới suy sụp toàn cầu. Trình tự nầy — không còn gì bất công hơn đối với các xứ trải nghiệm quá trể các cuộc cách mạng tiêu thụ và kỹ nghệ — đang đem lại một ý nghĩa mới cho cụm từ: “chủ nghĩa tư bản tai họa” hay “disaster capitalism”.
Thử lấy Trung Quốc làm thí dụ. Lãnh đạo của họ, khi quyết định bỏ lại phía sau mô hình Maoist, đã làm một việc tự nhiên nhất trong thế giới lúc đó: rập khuôn nền kinh tế tương lai của Trung Quốc theo Hoa Kỳ — có nghĩa trên đường đi đến thành công như đã được định nghĩa lúc đó.
Chẳng hạn, mặc dù các truyền thống cộng đồng vừa mang tính truyền thống vừa mang tính cách mạng, họ đã quyết định: để trở thành một đại cường trên thế giới, họ cần phải sản xuất thật nhiều xe hơi — một trụ cột của bất cứ một nhà nước tư bản tương lai nào của Trung Quốc.
Nếu mô hình đó đã thành công ở Hoa Kỳ, nó cũng sẽ thành công ở Trung Quốc, và trong đoản kỳ, nó đã thành công như một giấc mơ, một phép lạ tư bản: Trung Quốc đã trỗi dậy một cách ngoạn mục.
Tuy nhiên, đó cũng là một công thức đưa đến ô nhiễm vô tiền khoáng hậu, môi sinh xuống cấp, và thải vào bầu khí quyển một lượng các nhiên liệu hóa thạch kỷ lục. Và không chỉ Trung Quốc!
Không có gì quan trọng khi chúng ta nói đến việc sử dụng năng lượng đại trà của Trung Quốc, có thể cả “bom carbon” tương lai, hay tiềm năng suy sụp của Hoa Kỳ có thể được chận đứng bởi các phương pháp sản xuất năng lượng mới và cực đoan (fracking, tar-sand extraction, khai thác dầu ngoài khơi các biển sâu). Các phương pháp đó, dù phương hại đến các môi sinh đia phương đến mức nào, trong thực tế, cũng sẽ có thể biến Hoa Kỳ thành một “Saudi Arabia mới”, và cùng lúc, sẽ góp phần làm hành tinh xuống cấp, suy sụp trên một căn bản ngày một rộng lớn hơn.
Điều gì sẽ xẩy ra, nếu trong thế kỷ XXI, “phát triển” hay “đi lên” cũng đồng nghĩa với “đi xuống” hay “suy đồi”?
Điều gì sẽ xẩy ra nếu thời buổi đơn cực trở thành thời buổi một hành tinh, trong đó các biến cố trước đây mang tính đế quốc riêng rẽ — đi lên hay suy tàn — sẽ hòa nhập để trở thành một hệ thống tai họa duy nhất?
Điều gì sẽ xẩy ra khi câu chuyện của thời đại chúng ta là một thực tế giản dị: chỉ có một hành tinh và hành tinh đang đi xuống.
Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
18-5-2013