Biển Nam Hải bao gồm một khu vực khoảng 1,4 triệu dặm vuông trong
Thái Bình Dương, trải dài từ Singapore và Eo Biển Malacca đến Eo Biển
Taiwan, phía Tậy Philippines, phía Bắc Indonesia, và phía Đông Việt
Nam. Số hải đảo trong vùng lên tới hàng trăm, với các vùng tranh chấp
rộng lớn liên quan đến các quần đảo Spratly Islands, Paracel Islands,
Macclesfield Bank, và Scarborough Shoal và sáu quốc gia Đông Nam Á:
Brunei, Malaysia, Philippines, Taiwan, Trung Quốc, Việt Nam.
Đây là những đảo phần lớn không có dân cư và chưa bao giờ có thổ dân
bản địa, vì vậy, chủ quyền lịch sử tối thượng trở thành một vấn đề gai
góc khó giải quyết.
Tuy nhiên, các cuộc tranh chấp không chỉ hạn chế về đất đai. Mỗi xứ
đều có một Khu Vực Kinh Tế Độc Quyền (an Exclusive Economic Zone —
EEZ), định hình bởi Quy Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (1982
United Nations Convention on the Law of the Sea — UNCLOS). Bên trong mỗi
EEZ, quốc gia sở quan có đặc quyền về tài nguyên hải sản và năng lượng.
Một EEZ trải dài ra khơi lối 200 hải lý (nautical miles) từ thềm lục
địa hay bờ bể thuộc lãnh hải của xứ cận duyên, và có thể bao gồm thềm
lục địa ngoài giới hạn 200 dặm. Những khu vực nầy, tuy vậy, đôi khi vẫn
là đối tượng tranh giành, như vụ tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam và
Trung Quốc trong tháng 12-2012 liên quan đến các tài nguyên dầu lửa và
hải sản trong vùng biển gần quần đảo Paracel Islands.
ĐƯỜNG 9-DASH LINE LÀ GÌ?
Đường 9-Dash là đường ranh gây nhiều tranh cãi. TQ đã sử dụng 9-Dash
Line để yêu sách chủ quyền trong Biển Nam Hải, nhất là đối với
Scarborough Shoal và hai quần đảo Paracel và Spratly Islands. Đường
ranh nầy — bao gồm hầu hết vùng Biển Nam Hải, đang trong vòng tranh chấp
giữa Philippines, Brunei, Malaysia, Taiwan, Trung Quốc và Việt Nam.
Tranh chấp đã khơi mào ngay sau khi TQ đệ nạp bản đồ lên Liên Hợp Quốc
trong năm 2009.
Vào cuối năm 2012, Bắc kinh đã phát hành các hộ chiếu mới với bản đồ
gồm các khu vực đang tranh cãi, căn cứ trên đường ranh đã gây ra làn
sóng phản ứng chỉ trích quốc tế. Các xứ thành viên ASEAN cũng đã phủ
nhận đường ranh nầy, nhưng TQ vẫn tiếp tục nhấn mạnh tính chính đáng
lịch sử, căn cứ trên các cuộc điều tra, các ngư trường, và lịch sử tuần
tiểu hải dương kể từ thế kỷ 15 — trái với các đường ranh UNCLOS đã thực
thi trong vùng từ năm 1994.
CÁC KHU VỰC KHÔNG CÓ TRANH CHẤP
Phần lớn những trữ lượng hiện nay đều tọa lạc trong những vịnh nước
cạn ven bờ đại dương. Tình trạng nầy phản ảnh công tác thăm dò còn hạn
chế trong các khu vực nước sâu.
Từ lâu, Việt Nam, Malaysia, và Brunei đã từng có lịch sử khai thác
dài lâu trong vùng Biển Nam Hải. Vì thiếu tiềm năng dầu lửa và hơi đốt
trên đất liền, các xứ nầy đã phải chấp nhận đầu tư trong địa hạt kỹ
thuật tìm kiếm và khai thác trong các vùng nước sâu, mạng lưới các hệ
thống đường ống và khoan dò, với các đối tác nước ngoài cung cấp kỷ năng
chuyên môn. Vì vậy, các quốc gia nầy trong thực tế đang có những trữ
lượng dầu và hơi đốt quan trọng ngoài đại dương.
Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, nhiều công ty đã bắt đầu mạo hiểm
tiến ra xa bờ vào các vùng nước sâu để tìm kiếm các trữ lượng mới, hầu
bù đắp vào số trữ lượng tiệm giảm của các khu hiện đang được khai thác.
Những khám phá tương đối mới như khu khai thác hơi đốt Liwan 3-1 của TQ,
khám phá năm 2006, đã chứng tỏ tiềm năng của công tác thăm dò ngoài
biển sâu. Các công ty năng lượng quốc gia của TQ đã khai triển các thành
công ban đầu trong vùng vịnh Pearl River Mouth Basin và đã nhanh chóng
bành trướng các hoạt động ngoài khơi trong một nổ lực tìm kiếm những trữ
lượng mới và tăng gia ngạch số sản xuất.
NHỮNG TRANH CÃI TRONG VÙNG
Theo David Rosenberg, giáo sư khoa học chính trị thuộc Middlebury
College, nguyên nhân xung đột trực tiếp trong vùng là sự tranh giành tài
nguyên. Hiện có vào khoảng 500 triệu người sinh sống trong vòng 100 dặm
dọc bờ biển Nam Hải, và dung lượng hàng hóa vận chuyển qua vùng nầy đã
tăng vọt khi TQ và các quốc gia thành viên ASEAN gia tăng mậu dịch quốc
tế, kể cả xuất nhập khẩu năng lượng.
Nhu cầu các tài nguyên, đặc biệt là hydrocarbons và ngư nghiệp, cũng
đã làm gia tăng tình trạng cạnh tranh kinh tế trong vùng, nhất là trước
làn sóng thành thị hóa nhanh chóng ven biển Trung Quốc. Như Rosenberg đã
nói, “bên sau mọi điều vừa kể, điều cốt yếu là cuộc cách mạng kỹ nghệ ở
Á châu. Và Biển Nam Hải đã trở thành trục trung tâm.”[1]
Theo Ngân Hàng Thế Giới, Biển Nam Hải có một trữ lượng dầu đã được
xác nhận ít nhất là 7 triệu thùng (barrels), và khoảng 900 trillion
cubic feet (Tcf) hơi đốt thiên nhiên, những trữ lượng đem lại cơ hội
kinh tế cực lớn cho các quốc gia nhỏ bé như Malaysia, Philippines, và
Việt Nam, và an ninh năng lượng cho nền kinh tế lớn lao và tăng trưởng
nhanh của Trung Quốc.
Trong tháng 12-2012, Cơ Quan Quản Trị Năng Lượng Quốc Gia của TQ
(China’s National Energy Administration) đã nêu tên vùng biển đang tranh
chấp như địa điểm chính ngoài khơi (main offshore site) để sản xuất hơi
đốt thiên nhiên, và một công ty năng lượng lớn của TQ đã bắt đầu công
tác khoan dò vùng nước sâu ngoài khơi bờ biển phía Nam.
Tình trạng cạnh tranh căng thẳng đã gia tăng khi Công Ty Dầu và Hơi
Đốt Thiên Nhiên Quốc Doanh Ấn Độ loan báo cũng đã đối tác với Petro
Vietnam trong việc thăm dò khai thác dầu trong vùng biển tranh chấp.
Trong khi việc thăm dò dầu lửa đang phơi bày một trong những nguy cơ
xung đột lớn trong vùng, từ tháng 6-2011 vẫn chưa có một xô xát quan
trọng nào xẩy ra. Tuy vậy, Việt Nam đã cáo buộc tàu đánh cá TQ đã cắt
dây cáp một tàu thăm dò dầu lửa Việt Nam trong Khu Vực Đặc Quyền Kinh Tế
EEZ của Việt Nam.
Các vụ xô xát ngư nghiệp cỡ nhỏ đã trở thành trung tâm các cuộc đối
đầu hải dương khi số hải sản suy giảm đã buộc ngư dân phải hành nghề
ngày một xa bờ trong vùng tranh chấp để tìm kiếm các loại ngư sản bất
hợp pháp hữu lợi.
Trong một vụ va chạm gần đây nhất, lực lượng hải quân Philippines đã
chận bắt tám tàu đánh cá TQ trong vùng Scarborough Shoal trong tháng
4-2012, tìm thấy những gì hải quân Phi xem như những hải sản bất hợp
pháp trên tàu. Vụ chặn bắt các ngư dân vi luật đã dẫn đến những đụng độ
kéo dài hai tháng giữa hai quốc gia. Việc cấm hoạt động chài lưới hàng
năm và bắt bớ ngư dân đã được sử dụng như duyên cớ thuận tiện cho việc
yêu sách chủ quyền, vì theo một phúc trình của Nhóm Khủng Hoảng Quốc Tế
(International Crisis Group), những vụ nầy có thể được trình bày như
những nổ lực chính đáng thực thi quyền bảo vệ các tài nguyên hải sản.
Rosenberg đã cho biết, “đây là đề tài không thuộc loại tin hàng đầu
cỡ lớn, nhưng 1,5 tỉ người đang sống trong vùng và đang trông cậy chính
yếu vào ngư nghiệp để kiếm sống và việc làm. Đó là nơi hầu hết các xung
đột tiếp diễn, và hầu hết những vụ nầy đã được giải quyết trên căn bản
quản lý xung đột theo lệ thường.”[2]
Kiên quyết chận đứng chính sách tranh giành biển đảo của Bắc Kinh
bằng đạo quân đánh cá, Manila dự trù trừng phạt nặng nề 12 ngư dân Trung
Quốc với tội “đánh bắt hải sản bất hợp pháp” trong lãnh hải của
Philippines. Vụ việc xảy ra vào ngày 08/04/2013 : một tàu đánh cá treo
cờ Trung Quốc bị mắc cạn trong vùng biển Sulu, một danh lam của
Philippines, được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới. Toán 12
ngư dân Trung Quốc lập tức bị cảnh sát biển của Philippines bắt giữ.
Theo Asia News, vụ việc đã làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ giữa
hai nước.
Một viên chức địa phương ở đảo đá ngầm Tubbataha cho biết : nhóm ngư
dân Trung Quốc đã giải thích: họ chỉ “xui xẻo gặp nạn.” Với tội danh
“đánh cá bất hợp pháp”, các ngư dân này có thể sẽ bị án tù, cộng thêm
tiền phạt.
Đại sứ quán Trung Quốc đã gửi nhân viên đến thăm ngư dân của họ trong
nhà tù. Tính từ năm 2002, đây là lần thứ bảy tàu cá Trung Quốc đã bị
Philippines bắt giữ.
Trong chiến lược “cường quốc hải dương” của Bắc Kinh, Trung Quốc đã
liên tục xâm phạm ngư trường của Hàn Quốc, tranh giành biển đảo với Nhật
Bản và nhiều quốc gia Đông Nam Á, và gần đây nhất, đã bắn đạn lửa gây
hỏa hoạn cho một tàu cá Việt Nam ngay trong ngư trường của Việt Nam
Theo nhận định của Asia News, hiện nay Nhật Bản và Philippines đang
tích cực đối phó với tham vọng của Bắc Kinh, với hy vọng Việt Nam sẽ trở
thành một “đồng minh đáng kính nể.”
Quần Đảo Spratly
EIA thẩm định vùng biển chung quanh quần đảo Spratly hầu như không có
trữ lượng dầu hay hơi đốt thiên nhiên được xác nhận hay xác suất cao.
Các nguồn tin trong kỹ nghệ năng lượng lại gợi ý có một trữ lượng chưa
đến 100 tỉ cubic feet (Bcf) hơi đốt thiên nhiên, trên bình biện kinh tế,
hiện có thể khai thác trong các lô vây quanh.
Tuy nhiên, quần đảo Spratly có thể chứa đựng nhiều “trữ lượng quan
trọng các năng lượng chưa được khám phá”. Thẩm định của USGS ước tính
một trữ lượng dầu từ 0,8 đến 5,4 tỉ thùng và từ 7,6 và 55,1 trillion
cubic feet (Tcf) hơi đốt thiên nhiên (tài nguyên chưa được khám phá).
Bằng chứng cho thấy phần lớn các tài nguyên nầy đều tọa lạc trong khu
Reed Bank phía Đông Bắc Spratly, do TQ, Taiwan và Việt Nam đang đòi hỏi
chủ quyền. Riêng Philippines đã bắt đầu thăm dò khu nầy trong năm 1970
và khám phá có hơi đốt thiên nhiên năm 1976. Công ty Sterling Energy có
trụ sở ở Hoa Kỳ đã trúng thầu năm 2002, và công ty Forum Energy đã thủ
đắc nhượng quyền khai thác năm 2005. Tuy nhiên, sự chống đối của TQ đã
chận đứng trình tự khai thác, và khu nầy vẫn chưa được triển khai.
Quần Đảo Paracel
Cho đến nay chưa ai khám phá được dầu hay hơi đốt quy ước trong quần
đảo Paracel, và vì vậy, có thể nói khu vực nầy không có trữ lượng xác
nhận hay có xác suất cao . Bằng chứng địa chất cũng cho thấy không có
tiềm năng đáng kể nào về năng lượng quy ước.
Territorial Claims
South China Sea territorial claims
*excluding buffer zone along littoral states (calculations for buffer unknown)
*excluding buffer zone along littoral states (calculations for buffer unknown)
Source: U.S. Engergy Information Administration
TRANH CHẤP ĐÃ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG THƯƠNG MÃI HẢI DƯƠNG
Vào khoảng 50% các tàu chở dầu toàn cầu đi xuyên qua Biển Nam Hải,
gấp ba lần số tàu dầu đi qua kênh Suez và hơn 5 lần số đi qua kênh
Panama. Nói một cách khác, tuyến đường đi qua Biển Nam Hải là tuyến
đường rộn rịp nhất thế giới. Theo Hiệp Hội các Bến Cảng và Hải Cảng, hơn
phân nửa con số mười cảng chuyên chở hàng đầu thế giới đều ở trong
phạm vi và chung quanh Biển Nam Hải. Vì mậu dịch bên trong ASEAN đã gia
tăng nhanh chóng, từ 29% trong năm 1980 đã lên đến 41% trong năm 2009 —
duy trì tự do giao thông đã trở nên cực kỳ quan trọng đối với toàn vùng.
Theo Dr. Yann-Huei Song, thuộc Academia Sinica ở Taiwan, “đây là đề
tài rất quan trọng, và đã trở thành mối quan tâm chính của Nhật, Hoa Kỳ,
và giờ đây ngay cả Liên Hiệp Âu Châu.”[3] Tuy nhiên, Yann-Huei nói, TQ
chắc không gây gián đoạn lưu thông, một điều kiện thiết yếu cho các
hoạt động thương mãi, tìm kiếm, và nhập khẩu của chính TQ.
Theo tạp chí Harvard Quarterly Paper, các chuyên gia lập luận: lợi
ích chung của hội nhập kinh tế cấp vùng đã là một động lực cực kỳ cấn
thiết đối với sự hợp tác cấp vùng trong các địa hạt tài nguyên, bảo
quản, và vận chuyển an toàn.
QUYỀN LỢI QUÂN SỰ LÀ GÌ?
Á Châu-Thái Bình Dương cũng đã chứng kiến khuynh hướng quân sự hóa
gia tăng như một phản ứng trước quyền lực ngày một hùng mạnh của TQ,
nâng cao tiềm năng xung đột vũ lực và các tranh chấp thêm phần khó giải
quyết.
Việt Nam và Malaysia đã dẫn đầu trong nổ lực tăng cường quân sự trong
vùng và gia tăng mậu dịch vũ khí với Liên Bang Nga và Ấn Độ, trong khi
Philipines đã tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trong năm 2011 và cam
kết tập trận chung với Hoa Kỳ trong 5 năm sắp tới. Philippines cũng đã
khởi động một chương trình canh tân một tỉ mỹ kim, phần lớn để mua tàu
chiến và phản lực cơ của Hoa Kỳ.
Theo David Rosenberg, “bên sau tất cả những động thái nầy, cốt lõi là
một cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Á Châu. Và Biển Nam Hải đã trở thành một
trục trung tâm.”[4]
Các tàu chiến thường can dự vào các tranh chấp hải dương, như biến cố
Scarborough Shoal trong tháng 4-2012 khi Philippines cho biết tàu chiến
lớn nhất của họ, mua từ Hoa Kỳ, đã đụng đầu với các tàu giám sát của TQ
khi tìm cách bắt các ngư dân TQ, nhưng đã bị chận đứng bởi các tàu giám
sát. Theo ICG, sự dính líu của hải quân đã làm cho các thỏa hiệp chính
trị thêm phần khó khăn.
Rosenberg đưa ra nhận xét: “Không có gì giống như NATO ở Á Châu, và
đó là điều đáng lo. Không giống như Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu luôn can
dự vào các vùng khác trên thế giới, các quốc gia Đông Nam Á buộc lòng
phải chi tiêu nhiều hơn để bảo vệ quyền lợi trước mắt của chính mình.
Đây không phải là chiến tranh lạnh, nhưng các quốc gia nầy chưa hoàn
toàn cởi mở với nhau trong các chương trình canh tân quân sự.”[5]
LÀM GÌ ĐỂ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP?
Theo Stewart Patrick, một trong những bế tắc lớn lao nhất cho một
giải pháp là TQ nhấn mạnh căn bản song phương trong chính sách ngoại
giao. Quốc gia chủ nghĩa cũng đã làm gia tăng bế tắc. Các tòa án quốc tế
hiện hữu, như Tòa Quốc Tế về Luật Biển, cũng chỉ được các quốc gia sử
dụng một các lựa chon tùy theo tiềm năng chính trị nội bộ cần tỏ ra hòa
hoản.
TQ cũng đã nhiều lần bác bỏ các cơ chế trung gian hòa giải của Liên
Hợp Quốc. Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN tháng 7- 2012 đã tìm cách giảm
thiểu xung đột, cuối cùng cũng đã không thể thành đạt ngay cả ra một
thông cáo chung — một thực tế, theo vài chuyên gia, đã chứng tỏ những
khó khăn trong cách tiếp cận đa phương của các quốc gia trong vùng. Bản
tuyên bố sáu điểm của ASEAN trong tháng 7 đã không nhắc gì đến các xô
xát hay va chạm đặc biệt nào, và chỉ ghi nhận một thỏa thuận soạn thảo
và thể hiện một thỏa hiệp ứng xử cấp vùng, tôn trọng luật pháp quốc tế,
và hành xử tự chế.
Josh Kurlantzick, thuộc Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on
Foreign Relations — CFR) đã nói trong tháng 8-2012, “trong khi ASEAN là
diễn đàn thích hợp để làm trung gian trong các vụ tranh chấp, tổ chức
vẫn chưa tìm được một lập trường cần thiết để chuyển biến thành một tổ
chức hội nhập mạnh mẽ có khả năng lãnh đạo.”[6] Trong một bài viết IIGG
tháng 11-2012, Kurlantzick đã xem xét khả năng ASEAN có thể tăng cường
vai trò của tổ chức trong vùng để đáp ứng những thử thách như Biển Nam
Hải.
Vì vậy, theo ICG, các chuyên gia đã đề nghị phương cách đồng quản lý
các tài nguyên như phương cách tốt nhất để làm dịu bớt tình hình căng
thẳng hiện nay. TQ và Việt Nam đã tìm cách hợp tác trong một vùng đánh
cá chung trong Vịnh Bắc Việt, nơi cả hai quốc gia đã mô tả các yêu sách
và quy định phương cách hành nghề của ngư dân. Tuy nhiên, khai thác dầu
lửa vẫn là một đề tài tranh cãi nóng bỏng, khi Việt Nam và Philippines
đã thể hiện các dự án thăm dò hơi đốt thiên nhiên với các công ty đối
tác ngoại quốc trong vùng đang tranh cãi.
ĐIỀU NẦY CÓ NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI CHỐT Á CHÂU CỦA HOA KỲ?
Chốt Á Châu-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cùng với vô số xung đột trong
khu vực, đã làm gia tăng quan tâm đối với tương lai quyền lợi của Hoa
Kỳ ở Đông Nam Á. Chính quyền Obama không những đã tăng cường quan hệ với
ASEAN, mà cũng đã xây đắp quan hệ chặt chẽ với Myanmar, nơi Obama đã
khai triển sự chú tâm và chiến lược can dự mới. Hoa Kỳ cũng đã tăng
cường “hợp tác an ninh” với Việt Nam, trong khi Malaysia và Singapore
cũng đã có nhiều tín hiệu muốn gia tăng “hợp tác an ninh” với Mỹ.
Một tài liệu nghiên cứu trong năm của Đại Học Johns Hopkins ghi nhận:
Đông Nam Á đã chuyển biến trong hai thập kỷ vừa qua thành một khu vực,
nơi uy lực và tham vọng chiến lược của TQ đang đối mặt với sự hiện diện
quân sự lâu năm của Hoa Kỳ, và là “nơi nhận thức của TQ về quy chế Biển
Nam Hải trong căn bản đối nghịch với sự đồng thuận lâu năm giữa các
cường quốc hải dương.”[7]
Các chuyên gia cho biết Hoa Kỳ đang đối diện một thế lưỡng nan và một
hành động giữ thăng bằng khó khăn trong vùng: trong khi vài thành viên
ASEAN đang mong muốn Hoa Kỳ giữ một vai trò đầy sức thuyết phục để đối
kháng với điều họ xem như thái độ khẳng định ngày một rõ nét của TQ,
trong khi vài thành viên khác lại muốn thấy một vai trò can dự giảm
thiểu của Mỹ.
Bonnie Glaser, thuộc CFR, đã đưa ra nhận xét: trong Tài Liệu Ghi Nhớ
Hoạch Định Bất Trắc (Contingency Planning Memorandum), xét cho cùng,
ưu tiên hàng đầu của tất cả các bên là phải tìm mọi cách tránh né mọi
xung đột quân sự; ngay cả khi đang so găng với các láng giềng Đông Nam
Á, TQ cũng đang trở thành đối tác thương mãi lớn nhất và một trong những
quốc gia đầu tư trực tiếp lớn nhất trong hầu hết các quốc gia Đông Nam Á
từ khi khu vực tự do mậu dịch ASEAN-TRUNG QUỐC thành hình.
Ở đây, tưởng cần nhắc lại bài học của Cuộc Chiến Việt Nam người Mỹ
tưởng chừng không bao giờ có thể quên. Nhưng rồi người Mỹ cũng đã quên
bẵng ngay từ những ngày chuẩn bị cuộc chiến thay đổi chế độ ở
Afghanistan và Iraq.
Chúng ta chỉ còn biết cầu nguyện tất cả các bên nhìn lại những gì gần
đây nhất, ngay cả hiện nay đã và đang xẩy ra không những cho các quốc
gia nạn nhân, Iraq, Afghanistan, Pakistan, Libya, Syria…mà ngay cả cho
nhân dân trong “siêu cường duy nhất” và “các cường quốc Tây Phương” luôn
muốn can dự.
MẬU DỊCH TOÀN CẦU
Hơn một nửa lượng hàng hóa mua bán trên thế giới đều đi qua Eo Biển
Malacca, Sunda, và Lombok, với phần lớn tiếp tục đi đến Biển Nam Hải.
Gần 1/3 dầu thô và quá một nửa số hơi đốt thiên nhiên toàn cầu đều đi
ngang qua Biển Nam Hải, biến vùng nầy thành một trong các tuyến đường
thương mãi hải dương quan trọng nhất thế giới.
Mậu dịch hải dương hướng đến phương Đông xuyên qua Biển Nam Hải đều
đi qua Eo Biển Malacca, Sunda, và Lombok, mặc dù có rất ít nguồn tin chi
tiết về dung lượng trao đổi. Một cuộc nghiên cứu trong năm 2006 do Bộ
Đất Đai, Hạ Tầng Cơ Sở, và Vận Tải của Nhật (Japan’s Ministry of Land,
Infrastructure, and Transport — MLIT) ước tính, đã có đến gần 94 nghìn
tàu biển cỡ 100 trọng tấn hay lớn hơn đi qua Eo Biển Malacca năm 2004
trong số 607 nghìn tàu biển chuyển vận, hay 15% tổng số các tàu chở hàng
trên thế giới. Trong số nầy, 32% là tàu chở containers, 25% tàu chở
dầu, 15% tàu chở hàng và 15% tàu chở hàng rời, với số còn lại chở hơi
đốt thiên nhiên ở thể lỏng (LNG), và các loại tàu khác.
Một cuộc nghiên cứu kế tiếp vào cuối năm 2007 đã ước tính 117 nghìn
tàu biển đã chạy qua Malacca trong năm 2010 với một tổng số trọng tải
4,7 tỉ tấn. Tạp Chí Vận Tải Đại Dương 2001 của Hội Nghị Liên Hợp Quốc về
Mậu Dịch và Phát Triển (The United Nations Conference on Trade and
Development [UNCTAD] Review of Maritime Transport 2011), đã ước tính
8,4 tỉ tấn hàng mậu dịch hải dương trên thế giới trong năm 2010. Dung
lượng nầy phản ảnh hơn một nửa số tàu thương mãi hàng năm đã chạy qua Eo
Biển Malacca, Sunda, và Lombok trong năm 2010.
Với số cầu năng lượng gia tăng của Á châu, EIA chờ đợi một phần ngày
một lớn số dầu sản xuất trong Vùng Vịnh Ba Tư và Phi Châu đều đi qua
Biển Nam Hải. Ngoài ra, các quốc gia Á Châu cũng đang đầu tư vào quá
trình thăm dò và khai tác hơi đốt thiên nhiên mới trong vùng, cũng sẽ
chiếm một phần gia tăng trong số LNG mua bán trên toàn cầu.
DẤU THÔ
Theo tài liệu của Lloyd’s List Intelligence tanker-tracking service
và GTIS Global Trade Atlas, vào khoảng 14 triệu thùng dầu thô đi qua
Biển Nam Hải và Vịnh Thái Lan mỗi ngày, hay gần 1/3 số dầu vận chuyển
trên toàn cầu. Trên 90% tổng số dòng chảy đến từ Eo Biển Malacca, trong
khi phần còn lại đến từ thương mãi cấp vùng trong nội bộ Đông Nam Á.
Trước hết, khoảng 15,2 triệu thùng dầu mỗi ngày (MMbbl/d) đi qua Eo
Biển Malacca trong năm 2011, tuyến đường biển ngắn nhất giữa các nhà
cung cấp Phi Châu và Vịnh Ba Tư và các thị trường Á Châu. Một số lớn dầu
thô đi đến Eo Biển Malacca (1,4 MMbbl/d) tiếp tục hành trình đến
Singapore và Malaysia, nơi dầu thô được tinh lọc và tái xuất cảng như
dầu tinh lọc.
Kế đến, phần còn lại của dòng chảy (12,8 triệu thùng, MMbbl/d) tiếp
tục đi qua Biển Nam Hải đến Trung Quốc (4,5 MMbbl/d) và Nhật (3,2
MMbbl/d), hai quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất ở Á Châu.
Cuối cùng, khoảng 15% dầu đi qua Biển Nam Hải sẽ tiếp tục đi qua Biển Đông Trung Hoa, phần lớn đến Nam Hàn.
Dòng chảy dầu thô trong Biển Nam Hải cũng còn đến từ thương mãi cấp
vùng bên trong nội bộ Đông Nam Á, đặc biệt dầu xuất khẩu từ Malaysia
(0,4 MMbbl/d), Indonesia (0,3 MMbbl/d), và Australia (0,2 MMbbl/d). Mậu
dịch bên trong vùng được phân phối gần như đồng đều giữa Singapore, Nam
Hàn, Nhật, và Trung Quốc, với những số nhỏ hơn đến các xứ Đông Nam Á
khác. 1/5 dòng chảy dầu thô bên trong vùng Đông Nam Á, nhiều nhất cho
bất cứ xứ nào nhập khẩu, đến Singapore để tinh lọc. Khoảng 0,2 MMbbl/d
dầu thô đi về phía Nam qua Eo Biển Lombok để đến Australia và Thái Bình
Dương.
HƠI ĐỐT THIÊN NHIÊN THỂ LỎNG — LNG
EIA ước tính khoảng 6 trillion cubic feet (Tcf) hơi đốt thiên nhiên
thể lỏng (LNG), hay hơn phân nửa số LNG mậu dịch toàn cầu, đã đi qua
Biển Nam Hải trong năm 2011, sử dụng các dữ kiện từ PFC Energy và
Cedigaz. Khoảng 56% con số nầy (3,4 Tcf) nhập khẩu vào Nhật, 24% vào Nam
Hàn (1,4 Tcf), 19% vào TQ (0,6 Tcf) và Taiwan (0,6 Tcf), và phần còn
lại đến các xứ khác trong vùng.
Xứ xuất khẩu lớn nhất qua đại dương là Qatar với 1,2 Tcf. Tính chung,
Qatar, Malaysia, Indonesia, và Australia chiếm gần đến 75% số LNG xuất
khẩu đến vùng nầy.
Tiếp theo sau cuộc khủng hoảng Fukushima, Nhật đã nâng cao số LNG
nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2012, khu vực Biển Nam Hải đã chiếm
khoảng 58% dung lượng LNG trao đổi, theo số liệu của PFC Energy. Với số
cầu hơi đốt ngày một gia tăng trong vùng Đông Á, EIA dự báo thị phần mậu
dịch LNG toàn cầu của khu vực Biển Nam Hải sẽ tăng gia trong những năm
tới. Phần lớn số cung mới sẽ đi qua Eo Biển Malacca, mặc dù các quốc gia
như Singapore và Indonesia đang đầu tư vào các nhà máy tái khí hóa mới,
được tiếp liệu bởi các khu khai thác hơi đốt trong vùng Biển Nam Hải,
để gia tăng khả năng xuất khẩu LNG của chính những xứ nầy.
TÓM LƯỢC
Trong những năm gần đây, một số quốc gia Á Châu đang tranh đua đòi
hỏi chủ quyền đối với khu vực Biển Nam Hải và tài nguyên trong khu vực.
Hiện nay, chưa hề có một giải pháp quốc tế nào cho những tranh chấp vừa
nói.
Trên phương diện lịch sử, vùng Biển Nam Hải đã luôn là một nguồn xung
đột giữa một số quốc gia. Ngư thuyền từ một quốc gia bị các quốc gia
đòi hỏi chủ quyền sách nhiễu, đôi khi đưa đến một số thường dân thương
vong. Một số công ty tư nhân được phép thăm dò dầu lửa và hơi đốt thiên
nhiên bởi một xứ đã bị từ chối không được phép tiếp cận những lô đang
còn tranh chấp bởi tàu vũ trang của các quốc gia đòi hỏi chủ quyền khác.
Xung đột quân sự thỉnh thoảng đã xẩy ra giữa các quốc gia duyên hải.
Xung đột quan trọng nhất đã xẩy ra trong năm 1974 khi TQ cưởng chiếm
quần đảo Paracel từ Việt Nam.
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật Bản đã đòi hỏi hai quần đảo Spratly và
Paracel. Thỏa ước Hòa Bình với Nhật năm 1951 đã không giái quyết xứ nào
được quyền sở hữu hai quần đảo nầy sau khi Nhật từ bỏ đòi hỏi.
Quy Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) vẫn chưa giải quyết các
tranh chấp chủ quyền ở vùng Biển Nam Hải. Quy Ước 1982 đã đưa ra một số
hướng dẫn liên quan đến quy chế các hải đảo, các thềm lục địa, các khu
đặc quyền kinh tế (EEZ), lãnh hải, và biên giới lãnh thổ.
UNCLOS tuyên bố các quốc gia cùng đòi hỏi chủ quyền trong cùng một khu vực phải giải quyết qua thương nghị với thiện chí.
Theo điều 121(3) của UNCLOS (1973), các hải đảo có thể phát sinh các
EEZ và ấn định các thềm lục địa. Hành động đơn thuần chiếm đóng các hải
đảo không tự động đem lại các quyền nầy, nhất là trong những khu vực
đang tranh cãi. Vấn đề thực sự là cần xem xét các khối đất như đá và đảo
nhỏ hay hải đảo.Theo điều 121 (3) của UNCLOS, “những khối đá không thể
giúp duy trì chỗ cư trú cho con người hay có một đời sống kinh tế riêng
sẽ không phát sinh khu vực đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.”[8]
Những tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải đã khuấy đục quan hệ giữa TQ
và các xứ Philippines, Việt Nam, Taiwan, Malaysia, và Brunei trong
những năm gần đây. Tình hình căng thẳng còn leo thang sau ngày T T
Barack Obama loan báo chốt Á Châu Thái Bình Dương.
Vùng ‘lưỡi bò” — bao phủ gần như toàn bộ Biển Nam Hải, được xem như
giàu hải sản, tài nguyên thiên nhiên, và cũng là con đường thương mãi
hải dương thiết yếu — luôn bị đe dọa bởi nổ lực cân bằng ngoại giao và
quân sự trong chiến lược mới của Hoa Kỳ.
Các yêu sách chủ quyền trong vùng của TQ và lập trường đề kháng mạnh
mẽ các nổ lực giàn xếp quốc tế đã nhận chìm mọi cố gắng giải quyết các
cuộc khủng hoảng và tăng cường tinh thần quốc gia trong mọi xứ liên hệ,
đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Các chuyên gia đều nhận thấy tiềm
năng xung đột leo thang, với nguy cơ khủng hoảng luôn đe dọa toàn vùng
Nam Hải cũng như quyền lợi của chính Hoa Kỳ trong khu vực.
Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
16-4-2013
[1] Rosenberg said, “Behind it all, it’s essentially the industrial
revolution of Asia. And the South China Sea has become the hub of that.”
[2] …This is an issue that doesn’t make big headlines, but 1.5
billion people live there and rely heavily on fisheries for food and
jobs. That’s where most of the conflict goes on, and most of these have
been dealt with on a routine conflict management basis.
[3] …This is a very important issue, and has become the main concern
of Japan, the United States and even right now the European Union.
[4] Behind it all, it’s esentially the industrial revolution of Asia. And the South China Sea has become the hub of that.
[5] There’s nothing like NATO in Asia, and that’s what’s worrisome.
Unlike the U.S. and EU, which are engaged in other regions of the world,
the Southeast Asian countries are compelled to spend more protecting
their most immediate interests. It’s not the Cold War by any means, but
they’re still not very open with each other about military
modernization.
[6] …while ASEAN was an appropriate venue to mediate this dispute,
the organization still has not yet found its footing in transitioning to
a forceful, integrated organization that can provide leardership.
[7] …where a Chinese perception of the status of the South China Sea
is fundamentally at odds with a long-settled consensus among major
maritime states.
[8] According to Article 121 (3) of UNCLOS, rocks which cannot
sustain human habitation or economic life of their own shall have no
exclusive economic zone or continental shelf.