Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

11. TTIP giữa Hoa Kỳ - EU: được và mất?

20:4' 27/7/2013

Vòng đàm phán TTIP đầu tiên giữa Hoa Kỳ và EU. Ảnh: policymic.com


TCCSĐT - Ngày 12-7, các nhà đàm phán thương mại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Giới phân tích đánh giá nếu được ký kết, TTIP sẽ là hiệp định thương mại tự do toàn diện giữa Hoa Kỳ và EU trị giá tới hơn 100 tỷ ơ-rô cộng thêm 2 triệu việc làm mới. Theo nhận định của Ủy ban châu Âu (EC), hai thị trường kinh tế “đầu tàu” thế giới này đang tiến vào “kỷ nguyên vàng”.



Đàm phán tích cựcPhát biểu tại cuộc họp báo sau khi đàm phán kết thúc, trưởng đoàn đàm phán EU, ông I-gna-xi-ô Ga-xi-a-Bơ-xê-cô (Ignacio Garcia-Bercerco) cho biết thông qua vòng đàm phán tích cực với một loạt chủ đề cùng quan tâm, các bên đã vạch ra nhiều tham vọng cũng như cách tiếp cận khác nhau nhằm đạt được những kết quả tốt nhất trong 20 lĩnh vực thuộc TTIP. Ông I. Bơ-xê-cô khẳng định bất chấp tranh cãi xung quanh vụ bê bối liên quan hoạt động do thám trực tuyến và gián điệp của Hoa Kỳ đối với các nước châu Âu, hai bên đã đạt được mục tiêu chính “một vòng đàm phán độc lập với một loạt chủ đề cùng quan tâm”, mở đường cho vòng đàm phán thứ hai dự kiến diễn ra tại Brúc-xen (Bỉ) vào ngày 7-10 tới.

Về phần mình, đại diện đàm phán Hoa Kỳ Đan Mu-la-ni (Dan Mullaney) đánh giá vòng đàm phán diễn ra tích cực, hai bên nhất trí với lịch trình, nhằm đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2014, trước thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) bầu Chủ tịch mới.

Tại vòng đàm phán đầu tiên này, các công ty của Hoa Kỳ như Google và Facebook muốn Brúc-xen giảm bớt các quy định về bảo mật riêng tư và dữ liệu vì những quy định này đang đặt họ vào thế bất lợi khi cung cấp dịch vụ mạng tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, tham vọng này xem ra rất khó thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh Hoa Kỳ (NSA) vẫn còn đang gây bức xúc cho nhiều quốc gia. Ngoài ra, Oa-sinh-tơn còn muốn EU nới lỏng các quy định về cây trồng biến đổi gien, nhưng ý muốn này có thể cũng không được lòng các cử tri châu Âu bởi châu Âu vốn là thị trường “khó tính” về an toàn thực phẩm bất chấp vụ bê bối thịt ngựa gần đây.

Đổi lại, Brúc-xen muốn Oa-sinh-tơn cung cấp quyền miễn trừ các điều khoản trong đạo luật “Buy American” - một đạo luật khuyến khích người Hoa Kỳ mua hàng hóa sản xuất trong nước đối với các dự án công trình công cộng như trang thiết bị phục vụ cho đường cao tốc và sân bay. Tuy nhiên, việc này đã vấp phải sự phản đối của các nhà vận động hành lang đầy quyền lực trong ngành công nghiệp thép và các nhà sản xuất khác của Hoa Kỳ. Trong khi đó, một cuộc tranh chấp thương mại giữa nhà sản xuất máy bay Boeing của Hoa Kỳ với đối thủ Airbus của EU hiện đang được trình lên Tổ chức Thương mại thế giới, và rất có thể tranh chấp này sẽ “châm ngòi” cho một cuộc đàm phán mới.

Tiến vào “kỷ nguyên vàng”Mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và EU là lớn nhất thế giới và cũng là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất. Nền kinh tế hai bên hiện chiếm gần 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Theo các số liệu thống kê chính thức, năm ngoái, kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Hoa Kỳ và EU đạt gần 1.000 tỷ USD và tổng đầu tư lên tới 3.700 tỷ USD. Trong khi đó, Trung tâm châu Âu ước tính nếu thành công và chính thức có hiệu lực, TTIP có thể mang lại cho nền kinh tế EU 119 tỷ ơ-rô (tương đương 150 tỷ USD) mỗi năm và mang lại cho nền kinh tế Hoa Kỳ 95 tỷ ơ-rô mỗi năm.

TTIP được coi là một công cụ quan trọng để tạo đà tăng trưởng cho hai nền kinh tế và củng cố hệ thống thương mại đa phương xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh châu Âu bị cuốn vào vòng xoáy nợ công do các “mắt xích yếu” thuộc Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), trong khi Hoa Kỳ - nền kinh tế đầu tàu thế giới - vẫn phục hồi khá mong manh sau “bão” tài chính.

Với Hoa Kỳ, các hiệp định tự do thương mại nói chung và TTIP nói riêng giúp nước này đạt mục tiêu tới năm 2014 tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tạo thêm nhiều việc làm trong nước, đã được nêu ra trong Sáng kiến Xuất khẩu quốc gia. Giới phân tích nhận định thúc đẩy thương mại quốc tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống B. Ô-ba-ma trong nhiệm kỳ thứ hai này. Thực tế, chính sách này phản ánh lối tư duy thực dụng của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong bối cảnh các chuyên gia dự báo kinh tế Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng chậm chạp như hiện nay cho tới ít nhất năm 2014, trong khi các nhà hoạch định chính sách nước này đang phải chật vật đối phó với các vấn đề về ngân sách và trần nợ công. Dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ở mức vừa phải 2,4% và 3% lần lượt trong các năm 2013 và 2014.

Còn với châu Âu, lý do cũng không nằm ngoài các lợi ích kinh tế. Trong báo cáo mới nhất công bố cuối tháng 5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài ở châu Âu sẽ tiếp tục đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. OECD một lần nữa hạ mức dự báo tăng trưởng của 17 nền kinh tế thuộc Eurozone, theo đó mức tăng trưởng trong năm nay sẽ giảm 0,6%, sau khi giảm 0,5% trong năm 2012. Trong bản báo cáo 6 tháng trước, tổ chức này đã dự đoán Eurozone chỉ giảm 0,1% và cùng thời điểm này năm ngoái, OECD dự đoán mức tăng trưởng năm 2013 của cả châu Âu là gần 1%.

Theo OECD, châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức như khu vực ngân hàng vẫn còn yếu kém, tình hình nợ công chưa thực sự được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục 12,1% và sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt tại Tây Ban Nha và Hy Lạp, số người không có việc làm lần lượt lên tới 28% và 28,4% trong năm nay, trong đó giới trẻ chiếm hơn 50%. Các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, niềm tin suy giảm và điều kiện tín dụng thắt chặt là những nguyên nhân chính khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone sụt giảm mạnh hơn.

Với xuất phát điểm như vậy và các lợi ích đã rõ ràng, việc Hoa Kỳ và EU khởi động TTIP là không cần bàn cãi. Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều đánh giá tích cực về hiệp định này cũng như những tác động của nói đối với hệ thống thương mại toàn cầu nói chung. Ngay cả Ủy ban châu Âu (EC) cũng nhận định hai thị trường kinh tế “đầu tàu” thế giới này đang tiến vào “kỷ nguyên vàng”.

Được và mất?Tuy nhiên, không phải ai cũng hưởng lợi từ “kỷ nguyên vàng” đó. Theo nghiên cứu mới đây của Viện Ifo tại Mu-ních, nếu khu vực thương mại tự do mới được thiết lập giữa Hoa Kỳ và EU, kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ La-tinh, châu Á và châu Phi sang khu vực này có thể sẽ sụt giảm. Cũng theo nghiên cứu của Ifo, nếu hàng rào thuế quan giữa Hoa Kỳ và châu Âu được rỡ bỏ thì các nước Tây Phi vốn thường xuyên trao đổi thương mại với Pháp và Bỉ sẽ gặp bất lợi. Các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ đến từ các nước đang phát triển sẽ bị các công ty của Hoa Kỳ “tiếm ngôi”. Ngay cả Ca-na-đa và Mê-hi-cô, 2 nước đã gia nhập Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Hoa Kỳ từ rất lâu cũng sẽ “thất thế” khi phải chia sẻ thị trường với các đối thủ châu Âu. Những nước “thất thế” khác sẽ còn là Trung Quốc và Ô-xtrây-li-a bởi sản phẩm xuất khẩu từ các nước này sang khu vực thương mại tự do mới sẽ có giá đắt đỏ hơn nhiều. Trong khi đó, các nước như Bra-xin, Ca-dắc-xtan và In-đô-nê-xi-a lại có thể nằm trong nhóm được hưởng lợi vì có thể phân phối nguyên liệu thô của họ vào một thị trường rộng lớn hơn.

Do đó, giới phê bình gọi hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và EU như một loại hiệp định “thương mại NATO” với mục đích chia rẽ thế giới. Họ cho rằng khu vực thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương nên được thiết lập sao cho đáp ứng được cả nhu cầu của các thị trường yếu hơn như châu Phi và Địa Trung Hải.

Tuy nhiên hiện nay, dường như các cuộc đàm phán thương mại với người “cầm cân nảy mực” là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang lâm vào bế tắc. WTO thực sự đang “tê liệt” vì những tranh chấp giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, Bra-xin và Ấn Độ liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp và việc đưa các sản phẩm công nghiệp ra thị trường, bỏ mặc các nước tự đàm phán song phương với nhau.

Hoa Kỳ và châu Âu đang làm việc đó với tư cách và vị trí của những kẻ mạnh. Họ sẽ thiết lập các tiêu chuẩn thế giới và phần còn lại của thế giới có thể phải tuân theo. Do đó, riêng với lục địa giàu tiềm năng nhưng lại kém phát triển là châu Phi, giới phân tích cho rằng thay vì gửi những đơn khiếu kiện lên WTO về việc các công ty của Hoa Kỳ và châu Âu “chơi không đẹp”, lục địa này nên thiết lập một khu vực thương mại tự do của riêng mình để có thể giảm sức nặng của các cuộc đàm phán. Cho đến nay, các nước châu Phi đã dễ dàng giao dịch thương mại với EU hơn là đối phó với những hàng rào thuế quan và nhập khẩu của những người hàng xóm thân cận.

Trung Quốc từ lâu đã nhận ra xu hướng của các hiệp định thương mại tự do và cũng đã nỗ lực để hình thành những khu vực thương mại ở châu Á. Vì vậy, theo các chuyên gia, trong tương lai một hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với EU là điều rất dễ hiểu. Thương mại tự do đồng nghĩa với miễn thuế hải quan cũng như các quy định về tiêu chuẩn và các thủ tục tương đương, sẽ là vấn đề ưu tiên trong những năm tới không chỉ của Trung Quốc. Các khối thương mại lớn sẽ dẫn đầu thế giới và những ai không gia nhập đúng lúc sẽ bị coi là những kẻ thua cuộc.

Song quá trình này tiến triển như thế nào vẫn còn chưa rõ ràng. Đối với Hoa Kỳ và EU, hai bên đều muốn đi đến thỏa thuận cuối cùng về TTIP vào cuối năm 2014 nhưng giới phân tích cho rằng điều đó là quá tham vọng. Vẫn còn hàng trăm vấn đề cần giải quyết. Một trong số đó là sự đoàn kết “mong manh” trong nội bộ EU bởi các nước thành viên vẫn đang tính toán xem cái được và mất như thế nào. Nếu Hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và EU được ký kết, Đức và Ru-ma-ni có thể sẽ là những nước được hưởng lợi nhưng Pháp và Lu-xem-bua lại rơi vào thế bất lợi.

Về phía các tổ chức xã hội dân sự, TTIP được xem là mối đe dọa đối với việc bảo mật công. “Họ (Hoa Kỳ và EU) nói về hội tụ các quy định và điều đó đồng nghĩa với việc nói rằng chúng tôi muốn lấy đi nhiều hơn sự bảo mật công và ngăn không cho các nước và các đối tác thương mại, Hoa Kỳ hoặc EU hay bất kỳ quốc gia nào thực thi những đạo luật mạnh mẽ hơn trong tương lai”, Ét Mi-ơ-uyn-xki (Ed Mierzwinski), chủ tọa Đối thoại Khách hàng xuyên Đại Tây Dương (TACD), diễn đàn lớn nhất dành cho các nhóm người tiêu dùng châu Âu và Hoa Kỳ, kiêm giám đốc chương trình người tiêu dùng của Nhóm nghiên cứu lợi ích công (USPIRG), cho biết.

Bên cạnh đó, các tổ chức dân sự cũng bày tỏ quan ngại về việc giải quyết tranh chấp đầu tư nhà nước. Theo đàm phán TTIP giữa Hoa Kỳ và EU, về cơ bản, việc giải quyết các tranh chấp đầu tư nhà nước sẽ cho phép các công ty kiện lại chính phủ mà không phải đệ đơn lên các tòa án thông thường ở Hoa Kỳ và EU. Thay vào đó, các vụ tranh chấp sẽ được đưa ra và phán quyết bởi một bồi thẩm đoàn. Quyết định của bồi thẩm đoàn này thường có tính ràng buộc và tòa án cũng không thể phủ quyết. “Cả hai phía (Hoa Kỳ và EU) đều là những nền kinh tế tiên tiến, dân chủ và họ có một hệ thống luật nội địa phát triển có thể bảo vệ một cách hoàn hảo quyền lợi của các nhà đầu tư”, Bơ-na-đét-te Xê-gôn (Bernadette Ségol), Tổng Thư ký của Tổng Công đoàn châu Âu (ETUC), đại diện cho khoảng 60 triệu thành viên tại 36 quốc gia, nói. Theo bà B. Xê-gôn, “bồi thẩm đoàn này sẽ làm xói mòn nền dân chủ và dẫn đến làm giảm sự bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động”.

Có thể nói, với những quan ngại về quyền lợi không được bảo đảm của từng nước thành viên EU và của các tổ chức dân sự tại các nước này, chặng đường để tiến tới thỏa thuận TTIP cuối cùng giữa Hoa Kỳ và EU không hề bằng phẳng. Do đó, dù các nền kinh tế hai bờ Đại Tây Dương đang “đứng trước những cơ hội thực sự để cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường, tạo thêm nhiều việc làm và làm cho các nền kinh tế của mình trở nên cạnh tranh hơn” như cách nói của Tổng thống B. Ô-ba-ma, tham vọng “cán đích” TTIP vào cuối năm 2014 của Hoa Kỳ và EU vẫn được xem là không thể./.
Hà Bùi