Ngoài
một số ít hạn chế, quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam vẫn nồng ấm kể từ khi
Thủ tướng Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cách đây hơn 5
thập niên.
Quan
hệ song phương đã trở nên chín muồi hơn kể từ khi hai bên bắt đầu Hội
nghị Ủy ban hỗn hợp cấp bộ trưởng và quan hệ song phương được nâng lên
mức đối tác chiến lược năm 2007, tạo bộ khung lớn hơn cho hợp tác song
phương trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, an ninh, khoa học và công
nghệ. Đâu là những không gian hội tụ giữa Ấn Độ và Việt Nam? Có thể làm
gì để khai thác những tiềm năng này?
Về
mặt chiến lược, Ấn Độ có vị trí địa chính trị án ngữ trên đất liền và
không gian biển giữa Đông và Tây. Ảnh hưởng của Thái Bình Dương và Nam Á
trong các lĩnh vực như hợp tác kinh tế và đảm bảo an ninh có thể hợp
lại để tạo nên cách nhìn rộng hơn về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi
Ấn Độ có thể đóng một vai trò lớn hơn trong duy trì hòa bình và an
ninh. Cùng với Mỹ, Ấn Độ đã cam kết phản đối sử dụng vũ lực và ủng hộ tự
do hàng hải. Với việc Hà Nội liên tục bị sức ép từ Bắc Kinh trên Biển
Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam có thể đã hối thúc Ấn Độ đóng vai
trò tích cực hơn nhằm giảm căng thẳng và để các công ty Ấn Độ, như ONGC
Videsh Limited (OVL) tiếp tục thăm dò hai lô dầu của Việt Nam trong khu
vực mà Trung Quốc tranh chấp.
Về
thương mại và đầu tư, kim ngạch thương mại hiện nay giữa Việt Nam và Ấn
Độ đạt khoảng 4 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt ngưỡng 5 tỷ USD vào cuối năm
nay. Hai bên đã quyết định tăng kim ngạch thương mại lên 7 tỷ USD vào
năm 2015, một mục tiêu khá khiêm tốn so với mục tiêu kim ngạch thương
mại song phương 60 tỷ USD mà Trung Quốc đề ra trong quan hệ với Việt
Nam. Rõ ràng, vẫn còn tiềm năng lớn trong thương mại và đầu tư giữa hai
nước. Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) của Ấn Độ.
Ấn Độ đã thành lập Trung tâm nguồn lực công nghệ thông tin và truyền
thông hiện đại (ARC-ICT) tại Hà Nội và cấp cho Việt Nam một siêu máy
tính PARAM. Tổng đầu tư của các công ty Ấn Độ xấp xỉ 936 triệu USD trong
86 dự án thuộc các lĩnh vực thăm dò dầu khí, thăm dò và khai thác
khoáng sản, sản xuất đường, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin và
chế biến nông sản.
Mới
đây, Việt Nam đã chọn Tata Power xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú
2, với vốn đầu tư 1,8 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng, bất chấp sự cạnh tranh
mạnh mẽ của các công ty Nga và Hàn Quốc. Đây là dự án đơn lẻ lớn nhất
của Ấn Độ tại Việt Nam, sẽ tạo nên lực đẩy mạnh đối với hợp tác kinh tế
và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Ấn Độ đứng thứ 10 trong số
các đối tác thương mại của Việt Nam. Về cơ bản, các công ty Ấn Độ chỉ có
thể hoạt động tốt trên lãnh thổ nước ngoài nếu các quy chế tại nước đó
đủ điều kiện cho họ tồn tại. Ấn Độ đang vướng một số vấn đề liên quan
đến đất đai tại Việt Nam, cản trở các doanh nghiệp chế tạo thành lập các
cơ sở tại Việt Nam.
Trong
lĩnh vực an ninh năng lượng của Ấn Độ, các mỏ dầu ngoài khơi của Việt
Nam tạo cơ hội cho các công ty Ấn Độ thăm dò và cuối cùng là cung ứng
năng lượng, song tính mong manh của Công ước về Luật biển của Liên hợp
quốc năm 1982 (UNCLOS) đã cho phép Trung Quốc gây sức ép đối với Việt
Nam. Mặc dù Ấn Độ đã thể hiện quyết tâm bảo đảm tự do hàng hải, song
những trường hợp như Trung Quốc khuyến cáo hải quân Ấn Độ rằng “bạn đang
đi vào vùng biển Trung Quốc”, khi tàu hải quân INS Arihant của Ấn Độ
cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý, đã gợi lên một suy nghĩ rằng quan hệ Ấn
Độ-Việt Nam sẽ được bảo vệ tốt nếu luật pháp quốc tế được tất cả các
bên tôn trọng.
Là
một đối tác truyền thống của Ấn Độ, Việt Nam đã được công nhận như một
nhân tố quan trọng trong chính sách “hướng Đông” (LEP) của Ấn Độ. Sự
trùng hợp của LEP của Ấn Độ và chính sách của Việt Nam tích cực kết nối
quan hệ với những bạn bè truyền thống, đa phương hóa và đa dạng hóa
trong các mối quan hệ quốc tế đã dẫn tới việc thiết lập quan hệ đối tác
chiến lược Việt Nam-Ấn Độ. Đối với Việt Nam, khai thác hết tiềm năng hợp
tác với Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích kinh tế và chiến lược, đồng thời giúp
Việt Nam “đồng bộ hóa” với các đối tác ASEAN.
Theo “IPCS” (ngày 23/7)
Viết Tuấn (gt)