Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

61. Nga và tranh chấp biển Đông - Bài 1: Nga trở lại biển Đông

Sau thời gian “ngủ đông”, những tuyên bố và động thái gần đây của Nga đã hé lộ ý đồ chiến lược của nước này đối với biển Đông và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

LTS: Biển Đông đang trở thành sân chơi thu nhỏ giữa hợp tác và cạnh tranh của các cường quốc thế giới và Nga cũng không phải là ngoại lệ. Chính những đặc thù về địa kinh tế và địa chính trị đã biến khu vực này thành “con bài chiến lược” từ góc nhìn của Nga. Dưới đây là loạt bài phân tích về chiến lược này của Nga trong bức tranh tranh chấp biển Đông phức tạp này.
Quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á đánh dấu sự hiện diện đầu tiên tại biển Đông chính là Nga. Vào năm 1905, trong cuộc hải chiến với phía Nhật, hàng trăm tàu chiến của Nga hoàng đã tập trung ở cảng Cam Ranh để chuẩn bị cho việc tham chiến.
Ngược dòng quá khứ
Sau nhiều giai đoạn thăng trầm của hai cuộc thế chiến, đến thập niên 1980, Liên Xô tiếp tục đánh dấu sự hiện diện của mình ở đây bằng cách tích cực hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác mỏ dầu Bạch Hổ cùng một số mỏ khác. Về mặt hiện diện quân sự, Liên Xô chính thức đánh dấu sự có mặt của mình ở đây từ năm 1979 theo hiệp định được ký kết với Việt Nam.
Theo đó thì cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hậu cần. Tên gọi đầy đủ là Điểm cung cấp vật liệu - kỹ thuật số 922 (PMTO) của Hạm đội Thái Bình Dương, với diện tích khoảng 100 km2, trong thời hạn 25 năm, phục vụ một đơn vị thường trực chiến đấu mang tên Liên đội tàu chiến đấu số 17 của Hạm đội Thái Bình Dương.
Tàu chiến Liên Xô tại cảng Cam Ranh năm 1982. Ảnh tư liệu
Đến năm 1991, Liên Xô tan rã khiến cho Nga buộc phải bước vào thời kỳ “ngủ đông”, thực hiện sự rút lui chiến lược khỏi châu Á-Thái Bình Dương. Với tình thế suy yếu lúc đó, chính phủ Nga buộc phải thực hiện chính sách nghiêng hẳn về phương Tây (hay còn được gọi là “chính sách Đại Tây Dương”) với mục đích chủ yếu là có được viện trợ kinh tế.
Tuy nhiên, việc vẫn mang tư tưởng nước lớn đã khiến cho các nhà hoạch định chính sách Nga muốn tiếp tục có sự can dự ở một khu vực trọng yếu ở Thái Bình Dương. Vì thế, từ năm 1993, Nga thực hiện chính sách “đại bàng hai đầu”. Một “đầu” thì tiếp tục hướng về Đại Tây Dương, “đầu” còn lại hướng về châu Á.
Như một “chú gấu ngủ đông”, Nga khó lòng có đủ “sức khỏe” để thực hiện tất cả kế hoạch. Thế nên trong vấn đề biển Đông, Nga đã giữ “khoảng cách” nhất định để không phá vỡ thế cân bằng lợi ích của các nước lớn. Bằng chứng là đến năm 2001, Việt Nam và Nga đã nhất trí chấm dứt sớm thỏa thuận 1979 về vấn đề sử dụng cảng Cam Ranh. Đến năm 2002 thì việc này chính thức diễn ra với sự kiện Đại tá chỉ huy trưởng Eryomin là người Nga cuối cùng rời Cam Ranh lên tàu Sakhalin 9, chấm dứt 23 năm tồn tại của căn cứ Cam Ranh của Hạm đội Thái Bình Dương.
Từ đó đã chính thức chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng quân sự Nga tại cảng Cam Ranh nói riêng và toàn bộ biển Đông nói chung. Đồng thời, Nga cũng giữ thái độ trung lập trong tranh chấp giữa các nước liên quan trong suốt những năm sau đó.
“Gấu” Nga đã hết ngủ đông
Thế nhưng mọi chuyện bắt đầu có chiều hướng thay đổi kể từ khi ông Putin bắt đầu tiến hành những kế hoạch táo bạo nhằm phục hưng vị thế. Bên cạnh việc tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia thì nước Nga cũng bắt đầu tiến hành vươn dài “chiếc vòi” chiến lược của lực lượng hải quân của mình ra bên ngoài.
Theo Putin tuyên bố thì “nếu từ bỏ chiến lược xây dựng hải quân, Nga sẽ đánh mất quyền phát ngôn trên vũ đài quốc tế”. Vì thế, việc quay trở lại biển Đông không chỉ tạo thuận lợi cho quyết tâm chấn hưng cường quốc biển của Putin mà còn là một trong những nước cờ then chốt nhằm khôi phục sức mạnh chiến lược trước đây của hải quân viễn dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Sergei Shoigu thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 3 năm nay theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ảnh tư liệu
Phát biểu trên của Putin càng đáng chú ý hơn khi nhìn lại những động thái của Moscow liên quan đến biển Đông dạo gần đây. Động thái chính thức đầu tiên nổ ra vào ngày 23-3-2010, khi hãng thông tấn Nga đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly thông báo rằng Hải quân Nga sẽ giúp Hải quân Việt Nam trong việc xây dựng căn cứ đồn trú tàu ngầm, có thể là tại Cam Ranh.
Đến ngày 6-10-2010, chẳng biết vô tình hay cố ý, Bộ Tham mưu Hải quân Nga để lộ thông tin về việc Hải quân Nga đã hoàn thành những kế hoạch cơ bản cho việc khôi phục căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh. Cơ quan này còn “thòng” thêm một thông tin bán tín bán nghi rằng “trong vòng ba năm tới họ có thể quay trở lại sử dụng căn cứ hải quân tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam”. Thậm chí tờ báo Độc Lập của Nga còn dẫn một nguồn tin thân cận cho biết “lần này Nga sẽ quay trở lại vịnh Cam Ranh theo hình thức cho thuê. Thời gian thuê ít nhất là 25 năm, sau khi kết thúc hợp đồng có thể thương lượng kéo dài”.
Điều chỉnh chiến lược
Vào ngày 5-4-2012, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga còn tuyên bố tham gia dự án khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ở biển Đông mà công ty Anh BP đã phải từ bỏ. Nhưng sự kiện cao trào nhất có lẽ chính là lời phát biểu chính thức của ông Nicholas Kudashefu - Đại sứ Nga tại Philippines khi trả lời phỏng vấn tờ Công Báo Manila vào ngày 21-5-2012. Ông này đã thể hiện quan điểm rằng “Nga phản đối bất kỳ nước nào không có tranh chấp can thiệp vào vấn đề biển Đông… Nga cũng sẽ không nằm ngoài cuộc vì cũng như các nước khác, đều quan tâm đến quyền tự do hàng hải tại khu vực”.
Nếu xâu chuỗi chúng lại và đặt trong toàn văn tuyên bố của ông Putin thì rõ ràng là có một sự trỗi dậy ngấm ngầm. Trong những năm trở lại đây, Nga còn tích cực chủ động phát triển quan hệ với các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc bằng cách cung cấp những gói trang bị quân sự hiện đại với giá trị không nhỏ.
GS Vitaly Naumkin, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính trị Moscow, nhận định trong một bài viết rằng: “Hiện nay, sự mất cân bằng đối ngoại giữa phương Tây và phương Đông đã bắt đầu được Nga điều chỉnh. Một nước Nga mạnh mẽ và tự tin hơn đang tác động đến những thay đổi tích cực trên thế giới, đồng thời Nga đã xuất hiện với tư cách như một tác nhân quan trọng tại các điểm nóng khu vực. Biển Đông cũng sẽ không ngoại lệ”.
Động thái cho can dự của Nga vào biển Đông đã dần dần hiện rõ. Tuy nhiên, tại sao Nga trở lại biển Đông và dựa trên những lợi ích gì? Trả lời được câu hỏi này chính là cách thức để mở ra cách tiếp cận hiểu được chính sách của Nga tại khu vực đang trở thành điểm nóng của thế giới.
NGHĨA HUỲNH (Irys)
Kỳ tới: Thử giải bài toán lợi ích của Nga
Biển Đông được ví như là Địa Trung Hải của châu Á. Trung Quốc thì mạnh miệng tuyên bố biển Đông là lợi ích cốt lõi. Mỹ cũng đã phản hồi khi cho rằng biển Đông là lợi ích quốc gia. Vậy còn Nga, biển Đông là lợi ích gì đối với nước này?



Nguồn: Báo Pháp Luật