Từ
khi bình thường hóa quan hệ ngày 11/7/1995, quan hệ giữa hai nước đã có
những bước nhảy vọt và đòi hỏi một “xương sống” mạnh hơn trong bối cảnh
những thay đổi mạnh mẽ trong môi trường địa chiến lược, sự định hình và
định hướng những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ và các nước
khác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhận
lời mời của Tổng thống Barack Obama, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn
Sang đã thăm Mỹ từ 23-26/7/2013. Mặc dù tháp tùng Chủ tịch Trương Tấn
Sang là một phái đoàn lớn gồm các quan chức từ lĩnh vực kinh tế, thương
mại, quốc phòng và thậm chí cả một tăng lữ tôn giáo cao cấp để tiếp xúc
với các nhóm của Mỹ đang nêu lên các vấn đề căng thẳng liên quan đến hồ
sơ nhân quyền của Việt Nam, nhưng chuyến thăm này mang ý nghĩa chiến
lược hơn là ý nghĩa về chính trị hoặc kinh tế. Từ khi bình thường hóa
quan hệ ngày 11/7/1995, quan hệ giữa hai nước đã có những bước nhảy vọt
và đòi hỏi một “xương sống” mạnh hơn trong bối cảnh những thay đổi mạnh
mẽ trong môi trường địa chiến lược, sự định hình và định hướng những ưu
tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ và các nước khác tại khu vực Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương. Liệu chuyến thăm có thể hiện những xu hướng
mới trong quan hệ Mỹ-Việt và có ý nghĩa như thế nào đối với “trục châu
Á” của Mỹ và cấu trúc an ninh ngày càng tăng trong khu vực? Những nhân
tố lớn nào đang thúc đẩy sự tái định hướng quan hệ giữa các quốc gia và
đâu là mục tiêu được hướng tới? Mặc dù người ta có thể đánh bạo đưa ra
một số dự đoán về các động lực, song vẫn khó chứng minh chắc chắn những
nhân tố thực sự đang thúc đẩy những thay đổi đó.
Những động lực thay đổi
Chuyến
thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Mỹ giàu ý nghĩa lịch sử lẫn
tính biểu trưng. Về lịch sử, đây là chuyến thăm thứ hai của Chủ tịch
nước Việt Nam tới Mỹ sau chiến tranh Việt Nam; về biểu trưng, nó tạo
tiếng vang về chiến lược và chính trị, đánh dấu cuộc gặp thượng đỉnh đầu
tiên của người đứng đầu nhà nước Việt Nam và Mỹ tại một giai đoạn quan
trọng chiến lược trong các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương. Đánh giá về
tầm quan trọng của Việt Nam trong tính toán chiến lược của Mỹ cần được
xem xét từ khía cạnh xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương và cấu trúc
an ninh của Mỹ như thế nào tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những ngày
chiến tranh Việt Nam đã được chôn vùi từ lâu. Bằng thái độ và hành động
độc đoán, Trung Quốc đã tạo nên sự rối loạn về địa chiến lược tại châu
Á-Thái Bình Dương. Điều này khiến triển vọng quan hệ Việt-Mỹ trở nên
sáng sủa, với những hội tụ chiến lược và chính sách thực dụng đang nổi
lên như những động lực nổi bật. Mặc dù tầm quan trọng địa chiến lược của
Việt Nam trong trục châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ không thay đổi do vị
trí địa chính trị của Việt Nam, nhưng tầm quan trọng chiến lược của Việt
Nam trong tính toán chiến lược của Mỹ lại thay đổi thất thường tùy theo
tình trạng quan hệ Mỹ-Trung.
Đã
đến lúc nâng quan hệ song phương Việt-Mỹ lên thành đối tác chiến lược.
Không thể phủ nhận rằng quan hệ Việt-Mỹ hiện đang đứng ở ngã ba chiến
lược do nguy cơ nổi lên từ Trung Quốc và điều này đã định hình chính
sách “trục châu Á” của Mỹ. Việt Nam có tiềm năng đóng một vai trò chủ
đạo hơn trong trục chiến lược của Mỹ đối với châu Á- Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Mỹ là một cơ hội lịch
sử để nâng cấp mối quan hệ hiện nay lên mối quan hệ Đối tác chiến lược
vì Việt Nam đã sẵn sàng can dự chặt chẽ hơn với Mỹ để đối trọng với
Trung Quốc. Mặt khác, Mỹ coi Việt Nam như một thành tố quan trọng của
chính sách tái cân bằng đối với châu Á.
Vấn đề nhân quyền và bán vũ khí
Thật
không may, logic chiến lược của quan hệ đối tác Mỹ-Việt vẫn gặp trục
trặc do những lo ngại về hồ sơ nhân quyền. Bằng cách đưa một tăng lữ cấp
cao tham gia đoàn tùy tùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang cố gắng
làm dịu phản ứng của các nhà hoạt động vì nhân quyền tại Mỹ. Lợi ích
kinh tế và chiến lược, nhân quyền và giá trị con người là ba trụ cột
trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng trước đây Mỹ đã ưu tiên cho các
lợi ích chiến lược và kinh tế. Chẳng hạn, mặc dù Mỹ thiết lập quan hệ
với Trung Quốc năm 1979, nhưng các chính phủ liên tiếp của Mỹ chưa bao
giờ cảm thấy rụt rè trong việc chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung
Quốc. Tuy vậy, trong quan hệ Trung-Mỹ, những cân nhắc về kinh tế và
chiến lược được ưu tiên hơn những vấn đề khác. Thậm chí Chính quyền
Obama đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Cadắcxtan bất chấp báo
cáo của tổ chức Ân xá quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền tại nước
này. Hay như việc Ucraina vẫn là đối tác chiến lược của Mỹ mặc dù tổ
chức Minh bạch quốc tế xếp nước này trong số những nước “ở dưới đáy” về
chỉ số tham nhũng. Do đó, nhân quyền không phải là vấn đề thực sự đối
với Mỹ khi các lợi ích khác bị ảnh hưởng. Thế nhưng Oasinhtơn vẫn tiếp
tục gây sức ép đòi Hà Nội cải thiện nhân quyền, coi đó như một điều kiện
tiên quyết để nâng cấp quan hệ.
Hiện
Mỹ tiếp tục áp đặt lênh cấm bán vũ khí sát thương mà Việt Nam đang cần
để hiện đại hóa quân đội. Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam
Phùng Quang Thanh đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta rằng
việc dỡ bỏ lệnh cấm này sẽ có lợi cho cả Oasinhtơn và Hà Nội. Ông giải
thích rằng một khi những hạn chế về bán vũ khí sát thương được bãi bỏ,
Việt Nam sẽ mua một số (chủng loại) từ Mỹ, trước hết để sửa chữa và sau
đó đại tu những vũ khí còn sót lại sau chiến tranh. Để hiện đại hóa quân
đội, Việt Nam cần mua một số loại vũ khí phụ thuộc vào khả năng tài
chính và nhu cầu của quân đội. Lầu Năm Góc coi Việt Nam như một đối tác
chính tại châu Á-Thái Bình Dương. Vịnh Cam Ranh có vị trí chiến lược và
Oasinhtơn khó mà bỏ qua lợi ích của nó. Từ năm 2003, hơn 20 tàu chiến
của Mỹ đã dừng chân tại các cảng của Việt Nam , trong đó có vịnh Cam
Ranh. Chính phủ Việt Nam hoan nghênh công tác hỗ trợ hậu cần tại các
cảng thương mại, bởi các dịch vụ hậu cần khi tàu dừng chân tại đây sẽ
góp phần tạo công ăn việc làm. Kể từ khi Mỹ kêu gọi tập trung nhiều hơn
tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phát triển năng lực của các đối tác
châu Á, trong đó có Việt Nam đã trở thành một phần trong chính sách của
Oasinhtơn. Năm 2011, Việt Nam và Mỹ đã ký bản ghi nhớ về việc hợp tác
trao đổi quốc phòng không gây sát thương như hợp tác nghiên cứu, cứu
nạn, an ninh hàng hải, viện trợ nhân đạo và gìn giữ hòa bình. Mặc dù ông
Panetta đã hứa đưa quan hệ song phương lên “một tầm cao mới”, song điều
kiện đặt ra là Việt Nam phải cải thiện vấn đề nhân quyền. Trong khi đó,
Mỹ lại áp dụng tiêu chuẩn khác đối với những nước đồng minh của Mỹ tại
Trung Đông.
Tại
sao Mỹ lại có lập trường hai mặt như vậy đối với Việt Nam? Có thể do
bối cảnh chính trị trong nước. Các nhóm xã hội dân sự tại Mỹ, trong đó
một số nhóm do những người Mỹ gốc Việt dẫn đầu, từ lâu đã lạm dụng vấn
đề nhân quyền để chống lại mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và Mỹ.
Tuy nhiên, Oasinhtơn nhận thấy môi trường chiến lược tại châu Á đang xấu
đi là lý do buộc họ phải xác định lại chính sách đối với Việt Nam. Hơn
thế nữa, Trung Quốc đang hành động một cách quyết đoán và hiếu chiến tại
các vùng tranh chấp ở Biển Đông, nên Mỹ không được phép để vấn đề nhân
quyền chi phối quan hệ của nước này với Việt Nam. Dù sớm hay muộn, quan
hệ Việt-Mỹ sẽ được nâng cấp lên đối tác chiến lược, đẩy vấn đề nhân
quyền xuống vị trí thứ yếu. Thực tế, nâng cấp quan hệ sẽ thúc đẩy lợi
ích chiến lược của cả hai nước, cũng như toàn khu vực.
Biển Đông và nhân tố Trung Quốc
Ngoài
chính sách “xoay trục sang châu Á” của Mỹ, mối lo ngại chung về Trung
Quốc có vẻ là nguyên nhân chính khiến Mỹ và Việt Nam trở nên thân thiện
với nhau hơn. Mặc dù nhân tố Trung Quốc đứng đằng sau mối liên kết quan
hệ giữa một số nước châu Á, về lĩnh vực kinh tế lại có vẻ tương phản.
Quan hệ thương mại của Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt
Nam và nhiều nước châu Á khác đang đâm chồi. Dù Trung Quốc là đối tác
thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng kim ngạch thương mại giữa Việt
Nam và Mỹ lại tăng gấp hơn 6 lần từ năm 2002-2010, đạt 18,6 tỷ USD. Điều
này không ngăn cản được Trung Quốc gây bất đồng với các đối tác kinh tế
trong khu vực. Hầu hết các nước trong khu vực đều tuyên bố chủ quyền
tại Biển Đông, nơi được cho là có nhiều nguồn tài nguyên. Các nhà phân
tích cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Mỹ là
một phần chiến lược của Hà Nội tìm đối trọng chống lại sự hiếu chiến của
Trung Quốc tại Biển Đông. Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc kinh tế vào
Trung Quốc và đa dạng hóa quan hệ thương mại với các nước khác. Trong
bối cảnh này, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương
(TPP) có thể là một đại lộ hữu ích để Việt Nam đa dạng hóa quan hệ
thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh. Nhân tố Trung Quốc là
một động lực chủ chốt thúc đẩy Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau hơn. Để
bảo vệ sự tự trị về chiến lược, Việt Nam không chỉ tranh thủ Mỹ, mà phải
cố gắng thuyết phục các thế lực châu Á đang nổi như Ấn Độ đóng vai trò
tích cực hơn trên trường Đông Nam Á.
Sự
thân thiện ngày càng tăng giữa Việt Nam và Mỹ tạo nên một cửa sổ cơ hội
cho sự thay đổi dân chủ tại Việt Nam. Các tổ chức quyền công dân nhận
thấy sự dễ tổn thương của Việt Nam bắt nguồn từ hành động gây hấn liên
tục của Trung Quốc bởi nước này không thể một mình chống lại Trung Quốc.
Do đó, Việt Nam cần có bạn bè. Đó là lý do khiến Việt Nam đưa ra những
quyết định tỉnh táo cùng với Mỹ và các nước ASEAN khác tạo thành một mặt
trận chung để đối phó với thách thức từ Trung Quốc. Chuyến thăm của Bộ
trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tới Ấn Độ đầu tháng 7/2013
cũng được đánh giá từ khía cạnh này. Cả Ấn Độ và Việt Nam đang cùng nhau
tăng cường hợp tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương.
Liên kết với thế giới
Việt
Nam đã chuyển đổi, hiện đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong
các vấn đề khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã tuyên bố có ý định tham gia
các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào năm 2014. Việt Nam
cũng tăng cường tham gia hoạt động bảo đảm an ninh hàng hải, viện trợ
nhân đạo và cứu trợ. Về phần mình, Mỹ đang tập trung các chương trình
trợ giúp trong lĩnh vực ứng dụng, năng lượng sạch, phát triển bền vững
để giúp Việt Nam đối phó với sự biến đổi của khí hậu.
Bên
cạnh việc sẵn sàng tham gia hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình
Liên Hợp Quốc trong tương lai gần, Việt Nam đang tăng cường tham gia
hoạt động với một số tổ chức đa phương. Việt Nam mong muốn trở thành một
thành viên có trách nhiệm và đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, với sự
đóng góp tích cực để giải quyết các vấn đề quốc tế, nhằm duy trì hòa
bình, ổn định và hợp tác tại Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Trong
bối cảnh môi trường thế giới và khu vực đang thay đổi, các thế lực lớn,
trong đó có Mỹ, phải đóng vai trò quan trọng và có trách nhiệm để giải
quyết những điểm nóng trong khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông và các
vấn đề toàn cầu như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tội phạm
xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu…Với tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh
Mỹ tăng cường hơp tác với châu Á-Thái Bình Dương và chính sách “xoay
trục sang châu Á”./.
Tác giả Rajaram Panda là chuyên viên của Viện nghiên cứu hòa bình và xung đột. Bài viết đăng trên mạng “IPCS” (ngày 9/8).
Hương Trà (gt)