Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

42. Đánh giá về "Mùa xuân A Rập"

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Hai, ngày 22/7/2013
TTXVN (Cairô 19/7)
Nhà sử học Henry Laurens, Giáo sư thuộc trường “Collegede France”, chuyên gia nghiên cu lịch sử đương đại của thế giới Arập, cho rng “Mùa Xuân Arập” là một cuộc cách mạng bình thường. Các chế độ độc tài và tham nhũng ở Trung Đông và Bắc Phi đã gây ra các cuộc cách mạng được dn dt bởi những lý tưởng về nhân phm và dân chủ. Dưới đây là nội dung cuộc trao đi gần đây của ông Henry Laurens với tạp chí “Jeune Afrique”:
Hỏi: Tại sao có thuật ngữ “Mùa Xuân Arập”?
Trả lời: Tôi không biết ai là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này để nói về các sự kiện gần đây. Từng có những sự kiện đã xảy ra vào mùa Xuân tại Prague (1968), tại Bắc Kinh (1989)… Và từ quan điểm này, có thể nói đây chính là hình ảnh riêng của nó. “Mùa Xuân Arập” thuộc về quá trình chuyển đổi dân chủ trong ba mươi năm trong không gian Arập. Khu vực Arập, vốn đã được thống nhất trong một chừng mực nào đó về chính trị trong các cuộc cách mạng giai đoạn 1950-1960 và chủ nghĩa Nasser (tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Ai Cập: 1956-1970, người lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng ách đô hộ của thực dân Anh – TTXVN), một lần nữa bị chia rẽ trong giai đoạn của các nhà độc tài. Nhưng không gian chính trị đã được khôi phục nhờ sự ra đời của các tổ chức chính trị vào giữa những năm 1990, tiếp theo là các trang mạng xã hội.
Hỏi: Sự khác biệt của “Mùa Xuân Arập” với các cuộc cách mạng Arập từ 1950-1960 là gì?
Trả lời: Rất có hệ thống, các cuộc cách mạng Arập là phong trào tập thể. Khi Nasser kêu gọi: “Đàn ông, hãy đứng lên!” Người ta đã đứng lên chống lại sự thống trị của nước ngoài. Đó là việc giành độc lập chủ quyền. Đó là tinh thần chung của thế giới thứ ba vào thời điểm đó. Bandung, nơi diễn ra Hội nghị thành lập của Phong trào Không liên kết trong năm 1955, nhằm khôi phục lại chủ quyền của các nước châu Á, châu Phi bị các quốc gia thực dân đô hộ. Ngày nay, đó là một yêu cầu về phẩm giá cá nhân, vài khẩu hiệu tương tự, “Hãy đứng lên!”. Nhưng đó là sự khẳng định của một người, một cá nhân. Tôi có thế nói đó là một cuộc cách mạng bình thường. Bởi vì đó là yêu sách cơ bản để đạt được sự dân chủ một cách bình thường, không giống như hoàn cảnh của thế giới Arập trước năm 2011. Do đó, “Mùa Xuân Arập” không phải là một cuộc cách mạng xoay quanh một dự án không tưởng, trái lại, đó là cuộc cách mạng bình thường như mục tiêu của nó.
Hỏi: Phải chăng Tuynidi là ngòi nổ của phong trào?
Trả lời: Có thể đúng là tại Tuynidi trong năm 2011, một sự dồn nén căng thẳng cần được giải phóng. Đó là tia lửa làm nổ tung các thùng thuốc súng. Khu vực Sidi Bouzid của Tuynidi là điểm xuất phát của sự bùng nổ, kết qua của tất cả những căng thẳng đã được tích tụ. Trận động đất Tuynidi gây ra một loạt các cơn dư chấn trong thế giới Arập bằng cách chứng minh hai điều: thứ nhất người ta có thể hứng chịu nỗi sợ hãi và thứ hai người ta có thể chiến thắng. Những mâu thuẫn như thế cũng tồn tại trong các xã hội Arập khác nên cuộc cách mạng đã bị lan tỏa… Cánh tả Arập có một không gian chính trị để hoạt động.
Hỏi: Chúng ta vẫn đang trong một cuộc cách mạng hay bước vào một giai đoạn sau cách mạng?
Trả lời: Có một sự nhầm lẫn lớn và các sự kiện chứng tỏ rằng chúng ta vẫn còn ở trong giai đoạn cách mạng. Tất cả các cuộc cách mạng bắt đầu bằng việc trao lại địa vị cho các lực lượng văn hóa, xã hội và chính trị của các nước đó. Các cuộc cách mạng làm sống lại đời sống chính trị theo đúng nghĩa của từ này, thứ bị đóng băng đã được khởi động. Tất cả xã hội bắt đầu chuyển động và các phong trào có thể mâu thuẫn với nhau. Tổ chức nào cũng nói đến quyền lực. Trong giai đoạn đầu, các phong trào được tổ chức tốt hơn, phản ánh tiếng nói của xã hội và được quần chúng ủng hộ. Các tổ chức chính trị Hồi giáo là những người đầu tiên giành được cảm tình bởi vì họ được tổ chức tốt hơn và thể hiện sự đối lập thực sự đối với chế độ độc tài. Nhưng cuộc cách mạng chưa kết thúc và các cuộc chơi đang được mở.
Hỏi: Chủ nghĩa Hồi giáo bây giờ mới được thử thách, làm thế nào để có thể thành công?
Trả lời: Điều này là sai. Tôi tin rằng các bằng chứng cho thấy đạo Hồi không phải là giải pháp. Đạo Hồi chỉ dễ dàng được dùng để tố cáo hơn là quản lý và đạo Hồi không cho phép điều chỉnh công tác quản lý của nhà nước, nền kinh tế, thất nghiệp hay nợ nần. Đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng quốc gia và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, các lực lượng làm nảy sinh Mùa Xuân Arập không có chương trình nghị sự chính trị và xã hội cụ thể, nhưng họ đã muốn và vẫn muốn chấm dứt tình trạng khẩn cấp và hình thành một nhà nước phúc lợi: việc làm, an sinh xã hội, cải thiện dịch vụ y tế… Để đảo ngược tình thế này, tổ chức Anh em Hồi giáo là những người tự do hơn cả. Đó là lý do tại sao họ có một không gian chính trị để hoạt động.
Hỏi: Thành công của phe chính trị Hồi giáo phải chăng là thất bại của cánh tả Arập?
Trả lời: Tại Trung Đông, sự thất bại của cánh tả chống chủ nghĩa đế quốc là rất lớn, nhưng thật đáng buồn điều đó đã được báo trước. Phe cánh tả đang vận động xung quanh Hezbollah và Xyri. Họ ưu tiên chống chủ nghĩa đế quốc về dân chủ, thỏa hiệp với chế độ của Tổng thống Bashar al- Assad. Họ không còn là một động lực của cuộc cách mạng. Tuy nhiên, Ai Cập và Tuynidi có những phong trào xã hội mạnh mẽ. Đã xuất hiện trở lại phong trào dân chủ và xã hội chủ nghĩa cánh tả, bên cạnh Tổng Liên đoàn lao động Tuynidi (UGTT) và phong trào néonassériens (những người theo chủ nghĩa Nasser mới – TTXVN) ở Ai Cập. Phe cánh tả dân chủ này không thỏa hiệp với các chế độ độc tài.
Hỏi: Nếu cuộc cách mạng tiếp tục thì vẫn còn sự nhiệt tình cách mạng?
Trả lời: Chúng ta cần phân biệt sự khác nhau giữa chủ nghĩa thần bí và chính trị. Lúc đầu là một hành động huyền bí, một sự nghiệp cao cả và đúng đắn để người ta hy sinh vì nó. Nhưng chắc chắn, với sự thỏa hiệp không thể tránh khỏi, các trò chơi quyền lực làm cho sự huyền bí thay đổi, dẫn đến suy thoái theo hướng chính trị. Bởi vì nó chuyển giai đoạn từ huyền bí sang lối mòn. Trong các cuộc tập hợp đầu tiên tại Quảng trường Tahrir, người Ai Cập đã có niềm đam mê và sự nhiệt tình, sau đó trở thành một nghi lễ, biểu tượng, nhưng khi người ta trở lại với thực tế, tổ chức lại, họ trở nên cực đoan, mất động lực ban đầu.
Hỏi: Cảm nghĩ của ông như thế nào về vấn đề Xỹri?
Trả lời: Tôi đánh giá khá tiêu cực theo hướng đi từ thảm họa này đến thảm họa khác, bởi chính xác không có sự can thiệp của quốc tế, ngoại trừ chế độ Assad. Ông đã nhận được sự hỗ trợ vật chất từ Nga và Iran, hỗ trợ ngoại giao từ Trung Quốc, điều này cho phép ông tồn tại. Trong mọi trường hợp, không thể có giải pháp thỏa hiệp. Trong chừng mực mà chế độ Assad không còn một chỗ dựa tin cậy nào, sẽ được phán xét bởi chính lịch sử. Những người nổi dậy biết rằng họ sẽ chết nếu không chịu dừng lại.
***
TTXVN (Pretoria 19/7)
Theo mạng “Tin châu Phi” gần đây, tình trạng bất ổn hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một dấu mốc quan trọng, một bước ngoặt trong sự phát triển của “Mùa Xuân Arập”. Trên thực tế, “Mùa Xuân Arập” không còn nằm trong các nước Arập nữa, nó đã đi vượt ra ngoài biên giới thế giới Arập, lan sang Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đây là một bước ngoặt của những biến động chính trị tại các nước Trung Đông – Bắc Phi thời gian qua. Tuy nằm giữa trung tâm của cuộc khủng hoảng nhưng Angiêri dường như lại nằm ngoài những làn sóng bất ổn. Mặc dù quốc gia này cũng phải đối mặt với các cuộc biểu tình xuất phát từ sự bất mãn lan rộng trong lớp trẻ về tình trạng thất nghiệp. Vì vậy, bài viết này nhằm có một đánh giá về những biến động đang xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác.
Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Thủ tướng Erdogan bị cáo buộc về việc chuyên quyền và ngày càng trở nên độc đoán. Nhiều chỉ trích cho rằng chính phủ có nguồn gốc Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận nhũng người bất đồng chính kiến và chính điều này đã làm nảy sinh các mâu thuẫn trong xã hội. Đề xuất của Thủ tướng Erdogan về việc cấm bán rượu đã đẩy hàng nghìn người vào tình trạng thất nghiệp, gây thiệt hại lớn cho thương mại và du lịch. Đây là những ngành quan trọng của nền kinh tế nên càng làm gia tăng mâu thuẫn xã hội. Thủ tướng Erdogan cũng làm cho các đồng minh truyền thống của ông thất vọng bởi tình trạng tham nhũng dưới thời mình cầm quyền. Các cuộc biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu chỉ có tính chất tự phát đã dần biến thành biểu tình có tổ chức với mục đích đấu tranh chính trị, chống lại chính phủ. Các cuộc biểu tình diễn ra khi kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đi xuống trong bối cảnh chính phủ tiến hành cải cách cơ cấu, công việc cần được dự kiến thực hiện sớm hơn. Ngoài ra, tình hình càng trở nên phức tạp khi chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử tổng thống và địa phưong trong năm 2014 và bầu cử quốc hội vào năm 2015 đã được tiến hành. Thủ tướng Erdogan và Đảng Công lý và -Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ lên nắm quyền từ năm 2002 sau khi giành một loạt chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Dường như Thủ tướng Erdogan vẫn ở đỉnh cao quyền lực cho đến khi “Mùa Xuân Arập” diễn ra.
Trong khi châu Âu đang lâm vào khủng hoảng thì Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng tăng cường tiềm lực cho mình bằng cách thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước Arập. Khi còn đang chần chừ trọng việc ra nhập Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển trọng tâm sang thiết lập quan hệ với các nước Arập. Nhiều thỏa thuận lớn về kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Libi đã được thực hiện dưới thời Tổng thống Gaddafi. Thủ tướng Erdogan cũng có quan hệ thân thiện với Tổng thống Xyri Bashar al-Assad. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang có triển vọng lớn trong hợp tác với các nước Arập. Tuy nhiên, môi trường chính trị ổn định trước năm 2011 của Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi theo chiều hướng xấu khi nước này ủng hộ mạnh mẽ lực lượng đối lập tại Xyri, làm thay đổi cán cân cuộc chiến tại Xyri thông qua cuộc chiến tranh không tuyên bố với chế độ Assad. Điều đáng nói là phần lớn người dân Thổ Nhĩ Kỳ đều không ủng hộ chính sách can dự vào cuộc chiến tại Xyri của chính quyền Thủ tướng Erdogan. Đây chỉ là một trong những yếu tố – gia tăng thêm sự bất mãn mạnh mẽ với chính phủ xuất phát từ cuộc sống của người dân và tình trạng suy thoái kinh tế.
Mặc dù cảm xúc bất mãn gia tăng khắp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều này không biến thành những biến động như “Mùa Xuân Arập”. Có lẽ các yếu tố cần thiết là chưa đủ nhưng mục tiêu của các cuộc biêu tình vì dân chủ là rất rõ ràng. Thủ tướng Erdogan đã nhận được một nửa số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2011 và vẫn là người giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri, trong khi đó phe đối lập luôn cáo buộc Erdogan không đủ sức để đối phó với những thách thức nghiêm trọng. Tuy nhiên, phong trào biểu tình chống chính phủ đã làm nảy sinh nhiều nhà lãnh đạo mới, thách thức đến vị trí của Thủ tướng đương nhiệm. Trên thực tế, uy tín của Thủ tướng Erdogan đã bị giảm sút vì tình trang kinh tế, yếu tố có thể đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại của chính phủ trong tương lai.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, lực lượng quân đội luôn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các tướng lĩnh quân đội đã tổ chức bốn cuộc đảo chính thành công kể sau năm 1945 đến nay. Mặc dù năm 2011, lực lượng quân đội đã bị suy giảm uy tín và quyền lực với việc chính phủ Thủ tướng Erdogan bắt và đưa ra tòa hàng trăm sĩ quan về tội đảo chính, nhưng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có sức mạnh chính trị rất lớn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Thủ tướng đương nhiệm. Phần lớn các sĩ quan chỉ huy cấp quân đoàn trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chủ nghĩa thế tục trong quân đội, thể hiện sự chống đối với chính quyền hiện tại. Quân đội tránh né tham gia đàn áp người biểu tình, nhân viên bệnh viên quân y tại Istanbul còn cung cấp mặt nạ phòng độc cho người biểu tình. Ngoài ra, binh sĩ quân đội đã cứu giúp, chăm sóc nhũng người biểu tình bị thương tại doanh trại quân đội ở Istanbul. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ngăn chặn các cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu, tình tại Hatay. Trong khi quân đội đang tìm cách tránh xa khỏi các vấn đề chính trị, thì vai trò của lực lượng này sẽ tiếp tục gia tăng nếu tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có chiều hướng xấu đi.
Iran
Ngày 2/6/2013, Giáo sĩ Jalaluddin Taheri qua đời ở tuổi 87 tại Isfahan, một trong những thành phố lớn nhất ở Iran. Ông là nhân vật đối đầu với Chính phủ Iran, là lãnh đạo tinh thần theo chủ nghĩa cải cách và từng chỉ trích gay gắt cơ chế giáo sĩ bảo thủ, thậm chí từ bỏ chức vị để phản đối. Hàng chục nghìn người đã tham dự tang lễ của Taheri. Đám tang đã biến thành một cuộc biểu tình chống chính phủ trên diện rộng. Những người đưa tang đã hô vang các khẩu hiệu chống Chính phủ Iran và lãnh tụ tối cao, Giáo chủ Ali Khamenei, gọi ông ta là một nhà độc tài và kêu gọi thả tất cả tù nhân chính trị. Trước phản ứng của người biểu tình, cảnh sát đã không can thiệp, một hành động được cho là sự cẩn trọng để không gây ra sự tức giận công chúng trước cuộc bầu cử tổng thống. Cuộc biểu tình đã gây ra những ảnh hưởng bất ngờ và thể hiện sự bất bình trong dân chúng ngày càng lan rộng. Đã có những quan ngại về sự liên quan giữa sự kiện này và kết quả bầu cử tổng thống sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn bùng phát.
Ngày 14/6 vừa qua, ứng cử viên Hassan Rouhani đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran khi nhận được hơn 50% số phiếu bầu, tránh phải tổ chức cuộc bầu cử vòng hai. Các qui định mới về bầu cử dưới sự ủng hộ của lãnh tụ tối cao Khamenei đã kiểm soát rất chặt chẽ cuộc bầu cử tổng thống lần này, loại bỏ các chính trị gia tiềm năng khỏi danh sách ứng cử, như cựu Tổng thống Hashemi Rafsanjani, lãnh đạo của phong trào cải cách, người ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm và Esfandiar Rahim Mashaei – Phụ tá thân cận của Tổng thống Ahmadinejad. Tám ứng cử viên đã được Hội đồng Giám hộ Iran phê chuẩn để tham gia cuộc tranh cử vị trí tổng thống. Trước tình hình đó, Tổng thống đương nhiệm Ahmadinejad đã lên tiếng phản đối khi cho rằng quá trình bầu cử tổng thống là hoàn toàn bất hợp pháp. Với sự sụp đổ của các nhà lãnh đạo cầm quyền lâu năm ở Tuynidi, Ai Cập, Libi và Yêmen, thì đây là cơ hội để phản đối với những gì được xem là không công bằng trong các cuộc bầu cử. Ngay cả ông Rouhani, một giáo sĩ 65 tuổi, người nổi tiếng của phái bảo thủ đã có những thay đổi theo hướng cái cách trong thời gian gần đây. Kết quả cho thấy cuộc bầu cử tổng thống tại Iran đã phản ánh sự ủng hộ của công chúng đối với thay đổi. Có khoảng 70% dân số Iran đang ở độ tuổi dưới 30, phần lớn trong số này sống tại các thành phố và có cá tính chính trị mạnh mẽ.
Angiêri
Những ảnh hưởng của “Mùa Xuân Arập” chưa lan tới tới Angiêri, một quốc gia có diện tích rất rộng và đông dân. Angiêri vẫn chưa bị ảnh hưởng của “Mùa Xuân Arập” sau cuộc nội chiến lịch sử khi chính phủ nước này đã cố gắng để ngăn chặn những thách thức đối với sự ổn định trong nước và khu vực. Angiêri ủng hộ chế độ Gaddafi, phản đối các hành động can thiệp quân sự của NATO và chưa bao giờ công nhận chính quyền chuyển tiếp tại Libi. Các nhà lãnh đạo của Angiêri đã đủ sáng suốt để đánh giá rằng những biến động tại Libi sẽ tạo ra sự bất ổn tại khu vực Maghreb và Sahel, và điều này về sau đã được minh chứng.
Angiêri cũng đã đưa ra quan điểm tương tự với cuộc khủng hoảng tại Xyri là ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Angiêri lo ngại những phản ứng dây chuyền sẽ lan qua biên giới nước này kích động các nhóm thánh chiến và những phần tử chống đối trong nước. Angiêri cũng đã phản đối quyết liệt quyết định của Liên đoàn Arập ủng hộ các nước Arập vũ trang cho các nhóm đối lập tại Xyri. Khi những gì đang xảy ra tại Mali, Angiêri thể hiện là một đối tác chống khủng bố tin cậy, với sự ổn định và quân đội được trang bị mạnh nên đã nâng cao khả năng chống khủng bố. Angiêri có nguồn dự trữ năng lượng dồi dào, nền kinh tế tương đối phát triển với dự trữ ngoại tệ khoảng 200 tỷ USD đủ phục vụ các vấn đề kinh tế xã hội phát sinh. Năm 1988, cuộc biểu tình chống lại sự cai trị độc đảng đã mở đường cho các cuộc bầu cử có sự tham gia tranh cử của nhiều đảng phái. Đây là điều mà rất ít các nước trong khu vực có được sự tiến bộ này. Tuy nhiên, tại Angiêri, nguồn lợi từ dầu mỏ và khí đốt dường như không làm giảm vấn đề thất nghiệp, đặc biệt là trong giới trẻ. Khoảng 23% dân số nước này sống dưới mức chuẩn nghèo quốc gia. Tỷ lệ thất nghiệp chiếm khoảng 10% nhưng lại tăng lên mức 22% trong đội tuổi từ 18 đến 24. Nền kinh tế Angiêri hầu như hoàn toàn dựa vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, một ngành công nghiệp đầy lợi nhuận nhưng không tạo ra nhiều việc làm. Vì vậy, các vấn đề đói nghèo, thất nghiệp và bất mãn xã hội vẫn đang trở thành nguy cơ gây ra bất ổn xã hội. Các cuộc biểu tình trong nước đă trở thành một đặc tính quen thuộc với đời sống của người dân Angiêri hơn nửa thế kỷ. Nhưng sự chi tiêu hào phóng của chính phủ đã tạm thời thuyết phục người biểu tình chưa thúc đẩy một cuộc nổi dậy chính thức trong giai đoạn 2010-2012. Với số lượng dân số trẻ đông nên nhu cầu về việc làm và nhà ở ngày càng cao nhưng nền kinh tế Angiêri vốn quá phụ thuộc vào dầu mỏ lại không thể đáp ứng. Thêm vào đó, những khó khăn này càng trở nên trầm trọng khi Tổng thống Bouteflika đang lâm bệnh nặng, trong khi đó chưa có người kế nhiệm đủ sức đối phó với các vấn đề khó khăn. Sự ra đi sắp tới của Tổng thống Bouteflika sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực chính trị và nguy cơ dẫn đến bất ổn. Theo báo cáo “Cái giá của sự ổn định tại Angiêri” của Lahcen Achy thuộc tổ chức tư vấn Carnegie Endowment (Mỹ), “để ngăn chặn sự sụp đổ hoặc thay đổi chế độ, Angiêri cần cải cách chính trị và kinh tế sâu sắc nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng, mở cửa cho sự tham gia của công chúng vào đời sống chính trị và nâng cao trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị”. Nhiều nhà phân tích cũng cảnh báo rằng chính người dân Angiêri hiện nay đang “nỗ lực” để gây bất ổn cho đất nước.
Cựu sĩ quan tình báo của Angiêri Mesbah Shafiq, hiện là nhà phân tích chính trị đã cho rằng cơn đột quỵ nhỏ của Tổng thống đương nhiệm Bouteflika đồng nghĩa với việc nước này sẽ bầu được một nhà lãnh đạo mới trong năm 2014. Ông Mesbah Shafiq cũng khẳng định Tổng thống Bouteflika mong muốn nắm giữ cương vị tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa và điều này sẽ làm gia tăng thêm các cáo buộc tham nhũng liên quan đến những người thân cận của Tổng thống trong các cơ quan quân đội và tình báo. Tuy nhiên, người dân Angiêri đang mong đợi những chuyển biến tích cực trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014. Trong thời gian hiện nay, Tổng thống Bouteflika khó có thể sụp đổ nhanh và chấm dứt 15 năm cầm quyền. Angiêri có thể bước vào một trang sử mới với cơ hội lớn hơn để thay đổi nhưng đất nước khó có thể tránh được những tác động của các cuộc nổi dậy trong khu vực.
Kết luận
“Mùa Xuân Arập” đã lan rộng khắp Trung Đông và làm cho khu vực này ngày càng bất ổn với xu hướng phát triển khó dự đoán trước. Khi người dân khu vực này đòi tự do và dân chủ, phương Tây đã nhanh chóng can thiệp, phản bội những “người bạn cũ” như Ben Ali ở Tuynidi, Mubarak ở Ai Cập, Saleh ở Yêmen. Sau đó, các nền dân chủ thế tục đã nắm quyền cai trị tại các quốc gia này bằng các phần tử cấp tiến, đàn áp tất cả các giá trị của nền dân chủ, đẩy các quốc gia vào tình trạng hỗn loạn với các chính phủ yếu kém như ở Libi. Sau những biến động chính trị, Libi ngày càng trở nên hỗn loạn và chính quyền không kiểm soát được tình hình hiện nay. Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với phe đối lập tại Xyri khi các phần tử khủng bố đang gia tăng trong phe này. Nhật báo “Die Welt” của Đức cho biết có khoảng 5% thành viên trong Quân đội Xyri Tự do là những kẻ khủng bố vũ trang và 95% số này đến từ các nước châu Phi để tham gia cuộc thánh chiến tại Xyri đang được nhiều nước vùng Vịnh và Arập hậu thuẫn. Tổng thống Mỹ cũng vừa thông qua quyết định viện trợ quân sự cho phe đối lập tại Xyri. Nếu các phần tử cực đoan giành thắng lợi tại Xyri, việc đầu tiên chúng làm sẽ là áp dụng luật Hồi giáo Sharia, điều khiến nước Pháp đã phải triển khai quân đội để can thiệp vào miền Bắc Mali. Ngoài ra, các phần tử cực đoan sẽ đàn áp những người theo Thiên Chúa giáo, các sắc tộc thiểu số, phát động chiến tranh với Ixraen, lôi kéo Libăng vào cuộc xung đột khu vực, khi đó ngọn lửa chiến tranh sẽ lan rộng. Và rồi một ngày nào đó, ở một nơi nào đó tại nước Mỹ hoặc châu Âu sẽ có hành động khủng bố của những kẻ có liên quan đến cuộc chiến tại Xyri. Hành động này sẽ lặp lại như vụ đánh bom tại Boston (Mỹ), được thực hiện bởi những kẻ khủng bố người Chesnia mà Mỹ và phương Tây đã ra sức bảo vệ như những chiến binh đấu tranh cho tự do trong những thập niên 1990. Hiện nay, các chiến binh này vẫn được Mỹ và phương Tây hỗ trợ. Thúc đẩy tự do và cải cách dân chủ sẽ không có ý nghĩa nếu Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các phần tử khủng bố để đạt được các mục đích riêng của mình. Rất có thể các phần tử khủng bố sẽ sử dụng chính vũ khí được trang bị để chống lại những người tài tài trợ và các đồng minh một cách nhanh chóng khi có được nó. Thực tế đã chứng minh Mỹ và phương Tây đang phải gánh chịu những hậu quả từ chính những “chiến sĩ đấu tranh cho tự do” mà họ từng nuôi dưỡng. Điều rõ ràng là giờ đây “Mùa Xuân Arập” đã vượt qua biên giới các nước Arập và vẫn tiếp tục lan rộng tác động đến các khu vực khác như mọi người đã từng biết.