Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

66. TPP, Abenomics và chính sách xoay trục qua châu Á của Mỹ

Việc Nhật Bản tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ giữa Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương trong thập kỷ qua. Không có một Nhật Bản hồi sinh kinh tế, châu Á sẽ ngày càng bị hút ra khỏi Mỹ và rơi vào quỹ đạo kinh tế-chiến lược của Trung Quốc. 
Ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay xuất phát chủ yếu từ kinh tế. Trong khi đó, Mỹ hiện có tương đối ít đòn bẩy kinh tế trong trục châu Á của mình, với một vài hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết với những nước thân cận như Ôxtrâylia, Xinhgapo và Hàn Quốc. Thay vào đó, Mỹ tập trung chủ yếu vào các nỗ lực chính trị và quân sự, chẳng hạn cải thiện quan hệ với Việt Nam hoặc triển khai bổ sung các nguồn phòng thủ tên lửa đạn đạo khu vực. 
Một khi được thực hiện, TPP - có sự tham gia của Nhật Bản - sẽ lấp đầy khoảng trống kinh tế trong chính sách châu Á của Mỹ bằng cách gia tăng luồng thương mại giữa các thành viên, khiến họ bớt phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc và tăng vị thế kinh tế với nước láng giềng khổng lồ này. Quan trọng hơn là sự tham gia của Nhật Bản, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất châu Á trong TPP, sẽ làm tăng gấp bội ảnh hưởng về kinh tế của hiệp định này. Nó cũng đưa Mỹ trở lại cuộc chơi thương mại tự do. TPP cũng sẽ bổ sung các mối quan hệ an ninh của Oasinhtơn, bởi các nước thành viên chủ yếu là đồng minh quân sự thân cận của Mỹ với những quan ngại chung về sự phô trương quân sự hiếu chiến của Trung Quốc. 
Chiến lược của Mỹ ở châu Á phụ thuộc vào sự hồi sinh của nền kinh tế Nhật Bản, mà nền kinh tế này sẽ phụ thuộc vào chương trình kinh tế ba mũi nhọn của ông Abe (hay còn gọi là Abenomics). Hai thành tố đầu tiên của Abenomics là tài chính và tiền tệ, đã được thực hiện và dự kiến tiếp diễn trong tương lai gần. Ông Abe dự kiến tiến hành cải cách cấu trúc trong nước để đánh thức nền kinh tế Nhật Bản sau giấc ngủ vùi suốt hai thập kỷ. 
Về mặt chính trị, ông Abe dựa vào các cuộc đàm phán TPP như một phương tiện để lèo lái chương trình cải cách. Nguyên tắc trung tâm của chương trình này là cải thiện tính cạnh tranh và giành lại lợi thế xuất khẩu cho Nhật Bản. TPP sẽ dẫn đến chi phí thấp hơn cho hàng hóa nhập khẩu, tăng cường sự tiếp cận khu vực của các nhà xuất khẩu Nhật Bản và giảm sự phụ thuộc thương mại của Nhật Bản vào Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi những sáng kiến (hiện vẫn đang được tranh cãi ở trong nước) phải được thông qua như tăng tỷ lệ thuế tiêu thụ, nâng sự tham gia của lực lượng lao động, giảm giá điện, và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài. 
Thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Abe là việc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan của Nhật Bản đối với những mặt hàng chủ lực như gạo, do khu vực cử tri nông thôn đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và sự phản đối tiềm tàng trong nội bộ đảng. Chính vì thế, không mấy ngạc nhiên khi ông Abe tuyên bố bảo hộ một phần khu vực nông nghiệp quan trọng để thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ những chính sách còn lại trong chương trình cải cách. 
Chính trường Nhật Bản sẽ ngày càng có vai trò xác định sự thành công của TPP. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và đồng minh, trong khi thừa nhận những lợi ích kinh tế quốc gia riêng, cần ủng hộ chương trình cải cách của ông Abe. Nhật Bản cần được phép chậm giảm thuế quan nông nghiệp trong thời gian dài, để vừa khuyến khích cải cách nông nghiệp dài hạn ở trong nước, vừa ngăn chặn sự phản đối trong LDP, nhân tố có thể đặt dấu chấm hết cho sự tham gia TPP của Nhật Bản. 
Sự thất bại của Abenomics có thể tạo ra nguy cơ bất ổn toàn cầu nghiêm trọng. Nếu ông Abe thất bại ở trong nước, cải cách cơ cấu sẽ bị trì hoãn. Có hai kịch bản đáng lo ngại và đều tồi tệ đối với Nhật Bản và các nước. Thứ nhất, nếu không thực hiện được cải cách, chương trình nới lỏng tiền tệ lớn của ông Abe cùng với gói kích thích thâm hụt mạnh mẽ có thể dẫn đến lạm phát đình trệ - sự kết hợp tồi tệ giữa lạm phát cao, kìm hãm tăng trưởng và thất nghiệp tăng. Thứ hai, do gánh nặng nợ nần khổng lồ của Nhật Bản ở mức 230% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), việc chỉ tăng 2% lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản sẽ nâng chi phí dịch vụ nợ lên mức 100% ngân sách chính phủ. Kịch bản này là thực sự có thể xảy ra do tình trạng thâm hụt thương mại cùng tăng trưởng yếu kéo dài của Nhật Bản. Trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tình trạng bán tháo trái phiếu Nhật Bản của các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước. 
Tất cả những kịch bản đó đều gây hậu quả tệ hại là đẩy Nhật Bản đến tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng, nhấn chìm cuộc đàm phán TPP. Tồi tệ hơn là một Nhật Bản tuyệt vọng về kinh tế có thể chuyển hướng theo con đường dân tộc chủ nghĩa độc hại, và trớ trêu là đẩy nước này vào vòng tay của Trung Quốc cũng như phá hủy chiến lược châu Á của Mỹ.
Theo “The Diplomat
Thuỳ Anh(gt)