THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Hai, ngày 29/7/1013
TTXVN (New York 25/7)
“Tạp chí Chính trị Thế giới”
của Mỹ ngày 1/7 cho biết các phương tiện truyền thông chính thức ở
Trung Quốc đã và đang khuyếch trương “nền ngoại giao kỷ nguyên mới” của
đội ngũ lãnh đạo mới sau Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 12
(NPC) tháng 3/2013.
Tờ “Nhân dân Nhật báo” của Đảng Cộng sản Trung
Quốc ngày 25/5 khẳng định rõ ràng các lãnh đạo Trung Quốc đang tuyên bố
với cộng đồng quốc tế rằng chính phủ chứ không phải Đảng Cộng sản Trung
Quốc sẽ thực hiện chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nhưng ai cũng
biết, Chính phủ Trung Quốc nằm dưới sự lãnh đạo và kiểm soát của Ban
chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đảng sẽ
quyết định chính sách đối ngoại, còn Chính phủ là cơ quan thực hiện. Tất
nhiên, Chính phủ mới của Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập
Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, đang thể hiện một cách tiếp cận
mới. Họ rất lạc quan với các đối tác nước ngoài và có xu hướng sử dụng
cả tiếng Anh trong các cuộc tiếp xúc. Các bà vợ của hai nhà lãnh đạo
cũng vượt ra ngoài khuôn khổ những quy định truyền thống của Đảng. Đây
là một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang hướng tới xu
hướng toàn cầu về hoạt động ngoại giao, xã hội và lãnh đạo. Vợ Chủ tịch
Tập Cận Bình là một ca sĩ nhạc dân gian nổi tiếng và là một Thiếu Tướng
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Trong khi đó, vợ ông Lý Khắc
Cường là một chuyên gia tiếng Anh đã dịch một số cuốn sách từ tiếng Anh
sang tiếng Trung Quốc. Hãng tin Tân Hoa ngày 14/5 khẳng định: “Từ chuyến
thăm Nga và 3 nước châu Phi cuối tháng 3/2013 của ông Tập Cận Bình đến
chuyến thăm Ấn Độ, Pakixtan, Thụy Sĩ và Đức cuối tháng 5 và tháng 6/2013
của Thủ tướng Lý Khắc Cường đều thể hiện chiến lược ngoại giao mới,
trong đó khẳng định với thế giới rằng Trung Quốc cam kết phát triển hòa
bình”. Nhiều bài báo khác xác định nền ngoại giao “mới” của Trung Quốc
coi sự phát triển của nước khác là một “cơ hội” chứ không phải “mối đe
dọa”. Nói cách khác, một số quốc gia như Mỹ, các đồng minh và bạn bè mới
của Mỹ không nên chống lại sự phát triển của Trung Quốc bằng chính sách
ngăn chặn và đối đầu mà bằng cách tiếp cận được Trung Quốc gọi là cơ
hội cùng có lợi. “Cuộc cách mạng” hay đúng hơn là “phục hưng” nền ngoại
giao của Trung Quốc, như các nhà lãnh đạo mới có thể thích gọi như vậy,
được đánh dấu bởi hai chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận
Bình và Lý Khắc Cường trên cương vị mới đã được chuẩn bị kỹ nhằm đạí
được những mục đích nhất định. Chủ tịch Tập Cận Bình đến Nga đầu tiên,
sau đó Tandania, Nam Phi và Cộng hòa Cônggô. Thủ tướng Lý Khắc Cường
chọn Ấn Độ là điểm dừng chân đầu tiên, sau đó tiếp tục đến thăm Pakixtan
và các nước châu Âu gồm Thụy Sĩ và Đức.
Trước hết, lòng tin giữa Nga và Trung Quốc đang ở
mức độ thấp. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Trung Quốc đã lợi dụng Nga cả
về kinh tế và công nghệ, đặc biệt là công nghệ quân sự. Trong những năm
1990, hơn 4.000 nhà khoa học quân sự cấp cao và kỹ sư Nga làm việc trong
tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc, bởi vì họ không có việc làm ở
trong nước. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, quan
trọng đối với Nga. Đồng thời, cuộc xung đột của Nga với phương Tây, đặc
biệt với Mỹ, là lợi thế cho Trung Quốc, về cơ bản Trung Quốc nỗ lực sử
dụng Nga để chống lại chính sách trở lại châu Á của Mỹ. Trung Quốc cũng
tìm cách thuyết phục và ngăn chặn mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga
với Việt Nam trên lĩnh vực chuyển giao quân sự. Cải thiện mối quan hệ
Nga-Nhật Bản đi ngược lại các lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Các
nguồn dầu khí của Nga có thể thúc đẩy khả năng năng lượng của Trung
Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục duy trì mối quan hệ ngày
càng tăng với Trung Quốc. Nhưng các phương tiện truyền thông Trung Quốc
ca ngợi mối quan hệ Trung Quốc-Nga nhiều hơn các phương tiện truyền
thông Nga. Gần hai thập kỷ qua, việc Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc
vẫn chưa đi đến một thỏa thuận ràng buộc do vấn đề giá cả. Nhưng Nga
cũng là một cường quốc. Công nghệ quân sự của Nga đi trước Trung Quốc ít
nhất 3 thập kỷ. Việc Trung Quốc sao chép các thiết bị quân sự của Nga
như máy bay SU- 27, khiến Nga tức giận và ngừng chuyển giao công nghệ
cho Trung Quốc. Nhưng hai nước có mối quan tâm chung trong việc kìm chân
Mỹ tại Vùng Vịnh. Khác các tổng thống tiền nhiệm, Tổng thống Putin là
một nhà lãnh đạo có đầu óc dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, có tầm nhìn và
chiến lược độc lập. Nhưng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, khi sự
phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và việc Bắc Kinh áp đặt quan điểm
trong một số trường hợp đã ảnh hưởng đến trật tự thế giới cũ, Trung Quốc
và Nga nhận thấy cần hợp tác chiến lược trên một số lĩnh vực, ông Tập
Cận Bình đã đạt được điều này với ông Putin bất chấp các bất đồng khác
giữa hai bên.
Do cuộc chạy đua hướng tới vị thế cường quốc của
Trung Quốc đang được thúc đẩy, Trung Quốc phải tiếp tục phát triển. Để
duy trì tăng trưởng, đặc biệt tốc độ tăng trưởng công nghiệp, Trung Quốc
cần nhiều dầu lửa, khí đốt tự nhiên, nguyên liệu thô và các thị trường
mới ở nước ngoài để tiêu thụ hàng hóa và tạo công ăn việc làm cho người
Trung Quốc ở nước ngoài. Lục địa châu Phi là mảnh đất hứa có thể đáp ứng
nhu cầu đó của Trung Quốc. Trung Quốc được coi là một nước đang phát
triển, một nước ủng hộ hay là nhà lãnh đạo của thế giới kém phát triển
cũng như đang phát triển và phản đối sự bóc lột của chủ nghĩa thực dân.
Các phương tiện truyền thông cho biết Trung Quốc đã thành lập một quỹ
châu Phi trị giá 100 tỷ USD. Vấn đề là quỹ này đang được sử dụng như thế
nào. Thực tế, các nhà kinh doanh Trung Quốc đang bóc lột người dân châu
Phi thông qua hối lộ các quan chức cấp cao đồng thời chà đạp lên công
nhân. Gần đây, công chúng châu Phi có nhiều phản ứng quyết liệt, do đó
Chính phủ Trung Quốc buộc phải quan tâm và ra lệnh các công ty nhanh
chóng khắc phục tình trạng đó bằng cách chi tiền cho các dự án an sinh
xã hội. Và chuyển công du châu Phi của ông Tập Cận Bình đã thực hiện
chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc. Ngoài ra các quan chức Trung
Quốc còn đến thăm hàng loạt nước khác nhau ở châu Phi, đặc biệt các nước
sản xuất dầu khí và có nhiều bến cảng ở bờ biển phía Đông. Nhưng việc
Trung Quốc thâm nhập các nước châu Phi đang đối mặt với một thách thức
mạnh mẽ từ các nước đối tác phương Tây truyền thống ở châu Phi. Nước
láng giềng của Trung Quốc là Ấn Độ bất ngờ nổi lên như một tâm điểm chú
ý. Sau chuyến thăm Bắc Kinh năm 1988 của cố Thủ tướng Ân Độ Rajiv
Gandhi, quan hệ Ấn-Trung đã và đang được cải thiện, mặc dù có nhiều trục
trặc, vấn đề phức tạp nhất giữa hai nước là tranh chấp biên giới chưa
được giải quyết. Các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước bắt đầu năm
1993, trong đó có chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Narasimha Rao dẫn
đến một loạt thỏa thuận bao gồm các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm ổn
định tình hình biên giới trên bộ. Nhưng ở thời điểm này hai bên đạt
được tiến bộ rất chậm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Lý
Khắc Cường đã thông qua một chiến lược mới đối với Ấn Độ. Tại Hội nghị
thượng đỉnh BRIC ở Durban cuối tháng 4/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình thông
báo với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh rằng Trung Quốc rất quan tâm tới
chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tại sao đề nghị này lại
do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra là một câu hỏi quan trọng, bởi vì đây
chỉ là chuyến thăm đáp lại chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Án Độ
theo thỏa thuận trao đổi cấp cao song phương. Một câu hỏi khác mà hai
bên vẫn chưa trả lởi là tại sao một trung đội Trung Quốc quyết định xâm
nhập khu vực biên giới của Ấn Độ ở khu vực phía Tây ngày 15/4, khi
chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Lý Khắc Cường được dự kiến trong tuần
thứ 3 của tháng 5/2013. Các binh sĩ quân đội Trung Quốc tiếp tục ở vị
trí chiếm đóng 3 tuần khi lực lượng quân đội Ấn Độ được điều động đến để
chống lại họ. Lực lượng của hai bên không nổ súng và sau đó phía Trung
Quốc đã rút khỏi khu vực.
Vậy tại sao phía Trung Quốc xâm nhập và khiêu
khích Ấn Độ? Phải chăng đó chỉ là một hành động để thiết lập tuyên bố
chủ quyền lãnh thổ cho tương lai? Phải chăng các quan chức chỉ huy quân
đội Trung Quốc bất đồng với các ông chủ chính trị của họ về việc cải
thiện quan hệ với Ấn Độ? Hoặc đây cũng là một quan điểm đã được các lãnh
đạo hàng đầu của Trung Quốc xem xét và ủng hộ để đánh tiếng với Ấn Độ
rằng Trung Quốc quyết định đẩy nhanh các cuộc đàm phán biên giới và thúc
đẩy Hiệp định Quản lý Biên giới như Trung Quốc đề nghị nhằm ngăn chặn
việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của Ấn Độ dọc biên giới mặc dù Trung
Quốc đã hoàn thành các công trình của họ? Hoặc phải chăng đó là dấu
hiệu cho thấy vấn đề biên giới sẽ phải được giải quyết theo điều kiện
của Trung Quốc? Mục đích chủ yếu trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng
Lý Khắc Cường là giới thiệu phong cách ngoại giao mới của Trung Quốc với
Ấn Độ. Nền ngoại giao mới của Trung Quốc công nhận Ấn Độ là một quốc
gia quan trọng ở châu Á và mong muốn Ấn Độ hợp tác với Trung Quốc về các
vấn đề cốt lõi như: tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, tuyên bố chủ
quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Nhưng Ấn Độ không đồng hành với Trung
Quốc và chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Manmohan Singh đã khẳng định
điều đó. Ấn Độ gần như không nhận được cam kết nào từ chuyến thăm của
Thủ tướng Lý Khắc Cường và tránh xa các lợi ích cốt lõi mà Trung Quốc
đưa ra. Ngược lại ông Lý Khắc Cường cùng không đả động đến tư cách thành
viên mở rộng của Ấn Độ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tư cách
thành viên của Ấn Độ trong Nhóm Các Nước cung cấp Hạt nhân (NSG) hoặc
hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Kashmir bị Pakixtan chiếm đóng (POK).
Tại Pakixtan, ông Lý Khắc Cường cho biết các mỗi quan ngại của Ấn Độ về
Pakixtan không gây ấn tượng với Trung Quốc.
Thực tế, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Pakixtan ngày
càng tăng. Trong thời gian Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đang ở thăm
Nhật Bản, Trung Quốc đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác chiến lược rãi
rộng với Xri Lanca. Bắc Kinh cũng tăng cường can dự tình hình chính trị
nội bộ của Nêpan. Về cơ bản, thái độ chiến lược của Trung Quốc đối với
Ấn Độ vẫn không thay đổi.
Chìa khóa bảo đảm sự ổn định của châu Á phần lớn
sẽ phụ thuộc vào việc mối quan hệ Mỹ-Trung phát triển thế nào trong thời
gian còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Dường như nhiệm
kỳ thứ nhất và thứ hai của Tổng thống Obama có sự khác biệt quan trọng.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama, Ngoại trưởng Mỹ là bà Hillary
Clinton. Mặc dù tuyên bố Trung Quốc là chủ nợ của Mỹ và khó có thể giao
chiến với chủ nợ, nhưng Ngoại trưởng Clinton dứt khoát bác bỏ các nỗ lực
của Trung Quốc nhằm thuyết phục Mỹ ủng hộ vấn đề chủ quyền của Trung
Quốc ở Biển Đông và nhiều vấn đề khác. Trung Quốc hoan nghênh Chính
quyền Obama bổ nhiệm ông John Kerry giữ chức Ngoại trưởng thay thế bà
Hillary Clinton. Bắc Kinh coi ông Kerry là một người ủng hộ sự không can
dự quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và chú trọng hơn đến châu Âu
và Trung Đông. Thực tế, ông Kerry chưa hề tuyên bố về chính sách trở
lại châu Á của Mỹ – một chính sách thách thức vị thế bá chủ khu vực châu
Á- Thái Bình Dương của Trung Quốc. Quan điểm chủ quyền mạnh mẽ của
Trung Quốc về các hòn đảo trên biển Đông – nơi một số nước khác cũng
tuyên chủ quyền, các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và tuân thủ Công
ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) là những thách thức lớn đối với
an ninh và ổn định của khu vực cũng như các nước sử dụng những tuyến
đường hàng hải trong khu vực. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack
Obama đã có cuộc gặp thượng đỉnh ngày 7-8/6 tại California, nhưng không
đạt kết quả quan trọng như dự kiến. Chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình
được bắt đầu sau chuyến thăm Nga – nơi ông nói về mối quan hệ “nước
lớn”. Chuyến thăm Mỹ của ông cũng được thực hiện trên cơ sở mối quan hệ
“nước lớn”. Hai vấn đề quan trọng nổi lên từ cuộc gặp thượng đỉnh Tập
Cận Bình-Obama là Trung Quốc cho rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lợi
ích “cốt lối” của Trung Quốc. Ngược lại, ông Obama cảnh báo ông Tập Cận
Bình rằng Mỹ sẽ ủng hộ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra một cuộc xung
đột về Senkaku. Bên cạnh đó, Mỹ cũng ép Nhật Bản không làm leo thang
xung đột với Trung Quốc, không khiêu khích Trung Quốc và Hàn Quốc về các
vấn đề lịch sử. Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản dường như chấp nhận các đề
nghị của Mỹ. Nhưng rõ ràng, Nhật Bản vẫn là trọng tâm trong chính sách
trở lại châu Á của Mỹ. Thỏa thuận quân sự Mỹ-Philíppin đã được tăng
cường, quan hệ Mỹ-Xinhgapo được nâng cấp và các nước khác trong khu vực,
kể cả Việt Nam, đang nhận được sự chú ý nhiều hơn của Washington. Thực
tế, một cuộc xung đột quân sự trong khu vực sẽ không có lợi cho bất cứ
nước nào. Trong tình huống xảy ra xung đột, các lợi ích chiến lược có
thể bị tổn thất. Trung Quốc có thể nhận thức được điều đó. Hiện nay,
Trung Quốc là một cường quốc quân sự, nhưng Bắc Kinh có thể sử dụng loại
vũ khí nào trong một cuộc xung đột khu vực? Trong cuộc chiến tranh
thông thường, quân đội Trung Quốc chuẩn bị rất kém. Vì vậy Bắc Kinh đang
lôi kéo Việt Nam.
Theo quan điểm của Ấn Độ, các mối quan hệ mới
giữa Trung Quốc và Mỹ và tác động của nó đối với Nam Á và Ấn Độ Dương
vẫn chưa rõ ràng. Nhưng chính phủ Ấn Độ và cộng đồng chiến lược không
thể quên hai vấn đề. Do hậu quả của các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn
Độ tháng 5/1998, cuối năm 1998 Tổng thống Bill Clinton đến thăm Trung
Quốc và đề nghị Bắc Kinh tăng cường giám sát Nam Á. Đầu tiên, đề nghị
này chỉ được tiết lộ với Tân Hoa Xã. Trong chuyến thăm Trung Quốc nhiệm
kỳ đầu, Tổng thống Obama đề nghị thành lập mối quan hệ G-2 với Trung
Quốc cũng như quản lý Nam Á. Nhưng hai Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ
Cẩm Đào đều lảng tránh trách nhiệm như vậy. Dưới sự lãnh đạo của Chủ
tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, nền ngoại giao của Trung
Quốc tham vọng và quyết đoán hơn nhiều. Sau năm 1998 và thỏa thuận hạt
nhân Ấn Độ-Mỹ, Trung Quốc công khai bày tỏ lo ngại về mối quan hệ hợp
tác quân sự Ấn Độ-Mỹ, đặc biệt các cuộc diễn tập của lục quân/hải quân
hai nước, vấn đề chuyển giao công nghệ cao của Mỹ cho Ấn Độ và giúp đỡ
hải quân Ấn Độ tăng cường khả năng ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc cảm thấy an
ninh hàng hải của Ấn Độ tại hai quần đảo Andamans và Nicobar ở Ấn Độ
Dương có thể đe dọa Eo biển Malacca. Ngoài ra, Trung Quốc nghi ngờ các
cuộc diễn tập của hải quân Ấn Độ với các nước Đông Nam Á. Trung Quốc đã
đưa ra tất cả các vấn đề đó với Mỹ ở các cấp khác nhau. Mặc dù chính
quyền Obama mô tả Ấn Độ như một trọng điểm của chính sách châu Á của Mỹ
dưới sự lãnh đạo Obama-Hillary Clinton, nhưng liệu chính sách đó sẽ tiếp
tục dưới sự lãnh đạo của Obama- Kerry?
Ấn Độ cũng phải xác định chính sách đối ngoại lớn
hơn của nước này. Các phương tiện truyền thông của Ấn Độ cho biết dường
như các nhà lãnh đạo vẫn không muốn làm Trung Quốc khó chịu. Đây là một
suy nghĩ vô lý không những hiện nay mà cả trong quá khứ. Vấn đề không
phải làm Trung Quốc khó chịu mà là thiết lập lợi ích của Ấn Độ. Nếu
không Ấn Độ sẽ được mô tả như một “kẻ luôn thua cuộc” và thất bại trước
chính sách ngoại giao kỷ nguyên mới của Trung Quốc.
*
* *
Tài liệu ra mới đây của viện “Jamestown
Foundation” của Mỹ nhận định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo
đuổi một chính sách ngoại giao toàn diện và đầy tham vọng. Bản chất của
nền ngoại mới là coi trọng quan hệ với các cường quốc; ưu tiên quan hệ
với các nước láng giềng; mở rộng quan hệ với các nước đang phát triển;
và cơ sở quan trọng nhằm thúc đẩy nền ngoại giao mới là các nghĩa vụ đa
phương của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình, đứng đầu Nhóm Chính sách Đối
ngoại Hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã xem xét lại toàn
bộ tuyên bố và đường lối đối ngoại của cố Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu
Bình. Thực tế, Trung Quốc chuẩn bị vượt Mỹ trở thành một nền kinh tế
lớn nhất thế giới trong thập kỷ này, do đó ông Tập Cận Bình đang tìm
kiếm “một kiểu quan hệ cường quốc mới” với các siêu cường. Trung Quốc
đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự mạnh mẽ để giành được tiếng nói
lớn hơn trong trật tự toàn cầu. Những phát triển đó cùng với quyết tâm
trở thành một “cường quốc biển” của Bắc Kinh sẽ hình thành chính sách
của Trung Quốc trong các tranh chấp Biển Đông. Biểu hiện đầu tiên về
chính sách đối ngoại quyết đoán của Trung Quốc là Bắc Kinh thường xuyên
phối hợp hành động với các nước trên toàn cầu. Từ khi ông Tập Cận Bình
và ông Lý Khắc Cường trở thành Chủ tịch nước và Thủ tướng Trung Quốc vào
tháng 3/2013, các quan chức trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc
đã đến thăm hơn ¼ tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc. Ông Tập
Cận Bình đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị
đứng đầu nhà nước đến Nga và châu Phi chỉ sau 2 tuần trở thành Chủ tịch
nước. Tiếp đó, ông Tập Cận Bình đến các nước Mỹ Latinh và Mỹ chỉ sau 2
tháng kết thúc chuyến công du đầu tiên. Cũng như các chủ tịch Trung Quốc
tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình nhận thấy mối quan hệ với Mỹ rất quan
trọng đối với nền ngoại giao toàn diện của Trung Quốc. Mặc dù ông Đặng
Tiểu Bình đề nghị Bắc Kinh nên “tránh đối đầu” với siêu cường Mỹ, nhưng
ông Tập Cận Bình lại muốn mối quan hệ “cho và nhận” với Mỹ trên cơ sở
bình đẳng. “Kiểu Quan hệ Cường quốc Mới ” của Bắc Kinh được thể hiện rõ
trong cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức giữa ông Tập Cận Bình và
Tổng thống Barack Obama đầu tháng 6/2013. Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết
Trì trích phát biểu của ông Tập Cận Bình với Tổng thống Obama rằng “Kiểu
Quan hệ Cường quốc Mới” gồm ba yếu tố: Thứ nhất, quản lý thích hợp các
mâu thuẫn và khác biệt thông qua đối thoại và hợp tác chứ không đối
đầu”; Thứ hai, hai nước nên tôn trọng chế độ xã hội và con đường phát
triển của nhau; Thứ ba, hai nước nên theo đuổi các kịch bản cùng thắng
và làm sâu sắc hơn nữa các lĩnh vực cùng quan tâm. Do lo ngại chiến lược
tái cân bằng châu Á của Chính quyền Obama, Bắc Kinh hy vọng “Kiểu Quan
hệ Cường quốc Mới” sẽ giúp thay đổi động cơ của mối quan hệ song phương.
Nhưng nhận thấy Mỹ và các nước khác hoặc các khối trong liên minh
phương Tây như Liên minh châu Âu không sẵn sàng giải quyết những bất
đồng với Trung Quốc trên tinh thần cùng thắng, 6 tháng qua Bắc Kinh
khẳng định Trung Quốc không hề hổ thẹn khi sử dụng chiến thuật cứng rắn
trong các tuyên bố và hành động. Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao vào tháng
4/2013, ông Tập Cận Bình công khai chỉ trích một nước nào đó “gây rối
loạn cho một khu vực và thậm chí cả thế giới vì lợi ích riêng của nước
đó”. Quốc gia mà ông Tập Cận Bình ám chỉ rất có khả năng là Mỹ. Một
tháng sau, tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cảnh báo
Washington không được ủng hộ Nhật Bản trong các tranh chấp chủ quyền với
Trung Quốc ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ngoài ra, trong chuyến thăm Đức
gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng làm cho nước chủ nhà ngạc nhiên
khi ông ta thường sử dụng những từ ngừ mạnh mẽ để chỉ trích những người
theo chủ nghĩa bảo hộ ở châu Âu ủng hộ các loại thuế trừng phạt các sản
phẩm tấm pin năng lượng mặt trời và thiết bị viễn thông của Trung Quốc.
Ông Lý Khắc Cường cảnh báo những người theo chủ nghĩa bảo hộ đó ở châu
Âu chắc chắn sẽ đi vào con đường diệt vong. Bắc Kinh đưa ra nhiều tuyên
bố cùng với thúc đẩy sức mạnh cứng khi Bắc Kinh đang nắm và sử dụng các
con bài quân sự và kinh tế để thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao của Trung
Quốc.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông Tập Cận
Bình khi trở thành Chủ tịch Quân uỷ Trung ương cuối tháng 11/2012 là
chỉ thị tất cả các đơn vị quân đội Trung Quốc “sẵn sàng chiến đấu và
đánh thắng các cuộc chiến tranh”. So với những người tiền nhiệm như cựu
Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình sẵn sàng sử
dụng sức mạnh quân sự mạnh hơn để ép các đối thủ. Ngoài cam kết cung cấp
đầy đủ các nguồn lực để xây dựng các loại vũ khí hiện đại, ông Tập Cận
Bình đã ký một hợp đồng trị giá 3,5 tỷ USD mua các loại tàu ngầm và máy
bay chiến đấu của Nga trong chuyến thăm Mátxcơva hồi tháng 3/2013. Đây
là thỏa thuận mua vũ khí do Nga sản xuất lớn nhất của Trung Quốc trong
thập kỷ. Vừa qua Chính phủ Trung Quốc liên tục triển khai các tài sản
của lực lượng cảnh sát biển ở khu vực gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku để
khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Quân
Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng thường xuyên tổ chức diễn tập ở
biển Hoa Đông và Biển Đông, kể cả các cuộc diễn tập liên quan đến lực
lượng của tất cả 3 hạm đội lớn của hải quân Trung Quốc. Trung Quốc, có
tổng kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới và nhà đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) lớn thứ 5 trên thế giới, cũng đang triển khai mạnh mẽ con
bài kinh tế. Tại Diễn đàn Bác Ngao, ông Tập Cận Bình tuyên bố trước các
nhà lãnh đạo thế giới rằng Trung Quốc sẽ nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ
trị giá 10 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới. Và FDI của Trung Quốc sẽ tăng
lên 300 tỷ USD cùng kỳ. Đó là sức mạnh kinh tế cho phép Trung Quốc nâng
cao sức mạnh quốc gia – nhưng sức mạnh quân sự có lẽ giảm trong thời
gian trước mắt. Một trong nhũng lý do giải thích tại sao EU có thể có tư
tưởng trừng phạt Trung Quốc bán phá giá các loại sản phẩm là FDI của
Trung Quốc tăng mạnh ở châu Âu. Năm 2012, các công ty Trung Quốc đầu tư
12,6 tỷ USD ở EU, tăng 21% so với năm 2011. Các hoạt động kinh doanh
khác nhau của Trung Quốc tại Mỹ Latinh là cơ sở để một số nhà phân tích
khẳng định Trung Quốc đang triển khai “Chiến lược Trở lại Sân sau của
Mỹ”. Không phải bỗng nhiên ông Tập Cận Bình đến thăm 3 nước Mỹ Latinh
trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức với Tổng thống Obama.
Trong chuyến thăm Mêhicô, ông Tập Cận Bình đã nâng cấp quan hệ của
Trung Quốc với nước chủ nhà lên mức “quan hệ đối tác chiến lược toàn
diện”. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mêhicô sau Mỹ.
Nền ngoại giao quyết đoán mới của Bắc Kinh có lẽ được thể hiện rõ nhất
đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Tăng cường hoạt động của
Trung Quốc ở khu vực biển 1,35 triệu dặm vuông rất quan trọng cho tham
vọng trở thành một “cường quốc biển”. Mặc dù chính cựu Chủ tịch Hồ Cẩm
Đào là người đầu tiên nhắc đến giấc mơ của Trung Quốc trở thành một
cường quốc biển, nhưng ông Tập Cận Bình sẽ là nhà lãnh đạo biến “Giấc
mộng Trung Hoa” thành hiện thực. Tăng cường sức mạnh trên biển của Trung
Quốc là chủ đề trong chuyến thăm của ôna Tập Cận Bình tại một căn cứ
hải quân trên đảo Hải Nam vào tháng 4/2013. Ông Tập Cận Bình nhắc nhở
các quân nhân Trung Quốc rằng một trong những trách nhiệm của họ là bảo
vệ Biển Đông và ghi nhớ các mục tiêu của Đảng để củng cố quân đội trong
những hoàn cảnh mới. Ông Tập Cận Bình nói: “Chúng ta phải tin tưởng vững
chắc vào sự nghiệp xây dựng quân đội hùng mạnh. Chúng ta phải cống hiến
bản thân cho một quân đội hùng mạnh”. Các tướng lĩnh của quân đội Trung
Quốc ở tuyến trước có khả năng được phép sử dụng vũ lực để thực hiện
tham vọng đại dương của Trung Quốc. Như Trung Tướng Wang Sentai, Phó
Chính ủy của Hải quân Trung Quốc, tuyên bố: “Trung Quốc là một cường
quốc biển, nhưng chưa phải một cường quốc biển mạnh. Lịch sử nói với
chúng ta rằng khi nào lực lượng hải quân của chúng ta còn yếu, đất nước
của chúng ta còn có xu hướng đi xuống và khi hải quân mạnh, đất nước của
chúng ta sẽ phát triển”. Thiếu tướng Luo Yuan, một bình luận viên cứng
rắn của PLA, nhắc lại rằng Bắc Kinh có thể xem xét lựa chọn quân sự
chống Philíppin. Tướng Lou khẳng định: “Quân đội Philíppin là một trong
những quân đội yếu kém nhất ở châu Á. Nếu Philíppin tấn công 1cm, chúng
ta sẽ trả đũa bằng cách tấn công 1m. Biển Đông sẽ trở thành một biển hòa
bình sau khi chúng ta lấy lại 8 hòn đảo mà Philíppin chiếm đóng trái
phép”. Do Chính quyền Obama quyết định chuyển phần lớn lực lượng hải
quân Mỹ đến khu vực châu Á- Thái Bình Dương vào cuối thập kỷ, Biển Đông
dường như trở thành trung tâm của mọi bất đồng. Như Đại tá Dai Xu, nhà
bình luận quân sự nổi tiếng của Trung Quốc, chỉ rõ: “Biển Đông rất cần
thiết cho chính sách ngăn chặn của Mỹ chống Trung Quốc. Cửa ngõ nối với
đại dương của Trung Quốc có thể bị ngăn chặn bất cứ lúc nào”.
Nhưng Biển Đông cũng có thể là một trong những
đấu trường – nơi quan hệ cho và nhận với Mỹ trong khuôn khổ của “Kiểu
Quan hệ Cường quốc Mới” sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất. Tại cuộc gặp với
Obama, ông Tập Cận Bình nhắc lại những gì đã nói trong chuyến thăm Mỹ
đầu năm 2012 rằng: “Thái Bình Dương đủ rộng để đảm bảo các lợi ích của
Trung Quốc và Mỹ”. Và ông Tập Cận Bình cho biết thêm tại Sunny lands
rằng ông rất quan tâm tới việc “hợp tác với Mỹ ở Thái Bình Dương”. Trước
mắt, ông Tập Cận Bình hy vọng Mỹ sẽ không ngăn chặn các nỗ lực của Bắc
Kinh trong việc đàm phán cách giải quyết với 4 quốc gia đang tranh chấp
lãnh thổ với Trung Quổc ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa gồm: Việt Nam,
Philíppin, Malaixia và Brunây. Ý đồ này của ông Tập Cận Bình được thể
hiện rõ trong chuyến công du Đông Nam Á hồi tháng 5/2013 của Bộ trưởng
Ngoại giao Vương Nghị nhằm thúc đẩy sáng kiến mới về Biển Đông. Ông
Vương tuyên bố với người đồng cấp Inđônêxia rằng: “Chúng ta phải nâng
cao cảnh giác trước những nỗ lực của các lực lượng và các nước gây rối
trong khu vực do các lợi ích riêng của họ”. Các phương tiện truyền thông
Trung Quốc cho biết để đáp lại hành động hạn chế của Mỹ trên mặt trận
Biển Đông, Bắc Kinh có thể sẵn sàng làm hết mình nhằm ngăn chặn các nỗ
lực sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng. Như chuyên gia
quan hệ quốc tế Jin Canrong của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết:
“Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một trong những mối quan tâm
chung giữa Trung Quốc và Mỹ. Hai nước có thể hợp tác để cùng giải quyết
vấn đề”. Đồng thời Bắc Kinh hy vọng “con bài kinh tế” của Trung Quốc có
thể đóng vai trò đáng kể trong việc giải quyết các tranh cãi lãnh thổ
với hai nước Việt Nam và Philíppin. Mặc dù tăng sức ép tâm lý đối với Hà
Nội và Manila, nhưng Bắc Kinh khó có thể ngừng các hoạt động thương mại
và đầu tư ở hai nước. Ngoài ra, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đang
sử dụng chiến thuật vận động cộng đồng kinh doanh của hai nước để
thuyết phục chính phủ áp dụng chính sách linh hoạt hơn với Trung Quốc.
Tương tự, Bắc Kinh đang theo đuổi một chiến thuật chia để trị trên cơ sở
kinh tế để ngăn chặn các nước ASEAN đạt được sự đồng thuận về vấn đề
Biển Đông. Đến giữa năm 2012, tổng đầu tư của Trung Quốc ở các nước
ASEAN đạt 18,8 tỷ USD. Riêng đầu tư trực tiếp trong ASEAN năm 2011 tăng
lên 7 tỷ USD, hơn gấp đôi so với 3,26 tỷ USD năm 2010. Do những con số
đó có vẻ còn khiêm tốn, Trung Quốc dự kiến tăng các khoản đầu tư cao hơn
nữa bằng dự án đường sắt xuyên quốc gia và nhiều dự án đường cao tốc
khác – trong đó chủ yếu tài chính của Trung Quốc – để kết nối với Khu
vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN có hiệu lực trong thời gian còn
lại của thập kỷ này. Và các khoản đầu tư và viện trợ kinh tế của Trung
Quốc tập trung ở các quốc gia khách hàng như Campuchia và Lào cũng như
các nước tương đối trung lập như Thái Lan và Inđônêxia. Tại hội nghị
thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh năm ngoái, rõ ràng các quan chức
Campuchia thân Trung Quốc đã đẩy ASEAN đến chỗ bế tắc trong cách thức
giải quyết các tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Đến giữa năm ngoái,
Bắc Kinh chuyển sang quan điểm tương đối hòa dịu về tranh chấp Biển
Đông. Trong thời gian đến thăm Bangkok, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị
tuyên bố với các phóng viên rằng: “Tăng cường hợp tác với ASEAN là ưu
tiên hàng đầu trong chính sách láng giềng tốt của các nhà lãnh đạo mới ở
Trung Quốc”, ông còn cho biết Bắc Kinh cam kết giải quyết bất đồng với
các thành viên ASEAN “thông qua tham khảo ý kiến thân thiện và hợp tác
cùng có lợi”. Tiếp đó tại Đối thoại Shangri-la ở Xinhgapo hồi đầu tháng
6/2013, Phó Tổng Tham mưu Trưởng PLA Qi Jianguo tái khẳng định Bắc Kinh
sẽ ủng hộ hình thức “tìm cách phát triển chung trong khi gạt vấn đề
tranh chấp chủ quyền sang một bên”. Rõ ràng việc các đối thủ cạnh trạnh
về vấn đề Biển Đông của Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước hàng loạt
đề nghị của Bắc Kinh sẽ là một cuộc thử nghiệm về hiệu quả của nền ngoại
giao mới của Chủ tịch Tập Cận Bình cả trên lĩnh vực hòa giải lẫn đối
đầu.
*
* *
“Tạp chí Á-Âu” gần đây đăng bài viết của
tác giả B.R.Deepak, giáo sư nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc của Trung
tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Đông Nam Á thuộc Đại học Tổng hợp
Jawaharlal Nehru ở New Delhi, trong đó cho biết nhiều người cho rằng
chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh là hành động “ăn
miếng trả miếng” chuyến thăm Pakixtan của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc
Cường.
Các nhà phân tích tại Trung Quốc lại dự đoán việc
tăng thêm ngày thứ ba trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Singh
trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc đang có những căng thẳng biên giới
nhằm chứng tỏ mối quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản có chung các lợi ích chiến
lược. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc biết rằng chủ trương vươn tới Nhật Bản
của Ấn Độ là một bộ phận trong chính sách “Hướng Đông” của Chính quyền
New Delhi, nhưng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng nhận thấy kế hoạch
phát triển ngoại giao của Ấn Độ ở khu vực Đông và Đông Bắc Á, đặc biệt
thúc đẩy mối quan hệ chiến lược với Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, cơ
bản nhằm mục tiêu “ngăn chặn” Trung Quốc. Bắc Kinh cũng cho rằng Ấn Độ
và các nước nói trên đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ và ủng hộ chính sách
trở lại châu Á của Mỹ để kiềm chế sự phát triển ngày càng tăng của Trung
Quốc. Trung Quốc coi các hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ ở các khu
vực trên Biển Đông là thông đồng với Việt Nam để phá hoại chủ quyền của
Trung Quốc trong khu vực, mặc dù lâu nay New Delhi tuyên bố rõ ràng rằng
sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực chủ yếu nhằm mục đích thương mại
và an ninh năng lượng. Tuy nhiên ngôn ngữ trong tuyên bố chung được công
bố cuối chuyến thăm Ấn Độ gần đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc
Cường khẳng định Ấn Độ và Trung Quốc coi nhau như các đối tác vì lợi ích
chung chứ không phải kẻ thù hoặc đối thủ cạnh tranh. Hai bên cam kết có
quan điểm tích cực và ủng hộ tình hữu nghị của nước kia với các nước
khác. Chính Trung Quốc là nước đầu tiên tỏ ra khó chịu trước mối quan hệ
thân thiện của Ấn Độ với Nhật Bản, mặc dù Ấn Độ cũng đang thể hiện nỗi
lo ngại về “tình hữu nghị trong mọi thời tiết” giữa Trung Quốc và
Pakixtan hiện nay và tương lai. Nỗi e ngại của Trung Quốc được thể hiện
rất rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung Quốc. Một số tờ
báo như tờ “Thời báo hoàn cầu” mới đây công bố bài viết của tác giả
Cankao Xiaoxi có nhan đề “Ấn Độ quan hệ thân thiện với Nhật Bản để thoát
khỏi tình thế nguy hiểm”, trong đó nhận định: “Việc hâm nóng quan hệ Ấn
Độ-Nhật Bản là nhằm cạnh tranh với Trung Quốc”; hoặc tờ “Nhân dân Nhật
báo” lên tiếng cảnh báo New Delhi cần chống lại “những kẻ ăn trộm vặt”
và “những kẻ khiêu khích” trong số các nhà hoạt động chính trị Nhật Bản
đang tìm cách chia rẽ mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ.
Trung Quốc nhận rõ hiện nay cơ cấu chính trị toàn
cầu đang có những thay đổi cơ bản về sức mạnh chuyển từ Tây sang Đông
và thế kỷ 2-1 sẽ là thế kỷ châu Á. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nhận thấy
tương lai của thế kỷ 21 sẽ phụ thuộc các mối quan hệ giữa Ấn Độ, Trung
Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Do đó, là trung tâm động lực của sự thay đổi từ
Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, tất cả các bên liên quan nói trên đã
và đang toan tính các chiến lược của họ ở Thái Bình Dương. Bắc Kinh coi
“Sức mạnh an ninh dân chủ” của Thủ tướng Shinzo Abe kết hợp Ấn Độ, Nhật
Bản, Ôxtrâylia và Mỹ là sức mạnh trực tiếp chống lại Trung Quốc. Trung
Quốc đã nhiều lần cảnh báo, Mỹ cần thận trọng trong cách tiếp cận liên
quan đến các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trong khu vực. Về cam kết hỗ
trợ Nhật Bản của Chính phủ Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự
theo Hiệp ước An ninh và Hợp tác Nhật-Mỹ, Trung Quốc mong muốn Mỹ phải
công nhận Hiệp ước đó là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh và không liên
quan đến các điều kiện và hoàn cảnh hiện nay. Trong một cảnh báo với
Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc đã
tăng gấp bội, do đó Mỹ không nên “tự đốt ngón tay của mình để lấy những
hạt dẻ của Nhật Bản ra khỏi đống lửa”. Hơn nữa, mặc dù quan hệ Ấn
Độ-Nhật Bản có tiềm năng rất lớn về thương mại, đầu tư, quốc phòng và an
ninh, nhưng mối quan hệ đó mới bắt đầu phát triển, đặc biệt trên lĩnh
vực hợp tác an ninh. Ví dụ thương mại song phương giữa Ấn Độ và Nhật Bản
chỉ đạt mức 14 tỷ USD/năm. Con số này là rất thấp nếu so với thương mại
của Trung Quốc với Ấn Độ đạt 70 tỷ USD/năm và thương mại của Trung Quốc
với Nhật Bản đạt 300 tỷ USD/năm. Nói chung, dư luận đánh giá Ấn Độ và
Nhật Bản bị chậm trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược. Như
một phân tích mới đây cho biết, chỉ từ năm 2008 các khoản đầu tư trực
tiếp của Nhật Bản được đăng ký tại Ấn Độ mới bắt đầu tăng và đạt 5,5 tỷ
USD và năm 2010 đạt được 13,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Viện trợ Phát triển
Chính thức (ODA) của Nhật Bản dành cho Ấn Độ là rất ấn tượng, đặc biệt
sau năm 2003 khi Nhật Bản quyết định chấm dứt cung cấp ODA cho Trung
Quốc. Ấn Độ đã sử dụng ODA của Nhật Bản vào các lĩnh vực như phát triển
cơ sở hạ tầng, các chương trình xóa đói giam nghèo, vệ sinh và bảo vệ
môi trường…về quan hệ quốc phòng và an ninh, các lĩnh vực này đã trải
qua những thay đổi to lớn kể từ tháng 10/2008 khi Ấn Độ và Nhật Bản ký
một Tuyên bố chung về Hợp tác an ninh. Nhờ thành lập “Quan hệ đối tác
toàn cầu và chiến lược Ấn Độ-Nhật Bản” và tổ chức các hội nghị thượng
đỉnh hàng năm kể từ tháng 12/2006, quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản chứng kiến sự
phát triển mạnh mẽ. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ
Manmohan Singh từ ngày 27-30/5/2013, tin tức tại Nhật Bản rất quan tâm
đến việc hai nước mua bán các máy bay đổ bộ US-2. Và tin tức này cũng
xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cũng
như của Ấn Độ. Nhà nghiên cứu Lu Yaodone của Viện Nghiên cứu Nhật Bản
thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng sự kiện mua bán
vũ khí này sẽ đánh dấu việc tăng cường liên minh giữa Nhật Bản và Ấn Độ
về hợp tác quốc phòng và quân sự và Nhật Bản đang tìm cách lợi dụng các
cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn
việc mua bán vũ khí có thể xảy ra trong tương lai. Ông Han Xudong, giáo
sư của trường Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh, cho biết Trung Qụốc đang
theo dõi chặt chẽ các cuộc diễn tập hải quân giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Ông
khẳng định: “Mối nguy hiểm của các cuộc diễn tập quân sự Ấn Độ-Nhật Bản
đang chĩa về phía Trung Quốc”. Một cuộc đối thoại mới nhằm thảo luận
các vấn đề hàng hải, trong đó có các thách thức an ninh hàng hải, đã làm
các nhà chiến lược cũng như học giả Trung Quốc tức giận. Trung Quốc coi
hành động can thiệp của Ấn Độ vào Biển Đông là nhằm thực hiện “học
thuyết ngăn chặn”, mặc dù thực tế Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung
Quốc đang hợp tác với nhau để thực hiện các kế hoạch hộ tống các tàu
thương mại cũng như các hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden. Trung
Quốc cho rằng Ấn Độ và Nhật Bản đang có ý đồ mở rộng đối thoại hợp tác
hạt nhân dân sự và Ấn Độ tỏ ra rất quan tâm đến các lò phản ứng hạt nhân
và tàu chiến được sản xuất bằng thép của Nhật Bản, mặc dù Ấn Độ cũng
nhận thấy tính nhạy cảm của Nhật Bản trên lĩnh vực hạt nhân, đặc biệt
sau thảm họa Fukushima năm 2011.
Quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản ngày cáng trở nên
xấu hơn trong thời gian gần đây, đặc biệt trong bối cảnh hai nước tranh
chấp chủ quyền hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các nhà phân tích thường xuyên
chỉ ra những lợi ích kinh tế và vị trí chiến lược của hòn đảo này. Cả
hai nước đều muốn khai thác các nguồn dự trữ tài nguyên như: khoáng sản,
dầu lửa và khí đốt tự nhiên khổng lồ bên dưới các đảo khi bản báo cáo
năm 1969 của Liên hợp quốc khẳng định khu vực này có trữ lượng dầu lửa
và khí đốt khổng lồ. Sau khi Liên hợp quốc công bố bản báo cáo, cả Nhật
Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ hơn đối với quần đảo
này. Hơn nữa, do Nhật Bản đánh bắt cá trong vùng biển này từ năm 1895,
Tokyo không muốn để các lợi ích rơi vào tay Trung Quốc. Do vị trí chiến
lược của hòn đảo, nếu Nhật Bản tiếp tục kiểm soát, Chính phủ Nhật Bản có
thể thiết lập các hệ thống trinh sát và giám sát trên không cũng như
trên biển, các trận địa tên lửa hạm đối không trên hòn đảo. Bằng cách
đó, Nhật Bản có thể phong tỏa tất cả các bến cảng và các tuyến đường
hàng không xuất phát từ phía Bắc Đài Loan và cũng có thể đặt các khu vực
như Phúc Châu, Ôn Châu và Ninh Ba của Trung Quốc đại lục dưới tầm kiểm
soát của rađa Nhật Bản. Chính phủ Trung Quốc rất lo sợ khi Nhật Bản
quyết định hành động như vậy. Bởi vì việc Nhật Bản thành lập các căn cứ
quân sự và triển khai các vũ khí hạng nặng trên đảo sẽ tạo nên mối đe
dọa nghiêm trọng đến an ninh và quốc phòng của Trung Quốc. Đây là sự
cạnh tranh và thù hận lịch sử mà Trung Quốc tiếp tục nhắc nhở người dân
về hành động xâm lược của Nhật Bản. Ví dụ, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 81
ngày Nhật Bản xâm lược Đông Bắc Trung Quốc ngày 18/9/2012, Viện Bảo tàng
Lịch sử tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh – được xây dựng để ghi nhớ cuộc
chiến tranh chống Nhật Bản của Trung Quốc (1931-1945) – đã gióng 14 hồi
chuông để thể hiện 14 năm Trung Quốc bị đau đớn và nhục nhã dưới bàn tay
xâm lược của người Nhật. Tiếp đó nhiều cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã
nổ ra ở các thành phố lớn của Trung Quốc buộc nhiều công ty Nhật Bản
phải đóng cửa. Trung Quốc cũng tố cáo Ấn Độ đang lợi dụng các vấn đề của
Trung Quốc với Nhật Bản và thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn với
Tokyo.
Một số nhà phân tích ở Ấn Độ thừa nhận sự chênh
lệch ngày càng tăng về cơ cấu sức mạnh giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó
họ yêu cầu Chính phủ Ấn Độ phải đẩy mạnh quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Nhật
Bản, Việt Nam, Hàn Quốc và Inđônêxia… và các nước khác để ngăn chặn ngay
lập tức chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc trong khu vực. Các nhà phân
tích đó cho rằng cựu Thủ tướng Ấn Độ Nehru đã sai lầm khi coi sự phát
triển Chủ nghĩa Cộng sản ở Trung Quốc như sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân
tộc châu Á vào cuối những năm 1940 và cảnh báo các nhà lãnh đạo Ấn Độ
không được phép lặp lại sai lầm tương tự. Dường như hiện nay Ấn Độ đang
thực hiện một trong những chiến lược của Trung Quốc trong khu vực và
tiến gần hơn với Nhật Bản. Trong khi chuẩn bị rời Ấn Độ đến Nhật Bản,
Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố với các phương tiện truyền thông Nhật Bản tại
New Delhi rằng: “Cả Ấn Độ và Nhật Bản là những quốc gia biển quan trọng.
Vì vậy, bảo đảm an toàn và an ninh các tuyến đường giao thông trên
biển, đặc biệt ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là rất quan trọng đối
với hai nước”. Nhưng những người thực dụng tại Ấn Độ cho rằng lập luận
Trung Quốc là một cường quốc độc ác hay nhân từ là điều không thích hợp.
Họ cho rằng Ấn Độ phải nhận thấy đây là đặc trưng của thể chế chính trị
toàn cầu và cơ chế này làm cho sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ
là không thể tránh khỏi.