Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

79. Hội thảo quốc tế “Kinh tế Trung Quốc: Những rủi ro trung hạn”

20:14' 9/8/2013


TCCSĐT - Ngày 9-8-2013, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh tế Trung Quốc: Những rủi ro trung hạn”.



Đây là một trong những hoạt động hằng năm nằm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, được thực hiện tiếp nối Hội thảo “Trung Quốc: Những thách thức đối với mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay” đã tổ chức vào tháng 8-2012. Mục đích của Hội thảo lần này nhằm thúc đẩy trao đổi khoa học giữa các học giả trong nước và quốc tế về những vấn đề kinh tế cấp thiết mà thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc đang phải đối diện.

Tham gia Hội thảo, có: TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR); TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR; GS. Lưu Thụy, Học viện Kinh tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc; GS. Park Sang Soo, Đại học Quốc gia Chungbuk (Hàn Quốc); cùng nhiều lãnh đạo của các cơ quan hoạch định chính sách của chính phủ, lãnh đạo các viện nghiên cứu trong nước, đại diện của những tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khác.

Với những bài tham luận, các diễn giả đã tập trung trình bày một số vấn đề chính sau:

1. Cơ hội và thách thức của quá trình đô thị hóa kiểu mới đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc đã có 3 lần tiến hành đô thị hóa kể từ năm 1950. Trong 6 thập niên qua, quá trình đô thị hóa của Trung Quốc có tốc độ chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế do sự hạn chế bởi những quy định đăng ký hộ khẩu, do chính sách kế hoạch hóa gia đình thực hiện từ năm 1970 và là kết quả của những chiến lược đô thị hóa khác nhau.

Quá trình đô thị hóa kiểu mới đã đặt ra nhiều vấn đề mà Trung Quốc phải tính đến, đó là:

- Làm thế nào để giữ được 1,8 tỷ mẫu đất cho canh tác; làm thế nào để sử dụng được đất đai, nhà cửa bị bỏ hoang khi người chủ đang sống tại một thành phố?

- Hệ thống giấy phép cư trú đã được nhiều thành phố thực hiện để bãi bỏ chế độ đăng ký hộ khẩu trước đây, tạo thuận lợi cho người dân có thể ở tại đô thị mà không cần phải từ bỏ việc đăng ký hộ khẩu ở nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề nhà ở đô thị trở nên phức tạp khi có cải cách nhà ở trong năm 1990, nhất là mỗi khi có bong bóng bất động sản. Thách thức đối với chính phủ sẽ là cần có đô thị mới, có thêm nhà ở cho 400 triệu công dân đô thị mới trong thập niên tới, nhưng mặt khác, lại phải tiếp tục đối phó với bong bóng bất động sản, thiết lập sự cân bằng của hai sự đối lập này, ngăn chặn dòng người tiếp tục ồ ạt “chảy” vào các thành phố.

- Môi trường đô thị cũng trở thành vấn đề lớn mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường thành phố. Thách thức đặt ra là cần có những biện pháp để kiểm soát tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của thành phố, đặc biệt trong các thành phố lớn, thành phố mới.

- Vấn đề giao thông đô thị ngày càng trở nên nghiêm trọng khiến Chính phủ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết tắc nghẽn giao thông.

- Bên cạnh đó, vấn đề tạo công ăn việc làm, hình thành các ngành công nghiệp đô thị cho những công dân mới của các thành phố cũng không thể không tính tới.

- Mối quan ngại về hệ thống dịch vụ công cộng đô thị liên quan đến ăn, mặc, sử dụng, nhà ở, đi lại, giáo dục, chăm sóc y tế, vui chơi giải trí, thể thao, phúc lợi xã hội và chất lượng của những dịch vụ này trong tương lai.

- Mối lo lắng về khả năng tăng chi phí để mỗi người nông dân có thể chuyển đổi trở thành một công dân đô thị (ước tính 2.400 tỷ đồng nhân dân tệ cho 400 triệu công dân mới) và liệu số lượng công nhân mới ở đô thị có làm đẩy cao chi phí nhân công?

Song, quá trình đô thị hóa kiểu mới ở Trung Quốc cũng tạo ra nhiều cơ hội giúp đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp; cải thiện năng suất nông nghiệp; cải thiện công tác quản lý di cư và lao động; tạo cơ hội cho ngành bất động sản phát triển hơn; đẩy nhanh sự ra đời của hệ thống giao thông đô thị hiện đại, các ngành công nghiệp đô thị hiện đại; phát triển nhiều hơn những dịch vụ công cộng đô thị hiện đại một cách hoàn hảo; cải cách hệ thống hành chính giữa chính quyền trung ương và địa phương; sự cạnh tranh trên thị trường lao động có thể góp phần giảm chi phí lao động.

2. Những rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc trong quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Là một nền kinh tế lớn, Trung Quốc đang chứng tỏ với thế giới điều này qua việc đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Cụ thể, Trung Quốc tăng cường đàm phán và ký kết các hợp đồng hoán đổi tiền tệ với 23 quốc gia; tăng cường ký kết những hợp đồng thương mại quốc tế thanh toán bằng đồng nhân dân tệ; tiến tới một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn; mở cửa thị trường tài chính trong nước; đưa đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của một số quốc gia châu Á và châu Phi.

Những nỗ lực này đem lại lợi ích cho nền kinh tế Trung Quốc như: tối thiểu hóa những rủi ro về tỷ giá; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại khu vực và đầu tư; giúp Trung Quốc dễ dàng tài trợ cho thâm hụt của cán cân tổng thể; giúp các định chế tài chính của Trung Quốc dễ dàng giao dịch hơn; giảm thiểu sự quá lệ thuộc vào đồng đô-la Mỹ; tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia nhất là những quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng đem lại một số rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc, bởi việc chuyển đổi từ chế độ tỷ giá cố định sang chế độ tỷ giá linh hoạt sẽ làm ảnh hưởng tới cán cân thương mại của Trung Quốc; giảm lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong thương mại quốc tế; làm GDP tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, các dòng vốn “nóng” chảy vào tạo áp lực nâng giá đồng nội tệ, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh thương mại quốc tế; khi chảy ra đột ngột lại khiến hệ thống tài chính chao đảo, dự trữ ngoại hối giảm mạnh, thậm chí có thể dẫn tới khủng hoảng; khả năng rơi vào khủng hoảng nợ công rất dễ xảy ra nếu các tổ chức, cá nhân vay nợ tràn lan, sử dụng không đúng mục đích hoặc không hiệu quả. Ngoài ra, Trung Quốc cũng còn gặp rủi ro, khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ vì ngân hàng trung ương khó xác định được chính xác lượng cầu nội tệ, lượng tiền cung ứng; tỷ giá có nguy cơ biến động mạnh do thị trường tài chính mở cửa; hệ thống tài chính dễ dàng gặp rủi ro.

Ngoài những thách thức trên, Hội thảo đã tập trung nghiên cứu, thảo luận những vấn đề khác như tác động của kinh tế toàn cầu tới kinh tế Trung Quốc giai đoạn 2010 - 2015; một số rủi ro đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc giai đoạn từ năm 2009 đến nay; diễn biến và các giải pháp đối với vấn đề chênh lệch thu nhập cư dân Trung Quốc; rủi ro từ sự biến đổi dân số tới kinh tế Trung Quốc; niềm tin xã hội tại khu vực Đông Bắc Trung Quốc… nhằm đưa ra những đánh giá về các rủi ro có thể đối với nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới đây./.


Đỗ Mai Thành