Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

84. Hòa giải dân tộc - Con đường duy nhất tránh nội chiến ở Ai Cập

17:15' 9/8/2013



TCCSĐT - Cuộc đấu tranh giữa các phe phái ủng hộ và chống Tổng thống vừa bị phế truất Mô-ha-mét Mơ-xi đã lên đến đỉnh điểm nguy hiểm. Cơ quan Huy động và Thống kê Ai Cập (CAPMAS) cho biết, ngày 26-7 đã có khoảng 35 triệu người đổ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành rầm rộ. Cuộc cọ sát giữa những đoàn người có tư tưởng đối nghịch này đã dẫn đến xung đột nảy lửa, đổ máu.



Nửa đêm 26, rạng sáng 27-7, cảnh sát đã “buộc phải can thiệp” bằng những “biện pháp cứng rắn”, làm hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. Nếu không được kiềm chế và ngăn chặn kịp thời, tình trạng đó sẽ có thể dẫn tới nội chiến. Con đường duy nhất cứu nguy cho Ai Cập hiện nay là nhanh chóng đi tới hòa giải dân tộc.

Biểu tình - một vũ khí lợi hại của người Ai Cập

Trên khắp thế giới không có nước nào sử dụng các cuộc biểu tình quần chúng như một thứ “vũ khí mềm”, nhưng lại rất mạnh mẽ và hiệu quả như ở xứ sở Kim Tự tháp. Mọi người còn nhớ, đầu năm 2011 với làn sóng biểu tình rầm rộ và liên tục của cái gọi là cuộc cách mạng “Mùa Xuân A-rập”, chỉ trong một thời gian ngắn đã cuốn phăng và nhấn chìm chế độ độc tài của Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc (Hosni Mubarak). Thế nhưng, khi loại được chế độ độc tài Mu-ba-rắc và một chính phủ quân phiệt, người dân Ai Cập mới ngộ ra rằng, họ lại phải chịu một gọng kìm sức ép còn ghê gớm hơn nữa của các thế lực phương Tây và Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB). Ngay cả Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi (Mohamed Morsi) cũng không được tự chủ thể hiện tư tưởng chính trị, không được làm những gì mình mong muốn, mà phải chịu nhiều sức ép, chịu sự giật dây, cả từ phía các nhà cầm quyền Mỹ, Liên đoàn A-rập (AL), Liên minh châu Âu (EU), các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… cho đến cả từ phía các tổ chức khủng bố. Bởi thế, ông M. Mơ-xi đã phải đau đầu trước các cuộc biểu tình, đúng như nhiều nhà quan sát ở Cai-rô hay tại thủ đô các nước khác trên thế giới nhận định.

Suốt từ khi ông M. Mơ-xi trở thành Tổng thống Ai Cập, các cuộc biểu tình của quần chúng vẫn diễn ra “đều đặn” ngay tại thủ đô Cai-rô, cũng như ở nhiều tỉnh, thành khác. Mấy tháng gần đây, tại quốc gia Bắc Phi này lại bùng nổ làn sóng biểu tình còn dữ dội hơn trước. Nhưng khác với làn sóng biểu tình “Mùa Xuân A-rập”, khi ấy toàn dân chỉ một lòng mong muốn phá tan hệ thống chính quyền của cựu Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc; hiện nay thì tính chất các cuộc biểu tình không còn đồng nhất, có cuộc nhằm phản đối Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và hệ thống chính quyền mới, có cuộc lại mang màu sắc tôn giáo, nhằm giải quyết những mâu thuẫn giữa Thiên Chúa giáo, cũng như các tôn giáo khác với người Hồi giáo.

Nếu trong suốt 6 tháng cuối năm 2012, thế giới đã diễn ra hơn một nghìn cuộc biểu tình, thì chỉ trong tháng 2-2013, trên khắp xứ sở Kim Tự tháp đã có hơn 860 cuộc biểu tình và tháng 3-2013 con số đó đã leo lên tới gần 1.400 cuộc. Thế nhưng, chỉ trong ngày 30-6, đúng cái ngày kỷ niệm một năm ông M. Mơ-xi nhậm chức tổng thống, tại thủ đô Cai-rô và khắp các tỉnh, thành trên cả nước đã nổ ra hàng nghìn cuộc biểu tình. Điều đó nói lên rằng, Ai Cập hiện có tần suất biểu tình lớn nhất thế giới, mà cuộc biểu tình nào cũng rất đông, từ vài nghìn đến hàng chục, hàng trăm nghìn, rồi hàng triệu người. Chính vì vậy, khi đã xảy ra xung đột giữa các thế lực ủng hộ và phản đối Tổ chức MB và Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi, thì con số thương vong đều không nhỏ.

Cầm quyền từ ngày 30-6-2012, nhưng trong một năm qua, ông M. Mơ-xi đã không thể đưa ra được một đường lối, chính sách nào tiến bộ, khả dĩ có thể cứu vãn, đưa đất nước tiến lên. Trong khi đó tình hình chính trị - xã hội hết sức rối ren, bất ổn, hầu như không có ngày nào không diễn ra những cuộc biểu tình của các phe phái chính trị chống đối lẫn nhau. Vì thế, kỷ niệm một năm ông cầm quyền, người ta đã không tổ chức mít tinh chúc mừng ông, mà ngược lại, các thế lực chống đối ông và Tổ chức MB đã tổ chức những cuộc biểu tình nhiều triệu người ở quảng trường Ta-hơ-ri (Tahri), trung tâm Cai-rô và nhiều tỉnh thành khác, nhằm lên án chế độ của vị tổng thống này và Tổ chức MB. Phong trào Ta-ma-rốt (Tamarod), nghĩa là “Nổi dậy”, còn cho biết, họ đã thu thập được hơn 22 triệu chữ ký của cử tri đòi Tổng thống từ chức, cách chức Tổng Công tố, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ, tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn và bổ nhiệm nội các mới...

Và cũng chỉ 3 ngày sau, ngày 3-7, Tướng Áp-đen Phát-ta En Xi-xi (Abdel Fattah El Sisi), Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh quân đội Ai Cập đã tuyên bố phế truất Tổng thống Hồi giáo Mô-ha-mét Mơ-xi, công bố sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi chính trị. Thẩm phán Át-ly Man-xua (Adly Mansour) được cử làm Tổng thống lâm thời. Cựu Giám đốc Cơ quan nguyên tử quốc tế IAEA Mô-ha-mét En Ba-ra-đây (Mohamed El Baradei) được bầu làm Phó Tổng thống lâm thời, phụ trách các vấn đề đối ngoại. Một Chính phủ lâm thời do ông Ha-giem En Bép-la-vi (Hazem el Beblawi) làm Thủ tướng cũng được thành lập để điều hành công việc quốc gia cho đến khi Ai Cập tổ chức bầu cử bầu ra được Quốc hội mới và thành lập Chính phủ chính thức. Tướng Áp-đen Xi-xi vẫn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ mới.

Tuy nhiên, Tổ chức MB và các đảng phái Hồi giáo khác không thừa nhận việc phế truất này nên một mực chống đối kịch liệt. Thậm chí họ còn đòi phục chức tổng thống cho ông M. Mơ-xi, bởi theo họ ông này là tổng thống được nhân dân Ai Cập bầu hợp hiến, quân đội không có quyền phế truất ông. Suốt từ ngày 3-7 đến nay, người ta vẫn không biết ông M. Mơ-xi ở đâu và sức khỏe ra sao. Trong khi đó, hàng ngày Tổ chức MB và các đảng phái ủng hộ ông vẫn tiến hành các cuộc biểu tình phản đối chính quyền mới. Những phần tử quá khích còn có nhiều hoạt động quấy phá, gây rối trật tự xã hội, người dân không thể yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Trong tình hình đó, 35 triệu người đã đổ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành rầm rộ theo lời kêu gọi của người đứng đầu các lực lượng vũ trang Ai Cập, Tướng Áp-đen Pha-ta En Xi-xi nhằm trao cho quân đội và cảnh sát nước này "sứ mệnh của nhân dân" để ngăn chặn "chủ nghĩa khủng bố và bạo lực". Hàng trăm nghìn người ủng hộ Tổ chức MB và Tổng thống bị phế truất Mô-ha-mét Mơ-xi cũng tiến hành các cuộc “phản biểu tình”. Tại một số nơi ở Cai-rô và các địa phương, làn sóng của những đoàn người khí thế sôi sục đã không thể kiềm chế, lao vào nhau, gây ra những cuộc xô xát, đụng độ. Chiều 25-7, Bộ Chỉ huy cảnh sát Cai-rô đã buộc phải ban bố “Tối hậu thư” mang tên “Cơ hội cuối cùng”, yêu cầu “trong vòng 48 giờ, nghĩa là đến ngày 27-7, các phe phái đối lập phải chấp nhận ‘thỏa thuận chính trị’ mà chính quyền mới đưa ra”. Ngược lại, “cảnh sát có thể sẽ thi hành các biện pháp theo đúng chức năng, để lập lại trật tự”. Trước tình hình đó, chiều 26-7, Tổng thống lâm thời Ai Cập Át-ly Man-xua cũng đã phải lên một Đài truyền hình địa phương kêu gọi những người ủng hộ Tổng thống M. Mơ-xi ngừng biểu tình và trở về nhà. Ông cam kết sẽ không truy tố pháp luật với lực lượng này.

Bản án đã được báo trước

Từ tháng 3-2013, Oa-sinh-tơn và lãnh đạo nhiều nước phương Tây đã nhận ra sai lầm của họ trong việc chấp thuận và ủng hộ một đảng phái Hồi giáo lên cầm quyền ở xứ sở các Pha-ra-ông. Sau hơn nửa năm ông M. Mơ-xi ngồi vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Ai Cập, dù “cờ đến tay” nhưng ông này đã không thể “phất”, không làm được điều gì tốt đẹp cho đất nước 84 triệu dân. Người ta thấy rõ, ông M. Mơ-xi chỉ ưu ái trao nhiều đặc ân, đặc quyền cho Tổ chức MB, trong khi lại ra sức ép uổng các tổ chức đối lập, khiến phần lớn người dân nước này mất quyền dân chủ, tự do; biến Ai Cập từ một đất nước “Độc tài truyền thống H. Mu-ba-rắc” thành một quốc gia “Độc tài Hồi giáo”. Thế nhưng, họ cũng lại sợ “bị bẽ mặt trước bàn dân thiên hạ”, khi vừa mới “ủng hộ ông ta lên ngôi”, nay đã hạ bệ thì hóa ra “tự thú nhận sai lầm!”

Suốt tháng 4 vừa qua, ông Béc-na-đi-nô Lê-ôn (Bernardino Leon) với tư cách Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU), đã rất nỗ lực thực hiện vai trò “ngoại giao con thoi” tới Cai-rô, để thương thuyết và dàn xếp một “thỏa thuận chính trị” giữa các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này. Phần lớn các đảng thế tục đối lập của Ai Cập khi ấy đã đồng ý công nhận “tính hợp pháp” của ông M. Mơ-xi và nhất trí tham gia cuộc bầu cử quốc hội mà trước đó họ đe dọa tẩy chay. Để đổi lại, ông M. Mơ-xi phải thay Thủ tướng Hi-sam Can-đin (Hisham Qandil) và 5 bộ trưởng then chốt, để thành lập một nội các kỹ trị thống nhất, đồng thời cách chức vị Tổng Công tố gây tranh cãi và sửa đổi luật bầu cử sao cho đáp ứng những yêu cầu của Tòa án Hiến pháp Ai Cập.

Trên thực tế, ông M. Mơ-xi cũng đã có những động thái thể hiện thiện chí với phe đối lập, tuy nhiên, ông lại không dám hành động đủ để phá vỡ thế bế tắc này. Khi Tòa án Hiến pháp bác bỏ luật bầu cử do Thượng viện, gồm chủ yếu là người Hồi giáo thông qua, ông M. Mơ-xi đã đồng ý hoãn bầu cử quốc hội tới cuối năm. Ông cũng thể hiện sẵn sàng tìm người thay thế vị Tổng Công tố gây tranh cãi, song trên thực tế chưa bao giờ ông làm đúng như vậy. Bên cạnh đó còn nhiều sự kiện khác khiến sự nghị kỵ giữa ông M. Mơ-xi và phe đối lập ngày càng sâu sắc. Hệ quả là lập trường của hai bên ngày càng xa nhau. Và “điều gì cần phải đến, đã đến”. Nguyên nhân căn bản là họ hoàn toàn không tin tưởng nhau. Bởi thế, không thể đi cùng trên một con đường. Ông M. Mơ-xi đã bị lật đổ và có thể còn bị truy tố.

Chính Oa-sinh-tơn đã đứng đằng sau “sáng kiến” nói trên của EU, nhưng họ lại không muốn tự đưa ra một thỏa thuận riêng. Một phần là bởi Tổ chức MB nghi ngờ Oa-sinh-tơn cùng quân đội Ai Cập có âm mưu chống lại họ, mặt khác phe đối lập thế tục và giới truyền thông chống Hồi giáo tại Ai Cập lại cáo buộc Mỹ đang “móc ngoặc” với Tổ chức MB. Ngay từ hồi tháng 3-2013, chính Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry (John Kerry) đã có cuộc điện đàm với ông M. Mơ-xi và thông báo rằng Oa-sinh-tơn ủng hộ sáng kiến của EU. Tuy nhiên, hoặc là do ông M. Mơ-xi quá cứng rắn, tự tin, hoặc là do ông không thể thỏa thuận được với giới lãnh đạo MB, nên đề xuất này đã không được thông qua. Một nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ rằng “đó là một đề xuất rõ ràng và chi tiết, được tất cả các thành phần của phe đối lập chấp thuận và được gửi cho ông M. Mơ-xi. Tuy nhiên, họ đã không nhận được câu trả lời”. Từ câu chuyện này có thể khẳng định rằng, nếu hồi tháng 4-2013, ông M. Mơ-xi biết nắm bắt lấy cơ hội và nhất trí với một “thỏa thuận chính trị” của các đảng đối lập, do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, thì chưa chắc ông đã bị hạ bệ. Và như thế, có thể ông cũng không bị một tòa án nào truy tố.

Không khí tại thủ đô Cai-rô trong ngày 26-7 vừa qua làm cho người ta nhớ lại cuộc biểu tình rầm rộ trước đó gần một tháng (ngày 30-6) đã nhấn chìm chính quyền của ông M. Mơ-xi. Cũng trong ngày 26-7, một tòa án Ai Cập đã ra lệnh bắt giam cựu Tổng thống M. Mơ-xi trong 15 ngày để điều tra về hàng loạt tội danh, trong đó có các tội làm gián điệp, câu kết với phong trào Hồi giáo Ha-mát (Hamas) của Pa-le-xtin để tổ chức vượt ngục, thoát khỏi nhà tù, thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào các đồn cảnh sát, cố ý sát hại và bắt cóc các sĩ quan cảnh sát, cũng như các tù nhân trong làn sóng biểu tình “Mùa Xuân A-rập” đầu năm 2011. Các cáo buộc này có liên quan đến vụ vượt ngục trong cuộc nổi dậy năm 2011, chống lại nhà độc tài H. Mu-ba-rắc. Khi đó các tay súng đã tấn công nhà tù Oa-đi En Na-chô-ân (Wadi el-Natroun) ở phía Tây Bắc Cai-rô, phóng thích các tù nhân, trong đó có ông M. Mơ-xi và khoảng 30 nhân vật của Tổ chức MB. Các công tố viên cho rằng, ông M. Mơ-xi và Tổ chức MB đã bắt tay với Ha-mát trong cuộc cướp ngục, khiến 14 binh lính bị thiệt mạng.

Hãng thông tấn nhà nước Ai Cập (MENA) khẳng định, ông M. Mơ-xi bị điều tra vì đã hợp tác với Ha-mát “để thực hiện các hành động chống lại Nhà nước Ai Cập, tấn công các đồn cảnh sát và sỹ quan quân đội, cướp ngục, phóng hỏa trại giam và giúp các phạm nhân trốn trại, trong đó có ông M. Mơ-xi, cũng như các mưu toan sát hại các sỹ quan, binh sỹ và tù nhân”. Những tuyên bố của cơ quan công tố về việc điều tra chống lại ông M. Mơ-xi có thể sẽ dọn đường cho việc khởi tố chính thức, thậm chí đưa ông ra xét xử. Và đây cũng chính là thông điệp đầu tiên về tình trạng pháp lý của vị cựu Tổng thống M. Mơ-xi, kể từ khi ông bị làn sóng biểu tình của phong trào Ta-ma-rốt và quân đội lật đổ hôm 3-7.

Tìm biện pháp hạ nhiệt, đi đến hòa giải

Sau những vụ xung đột đường phố trong hơn một tháng qua giữa các phần tử quá khích ủng hộ và chống cựu Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi, cũng như hệ quả các “biện pháp cứng rắn” của cảnh sát nhằm trấn áp hành động nổi loạn, Hội đồng Quốc phòng Ai Cập do Tổng thống lâm thời Át-ly Man-xua đứng đầu, đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 28-7, nhằm thảo luận về tình hình an ninh trong nước. Cả Phó Tổng thống En Ba-ra-đây và Tổng Công tố Hê-sam Ba-ra-cát (Hesham Barakat) đều tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra về “vụ đụng độ bạo lực đẫm máu mới nhất”. Những động thái này thể hiện nỗ lực của Chính phủ lâm thời Ai Cập nhằm ổn định tình hình. Tuy nhiên, đây chưa thể là giải pháp hữu hiệu, khi cả phe Hồi giáo lẫn Chính phủ Ai Cập đều chưa có ý định thỏa hiệp.

Phó Tổng thống lâm thời Ai Cập phụ trách các vấn đề đối ngoại En Ba-ra-đây tuyên bố: “Sau sự kiện 30-6 và các biến cố vừa qua, ông M. Mơ-xi đã không còn bất kỳ vai trò nào trong tiến trình chính trị ở Ai Cập”. Theo lời ông E. Ba-ra-đây, tại Ai Cập đã có sự điều chỉnh đối với cuộc “Cách mạng 21-1-2011” cùng một lộ trình chuyển giao quyền lực. Ông M. Mơ-xi đã thất bại, song Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) vẫn hoàn toàn có thể tham gia tiến trình chính trị. Chính phủ luôn hoan nghênh Tổ chức MB gia nhập tiến trình này. Ông E. Ba-ra-đây cũng khẳng định, “Bạo lực không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề. Ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Ai Cập hiện nay là bình ổn an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện lộ trình chuyển giao chính trị đã được hoạch định”.

Thế nhưng Tổ chức MB đã bất chấp cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng Ai Cập hôm 28-7 cũng như không đếm xỉa gì đến những phát biểu, tuyên bố của các quan chức chính phủ. Tổ chức này đã lại phát động chiến dịch xuống đường biểu tình rầm rộ và mạnh mẽ hàng triệu người, trong ngày cuối tháng 7 vừa qua, để phản đối chính quyền của Tổng thống lâm thời Át-ly Man-xua. Nhiều thủ lĩnh MB còn đe dọa sẽ kéo dài các cuộc biểu tình vô thời hạn để phản đối “cuộc đảo chính quân sự” và kêu gọi khôi phục Hiến pháp, phục chức tổng thống cho ông M. Mơ-xi. Họ cũng từ chối thẳng thừng “kế hoạch” và “lịch trình hòa giải dân tộc” của Chính phủ. Thậm chí tại Cai-rô đã xuất hiện những tay súng bắn tỉa nhằm vào cảnh sát và các lực lượng ủng hộ chính quyền mới. Bộ trưởng Nội vụ Mô-ha-mét I-bra-him (Mohamed Ibrahim) đã phải ra lệnh cho cảnh sát thực hiện “mọi chức năng” để trấn áp các phần tử quá khích, phản động, lập lại trật tự, bảo vệ chính quyền và nhân dân.

Sự khác biệt về lợi ích và lập trường của người Hồi giáo và Chính phủ ở quốc gia Bắc Phi này còn quá xa nhau, khiến con đường tới đích “hòa giải dân tộc” còn rất phức tạp, mờ mịt, cuộc khủng hoảng chính trị chưa thể lắng dịu trong một tương lai gần, nếu không muốn nói rằng đất nước này đang cận kề một cuộc nội chiến. Tình hình đó khiến nhân dân Ai Cập không thể yên tâm sản xuất, kinh doanh; nhiều gia đình giàu có Ai Cập đã cùng với các nhóm người nước ngoài đã bắt đầu rời khỏi xứ sở Kim Tự tháp, tạm lánh sang các nước láng giềng.

Dư luận quốc tế cũng bày tỏ hết sức lo ngại trước tình hình bạo lực đang gia tăng tại Ai Cập, kêu gọi các bên kiềm chế, tìm biện pháp đối thoại và hòa giải. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun hối thúc các bên tại Ai Cập giải quyết sự khác biệt thông qua đối thoại. Ông Ban Ki Mun cho rằng, bạo lực không thể thay thế cho một giải pháp chính trị. Tất cả các nhà lãnh đạo Ai Cập cần phải đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích cá nhân và các đảng phái chính trị.

Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma ngày 27-7 đã gửi thư tới Tổng thống lâm thời Ai Cập Át-ly Ma-xua bày tỏ hết sức quan ngại trước những diễn biến ở xứ sở này, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ sẽ luôn là “đối tác vững mạnh” của người dân Ai Cập vốn đang định hình cho tương lai đất nước, tiếp tục giúp đỡ nhân dân Ai Cập đạt được nền dân chủ. Theo Tổng thống Mỹ, người dân Ai Cập đã được trao “cơ hội thứ hai” để đưa quá trình chuyển giao sau cuộc nổi dậy về đúng quỹ đạo. Nhà Trắng cũng đã hối thúc quân đội Ai Cập “kiềm chế tối đa” và cố gắng hết sức nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ giữa những người biểu tình. Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Ai Cập thoát khỏi tình trạng hiện nay, đồng thời kêu gọi chính quyền Ai Cập cần tuân theo những quy chuẩn hợp pháp, tôn trọng quyền thể hiện quan điểm hòa bình và tự do của người dân. Oa-sinh-tơn cũng đề nghị nhanh chóng điều tra về các vụ bạo lực đẫm máu mấy ngày vừa qua ở Ai Cập.

Bà Ca-thơ-rin A-xtơn, Cao ủy về An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), sau khi gặp gỡ với đại diện các phe đối lập ở Ai Cập và Phó Tổng thống lâm thời Ai Cập En Ba-ra-đây, trong cuộc họp báo ở Cai-rô ngày 30-7, đã tuyên bố, Liên minh châu Âu một lần nữa kêu gọi các bên trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ai Cập kiềm chế và chấm dứt bạo lực. Bà C. A-xtơn khẳng định, giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng chính là đối thoại, chứ không phải bạo lực. Liên minh châu Âu sẵn sàng giúp đỡ Ai Cập tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, quyền quyết định cuối cùng về tương lai của Ai Cập, vẫn thuộc về người dân Ai Cập.

Tổng thống Nga V. Pu-tin cho biết, nước Nga luôn theo dõi sát sao những diễn biến tình hình ở Ai Cập. Ông bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ giữa các phe phái ở Ai Cập hiện nay và cho rằng đất nước này có nguy cơ dẫn tới thảm hoạ trượt dốc giống như ở Xy-ri, nghĩa là cũng đang cận kề với một cuộc nội chiến. Ông tuyên bố, nước Nga luôn ủng hộ và đứng bên cạnh nhân dân Ai Cập.

Phần lớn các nước A-rập Bắc Phi và Trung Đông đều lên tiếng ủng hộ chính quyền mới của Tổng thống lâm thời Át-ly Man-xua và phê phán những hành động của các phần tử Hồi giáo quá khích ở Xứ sở Kim Tự tháp. Các nước này còn bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho chế độ mới ở Ai Cập. Cho đến nay các nước A-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất và Cô-oét đã cam kết sẽ giúp Ai Cập 12 tỷ USD, để nước này tái thiết đất nước, phục hồi kinh tế, bù đắp lại những thiệt hại trong làn sóng “Mùa Xuân A-rập” (2011) và “Cách mạng A-rập lần thứ hai” hiện nay./.

Giang Sơn