Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

56. Tổng thống O.Bama và những thách thức đối ngoại

Ngay từ  nhiệm kỳ đầu, các chính sách đối ngoại T T Obama theo đuổi đều phản ảnh khá nhiều thành tố tích cực và đáng ưa thích. Duy lý và phải chăng, đường lối  đối ngoại đã dung hòa tính lạc quan chiến lược với cẩn trọng chiến thuật, các viễn kiến lớn ít nhiều được kiềm chế với tổn phí được cân nhắc kỷ lưỡng. Chỉ một nhược điểm đã ảnh hưởng tiêu cực đến những kế hoạch được tư duy khá chính chắn. Vì vậy, các chính sách nhiều lần đã không đem lại hiệu quả.
Đối với phe hậu thuẩn, điều đó phần lớn không do lỗi của tổng thống. Ở những nơi Obama đã nhập cuộc không vì một lợi ích rõ ràng — dù dang tay mời gọi Iran và Liên Bang Nga, tỏ vẻ lạnh nhạt với Bắc Triều Tiên, hay tìm cách hàn gắn quan hệ với Trung Đông qua nổ lực đón nhận thế giới Hồi Giáo — phe hậu thuẩn đã đổ lỗi cho thái độ không chút khoan nhượng của các tay chơi khác.
Ở những nơi Obama đã tỏ ra thận trọng và không phản ứng kịp thời — ngay từ buổi bình minh của mùa Xuân Á Rập hai năm trước đây hay Syria hiện nay — các cận thần của tổng thổng đã biện minh bằng các bài học về giới hạn quyền lực của Hoa Kỳ,  rút tỉa từ hơn một thập kỷ chiến tranh liên tục.
Các cố vấn thân cận tại chức hay hưu trí, các chuyên gia chính sách và các nhà ngoại giao từ các chính quyền thân hữu, đều biểu lộ thông cảm với những thành quả nhỏ nhoi trong chính sách đối ngoại của Obama trong nhiệm kỳ đầu. Họ hiểu rõ tính duy lý của hành động đã giúp giảm thiểu tham vọng và chuyên chú vào những gì có thể thành đạt. Họ thông cảm với sự cẩn trọng trong cách ứng xử với các lực lượng vận động hành lang và các nhóm đặc quyền đặc lợi trong quá trình vận động tái cử.
Tuy nhiên, nếu tổng thống vẫn duy trì thái độ tính toán lạnh lùng và dè dặt, thiếu quyết đoán và kiên trì trong nhiệm kỳ hai, ngay cả các thân hữu trung tín cũng sẽ khó lòng tha thứ.
Những ngày tháng đầu của nhiệm kỳ một là thời gian của tham vọng cao xa. Nhiều người hy vọng Obama có thể hàn gắn thế giới cũng như  hình như đã hàn gắn được các dị biệt giữa các đảng phái và sắc dân quốc nội. Nhưng rồi không lâu, mọi hy vọng đều tan vỡ. Kể từ đó, một giọng điệu lạnh lùng đã đánh dấu chính sách đối ngoại của ông. Từ địa vị một “quốc gia thiết yếu”[1] Hoa Kỳ của Obama đã trở thành một “xúc tác thiết yếu”[2]: hiện diện, nhưng không thiết tha can dự.
THỜ Ơ KHÔNG CAN DỰ
Với thái độ đó, Hoa Kỳ đã tìm cách tạo điều kiện để thành công — chẳng hạn, ở những điểm nóng như Libya — trong lúc nhất quyết tránh quyết đoán dấn thân. Anne-Marie Slaughter, giám đốc hoạch định chính sách Bộ Ngoại Giao trong hai năm đầu nhiệm kỳ một của Obama, đã nói đến một trật tự toàn cầu trong đó Hoa Kỳ chỉ ban phát một “tình yêu nghiêm khắc” (tough love) trong khi gây áp lực buộc các cường quốc đang lên phải chia sẻ gánh nặng.
Lối đáp ứng với các xung đột đổ máu giữa chính quyền Syria và các phe chống đối đã phơi bày những khó khăn của cách tiếp cận nầy. Nếu không thể tìm thấy một đối tượng ước muốn để xúc tác và bảo trợ, bạn sẽ làm gì? Làm ngơ là phản ứng đã khiến giới thân cận của Obama vô cùng bức xúc xót xa.
Obama đã lắng nghe những lời kêu gọi trang bị vũ khí cho các phe nhóm dấy loạn, áp đặt một vùng cấm bay trong không phận Syria, hay oanh tạc phá hủy các cơ sở không quân của chính quyền Assad.  Nhưng phản ứng của Obama là đòi hỏi bằng chứng các biện pháp can thiệp như thế phải cải thiện được tình hình, thay vì chỉ thỏa mãn động lực phải làm một điều gì đó với nguy cơ leo thang mức độ xung đột. Câu hỏi kế: tổn phí liên hệ là bao nhiêu — một vấnđề quan trọng đối với một quốc gia đã mỏi mệt vì chiến tranh. Các luận cứ trong nội bộ đã rất sôi nổi. Có thể nào bạn cho biết cần bỏ bom những ai? Phe bồ câu trong chính quyền còn hỏi các phần tử diều hâu: bỏ bom các chiến binh bắn sẻ trong thành phố?  Họ còn muốn biết, cần bao nhiêu lực lượng Mỹ để đem lại hòa bình?
Xét cho cùng, gần 150.000 quân nhân Mỹ đã tham chiến ở Iraq vào đỉnh điểm các xung đột giữa các phe nhóm giáo phái. Rút cuộc,  người Mỹ chỉ bằng lòng giữ nhiệm vụ tìm kiếm hậu thuẩn để thành lập một liên minh gồm nhiều phe nhóm chuẩn bị cho thời kỳ hậu-Assad. Theo lời một nhân chứng trong cuộc thảo luận, sự e ngại phải hành động là điều rất dễ hiểu. Đó cũng là “điều xấu hổ đối với tất cả chúng tôi.”[3]
Trong mọi trường hợp, trong nhiệm kỳ hai, cả hai phe chỉ trích và khen ngợi đều muốn thấy một Obama với thái độ can dự và kiên trì  trong ba địa hạt.
Trước hết, cac cuộc khủng hoảng từ Trung Đông đến Bắc Triều Tiên không thể làm ngơ. Vụ triệt thoái khỏi Afghanistan đã kéo dài từ nhiệm kỳ đầu có thể làm gia tăng  tai họa nếu không giải quyết gọn ghẽ.
Kế đến, những cơ hội quá quan trọng để tránh né, từ tự do thương mãi với Âu châu đến trách nhiệm mang tính định hình thế kỷ: thuyết phục Trung Quốc quyền lợi của chính TQ là cộng tác đem lại một trật tự thế giới cơ sở trên các quy luật minh bạch.
Và cuối cùng là các nhiệm vụ, thường bắt nguồn từ các lời hứa của chính Obama khi mới lên cầm quyền, những nhiệm vụ cho đến nay đã bị lẩn tránh. Những nhiệm vụ nầy bao gồm cả việc giảm thiểu các kho vũ khí hạt nhân và xây dựng các quy luật chiến tranh trong thế kỷ 21, xứng đáng với một Hoa Kỳ vốn đã được xây dựng trên căn bản tối thượng của luật pháp.
Nhiều xứ và nhiều vùng quan trọng rõ ràng đã không được lưu tâm trên “bảng liệt kê những việc phải làm” luân chuyển trong giới quan chức Hoa Thịnh Đốn và các cơ quan nghiên cứu nhiều ảnh hưởng. Điều nầy cùng lúc phản ảnh một ý thức về giới hạn đối với thời gian và sự chú ý của tổng thống, và những thẩm định tàn nhẫn về chính trị nội bộ Hoa Kỳ. Tập sách “Nhắc Nhở Tổng Thống” (A Presidential Briefing Book) của cơ quan đầy uy tín Brookings Institution không ghi nhận một lực thúc đẩy nghiêm chỉnh nào về đề tài biến đổi khí hậu (ước muốn nòng cốt của Âu Châu) trong bảng liệt kê các Vấn Đề Lớn (Big Bets) cần hành động trong nhiệm kỳ hai. Cuốn Presidential Briefing Book thúc đẩy một nới lỏng trong lệnh cấm vận đối với Cuba, nhưng các cường quốc đang lên như Brazil, Indonesia, Mexico, Nam Phi, và Thổ Nhĩ Kỳ đã được ghi nhận cần được Obama quan tâm và  tìm cách áp đặt một trật tự dân chủ và tự do.
Quyết định của T T Obama lựa chọn các cựu quân nhân trong cuộc chiến Việt Nam vào các chức vụ lãnh đạo đội ngũ đối ngoại và an ninh — với John Kerry làm Bộ Trưởng Ngoại Giao và Chuck Hagel, ứng viên gây nhiều tranh cãi, làm Bộ Trưởng Quốc Phòng — là dấu hiệu rõ ràng một ý chí theo đuổi các giải pháp ngoại giao đối với các cuộc khủng hoảng, và hoàn tất quá trình thu dọn các chiến dịch phiêu lưu quân sự của người tiền nhiệm George W. Bush.
Chuck Hagel, nguyên nghị sĩ Cộng Hòa, nhân vật nghi ngờ cuộc chiến Iraq, vừa trải nghiệm một quá trình điều trần cam go để giành sự chuẩn nhận của Thượng Viện: các nghị sĩ bảo thủ đã cáo buộc ứng viên Hagel “không đủ thân Do Thái.”[4]
Tuy vậy, thái độ mỏi mệt với chiến tranh của cử tri Mỹ đã gây khó khăn cho phe Cộng Hòa trong nổ lực tấn công các chính sách đối ngoại của Barack Obama. Vụ buộc tội một nhận thức cần xin lỗi về “hình ảnh vĩ đại của Hoa Kỳ”trên thế giới của Obama, và nổi nhục một đại sứ Mỹ đã bị hạ sát ở Libya, đều mang tính ít nhiều gượng gạo. Lãnh đạo một “think-tank” đã phải thở dài thốt lên, “hầu hết  phe bảo thủ ‘đều cảm nhận thà thảo luận về lá phiếu của cử tri gốc La Tinh, của nữ cử tri, và linh hồn của Đảng Cộng Hòa,’ hơn là chính sách đối ngoại.”[5]
Riêng đối với phương cách quản lý khủng hoảng, trong nhiệm kỳ đầu, Obama  luôn đặt ra nêu mốc rõ ràng trước khi có hành động quân sự. Obama đã tuyên bố sử dụng vũ khí hóa học là lằn đỏ chế độ Syria không được vượt qua. Mặc dù vài cá nhân hữu khuynh tỏ ra nghi ngờ, các nguồn tin đều ghi nhận Obama đã cam kết ngăn ngừa Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân, nhất là trong bài nói chuyện với một cử tọa gồm các nhà hoạt động thân Do Thái trong tháng 3-2012.
ĐƯỜNG CÒN XA
Cho đến nay, Iran luôn là một ví dụ hoàn hảo của một khu vực nơi chính sách của Obama luôn điềm tĩnh, thực tế, và khó chỉ trích, nhưng đã đem lại rất ít hiệu quả.
Tuy nhiên, một thành đạt khá ảm đạm đã nổi bật. Thực vậy, theo Karim Sadjadpour, một chuyên gia về Iran thuộc think-tank “Carnegie Endowment for International Peace,”  dưới thời George W. Bush: Âu châu, TQ và Nga luôn cáo buộc Hoa Thịnh Đốn phải chịu trách nhiệm về quan hệ không tốt đẹp giữa Mỹ và Iran.
Khi bàn tay mời mọc của Obama bị đẩy lùi, ít ra Obama cũng đã chứng tỏ chính sự ngoan cố của Iran mới là nguyên nhân — và chống đối Mỹ là một trong số các phương cách duy nhất giúp chế độ Iran duy trì tính chính đáng đối với các quốc gia hậu thuẩn.  Luận cứ đó đã cho phép người Mỹ huy động sự ủng hộ quốc tế để áp đặt các biện pháp cấm vận vô tiền khoáng hậu, đồng thời cũng phơi bày những bế tắc trong việc giải quyết khủng hoảng.
Về lâu về dài, Ali Khamanei, lãnh tụ tối cao Iran, đang đối diện với hai lựa chọn hợp lý. Ông ta có thể đạt một thỏa hiệp giữ được thể diện, trong đó Iran được duy trì một khả năng làm giàu uranium hạn chế dưới sự giám sát quốc tế chặt chẽ; hay có thể liều lĩnh chạy nước rút để trở thành một Pakistan với “vũ khí nguyên tử như một chuyện đã rồi”[6]. Lựa chọn thứ nhất không hấp dẫn; lựa chọn thứ hai mang lại nhiều nguy cơ. Vì vậy, ông ta đã chần chừ để chờ thời cơ thuận lợi.
Trong những tháng gần đây, Ali Khamanei đã gửi tín hiệu “mua thời gian” qua việc chuyển hướng sử dụng một  số uranium đã được làm giàu 20% làm nhiên liệu trong lò phản ứng  sản xuất isotopes dùng trong y khoa ở Tehran. Với sự giám sát quốc tế  và các cắt xén làm giàu uranium khác, giới lạc quan nghĩ,  giải pháp tạm thời nầy có thể giúp thành đạt một thỏa hiệp lâm thời, dù không hoàn hảo, cũng khả dĩ trì hoản được một đối đầu nguyên tử lớn hơn. Phía Mỹ không mấy sốt sắng, nại lý do cuộc khủng hoảng vẫn bị bế tắc trong hiện trạng tranh tối tranh sáng.
Tuy vậy, kế sách căn bản của cách tiếp cận của Obama cũng khá rõ ràng. Tổng Thống sẽ không chấp nhận một Iran với vũ khí hạt nhân, không những do áp lực vận động hành lang của Do Thái, mà một phần còn vì lời cam kết cấm phổ biến nguyên tử  — một hằng số trong thế giới quan của Obama. Nhưng Barack  Obama cũng sẽ không tuyên chiến chỉ vì Iran sở hữu một chương trình nguyên tử.
Trong năm 2012, các tướng lãnh Hoa Kỳ đã cho biết Do Thái không có đủ khả năng đơn độc tấn công Iran, vì thiếu các vũ khí chính xác và hữu hiệu nhất có thể xuyên thủng các  “bunkers” của Iran; nhưng một số khác lại thú nhận Do Thái có sự lựa chọn quân sự, mặc dù không tân tiến và tốt như Mỹ.
Vả chăng, Do Thái cũng có thể đủ sức gây áp lực một cách hiệu quả với Mỹ qua trung gian Quốc Hội Hoa Kỳ. Nhưng Quốc Hội cũng như Thủ Tướng Do Thái Binyamin Netanyahu không thể buộc Obama khai chiến khi Obama không muốn. Sự lựa chọn John Kerry cũng đã nhấn mạnh lòng tin của Obama: Hoa Kỳ phải theo đuổi ngoại giao cho đến cùng và phải được thấy làm như thế. Người Mỹ cũng hiểu điều nầy không có nghĩa giải pháp sẽ hữu hiệu.
Tình hình trong vùng Trung Đông nới rộng cũng không làm họ yên lòng. Tổng Thống Obama khi mới lên nhận chức cũng đã hy vọng, qua việc hợp tác an ninh vô tiền khoáng hậu với Do Thái và cùng lúc công khai mời mọc thế giới Hồi Giáo, Obama có thể chuẩn bị nền tảng cho giải pháp hai nhà nước, giải quyết cuộc xung đột Do Thái-Palestine.
Nhưng Obama đã sai. Obama đã đánh mất công luận ở Do Thái, và đã thất bại trong nổ lực gây được lòng tin của người Hồi Giáo, và cũng đã bị làm nhục bởi thái độ công khai thách thức của thủ tướng Do Thái. Trong một động thái không được tường trình vào lúc đó, nhiều nguồn tin cho biết Hillary Clinton, ngoại trưởng sắp ra đi, hai năm trước đó, đã thúc đẩy Obama qua mặt các lãnh đạo trong vùng và định hình giải pháp hòa bình hai nhà nước cho hai dân tộc Do Thái và Palestine. Và theo  một nguồn tin, Tòa Bạch Ốc đã từ chối — vẫn chưa muốn chớp lấy cơ hội lịch sử .
 VÀ LẮM CHÔNG GAI
Hình ảnh của Obama ở Do Thái có thể đã được cải thiện. Thương tổn vì chưa được Obama viếng thăm với tư cách tổng thống, người Do Thái thật sự đã biết ơn hậu thuẩn chính trị của Obama đối với quyền tự vệ, và sự trợ giúp với hệ thống tên lửa quốc phòng Iron Dome, khi tên lửa từ dải Gaza đang rót vào Do Thái hồi cuối năm 2012.
Các thành phần hậu thuẩn cẩn trọng hơn của tổng thống đã chế nhiễu những gợi ý:  một diễn văn của Obama có thể gây cảm hứng cho người Do Thái đòi hỏi một thỏa ước hòa bình, một thỏa ước chính quyền được bầu chọn của họ không mong muốn. Các thành phần cẩn trọng nầy thừa nhận hầu hết các cử tri Do Thái đã bày tỏ hậu thuẩn đối với giải pháp hai nhà nước. Nhưng theo các thành phần Do Thái cực đoan,  người Do Thái luôn nghi ngờ khả năng giới lãnh đạo Palestine có thể đem lại hòa bình.
Tuy vậy, Kerry vẫn ủng hộ những sáng kiến mới. Và các người trong cuộc đang nói đến ba thay đổi có thể đem lại lực đòn bẩy lớn hơn cho Hoa Kỳ.
Một đổi thay là sự cô lập ngoại giao ngày một nghiêm trọng của Do Thái. Trong cuộc bỏ phiếu gần đây của Liên Hiệp Quốc về quy chế của Palestine, Cộng Hòa Czech là đồng minh Âu châu duy nhất của Netanyahu.
Thay đổi thứ hai có thể là khủng hoảng Iran sẽ chấm dứt với môt cuộc tấn công của Mỹ. Do áp lực của công luận Hồi Giáo, Obama có thể phải cần đến những nhượng bộ lớn lao của Do Thái trong phạm vi xây dựng các khu định cư, và cần có đủ khả năng để đòi hỏi như thế.
Thay đổi thứ ba có thể khởi động bởi một sự sụp đổ của Nhà Cầm Quyền Palestine và một sự trổi dậy ở Bờ Tây.
Trung Đông không phải là nơi duy nhất  chứng kiến một giảm thiểu các tham vọng.  Khi Tổng Thống Afghanistan,  Hamid Karzai, đến Hoa Thịnh Đốn vào ngày 11-01-2013, Obama đã phác họa nhiều kế hoạch cho một sứ mệnh rất hạn chế cho quân lực Mỹ ở Afghanistan sau năm 2014. Một vài trợ tá Tòa Bạch Ốc được biết đang thúc đẩy chỉ để lại phía sau một quân số khoảng 2.500 quân nhân,  ít hơn rất nhiều so với con số bàn luận cách đây một năm.
Obama quả quyết  Hoa Kỳ đã thành đạt mục tiêu chính: hủy diệt giới lãnh đạo al-Qaeda và ngăn ngừa Afghanistan có thể được sử dụng như một bệ phóng tương lai các cuộc tấn công vào Hoa Kỳ.
Obama đã tự hỏi một cách cường điệu: Phải chăng cuộc chiến nhiều năm ở Afghanistan đã hoàn tất mọi mục tiêu như vài người đã tưởng tượng?  Và ông đã trả lời một cách bình thản: “Có lẽ không”. Nhưng trong mọi toan tính của con người, “như bạn biết, bạn luôn không đạt được lý tưởng.”[7]
Người Mỹ tiếp tục các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái ở Pakistan. Nhưng chiến trường lớn nhất của cuộc chiến chống khủng bố, Iraq, ngày nay được nhắc đến hầu như trong khung cảnh Hoa Kỳ hiện không có mấy ảnh hưởng ở đó. Trong tháng 12-2012, các quan chức Hoa Kỳ đã công khai tỏ rõ giận dữ trước sự kiện Iran cung cấp vũ khí cho Syria, sử dụng  không phận của Iraq. Iraq đã gạt bỏ lời cáo buộc, và dân Mỹ nói chung chỉ đáp ứng với một cử chỉ nhún vai tập thể.
Trọng tâm ngoại giao của tổng thống đã và đang là “chốt” Á châu. Thách thức là trình tự lèo lái giữa can dự với một TQ đang lên và các đòi hỏi của các quốc gia láng giềng của TQ: Hoa Kỳ phải giữ vai trò cân bằng hay đối trọng trong khu vực. Đây là điều rắc rối phức tạp bởi lẽ quan hệ của Hoa Kỳ với TQ đang bị chi phối bởi những tay chơi phân liệt.
Một Trung Quốc tương đối thực tiển và ngày một canh tân cũng khá sẵn sàng để thương thảo  các đề tài toàn cầu từ quy luật mậu dịch, biến đổi khí hậu, cho đến hổ trợ ngoại giao trong các vấn đề Iran và Mùa Xuân Á Rập.
Lập trường của Mỹ cũng khá minh bạch: cứ ứng xử theo quy luật toàn cầu, tự chế trong quan hệ với các quốc gia lân bang, người Mỹ sẽ không gây trở ngại cho Trung Quốc trong quá trình trở thành nền kinh tế lớn nhất hoàn cầu.
Tuy nhiên, trong phạm vi những đề tài cấp vùng như tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông, một Trung Quốc xưa cũ đầy gai góc thắng thế và luôn tin: Hoa Kỳ đang tìm cách đắp bờ, cản trở, ngăn chặn đà tăng trưởng của TQ một cách trực tiếp và khuấy động các lân bang lớn nhỏ trong khu vực.
Một điều đặc biệt rắc rối là tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn. Hoa Kỳ xem đó như vấn đề an ninh toàn cầu, nhưng đối với TQ, đó chỉ là vấn đề thứ yếu trong các âu lo nội bộ nhạy cảm.
Người Mỹ nói rõ với TQ chừng nào Bắc Hàn còn là một đe dọa, chừng đó Hoa Kỳ sẽ phải duy trì các lực lượng quân sự hùng mạnh trong sân sau của TQ. Nhưng âu lo của TQ về một sụp đổ khả dĩ của Bắc Hàn còn sâu xa hơn, và vì vậy, TQ không sẵn sàng gây áp lực mạnh đối với chế độ.
Sự kiện một chính quyền Nhật ước muốn đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng được đắc cử đã thỏa mãn sự mong đợi từ lâu của Hoa Kỳ, nhưng đã khởi động các âu lo mới các hải đảo nhỏ bé có thể đưa đến những va chạm cấp vùng. Những quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ ngày một sâu đậm trong những năm gần đây. Nhưng trong sự thiếu vắng những sáng kiến mới, hay những kết quả rõ ràng từ các kết quả trước đây, các chuyên gia ở Hoa Thịnh Đốn đang nói đến dấu hiệu một ” Ấn Độ mệt mỏi ” hay “India fatigue”.
Ngay cả các thành phần hậu thuẩn một chính sách Á châu thăng bằng cũng e ngại: vế TQ trong phương trình cần được tăng cường, thúc đẩy Obama can dự thương thảo sớm sủa và chặt chẽ với lãnh tụ Tập Cận Bình, và hợp tác quân sự giữa quân lực của hai nước.
Quan hệ kinh tế có nhiều hứa hẹn hơn. Obama đã tự chế trong các cãi vã về mậu dịch có thể ảnh hưởng đến thị trường, thay vào đó thúc đẩy các đại diện thương mãi chỉ nên tìm các phương cách trả đũa thầm lặng trước các cách ứng xử thiếu thiện chí như không tôn trọng bản quyền, cưởng ép chuyển giao công nghệ, hay các biện pháp trợ giá trái với luật cung cầu trên thị trường. Bên cạnh “gậy gộc” chế tài, Hoa Kỳ cũng áp dụng các biện pháp “cà rốt” để xoa dịu. Trung Quốc ngày một ưa thích đầu tư ở các nước ngoài, do đó, có lý do mới để tuân thủ luật chơi theo các quy luật quốc tế. Các thương thảo chung quanh đề tài “Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương” – Trans Pacific Partnership hay TPP, một khu vực mậu dịch hiện đang loại trừ Trung Quốc, cũng đã có thể đem lại nhiều động lực.
HỨA HẸN VÀ THỰC THI
Về phía Tây phương, các đồng minh Âu Châu, nhất là Anh Quốc, đang đòi hỏi một hiệp ước tự do mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu — luôn là đối tác thương mãi lớn nhất. Một hiệp ước như thế có thể giúp nâng cao tỉ suất tăng trưởng và khả năng đối phó với Trung Quốc của Tây Phương. Thời cơ đã chín mùi. Ngay cả các chính quyền Âu Châu ưa thích bảo vệ mậu dịch cũng bị cám dỗ bởi kế hoạch kích thích kinh tế không đòi hỏi nhiều công chi. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng thiết tha và Tòa Bạch Ốc cũng bị thuyết phục. Nhưng không ai có thể bảo đảm Âu Châu sẽ nghiêm túc, và sẽ chấp nhận nhập khẩu những hàng xuất khẩu của Mỹ như thịt bò có chứa kích thích tố. Với kết quả không chắc chắn, nhiều người lên tiếng cảnh cáo cần thân trọng, tại sao Obama phải chấp nhận bất trắc?
Tính toán chính trị giúp giải thích các hứa hẹn lớn lao nhưng rồi không được thực thi trong nhiệm kỳ đầu của Obama.
Nhiệm kỳ hai có thể thấy nhiều tiến bộ hơn trong vấn đề tài giảm vũ khí hạt nhân, kể cả sự thúc đẩy những thương thảo mới với Nga, mặc dù quan hệ với Vladimir Putin lúc một xấu đi một cách đáng ngại. Khủng hoảng Syria đem lại bằng chứng mới quan hệ lúc một tệ hại hơn. Nhiều nổ lực lớn lao của Mỹ nhằm thuyết phục Putin — quyền lợi riêng của Nga chắc sẽ thúc đẩy ông bỏ rơi chế độ Assad — đã chẳng đi đến đâu.
Một nhân vật cao cấp nghi ngờ sự khôn ngoan ước lệ rằng Liên Bang Nga sẽ bảo vệ đồng minh Trung Đông của họ, gợi ý Nga đang thực sự quan tâm đến khả năng từ chối sự lãnh đạo của Hoa Kỳ về một trật tự thế giới mới dựa trên các can thiệp vì lý do nhân đạo. Putin thà thấy Syria rơi vào vũng lầy thảm sát  còn hơn để thấy Hoa Kỳ đạt được những gì Hoa Kỳ ước muốn.
Người Mỹ chờ đợi tổng thống Nga có thể nối kết khả năng thảo luận tài giảm binh bị với kế hoạch các hệ thống tên lửa phòng vệ triển khai ở Âu Châu —  những tên lửa nhằm Iran, nhưng các tướng lãnh Nga xem như những nổ lực vô hiệu hóa các vũ khí hạt nhân của  họ. Nếu Nga không thương nghị, Obama có thể xem xét khả năng giảm thiểu các kho vũ khí hạt nhân một cách đơn phương.
Riêng đối với đề tài biến đổi khí hậu, một quan tâm hàng đầu của Kerry, Hoa Kỳ đặt rất ít hy vọng ở tiến trình cồng kềnh của Liên Hiệp Quốc. Khả năng thương thảo song phương và đa phương với các quốc gia gây khí thải nhà kính rất có thể được xem xét, không những khí thải carbon mà còn các hình thức ô nhiễm nguyên nhân của  hiện tượng hâm nóng ngắn hạn. Nhưng chính trị quốc nội cần được thay đổi để giúp Obama có được những đề nghị đáng kể đối với Trung Quốc.
Sự thất bại của chính quyền Obama trong việc thiết kế một cơ sở luật pháp thích ứng với các xung đột trong thế kỷ 21 là một đề tài quan trọng. Các nguy cơ luật pháp nghiêm chỉnh ngày một chồng chất bởi chiến thuật tấn công bằng phi cơ không người lái bừa bãi, thường dựa trên các tin tình báo của nước ngoài. Di chuyển các nghi can khủng bố đến những nhà tù nước ngoài vẫn được tiếp tục, cũng như các tòa án quân sự bên ngoài hệ thống tòa án bình thường. Nhà tù Guantanamo vẫn còn hoạt động. Các luật sư Bộ Ngoại Giao muốn có những quy chế thay thế những quyết đoán vội vàng từ kỷ nguyên George W. Bush về quyền hành động chống khủng bố trên khắp thế giới. John Brennan, lãnh đạo chống khủng bố của Tòa Bạch Ốc, giám đốc CIA,  chia sẻ quan điểm nầy. Nhiều nhân vật nghiêm chỉnh trong chính quyền các quốc gia thân hữu mong muốn được thấy những pháp chế nầy, cũng như các tiến bộ trong các đề tài như bài trừ bom mìn.
Obama luôn hoạch định cho tám năm làm tổng thống. Nhiệm kỳ đầu để đặt cơ sở  đã không gặt hái được kết quả. Rất có thể, nhưng những biện minh như thế sẽ không thể đứng vững cho bốn năm còn lại.
DI SẢN CẦN ĐỂ LẠI
T T Barack Obama đã tuyên thệ nhận chức tổng thống nhiệm kỳ hai  – một danh dự chỉ dành cho 26 người tiền nhiệm. Khi trở lại văn phòng bầu dục, Obama sẽ tái khám phá một chuổi vần đề, từ những tranh chấp nội bộ về trần công trái và kiểm soát vũ khí đến các xung đột đẫm máu ở Mali và Syria. Nhưng hơn bao giờ hết, Barack Obama có thể khôn ngoan hơn khi có cái nhìn dài hạn. Obama sẽ không còn nhu cầu tranh cử. Lịch sử sẽ phán đoán Obama như thế nào?
Nhiều người hy vọng sẽ thuận lợi hơn là bốn năm vừa qua. Điều nầy không có nghĩa phủ nhận những thành tựu trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống. Rất ít tổng thống đã phải nhận chức trong một bối cảnh thiếu may mắn hơn, với một nền kinh tế co rút 5% mỗi năm, công ăn việc làm sụt giảm 800.000 mỗi tháng, và Hoa Kỳ đang chìm đắm trong hai cuộc chiến tai họa. Obama đã đảm đương trách nhiệm một cách đáng khen qua việc đưa nền kinh tế bệnh hoạn trở lại con đường hồi phục. Thành đạt lập pháp chính của ông — cải cách y tế — có thể đã giúp hàng triệu người Mỹ, mặc dù sự thẩm định còn phải đợi quá trình thực thi hoàn tất.
Tất cả những điều nầy, bên cạnh một phe đối lập không còn mấy uy tín, đã thuyết phục đa số cử tri ủng hộ Obama trong tháng 11-2012 vừa qua. Tuy nhiên, nhiệm kỳ đầu đã chứng tỏ còn xa mức thành công, đủ để đem lại cho Obama danh vị một lãnh đạo vĩ đại — hay che chở cho ông tránh khỏi một nhiệm kỳ hai tai họa có thể quét sạch mọi thành quả khác.
Di sản của Obama một phần sẽ tùy thuộc vào các biến cố. Khi George W. Bush ngồi đọc sách với học sinh ở Florida ngày 11-9-2001, cuộc chiến chống khủng bố chưa phải một cụm từ trong từ ngữ của ông. Di sản của T T Obama cũng có thể bị mờ nhạt bởi một sự kiện bất thần tương tự. Nhưng Bush cũng thường được mô tả như người đã bành trướng chính quyền nhiều hơn bất cứ tổng thống nào khác kể từ Lyndon Johnson. Đó là một di sản lẽ ra Bush đã có thể tránh được. Tuy nhiên, Bush vẫn có thể được tiếng tốt vì đã cải thiện và gia tăng viện trợ cho Phi Châu.
Vốn liếng chính trị của một lãnh đạo, như thì giờ và năng lượng, là một tài nguyên khan hiếm, và danh sách những địa hạt, những nơi Obama có thể chi tiêu những tài nguyên hiếm hoi của mình, lại khá dài. Cải cách nhập cư có thể là món quà lớn có  thể dành cho hậu thế; xây dựng  khu tự do mậu dịch Âu-Mỹ rất có thể có lợi cho các quốc gia Tây phương.
Tuy nhiên,  theo đa số các kinh tế gia Âu-Mỹ, ba đề tài lớn có nhiều cơ may đem lại lợi ích lớn lao nếu được giải quyết, nhưng cũng có thể trở thành những tiêu sản gây tai hại lớn cho di sản của Obama nếu bị bỏ quên.
(1) Cân Bằng Đối Chiếu Biểu
Điều căn bản nhất là Hoa Kỳ phải chấn chỉnh lại hệ thống tài chánh. Đề Đốc Mike Mullen, nguyên Chủ Tịch Bộ Tổng Tham Mưu Liên Quân, đã không quá đáng khi nói, trong năm 2010, nợ công của Hoa Kỳ là đe dọa chiến lược lớn nhất Hoa Kỳ đang phải đối mặt. Kể từ đó, ngạch số công trái đã tăng thêm 3.000 tỉ USD, nâng cao số nợ công lên quá 16.000 tỉ. Phần lớn con số nầy là hậu quả của đại suy thoái và các gói công chi kích cầu chống khủng hoảng. Vào cuối thập kỷ 2010, với thế hệ babyboomers về hưu trí, số khuy khiếm sẽ không ngừng gia tăng. Nếu Obama để lại một xứ sở đang rơi vào phá sản trong tháng 1-2017, Obama có thể nên quên đi ý tưởng được nhớ đến như một vị cứu tinh kinh tế.
Sau khi làm ngơ trước các khuyến cáo của ủy ban khuy khiếm do chính mình thiết lập, Obama, với bài học kinh nghiệm của Âu châu, không có dấu hiệu chấp nhận biện pháp cắt giảm hệ thống phúc lợi xã hội, vì đó là các quyền lợi xã hội và y tế dành cho giới già, giới nghèo và hưu trí .
Một Hoa Kỳ không thể đối phó với các vấn đề tài chánh ngoài chuổi khủng hoảng liên tục, và tiếp tục các biện pháp trì hoản vô hiệu, rất có thể rơi vào tai họa phá sản.  Khả năng duy trì địa vị lãnh đạo thế giới đang trên đà suy giảm trầm trọng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi lãnh đạo ở Bắc Kinh, Brasilia, Bogota, ngay cả Bá Linh, không còn lý do noi theo gương Hoa Thịnh Đốn.
Nếu Obama có thể điều chỉnh  tình trạng nầy, ông ta sẽ được nhớ tới như một gương mặt chuyển biến tình thế. Ngược lại, các thế hệ tương lai sẽ nhìn lại những năm Bush-Obama như thời kỳ hai tổng thống đã gây nên một tai họa đã được thấy trước dễ dàng.
(2) Phải Can  Dự
Trước các vấn đề nêu trên của Mỹ, đặt nặng chiến lược “xây dựng quốc gia [ngay trong quốc nội]“[8] — một cụm từ Obama thích dùng, là điều khó tránh. Nhưng một thế giới trong đó Hoa Kỳ “trở về hướng nội” có thể là một thế giới khó tiên đoán và ít an toàn hơn. Obama cũng còn có khá nhiều việc chưa hoàn tất ở hải ngoại từ nhiệm kỳ đầu. Mặc dù tất cả lối đại ngôn “tái định hướng và thỏa hiệp mới”[9], Iran vẫn là một cường quốc đang ở ngưỡng cửa hạt nhân, Liên Bang Nga vẫn đối nghịch, Âu Châu đang chia rẽ và bị bỏ rơi, và Trung Đông luôn căng thẳng. Hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan bất phân thắng bại đang ngày một bất ổn và đang được thu dọn.
Thế giới đó không một ai có thể đảm đang. Dù sao, vẫn còn hai khu vực Obama cần  thực sự chú tâm trong nhiệm kỳ hai.
Trung Quốc là khu vực số một. Vào tháng 1-2017,  kinh tế TQ có thể lớn hơn kinh tế Hoa Kỳ. Ngày nay không một quan hệ tay đôi nào trên thế giới có thể quan trọng hơn.
Trong nhiệm kỳ một, Obama đã tránh được bất cứ tai họa lớn nào. Ngày nay, nguy cơ tai họa còn nghiêm trọng hơn. Về mặt tiêu cực, một Trung Quốc với tinh thần quốc gia nhạy cảm có thể trở thành một Prussia một thế kỷ trước đây: viễn tượng một xung đột giữa Trung Quốc và Nhật, một đồng minh của Mỹ, về các hải đảo Senkaku, là một xung đột có thật.
Nhưng Obama cũng có cơ may biến cải một quan hệ đầy nghi ngờ thành một quan hệ mang lại lợi ích chung.  Thử tưởng tượng những gì một thỏa hiệp về biến đổi khí hậu “G2″ có thể đem lại cho môi trường.
Tập Cận Bình đã là lãnh tụ của TQ từ bốn tháng nay. Tuy vậy, Obama vẫn chưa chớp  cơ hội để thăm viếng. Họ Xi sẽ tiếp tục hiện diện trong suốt nhiệm kỳ hai của  Obama và cả 6 năm sau khi Obama đã mãn nhiệm. Các cuộc họp mặt thượng đỉnh thường lệ và nhiều cuộc họp mặt tay đôi trong nhiều cấp bậc, vì vậy, càng thiết yếu hơn. Hợp tác quân sự đã bị chểnh mảng nay cần được cải thiện. Mối quan hệ chân tình  giữa cá nhân hai nhà lãnh đạo, như đã từng diễn ra giữa Bill Clinton và Giang Trạch Dân trong thập kỷ 1990, có thể quá họa hoằng để mong đợi được tái diễn, nhưng môt Obama lạnh nhạt cũng cần phải cố gắng xích lại gần hơn với Tập Cận Bình.
(3)Thế Giới Á  Rập
Thế giới Á Rập là khu vực cuối cùng, nơi Obama sẽ được phán xét, và cũng là nơi ông có thể đem lại một đổi thay lớn.  Một di sản tai họa của Obama có thể là cái chết của giải pháp hai nhà nước cho mớ bòng bong Do Thái-Palestine.
Đối với Mùa Xuân Á Rập rộng lớn hơn, Obama có thể không đủ khả năng kiểm soát, nhưng Obama có thể giữ vai trò hướng đạo, trong phương cách George H.W. Bush đã giám sát giai đoạn kết thúc của Chiến Tranh Lạnh. Syria hiện đang thoát ra ngoài vòng kiểm soát. Các quốc gia như Ai Cập và Tunisia có thể nằm dưới quyền lãnh đạo của các lãnh tụ Hồi Giáo, nhưng vẫn là các quốc gia dân chủ và đang khát khao được hổ trợ tài chánh.
Nếu Obama để lại phía sau một khu vực ít nhiều có thiện cảm với Tây Phương, điều đó cũng đã có thể là một thành công đáng trân trọng. Obama sẽ mất cơ hôi nếu tỏ ra chẳng thiết tha hay e ngại thất bại, đối với một vùng nguy hiểm như thế trong nhiệm kỳ hai như ông đã từng làm trong nhiệm kỳ đầu.
Phán xét của lịch sử luôn khó tiên đoán. Nhưng nếu Obama bỏ lỡ cơ hội tìm giải pháp cho ba đề tài — ngân sách, Trung Quốc, và Trung Đông, Obama chắc chắn sẽ bị xét đoán khắt khe.
Cả ba đề tài đều đòi hỏi sáng suốt, can đảm và ý chí, và Obama cần bắt tay vào việc càng sớm càng hay.
Chúng ta nên cầu chúc cho ông được nhiều may mắn.

Nguyễn Trường
Irvine, California, USA
02-4-2013


[1] …an indispensable nation
[2] …an indispensable catalyst
[3] …a shame on all of us….
[4] …[Hagel] is insufficiently pro-Israel.
[5] …Most conservatives would rathher talk about “the Latino vote, women’s votes and the soul of the Republican Party” than foreign policy.
[6] …to become Pakistan with a nuclear-weapons fait accompli.
[7] …But in human enterprises, “you know, you fall short of the ideal.”
[8] … “nation-building [at home].”
[9] …  reset and new understandings.