Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

81. Quan hệ Nga - Mỹ: Duy trì giữa những bất đồng khó giải

17:35' 19/8/2013
TCCSĐT - Ngày 9-8-2013, cuộc gặp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nga và Mỹ trong khuôn khổ 2+2 vẫn diễn ra đúng như kế hoạch, cho dù trước đó không ít nhà bình luận nhận định rằng vụ E. Xnâu-đân (Snowden) có thể khiến cuộc gặp bất thành, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma (Barack Obama) quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga V. Pu-tin (Vladimir Putin) vào tháng 9 tới tại Mát-xcơ-va (Nga). 


Phát biểu trong cuộc gặp, cả Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry (John Kerry) và Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) đều khẳng định quan hệ Nga - Mỹ là cực kỳ quan trọng với những mục tiêu chung nhưng cũng không khỏi có những bất đồng. Tuy nhiên, tại cuộc gặp 2+2 lần này, hai bên đã thống nhất được cách thức để xử lý bất đồng, và cam kết tiếp tục thúc đẩy cải thiện quan hệ cũng như hợp tác trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Hai bên đã đồng ý sẽ triệu tập Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 (Geneve 2) càng sớm, càng tốt để tìm kiếm một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng tai Xy-ri. Các nhà ngoại giao Nga và Mỹ sẽ gặp nhau vào cuối tháng này để bàn việc tổ chức hội nghị quốc tế bị trì hoãn suốt từ nhiều tháng nay này. Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp nhấn mạnh: Xy-ri chiếm vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của Nga. Mục tiêu của chúng tôi là phải giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xy-ri trong khuôn khổ các biện pháp chính trị và bắt đầu tổ chức Hội nghị Giơ-ne-vơ 2.

Hai bên cũng thảo luận một loạt vấn đề ổn định chiến lược và an ninh quốc tế, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu và nhất trí tiếp tục đối thoại cấp chuyên gia để tìm ra giải pháp mà hai bên đều chấp nhận được. Nga và Mỹ ủng hộ chủ trương cởi mở hơn của tân Tổng thống I-ran và kêu gọi sớm nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân I-ran và CHDCND Triều Tiên. Hai bên cũng đạt được thỏa ước về tình hình Áp-ga-ni-xtan và việc tiếp tục cho phép Mỹ sử dụng không phận Nga trong việc vận tải binh lính và khí tài đến nước này. Ngoài ra, Nga còn mời phía Mỹ tham gia cuộc tập trận Phía Tây - 2013 và bày tỏ hy vọng trong cuộc gặp 2+2 tiếp theo sẽ bàn thảo về việc miễn thị thực lẫn nhau cho công dân hai nước.

Kết quả của cuộc gặp cho thấy “chiến tranh lạnh” giữa Nga và Mỹ đã không tái diễn. Tuy nhiên cái bóng của vụ E. Xnâu-đân dù muốn hay không, vẫn lơ lửng hiện diện trong cuộc gặp. Có thể thấy rõ điều đó qua việc sau cuộc gặp, hai bên đã không tổ chức một cuộc họp báo chung như thường lệ mà tổ chức hai cuộc họp báo ở hai nơi khác nhau, việc ký kết một loạt các hiệp định quan trọng cũng phải tạm ngưng lại.

Trong quá khứ, quan hệ Nga - Mỹ luôn tồn tại nhiều bất đồng. Các vấn đề lớn nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu, việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược, cuộc chiến ở Xy-ri, vấn đề hạt nhân của I-ran, vấn đề nhân quyền... Những bất đồng đó đã dẫn tới không ít lần hai bên “ăn miếng, trả miếng” nhau.

Chẳng hạn, ngay sau khi trở lại vị trí Tổng thống Nga, ông V. Pu-tin đã “làm lạnh” Nga - Mỹ khi cử Thủ tướng D. Mét-vê-đép (Dimitri Medvedev) thay mình tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 hồi tháng 5 năm ngoái tại Mỹ. Đáp lại, bốn tháng sau, Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng không đến dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC) tại Vla-đi-vốt-xtốc (Vladivostok) Nga. Chưa hết, ông B. Ô-ba-ma còn ký ban hành Đạo luật Magnitsky phong tỏa tài sản và cấm một số công dân Nga mà Mỹ cho là vi phạm nhân quyền nhập cảnh vào Mỹ. Ngay lập tức, ông V. Pu-tin cũng cấm người Mỹ nhận con nuôi quốc tịch Nga. Nga còn đóng cửa tổ chức phi chính phủ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) với cáo buộc tổ chức này ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống V. Pu-tin tại Mát-xcơ-va.

Căng thẳng Nga - Mỹ còn leo thang khi Mỹ khăng khăng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu, gây áp lực đòi Tổng thống Xy-ri Ba-xa Át-xát (Bashar Assad) từ chức trong khi Nga kiên quyết không để cho Mỹ và đồng minh biến Xy-ri thành một Li-bi thứ hai. Tất cả những bất đồng ấy khiến cho quan hệ hai bên đầy những thăng trầm và việc Nga cấp quy chế tỵ nạn lâm thời cho cựu nhân viên CIA E. Xnâu-đân như “giọt nước làm tràn ly” làm ngưng trệ đường lối “tái khởi động” quan hệ Nga - Mỹ mà Tổng thống B. Ô-ba-ma cam kết. Việc Tổng thống B. Ô-ba-ma quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga V. Pu-tin vào tháng 9 tới tại Mát-xcơ-va khiến quan hệ hai nước trở nên lạnh giá như hồi năm 1960, khi Tổng thống Mỹ Đoai-tơ Ai-xen-hao (Dwight Eisenhower) từ chối gặp Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Ni-ki-ta Khơ-rút-xốp (Nikita Khrushov) tại Pa-ri (Pháp).

Thế nhưng, tình hình hiện nay khác nhiều so với 53 năm trước. Tổng thống B. Ô-ba-ma hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống V. Pu-tin, song vẫn tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 5 và 6-9 tới tại Xanh Pê-téc-bua. Mặc dù căng thẳng giữa Nga và Mỹ đã lên mức cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay, nhưng hai bên vẫn đang cố gắng duy trì quan hệ. Và cuộc gặp trong khuôn khổ 2+2 vừa rồi cho thấy, mối quan hệ ấy vẫn sẽ tiếp tục được duy trì dẫu còn không ít những bất đồng khó bề giải tỏa./.
Nguyễn Sơn