Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

48. Châu Á-Thái Bình Dương và chiến lược mới của Mĩ

Trong một động thái hết sức quan trọng và nguy hiểm không mấy khác quyết định khởi động chiến tranh lạnh với Liên Bang Xô Viết năm 1947 của Tổng Thống Truman, T T Obama đã lựa chọn tăng cường quân lực trong khu vực Á châu-Thái Bình Dương với mục đích khẳng định vai trò bá chủ của Hoa Kỳ và ngăn chặn Trung Quốc.
BARACK OBAMA VÀ HỘI CHỨNG TRUNG QUỐC
Được loan báo ở Canberra, Australia, ngày 17-11-2011, chiến lược tăng cường quân lực sẽ giàn trải 2.500 lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ đến Darwin, Bắc Australia, và gia tăng sự hiện diện của hải quân ở  Nam Hải. Song hành với quyết định nầy, một nổ lực mới tăng cường quan hệ đồng minh với các lân bang của TQ – Úc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Philippines, Nam Hàn và Thái Lan.
Đã hẳn, theo người Mỹ, những hành động nầy không minh thị bao vây TQ và Obama vẫn nhấn mạnh đang tìm kiếm quan hệ tốt với Bắc Kinh. Nhưng trong thực tế, thật lòng ít ai tránh được kết luận: Bạch Ốc đã quyết định đề kháng tăng trưởng kinh tế của TQ với chiến lược phản công quân sự.
Theo mô tả của Thứ Trưởng Ngoại Giao William Burns, chính sách mới được quan niệm như một chốt chiến lược hướng đến Thái Bình Dương,[1] cơ sở trên một số ý niệm trọng yếu.
Trước hết là niềm tin Thái Bình Dương đã trở thành trọng tâm của sinh hoạt kinh tế toàn cầu và Hoa Kỳ phải duy trì địa vị tay chơi áp đảo trong khu vực nếu muốn bảo vệ quy chế cường quốc số một trên thế giới.
Thứ hai, hiểu rõ TQ đã lợi dụng Hoa Kỳ đang bị ám ảnh bởi Iraq và Afghanistan từ một thập kỷ nay, để thiết lập những dây liên kết kinh tế chặt chẽ với các quốc gia Đông Nam Á ngõ hầu thay thế Hoa Kỳ như tay chơi áp đảo trong khu vực.
Thứ ba, tin tưởng Hoa Kỳ phải gấp rút bù đắp một thập kỷ đã đánh mất và cần thách thức những thắng lợi gần đây của TQ bằng mọi biện pháp cần thiết. Và vì thiếu hẳn uy thế kinh tế cuả TQ, người Mỹ phải trông cậy vào yếu tố hùng mạnh duy nhất còn lại: sức mạnh quân sự.
Đến Canberra, Obama đã tuyên bố: “Trong khi chúng tôi đang chấm dứt các cuộc chiến hiện nay, tôi đã chỉ thị cho nhóm an ninh quốc gia đưa sự hiện diện và sứ mệnh của chúng tôi ở Á châu-Thái Bình Dương lên ưu tiên hàng đầu… Quyền lợi dài lâu của chúng tôi trong khu vực đòi hỏi sự kiên trì hiện diện của chúng tôi trong khu vực nầy. Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ hiện diện dài lâu ở đây.”[2]
Quyết định chiến lược mới hàm ngụ vài sắc thái then chốt, một số đã được công bố trong chuyến công du Á châu,  phần còn phải làm cũng đang được chuẩn bị. Sắc thái đặc biệt nhất là quyết định thiết lập một căn cứ ở Darwin, vùng Biển Timor, địa điểm chiến lược nối liền Ấn Độ Dương với Biển Nam Hải. Chính quyền Obama cũng đang nổ lực tăng cường các quan hệ quân sự với Indonesia và Philippines, cả hai đều tiếp giáp với Nam Hải. Trong khi Obama đang ở Australia, Ngoại Trưởng Hillary Clinton cũng công du đến Philippines, để ký kết Tuyên Ngôn Manila (Manila Declaration), một tuyên bố chung cam kết hợp tác quân sự chặt chẽ hơn, nhất là trong địa hạt hàng hải.
Những động thái nói trên và tương tự  – kể cả thỏa ước mậu dịch cấp khu vực mới nhằm loại TQ ra ngoài – là một phần trong chương trình chính quyền Obama mô tả như tái phối trí các lực lượng quân sự trong khu vực, giảm thiểu tầm quan trọng của vùng Tây Bắc Thái Bình Dương và ngoại vi Nhật Bản, và tập trung nhiều hơn vào vùng Tây Nam Thái Bình Dương và Nam Hải. Biển Nam Hải đã giữ một vị trí nổi trội ngày một quan trọng hơn trong tính toán chiến lược của Hoa Thịnh Đốn trong những năm gần đây, khi TQ đã xác quyết quyền lợi của họ trong khu vực và khi tầm quan trọng như một sân khấu kinh tế của khu vực Á châu-Thái Bình Dương đã rõ rệt gia tăng. Không những tiềm năng trữ lượng dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên quan trọng của khu vực – một số đang được các công ty Hoa Kỳ khai triển, kể cả ExxonMobil – khu vực còn được xem như tuyến hàng hải chính yếu đi và đến – từ Âu châu, Phi châu và Trung Đông đến TQ, Nhật, Nam Hàn và Đài Loan.
Người TQ tuyên bố Nam Hải là một phần trong lãnh hải quốc gia và dầu và hơi đốt thuộc quyền sở hữu của họ. Nhưng Hoa Thịnh Đốn cũng đang nhấn mạnh sẽ tranh đấu để duy trì “tự do lưu thông” (freedom of navigation) trong vùng, với bất cứ giá nào. Trong khi Đài Loan có lúc đã chiếm ưu tiên hàng đầu trong danh sách các thách thức an ninh của Hoa Kỳ trong vùng Tây Thái Bình Dương, ngày 10-11-2011 Hillary Clinton lại đã nói: “Bảo đảm tự do giao thông hàng hải ở Biển Nam Hải” là thách thức chính của Hoa Thịnh Đốn hiện nay.[3]
Chú tâm vào Biển Nam Hải sẽ giúp Bạch Ốc thành đạt vài mục tiêu. Chiến lược nhằm chuyển dịch trọng tâm hoạch định an ninh Hoa Kỳ từ chủ thuyết định mệnh ý thức hệ - như đã được hàm ngụ trong động lực áp đặt hệ giá trị Mỹ lên vùng Trung Đông ngày một mất tính phổ thông và theo đuổi cuộc chiến chống thánh chiến Hồi giáo không bao giờ hoàn tất – qua chủ thuyết thực tiển kinh tế, như đã được biểu lộ qua nổ lực bảo vệ các tài nguyên năng lượng hải ngoại và thương mãi hàng hải. Qua quyết định chiếm ưu thế áp đảo trên các tuyến lưu thông hàng hải trong vùng Nam hải, Hoa Kỳ sẽ có đủ khả năng ngầm đe dọa chiến tranh kinh tế với khả năng cắt đường tiếp cận các thị trường và nguyên liệu hải ngoại, chống lại TQ trong bất cứ xung đột nào. Và do tọa độ địa lý, Biển Nam Hải nối kết quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương với quyền lợi trong vùng Ấn Độ Dương cũng như với quyền lợi của các cường quốc đang lên trong vùng Nam Á.
Theo Bộ Trưởng Burns, đối tượng then chốt của chiến lược mới của chính quyền Obama là nối kết Ấn Độ với Nhật, Australia, và các thành viên khác trong nhóm chống đối TQ đang manh nha.
Các quan chức TQ, đang theo dõi các động thái vừa kể, chắc chắn phải xem đó như một nổ lực có tính toán của Mỹ nhằm vây bủa TQ với các liên minh thù nghịch. Phản ứng của TQ sẽ như thế nào còn cần phải chờ xem. Nhưng TQ chắc chắn sẽ  không bao giờ nao núng – đề kháng mọi tấn công từ bên ngoài luôn là bản chất nòng cốt  và mục tiêu chính yếu của Đảng Cộng Sản TQ, dù ít nhiều đã biến đổi và mềm mỏng hơn với thời gian. Vì vậy, chúng ta có thể nói: khó tránh khỏi phản công từ phía TQ.
Có lẽ Bạch Ốc đang tin tưởng: cạnh tranh quân sự sẽ gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế TQ và giúp ngụy trang tình trạng suy nhược của chính mình. Nhưng đây là một động thái điên rồ: uy lực kinh tế của TQ lớn lao hơn Hoa Kỳ quá xa. Muốn cải thiện vị trí của mình, người Mỹ trước hết phải tích cực chỉnh đốn nội bộ qua việc tăng cường kinh tế, giảm thiểu nợ nước ngoài, cải tiến giáo dục công lập, và chấm dứt những cam kết không cần thiết và phiêu lưu quân sự ở hải ngoại.
Sau hết, điều nhàm chán và đáng âu lo nhất trong động thái thay đổi chiến lược của chính quyền Obama – đã hẳn vì nhiều lý do đối nội cũng như đối ngoại,  kể cả nhu cầu đề kháng các tuyên bố huyênh hoang dao to búa lớn của các ứng viên tổng thống Đảng Cộng Hòa cũng như duy trì một ngân sách quốc phòng khổng lồ – là chiến lược mới sẽ kích động những tái phối trí tương tự từ phía giới hoạch định chính sách TQ, nơi các lãnh đạo quân sự đang thúc đẩy lập trường rõ rệt chống Mỹ và giành phần lớn trong ngân sách nhà nước. Kết quả khả dĩ nhất lúc đó sẽ là nhiều động thái đối nghịch từ cả hai phía, dẫn đến thiếu tin tưởng lẫn nhau, gia tăng chi tiêu quốc phòng, các va chạm hải quân khả dĩ và bất ngờ, một bầu không khí quốc tế nguy hiểm, và qua thời gian, bất trắc chiến tranh gia tăng.
ĐÙA VỚI LỬA
Với chiến lược mới, chính quyền Obama hình như đang đùa với lửa. Song hành với nổ lực chấm dứt hai cuộc chiến tai họa trong vùng Trung Đông Nới Rộng, Tổng Thống Obama có thể đã vừa phát động một chiến tranh lạnh mới ở Á châu. Một lần nữa, người Mỹ đang xem năng lượng như chìa khóa mở cửa bước vào một kỷ nguyên bá chủ toàn cầu mới.
Chính sách mới đã được T T Obama công bố ngày 17-11-2011 trong bài nói chuyện trước Nghị Viện Úc. Obama đã đưa ra một viễn kiến địa chính trị hết sức táo bạo và cực kỳ nguy hiểm. Thay v́ tập trung vào vùng Trung Đông Nới Rộng, như trong thập kỷ vừa qua, ngày nay Hoa Kỳ sẽ tập trung quyền lực vào Á châu và Thái Bình Dương. Từ Canberra, Tổng Thống đã tuyên bố: “Chỉ thị của tôi thật rõ ràng. Khi hoạch định và soạn thảo ngân sách cho tương lai, chúng tôi sẽ dành tài nguyên cần thiết để duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của chúng tôi trong vùng nầy.”[4] Trong khi các quan chức Bạch Ốc nhấn mạnh chính sách mới không đặc biệt nhắm TQ, ẩn ý cũng đủ rõ ràng: từ nay, mục tiêu hàng đầu của chiến lược quân sự Mỹ sẽ không phải chống khủng bố, mà để ngăn bờ chống quốc gia kinh tế đang tăng vọt, với bất cứ nguy cơ hay giá nào.
TRỌNG TÂM MỚI CỦA HÀNH TINH
Các quan chức Hoa Thịnh Đốn nhấn mạnh, quan tâm hàng đầu dành cho Á châu và ngăn bờ TQ là cần thiết, bởi lẽ vùng Á châu-Thái Bình Dương hiện là trọng tâm của sinh hoạt kinh tế thế giới. Họ đưa ra luận cứ: trong khi Hoa Kỳ đã và đang vướng víu với Iraq và Afghanistan, TQ đã rảnh tay để bành trướng thế lực trong khu vực. Lần đầu tiên kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Thịnh Đốn không còn là tay chơi kinh tế áp đảo ở Á châu-Thái Bình Dương. Theo họ, nếu muốn duy trì cương vị đại cường số một thế giới, Hoa Kỳ phải vãn hồi địa vị bá quyền trong khu vực và đẩy lùi ảnh hưởng của TQ. Vì vậy,  trong những thập kỷ tới, người Mỹ sẽ không theo đuổi một chính sách đối ngoại nào quan trọng hơn .
Theo đúng chiến lược mới, chính quyền Obama đã thể hiện một số biện pháp nhằm tăng cường uy lực Hoa Kỳ ở Á châu, và nhờ đó, sẽ đẩy TQ vào thế thụ động và phòng thủ. Một trong số những biện pháp vừa nói là bắt đầu gửi 250 trong số 2.500 thủy quân lục chiến đến căn cứ không quân  Darwin, Bắc Australia; và ngày 18-11-2011, “Tuyên Ngôn Manila” cũng đã được công bố, cam kết thắt chặt quan hệ quân sự với Philippines.
Cùng lúc, Bạch Ốc đã loan báo bán 24 chiến đấu cơ phản lực F-16  cho Indonesia, và gửi Hillary Clinton đến Miến Điện, quốc gia bị cô lập và đồng minh lâu dài của TQ – chuyến công du đầu tiên sau 56 năm của một bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ. Đến Miến Điện, Hillary Clinton cũng đã tuyên bố tăng cường quan hệ ngoại giao và quân sự với Singapore, Thái Lan, và Việt Nam – những xứ lân bang chạy dọc theo những tuyến đường hàng hải thiết yếu đối với nhu cầu nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu cũng như xuất khẩu biến chế phẩm của TQ.
Theo mô tả của các quan chức Mỹ, trên đây là những hành động cần thiết nhằm tối đa hóa các lợi điểm của Hoa Kỳ trong phạm vi ngoại giao và quân sự trong thời buổi TQ đang có ảnh hưởng kinh tế áp đảo trong khu vực.
Trong một bài viết gần đây đăng trên tạp chí Foreign Policy, Hillary Clinton đã hé lộ những gợi ý:  một Hoa Kỳ với kinh tế suy yếu không còn có hy vọng cùng lúc giữ địa vị ưu thế trong nhiều khu vực. Nước Mỹ phải chọn lựa chiến trường và giàn trải các tài nguyên nhân-vật-lực hạn chế của mình một cách cẩn trọng – phần lớn mang tính quân sự – hầu đạt lợi thế tối đa. Với Á châu như trọng điểm chiến lược toàn  cầu, điều nầy có nghĩa cần phải tập trung tài nguyên ngay trong khu vực.
Hillary Clinton viết: “Trong vòng 10 năm qua, chúng ta đã phân bổ nhiều tài guyên khổng lồ cho [Iraq và Afghanistan]. Trong 10 năm tới, chúng ta cần phải khôn khéo và quyết định một cách có hệ thống đầu tư thời gian và năng lượng, ngõ hầu giữ được vị trí tốt nhất khả dĩ duy trì quyền lãnh đạo [và] bảo vệ quyền lợi của chúng ta…Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của kỷ năng lãnh đạo Hoa Kỳ trong thập kỷ tới, vì vậy, sẽ là dồn và gia tăng đáng kể khả năng đầu tư – về ngoại giao, kinh tế, chiến lược, và nhiều phương diện khác – vào khu vực Á châu-Thái Bình Dương.”[5]  
Lối tư duy với tiêu điểm quân sự rõ ràng trên đây có vẻ mang tính khiêu khích một cách nguy hiểm. Những bước đã được công bố sẽ lôi kéo theo một sự hiện diện quân sự gia tăng trong vùng biển dọc theo biên giới TQ và các quan hệ quân sự được tăng cường với các quốc gia lân bang của siêu cường đang lên – những động thái chắc chắn sẽ đánh động sự cảnh giác và báo động giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng như tăng thêm sức mạnh cho những thành phần lãnh đạo cứng rắn, nhất là giới lãnh đạo quân sự có khuynh hướng hậu thuẩn một phản công đối ứng mang tính quân sự tích cực trước các xâm nhập và vi phạm khả dĩ của Hoa Kỳ. Dù có thể dưới nhiều hình thức khác nhau, một điều chắc chắn sẽ là: cấp lãnh đạo cường quốc kinh tế số 2 trên địa cầu sẽ không thể tỏ vẽ nhu nhược và thiếu quyết đoán khi đối diện với các biện pháp tăng cường lực lượng quân sự ở ngoại vi TQ của Hoa Kỳ. Điều nầy có nghĩa: người Mỹ có thể đang gieo mầm một cuộc chiến tranh lạnh mới ở Á châu trong năm 2011.
Sự tăng cường quân sự của Hoa Kỳ và tiềm năng một phản công quyết liệt của một TQ hùng mạnh đã là đề tài bình luận trong giới báo chí truyền thông Hoa Kỳ và Á châu.
Một diện chính yếu của cuộc đấu tranh đang manh nha chưa được quan tâm đứng đắn: trong nhận thức của chính quyền Obama, các động thái bất thần của Hoa Thịnh Đốn, đã được kích động bởi một phân tích mới mẻ phương trình năng lượng toàn cầu, đang vén màn cho thấy những nhược điểm gia tăng về phía TQ và những lợi điểm mới của Hoa Thịnh Đốn.
PHƯƠNG TRÌNH NĂNG LƯỢNG MỚI
Từ nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ đã phải lệ thuộc khá nhiều vào dầu nhập khẩu, phần lớn từ Trung Đông và Phi châu, trong khi TQ luôn sản xuất một lượng dầu hầu như gần đủ để tự túc.
Năm 2001, Hoa Kỳ đã tiêu thụ 19,6 triệu thùng dầu mỗi ngày trong lúc  sản xuất quốc nội chỉ ở mức 9 triệu thùng. Mức độ lệ thuộc vào các nguồn cung cấp nước ngoài lên đến 10.6 triệu thùng mỗi ngày đã là một âu lo lớn đối với các nhà làm chính sách Hoa Thịnh Đốn. Vì vậy, cấp lãnh đạo Hoa Kỳ đã phải xây dựng quan hệ quân sự ngày một chặt chẽ hơn với các xứ sản xuất dầu Trung Đông, và thỉnh thoảng đã phải lâm chiến để bảo đảm an toàn cho các tuyến tiếp liệu dầu.
Trong khi đó, TQ chỉ tiêu thụ 5 triệu thùng mỗi ngày, và với số lượng dầu sản xuất quốc nội ở mức 3,3 triệu thùng, do đó, chỉ phải nhập khẩu thêm 1,7 triệu thùng. Với nhu cầu dầu nhập khẩu  bé nhỏ, cấp lãnh đạo TQ không phải âu lo nhiều về cấp độ khả tín của các nguồn cung cấp hải ngoại — và vì vậy, TQ không cần phải theo đuổi một chính sách đối ngoại mang tính quân sự và hung hăng như Hoa Kỳ.
Ngày nay, chính quyền Obama đã đi đến kết luận: thị trường năng lượng toàn cầu bắt đầu thay đổi. Với thành quả tăng trưởng kinh tế ngoạn mục và sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu lớn lao và ngày một gia tăng với một số ngày một đông đã đủ khả năng tậu mãi xe hơi đầu tiên trong đời, số dầu tiêu thụ ở TQ ngày một tăng vọt. Vào khoảng 7,8 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2008, số dầu tiêu thụ ở TQ, theo dự báo gần đây của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, sẽ lên tới 13,6 triệu thùng năm 2020, và 16,9 triệu thùng năm 2035. Trong khi đó, sản lượng quốc nội,từ 4 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2008, được dự báo sẽ tăng lên khoảng 5,3 triệu thùng năm 2035. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, số dầu nhập khẩu của TQ được chờ đợi tăng vọt từ 3,8 triệu thùng mỗi ngày năm 2008 lên 11,6 triệu thùng trong năm 2035 –, vượt quá số dầu nhập khẩu của Mỹ vào cùng thời điểm.
Trong lúc đó, viễn ảnh cung cầu dầu ở Hoa Kỳ có thể được cải thiện. Nhờ ở số sản xuất dầu khó khai thác ở quốc nội gia tăng, kể cả số dầu ngoài khơi Alaska, vùng biển sâu Vịnh Mexico, và số đá-phiến-sét hình thành (shale formations) ở Montana, North Dakota, và Texas, dầu nhập khẩu được chờ đợi sụt giảm trong tương lai, ngay cả khi tiêu thụ năng lượng gia tăng. Thêm vào đó, số dầu khả dụng ở Tây bán cầu có thể nhiều hơn vùng Trung Đông hay Phi châu. Đã hẳn, tình trạng nầy là nhờ ở khả năng bơm dầu trong các khu vực có nhiều dầu  khó khai thác, kể cả dầu Athabasca tar sands ở Canada, các khu dầu ở độ sâu ngoài Đại Tây Dương thuộc Brazil, và trong những vùng giàu năng lượng thuộc Colombia luôn biến động nhưng nay tương đối được bình định khá hơn. Theo Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, sản lượng gộp của Hoa Kỳ, Canada, và Brazil được chờ đợi gia tăng khoảng 10,6 triệu thùng mỗi ngày giữa năm 2009 và năm 2035 — môt bước nhảy vọt lớn, trong khi hầu hết sản ngạch trong nhiều khu vực khác trên thế giới ngày một sụt giảm.
CÁC TUYẾN LƯU THÔNG HÀNG HẢI HUYẾT MẠCH
Những phân tích viễn ảnh địa chính trị trên đây hình như khá thuận lợi cho Hoa Kỳ, ngay trong khi TQ ngày một dễ bị thương tổn hơn trước các đổi thay bất thường dọc các tuyến đường hàng hải tiếp cận những vùng xa xôi nhiều năng lượng và tài  nguyên thiên nhiên.  Điều nầy có nghĩa Hoa Thịnh Đốn sẽ có thể dần dà tách khỏi các quan hệ quân sự chính trị với các xứ giàu năng lượng ở Trung Đông, những quan hệ cho đến nay đang chi phối đến mức áp đảo chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và đã đưa đến các cuộc chiến tốn kém và tàn khốc.
Thực vậy, từ Canberra T T Obama đã cho biết, ngày nay Hoa Kỳ đang ở trong vị thế bắt đầu tái định tiêu điểm để tái bố trí khả năng quân sự. Ông tuyên bố: “Sau một thập kỷ theo đuổi hai cuộc chiến cực kỳ tốn kém, Hoa Kỳ hiện đang chuyển dịch quan tâm đến khu vực Á châu-Thái Bình Dương có tiềm năng rộng lớn.”[6]
Đối với TQ, tất cả những điều kể trên gộp lại hình như đang cấu thành một môi trường có khả  năng đem lại nhiều bất lợi chiến lược. Mặc dù một số dầu nhập khẩu của TQ sẽ được chuyển tải bằng đường bộ qua các tuyến ống dẫn dầu từ Kazakhstan và Nga, phần lớn vẫn còn được chuyên chở bằng các tàu dầu từ Trung Đông, Phi châu, và Mỹ La Tinh qua các tuyến đường biển hiện nằm dưới quyền kiểm soát của hải quân Hoa Kỳ. Thực vậy, hầu như tất cả các tàu chở dầu đến TQ đều đi qua Biển Nam Hải, một khu vực chính quyền Obama hiện nay đang tìm cách tái thiết kế quyền kiểm soát thực sự của hải quân Hoa Kỳ.
Qua nổ lực thiết lập quyền kiểm soát áp đảo của hải quân trong vùng Biển Nam Hải và các khu vực kế cận, chính quyền Obama rõ ràng nhằm sử dụng năng lượng như một vũ khí trong thế kỷ 21 tương đương với quyền hăm dọa và bắt chẹt bằng vũ khí nguyên tử trong thế kỷ 20. Chíến lược mới  ám chỉ, nếu bị dồn vào thế bí và khi cần, Hoa kỳ có thể gây nhiều khó khăn kinh tế qua các biện pháp ngăn chặn các tuyến đường hàng hải tiếp liệu dầu và nguyên liệu thiết yếu cho siêu cường đang lên.
Đã hẳn, người Mỹ sẽ không bao giờ minh thị tuyên bố như thế, nhưng không ai có thể quan niệm các quan chức cao cấp trong chính quyền Obama lại không nghĩ đến những kế sách khả dụng tương tự, và hiện có nhiều bằng chứng người TQ cũng đang hết sức âu lo về bất trắc khả dĩ nầy — như đã chứng tỏ, chẳng hạn, qua nổ lực xây dựng gấp rút tuyến dẫn dầu xuyên Á cực kỳ tốn kém đến vùng vịnh Caspian.
Một khi bản chất căn bản của chiến lược mới của Obama trở nên rõ ràng hơn, không ai có thể nghi ngờ cấp lãnh đạo TQ sẽ phản công với những biện pháp đối ứng nhằm bảo đảm an toàn cho các nguồn tiếp liệu năng lượng và nguyên liệu mang tính sinh tử đối với TQ. Một số biện pháp trả đủa đã hẳn sẽ mang tính kinh tế và ngoại giao, chẳng hạn, những nổ lực ve vản các tay chơi trong khu vực như Việt Nam và Indonesia,  cũng như  các quốc gia cung cấp dầu quan trọng như Angola, Nigeria, và Saudi Arabia.
Tuy nhiên, phía Hoa kỳ cũng cần cảnh giác và không nên lầm lẫn: các biện pháp phản công khác của TQ rất có thể sẽ mang tính quân sự. Một sự tăng cường có ý nghĩa của hải quânTQ – vẫn còn non trẻ và lạc hậu so với hải quân Hoa Kỳ và các đồng minh trọng yếu – rất có thể khó tránh. Cũng tương tự như thế, quan hệ quân sự chặt chẽ hơn giữa TQ và Liên Bang Nga, cũng như với các thành viên Trung Á trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải như Kazakstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan, cũng sẽ có thể được xúc tiến gấp rút.
Ngoài ra, Hoa Thịnh Đốn ngày nay hình như cũng đã khởi động một cuộc chạy đua vũ trang kiểu chiến tranh lạnh ở Á châu, một cuộc thi đua trong trường kỳ cả hai siêu cường đều khó thể đủ khả năng gánh chịu. Tất cả những động thái khả dĩ nói trên có thể đưa đến một tình trạng căng thẳng cực kỳ nguy hiểm và một nguy cơ vô tình leo thang nhanh chóng, nhất là những va chạm hay xô xát vô tình và khả dĩ giữa các tàu tuần tiểu và tình báo Hoa Kỳ, TQ và đồng minh của cả  hai phía — tương tự như vụ đã từng xẩy ra khi một đội tuần duyên của hải quân TQ bủa vây  tàu ngầm tuần tiểu Hoa Kỳ Impeccable suýt gây ra tai nạn nổ súng trong tháng 3-2009. Một khi nhiều tàu chiến thù nghịch qua lại trong vùng, nguy cơ một va chạm lớn dẫn đến tình trạng căng thẳng nghiêm trọng hơn chỉ có thể tăng lên nhiều lần.
Đã hẳn, những bất trắc tiềm ẩn và tổn phí của một chính sách dựa trước tiên vào sức mạnh quân sự với mục tiêu ngăn bờ TQ sẽ không chỉ thu hẹp ở Á châu. Trong mục tiêu phát huy khả năng tự túc năng lượng ngày một lớn hơn, chính quyền Obama đã chấp thuận nhiều kỹ thuật sản xuất dầu khó khai thác, những kỹ thuật làm gia tăng khí thải nhà kính, nhiều tai họa ô nhiễm môi trường, và nhiều nguy cơ khôn lường khác.
Với những bất trắc và tai họa khả dĩ vừa nói, trên các phương diện môi trường, quân sự, và kinh tế, nhân loại sẽ phải sinh sống trong một thế giới nguy hiểm hơn rất nhiều lần. Ước muốn chấm dứt các cuộc chiến trên bộ tai họa ở vùng Trung Đông Nới Rộng để rãnh tay đối phó với các vấn đề kinh tế, tài chánh, và năng lượng đầy bất trắc đang âm ỉ ở Á châu là một điều dễ hiểu , nhưng lựa chọn một chiến lược cơ sở trên khả năng áp đảo quân sự và gây hấn chắc chắn sẽ gặp phải một phản công tương ứng. Đó không phải con đường thận trọng để dõi theo , và trong trường kỳ cũng rất có thể tai hại cho quyền lợi của Hoa Kỳ trong kỷ nguyên hợp tác kinh tế toàn cầu ngày một hiển nhiên thiết yếu. Hy sinh môi trường để thành đạt độc lập về năng lượng là một việc làm vô nghĩa và thiếu duy lý.
Chiến tranh lạnh mới ở Á châu và chính sách năng lượng bán cầu có thể đẩy hành tinh vào vòng nguy khốn: Đó là một hỗn hợp tối nguy hiểm cần được tái thẩm định trước khi đưa đẩy nhân loại vào tình cảnh tiến thối lưỡng nan. Không cần phải là một tiên tri, mọi người đều có thể biết đây không phải là biểu hiện của kỷ năng lãnh đạo sáng suốt, mà chỉ có thể là một chiến lược điên rồ.
Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
18-12-2011

[1] …a strategic pivot toward the Pacific.
[2] As we end today’s wars, I have directed my national security team to make our presence and mission in the Asia Pacific  a top priority…. Our enduring  interests in the region demand our enduring presence in this region. The United States is a Pacific power, and we are here to stay.
[3] …”ensuring freedom of navigation in the South China Sea”  is now Washington’s principal challenge.
[4] My guidance is clear. As we plan and budget for the future, we will allocate the resources necessary to maintain our strong military presence in this region.
[5] Over the last 10 years, we have allocated immense resources  to [Iraq and Afghanistan]. In the next 10 years, we need to be smart and systematic about where we invest time and energy, so that we put ourselves in the best position to sustain our leadership [and] secure our interests… One of the most important tasks of American statecraft over the next decade will therefore be to lock in a substantially increased investment — diplomatic, economic, strategic, and otherwise — in the Asia-Pacific region.
[6] After a decade in which we fought two wars that cost us dearly, the United States is turning our attention to the vast potential of the Asia-Pacific region.