Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

12. TPP – RCEP: Đối trọng hay cạnh tranh

20:52' 24/7/2013
TCCSĐT - Đúng như nhận định của các chuyên gia dự báo rằng châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực phát triển năng động nhất của thế giới trong thế kỷ XXI, nhân loại đang chứng kiến nhiều động thái chiến lược của các nước lớn như: tăng cường trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, chính sách hướng Đông của Nga và Ấn Độ, can dự “sức mạnh mềm” của EU, kỷ nguyên châu Á của Ô-xtrây-li-a… và hiện đang hình thành hai cơ chế hợp tác kinh tế mới “khổng lồ” là TPP và RCEP.


TPP và RCEP

- Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được ký ngày 3-6-2005, với 4 nước tham gia là: Bru-nây, Chi-lê, Niu Di-lân và Xin-ga-po tiếp sau có thêm thêm 7 nước là Mỹ (2009), Ô-xtrây-li-a, Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Pê-ru (2010), Mê-hi-cô, Ca-na-đa (2012) và gần đây nhất là Nhật Bản (2013). Cho đến nay đã có tổng cộng có 12 nước tham gia đàm phán, với tổng dân số là hơn 792 triệu người và sản lượng kinh tế vào khoảng 25 ngàn tỷ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% kim ngạch thương mại thế giới.

Hiệp định TPP, với mục tiêu ban đầu là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 01-01-2006 và đến năm 2015 mức cắt giảm sẽ là 0%. Thỏa thuận bao gồm các hoạt động trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền… TPP hiện đang khởi động vòng đàm phán lần thứ 18, từ ngày 15 đến ngày 25-7 tại Cô-ta Ci-na-ba-lu (Kota Kinabalu), thủ phủ bang Xa-ba (Sabah) ở miền Đông Ma-lai-xi-a. Hội nghị có 11 nước tham gia là: Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xin-ga-po, Mỹ và Việt Nam. Trong đó, 5 vấn đề được thảo luận là việc tiếp cận thị trường, quyền bảo hộ trí tuệ, môi trường, lao động và thương mại điện tử.

Nhật Bản quyết định tham gia đàm phán TPP muộn là do quan ngại về sự thiệt thòi đối với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi phân tích so sánh sự thiệt hại về sản phẩm nông (31 tỷ USD) với lợi ích mà các ngành công nghiệp mang lại (32 tỷ USD) hàng năm cho Nhật chủ yếu là quan hệ giữa hai thị trường Mỹ và Nhật, trong bối cảnh Nhật Bản đang quyết tâm thoát khỏi sự trì trệ của nền kinh tế đã quá kéo dài và ngày 23-7 này Nhật Bản cũng chính thức tham gia các cuộc đàm phán.

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức được khởi động đàm phán tại Phnôm Pênh bên lề thượng đỉnh ASEAN 21 (ngày 20-11-2012) dựa trên nguyên tắc cơ bản là mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa cam kết của ASEAN với các đối tác thương mại tự do khu vực. Tham gia Hiệp định RCEP có 16 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với nòng cốt là 10 quốc gia ASEAN cộng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân và Ô-xtrây-li-a (gọi tắt là ASEAN + 6). Trong đó có 6 quốc gia tham gia cả hai cơ chế đối tác kinh tế RCEP và TPP là Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Xin-ga-po, Niu Di-lân và Ô-xtrây-li-a. RCEP đại diện cho 50% dân số thế giới và chiếm 30% GDP toàn cầu.

Hồi tháng 5 vừa qua, ASEAN đã cùng các đối tác thảo luận các vấn đề thương mại, dịch vụ, đầu tư và các phương thức đàm phán về RCEP và tiến tới một thỏa thuận hoàn thiện vào năm 2015. RCEP cũng cam kết tự do hóa gần tới 100% thương mại, thông qua các hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên, đối với những mặt hàng nhạy cảm, có thể vẫn có sự bảo hộ nhất định như mặt hàng nông sản gạo.

Đối trọng và cạnh tranh

Theo các nhà phân tích, trong chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã nêu rõ, ông sẽ thúc đẩy Hiệp định TPP để gây áp lực với Trung Quốc. Trong khi phía Trung Quốc lại cho rằng, nhiều điều kiện để gia nhập TPP đang gây khó khăn cho Trung Quốc. Do đó, để tránh xung đột trực tiếp với Mỹ và tránh bị Mỹ chĩa mũi nhọn vào mình, Trung Quốc đã chọn cách hỗ trợ cho các nước ASEAN vay vốn, nhằm thúc đẩy thành lập Hiệp định RCEP.

Nhìn tổng thể, hai hiệp định thương mại khu vực TPP và RCEP có những mục tiêu gần giống nhau là tự do hóa thương mại và hợp nhất kinh tế, tuy nhiên, tính cạnh tranh giữa hai cơ chế kinh tế này có thể gây phân hóa các nước trong khối ASEAN khiến dư luận khu vực không khỏi quan ngại. Tuy nhiên, đi sâu vào bản chất, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, TPP và RCEP không chỉ có sự cạnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của 2 cường quốc Mỹ - Trung, mà cách tiếp cận cũng có sự khác nhau. Hiệp định TPP theo mô hình ưu tiên chất lượng, tiêu chuẩn cao về luật lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ; trong khi RCEP lại hướng tới những tiêu chuẩn phù hợp, hạn chế rào cản thương mại đối với từng quốc gia, nhất là các nước thành viên chậm và đang phát triển. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, trong khi châu Âu trước đây đã phải mất hàng chục năm để thảo luận về thỏa thuận thương mại của họ thì nay, trong cùng một khoảng thời gian đã hàng chục thỏa thuận song phương giữa các quốc gia Đông Á đang nở rộ, khiến nảy sinh quan ngại về nguy cơ chồng chéo, “triệt tiêu” lẫn nhau trong đàm phán. Điều mà các nhà hoạch định chính sách các nước của ASEAN không thể không quan tâm.

“Sức ép” đối với Việt Nam

Năm 2012 giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 114,57 tỷ USD và nhập khẩu là 113,79 tỷ USD. Trong đó thương mại hai chiều giữa Mỹ và̀ Việt Nam đã tăng từ 1 tỷ USD (năm 2001) lên 26 tỷ USD (năm 2012). Giá trị xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ là 17,1 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu là dệt may, giày dép, gỗ, sản phẩm gỗ, cà phê và thủy sản. Xuất sang In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a 6 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 3,45 tỷ USD. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất các mặt hàng của Việt Nam như cao su, dầu thô, than đá, gạo, nông sản… Thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 41 tỷ USD. Từ những con số thương mại hai chiều nêu trên cho thấy, lợi ích từ việc tham gia TPP và RCEP đã giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, tạo ra khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhận được sự giúp đỡ kỹ thuật của các nước phát triển. Tuy nhiên, đồng nghĩa với nó là việc Việt Nam sẽ phải gánh chịu nhiều thách thức khi mở cửa thị trường, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, kể cả việc phải sửa đổi luật lao động, công đoàn, bồi thường thiệt hại, cải thiện nhân quyền nhất là về sở hữu trí tuệ… để phù hợp với những điều kiện của sân chơi mới. Đây có thể coi là “sức ép” khi Việt Nam trở thành thành viên đàm phán chính thức của cả hai cơ chế trên.

Như vậy, đứng trước hai tổ chức, hai cơ chế kinh tế TPP và RCEP, Việt Nam cần phải có những đối sách linh hoạt cho phù hợp với tình hình mới. Sự thích ứng với mỗi tổ chức là rất cần thiết để tranh thủ tối đa lợi ích thiết thực nhằm mục tiêu phát triển ổn định, nhanh và bền vững cho nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, nhiệm vụ nặng nề đang đặt ra cho các nhà hoạch định chiến lược kinh tế đối ngoại, nhất là các chuyên gia khi tham gia đàm phán TPP và RCEP./.
Nguyễn Nhâm