Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

52. Các cuộc chiến bẩn thỉu, gậy ông đập lưng ông, bài học Việt Nam

Tác phẩm của Chalmers Johnson “Phản Tác Dụng: Phí Tổn và Hậu Quả Của Đế Quốc Hoa Kỳ” (Blowback: The Costs and Consequences of American Empire) đã ra mắt độc giả trong tháng 3-2000 — nhưng hình như chẳng mấy ai quan tâm. Cho đến thời điểm đó, “blowback” hay phản tác dụng chỉ là một từ mù mờ trong ngôn ngữ của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA), một từ Johnson đã định nghĩa như “những hậu quả ngoài ý muốn của các chính sách được giữ bí mật đối với người dân Hoa Kỳ.”[1] Trong lời mở đầu, nguyên cố vấn CIA và học giả nổi tiếng cả về cuộc cách mạng nhân dân Mao Trạch Đông và Nhật Bản hiện đại, đã tự nhận: bản thân tác giả trong thời Chiến Tranh Lạnh là “người mang giáo mác cho đế quốc.”[2]
Sau ngày Liên Bang Xô Viết tan rã năm 1991, Johnson đã ngạc nhiên khi khám phá cơ cấu toàn cầu chính yếu của siêu cường Hoa Kỳ — quốc gia khổng lồ thời Chiến Tranh Lạnh còn tồn tại — vẫn là toàn bộ hệ thống các căn cứ quân sự, như không có gì đã xẩy ra.
Một thập kỷ sau, khi “Đế Quốc Ma Quỷ” Liên Bang Xô Viết không còn mấy ai nhớ đến, Chalmers Johnson đã nhìn lại thế giới và tìm thấy một thực tế: “đế quốc Hoa Kỳ” với uy quyền và tầm với lớn lao. Johnson đã bị thuyết phục: trong sinh họat toàn cầu, Hoa Thịnh Đốn đã chuẩn bị cơ bản “trên khắp thế giới… cho các hình thức phản tác dụng tương lai.”[3]
Johnson đã ghi nhận những dấu hiệu báo trước một khủng hoảng của thế kỷ XXI dưới hình thức các cuộc tấn công khủng bố vào các cơ sở và cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ. Trong chương đầu của tác phẩm Blowback, Johnson đã đặc biệt chú ý đến Osama bin Laden, một tay chân trước đây của Hoa Kỳ, và đến cuộc chiến Afghanistan chống Xô Viết trong đó Osama bin Laden và tổ chức al-Qaeda đã xuất hiện. Đó là cuộc chiến hoàn toàn do Hoa Thịnh Đốn hậu thuẩn, và CIA tài trợ và trang bị những thành phần Hồi Giáo cực đoan, chuẩn bị sẵn sàng cho Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan sau nầy .
Chúng ta đang nói đến “tác dụng ngoài ý muốn” hay “gậy ông đập lưng ông”! Mục tiêu của cuộc chiến là đem lại cho Liên Bang Xô Viết một “tai họa Việt Nam,”[4] hay trong thực tế, còn tệ hại hơn nhiều. Thực vậy, tất cả những việc đó đã đặt cơ sở cho một thực tế, vào thời điểm Johnson viết tác phẩm của ông (năm 1999), chẳng ai biết là cái gì.
Nhưng Johnson ít ra cũng đã có linh cảm — một linh cảm vào ngày 12-9-2001 chứng tỏ tác phẩm của ông đã thực sự mang tính tiên tri. Johnson đã tin và nhấn mạnh một hiện tượng khác: người Mỹ “đã tự giải phóng chúng ta khỏi một ý thức thuần khiết về cách các người khác trên địa cầu có thể nhìn chúng ta.”[5]
Với Blowback, Johnson đã nhằm chấn chỉnh điều đó — qua sự minh họa chân dung một đế quốc không chính thức và lịch sử thiết kế nhiều căn cứ quân sự vô tiền khoáng hậu trên thế giới, và do đó, giải thích tại sao thù nghịch và phản tác dụng đã được vun đắp trên toàn cầu.
Sau ngày 11-9-2001, tác phẩm của Chalmers Johnson đã được trưng bày ngay bên cạnh hình ảnh “biến cố 11/9″ trong các nhà sách trên toàn quốc, và trở thành tác phẩm bán chạy nhất (bestseller); và các từ “phản tác dụng, hậu quả không ước muốn, blowback” đã trở thành ngôn ngữ hàng ngày.
Chúng ta có thể nói, Chalmers Johnson là “học giả blowback hay phản tác dụng” đầu tiên của Hoa Kỳ. Ngày nay, sau gần một thập kỷ, người Mỹ lại được đọc một tác phẩm khác của nhà báo đầu tiên viết về cùng đề tài: Jeremy Scahill.
Thực vậy, năm 2007, Scahill cũng đã bất thần cho ra mắt một tác phẩm bán chạy nhất, một surprise bestseller, với nhan đề “Blackwater: The Rise of the World’s Most Powerful Mercenary Army” (Blackwater: Sự Xuất Hiện của Đội Quân Đánh Thuê Hùng Mạnh Nhất Thế Giới). Tác phẩm đã ra đời đúng lúc chính quyền Bush, để phục vụ các cuộc chiến ở hải ngoại, đang say sưa “tư nhân hóa guồng máy an ninh quốc gia và quân sự Hoa Kỳ” qua chương trình thuê mướn các công ty tư nhân cung cấp nhân viên tình báo và lính đánh thuê cho các cuộc chiến lan tràn nhanh chóng.
Trong những năm kế tiếp, Scahill hình như luôn ghi nhớ khám phá của Johnson: Người Mỹ không thể thấy “thế giới thực” ở bên ngoài. Do đó, không có gì phải ngạc nhiên khi phần lớn các cuộc chiến ở hải ngoại của Mỹ đã diễn tiến trong bóng tối. Trong khi hai chính quyền kế tiếp ở Mỹ đã lạm dụng khả năng ngày một mở rộng chiến tranh và uy thế an ninh quốc gia, giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã triển khai một hình thái chiến tranh không tuyên chiến u tối mới. Trong quá trình, họ đã ngày một biến cải và quân sự hóa CIA, tăng cường uy thế Bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt Liên Quân (Joint Special Operations Command — JSOC) một cách âm thầm, và triển khai một vũ khí tối tân mới — phi cơ không người lái (drone), như những lực lượng quân sự được tư nhân hóa của riêng tổng thống.
Trong những năm vừa qua, chiến tranh và lối mòn chiến tranh đã trở thành một địa hạt kinh doanh riêng tư của Tòa Bạch Ốc và guồng máy an ninh quốc gia, không phải của bất cứ ai khác. Đã hẳn, tất cả những điều nói trên không còn là một bí mật đối với những nạn nhân đối tượng, mà chỉ là một bí mật đối với người Mỹ không cần hay không nên biết nhiều về những gì đang được làm nhân danh họ.
Chính vì vậy, viết lại lịch sử bí mật về chiến tranh Hoa Kỳ trong thế kỷ XXI là một nhu cầu cực kỳ cấp thiết. Ngày nay, dưới hình thức một tác phẩm mới nhất của Scahill, chúng ta đang có được cuốn “Dirty Wars: The World Is a Battlefield” (Các Cuộc Chiến Bẩn Thỉu: Thế Giới Là một Chiến Trường).
Scahill đã đặc biệt lần theo dấu vết triển khai của JSOC. Ở Iraq, theo Seymour Hersh, JSOC đã trở thành một thứ Murder Inc., một công ty đặc chuyên ám sát hay “một cánh thực thi ám sát” (an executive assassination wing), hoạt động từ văn phòng của Phó Tổng Thống Dick Cheney. Kế đó, JSOC đã hướng các chiến thuật săn lùng/ám sát đến Afghanistan, rồi triển khai ra toàn cầu, trong khi các toán lực lượng hành quân đặc biệt ngày một lớn mạnh và trở thành đạo quân bí mật ngày một bành trướng bên trong lớp vỏ quân đội. Trong những năm đó, Scahill đã bắt đầu dõi theo các cuộc hành quân đặc biệt đến hiện trường, chủ đích khai thác các nguồn tin bên trong các cộng đồng hành quân đặc biệt cũng như trong thế giới quân sự và tình báo Hoa Kỳ.
Trong tác phẩm mới của mình, Scahill đã mô tả các cuộc chiến tình báo ở Hoa Thịnh Đốn như Ngũ Giác Đài, CIA, và các Cộng Đồng Tình Báo Hoa Kỳ khác, tranh đua uy quyền, nhất là các mệnh lệnh do tổng thống trao cho JSOC quyền hạn vô tiền khoáng hậu, biến địa cầu thành một vùng tác xạ tự do. Cuối cùng, trong tư cách phóng viên, Scahill đã đi đến nhiều nơi nguy hiểm — Somalia, Yemen, Pakistan — người Mỹ ít quan tâm hơn , những nơi quân đội Hoa Kỳ và CIA, cùng với các nhà thầu an ninh tư nhân, đang thực nghiệm và khai triển các phương cách mới mở rộng các cuộc chiến bí mật.
Như Scahill đã viết trong Phần Cảm Tạ, cám ơn một phóng viên khác cùng đi với ông, “Chúng tôi đều đã bị nhắm bắn trên các nóc nhà ở Mogadishu, cùng ngủ dưới sàn nhà bẩn thỉu trong các vùng nông thôn Afghanistan, và cùng đồng hành đến các vùng hoang dã miền Nam Yemen.”[6] Đó là tóm tắt vài nét bên sau công việc hàng ngày và tác phẩm về tinh thần độc lập và tận tụy của một phóng viên có lương tâm.
Trong quá trình, Scahill, người trong những năm đó đã khám phá nhiều câu chuyện quan trọng như phóng viên an ninh quốc gia của tạp chí The Nation, về các toán biệt kích Mỹ, các cuộc hành quân đặc biệt ở Iraq, các cuộc đột kích ban đêm ở Afghanistan, các chuyến chuyển vận bí mật các nghi can khủng bố đến các nhà tù do CIA tài trợ ở Somalia, những cuộc tấn công bằng drones và tên lửa tầm xa tai họa đối với thường dân và các cuộc săn tìm và ám sát các công dân Hoa Kỳ ở Yemen, và thế giới phức tạp của các cuộc hành quân hỗn hợp JSOC-CIA-Blackwater ở Pakistan, kể cả dấu hiệu các cuộc hành quân bí mật ở Uzbekistan.
Vẫn theo Johnson, các cuộc chiến tranh bẩn thỉu cũng là một lịch sử tương lai; có nghĩa một lịch sử gậy ông đập lưng ông trong tương lai, theo một tin nhắn nhận được từ mặt trận dấu tên trong các chiến trường toàn cầu của Hoa Kỳ, cùng với nhiều tin tức quan trọng khác…
CHUẨN BỊ CHIẾN TRƯỜNG
Cách đây vài năm, phóng viên Ann Jones đã mô tả các cuộc tuần tiểu của quân đội Hoa Kỳ trong vùng nông thôn Afghanistan như sau: Vâng, cũng khá nguy hiểm, nhất là các IED hay bom cài dọc vệ đường và bắn sẻ, nhưng xét chung các khu vực tuần tiểu hàng ngày có vẻ trống rỗng một cách kỳ lạ (eerily empty). Theo một nghĩa nào đó, hầu như không có một ai ở đó, hầu như một cuộc chiến với bóng ma –một chiến trường trống rỗng (an empty battlefield).
Quan sát của Ann Jones về một hành tinh tương tự như trong tác phẩm đáng quan tâm của Scahill. Có lẽ nhiều người có thể còn nhớ, ngay sau biến cố 11/9, chính quyền Bush đã thực thi một số kế hoạch táo bạo. Chỉ 5 tiếng đồng hồ sau khi chuyến bay American Airlines 77 đâm vào Ngũ Giác Đài, Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld đã bắt đầu thúc đẩy các trợ tá soạn thảo kế hoạch triệt hạ chế độ Saddam Hussein. Trong vòng vài tuần lễ, các quan chức trong chính quyền đã tin có nhu cầu “rút khô nước đầm lầy khủng bố và kẻ thù trên toàn cầu,”[7] và đã hoạch định theo đuổi một số mục tiêu khoảng từ 60 đến 80 quốc gia hay từ gần 1/3 đến một nửa số quốc gia trên thế giới. Nói một cách khác, khi họ nhanh chóng tuyên bố cuộc Chiến Toàn Cầu Chống Khủng Bố, họ đã không đùa giởn. Họ đã nói nghiêm túc và, như tường trình của Scahill, họ đã nhanh chóng bắt tay vào việc thiết kế một số lực lượng — bí mật và chỉ do họ chỉ huy –có thể chiến đấu bất cứ ở đâu một cách âm thầm.
Khi các lực lượng nầy đã được gửi đi khắp nơi để thâu lượm tin tức tình báo, huấn luyện các lực lượng đặc biệt và bí mật bản xứ, và nhất là săn lùng và thủ tiêu quân khủng bố, một từ mới trong ngành đã xuất hiện, một từ cốt lõi đối với tác phẩm của Scahill tương tự như từ “phản tác dụng hay tác dụng trái ngược” — blowback — đối với tác phẩm của Johnson. Họ được gửi đi “chuẩn bị chiến trường” — to prepare the battlefield, (hay để thay thế, “không gian chiến trận” — the battlespace; hay “môi trường” –the environment). Quá trình chuẩn bị đã không thể nào kiêu căng hơn. Rumsfeld đã tóm lược tình hình như sau: “Ngày nay, toàn thế giới là không gian ‘chiến trận’”.[8]
Nhưng đây mới là điều khác thường: khi các lực lượng bí mật nói trên đến làm công việc “thô bỉ” “bẩn thỉu” của mình, không gian chiến trường toàn cầu lại trống rỗng một cách kỳ lạ. Không có bất cứ ai. Có lẽ hàng trăm hay nhiều nhất vài nghìn tín đồ thánh chiến sống rãi rác trong những vùng hoang dã của hành tinh. Nếu chuẩn bị chiến trường chỉ là một từ chủ yếu của kỷ nguyên, đó không phải là một từ mô tả chính xác. Đúng ra, đó có thể là các từ : “cấu tạo chiến trường” hay “lấp đầy chiến trường đang trống rỗng”.
Mẫu mực Scahill truy tìm một cách thông minh đã có thể cô đặc lại trong dạng “Cánh đồng mơ tưởng: nếu bạn soạn sửa lại, các giấc mơ sẽ tới”. Kết quả không phải là cuộc chiến chống khủng bố , mà là cuộc chiến của khủng bố và vì khủng bố. Hoa Thịnh Đốn có thể cùng lúc tạo ra “máy giết khủng bố và máy sản xuất khủng bố”.
Các Cuộc Chiến Bẩn Thỉu đã nắm bắt được phương cách các quan chức hàng đầu đã bị thuyết phục: siêu cường cuối cùng của hành tinh, với lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhất thế giới (như các tổng thống Hoa Kỳ ngày nay đã lặp đi lặp lại không mệt mỏi), đã có thể đơn thuần giết hại mọi đối thủ trên đường đi đến thắng lợi toàn cầu.
Như Scahill cũng đã cho thấy, họ thường thành công loại trừ các nhân vật trên danh sách, các thành phần cần thanh toán từ Osama bin Laden trở xuống: Bin Laden ở Pakistan, Abu Musab al-Zarqawi ở Iraq, Aden Hashi Ayro ở Somalia, Anwar al-Awlaki ở Yemen, cũng như nhiều phụ tá của các nhân vật hàng đầu al-Qaeda và các nhóm đồng minh.
Tuy vậy, ngoài các nhân vật trên danh sách cần thanh toán, nhiều người khác cũng phải chết theo bởi các drones của CIA và các toán đột kích JSOC. Đã hẳn, hầu hết là thường dân vô tội — và khá đông. Người dân luôn không muốn nhà cửa bị đạp đổ, con cái bị bắt giữ, hay vợ đang mang thai bị bắn giết; và họ đã phải uất hận chua chát trước những gì họ đã phải trải nghiệm.
Và chính vì vậy, trước khi Hoa Thịnh Đốn hiểu rõ, danh sách những nhân vật cần thanh toán đã ngày một dài thêm thay vì ngắn bớt, và các cuộc chiến ngày một lan tràn rộng hơn thay vì thu hẹp, bất ổn định ngày một trầm trọng và lan tỏa. Chiến trường, càng được “chuẩn bị” kỷ càng, ngày càng đầy dẫy kẻ thù.
Bằng chứng: Iraq, Afghanistan, Pakistan, Libya, Mali, Somalia, Yemen…ở hải ngoại; sự kiện 11/9 ở New York và Hoa Thịnh Đốn, bom nổ ở Boston với anh em nhà họ Tsarnaev… ngay ở “Homeland Hoa Kỳ”.
MỘT CƠ CHẾ TRIỀN MIÊN GÂY BẤT ỔN TRÊN HÀNH TINH
Trong khi Hoa Thịnh Đốn phát động các cuộc phiêu lưu hậu 11/9, các đồng minh của phái Tân Bảo Thủ, dưới thời George W. Bush, đã cả tin buồm đang thuận gió, đã nhằm các mục tiêu trong toàn bộ một vùng rộng lớn từ Bắc Phi đến biên giới Trung Quốc thuộc Trung Á, vùng Trung Đông Nới Rộng, hay “vòng cung bất ổn”.
Họ tưởng tượng, công việc của Hoa Kỳ là đem lại ổn định cho “vòng cung” qua việc sử dụng sức mạnh quân sự vô song để tạo dựng một Pax Americana trong vùng. Nói một cách khác, họ là những thành phần fundamentalists và phe quân sự là tôn giáo phục sinh của chính họ. Họ tin tưởng quyền lực công nghệ cao của họ sẽ thắng mọi hình thái quyền lực khác trên hành tinh. Họ đã cởi bỏ được hội chứng Việt Nam ngay từ cuộc chiến vùng Vịnh thứ nhất dưới thời George H.W. Bush, và đã quên bẳng bài học lịch sử Việt Nam.
Tiếp theo sau quyết định triệt thoái khỏi Iraq và trong ánh sáng của cuộc chiến tai họa còn tiếp diễn ở Afghanistan, nếu bạn nhìn lại Vùng Trung Đông Nới Rộng hiện nay, từ Pakistan đến Syria, từ Afghanistan đến Mali, bạn sẽ hiểu được trong thực tế bất ổn định thực sự là gì. Mười hai năm sau, hầu hết vùng nầy đã bị bất ổn hóa đến trình độ có thể giúp bạn hiểu được định nghĩa “thành công trong ngắn hạn và thất bại về lâu về dài” đối với Hoa Thịnh Đốn.
Trong thực tế, lẽ ra họ đã phải hiểu rõ hơn ngay từ đầu. Xét cho cùng, bên sau cuộc chiến toàn cầu, do George W. Bush phát động và Barack Obama tiếp tục, là một tái diễn trong thế kỷ XXI một thất bại tàn nhẫn của chiến lược đã được thử nghiệm trong cuộc chiến Việt Nam. Cụm từ đi kèm với chiến lược thất bại lúc đó là “điểm mốc quyết định” — “the crossover point,” là thời điểm quyết định trong chiến lược “chiến tranh hao mòn”– “war of attrition”.
Ý tưởng khá đơn giản. Hỏa lực kinh hoàng khả dụng của Hoa Thịnh Đốn có thể áp đặt lên kẻ thù Việt Nam với kết quả rõ ràng luôn được chờ đợi: không sớm thì muộn, thời điểm sẽ đến mốc giới: Hoa Kỳ có thể giết hại nhiều địch thủ hơn là đối thủ có thể thay thế với số tân tuyển ngay tại Nam Việt Nam hay viện binh từ miền Bắc. Vào thời điểm đó, người Mỹ chỉ cần bước qua mốc giới để tuyên bố chiến thắng — Mission Accomplished!
Chúng ta đều biết chiến lược nầy đã dẫn đến đâu sau đó — đến quyết định đếm xác kẻ thù, một quyết định chính quyền Bush đã nổ lực một cách tuyệt vọng để tránh né ở Iraq và Afghanistan, — đến tàn sát đại quy mô, và đến thất bại, khi một số cực lớn địch quân (và dân thường) bị giết một cách oan uổng nào đó mà đã không đưa đến điểm mốc Hoa Kỳ chờ đợi để bước qua trong chiến thắng.
Và đây là điều oái oăm. Cũng như Bush cha, người — khi cuộc chiến Vùng Vịnh I chấm dứt trong năm 1991, đã nói một cách say sưa là đã thành công “cởi bỏ hội chứng Việt Nam một cách dứt khoát,” — “kicked the Vietnam syndrome once and for all,” George W. Bush và các quan chức cận thần đã mang chứng dị ứng ngặt nghèo đối với ký ức Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn tìm cách phát động một cuộc chiến hao mòn toàn cầu chống lại tất cả các nhóm họ định nghĩa là “khủng bố.” Họ rõ ràng đã hoạch định giết hết, nếu có thể hay nếu cần từng tên một, cho đến khi với tới được “điểm mốc giới”, cho đến khi địch thủ đã phải hy sinh nhiều thành viên hơn khả năng thay thế và họ thấy được ánh sáng thắng lợi ở cuối đường hầm. Và cũng như ở Việt Nam, điểm mốc giới đã không bao giờ đến, và ngày một rõ ràng sẽ không bao giớ đến. Và tường trình của Scahill đã không thể nào mổ xẻ đề tài nầy sắc sảo hơn!
Những Cuộc Chiến Bẩn Thỉu thực sự là lịch sử bí mật bằng cách nào Hoa Thịnh Đốn đã phát động một chuổi các cuộc chiến tranh không tuyên chiến trong những vùng hoang vắng trên hành tinh và sát hại trên đường tiến đến một cái gì lúc một gần giống như cuộc chiến tranh toàn cầu thực sự, tạo dựng một thế giới đầy kẻ thù gần như từ điểm không. Chúng ta có thể nghĩ đến thực tại nầy như một hình thái kỳ lạ của sự thể hiện một ước muốn vô thức cho đến khi hậu quả xẩy ra lại đúng như một không gian đầy ác mộng.
Những gì đã được tạo dựng trong quá trình ngày nay hình như rất giống một bộ máy chuyển động triền miên gây bất ổn định trên toàn cầu. Chỉ cần theo dõi sự lan tràn của các căn cứ drones và các cuộc bố ráp của JSOC, và bạn có thể thực sự thấycác vùng xa vắng của địa cầu lúc một mất ổn định trước mắt bạn, hay đọc tác phẩm của Scahill và theo dõi được rõ ràng từng vụ đã xẩy ra như thế nào. Quá trình nay đang diễn tiến ở Phi Châu , nơi bất ổn định hình như đang lan dần về phía Nam từ Libya qua Mali.
Mười ba năm sau bây giờ đọc lại cuốn Blowback , thật khó lòng tin một tác giả đã có thể đi trước thời đại của chính mình đến thế, nhất là chúng ta đã hiểu rõ con người vốn dĩ khó thể tiên đoán được nhiều về bất cứ điều gì. Có lẽ điều đáng buồn nhất có thể nói về Các Cuộc Chiến Bẩn Thỉu là trước sự thật đã diễn ra, 13 năm sau kể từ bây giờ, tác phẩm của Scahill rất có thể vẫn còn mới mẻ như tin tức mới chiều hôm qua. Tác giả đã phơi bày phương cách phát động chiến tranh không theo sách vở, thứ chiến tranh hình như luôn kéo dài, bất kể chính quyền đương nhiệm là ai.
Nhiều điều vẫn chưa biết được khi nói đến các cuộc chiến phi-chiến-tranh. Mười ba năm sau chúng ta có thể biết khá nhiều về những gì JSOC, CIA, và nhiều cơ quan khác thực sự đã làm trong những năm đó. Tuy nhiên, tất cả những điều đó có lẽ chẳng làm thay đổi gì mẫu mực Scahill đã mô tả cho chúng ta.
Vì vậy, chúng ta cũng không nên ngần ngại nói ra: sứ mệnh đã hoàn tất! Lúc đó có thể thế giới vẫn chưa phải là một chiến trường. Nhưng ngày nay các cấp lãnh đạo đã chuẩn bị sẵn không gian chiến trường kỷ lưởng đến độ thế giới hiện đang đi về hướng đó.
Một điều hầu như rất ít được lưu ý: các cuộc chiến đế quốc thường khi quay trở lại nơi xuất phát. Hãy xem phản ứng đối với vụ nổ bom Boston marathon. Phản ứng chắc chắn đã là một cuộc săn lùng thủ phạm được quân sự hóa lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Theo phương cách riêng của nội vụ, đó cũng là một thí dụ của một chiến trường trống vắng. Một khu vực rộng 87 dặm vuông hầu như hoàn toàn bị khóa chặt. Ít nhất cũng có đến 9.000 nhân viên công lực địa phương, vệ binh quốc gia, tiểu bang , và liên bang, trang bị vũ trang đầy mình, các SWAT teams, xe thiết giáp, phi cơ trực thăng … tràn ngập đường phố Boston nới rộng và các thành phố lân cận, truy tầm hai trai trẻ nguy hiểm đang lẫn tránh, một trong hai đầy máu me bên trong một thuyền nhỏ trong vườn sau một ngôi nhà ngay bên ngoài khu vực ngăn rào lục soát bởi cảnh sát trong thành phố Watertown. Một quang cảnh khó thể tưởng tượng trong một Hoa Kỳ trước biến cố 11/9.
Tổn phí chắc phải rất cao, nhất là với những mất mát vì thành phố đã bị hoàn toàn đóng cửa. Cuối cùng, một trong hai nghi can đã tử thương và một bị bắt giữ — các cơ quan truyền thông và một số thị dân đã bắt đầu vổ tay tán dương chiến thắng ngắn hạn trên vài đường và khu phố Boston. Nhưng ở đây cũng vậy, bắn giết trên đường đi tìm thành công không phải là cách chứng minh một chiến lược tất thắng.
Xét cho cùng, người Mỹ đã và đang sống trong một thế giới phản tác dụng hay tác dụng trái ngược hay gậy ông đập lưng ông của Scahill, trong đó dù số thương vong là bao nhiêu, điểm mốc để bước qua chiến thắng vẫn chưa hề với tới.
Sau khi Dzhokhar Tsarnaev, nghi can Boston Bombing thứ hai, bị bắt giữ, Nghị Sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham đã sáng chế hay đã “tuýt” một thuật ngữ mới vào tiếng Mỹ. Trong khi gọi nghi can 19 tuổi như một chiến binh thù địch — enemy noncombatant, ông ta đã viết, “Đất nhà là một chiến trường” — The homeland is the battlefield. Việc làm nầy của Graham đã gây một cảm giác ớn lạnh dài theo xương sống các độc giả cuốn “Các Cuộc Chiến Bẩn Thỉu” .
Ngoài ra, cũng còn một điều nầy: trong khi thế giới đang “cháy nóng” và “tan chảy”, Hoa Thịnh Đốn đang tự gán cho mình một sứ mệnh toàn cầu thiết yếu: gửi các lực lượng bí mật đến các chiến trường trên toàn cầu săn đuổi các thành viên thánh chiến. Đó có thể là trường hợp thẩm định nguy cơ đế quốc tồi tệ nhất trong lịch sử chúng ta đã được biết.
Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
03-5-2013
——————————————————————————–
[1] …the unintended consequences of policies that were kept secret from the American people.
[2] …a spear-carrier for empire.
[3] …”all around the world …for future forms of blowback.”
[4] … a Vietnam-style bloody nose.
[5] …Americans had freed “ourselves of … any genuine consciousness of how we might look to others on this globe.”
[6] We were shot at together on rooftops in Mogadishu, slept on dingy floors in rural Afghanistan, and traveled together in the netherlands of Southern Yemen.
[7] …the need to “drain the swamp” of terrorists and enemies on a global scale.
[8] Today, the entire world is the” battlespace”.