Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

51. Tranh chấp Biển Nam Hải và Chốt Á Châu - Thái Bình Dương

An ninh và ổn định trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI đang bị khuấy động sau quá trình canh tân và tăng cường quân sự của Trung Quốc và Chốt Á Châu-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Đã hẳn, từ lâu ước mơ trỗi dậy như một siêu cường toàn cầu đồng vai vế với Hoa Kỳ trong khu vực đã là động lực bên sau mọi động thái của Trung Quốc.
VA CHẠM QUYỀN LỢI GIỮA HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC
Chính vì vậy, các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải — bùng phát với chiến lược “Brinkmanship” hay “Đi dây trên bờ vực thẳm chiến tranh” của Trung Quốc, dựa trên áp lực kinh tế, chính trị và quân sự đối với các quốc gia nhược tiểu lân bang trong vùng Đông Nam Á với chủ quyền đang bị thách thức — cần được xem như một hậu quả khó tránh.
Các tranh chấp trong Biển Nam Hải, ngày một nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ, đã được định hình kể từ 2008-2009, sau khi TQ tuyên bố Biển Nam Hải là “quyền lợi thiết thân” hay “core interest” và, vì vậy, sẽ sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ chủ quyền tự xác định.
Một khẳng định như thế của TQ không có gì đáng ngạc nhiên đối với cộng đồng thế giới bên ngoài và luôn phản ảnh khuynh hướng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hơn là qua các sáng kiến thương nghị của các đại cường.
Những tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải — một vùng TQ tự khẳng định có chủ quyền lịch sử bao gồm toàn bộ Biển Nam Hải, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các hải đảo nhỏ khác trong vùng Lưỡi Bò — không may cho TQ, hiện không còn có thể xem như giới hạn giữa TQ và các quốc gia thành viên ASEAN.
Nói một cách khác, các tranh chấp trong Biển Nam Hải ngày nay đã khoác một kích cỡ quốc tế vượt khỏi các lời tuyên bố chủ quan về chủ quyền bởi các nước tranh chấp, và đã được nâng lên một tầm cao với những nguyên tắc phản ảnh sự quan tâm toàn cầu với nhu cầu “bảo vệ những quyền lợi chung; quyền sử dụng không hạn chế các tuyến đường biển quốc tế; và tự do lưu thông trên đại dương.”[1] Vì vậy, các tranh chấp, trước đây chỉ giữa TQ và ASEAN, nay đã trở thành những xung đột giữa TQ, Hoa Kỳ, và cộng đồng toàn cầu về quyền sử dụng không hạn chế tuyến đường biển quốc tế xuyên qua Biển Nam Hải.
Trên bình diện địa chiến lược, Biển Nam Hải không phải là một “Biển Nội Địa của Trung Quốc.”[2]
“Về phương diện chiến lược và quân sự, Biển Nam Hải tọa lạc trong một khu vực then chốt cho phép kiểm soát không những ‘Đông Nam Á’ mà cả toàn bộ ‘Nam và Đông Á Châu’.”[3]
Với ý nghĩa chiến lược đó, toàn bộ “Biển Tây Thái Bình Dương,” bao gồm cả Biển Nam Hải, với những đường ranh có tầm chiến lược quan trọng đối với cả hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc, cho đến nay, đang do Hoa Kỳ khống chế. Và Hoa Kỳ chưa hề tỏ dấu hiệu sẵn sàng từ bỏ quyền khống chế chiến lược của mình. Biển Tây Thái Bình Dương cũng thiết yếu đối với TQ một khi TQ cảm nhận có nhu cầu thoát khỏi sự khống chế quân sự của Hoa Kỳ trong vùng.
Chiến lược Brinkmanship của TQ, trên căn bản, đã manh nha từ hai thập kỷ, trong suốt thời gian Hoa Kỳ mãi miết tập trung mọi nổ lực quân sự vào vùng Balkans, Afghanistan và Iraq và thiếu quan tâm đến an ninh và ổn định trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Tình trạng lơ là nầy đã làm dễ dàng các chương trình tăng cường các lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân, của Trung Quốc, và TQ đã không gặp phải bất cứ cản trở nào từ phía Hoa Kỳ.
Với quyết định thiết lập chốt Á châu-Thái Bình Dương gần đây của người Mỹ, theo giới quan sát, sự cạnh tranh chiến lược mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực đã là một trong những nguyên nhân khiến các tranh chấp ở Biển Nam Hải, vốn đã âm ỉ từ lâu, bùng phát .
Chính sách “Không Ưa Thích Nguy Cơ” (Risk Aversion) và “Chiến Lược Rào Giậu Trung Quốc” (China-Hedging Strategy) hiện nay của Hoa Kỳ cũng là những yếu tố góp phần khiến Trung Quốc tin tưởng những động thái gây hấn của họ ở Biển Nam Hải có thể sẽ không bị Hoa Kỳ thách thức.
Thực vậy, chiến lược Brinkmanship không chỉ nhằm kiểm soát số trữ lượng dầu và hơi đốt lớn lao dưới lòng đại dương. Trung Quốc còn có những mục tiêu chiến lược khi leo thang gây hấn trong vùng Biển Nam Hải — những động thái cần được hiểu trong bối cảnh Đại Chiến Lược hay Grand Strategy của Trung Quốc.
Đại Chiến Lược nhằm hai mục tiêu: (1) Buộc Hoa Kỳ phải triệt thoái khỏi Đông Á và Tây Thái Bình Dương vì mỏi mệt chính trị và đã tỏ ra thụ động trước chiến lược Brinkmanship trong Vùng Biển Tây Thái bình Dương của TQ; và (2) Lực lượng hải quân TQ đã được vun đắp đến mức đã có thể thu hẹp đáng kể sự chênh lệch so với ưu thế của hải quân Hoa Kỳ trong Biển Tây Thái Bình Dương.
Mục tiêu cơ bản rộng lớn hơn là xây dựng khả năng các lực lượng không những dọc bờ Thái Bình Dương của Trung Quốc mà còn cả trong Ấn Độ Dương.
Đại Chiến Lược của TQ trong vùng Biển Nam Hải xoay quanh ba trụ cột: (1) Chiếm trước, ngăn ngừa, cản trở bằng mọi giá quốc tế hóa các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải; (2) phá vỡ sự nhất trí của khối ASEAN nhằm ngăn ngừa chính sách khu vực hóa các tranh chấp; và (3) kiềm hãm và duy trì trình độ sôi sục trong các tranh chấp Biển Nam Hải ở mức không đủ để khởi động một sự can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ, cùng lúc vẫn duy trì đủ một áp lực chiến lược đáng kể.
Nguy cơ trong chiến lược Brinkmanship là tính toán sai lầm quá trớn của TQ về các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải, và do đó, có thể khởi động các xung đột vũ trang. Đến một mức độ nào đó, Hoa Kỳ cũng có thể sẽ phải can thiệp để bảo vệ ưu thế khống chế chiến lược của mình trong vùng Á châu-Thái Bình Dương và bảo vệ an ninh cho các đồng minh quân sự và các quan hệ chiến lược mới trong vùng.
Đây là khuôn khổ chiến lược trong đó các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải phải được phân tích và thẩm định trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. An ninh kinh tế và năng lượng chỉ giữ một vai trò thứ yếu. Các yếu tố quyết định chiến lược đang làm lu mờ các tranh cãi về luật pháp và chủ quyền trong vùng Biển Nam Hải.
Vấn đề cơ bản là thẩm định các tác động chiến lược xuất phát từ các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải ở cấp khu vực và trên toàn cầu. Thông thường các hệ quả chiến lược cấp vùng cần được ưu tiên phân tích, trước các tác động trên cách hành xử uy quyền toàn cầu.
Tuy vậy, tác động trên chiến lược toàn cầu sẽ được thảo luận trước bởi lẽ chúng ta có đủ lý do để tin hiện nay những hệ quả nầy luôn che mờ các hệ quả chiến lược cấp vùng, loại hệ quả thường đã được hàm chứa sẵn trong những hệ quả toàn cầu.
TÁC ĐỘNG TRÊN CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU
Ngày nay, các tranh chấp ở Biển Nam Hải không còn là một âu lo cấp vùng của Đông Á, Tây Thái Bình Dương, và Á Châu-Thái Bình Dương. Các xung đột ở Biển Nam Hải liên can ngày một nhiều đến các xứ bên ngoài khu vực cùng quan tâm đến các động lực tranh chấp.
Chính tình trạng thiếu nhất trí trong vùng Nam Á và thiếu khả năng quân sự bên trong khu vực để có thể tạo thành một cản trở tối thiểu đối với TQ trong các tranh chấp ở Biển Nam Hải đã mở đường cho các chủ thể có quyền lợi quốc tế trong khu vực can dự vào hàng ngũ các quốc gia đối nghịch với TQ.
Hoa Kỳ là đại cường đối trọng chính trong khi Nhật và Ấn Độ được thẩm định như các đối trọng bổ sung trong vùng Á châu-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn chiến lược Brinkmanship của TQ.
Liên Bang Nga như một đại cường Á châu-Thái Bình Dương cũng đang được huy động. Và Liên Bang Nga cũng đã tuyên bố chốt chiến lược Á châu-Thái Bình Dương của mình mặc dù thời khắc cũng như ý định đang còn rộng mở cho thương nghị.
Can dự vào các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải không những là các động thái ngăn bờ TQ không mấy che đậy của Hoa Kỳ, mà còn các động thái ngập ngừng ban đầu của Nhật Bản và Ấn Độ như những cản trở nếu chưa mang tính quân sự, ít ra là ngăn chặn chính trị.
Chính sách Brinkmanship và sử dụng vũ lực trong các tranh chấp Biển Nam Hải của TQ đã làm gia tăng các âu lo và quan tâm của Á châu trước sức mạnh quân sự của TQ. Trong các thủ đô Á châu, nhận thức của giới lãnh đạo ngày một mạnh mẽ: TQ không phải là một đại cường có ý thức trách nhiệm đối với an ninh và ổn định ở Á Châu.
Đây là một vấn đề rộng lớn, do đó, các hệ lụy chiến lược toàn cầu nổi trội bắt nguồn từ các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải cần được phân tích và nghiên cứu nghiêm túc:
(1) Hiện tượng Phân Cực ở Á Châu và Cán Cân Quyền Lực Mới ở Á Châu-Thái Bình Dương;
(2) Tây Thái Bình Dương không còn “thái bình”;
(3) Phản Ứng Toàn Cầu trước Chiến Lược Brinkmanship của TQ trong các tranh chấp Biển Nam Hải;
(4)Trung Quốc đang gây ra một Chiến Tranh Lạnh Mới trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương.
PHÂN CỰC VÀ CÁN CÂN LỰC LƯỢNG MỚI Ở Á CHÂU-THÁI BÌNH DƯƠNG
Lập trường hiếu động của TQ trong quá trình tranh chấp trong Biển Nam Hải đang tác động mạnh mẽ tới hiện tượng phân cực chiến lược ở Á Châu. Như một hệ quả, thế giới đang chứng kiến sự xuất hiện một cán cân quyền lực mới trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.
Một sự tái thẩm định chiến lược về môi trường an ninh Á Châu đã gợi ý, “các tham vọng chiến lược của TQ về sự trỗi dậy của một Á Châu với TQ như trung tâm hình như đã bị lên án. Sự thay đổi của TQ từ Đại Chiến Lược dựa trên ‘uy quyền mềm’ qua hành xử ‘uy quyền cứng’ hình như đã khai sinh một hiện tượng phân cực chiến lược của Châu Á-Thái Bình Dương. Việc thay đổi của TQ trong Đại Chiến Lược hình như đã đưa tới nhận thức một “Đe Dọa TQ” nhận chìm vùng Á Châu-Thái Bình Dương.”[4]
Việc TQ sử dụng các biện pháp hù dọa, áp lực quân sự và chính trị trong các vụ xung đột ở Biển Nam Hải chống lại các quốc gia láng giềng ASEAN, những quốc gia trong nhiều thập kỷ đã tìm cách hội nhập TQ vào các cơ chế đối thoại ASEAN, không những đã phản bội lòng tin, mà trong tiến trình, còn làm sứt mẻ uy tín của TQ như một đối tác có tinh thần trách nhiệm và yêu chuộng hòa bình.
Trên phương diện lịch sử, Á Châu-Thái Bình Dương, vào những thời điểm khác nhau, đã trải nghiệm nhiều mẫu cán cân quyền lực trong thực tế. Tuy nhiên, các sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ trong vùng Balkans trong thập kỷ 1990 và ở Afghanistan và Iraq trong thập kỷ 2000 đã đảo lộn cán cân lực lượng hiện hữu trong vùng. Sự thiếu vắng một chiến lược sau đó đã dẫn đến các chương trình canh tân và tăng cường quân sự nhanh chóng của TQ.
Các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải đã bùng phát trong giai đoạn hậu-2009 và tác động của tình trạng nầy đã dọn đường cho Hoa Kỳ trở lại với chốt Á Châu-Thái Bình Dương nhằm vãn hồi cán cân quyền lực đang bị cố tình đảo lộn bởi TQ.
Trong năm 2013, vùng Á Châu-Thái Bình Dương đang chứng kiến sự ló dạng của một cán cân lực lượng mới trong khu vực. Nói một cách tổng quát, phương thức của Hoa Kỳ là tái tăng cường các cơ cấu đồng minh quân sự hiện hữu ở Đông Bắc Á, cơ sở trên Nhật Bản, Nam Hàn, và Philippines; chấn chỉnh sự thiếu vắng các quan hệ an ninh giữa Hoa Kỳ và các quốc gia dọc bờ Nam Hải qua nỗ lực tìm kiếm những quan hệ chiến lược mới với Indonesia, Singapore, Ấn Độ, và Việt Nam, cũng như mở cửa đón nhận Myanmar.
Chúng ta có thể kết luận: Trong khi Hoa Kỳ đã không thành công trong nổ lực phân cực chiến lược vùng Á Châu-Thái Bình Dương để ngăn ngừa một đe dọa khả dĩ của Trung Quốc, chiến lược Brinkmanship của TQ, cùng với thái độ nôn nóng minh chứng sức mạnh quân sự mới của mình ở Á Châu, hình như đã đưa đến một tình trạng phân cực chiến lược bất lợi cho chính TQ.
TÂY THÁI BÌNH DƯƠNG KHÔNG CÒN THÁI BÌNH
Vùng Tây Thái Bình Dương là nơi giao thoa giữa các quyền lợi chiến lược và quyền lực giữa Hoa Kỳ và TQ. Đó cũng là nơi có sự hiện diện và cạnh tranh quyền lực cấp vùng giữa TQ và Nhật, giữa TQ và Việt Nam cũng như Philippines, trong các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải.
Hoa Kỳ ngày một bị lôi cuốn vào các tranh chấp cấp vùng với TQ và không thể thờ ơ với an ninh và ổn định trong vùng Tây Thái Bình Dương.
Xét cho cùng, Hoa Kỳ cũng có thể cần đến chiến lược ngăn bờ TQ trong vùng Tây Thái Bình Dương. Tây Thái Bình Dương là một vùng dễ bốc lửa giữa TQ và Hoa Kỳ, nơi tiếng súng đầu tiên có thể bùng nổ trừ phi giới lãnh đạo TQ khôn ngoan đấu dịu thay vì tăng tốc chiến lược Brinkmanship trong các tranh chấp ở Biển Nam Hải.
PHẢN ỨNG TOÀN CẦU
Cộng đồng toàn cầu và các đại cường cũng đã minh thị cam kết bảo vệ các quyền lợi chung và quyền tự do lưu thông trên đại dương. Và giới phân tích Đông Nam Á cũng đã đồng thuận: không xứ nào có quyền tuyên bố Biển Nam Hải thuộc lãnh thổ quốc gia của riêng mình.
Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Bộ Trưởng Ngoại Giao mới của Pháp cũng đã cam kết duy trì an ninh và ổn định trong vùng Đông Nam Á.
TRUNG QUỐC VÀ CHIẾN TRANH LẠNH MỚI
Từ lâu, TQ đã nhận thức Hoa Kỳ như hiện thân của đe dọa số 1. “Thái độ ngờ vực, giọng điệu ứng xử, và chiến lược Brinkmanship chống đối Hoa Kỳ cũng không mấy khác bầu không khí ngột ngạt trong thời kỳ dẫn đến Chiến Tranh Lạnh thứ nhất. Nhưng khác với cuộc Chiến Tranh Lạnh thứ nhất, cuộc Chiến Tranh Lạnh hiện nay rất dễ trở thành ‘Chiến Tranh Nóng’ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong các tranh chấp bốc lửa xuyên Á và các đề tài chiến lược khác.”[5]
Năm 2013, tình hình còn nghiêm trọng hơn khi TQ đã đạt gần đến đỉnh điểm trong quá trình canh tân và tăng cường quân sự và có thái độ hiếu động trước chốt chiến lược Hoa Kỳ ở Á Châu, cũng như chuẩn bị thiết kế một cán cân lực lượng mới trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương. Sự leo thang trong các tranh chấp Biển Nam Hải là một thách thức hùng mạnh TQ có thể tung ra đối với Hoa Kỳ.
Tranh chấp cấp vùng, đối đầu, và xung đột không xẩy ra trong chân không. Các biến động thường xẩy ra do môi trường an ninh bối cảnh, đã hiện hữu hay có nhiều cơ may xẩy ra trong một tương lai có thể tiên liệu. Vì vậy, những tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải cần được xem xét trong toàn cảnh môi trường an ninh Á Châu trong thế kỷ XXI.
Nhận thức giữ một vai trò quan trọng trong việc định hình môi trường an ninh bối cảnh.
Trong các tranh chấp ở Biển Nam Hải, chiến lược Brinkmanship của TQ cần được thẩm định từ các nhận thức về sự cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh và ổn định của ASEAN hay sự thiếu dứt khoát và thiếu minh bạch của Hoa Kỳ, một thực tế TQ có thể lợi dụng để thể hiện các mục tiêu chiến lược nhằm thủ đắc quyền kiểm soát toàn vùng Biển Nam Hải.
TQ chẳng mấy quan tâm đến tính nhạy cảm trong chiến lược của ASEAN vì ý thức được tập thể ASEAN không thể tạo thành một lực cản nhất trí tối thiểu trước sức mạnh tấn công vào vùng Biển Nam Hải của TQ.
Trong những hệ quả chiến lược của sức ép tấn công của TQ đối với các thành viên ASEAN, chúng ta có thể lưu ý đến những điểm nổi trội sau:
(1) Các Thành Viên ASEAN Cần Cải Tiến Khả Năng Quân Sự
Mặc dù khá chậm trể, các thành viên ASEAN đã bừng tỉnh khi nhận thức được “Đe Dọa TQ” là một thực tế; và vì đó là một đe dọa hàng hải, các xứ nầy nay cần tập trung nổ lực xây dựng khả năng cản trở của hải quân và giám sát đại dương.
Trong địa hạt nầy, các thành viên ASEAN, kể cả các thành viên không dính líu đến các tranh chấp hiện nay, cũng cần phải củng cố sự nhất trí vì lý do đơn giản an ninh và ổn định của vùng Đông Nam Á không thể chia cắt. Hợp tác an ninh cấp vùng, vì vậy, là một mục tiêu cấp thiết khi TQ ngày một cường thịnh và gây hấn.
Mục tiêu cần được ghi nhận ở đây là các xứ thành viên ASEAN không những cần cải tiến khả năng quân sự, mà các cường quốc vốn có quyền lợi thiết thân trong vấn đề an ninh và ổn định trong vùng Biển Nam Hải cũng cần chung sức giúp ASEAN xây dựng và cải tiến khả năng ngăn cản và quốc phòng.
(2) Nhật Bản và Ấn Độ Cũng Cần Gấp Rút Tăng Cường Quân Sự
Lập trường cứng rắn của TQ không chỉ giới hạn trong vùng Biển Nam Hải mà còn bao gồm các tranh chấp lãnh thổ và quân sự với Nhật và Ấn Độ. Chính vì vậy, hai cường quốc nầy cũng phải tái thẩm định khả năng ngăn chặn ảnh hưởng của một TQ ngày một hùng mạnh về kinh tế lẫn quân sự.
Nhật đã bắt đầu những bước dè dặt hướng đến một lực lượng quốc phòng và ngăn chặn ít nhiều độc lập hơn. Chiến lược Brinkmanship liên quan đến tranh chấp chủ quyền các hải đảo Senkaku của TQ đã thuyết phục cấp lãnh đạo Nhật về nhu cầu một khả năng quân sự độc lập đối với Hoa Kỳ. Khả năng hoàn toàn kiểm soát vùng Biển Nam Hải của TQ có thể dần dà bóp ngạt kinh tế và chiến lược đối với Nhật Bản. Và Nhật có thể sẽ phải tìm cách chận đứng sự khả dĩ nầy.
Cho đến nay Nhật đã phải tự kiềm chế trong chính sách khẳng định đối với TQ. Trong cách tiếp cận TQ nầy, Nhật đã phải gói ghém an ninh quốc gia của mình trong “khuôn khổ chiến lược nhạy cảm” của Hoa Kỳ đối với TQ. Khả năng mở rộng các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải đến vùng Biển Hoa Đông đã buộc Nhật Bản không những phải tái duyệt Hiến Pháp Hòa Bình mà còn phải tăng cường khả năng ngăn chặn TQ của chính mình.
Ấn Độ cũng đã trải nghiệm trò chơi lơ lửng trước các tranh chấp biên giới Ấn-Tây Tạng (do TQ chiếm đóng) và chiến lược bao vây Ấn Độ của TQ, và cũng đã thức tỉnh trước thực tế thách thức của hải quân TQ trong Ấn Độ Dương. Trước viễn cảnh đó, Ấn Độ ngày nay cũng đã trỗi dậy như một quốc gia có nhiều quyền lợi thiết thân trong an ninh và ổn định trong vùng Biển Nam Hải.
Vì những lý do vừa đề cập, cả Ấn Độ lẫn Nhật gần đây đã chứng tỏ một thái độ tích cực nhập cuộc đối với các xung đột trong vùng Biển Nam Hải và đã cùng chia sẻ nhiệm vụ Bảo Vệ Các Quyền Lợi Chung — một “strategic congruence on the Defence of the Global Commons”. Như chờ đợi, quá trình tăng cường quân sự của Ấn Độ và Nhật Bản có thể tạo dựng một đối trọng thực tế đối với TQ ở cả hai cực Bắc và Nam Biển Nam Hải.
Rất có thể đây sẽ là một nguồn an ủi đối với các thành viên ASEAN và giúp các xứ nầy tránh được thế hàng hai trong quan hệ đối với Trung Quốc.
(3) Huyền Thoại một ASEAN Nhất Trí ?
TQ đã ngày một trở nên bạo dạn hơn trong việc cải tiến chiến lược “brinkmanship,” vững tin ở thực tế thiếu nhất trí trong tập thể ASEAN khó thể trở thành một mặt trận thống nhất trước sức tấn công của TQ vào vùng Biển Nam Hải.
Sự nhất trí của ASEAN đã bị TQ phá vỡ khi phiên họp ASEAN Ministerial Meeting trong tháng 6-2012 ở Phnom Penh, dưới quyền chủ tọa của Cambodia, đã không thể thông qua một Thông Cáo Chung, lẽ ra đã có thể lên án nặng nề lập trường gây hấn của TQ trong Biển Nam Hải.
Giờ đây, trước áp lực quốc tế ngày một gia tăng đòi hỏi TQ phải giải quyết các xung đột trong vùng Biển Nam hải, TQ cũng đã có thể an tâm tích cực theo đuổi chiến lược chia rẻ ASEAN hơn trước.
Sự nhất trí tập thể của ASEAN chống lại TQ trong các tranh chấp lãnh thổ có thể tiếp tục như một huyền thoại bất khả thành đạt, bởi lẽ một số quốc gia thành viên đã từng chứng tỏ dễ bị TQ mua chuộc với các cám dỗ tài chánh lớn lao. Một số quốc gia thành viên không có tranh chấp quyền lợi cũng đã bất đồng quan điểm với các quốc gia thành viên khác và đã làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ trong nội bộ tổ chức, có lợi lớn cho TQ.
ASEAN như một tổ chức hội nhâp cấp vùng ở Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ tan rã nếu các quốc gia thành viên không đồng tình chống lại chiến lược chia rẽ của TQ.
Một thực tế không nên quên là ASEAN đang phải đối diện với một phản bội kép khi TQ đã lạm dụng lòng tin của ASEAN (hy vọng, trong quan hệ với ASEAN, TQ có thể trỗi dậy như một đối tác trách nhiệm) để hội nhập dễ dàng vào các diễn đàn của ASEAN, nhưng rồi lại theo đuổi chính sách gây hấn và chống đối các thành viên ASEAN trong các tranh chấp trong Biển Nam Hải.
VIỄN TƯỢNG GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT
Trình tự giải quyết xung đột quay quanh ba điều kiện chính: (1) Xuống thang trong cách ứng xử leo thang; (2) Thay đổi thái độ và cách tiếp cận các tranh chấp; và (3) Cải biến tương quan giữa các quyền lợi xung đột.
TQ, với sự cứng rắn và không khoan nhượng hiện hữu đối với các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải, qua tuyên bố chủ quyền tối thượng của mình trong vùng Biển Nam Hải và xem đó là đề tài không thể đem ra thương thảo, đã chứng tỏ không hề sẵn sàng giải quyết các tranh chấp. Hơn nữa, TQ đã chỉ định vùng Biển Nam Hải là “quyền lợi thiết thân” của mình và để bảo vệ quyền lợi đó, sẵn sàng chấp nhận chiến tranh. Đó đã là lập trường chiến lược rõ ràng của TQ.
Khi dự báo về viễn tượng giải quyết các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải, một số bình luận gia đã nhắc đến ba yếu tố hổ thuộc trong một giải pháp đáng mong muốn và công bằng: (1) Sự tự chế của TQ về các tranh chấp trong Biển Nam Hải; (2) ASEAN cần tỏ rõ tinh thần tương trợ cấp vùng để củng cố lập trường thương nghị tập thể với TQ và một hình thức ngăn chặn nào đó; và (3) Hoa Kỳ phải mạnh mẽ cam kết: bảo đảm chiến lược brinkmanship của TQ trong các tranh chấp Biển Nam Hải sẽ bị ngăn chặn.
Một số học giả khác, khi bàn về ba yếu tố của một giải pháp công bằng, lại nghĩ: ASEAN không thể chờ đợi TQ tự kiềm chế trong các tranh chấp Biển Nam Hải khi phân tích nghiêm túc cách ứng xử và các lời tuyên bố trước đây của TQ; và huyền thoại nhất trí giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng đã tan vỡ như đã được thảo luận trên đây; trong thực tế, TQ rất có thể sẽ tìm cách đào sâu thêm hố chia cách trong nội bộ ASEAN.
Về phần mình, Hoa Kỳ không chính thức bị ràng buộc bởi một quan hệ đồng minh với bất cứ thành viên ASEAN nào trong các tranh chấp trong Biển Nam Hải, ngoại trừ Philippines. Cam kết duy nhất đối với các tranh chấp trong Biển Nam Hải liên quan đến việc bảo vệ các quyền lợi chung toàn cầu và tự do lưu thông hàng hải trên các đại dương, và vì vậy, chỉ tỉm cách duy trì quyền khống chế hàng hải trên vùng Tây Thái Bình Dương.
Chúng ta cũng phải cần đợi xem các động thái bảo vệ các quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ phải được hiểu như thế nào trong khuôn khổ chật hẹp của chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc — một chiến lược Hoa Kỳ đã tự áp đặt dưới tên gọi “China Hedging Strategy” và “Risk Aversion.”
Trong những tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải, TQ, như siêu cường áp đảo trong vùng, đã sử dụng tất cả các dụng cụ công kích để thành đạt các mục tiêu chiến lược: quyền kiểm soát hoàn toàn các dải Hoàng Sa, Trường Sa, và các hải đảo nhỏ rải rác trong vùng; Trung Quốc cũng đã tuyên bố chủ quyền tối thượng đối với dải biển chung quanh các hải đảo đang tranh chấp.
Chiến lược mạnh tay của TQ hiện nay đã vượt khỏi các ranh giới của ASEAN, vươn đến các thách thức tế nhị đối với hải quân Hoa Kỳ và Ấn Độ cũng như các quốc gia thăm dò năng lượng quốc tế. Thái độ gây hấn của Trung Quốc ngày nay đã với lên phía Bắc đến tận Biển Hoa Đông chống lại Nhật Bản.
Bằng sức mạnh, Trung Quốc hiện đang phô bày thái độ và những công thức mang tính hệ thống của một “Đại Cường đang theo chủ nghĩa Xét Lại” –Revisionist Power, với quyết tâm thay đổi trật tự hiện hữu trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương.
Vấn đề chủ yếu cần đặt ra là viễn cảnh lạc quan nào còn hiện hữu và hướng đến khả năng giải quyết các tranh chấp trong Biển Nam Hải. Trung Quốc cho đến nay chưa có chỉ dấu đáng kể nào sẽ tham dự vào bất cứ sáng kiến giải quyết các xung đột, hay ngay cả tuân thủ bất cứ luật lệ hay công ước quốc tế nào trong các tranh chấp Biển Nam Hải. TQ chỉ duy trì một cách cứng nhắc lập trường sẽ chỉ đối thoại song phương với từng quốc gia tranh chấp. Điều nầy tự nó đã là một “sáng kiến yểu tử”, một Non-Starter, để bắt đầu bất cứ một trình tự giải quyết tranh chấp nào liên quan đến nhiều quốc gia đối kháng cấp vùng hay quốc tế.
VÀI NHẬN ĐỊNH TẠM THỜI
Cũng giống như lãnh thổ của Đức Quốc trước đây đã được xem như chiến tuyến của Chiến Tranh Lạnh, Biển Nam Hải có thể là chiến tuyến trong những thập kỷ sắp tới. Mặc dù tính đa cực của thế giới đã là nét đặc trưng của ngoại giao và kinh tế, nhưng Biển Hoa Nam có thể cho thấy đa cực theo nghĩa quân sự trong thực tế sẽ ra sao hay trong cốt lõi cũng chỉ là một đối đầu gián tiếp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Nếu các quốc gia trong vùng không đồng ý với phương cách tiếp cận với Trung Quốc, họ có thể sẽ phải chuẩn bị để nghe tiếng trọng pháo trong vùng. Đó cũng có thể là con đường các tranh chấp trên đại dương sẽ được giải quyết.
Các tranh chấp trong Biển Nam Hải từ lâu đã được phân tích từ một viễn cảnh chật hẹp như một tranh chấp lãnh thổ dựa trên tính hợp pháp và chủ quyền đối với các dải hải đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và các lãnh thổ liên kết trong vùng Biển Nam Hải giữa một Trung Quốc hống hách và các thành viên ASEAN yếu kém về quân sự và chia rẽ về chính trị.
ASEAN như một tập thể cấp vùng các quốc gia Đông Nam Á muốn duy trì một mặt trận tập thể vững chắc chống đối và ngăn chặn một TQ gây hấn và đe dọa. Tình trạng thiếu nhất trí trong nội bộ ASEAN, do TQ phối trí bên sau hậu trường đúng theo Đại Chiến Lược của chính mình, cũng rất có thể sẽ đẩy ASEAN đến chỗ tan rã.
Các tranh chấp trong Biển Nam Hải hiện nay đã được đẩy lên một tầng chiến lược cao hơn và đã chuyển biến thành bàn cờ quốc tế giành quyền kiểm soát vùng Tây Thái Bình Dương giữa hai tay chơi quốc tế: Hoa Kỳ và TQ.
Việc tuyên bố chốt chiến lược của Liên Bang Nga ở Á Châu-Thái Bình Dương gần đây đã du nhập một tay chơi hùng mạnh mới với tác động lớn lao trên các xung đột hiện hữu.
Cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh và ổn định trong vùng Biển Nam Hải cần được tuyên bố minh bạch, khả tín, và chính thức hơn. Nếu Hoa Kỳ tỏ vẻ ngập ngừng hay dao động trong khuôn khổ chiến lược “Rào Giậu TQ” và “Không Ưa Thích Nguy Cơ” đối với Trung Quốc, lúc đó Hoa Kỳ rất có thể sẽ phải từ bỏ chốt chiến lược Á Châu-Thái Bình Dương.
Các tranh chấp trong vùng Biển Nam Hải hình như đang hướng tới sự khởi đầu một Chiến Tranh Lạnh Toàn Cầu mới trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương. Cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới do chiến lược Brinkmanship của Trung Quốc, vắng bóng ý thức hệ, và khống chế bởi sự tranh giành vai trò chủ nhân ông trong vùng Tây Thái Bình Dương, hứa hẹn sẽ tạo nhiều căng thẳng và mâu thuẫn trong tương lai.
Nhiều người trong giới quan sát quốc tế chắc chưa quên các chuyến công du của Henry A. Kissinger và Richard M. Nixon đến Bắc Kinh năm 1972, và chúng ta cũng nên quan tâm nhiều hơn đến các cuộc công du của John Kerry và Barack Obama đến Trung Quốc trong thời gian gần đây hay sắp tới.
Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
14-5-2013
——————————————————————————–
[1] …the defense of the global commons, unrestricted use of international waterways; and freedom of the high seas.
[2] …Inland Sea of China…
[3] In strategic and military terms, the South China Sea is in a key position that enables control not only over South East Asia but over the entire realm of South and East Asia.
[4] China’s strategic ambitions on the rise of a Sino-centric Asia seem foredoomed as a contemporaneous strategic review of the Asian security environment suggests. China’s switch from a Grand Strategy relying on “soft power” to exercise of “hard power” seems to have generated a strategic polarisation of the Asia Pacific. The Chinese switch in its Grand Strategy seems to have generated perception of a China Threat engulfing the Asia Pacific.
[5] The present state of relations between China and the United States are acquiring the contours of a Cold War. But this Cold War unlike the first Cold War has all the chances of being a “Hot War” between United States and China over a host of conflictual flashpoints stretching right across Asia and other strategic issues.