Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

77. Liệu Mỹ có tái phạm sai lầm?

16:0' 12/8/2013
TCCSĐT - Cuộc nội chiến kéo dài hơn hai năm qua ở Xy-ri đã ngày càng lộ rõ các lực lượng nổi dậy là một đám quân ô hợp bao gồm cả những băng nhóm khủng bố, sử dụng tiền của và vũ khí nước ngoài chống lại chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát - người được nhân dân Xy-ri bầu cử một cách dân chủ. Khi cán cân hiện nay nghiêng về phía các lực lượng trung thành với Tổng thống Xy-ri đương nhiệm, Mỹ và các nước phương Tây liệu có “đành phải” chuẩn bị trực tiếp tham chiến?


Kiếm cớ trực tiếp tham chiến

Từ khi bùng phát cuộc bạo động chính trị ở Xy-ri, hồi tháng 3-2011 đến nay, thế giới chứng kiến một nghịch lý đáng lo ngại. Đó là việc các nước ngoài vi phạm trắng trợn nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Một số nước tự xưng là “Những người bạn của Xy-ri” đã ngang nhiên công nhận cái gọi là “các lực lượng đối lập” ở quốc gia này, trong đó bao gồm cả các tổ chức khủng bố, các đội quân đánh thuê, các tổ chức tội phạm và coi đó là “đại diện hợp pháp” duy nhất của nhân dân Xy-ri. Mượn tay các thế lực này, họ công khai phủ nhận và đòi loại bỏ Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát, thậm chí họ còn lớn tiếng kêu gọi ủng hộ việc thành lập cái gọi là “chính phủ Xy-ri quá độ” trên cơ sở các lực lượng đối lập ô hợp, do một kẻ sống lưu vong ở nước ngoài đứng đầu. Điều đáng lo ngại hơn nữa, một số thế lực ở các nước phương Tây đã lôi kéo các đồng minh trong và ngoài khu vực Trung Đông, vừa công khai, vừa bí mật tài trợ, giúp đỡ vũ khí cho các lực lượng đối lập thực hiện một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” ở Xy-ri, làm cho cuộc khủng hoảng chính trị ở xứ sở này vốn đã phức tạp, nay lại còn thêm bất ổn cho cả khu vực.

Cả phía Chính phủ của Tổng thống Ba-xa An Át-xát lẫn các thế lực đối lập nổi dậy đều phủ nhận việc sử dụng vũ khí hóa học. Thế nhưng cả hai lại cáo buộc lẫn nhau về việc bên kia liên tiếp sử dụng loại vũ khí này. Cho đến nay, cả hai bên đã 13 lần “tố” nhau sử dụng vũ khí hóa học tại Xy-ri. Hiện nay tất cả các cường quốc cũng nhất trí cho rằng, vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc xung đột kéo dài 28 tháng qua tại Xy-ri. Tuy nhiên, “lực lượng nào đã sử dụng”, “họ sử dụng bao giờ và ở đâu” lại trở thành vấn đề gây chia rẽ các nước.

Gần đây, Mỹ và các nước phương Tây còn lặp lại thủ đoạn cũ rích là đổ vấy cho chính quyền Đa-mát đã sử dụng vũ khí hóa học, coi đó là hành động “vượt quá giới hạn đỏ” cần phải “bị trừng trị”! Với động thái này, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây hy vọng có thể coi đấy là “lý do hợp pháp” để họ đưa quân trực tiếp tham chiến tại Xy-ri.

Nga đã bác bỏ các bằng chứng mà phương Tây đưa ra để chứng minh Chính phủ Xy-ri đã sử dụng khí độc sa-rin và khẳng định những bằng chứng này “không thuyết phục”. Tháng trước, Nga cũng đã đệ trình lên Liên hợp quốc báo cáo của riêng mình, trong đó có những bằng chứng cho thấy, phe đối lập đã thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Khan An Át-xan (Khan al-Assal), ở tỉnh A-lép-pô (Aleppo).

Khan An Át-xan là nơi diễn ra cuộc tấn công đẫm máu ngày 19-3-2013, mà Chính phủ Xy-ri đổ lỗi do phe đối lập đã gây ra. Tuy nhiên, từ sau vụ tấn công này, các nước Anh, Pháp và Mỹ đã đưa ra bằng chứng về nhiều vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học khác, mà họ cho rằng là do quân đội của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát thực hiện. Họ yêu cầu được đến tất cả các địa phương của Xy-ri để điều tra thực hư sự việc. Chính phủ Xy-ri đã cho phép Ủy ban Điều tra của Liên hợp quốc vào Xy-ri với điều kiện các nhân viên chỉ được tiến hành điều tra tại khu vực Khan An Át-xan. Bởi “đòi hỏi đến khắp các địa phương là sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Xy-ri” và Đa-mát không thể chấp nhận. Trước thềm cuộc đàm phán giữa đại diện của Liên hợp quốc và Chính phủ Xy-ri, người ta hy vọng sẽ làm sáng tỏ được vấn đề sử dụng vũ khí hóa học tại Xy-ri. Ông Ây-cơ Xeo-xtrom (Ake Sellstrom) - người đứng đầu Ủy ban Điều tra của Liên hợp quốc về việc vũ khí hóa học được sử dụng tại Xy-ri và bà An-giê-la Kên (Angela Kane) - đại diện cấp cao của Liên hợp quốc phụ trách giải trừ quân bị, sẽ là những thành viên trong phái đoàn Liên hợp quốc tham gia đàm phán với Chính phủ Xy-ri.

Theo lịch trình, bắt đầu từ ngày 24-7, hai quan chức Liên hợp quốc này sẽ tiếp cận lãnh thổ Xy-ri để điều tra tất cả những cáo buộc về việc sử dụng khí độc sa-rin và các loại hóa chất bị cấm khác. Thế nhưng, ngày 22-7, nghĩa là chỉ 2 ngày trước khi ông Â. Xeo-xtrom và bà A. Kên kịp tới Xy-ri, thì các lực lượng đối lập đã đánh chiếm thị trấn Khan An Át-xan của tỉnh A-lép-pô, nơi được coi là đã sử dụng vũ khí hóa học đầu tiên ở Xy-ri. Một nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho rằng, “nếu Chính phủ không còn nắm quyền kiểm soát Khan An Át-xan, thì sẽ không còn cơ hội nào để họ cho phép các chuyên gia của Liên hợp quốc vào khu vực này”. Nhà ngoại giao này còn nói thêm rằng: “các chuyên gia không còn cơ hội để tiến hành bất kể cuộc điều tra nào. Đối với Liên hợp quốc, các cuộc điều tra bị kéo dài càng lâu, thì càng ít khả năng có thể tìm thấy các bằng chứng”. Rõ ràng hành động của lực lượng đối lập khi chiếm bằng được khu vực Khan An Át-xan là một “trò phá rối”. Họ muốn tới đó để xóa hết dấu vết, khiến mọi người không thể hiểu rõ sự thật của việc sử dụng vũ khí hóa học ở Xy-ri. Chính vì vậy, cho đến nay Ủy ban Điều tra của Liên hợp quốc vẫn chưa thể tiến hành điều tra tại đây.

Và chuẩn bị kế hoạch tham chiến

Lầu Năm góc đã chuẩn bị một kế hoạch cho trường hợp cần thiết phải thực hiện các cuộc tấn công hạn chế từ xa vào các căn cứ của quân đội Xy-ri, trong đó có hệ thống phòng không và các sở chỉ huy của nước này. Ngay từ trung tuần tháng 7, một kế hoạch của Tướng Mác-tin Đem-pơ-xi (Martin Dempsey), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, đã được gửi cho Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Các Lê-vin (Carl Levin) đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Giôn Mác-kên (John McCain), trong đó trình bày rất chi tiết cả về quân lực và tài chính cần thiết.

Thật ra, trước đây Lầu Năm góc đã từng đề cập không ít những biện pháp khác nhau, song kế hoạch của Tướng M. Đem-pơ-xi được cho là bản tổng kết đầy đủ và hoàn chỉnh nhất về việc quân đội Mỹ có thể làm gì để trợ giúp phe đối lập Xy-ri chống lại Chính phủ của Tổng thống Ba-xa An Át-xát. Nhưng ngay bản thân Tướng M. Đem-pơ-xi cũng chỉ dám khẳng định một cách rất “khiêm tốn” rằng, tất cả biện pháp này sẽ thúc đẩy mục tiêu quân sự hạn hẹp của Mỹ là hỗ trợ phe đối lập và tạo thêm nhiều áp lực đối với Chính phủ Xy-ri. Tuy nhiên, Tướng M. Đem-pơ-xi cũng cảnh báo: quyết định sử dụng vũ lực tại Xy-ri không phải là lựa chọn bị xem nhẹ và một khi quyết định này được đưa ra thì Mỹ phải chuẩn bị để đối mặt với những gì có thể xảy ra sau đó. Tướng M. Đem-pơ-xi cho rằng, “sẽ khó tránh khỏi sự can dự sâu hơn!”.

Kế hoạch mà Tướng M. Đem-pơ-xi đưa ra bao gồm 5 biện pháp mà quân đội Mỹ đã được chuẩn bị để thực hiện gồm: (1) Huấn luyện, cố vấn và trợ giúp phe đối lập. Sứ mệnh này có thể bao gồm việc huấn luyện sử dụng vũ khí, lên kế hoạch chiến thuật và cung cấp những hỗ trợ về hậu cần và tình báo. (2) Thực hiện các vụ tấn công quy mô hạn chế như các cuộc tấn công trên không và tên lửa nhằm vào hệ thống phòng không, các lực lượng quân sự và kết cấu chỉ huy của Chính phủ Xy-ri, nhằm giảm khả năng chiến đấu của quân chính phủ. (3) Thiết lập một vùng cấm bay. Biện pháp này cần hàng trăm máy bay chiến đấu và các đơn vị hỗ trợ. (4) Thiết lập các vùng đệm. Biện pháp này sẽ cần tới vũ lực để thiết lập các vùng an toàn bên trong lãnh thổ Xy-ri, nơi phe đối lập được bảo vệ khỏi các vụ tấn công từ phía quân chính phủ, để tiến hành huấn luyện và củng cố tổ chức. Biện pháp này giúp phe đối lập cải thiện khả năng chiến đấu. Nhưng đây sẽ là mục tiêu tấn công thường xuyên từ quân chính phủ. (5) Kiểm soát vũ khí hóa học. Sử dụng vũ lực gây sát thương có thể ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hóa học và phá hủy các kho “vũ khí lớn” của Xy-ri. Biện pháp này cần tới hàng trăm máy bay chiến đấu cũng như nguồn nhân lực to lớn trên mặt đất. Tướng M. Đem-pơ-xi cho rằng, cần phải đồng thời thực hiện cả 5 biện pháp này và chi tiêu mỗi tháng sẽ không dưới 5 tỷ USD.

Như vậy, có thể tính nhẩm ngay rằng, Mỹ sẽ phải ném vào cuộc chiến tranh này số tiền không nhỏ, trong khi nền kinh tế chưa thoát hẳn khỏi cuộc khủng hoảng. Nếu giải quyết “ổn thỏa” nhanh chóng trong một thời gian ngắn, thì cũng đã rất tốn kém cả xương máu lẫn tiền của. Nếu lại bị kéo dài hàng chục năm, như 2 cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, thì đó sẽ là sai lầm lớn. Cuối cùng người đóng thuế nước Mỹ không được gì, mà “mất cả chì lẫn chài”!

Hiện chưa biết chắc chắn, liệu kế hoạch của Tướng M. Đem-pơ-xi can thiệp quân sự trực tiếp vào Xy-ri có được thực hiện, hay không nhưng mọi người đều biết rằng, vai trò lâu nay của quân đội Mỹ trong cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này chỉ hạn chế ở việc cung cấp viện trợ nhân đạo, hỗ trợ an ninh cho các nước láng giềng của Xy-ri và cung cấp những trợ giúp phi sát thương cho phe đối lập tại Xy-ri. Theo lời các quan chức Oa-sinh-tơn, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma có thể sẽ xúc tiến kế hoạch cung cấp vũ khí cho phe đối lập Xy-ri. Một nguồn tin tiết lộ từ Nhà Trắng cho biết, cuối tháng 6 vừa qua Nhà Trắng đã “bật đèn xanh” viện trợ quân sự cho các nhóm phiến quân tại Xy-ri. Nguồn tin này còn giải thích thêm, “Chúng tôi đã làm việc với Quốc hội để giúp Quốc hội vượt qua một số quan ngại trước đây. Chúng tôi tin rằng, những quan ngại này sẽ được giải tỏa và hiện nay chúng tôi có thể tiếp tục xúc tiến công việc theo hướng này. Tuy nhiên, cũng có không ít nghị sĩ phản đối, lo sợ rằng một khi cung cấp số lượng lớn vũ khí, Mỹ sẽ ngày càng lún sâu hơn vào cuộc nội chiến ở Xy-ri. Hệ lụy sẽ là một số vũ khí của Mỹ rơi vào tay kẻ xấu, dẫn đến tình trạng “gậy ông lại đập lưng ông”.

Bên trong đã vậy. Bên ngoài Xy-ri, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry xúc tiến các hoạt động ngoại giao con thoi; rồi tại Hội nghị các nước công nghiệp phát triển (G8) các nước phương Tây đã tập trung gây sức ép với Nga khi bàn về tình hình Xy-ri; quyết định của Liên minh châu Âu (EU), của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, cũng như của Hội nghị nhóm các nước “Những người bạn của Xy-ri” đều nhằm tăng cường viện trợ quân sự trực tiếp cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Điều đó cho thấy, cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này còn rất phức tạp và kéo dài, với những can dự ngày càng công khai, nguy hiểm từ nhiều nước bên ngoài, có thể sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh lớn ở khu vực, với kết cục chưa thể lường hết được./.
Ngọc Linh