Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

27.Chủ tịch Trung Quốc ca ngợi « tình hữu nghị chân thành » giữa Bắc Kinh và Châu Phi

Trọng Thành
Tanzania là điểm đến đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc trong vòng công du Châu Phi. Hôm nay 25/03/2013, theo AFP, tại Dar es Salaam, thủ đô kinh tế Tanzania, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu ca ngợi « tình hữu nghị chân thành » giữa Bắc Kinh với các nước Châu Phi.



Trong bài diễn văn kể trên, ông Tập Cận Bình khẳng định « Trung Quốc sẽ tôn trọng các văn bản cũng như tinh thần của các cam kết với Châu Phi », cam kết đối xử bình đẳng và hứa hẹn trong nhiệm kỳ làm chủ tịch sẽ tăng cường quan hệ giữa hai phía. Chủ tịch Trung Quốc đánh giá « tình bạn » của Châu Phi với nước ông cũng « nồng nhiệt và không thể quên được, giống như mặt trời Châu Phi ».
Sau khi ông Tập Cận Bình đến Tanzania vào chiều hôm qua, 16 hợp đồng đã được ký kết với quốc gia này, đặc biệt trong các cơ sở hạ tầng cảng biển và bệnh viện, cũng như việc xây dựng một trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Tanzania.
Sau Tanzania, ngày mai chủ tịch Trung Quốc sẽ tới Nam Phi tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 của khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), diễn ra trong hai ngày thứ ba 26/03 và thứ tư 27/03. Cuối cùng, chuyến đi Châu Phi của chủ tịch Trung Quốc sẽ kết thúc tại Congo-Brazzaville.
Theo giới phân tích, việc ông Tập Cận Bình chọn Nga và Châu Phi là các điểm đến trong đợt công du đầu tiên ra nước ngoài mang rất nhiều ý nghĩa. Ông Jonathan Holslag, Viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại (BICCS), có trụ sở tại Bruxelles, nhận định : « Bắc Kinh hơn bao giờ hết dựa vào các đối tác kể trên, trong bối cảnh quan hệ trở nên căng thẳng với hầu hết các nước láng giềng và phương Tây ».
Kể từ năm 2009, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Châu Phi, tổng khối lượng trao đổi thương mại song phương xấp xỉ 200 tỷ đô la năm 2012.

tags: Châu Á - Châu Phi - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Thương mại - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130325-chu-tich-trung-quoc-ca-ngoi-%C2%AB-tinh-huu-nghi-chan-thanh-%C2%BB-giua-bac-kinh-va-chau-phi

Tân chủ tịch Trung Quốc bắt đầu công du châu Phi

Tân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến phi trường quốc tế Dar es Salaam (Tanzania). Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên, được xem là 'ngôi sao' của vòng công du.
Tân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến phi trường quốc tế Dar es Salaam (Tanzania). Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên, được xem là 'ngôi sao' của vòng công du.
Reuters

Minh Anh
Tân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đệ nhất phu nhân, đã rời Nga sáng 24/03/2013 để đến Tanzania, chặng dừng đầu tiên của chuyến đi thăm châu Phi. Tiếp đến ông sẽ đến thăm Nam Phi và Cộng hòa Congo. Đây là vòng công du châu Phi chính thức đầu tiên của người vừa được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Trung Quốc cách đây 10 ngày. Bắc Kinh hy vọng thúc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với châu Phi. 

Theo ghi nhận của Thông tín viên Stephane Lagarde tại Bắc Kinh, người có thể giúp ông Tập Cận Bình tăng sức quyến rũ trong vòng công du châu Phi của ông, không ai khác hơn là Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viên, một vị tướng và cũng là ca sĩ nổi tiếng trong nước.
Theo như nhận định của tờ Finacial Times, đây cũng là lần đầu tiên, một đệ nhất phu nhân Trung Quốc có thể sẽ đề cập đến vấn đề phát triển châu Phi bên cạnh các tổ chức phi chính phủ.
Trên thực tế, nền tảng quan hệ đối tác Trung – Phi được thiết lập chủ yếu dựa vào các khoản tài trợ vô điều kiện. Và khối lượng các khoản trợ giúp đó đã tiếp tục được nâng lên nhân Diễn đàn hợp tác Trung – Phi diễn ra vào mùa hè năm 2012.
Trung Quốc nhìn nhận đã có thể tin cậy vào các nước châu Phi để có thêm hậu thuẫn tại Liên Hiệp Quốc. Sự tin cậy đó vẫn được tiếp tục duy trì trên lãnh vực ngoại giao cũng như là trên các vấn đề địa chiến lược.
Trung Quốc mua khoai mì và ngô của Tanzania. Các quan chức Trung Quốc vẫn thường hay nhắc đi nhắc lại là “Cộng hòa Congo đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh tại Trung Phi”. Về phần Nam Phi, quốc gia này được xem như là một “đối tác chiến lược toàn diện”, đóng vai trò bình ổn cho cả châu lục. Đối với Bắc Kinh, Châu Phi nắm một vị trí thiết yếu, cả trên phương diện thương mại lẫn an ninh, cho việc cung ứng nguồn nguyên liệu cho Trung Quốc.
Tất cả các điều đó diễn ra trong bối cảnh sự hiện diện của người Hoa càng lúc càng đông đảo, khiến cho đôi khi xảy ra các căng thẳng. Chính vì điều này, gần đây có nhiều nước như Zimbabwe, Botswana hay như Ghana đã hủy nhiều hợp đồng hay đe dọa truy tố một số đối tác Trung Quốc.
Do đó, sức quyến rũ mà bà Bành Lệ Viên mang đến cho công tác ngoại giao của ông Tập Cận Bình trong chuyến đi này sẽ không thừa.
tags: Châu Phi - Chính trị - Kinh tế - Quốc tế - Trung Quốc