Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

53. Tài nguyên khan hiếm, biến đổi khí hậu: Một tai họa toàn cầu

Tài nguyên thiên nhiên là nền tảng của văn minh và tối cần thiết cho đời sống hàng ngày. Nhân loại quả thật rất may mắn có được những nguồn cung bao la các vật liệu cơ bản nhất. Tuy vậy, đây vẫn là những nguồn cung hữu hạn. Do đó, sau khi cực lực khai thác trong một thời gian lâu dài, hiện nay, trong vài trường hợp, chúng ta hay con cháu của chúng ta đang phải đối diện với tình trạng vài loại tài nguyên tối cần thiết đã cạn kiệt ngày một nghiêm trọng.
Với sự xuất hiện của hiện tượng biến đổi khí hậu, chúng ta đang chứng kiến một thực tế ngày một sôi sục và dễ bùng nổ trong những thập kỷ sắp tới. Thực vậy, các khoa học gia hàng đầu hiện nay tin, vào khoảng 2050, áp lực biến đổi khí hậu — lũ lụt, nhiệt độ bất thường , và hạn hán — có thể thay đổi bộ mặt của các ngành canh tác trên địa cầu, và giá thực phẩm cũng như vật liệu cơ bản các loại sẽ tăng gấp đôi, khi dân số thế giới tiếp tục bành trướng. Điều nầy có nghĩa tình trạng thiếu thốn, cơ hàn, hay tồi tệ hơn nữa, đối với hàng triệu người nghèo, đặc biệt là ở Phi châu và Á châu.
Không ai có thể nói trước, nhưng theo các chuyên gia toàn cầu, và cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, địa cầu đang dịch động ngay dưới chân nhân loại. Dù hiểu dù không, nhân loại cũng vẫn đang sống trên một hành tinh tài nguyên lúc một khan hiếm, một thực tế con người chưa bao giờ trải nghiệm trước đây.
Có hai kịch bản mang tính ác mộng — một sự khan hiếm toàn cầu các tài nguyên sinh tử và một khởi đầu của hiện tượng biến đổi khí hậu đến cực độ — đã bắt đầu hội tụ, và trong những thập kỷ sắp tới, có thể gây ra một làn sóng bất an, rối loạn, cạnh tranh, và xung đột.
Những đợt sóng thần tai họa nầy sẽ ra sao là một điều khó nhận thức. Theo cảnh cáo của các chuyên gia: đó có thể là các cuộc chiến về nguồn nước từ các hệ thống sông ngòi chảy qua nhiều xứ, các biến động toàn cầu về thực phẩm khi giá các nông ngư sản căn bản vọt cao, các đợt di dân đông đảo vì biến đổi khí hậu, sự suy sụp trật tự xã hội hay sự đổ vỡ của các chính quyền nhà nước. Lúc đầu, các tai ương như thế phần lớn xẩy ra ở Phi châu, Trung Á, và một số địa phương thiếu mở mang vùng Nam bán cầu, nhưng lần hồi sẽ lan dần ra khắp hành tinh.
Để thẩm định sức mạnh của tai họa tiệm tiến nầy, chúng ta cần phải xét xem các lực phối hợp nào đang diễn tiến bên sau các tai ương lớn lao tương lai vừa nói.
TÀI NGUYÊN KHIẾM HỤT VÀ CHIẾN TRANH TÀI NGUYÊN
Thử bắt đầu với viễn tượng khan hiếm tài nguyên thiên nhiên thiết yếu, như năng lượng, nước uống, đất đai, thực phẩm, và khoáng sản. Tình trạng nầy tự nó có thể đem lại bất ổn xã hội, các va chạm địa chính trị, và chiến tranh.
Một điều quan trọng cần ghi nhận là không cần phải có một tình tạng khan hiếm tuyệt đối trong bất cứ hạng mục tài nguyên nào để khởi động kịch bản nầy. Chỉ cần thiếu vắng một số cung thích hợp để thỏa mãn nhu cầu một quần chúng toàn cầu ngày một thành thị hóa và kỹ nghệ hóa, là đủ.
Trước làn sóng tuyệt chủng của một số tài nguyên các khoa học gia đã ghi nhận, vài loại động vật và thảo mộc đặc biệt, chẳng hạn, sẽ trở nên hiếm hoi trong những thập kỷ sắp tới, và có thể ngay cả hoàn toàn hủy diệt.
Những vật liệu thiết yếu cho văn minh hiện đại — như dầu khí, uranium, và đồng — sẽ đơn thuần trở nên khó kiếm hay đắt đỏ hơn, cũng sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn trong số cung và thỉnh thoảng thiếu hụt.
Dầu lửa — một sản phẩm quan trọng nhất trong kinh tế thế giới — là một ví dụ thích ứng khác. Mặc dù số cung dầu lửa toàn cầu trong thực tế có thể gia tăng trong những thập kỷ sắp tới, nhiều chuyên gia nghi ngờ số cung có thể gia tăng đủ để thỏa mãn nhu cầu của giới trung lưu toàn cầu này một đông và được chờ đợi sẽ mua hàng triệu xe hơi mới trong một tương lai gần.
Trong cuốn Viễn Tượng Năng Lượng Thế Giới năm 2011 (2011 World Energy Outlook), Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (International Energy Agency) cho biết: một số cầu toàn cầu tiên liệu khoảng 104 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2035 có thể được thỏa mãn. Theo phúc trình, điều nầy một phần lớn nhờ ở những số cung phụ trội của “dầu lửa phi quy ước” (Canadian tar sands, shale oil,…), cũng như 55 triệu thùng dầu mới từ những trữ lượng “chưa tìm thấy” và “chưa khai thác.”
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích không tin tưởng ở sự thẩm định lạc quan nầy. Họ đưa ra luận cứ: phí tổn sản xuất gia tăng (đối với số năng lượng ngày một khó khai thác và tốn kém), môi trường ô nhiễm, chiến tranh, tham nhũng, và nhiều trở ngại khác, sẽ gây muôn vàn trở ngại cho việc thành đạt những số sản xuất gia tăng với tầm cỡ đó.
Nói một cách khác, ngay cả khi số sản xuất đạt đến đỉnh điểm trong năm 2010, 87 triệu thùng mỗi ngày, mục tiêu 104 triệu thùng sẽ không bao giờ có thể với tới và giới tiêu thụ trên thế giới sẽ đối diện với một khan hiếm thực tế, nếu không muốn nói tuyệt đối.
Tài nguyên “nước” là một ví dụ khác. Trên căn bản hàng năm, số cung nước uống do vũ lượng thiên nhiên luôn ở mực ít nhiều không mấy thay đổi: khoảng 40.000 km khối (cubic kilometers). Nhưng một lượng lớn trong số nầy tập trung ở Greenland, Antarctica, Siberia, và inner Amazonia, những nơi rất ít cư dân, do đó, vũ lượng khả dụng đối với phần nhân loại sống tập trung với mật độ lớn thường hết sức hạn chế. Trong nhiều vùng với mật độ cao, số cung nước sạch vốn đã tương đối hiếm. Thực tế nầy đặc biệt đúng với Bắc Phi, Trung Á, và Trung Đông, những nơi số cầu nước sạch liên tục gia tăng do dân số gia tăng, thành thị hóa, và các kỹ nghệ mới sử dụng nhiều nước (new water-intensive industries). Kết quả, ngay cả khi số cung không thay đổi, cũng sẽ là tình trạng khan hiếm ngày một gia tăng.
Nhìn bất cứ nơi đâu, hình ảnh vẫn luôn tương tự: số cung các tài nguyên thiết yếu có thể tăng hay giảm, nhưng rất hiếm khi vượt quá số cầu, đem lại nhận thức về tình trạng khan hiếm khắp nơi và mang tính hệ thống.
Dù bắt nguồn từ đâu, một nhận thức khan hiếm — hay khan hiếm tiềm năng — cũng vẫn luôn là lý do để âu lo, bức xúc, thù nghịch, và tranh chấp. Mẫu mực nầy rất dễ hiểu, và luôn rõ ràng trong lịch sử nhân loại.
Trong tác phẩm Constant Battles (Các Chiến Trận Liên Miên) chẳng hạn, tác giả Steven LeBlanc, giám đốc sưu tầm Bảo Tàng Khảo Cổ và Dân Tộc Học Peabody thuộc Harvard, ghi nhận: nhiều nền văn minh xưa cổ đã trải nghiệm những mực độ chiến tranh cao hơn khi đối diện với nạn thiếu hụt tài nguyên do dân số gia tăng, mất mùa, hay hạn hán kéo dài.
Jared Diamond, trong tác phẩm Collapse (Sụp Đổ), đã khám phá một mẫu mực tương tự trong nền văn minh Mayan và văn hóa Anasazi trong vùng Chaco Canyon, Mexico. Gần đây hơn, theo Lizzie Collinham trong tác phẩm The Taste of War (Mùi Vị Chiến Tranh), sự âu lo không có đủ thực phẩm cho nhân dân quốc nội là một yếu tố quan trọng trong cuộc xâm lăng Manchuria năm 1931 của Nhật, và các cuộc xâm lăng Ba Lan năm 1939 và Liên Bang Xô Viết năm 1941 của Đức Quốc Xã.
Mặc dù số cung toàn cầu các sản phẩm cơ bản nhất đã gia tăng lớn lao kể từ cuối Đệ Nhị Thế Chiến, các nhà phân tích vẫn nhận thấy xung đột dai dẳng liên quan đến tài nguyên trong những vùng, nơi vật liệu luôn khan hiếm hay luôn có nỗi âu lo về số cung bấp bênh trong tương lai. Chẳng hạn, nhiều chuyên gia tin, chiến trận trong vùng Darfur và những khu vực bị chiến tranh tàn phá ở Bắc Phi đều do, ít ra một phần, sự cạnh tranh giữa các bộ lạc trong vùng sa mạc giành quyền tiếp cận những nguồn nước khan hiếm, trong vài trường hợp, đã trở nên trầm trọng hơn với dân số gia tăng.
Một phúc trình năm 2009, trong Chương Trình Môi Trường Liên Hợp Quốc về vai trò của tài nguyên thiên nhiên trong cuộc xung đột ở Darfur, đã cho biết: “hạn hán thường xẩy ra, áp lực dân số gia tăng, và địa vị ngoài lề các sinh hoạt chính trị là những lực đã thúc đẩy toàn vùng vào vòng xoáy vô luật pháp và bạo động đưa đến 300.000 thương vong và hơn hai triệu di dân kể từ năm 2003.”[1]
Sự âu lo về các số cung tương lai cũng thường là một yếu tố trong các cuộc xung đột xẩy ra liên quan đến quyền tiếp cận dầu lửa hay kiểm soát các trữ lượng dầu và hơi đốt thiên nhiên dưới lòng biển đang trong vòng tranh chấp. Chẳng hạn, trong năm 1979, khi cuộc cách mạng Hồi Giáo ở Iran lật đổ lãnh tụ Shah và Liên Bang Xô Viết xâm lăng Afghanistan, Hoa Thịnh Đốn đã bắt đầu e ngại một ngày nào đó có thể bị từ chối quyền tiếp cận dầu lửa từ Vịnh Ba Tư. Vào thời điểm đó, T T Jimmy Carter đã nhanh chóng loan báo điều được gọi là Chủ Thuyết Carter. Trong Diễn Văn Tình Trạng Liên Bang năm 1980, Carter đã quả quyết bất cứ động thái nào ngăn cản dòng chảy dầu lửa từ vùng Vịnh phải được xem như một đe dọa đối với quyền lợi thiết thân của Hoa Kỳ và phải được đẩy lùi bằng mọi phương tiện cần thiết, kể cả quân sự.
Năm 1990, nguyên tắc nầy đã được T T George H.W. Bush viện dẫn để biện minh cho cuộc chiến can thiệp vào Vùng Vịnh Ba Tư thứ nhất, cũng như con trai của ông, George W. Bush, đã sử dụng một phần để biện minh cho cuộc xâm lăng Iraq năm 2003. Ngày nay, nguyên tắc nầy vẫn còn là nguyên tắc căn bản trong các kế hoạch của Hoa Kỳ — sử dụng vũ lực để chận đứng người Iran đóng cửa Eo Biển Hormuz, tuyến đường chiến lược nối liền Vịnh Ba Tư với Ấn Độ Dương vận chuyển khoảng 35% số dầu lửa trao đổi trên thế giới.
Gần đây hơn, thế giới lại chứng kiến các xung đột về tài nguyên năng lượng sôi sục giữa TQ và các lân bang trong vùng Đông Nam Á, nhằm kiểm soát các trữ lượng dầu và hơi đốt thiên nhiên trong vùng Biển Nam Hải. Mặc dù các va chạm hải quân vẫn chưa đưa đến thương vong, khả năng leo thang quân sự vẫn luôn hiện diện.
Một tình hình tương tự cũng đã xẩy ra trong vùng Biển Hoa Đông, nơi TQ và Nhật đang tranh giành quyền kiểm soát các dự trữ năng lượng thiết thân dưới lòng đại dương. Trong lúc đó, trong vùng Nam Đại Tây Dương, Argentina và Anh Quốc lại một lần nữa lớn tiếng tranh chấp Các Hải Đảo Falkland, hay Las Malvinas theo tên gọi của người Á Căng Đình, bởi lẽ dầu lửa đã được khám phá trong những vùng biển vây quanh.
Nói chung, các xung dột tiềm năng vì tài nguyên nêu trên chỉ có thể tăng lên gấp bội trong những năm tháng tương lai khi số cầu gia tăng, số cung sụt giảm, và số trữ lượng chưa được khám phá hay khai thác đều tọa lạc trong những khu vực đang còn tranh chấp.
Trong một phúc trình nghiên cứu năm 2012 nhan đề Tài Nguyên Tương Lai (Resources Futures), định chế nghiên cứu đầy uy tín Anh quốc, Chatham House, đã tỏ rõ đặc biệt âu lo về các cuộc chiến tài nguyên khả dĩ vì nguồn nước, nhất là trong lưu vực sông Nile và Jordan River, nơi một số quốc gia phải chia sẻ cùng một dòng sông để thỏa mãn phần lớn nguồn cung thủy lượng gia dụng, và rất ít quốc gia có đủ phương tiện để phát triển những nguồn cung cấp thay thế. Phúc trình đã ghi nhận: “Trong bối cảnh số cung khan hiếm và cạnh tranh, các đề tài liên hệ đến quyền tiếp cận nguồn nước, giá cả, và ô nhiễm, đang trở nên các đề tài tranh chấp. Trong những khu vực với khả năng hạn chế về quản lý các tài nguyên san sẻ, quân bình các số cầu cạnh tranh, và huy động các số đầu tư cần thiết, tình trạng căng thẳng về nguồn nước có thể bùng nổ để trở thành đối đầu công khai hơn.”[2]
ĐANG HƯỚNG ĐẾN MỘT THẾ GIỚI BỊ SỐC VỀ TÀI NGUYÊN
Tình trạng căng thẳng mô tả trên đây tự chúng có thể ngày một gia tăng bởi lẽ trong rất nhiều địa hạt nguồn cung những tài nguyên then chốt sẽ không đủ khả năng bắt kịp số cầu. Như thực tế đang cho thấy, nguồn cung không phải lực duy nhất. Trên hành tinh, một lực quan trọng thứ hai cũng đang giữ một vai trò không kém phần quan trọng. Thực vậy, với thực tế biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, mọi thứ đang trở nên kinh khủng hơn rất nhiều.
Thông thường, khi bàn về tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, chúng ta nghĩ đến môi trường trước tiên — tình trạng băng tuyết tan dần ở hai cực địa cầu, lá chắn băng giá Greenland, Arctic và Antarctic Circles, mực nước biển toàn cầu dâng cao, bảo tố ngày một khốc liệt, hiện tượng sa mạc hóa, nhiều chủng loại sinh vật lâm nguy và biến dạng như polar bear…
Nhưng một số chuyên gia ngày một đông đã hiểu được tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu sẽ được con người trải nghiệm trực tiếp qua sự làm suy yếu hay tàn phá môi trường sống cần thiết cho việc sản xuất thực phẩm, các hoạt động kỹ nghệ, hay để đơn thuần sinh sống. Quan trọng hơn hết, biến đổi khí hậu sẽ tàn phá nhân loại qua việc kiềm chế cách tiếp cận những gì thiết yếu cho đời sống: các tài nguyên cơ bản như thực phẩm, nước uống, đất đai, và năng lượng. Điều nầy sẽ vô cùng tai hại cho nhân sinh, ngay cả khi chỉ làm gia tăng nguy cơ bùng nổ mọi xung đột về tài nguyên.
Cho đến nay, chúng ta cũng đã có đủ kiến thức về các tác động tương lai của biến đổi khí hậu, để có thể tiên đoán khá chính xác những nguy cơ sau:
(1) Mực nước biển dâng cao trong vòng nửa thế kỷ tới sẽ xóa tan nhiều khu vực cận duyên, tàn phá các thị trấn lớn, các hạ tầng cơ sở thiết yếu, như xa lộ, đường hỏa xa, phi trường, các hệ thống ống dẫn, nhà máy lọc dầu, và các nhà máy phát điện, những ruộng đồng và đất dai nông nghiệp mầu mỡ.
(2) Giảm bớt vũ lượng, kéo dài hạn hán, tàn phá mùa màng, giảm thiểu năng suất thực phẩm, và biến hàng triệu người thành dân tỵ nạn biến đổi khí hậu.
(3) Bảo tố lớn và các đợt nóng bức cực kỳ sẽ phá hoại mùa màng, gây nạn cháy rừng, lụt lội, và tàn phá hạ tầng cơ sở.
Không ai có thể tiên đoán được hết các mức độ mất mát về thực phẩm, đất đai, nguồn nước, năng lượng, và tưởng tượng được hết những hậu quả khác của biến đổi khí hậu, nhưng tác động lũy tích sẽ vô cùng lớn lao.
Trong tác phẩm Resources Futures, Chatham House đã đưa ra một cảnh cáo đặc biệt kinh khủng khi nói đến vũ lượng suy giảm đối với nông nghiệp. Phúc trình cho biết, vào khoảng năm 2020, năng suất từ ngành nông nghiệp lệ thuộc vào vũ lượng có thể suy giảm đến gần 50% trong một vài vùng. Tỉ suất suy giảm cao nhất sẽ xẩy ra ở Phi Châu, nơi sự lệ thuộc vào ngành canh tác trông cậy vào vũ lượng lớn nhất, nhưng nông nghiệp ở TQ, Ấn Độ, Pakistan, và Trung Á cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những đợt oi bức , hạn hán, và các tác động khác của biến đổi khí hậu cũng sẽ giảm thủy lượng của nhiều con sông quan yếu, giảm thiểu số cung thủy lượng cần thiết cho nhu cầu tưới ruộng đồng, các nhà máy thủy điện, và các lò phản ứng hạt nhân cần nhiều nước để làm nguội nhà máy. Sự tan chảy các dòng băng tuyết, nhất là trong dảy núi Andes ở Mỹ La Tinh và Himalayas ở Nam Á , cũng sẽ đánh mất nhiều nguồn cung thủy lượng sinh tử đối với nhiều cộng đồng và thành phố. Một sự gia tăng trong tần số bão tố sẽ là những nguy cơ đe dọa đối với các giàn khoan dầu ngoài khơi, các nhà máy lọc dầu ven biển, các hệ thống dẫn và phân phối điện năng, và nhiều thành tố khác của hệ thống năng lượng.
Thực tế băng tuyết tan dần trong vùng Arctic sẽ mở rộng khu vực nầy cho việc thăm dò năng lượng, nhưng một sự gia tăng các “núi băng trôi” (iceberg activity) sẽ gây nhiều khó khăn, nguy cơ và tổn phí đối với nổ lực tìm kiếm, khai thác năng lượng trong vùng. Mùa gieo trồng mỗi năm ở Bắc bán cầu dài hơn, nhất là ở Siberia và các tỉnh Bắc Canada, có thể bù đắp một phần nào tình trạng đất canh tác khô cằn ở nhiều vĩ độ phía Nam. Tuy nhiên, chuyển dịch hệ thống canh nông toàn cầu từ các vùng nông thôn nay bất lợi cho nông nghiệp ở Hoa Kỳ, Mexico, Brasil, India, Trung Quốc, Argentina, và Australia, lên phía Bắc có thể là một viễn tượng không dễ dàng và rất dễ nản lòng.
Chúng ta có thể an toàn khi giả thiết biến đổi khí hậu, nhất là khi khi phối hợp với nạn thiếu hụt gia tăng trong số cung, sẽ đưa đến hậu quả một giảm sụt đáng kể các tài nguyên thiết yếu của hành tinh, làm gia tăng áp lực thường đưa đến xung đột, ngay cả trong những hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Trong chiều hướng nầy, theo phúc trình Chatham House, biến đổi khí hậu nên được hiểu như một “hệ số nhân đe dọa — một yếu tố nòng cốt làm trầm trọng thêm tính dễ thương tổn tài nguyên sẵn có”[3] trong những nước vốn dĩ đã dễ bị mất ổn định.
Cũng như các chuyên gia khác về đề tài nầy, các nhà phân tích Chatham House cho rằng: biến đổi khí hậu sẽ làm giảm sụt sản lượng mùa màng trong nhiều vùng, đẩy giá thực phẩm toàn cầu lên cao, và khởi động bất ổn trong số những ai đã bị đẩy tới giới hạn trong những điều kiện hiện hữu.
“Tần số gia tăng và tính nghiêm trọng của các biến cố thời tiết khắc nghiệt, như hạn hán, các đợt nóng oi bức, và lũ lụt, cũng sẽ kết thúc như những cú sốc mùa màng sâu rộng và thường xẩy ra trên khắp thế giới… Những cú sốc nầy sẽ ảnh hưởng đến giá thực phẩm toàn cầu mỗi khi các trung tâm then chốt trong các vùng sản xuất nông nghiệp phải gánh chịu tác động — làm trầm trọng thêm sự chao đảo trong giá thực phẩm toàn cầu.”[4] Điều nầy cũng sẽ làm gia tăng tiềm năng bất ổn định dân sự.
Khi một đợt sóng hạn hán tàn nhẫn phá hoại mùa lúa mì ở Nga trong mùa hè 2010, giá lúa mì và bánh mì toàn cầu đã không ngừng leo thang lên mức đặc biệt cao ở Bắc Phi và Trung Đông. Với các chính quyền địa phương không sẵn sàng hay không đủ phương tiện trợ giúp người dân đang tuyệt vọng, làn sóng giận dữ vì không đủ khả năng mua thực phẩm cùng với lòng phẫn uất đối với các chế độ chuyên quyền đã khởi động phong trào trỗi dậy của quảng đại quần chúng, một phong trào đã được biết đến dưới danh hiệu Mùa Xuân Á Rập.
Theo Chatham House, những bùng nổ như thế có thể xẩy ra trong tương lai nếu những khuynh hướng hiện nay cứ tiếp tục trong khi biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên đã giao thoa để trở thành một lực hợp nhất toàn cầu. Chỉ cần một câu hỏi mang tính kích động từ quần chúng cũng sẽ đủ để ám ảnh mọi người: “Phải chăng chúng ta đang ở trên đỉnh một trật tự thế giới mới khống chế bởi các cuộc tranh đấu giành giật cách tiếp cận các tài nguyên với mức giá có thể chịu đựng được?”
Đối với cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, hình như đang chịu ảnh hưởng của phúc trình, câu trả lời rất ngắn gọn. Trong tháng 3-2013, lần đầu tiên, Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia James R. Clapper đã liệt kê “cạnh tranh và khan hiếm liên quan đến tài nguyên thiên nhiên” như một đe dọa đối với an ninh quốc gia ngang hàng với khủng bố toàn cầu, chiến tranh truyền thông và kiểm soát tự động (cyberwar), và phổ biến nguyên tử.
Clapper đã viết trong một bản tuyên bố soạn sẵn trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện:
“Nhiều quốc gia quan trọng đối với Hoa Kỳ dễ bị thương tổn trước các cú sốc tài nguyên thiên nhiên đang làm suy giảm phát triển kinh tế, gây khó khăn cho nổ lực dân chủ hóa, nâng cao nguy cơ bất ổn định đe dọa chế độ, và làm trầm trọng thêm các căng thẳng cấp vùng. Thời tiết khắc nghiệt (lũ lụt, hạn hán, oi bức) sẽ gây thêm xáo trộn trên các thị trường thực phẩm và năng lượng, làm trầm trọng thêm sự suy yếu của nhà nước, buộc phải di dân, và khởi động rối loạn, thiếu trật tự dân sự, và phá hoại.”[5]
Chúng ta nên lưu ý một cụm từ mới trong lời bình luận của ông: “những cú sốc tài nguyên”(resource shocks). Nó gói ghém một cái gì trong thế giới chúng ta đang hướng tới, và ngôn ngữ đáng ngạc nhiên của cộng đồng tình báo, không mấy khác với chính quyền cộng đồng nầy đang phụng sự, phần lớn đang tìm cách xem thường hay tảng lờ những nguy cơ của biến đổi khí hậu. Lần đầu tiên, các chuyên gia phân tích cao cấp của chính quyền có thể đã lưu ý đến những gì các chuyên gia năng lượng, các nhà phân tích tài nguyên, và các khoa học gia từ lâu đã cảnh cáo: đà tiêu thụ không hạn chế tài nguyên thiên nhiên của thế giới phối hợp với sự xuất hiện của hiện tượng biến đổi khí hậu có thể đưa đến một bùng nổ hỗn độn và xung đột toàn cầu. Nói một cách khác, hiện chúng ta đang trực tiếp bước vào một thế giới đang bị sốc về tài nguyên.
Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
26-4-2013
[1] …recurrent drought, increasing demogaphic pressures, and political marginalization are among the forces that have pushed the region into a spiral of lawlessness and violence that has led to 300,000 deaths and the displacement of more than two million people since 2003.
[2] Against this backdrop of tight supplies and competition, issues related to water rights, prices, and pollution are becoming contentious. In areas with limited capacity to govern shared resources, balance competing demands, and mobilize new investments, tensions over water may erupt into more open confrontations.
[3] …climate change is best understood as a “threat multiplier…a key factor exacerbating existing resource vulnerability” in states already prone to such disorders.
[4] Increased frequency and severity of extreme weather events, such as droughts, heat waves, and floods, will also result in much larger and frequent local harvest shocks around the world…These shocks will affect global food prices whenever key centers of agricultural production area are hit — further amplifying global food price volatility.
[5] Many countries important to the United States are vulnerable to natural resource shocks that degrade economic development, frustrate attempts to democratize, raise the risk of regime-threatening instability, and aggravate regional tensions. Extreme weather events (floods, droughts, heat waves) will increasingly disrupt food and energy markets, exacerbating state weakness, forcing human migration, and triggering riots, civil disobedience, and vandalism.