Mặc
dù tìm cách tăng cường can dự vào các vấn đề an ninh ở khu vực châu
Á-Thái Bình Dương trong những năm gần đây nhưng NATO vấp phải không ít
trở ngại, trong đó đặc biệt là thách thức trong việc xử lý quan hệ với
Trung Quốc và Nhật Bản.
Từ
ngày 31/5-2/6, NATO cử một phái đoàn, dẫn đầu là Chủ tịch Ủy ban Quân
sự NATO, Tướng Bartels Knud, tham gia Đối thoại Shangri-La tại Xinhgapo.
Tại cuộc đối thoại này, Tướng Bartels đã tiến hành thảo luận vấn đề an
ninh khu vực với các đối tác của các nước châu Á, kể cả Tướng Shigeru
Iwasaki, Tham mưu Trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Trung tướng
Thích Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung
Quốc (PLA). Việc NATO can dự vào khu vực diễn ra ở một thời điểm thuận
lợi. Nhật Bản đã và đang nỗ lực vận động NATO tăng cường can dự ở châu Á
để trở thành một đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Là một đối
tác của NATO, Nhật Bản thường xuyên đóng góp hào phóng cho Lực lượng Hỗ
trợ An ninh Quốc tế tại Ápganixtan (ISAF). Cùng lúc đó, Trung Quốc dường
như cũng ngày càng nhận thấy cần phải tham gia các hoạt động của NATO
tại Ápganixtan, vì việc đóng góp của Bắc Kinh rất quan trọng cho sự ổn
định biên giới của Trung Quốc. Tất nhiên Bắc Kinh vẫn cảnh giác và coi
NATO là một công cụ sức mạnh của Mỹ và phản đối vai trò của NATO ở Đông
Bắc Á.
Trong
chuyến thăm Nhật Bản giữa tháng 4/2013, Tổng thư ký NATO Anders Fogh
Rasmussen và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký một bản tuyên bố chính
trị chung giữa Nhật Bản và NATO. Đây là lần đầu tiên NATO và Nhật Bản
công bố một tài liệu và khẳng định chia sẻ những giá trị chung.
Thực
tế, hàng chục năm qua Nhật Bản là một trong những "đối tác toàn cầu"
của NATO. Nhật Bản đã hỗ trợ các chiến dịch quân sự của NATO ở khu vực
Balkan, các hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden và tái thiết
Ápganixtan. Trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng Thư ký Rasmussen có các
cuộc hội đàm với nhiều quan chức cấp cao của chính quyền và Quốc hội
Nhật Bản như Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, Bộ trưởng Quốc phòng
Itsunori Onodera, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Katsuyuki Kawai
và nhiều nghị sĩ khác về các vấn đề chủ yếu liên quan đến an ninh của
Nhật Bản và khu vực.
Chuyến
thăm Tokyo của Tổng Thư ký Rasmussen không phải chuyến thăm chính thức
đầu tiên giữa NATO và Nhật Bản. Đầu những năm 1990, hai bên bắt đầu các
cuộc đối thoại chiến lược cấp cao tại Sở chỉ huy NATO ở Brussels của Bỉ
và Tokyo, Nhật Bản. Cuộc đối thoại đã trở thành cầu nối và dẫn đến các
chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop
Scheffer vào tháng 4/2005 và tháng 12/2007. Ngược lại Thủ tướng Nhật Bản
Abe đến thăm Brussel vào tháng 1/2007 để yêu cầu hai bên tăng cường hợp
tác; Bộ trưởng Ngoại giao Takeaki Matsumoto cũng hội đàm với Tổng Thư
ký Rasmussen tại Brussels tháng 5/2011. Hơn 3 năm qua, các quan chức
Nhật Bản phối hợp với NATO để tổ chức chuyến thăm “có đi có lại” đến
Nhật Bản của Tổng Thư ký Rasmussen và công bố một bản tuyên bố chính trị
về hợp tác giữa hai bên. Nhật Bản hy vọng NATO có thể ủng hộ nước này
về mặt chính trị trong các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Các quan
chức Nhật Bản cũng kêu gọi NATO truyền đạt “tham vọng chiến lược” của
liên minh với Trung Quốc rằng không loại trừ việc NATO có thể đứng về
phía các nước đồng minh của Mỹ trong cuộc xung đột chống Trung Quốc ở
khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hơn 20 năm qua, Nhật Bản không ngừng đẩy
mạnh quan hệ chính trị với NATO thông qua các khoản tài trợ đáng kể cho
những chiến dịch của liên minh ở khu vực Balkan và sau đó tại
Ápganixtan. Thậm chí sau khi Nhật Bản chịu 3 thảm họa lớn: động đất,
sóng thần và hạt nhân, Tokyo tiếp tục cung cấp viện trợ tài chính cho
Ápganixtan. Nhật Bản cũng đóng góp lực lượng cho ISAF, đóng góp cho các
nỗ lực tái thiết và phát triển và thậm chí trở thành nhà đầu tư số một
trong việc xây dựng mạng lưới giao thông ở Ápganixtan. Tháng 7/2012,
Nhật Bản tổ chức hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Ápganixtan tại
Tokyo và Tokyo cam kết viện trợ 5 tỷ USD cho Ápganixtan trong 5 năm.
Đáng
chú ý, NATO và Nhật Bản tổ chức nhiều cuộc thảo luận nội bộ về các vấn
đề hai bên cùng quan tâm. Nhưng một số nước thành viên châu Âu của NATO
rất lo ngại tình hình an ninh dễ mất ổn định ở các khu vực xung quanh
của họ nên không muốn liên minh mở rộng lực lượng quá mỏng. Ngoài ra,
việc phi quân sự hóa của châu Âu khiến NATO khó có khả năng tăng cường
sức mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và hiện nay người châu Âu rất
lo ngại chiến lược tái cân bằng của Mỹ sẽ ưu tiên các nguồn lực có giới
hạn cho châu Á, từ đó NATO có thể phải gánh vác thêm vai trò bảo đảm an
ninh ở các khu vực khác trên thế giới.
Nhưng
trở ngại chủ yếu của NATO tại châu Á vẫn là quan hệ NATO-Trung Quốc.
NATO phát triển quan hệ với Trung Quốc sau Nhật Bản. Hai bên hoàn toàn
không quan hệ với nhau trong Chiến tranh Lạnh và suốt thập niên 1990.
Năm 1999, vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade của Nam Tư cũ
gây nên sự phản đối chính thức và các cuộc biểu tình mang tính dân tộc
chủ nghĩa chống NATO của Trung Quốc và Bắc Kinh coi NATO là kẻ thù không
đội trời chung. Nhưng sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và
việc NATO triển khai lực lượng tại Ápganixtan, Trung Quốc bắt đầu quan
tâm đến liên minh. Vì Ápganixtan cũng là một mối lo ngại an ninh từ lâu
của Trung Quốc. Năm 2002, lần đầu tiên Đại sứ Trung Quốc gặp Tổng Thư ký
lúc đó là Tướng Robertson tại Brussels. Tiếp đó hai bên cũng tổ chức
một số cuộc họp cấp cao, kể cả chuyến thăm Trung Quốc của Phó Tổng Thư
ký NATO Bisogniero vào tháng 11/2009. Nhưng NATO và Trung Quốc không có
các cuộc đối thoại chiến lược như NATO và Nhật Bản và đến nay chưa Tổng
Thư ký NATO nào đến thăm Trung Quốc. NATO chia sẻ nhiều lợi ích an ninh
quan trọng với Trung Quốc, kể cả sự ổn định của Ápganixtan và Trung Á
cũng như cuộc chiến chống cướp biển và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng
loạt.
Đặc
biệt, NATO coi Trung Quốc là một nước đóng vai trò quan trọng ở
Ápganixtan, mặc dù Bắc Kinh sau này mới nhận thấy tầm quan trọng của họ.
Trung Quốc ủng hộ NATO tại Ápganixtan với tư cách của một Ủy viên
Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tăng cường hiện diện kinh
tế tại Ápganixtan thông qua các khoản viện trợ và đầu tư. Đến nay tổng
số viện trợ của Trung Quốc cho Ápganixtan dự kiến đạt hơn 1 tỷ USD, chưa
kể các khoản đầu tư thực tế của Trung Quốc liên quan đến các dự án khai
thác tài nguyên, ví dụ năm 2007 một công ty Trung Quốc đã ký một thỏa
thuận trị giá 3,7 tỷ USD với Chính phủ Ápganixtan nhằm phát triển mỏ
đồng Anyak ở phía Nam thủ đô Kabul. Ápganixtan có chung biên giới và rất
quan trọng đối với Trung Quốc, vì Bắc Kinh coi nước này như một hành
lang vận chuyển hàng hóa và các đường ống dẫn dầu và khí đốt đến Trung
Quốc từ khu vực Nam và Tây Á. Ngoài ra Trung Quốc cũng giúp NATO tổ chức
huấn luyện một số lực lượng an ninh Ápganixtan. Rõ ràng NATO rất quan
tâm duy trì quan hệ và hợp tác tốt với Trung Quốc. Do đó bất cứ mâu
thuẫn nào với Trung Quốc có thể tác động bất lợi đến các hoạt động của
NATO tại Ápganixtan và những nơi khác ở châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù
các quan chức Trung Quốc tiếp xúc với NATO một cách thận trọng, nhưng
cũng chính thức bày tỏ sự quan tâm hợp tác với liên minh trên cơ sở “tin
cậy lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và hợp tác”. Trên thực tế, một số
trường đại học của Trung Quốc đã thành lập trung tâm nghiên cứu NATO.
Ngoài ra, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng cử một số sĩ quan cao
cấp tham dự một số chương trình huấn luyện quân sự khác nhau do NATO tổ
chức.
NATO
quan hệ với Nhật Bản nhưng vẫn lo ngại Trung Quốc. Trong bài phát biểu
tại Tokyo , Tổng Thư ký Rasmussen nhấn mạnh các giá trị phổ biến mà Nhật
Bản và NATO cùng chia sẻ. Ông cho biết: “NATO và Nhật Bản có tư tưởng
giống nhau. Chúng ta có các giá trị giống nhau. Chúng ta chia sẻ các
thách thức an ninh tương tự. Và chúng ta cùng chung nguyện vọng hợp tác
với nhau. Do đó chúng ta có thể giúp Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế
củng cố hệ thống quốc tế trên cơ sở luật pháp, xây dựng an ninh và ổn
định trong và ngoài các khu vực của chúng ta”. Nhưng ông Rasmussen cho
biết mặc dù chia sẻ những giá trị chung, nhưng quan điểm toàn cầu của
liên minh không có nghĩa là NATO tìm cách hiện diện ở khu vực châu
Á-Thái Bình Dương mà tìm cách hợp tác với khu vực, và Nhật Bản là một
đối tác quan trọng của nỗ lực này. Trong suốt thời gian chuyến thăm, ông
Rasmussen vẫn giữ khoảng cách nhất định về các vấn đề giữa Nhật Bản và
Trung Quốc. Ông Rasmussen không đề cập đến Trung Quốc trong bài phát
biểu và điều đó khiến các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản hết sức
thất vọng. Tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Nhật Bản, trả lời câu hỏi về
quan điểm của NATO đối với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh hải
ngày càng tăng với Nhật Bản, ông Rasmussen nói: “Chúng tôi không coi
Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp các đồng minh của NATO. Chúng tôi hy
vọng Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng trên trường quốc tế
một cách hòa bình và xây dựng để duy trì nền hòa bình và ổn định quốc
tế”. Rõ ràng ông Rasmussen đã sử dụng những từ ngữ thận trọng và thích
hợp để đề cập đến Trung Quốc và vai trò quốc tế của nước này. Ông khẳng
định: “Tôi rất muốn chứng kiến một cuộc đối thoại chặt chẽ giữa NATO và
Trung Quốc. NATO hoạt động trên cơ sở các sứ mệnh của Liên hợp quốc. Và
chúng tôi có mối quan hệ đặc biệt với 4/5 ủy viên thường trực Hội đồng
Bảo an Liên Hợp Quốc. Bởi vì 3 trong số 4 thành viên đó là đồng minh:
Mỹ, Anh và Pháp. Và nước thứ 4 là Nga, chúng tôi có mối quan hệ đối tác
đặc biệt thông qua Hội đồng Nga-NATO. Nhưng với nước thành viên thứ 5 là
Trung Quốc, tôi muốn chứng kiến hai bên sẽ có các cuộc đối thoại chặt
chẽ và toàn diện hơn để góp phần ngăn chặn mọi sự hiểu lầm”.
Mặc
dù Nhật Bản có chung các giá trị quản lý dân chủ giống phương Tây,
nhưng ông Rasmussen vẫn thận trọng không phát ra bất cứ tín hiệu nào có
thể được coi như một dấu hiệu ủng hộ Nhật Bản trong một cuộc xung đột
với Trung Quốc. Trong khi trả lời các câu hỏi của giới truyền thông Nhật
Bản, ông khẳng định NATO không có ý định hiện diện như một liên minh ở
châu Á. Vì vậy ông Rasmussen đã xóa bỏ tất cả mọi dấu hiệu về một tham
vọng chiến lược hay quan điểm ủng hộ của NATO mà Nhật Bản có thể mong
muốn. Mặc dù tuyên bố chung được ký trong chuyến thăm của ông Rasmussen
nhấn mạnh đến các từ “đảm bảo tự do hàng hải” và điều đó có thể được coi
là một tuyên bố của NATO về cuộc tranh chấp lãnh hải hiện nay ở Biển
Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng khi nhắc đến các khu vực có
thể đối thoại và hợp tác hơn nữa, đoạn 10 của tuyên bố lại cho rằng hai
bên tăng cường hợp tác chống cướp biển chứ không hề đề cập đến hợp tác
giải quyết tranh chấp lãnh hải. Một quan chức Nhật Bản nói: "Chúng tôi
không hy vọng NATO có những hành động cụ thể mà muốn họ ủng hộ tinh thần
và khẳng định các vấn đề ở khu vực châu Á phải được giải quyết bằng
biện pháp hòa bình. Chúng tôi hy vọng NATO sẽ khuyến khích Trung Quốc
trở thành nước hành động dựa trên cơ sở quy định luật pháp hơn nữa”. Tóm
lại, do hiện nay NATO đang có nhiều hạn chế, ông khẳng định: “NATO
không có ý định hiện diện như một liên minh ở châu Á, mặc dù chúng tôi
rất muốn can dự với các quốc gia ở châu Á”. Ông muốn NATO có một cuộc
đối thoại rộng rãi hơn với Trung Quốc, nhưng không cho biết NATO sẽ hành
động thế nào để thuyết phục Trung Quốc theo đuổi cách tiếp cận đa
phương nhằm giải quyết các tranh chấp và giúp tạo ra các cuộc đối thoại
như NATO mong muốn trong khu vực.
Mạng Jamestown Foundation
Thuỳ Anh (gt)